Ngày thứ ba (17-01-2023) – Trang suy niệm

16/01/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần II Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 6, 10-20

“Chúng ta có một niềm tin đặt trước mặt như chiếc neo chắc chắn và bền vững”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên công trình của anh em và lòng bác ái anh em đã tỏ ra vì danh Người, anh em là những người đã phục vụ và hiện đang phục vụ các thánh. Chúng tôi mong ước mỗi người anh em thi thố cũng một lòng hăng hái đó để giữ vững niềm hy vọng đến cùng, ngõ hầu anh em không trễ nải, nhưng sẽ noi gương những kẻ nhờ tin tưởng và kiên nhẫn mà hưởng thụ các điều đã hứa.

Quả thật, khi Thiên Chúa hứa cùng Abraham, Người không dựa vào ai lớn hơn mà thề, nhưng dựa vào chính Mình mà thề rằng: “Ta sẽ chúc phúc cho ngươi và sẽ cho ngươi sinh sản ra nhiều”. Do đó, Abraham kiên nhẫn chờ đợi, nên được hưởng lời hứa. Vì chưng, loài người dựa vào kẻ lớn hơn mình mà thề, và lời thề được coi như bảo chứng chấm dứt mọi tranh tụng. Cũng vậy, vì Thiên Chúa muốn minh chứng cho những kẻ hưởng thụ lời hứa ý định bất di bất dịch của Người, nên đã làm lời thề, để nhờ hai điều bất di bất dịch mà Thiên Chúa không thể sai lời, thì chúng ta là những người tìm ẩn náu nơi niềm hy vọng đã ban cho chúng ta, chúng ta có một nguồn yên ủi chắc chắn. Trong niềm hy vọng đó, linh hồn chúng ta có một chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm vào tận bên trong bức màn, nơi Đức Giêsu đã vào như vị tiền phong của chúng ta, Người được phong làm Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 110, 1-2. 4-5. 9 và 10c

Đáp:  Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).

Hoặc đọc:  Alleluia.

Xướng:

1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi. – Đáp.

2) Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thật là Đấng nhân hậu từ bi. Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. – Đáp.

3) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả uý. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại đến muôn đời. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 8, 12 -Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 2, 23-28

“Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Đavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

17/01/2023 – THỨ BA TUẦN 2 TN

Th. An-tôn, viện phụ

Mc 2,23-28

CHU TOÀN LỀ LUẬT

Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê- su: “Ông coi, ngày sa- bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” (Mc 2,24)

Suy niệm: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Không một tổ chức, xã hội nào tồn tại mà không có luật lệ. Xã hội có luật của xã hội, tôn giáo có luật của tôn giáo, đoàn thể có luật của đoàn thể, mỗi quốc gia đều có luật pháp riêng của mình. Luật lệ nhằm bảo vệ quyền lợi con người và làm cho đời sống con người an toàn hạnh phúc. Do đó, tôn trọng luật lệ chính là bổn phận của mỗi con người trong xã hội. Những người Pha-ri-sêu đã phóng đại việc bứt vài bông lúa thành việc gặt lúa là việc cấm làm trong ngày sa-bát để tố cáo các môn đệ vi phạm luật Mô-sê. Lòng đố kỵ và óc nệ luật khiến họ đánh mất chính tinh thần của lề luật. Lề luật không còn phục vụ cho hạnh phúc con người mà bị họ dùng làm công cụ để lên án Đức Giê-su.

Mời Bạn: Có những người không tôn trọng luật làm xáo trộn, gây chia rẽ trong cộng đoàn. Có những người lại quá nệ luật, xét đoán khắt khe, thiếu bao dung, thiếu bác ái với tha nhân. Vậy tôi phải đặt luật lệ ở vị trí nào trong đời sống để xây dựng tương quan với Chúa và tha nhân một cách tốt đẹp hơn?

