Ngày thứ ba (15-12-2020) – Trang suy niệm

14/12/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần III Mùa Vọng Năm B

BÀI ĐỌC I: Xp 3, 1-2. 9-13

“Chúa hứa ban ơn cứu độ cho những người nghèo khó”.

Trích sách tiên tri Xôphônia.

Chúa phán: Khốn cho thành phản nghịch và ô uế, cho thành làm sự hung bạo. Nó không nghe lời, không chịu sửa dạy, không tin tưởng vào Thiên Chúa, không đến gần Chúa mình.

Bấy giờ Ta sẽ cho dân Ta môi miệng thanh sạch để mọi người kêu cầu danh Chúa và nhất tâm phụng sự Người. Từ phía bên kia các sông xứ Ethiôpi, con cái những kẻ tha hương kêu cầu Ta, đem lễ vật đến dâng cho Ta.

Ngày đó, ngươi sẽ không còn phải xấu hổ vì các lỗi lầm của ngươi đã phạm đến Ta. Vì Ta sẽ cất xa khỏi ngươi những kẻ chiến thắng kiêu căng và từ đây, ngươi sẽ mãi mãi được vinh quang trên núi thánh Ta. Ta sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo khó và thiếu thốn và họ sẽ tin tưởng vào danh Chúa. Những người Israel còn sót lại sẽ không làm điều gian ác, không nói dối, người ta không thấy chúng nói lời phỉnh gạt. Chúng sẽ như đàn chiên ăn cỏ và nghỉ ngơi, và sẽ không ai làm phiền chúng. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 6-7. 17-18. 19 và 23

Đáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).

Xướng:

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Ngài. Trong Chúa, linh hồn tôi hãnh diện. Bạn nghèo hãy nghe và hãy vui mừng. – Đáp.

2) Hãy nhìn về Chúa, để các bạn sẽ vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Ngài đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. – Đáp.

3) Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. – Đáp.

4) Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương tan nát. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Ngài, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Ngài, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. – Đáp.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! – Này đây Chúa đến để cứu dân Người; hạnh phúc thay những ai sẵn sàng đón rước Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 21, 28-32

“Gioan đến và những kẻ tội lỗi tin ngài”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng, con đi’. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

15/12/2020 – THỨ BA TUẦN 3 MV

Mt 21,28-32

NGƯỜI CON ĐẸP LÒNG CHA

“Nó hối hận, nên lại đi.” (Mt 21,29)

Suy niệm: Con người không ai là hoàn hảo và không bao giờ sai. Điều quan trọng là hành động chứ không chỉ nói suông, và khi biết mình đã làm sai thì biết sửa chữa sai lầm. Người cha trong câu chuyện Tin Mừng hẳn rất đau khổ vì người con hư, ngoài miệng vâng dạ nhưng lại trở mặt, không làm theo lời cha. Còn người con đã từng nói không với cha, đã từng làm cha buồn lòng, nhưng nghĩ lại, hối hận và sửa chữa sai lầm bằng cách đi làm vườn nho như lời cha dạy. Đức Giê-su Ki-tô chính là Con yêu dấu của Chúa Cha nhập thể làm “Trưởng Tử của đàn em đông đúc” (x. Rm 8,29) sửa chữa đền bù lỗi lầm của đàn em đó bằng việc “vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Trong Ngài, Người Con luôn đẹp lòng Chúa Cha, chúng ta được phục hồi địa vị làm con cái Thiên Chúa, và được chung hưởng gia nghiệp Thiên quốc.

Mời Bạn: “Hối hận là sự hồi sinh vĩ đại nhất” (Lailah G. Akita). Khi một người hối hận và sửa sai là người ấy bắt đầu một cuộc sống mới. Sứ điệp của Chúa Giê-su Ki-tô luôn là lời mời gọi hãy sám hối để đón nhận Nước Trời. Đáp lại lời mời đó, chúng ta hối hận và sửa sai để được sống lại trong mối tương quan với Thiên Chúa bằng việc tìm kiếm và vâng phục thánh ý Chúa trong tâm tình yêu mến.

