Ngày thứ ba (16-01-2024) – Trang suy niệm

15/01/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba tuần 2 Thường Niên – Năm B

BÀI ĐỌC I: 1 Sm 16, 1-13

“Samuel xức dầu cho Đavít trước mặt các anh em ngài; và Thánh Thần ngự xuống trên ngài”.

Bài trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: “Ta đã loại bỏ Saolê không cho cai trị Israel nữa, thế mà ngươi còn thương khóc nó đến bao giờ? Ngươi hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường; Ta sai ngươi đến nhà Isai dân thành Bêlem. Vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua”. Samuel thưa: “Làm sao mà đi được? Vì nếu Saolê hay biết việc đó, ông sẽ giết con”. Chúa nói: “Ngươi hãy tự tay bắt một con bê trong đàn, và nói: ‘Tôi đến để dâng lễ tế lên cho Chúa’. Ngươi sẽ mời Isai đến để dự lễ tế, Ta sẽ tỏ cho ngươi biết việc phải làm, và sẽ chỉ cho ngươi biết phải xức dầu cho ai?” Vậy Samuel làm như lời Chúa dạy và đi đến Bêlem. Các vị kỳ lão trong thành bỡ ngỡ chạy đến Samuel mà nói rằng: “Ông đem bình an đến chăng?” Ông đáp: “Phải, bình an! Tôi đến để dâng lễ tế cho Chúa. Các ông giữ mình thanh sạch và cùng tôi đến dâng của lễ”. Vậy ông làm cho Isai và con cái ông ấy được thanh sạch và mời họ đến dâng lễ tế. Khi (họ) vào nhà, Samuel gặp ngay Êliab và nói: “Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?” Và Chúa phán cùng Samuel: “Đừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo kiểu con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Isai gọi Abinađab đến và dẫn đến trước mặt Samuel. Samuel nói: “Cũng không phải Chúa chọn người này”. Isai cho dẫn Samma đến. Samuel lại nói: “Nhưng Chúa cũng không chọn người này”. Isai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai: “Chúa không chọn ai trong những người này”. Samuel nói tiếp: “Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?” Isai đáp: “Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên”. Samuel nói với Isai: “Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về”. Isai sai người đi tìm đứa con út. Đứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Đavít từ ngày đó trở đi. Còn Samuel đứng dậy trở về Rama.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 88, 20. 21-22. 27-28

Đáp: Ta đã gặp Đavít là tôi tớ của Ta (c. 21a).

1) Xưa trong cuộc thị kiến, Chúa đã phán cùng bầy tôi Chúa: “Ta đội mão triều thiên cho vị anh hùng, Ta cất nhắc người được kén chọn tự trong dân. (2) Ta đã gặp Đavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. (3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha tôi, là Thiên Chúa và Tảng Đá cứu độ của tôi”. Và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở trần gian.

ALLELUIA: Ga 8, 12

All. All. – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – All.

PHÚC ÂM: Mc 2, 23-28

“Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Đavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

16/01/2024 – THỨ BA TUẦN 2 TN

Mc 2,23-28

GIỮ GIỚI RĂN VỚI TÌNH YÊU MẾN

Đức Giê-su nói tiếp: “Ngày Sa-bát được lập ra vì loài người, chứ không phải loài người được dựng nên vì ngày Sa-bát, bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sa-bát.” (Mc 2,27-28)

Suy niệm: Có bạn trẻ than van: “Đạo Chúa sao nhiều luật lệ quá, nhiều cấm đoán quá!” Bạn trẻ ấy quên rằng trong xã hội loài người, bất cứ một cơ cấu nào cũng phải có luật lệ để ổn định và phát triển. Bạn tới một ngôi nhà và thấy dép giày sắp lớp ở cửa, bạn biết rằng nhà này có qui định cởi giày dép trước khi bước vào. Một gia đình nhỏ cũng có luật lệ riêng đấy chứ! Tuy nhiên, luật lệ trong Hội Thánh khác luật lệ của tất cả các cơ chế khác ở điểm này: Đức Giê-su nói trong Tin Mừng hôm nay, “Con Người làm chủ luôn cả ngày Sa-bát.” Người môn đệ Đức Giê-su không bị chi phối bởi một số điều răn hay một hệ thống luân lý phải giữ, mà là bị chi phối bởi một Đấng, là Đức Ki-tô. Họ giữ luật vì yêu mến Chúa Ki-tô, vì biết rằng những điều Ngài muốn họ phải giữ chỉ vì lợi ích thật sự và trường cửu của họ.