Sống Lời Chúa: Bạn và gia đình có đọc kinh tối chung hoặc đi lễ Chúa Nhật cách cập rập, thiếu hụt không? Bạn hãy sắp xếp công việc để làm các việc ấy cách trọn vẹn sốt sắng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã truyền cho chúng con giới răn riêng của Chúa là yêu thương nhau như Chúa yêu thương. Xin cho chúng con biết lấy luật yêu thương của Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc sống và chu toàn việc bổn phận của chúng con với lòng mến Chúa và yêu người. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Các Kitô hữu gốc Do Thái của Giáo Hội sơ khai
thường bị chê trách vì đã lơ là trễ nải trong việc giữ ngày sabát.
Giữ ngày sabát là điều hết sức quan trọng đối với người theo Do Thái giáo
Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (Xh 31, 14), bị ném đá (Ds 15, 32-36).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hẳn đã soi sáng cho vấn đề này.

Câu chuyện xảy ra vào một ngày sabát.
Khi thầy trò băng qua đồng lúa, các môn đệ đã bứt các bông lúa.
Và hẳn họ đã vò lúa trong tay trước khi có thể ăn hạt bên trong.
Theo sách Đệ nhị luật (23, 26) thì hành động này được phép làm:
“Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa.”
Nhưng theo các kinh sư, điều này bị cấm làm trong ngày sabát,
lý do là vì bứt lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa,
mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày sabát.
Từ đó người Pharisêu kết luận việc các môn đệ bứt lúa là phạm đến luật Môsê.
Ngày nay chúng ta có thể buồn cười về chuyện này,
nhưng nó nói lên việc các kinh sư vì sợ người ta phạm luật
nên sau này đã thêm thắt những quy định tỉ mỉ chi li.

Đức Giêsu đã trả lời người Pharisêu bằng đức cách trưng dẫn chuyện vua Đavít.
Trong truyền thống Do Thái, vua này thường được coi là đạo đức mẫu mực.
Đavít đã làm điều không được phép làm, đó là ăn bánh tiến (x. 1 Sm 21, 1-6).
Bánh này gồm mười hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24, 5-9).
Vào mỗi ngày sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế.
Khi kể câu chuyện về vua Đavít, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng
nếu Đavít và các thuộc hạ có thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh
thì Đức Giêsu và các môn đệ trong trường hợp nào đó
cũng có thể được miễn giữ ngày sabát thánh (x. 1 Mac 2, 34-38).

Theo Đức Giêsu, ngày sabát được tạo cho loài người, chứ không phải ngược lại.
Người Pharisêu có lẽ đã quên đi mục đích của việc giữ luật ngày sabát.
Thiên Chúa lập nên ngày sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi
hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5, 14-15).
Ngày sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa,
nhưng nó cũng là ngày cho loài người sau sáu ngày làm việc vất vả.

Ngày nay chúng ta không còn giữ ngày sabát nữa,
nhưng giữ ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa.
Cám ơn vị nào đã lần đầu tiên dùng từ này để chỉ ngày đầu tiên của tuần.
Trong thế giới quá cạnh tranh hiện nay, chúng ta cần được nhắc nhở
về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho nhau, cho Chúa.
Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời đề sống cả ba chiều kích ấy.

Cầu nguyện:

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

(R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

17 THÁNG GIÊNG

Xây Dựng Một Bầu Khí Sống Hoạt Yêu Thương

Nhiều khía cạnh khác của đời sống gia đình cũng cần được quan tâm. Chẳng hạn, chúng ta không được phép quên quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người già lão. Và cũng có những quyền lợi của gia đình xét như một toàn thể – tôi đã đề cập đến những quyền này trong Tông Huấn Familiaris consortio. Tòa Thánh đã đúc kết những quyền này trong bản “Hiến Chương Quyền Của Gia Đình”.

Tất cả các quyền ấy đều rất quan trọng; nhưng ở đây tôi muốân đề cập một cách đặc biệt đến quyền được giáo dục của con cái. Trách nhiệm giáo dục con cái mình là một trách nhiệm rất quan trọng của cha mẹ – qua đó họ giúp con cái mình đạt đến mức trưởng thành đầy đủ trong tất cả các giá trị căn bản nhất của đời sống. Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện con cái trong đời sống cá nhân và xã hội trở nên dễ dàng. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể.” (GD 3).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 17/1

Thánh Antôn, Viện phụ

Dt 6, 10-20; Mc 2, 23-28.

LỜI SUY NIỆM: Chúa Giêsu đã nói: “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát.” (Mc 2,27).