Sống Lời Chúa: Trong Mùa Vọng này, quyết tâm sửa đổi chừa bỏ một tính hư nết xấu để không phụ tình Cha.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con đã nhiều lần hứa với Cha quyết tâm hoán cải, nhưng con đã không thực hiện. Xin cho con biết thật lòng hoán cải để không phụ lòng Cha. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm: 

“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?
Ai đã cho ông quyền ấy” (c. 23).
Hai câu hỏi của giới lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem đặt cho Đức Giêsu.
Làm các điều ấy là vào thành thánh giữa đoàn dân tung hô vang dội,
là đuổi những người buôn bán trong Đền thờ,
là chữa bệnh và giảng dạy ở đó (Mt 21, 12-15).
Ai là Đấng đã cho ông Giêsu quyền ấy?
Đây không phải là câu hỏi để thượng tế và kỳ mục tìm thông tin.
Đây là câu hỏi để họ tìm thêm lý lẽ nhằm bắt bẻ Đức Giêsu khi có dịp.

Đức Giêsu đã không trực tiếp trả lời câu hỏi này.
Hay đúng hơn Ngài trả lời bằng cách đặt một câu hỏi khác (c. 24).
Ngài chỉ hỏi họ đúng một điều thôi, về nguồn gốc phép rửa của Gioan.
“Do trời hay do người phàm”, do Thiên Chúa hay do loài người (c. 25).
Câu hỏi này lập tức đưa họ vào thế bị động, lưỡng nan.
Nếu do Thiên Chúa, tại sao họ lại không tin Gioan? (c. 25).
Nhưng họ lại không dám bảo phép rửa của Gioan là do người phàm,
vì dân chúng tin Gioan là một ngôn sứ (c. 26),
nghĩa là người của Thiên Chúa, người được sai để nói lời của Ngài.

Các thượng tế và kỳ mục đã không dám trả lời câu hỏi của Đức Giêsu.
Nếu nhìn nhận phép rửa của Gioan là đến từ Thiên Chúa,
thì họ cũng phải nhìn nhận Đức Giêsu,
vì Gioan làm chứng Đức Giêsu là Đấng Mêsia.
Điều này thì họ không hề muốn, vì nó đòi họ phải thay đổi cuộc sống,
thay đổi mọi lối suy nghĩ và mọi niềm tin xưa nay.
Ngược lại nếu coi thường phép rửa của Gioan, họ lại sợ dân chúng.
Họ không dám đi ngược với cái nhìn của dân, vì muốn được lòng dân.
Rõ ràng họ không có tự do để chọn một trong hai.
Đức Giêsu đã bắt họ phải công khai quan điểm của mình.
Nhưng họ đã chọn thái độ né tránh: “Chúng tôi không biết.” (c. 27).
Nói câu này trước mặt dân chúng thì quả là khó nghe và khó tin.
Làm sao họ lại không biết chuyện quan trọng đó?
Vì họ không thỏa mãn điều kiện Đức Giêsu đưa ra (c. 24),
nên Ngài sẽ không trả lời cho họ biết Ngài dùng quyền nào (c. 27).

Thành thật với chính mình thật khó biết bao!
Đón nhận sự thật với trọn cả tâm hồn đòi phải trả giá.
Sự thật bao giờ cũng đòi ta đổi đời, không để ta yên.
Chính vì thế ta thích quanh co và dễ né tránh sự thật.
Nhưng dù ta có né tránh sự thật, thì sự thật vẫn cứ theo đuổi ta luôn.
Chẳng ai làm át được tiếng nói của sự thật.
Mùa Vọng là thời gian ra khỏi bóng tối của dối trá, để đón lấy sự thật.
Chỉ cần bớt một chút cứng cỏi của tự mãn về cái tôi,
thêm một chút mềm mại của tình yêu khiêm hạ,
là ta có cơ may gặp được chân lý như đám đông dân chúng.
Và chân lý sẽ cho ta được tự do (Ga 8, 32).