Mời Bạn: Thử lượng giá lại cách giữ luật thánh hoá ngày Chúa Nhật của mình: nặng nề, miễn cưỡng hay vui tươi vì biết rằng luật thánh hoá ngày Chúa Nhật ấy cũng vì yêu mến, vì con người.

Chia sẻ: Tôi sẽ làm gì để sống tâm tình mến Chúa yêu người đặc biệt trong ngày Chúa nhật ?

Sống Lời Chúa: Chương trình của tôi mỗi ngày Chúa Nhật sẽ là tham dự thánh lễ, đọc Lời Chúa, làm việc tông đồ, bác ái và nghỉ ngơi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con hiểu rằng Chúa là Đấng chi phối tất cả cuộc đời chúng con, chứ không phải các điều răn này nọ. Xin cho chúng con, vì yêu mến Chúa, vui tươi và sẵn sàng tuân giữ mọi điều răn ấy. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Các Kitô hữu gốc Do Thái của Giáo Hội sơ khai
thường bị chê trách vì đã lơ là trễ nải trong việc giữ ngày sabát.
Giữ ngày sabát là điều hết sức quan trọng đối với người theo Do Thái giáo
Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (Xh 31, 14), bị ném đá (Ds 15, 32-36).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hẳn đã soi sáng cho vấn đề này.

Câu chuyện xảy ra vào một ngày sabát.
Khi thầy trò băng qua đồng lúa, các môn đệ đã bứt các bông lúa.
Và hẳn họ đã vò lúa trong tay trước khi có thể ăn hạt bên trong.
Theo sách Đệ nhị luật (23, 26) thì hành động này được phép làm:
“Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa.”
Nhưng theo các kinh sư, điều này bị cấm làm trong ngày sabát,
lý do là vì bứt lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa,
mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày sabát.
Từ đó người Pharisêu kết luận việc các môn đệ bứt lúa là phạm đến luật Môsê.
Ngày nay chúng ta có thể buồn cười về chuyện này,
nhưng nó nói lên việc các kinh sư vì sợ người ta phạm luật
nên sau này đã thêm thắt những quy định tỉ mỉ chi li.

Đức Giêsu đã trả lời người Pharisêu bằng đức cách trưng dẫn chuyện vua Đavít.
Trong truyền thống Do Thái, vua này thường được coi là đạo đức mẫu mực.
Đavít đã làm điều không được phép làm, đó là ăn bánh tiến (x. 1 Sm 21, 1-6).
Bánh này gồm mười hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24, 5-9).
Vào mỗi ngày sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế.
Khi kể câu chuyện về vua Đavít, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng
nếu Đavít và các thuộc hạ có thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh
thì Đức Giêsu và các môn đệ trong trường hợp nào đó
cũng có thể được miễn giữ ngày sabát thánh (x. 1 Mac 2, 34-38).

Theo Đức Giêsu, ngày sabát được tạo cho loài người, chứ không phải ngược lại.
Người Pharisêu có lẽ đã quên đi mục đích của việc giữ luật ngày sabát.
Thiên Chúa lập nên ngày sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi
hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5, 14-15).
Ngày sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa,
nhưng nó cũng là ngày cho loài người sau sáu ngày làm việc vất vả.

Ngày nay chúng ta không còn giữ ngày sabát nữa,
nhưng giữ ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa.
Cám ơn vị nào đã lần đầu tiên dùng từ này để chỉ ngày đầu tiên của tuần.
Trong thế giới quá cạnh tranh hiện nay, chúng ta cần được nhắc nhở
về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho nhau, cho Chúa.
Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời đề sống cả ba chiều kích ấy.

Cầu nguyện:

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

(R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG GIÊNG

Thờ Ơ Hay Chống Lại Các Giá Trị Của Gia Đình Là Tự Chuốc Lấy Tai Họa

Quyền lợi của gia đình, như chúng ta thấy, không phải chỉ là những vấn đề thuần túy thuộc địa hạt tâm linh tín ngưỡng mà xã hội trần thế có thể phớt lờ không đếm xỉa đến. Để thực thi sứ mạng của mình, Giáo Hội tích cực cổ võ cho các giá trị nền tảng của gia đình. Nhưng các nhà cầm quyền dân sự cũng phải đảm nhận trách nhiệm bảo vệ và đề cao các quyền lợi giúp thăng tiến và nâng đỡ đời sống hôn nhân.