Điều này tự nó đã là bằng chứng hết sức hiển nhiên. Loài người đã được tạo dựng trước khi các luật lệ nhỏ nhặt, tỉ mỉ về ngày Sabát được ban hành. Loài người vốn không được tạo dựng nhằm trở thành nạn nhân, nô lệ cho các luật, quy tắc về ngày Sabát. Nhưng các luật lệ và quy tắc về ngày Sabát được đặt ra nhằm giúp đời sống con người được đầy đủ, tốt đẹp hơn. Con người không hề để ngày Sabát bắt mình làm nô lệ cho nó. Sở dĩ có ngày Sabát là nhằm giúp  đời sống con người càng tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa Giêsu. Ngày hôm nay Giáo Hội mời gọi mọi con cái của mình: kiên việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trọng trong năm. Xin cho mỗi người chúng con ý thứ về điều này, hầu giúp cho chúng con có được một ngày nghĩ ngơi, để làm việc thiện; hầu nâng cao đời sống tinh thần và đem lại hạnh phúc cho chính mình và tha nhân. Amen

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 17-01: Thánh ANTÔN

Viện Phụ (Thế kỷ IV)

Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai cập. Cha mẹ Ngài nổi danh giàu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ Ngài sống đạo ngay từ nhỏ.

Khi được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời. Sáu tháng sau ngày mất cha mất mẹ, tại một giáo đường, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta” (Mt 19,21). Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình đã về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo khó.

Sau khi lo lắng gửi gấm em gái của mình cho một nữ tu viện, Ngài lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện, Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn. Để giữ được sự cô tịch trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống. Thỉnh thoảng một người bạn mang bánh đến cho Ngài bánh đến cho Ngài nhưng ma quỉ đã tìm cách quấy phá để trục Ngài ra khỏi “căn phòng” và cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái. Phản ứng lại, thánh nhân thường cầu nguyện nhiều hơn và tăng gấp những việc hãm mình. Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nữa.

Một ngày kia người bạn mang bánh đến, bỗng thấy thánh nhân nửa sống nửa chết, mình đầy thương tích. Nhưng khi vừa bừng tỉnh, thánh nhân liền chỗi dậy và la lớn: – Tôi còn sẵn sàng chiến đấu. Lạy Chúa, không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được.

Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, Ngài khinh bỉ trả lời: – Ồn ào vô ích. Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố.

Thánh nhân luôn tin tưởng nơi Chúa. Ngày kia, được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy là ma quỉ đã lùi bước, Ngài cầu nguyện: – Oi, lạy Chúa, Chúa ở đâu ? Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con ?

Tiếng Chúa trả lờ i: – Cha ở gần con, cha giúp con chiến đấu. Bởi vì con đã chống trả lại ma quỉ, cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con rạng rỡ trên trời.

Tràn đầy nghị lực, thánh nhân chỗi dậy tạ ơn Chúa. Muốn xa mọi người hơn nữa, Ngài vượt sông Nil đến trú ngụ trong một pháo đài hoang phế đầy những rắn rết. Nhưng sự thánh thiện của Ngài như một sức nam châm, vẫn thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ. Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ. Sa mạc mọc lên những mái tranh, từ đó không ngừng vang lên những lời kinh ca khen Chúa. Thánh nhân trở nên vị thủ lãnh của nếp sống ẩn tu.

Dầu vậy, thánh An tôn đã hai lần từ giã sa mạc. Vào năm 311 khi có cuộc bách hại của Alaximiô, Ngài nói: – Nào ta cùng đi chiến đấu với anh em ta.

Ngài lên đường đi Alexandria. Người ta thấy thánh nhân khích lệ các tù nhân nơi các trại giam, theo họ tới trước quan tòa và khuyên nhủ họ can đảm chết vì đạo, Ngài còn xuống hầm trú để an ủi các linh mục. Ngài thoát chết là một điều lạ lùng.