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ. 

Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con. 

Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại. 

 

Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen. 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

15 THÁNG MƯỜI HAI

Ngài Đã Vượt Qua Mọi Giới Hạn

Một trong những đặc điểm của đức tin Kitô giáo chúng ta, đó là Thiên Chúa hiện diện rất gần gũi chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô tuyên bố: “Chúa đang đến gần,” và chân lý này không ngừng âm vang trong suốt cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa gần gũi bởi vì Ngài đã tự mạc khải chính Ngài cho con người. Ngài đã ngỏ lời qua các ngôn sứ, và trong thời sau hết, Ngài đã nói qua Con của Ngài (Dt 1,1-2).

Thiên Chúa gần gũi, bởi vì nơi người Con này, nơi Lời vĩnh cửu, Ngài đã trở thành phàm nhân. Sinh hạ tại Bê-lem bởi Đức Trinh Nữ Maria, Đức Giêsu Na-da-rét đã ‘làm việc bằng đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, đã yêu mến bằng trái tim con người’ – như chúng ta đọc thấy trong một văn kiện của Công Đồng. “Ngài đã thực sự trở nên một người ở giữa chúng ta, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi” (MV 22). Thậm chí Ngài đã trở thành thấp hèn, vâng phục cho đến chết. Ngài bị xử tử trên Thập Gía. Có thể nói rằng trong hành động tiến tới với con người, Ngài đã vượt qua mọi giới hạn.

Hơn nữa, tiến tới với con người, Ngài đã mặc lấy hình dạng của bánh và rượu trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài đã trở nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta. Một lần nữa, qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài đã vượt qua mọi giới hạn mà con người có thể tưởng tượng ra.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 15/12

Xp 3, 1-2. 9-13; Mt 21, 28-32.

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”

          Trước sự cứng lòng và thiếu thành thật của các thượng tế và các kỳ mục trong dân. Chúa Giêsu đã đưa ra “Dụ Ngôn Hai người Con” để đánh thức sự sám hối; hầu cứu giúp các ông có thể được vào Nước Thiên Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết sám hối sau những lỗi phạm hằng ngày, để chúng con được vui sống trong bình an của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

15 Tháng Mười Hai

Xin Một Chút Ánh Sáng 

Triết gia Diogène nổi tiếng là người hạnh phúc nhất trên đời, thế nhưng cuộc sống của ông lại rất đơn sơ nghèo nàn. Ông sống trong một cái thùng, ngày ngày nằm đọc sách nhờ ánh sáng qua lỗ hỏng ở vách thùng. Cơ nghiệp của ông vỏn vẹn chỉ có một cái bát gỗ dùng để múc nước sông mà uống. Thế nhưng, một hôm ra sông để lấy nước, ông thấy có một em bé chăn cừu dùng hai tay để vục nước mà uống. Thế là ông ném cái bát đi và từ đó chỉ dùng tay mà uống nước.

Vua Hy Lạp nghe biết ông là người hạnh phúc nhất đời bèn tìm đến tận nơi để thăm. Thấy ông đang nằm đọc sách, nhà vua lại gần để hỏi xem ông có cần gì không. Diogène không trả lời. Nhà vua hỏi vặn nhiều lần, ông điềm tĩnh trả lời như sau: “Hạ thần chỉ xin bệ hạ một điều và chỉ một điều mà thôi: xin bệ hạ tránh ra để hạ thần có đủ ánh sáng mà đọc sách”. Diogène đã đuổi khéo nhà vua vì sợ bị sa vào tròng danh lợi mà mất cái niềm vui thảnh thơi trong cuộc đời thanh bần đơn sơ.

Ai trong chúng ta cũng muốn giàu có. Thế nhưng giàu có không hẳn đem lại hạnh phúc thật sự cho chúng ta. Chỉ có những ai có tinh thần nghèo khó, chỉ có những ai không coi tiền của như cứu cánh của cuộc đời, những người đó mới thực sự có hạnh phúc.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba Tuần III MV

Bài đọc: Zeph 3:1-2, 9-13; Mt 21:28-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải sống theo sự thật.