Vận mệnh của cộng đồng nhân loại gắn kết chặt chẽ với “sức khỏe” của gia đình xét như một cơ chế trong xã hội. Khi quyền bính trần thế xem thường những giá trị mà gia đình Kitôhữu đem lại cho xã hội và khi quyền bính trần thế bàng quan đứng ngoài các giá trị đạo đức ấy, thì điều sẽ xảy ra là gia đình bị sụp đổ trong xã hội. Đồng thời, một thái độ dễ dãi đối với tình trạng sống chung chạ bên ngoài mối ràng buộc hôn nhân xem ra có thể là giải pháp cho một số vấn đề nào đó nhất thời. Song, về lâu về dài, tình trạng này sẽ phá hoại ghê gờm chính bản chất và phẩm cách của hôn nhân. Một xã hội như thế không thể tránh khỏi các hậu quả cay đắng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 16/01

1Sm 16, 1-13; Mc 2, 23-28.

Lời Suy Niệm:  Người nói tiếp: “Ngày Sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.” (Mc 2,27-28)

          Trong Sách sáng thế cho chúng ta biết được: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghĩ ngơi” (St 2,2) Và Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu phán: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chứ chẳng phải vì ngày sa-bát mà dựng nên loài người.” Điều này giúp cho chúng ta thấy được chính con người mới là quan trọng. Con người được Thiên Chúa tạo dựng nên và ban cho sự sống và có nhiệm vụ cai quản, gìn giữ, chăm sóc thiên nhiên, ngày sa-bát chỉ giúp con người có một ngày nghĩ ngơi, để tái tạo sức khoẻ thể chất và tinh thần. Chứ ngày Sa-bát không phải là chủ của con người.

          Lạy Chúa Giêsu. Ngày hôm nay chúng con có ngày chủ nhật, để được nghĩ ngơi, sum họp với gia đình, hiệp thông cầu nguyện, thờ phượng chung với cộng đoàn, cùng nhau cọng tác làm việc thiện. Chúng con tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con ý thức sống ngày Chúa Nhật theo thánh ý Chúa; và mong muốn của Giáo Hội. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

16 Tháng Giêng

 Giấc Mơ Của Mẹ Têrêxa Calcutta  

Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập viện của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Aùi chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:

“Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: “Không thể để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi cùng khổ”.

Tôi mới tức giận nói với Ngài như sau: “Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên Ðàng”. 

Tội nghiệp thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ. 

Giai thoại trên đây của Mẹ Têrêxa Calcutta như muốn nói lên một chân lý: không ai nên Thánh một mình, không ai lên Thiên Ðàng một mình.

Ðức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ, đã có lần phát biểu như sau: “Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: chính tôi đã giúp đỡ để bạn được vào Thiên Ðàng”.

Ai cũng có thể là một trợ giúp để đưa chúng ta vào cửa Thiên Ðàng. Họ có thể là những người cùng khổ mà chúng ta chìa tay để san sẻ, để giúp đỡ. Họ cũng có thể là những người cách này hay cách khác làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ giúp đỡ chúng ta được vào Thiên Ðàng. Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau. Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến với chúng ta ngay từ cõi đời này. Và Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì nếu không phải là mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 2 – TN2

Bài đọc: Heb 6:10-20; I Sam 16:1-13; Mk 2:23-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người quí trọng hơn luật lệ.

Phẩm giá con người rất quí trọng trước mặt Thiên Chúa. Các Lề Luật Ngài ban là để bảo vệ và phục vụ con người. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài không bao giờ muốn cho con người phải làm nô lệ cho Lề Luật và tội lỗi; nhưng muốn Lề Luật phục vụ con người và làm cho đời sống con người được bảo vệ và an toàn hơn.

Các Bài Đọc hôm nay nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho con người. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu phải bền lòng trông cậy vào lời Thiên Chúa đã hứa. Một khi Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ thi hành. Tác giả đưa ra một ví dụ là lời Thiên Chúa hứa với tổ-phụ Abraham. Lời hứa này đã được thực hiện nơi Đức Kitô, khi Ngài đi tiên phong vào nơi Cực Thánh để mở đường cho con người đến trực tiếp với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, tác giả tường thuật việc Thiên Chúa chọn người và phong vương cho một trẻ chăn chiên nhỏ nhất và không ai ngờ trong những người con của ông Jesse; vì Ngài nhìn thấu tâm hồn cao đẹp của David. David đã trở thành vị vua sáng giá nhất của Israel. Trong Phúc Âm, các Pharisees tố cáo với Chúa Giêsu: các môn đệ của Ngài đã vi phạm luật của ngày Sabbath. Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Ngài có lý do làm như thế để bảo vệ sự sống. Ngài nhắc cho họ biết luật lệ làm ra là vì con người, chứ không phải con người cho luật lệ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Mọi việc chúng ta làm đều được ghi nhận bởi Thiên Chúa.

1.1/ Phải kiên nhẫn trong khi Chúa thực hiện lời hứa: Tác giả Thư Do-thái xác tín: “Quả thế, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra đối với danh Người, khi trước đấy anh em phục vụ các người trong dân thánh, và hiện nay vẫn còn đang phục vụ. Nhưng chúng tôi ao ước cho mỗi người trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh em được thực hiện đầy đủ cho đến cùng.” Qua đoạn văn này, tác giả muốn khuyên các tín hữu 2 điều:

(1) Những lúc tăm tối của cuộc đời: Đừng nản lòng! Hãy nắm giữ niềm hy vọng vào lời Thiên Chúa hứa. Con người ai cũng phải trải qua những đêm tăm tối này. Trong những lúc như thế, tác giả khuyên cứ giữ vững đức tin, thực hành các việc lành như đã và đang làm. Chắc chắn tăm tối sẽ qua, và ánh sáng của Thiên Chúa lại tiếp tục chiếu sáng.

(2) Bắt chước gương tổ-phụ Abraham: “Anh em đừng trở nên uể oải, nhưng hãy bắt chước những người nhờ có đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa… Như thế, vì nhẫn nại đợi chờ, ông Abraham đã nhận được lời hứa.”

1.2/ Lời Thiên Chúa hứa với tổ-phụ Abraham: “Ta sẽ ban phúc dư dật cho ngươi và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông vô số” (Gen 22:16-18).

(1) Lời hứa được bảo đảm bằng lời thề: Con người thường lấy danh ai cao hơn mình mà thề để bảo đảm lời mình đã long trọng hứa. Khi Thiên Chúa hứa với ông Abraham, Người đã không thể lấy danh ai cao trọng hơn mình mà thề, nên đã lấy chính danh mình mà thề. Như vậy, cả lời hứa lẫn lời thề đều bất di bất dịch, và khi thề hứa, Thiên Chúa không thể nói dối được. Do đó, chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta.

(2) Lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: “Chúng ta có điều này như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, là hy vọng được vào cung điện cực thánh bên trong, đàng sau tấm màn. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành vị Thượng Tế đời đời theo phẩm trật Melkisedek.”

Đối với các thủy thủ, cái neo là khí cụ cần thiết cho việc sinh tồn. Một khi đã thả neo là không còn sợ sóng gió làm thuyền lật được nữa. Trong thế giới ngày xưa, cái neo là biểu tượng của hy vọng. Pythagore nói: “Của cải là cái neo mỏng giòn; danh vọng còn yếu hơn. Khôn ngoan, rộng lượng, và can đảm, là những cái neo mà không sóng gió nào có thể vùi giập được.” Tác giả Thư Do-thái nhấn mạnh người tín hữu có một hy vọng lớn lao nhất trong thế giới là hy vọng của họ vào Lời Thiên Chúa hứa.

Niềm hy vọng đó là được vào trong thánh điện đàng sau bức màn. Trong Đền Thờ, chỗ cực thánh là nơi chứa đựng Hòm Bia Thiên Chúa, được che phủ bởi bức màn. Đây là nơi Thiên Chúa ngự. Trong nơi này, chỉ độc quyền có một người được vào, mỗi năm một lần; đó là vị thượng tế trong Ngày Xá Tội mà thôi. Tác giả Thư Do-Thái có ý muốn nói: Giờ đây, Chúa Giêsu Kitô đã mở đường vào nơi đó cho tất cả con người ở mọi nơi và mọi thời. Từ ngữ ông dùng để chỉ Chúa Giêsu như prodromos = người tiên phong mở đường. Chúa Giêsu đi tiền phong mở đường vào nơi hiện diện của Thiên Chúa, và Ngài bảo đảm an toàn cho tất cả những ai theo sau. Nói cách khác, trước khi Đức Kitô xuất hiện, Thiên Chúa là Người Khách xa lạ và cách biệt với con người; chỉ một số nhỏ có thể đến gần và luôn sợ bị thiệt mạng. Nhưng sau khi Đức Kitô đến, Thiên Chúa trở nên bạn hữu của tất cả; mọi người đều có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa.