Khi con người phải đối diện với sự thật, có nhiều phản ứng khác nhau: Có những người dửng dưng với sự thật, vì không nhìn ra được sự quan trọng của nó. Có những người sợ sự thật, vì sự thật mất lòng. Nếu họ biết, họ phải thi hành sự thật. Ví dụ, nhiều người biết những gì Chúa nói là sự thật; nhưng họ không muốn tin, vì nếu tin họ phải giữ những gì Chúa dạy. Có những người muốn tiêu hủy sự thật, vì nó phơi bày những giả dối của họ ra ánh sáng cho mọi người nhìn thấy. Sau cùng, có những người yêu mến sự thật và nhiệt thành tìm kiếm; vì sự thật giúp họ nhận ra những lầm lỗi khuyết điểm để sửa chữa thành những người tốt đẹp hơn. Điều quan trọng con người cần biết là sự thật giải thóat. Dù con người không có tội vì không biết sự thật, họ vẫn phải lãnh nhận mọi hậu quả vì tội dửng dưng, quay lưng, hay tiêu diệt sự thật.

Các Bài đọc hôm nay xoay quanh vấn đề cần biết và sống theo sự thật. Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Isaiah vạch ra cho dân thấy tai hại của việc quay lưng lại với Thiên Chúa, nguồn gốc của sự thật; và chạy theo những ảo tưởng như tin vào sức mình hay các thần ngọai bang. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vạch ra cho các Kinh-sư và Biệt-phái biết: Các người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Trời trước họ; vì mặc dù tội lỗi, nhưng họ biết ăn năn hối cải để lãnh nhận ơn tha thứ và làm lại cuộc đời. Nếu họ không chịu tin và thi hành những gì Gioan Tẩy Giả và chính Ngài nói với họ, họ sẽ không được hưởng Nước Trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Giống nòi phản lọan không nghe tiếng kêu mời, cũng chẳng tiếp thu lời sửa dạy.

1.1/ Dân Israel không nghe lời Thiên Chúa: Tiên Tri Sophonia là tiên tri sống trong Thời Lưu Đày, ông cho dân biết lý do tại sao Jerusalem bị thất thủ và dân bị lưu đày: “Khốn cho thành phản loạn và ô uế, khốn cho thành tàn bạo, không nghe tiếng kêu mời, chẳng tiếp thu lời sửa dạy, không cậy trông vào Đức Chúa, chẳng đến gần Thiên Chúa của mình.” Thành Jerusalem là Thành Thánh của Thiên Chúa ngự; thế mà nay trở nên Thành phản lọan, ô uế, và tàn bạo. Lý do là vì dân Thành đã làm ngơ trước những lời kêu mời và sửa dạy của các tiên tri Chúa gởi tới. Họ không còn trông cậy vào Thiên Chúa nữa, nhưng tin tưởng vào sức mạnh của mình, và chạy theo các thần ngọai bang.

1.2/ Chúa sửa sọan một dân mới: Mục đích Thiên Chúa sửa phạt không phải để tiêu diệt, nhưng để thanh luyện làm cho dân biết nhận ra và sống theo sự thật, theo ý muốn và đường lối của Ngài. Dân mới Thiên Chúa sửa sọan để mang trở về Jerusalem sẽ gồm 2 lọai người: những người không phải là dân Do-Thái, nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa và phục vụ Ngài; những người Do-Thái còn sót lại, họ nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và ăn năn trở lại với Ngài. TT viết: “Bấy giờ, Ta sẽ làm cho môi miệng chư dân nên tinh sạch để tất cả đều kêu cầu danh Đức Chúa và kề vai sát cánh phụng sự Người. Từ bên kia sông ngòi xứ Kush, những kẻ tôn thờ Ta, những kẻ đã bị Ta phân tán, sẽ mang lễ vật đến kính dâng Ta. Ngày ấy, ngươi sẽ không còn phải hổ thẹn vì mọi hành vi ngang trái chống lại Ta. Bấy giờ, Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng, và ngươi sẽ không còn nghênh ngang trên núi thánh của Ta nữa.”

1.3/ Dân còn sót lại sẽ nghe lời và làm theo ý Thiên Chúa: Thời gian Lưu Đày làm cho người Do-Thái nhận ra những sai trái của họ vì đã không tin tưởng và cậy trông nơi Thiên Chúa; đồng thời cũng khích lệ họ biết khiêm nhường và sống theo những gì Thiên Chúa dạy. Khi dân đã nhìn ra điều này, Thiên Chúa sẽ tiếp tục chăm sóc họ: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. Số dân Israel còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ.”

2/ Phúc Âm: Nói nhưng không làm theo ý Thiên Chúa.

2.1/ Dụ ngôn hai người con: Để dạy cho các Kinh-sư và Biệt-phái một bài học về sự thật, Chúa Giêsu đưa ra cho họ một dụ ngôn: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.”

2.2/ Hai người con tượng trưng cho hai hạng người:

(1) Những người thu thuế và gái điếm: Chúa Giêsu ví những người này như người con thứ nhất. Nếu xét theo bề ngòai, họ là những người tội lỗi, và không để tâm đến những gì Chúa dạy bảo. Nhưng khi họ được cơ hội nghe những gì Gioan Tẩy Giả rao giảng hay được Chúa Giêsu kêu mời, họ lập tức thay đổi cuộc sống, và tin vào Tin Mừng. Như lời Đức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.” Những người đã ăn năn và tin theo Chúa Giêsu cũng không thiếu. Tin Mừng kể ra những người như: Matthêu và Jachaeus là những người thu thuế; Mary Magdalene là gái điếm; người trộm lành tin vào Chúa Giêsu trong những giây phút cuối của cuộc đời anh ta.

(2) Những Biệt-phái và Kinh-sư: Chúa Giêsu ví những người này như người con thứ hai. Nếu chỉ xét bề ngòai: thẻ kinh và những tua áo họ đeo, thông biết Lề Luật, đọc kinh sách nhiều lần trong ngày; họ là những người tốt lành vì họ giữ cẩn thận những gì Chúa dạy. Nhưng Thiên Chúa không chỉ nhìn và xét theo dáng vẻ bên ngòai, Ngài thấu suốt và phán xét theo tâm tình bên trong. Ngài nhìn thấy họ chỉ thờ Thiên Chúa bằng môi miệng nhưng lòng họ xa Thiên Chúa vạn dặm, đeo thẻ kinh lớn và mang nhiều tua áo để được tiếng khen, thông biết Lề Luật nhưng không thi hành, đọc kinh nhiều để nuốt trọn gia tài các bà góa. Gioan Tẩy Giả nghiêm khắc răn bảo họ hãy thật lòng ăn năn xám hối, vì cây rìu đã chờ sẵn dưới gốc cây; nhưng họ vẫn cứng lòng không chịu trở lại. Chúa Giêsu nhìn thấu tận đáy lòng và mắng họ như những mồ mả tô vôi, bên ngòai trông rất đẹp, nhưng bên trong tòan những giòi bọ rúc rỉa. Họ không những không ăn năn trở lại, mà còn tìm cách để giết luôn Chúa Giêsu.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta không chỉ cần biết sự thật, nhưng còn phải thi hành sự thật.

– Phải biết nhìn nhận tội lỗi và sửa sai kịp thời. Chúng ta đừng bao giờ có thái độ tự nhận mình là người công chính và khinh thường người khác; nhưng phải luôn biết khiêm nhường xét mình và thú nhận tội lỗi với Thiên Chúa.

– Chúng ta phải lãnh nhận mọi tai hại và thiệt thòi của việc khinh thường và không sống theo sự thật.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************