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.

2.1/ Cuộc lựa chọn người làm vua trong số các con của ông Jesse: Thiên Chúa hứa Ngài sẽ hành động trong ngôn-sứ Samuel ngay tại nơi đang diễn ra cuộc lựa chọn người làm vua trong gia đình ông Jesse. Cả ngôn sứ Samuel và ông Jesse đều không hay biết hậu quả của những gì sắp xảy ra.

– Phản ứng của ngôn-sứ Samuel: Thoạt trông thấy Eliab, ông nghĩ: “Đúng rồi! Người Đức Chúa xức dầu tấn phong đang ở trước mặt Đức Chúa đây!” Nhưng Đức Chúa phán với ông Samuel: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.”

– Ông Jesse gọi Abinadab và cho cậu đi qua trước mặt Samuel, nhưng ông Samuel nói: “Cả người này, Đức Chúa cũng không chọn.” Ông Jesse cho Samah đi qua, nhưng ông Samuel nói: “Cả người này, Đức Chúa cũng không chọn.” Ông Jesse cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Samuel, nhưng ông Samuel nói với ông Jesse: “Đức Chúa không chọn những người này.”

2.2/ Thiên Chúa chọn một trẻ út chăn chiên làm vua cai trị dân Người: Samuel lại hỏi ông Jesse: “Các con ông có mặt đầy đủ chưa?” Ông Jesse trả lời: “Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.” Ông Samuel liền nói với ông Jesse: “Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây.”

– Ông Jesse cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. Đức Chúa phán với ông Samuel: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!” Ông Samuel cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí Đức Chúa nhập vào David từ ngày đó trở đi.

– Chính ông Jesse cũng không ngờ Thiên Chúa chọn David, một đứa trẻ út đang chăn chiên ngoài đồng. Đó là lý do mà ông không buồn cho gọi con về; nhưng Thiên Chúa nhìn thấu tâm hồn đẹp và các việc tốt lành của David. Ngài muốn chọn cậu làm vua cai trị dân Ngài và David đã trở thành vị vua nổi danh nhất của dân tộc Israel.

3/ Phúc Âm: Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabbath.

3.1/ Người Pharisees tố cáo các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabbath: Vào ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisees liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi, ngày Sabbath mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Có tất cả 39 luật về ngày Sabbath ngăn cấm không cho làm việc, và các môn đệ phạm 4 luật bằng hành động bứt lúa để ăn: gặt (bứt lúa), xay (vò lúa trong tay), sàng (thổi vỏ đi), và chuẩn bị bữa ăn (làm lúa sẵn sàng để ăn). Sự tỉ mỉ của Luật có thể có thể làm chúng ta lắc đầu; nhưng đối với các Rabbi, nó liên quan đến tội, và có thể gây ra cái chết. Đó là lý do họ tố cáo các môn đệ với Chúa Giêsu, và họ chờ Chúa sửa phạt các môn đệ.

3.2/ Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Ngài: Chúa Giêsu đưa ra một trường hợp riêng đã được ghi lại trong Cựu Ước, và sau đó, Ngài thiết lập một qui luật chung về ngày Sabbath.

(1) Trường hợp vua David (I Sam 21:1-6): Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông David đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng-tế Abiathar, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Chúa Giêsu có ý muốn nói: trong trường hợp phải bảo vệ sự sống, con người có thể vi phạm Lề Luật.

(2) Luật chung của ngày Sabbath: Người nói tiếp: “Ngày Sabbath được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbath. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabbath.” Điều này hiển nhiên, vì con người được Thiên Chúa tạo dựng trước khi luật về ngày Sabbath ra đời. Con người không được tạo dựng để trở thành nạn nhân hay làm nô lệ cho luật lệ của ngày Sabbath. Sở dĩ có luật lệ về ngày Sabbath là để bảo vệ con người, làm cho con người biết thân xác họ cần được nghỉ ngơi, và linh hồn họ cần được nuôi dưỡng bởi thức ăn tinh thần.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Phẩm giá con người chúng ta rất quí trọng trước mặt Thiên Chúa. Ngài đã hy sinh Người Con của Ngài để cứu chúng ta thóat khỏi làm nô lệ cho Lề Luật, tội lỗi, và sự chết.

– Nhờ lễ tế hy sinh của Người Con, chúng ta có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa mà không cần qua trung gian; đến bất cứ lúc nào chứ không phải đợi một ngày cố định trong năm.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************