Cuộc bách hại chấm đứt được một năm, thánh nhân lại tìm về sa mạc. Số các môn sinh ngày càng tăng thêm đông. Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và thấy gương các thánh tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ để đền tội. Ngài tiến sâu hơn nữa vào sa mạc. Sau ba ngày đi theo đoàn người buôn bán, Ngài dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một căn lều vừa đủ để nằm để ở. Dân Bê-đu-anh (Bédouins) cho Ngài bánh ăn. Về sau các môn sinh tìm tới và mang cho Ngài một cái xuổng với một ít hạt giống, đây là nguồn gốc của tu viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một tu viện theo nghi lễ Cốp (Copte) ngày nay vẫn còn.

Lần thứ hai, thánh nhân trở lại Alexandria theo lời mời của đức giám mục Athanasiô, để chống lại lạc giáo. Dân chúng cả thành chen lấn nhau đi đón Ngài. Các lương dân cũng bảo nhau: – Chúng ta đi gặp người của Thiên Chúa.

Nhiều người cảm động vì những bài diễn thuyết và những phép lạ Ngài làm, đã xin lãnh bí tích rửa tội, người ta tưởng sẽ gặp một lão già tám mươi hoang dại, nhưng đã ngạc nhiên khi thấy Ngài rất lịch thiệp, xử dụng ngôn ngữ văn hóa và diễn tả tư tưởng rất uyên thâm. Các triết gia ngoại giáo ngạc nhiên hỏi Ngài:

– Ngài làm gì được trong sa mạc không có sách vở chi hết ? Thánh nhân trả lời:

– Thiên nhiên đối với tôi là một cuốn sách mở rộng.

Và người ta ngỡ ngàng về những điều thánh nhân đã khám phá được trong cuốn sách vĩ đại này của Đấng Tạo hóa.

Điều đáng kể dường như không phải những nhiệm nhặt Ngài theo đuổi, mà là tâm hồn trong trắng Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài nói: – Hư danh là kẻ thù nguy hiểm nhứt của chúng ta.

Danh tiếng của thánh Antôn lan rộng đến nỗi vua Constantinô và con cái ông đã viết thư tham khảo ý kiến Ngài, Môn sinh của Ngài hãnh diện lắm. Nhưng Ngài bảo họ:

– Đừng ngạc nhiên lắm khi thấy nhà vua là một con người viết thư cho một con người. Đáng ngạc nhiên là chính Thiên Chúa đã muốn viết luật cho loài người, và đã nói với chúng ta qua đức Giêsu Kitô .

Và trả lời cho lớp người vương giả ấy, Ngài dùng những lời cao thượng để khuyên họ biết khinh chê danh vọng mà nhớ tới cuộc chung thẩm.

Khi Ngài đã quá 90 tuổi, Thiên Chúa qua một thị kiến đưa ngài đến thăm thánh Phaolô ẩn tu trong sa mạc. Ngài còn được cho biết là sẽ sống tới tuổi 105.

Biết sắp tới giờ từ giã trần gian, Ngài đi thăm anh em Ngài lần chót. Ngài nói với họ về sự chết với niềm vui của người hồi hương. Họ đã khóc ròng, nhưng Ngài khuyên nhủ họ: – Hãy sống như phải chết mỗi ngày. Hãy cố gắng noi gương các thánh.

Thánh nhân trở lại núi với hai môn sinh. Trong căn phòng nghèo nàn của mình, Ngài đã phó linh hồn trong tay Chúa lúc 105 tuổi. Chúng ta biết được ân sủng giai thoại quý báu của đời thánh An tôn là nhờ thánh Athanasiô kể lại.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

17 Tháng Giêng

 Cứ Ðể Yên Như Thế  

Trong một tác phẩm có tựa đề “Quyển Phúc Aâm thứ 5”, một tác giả người Italia là ông Mario Pomilio có tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Sau thời kỳ bách hại tại Roma, các tín hữu bắt đầu xây cất nhà thờ. Ðâu đâu người ta cũng thấy mọc lên nhà thờ. Tên của Ðức Mẹ và các Thánh được đặt cho các nhà thờ. Nhưng người ta vẫn chưa thấy có nhà thờ nào mang tên của Ngôi Lời. Thấy thế thánh Gioan mới đến báo cáo với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bèn ra lệnh cho thánh Phêrô khởi công xây cất một nhà thờ dâng kính cho Ngôi Lời.

 Con người đã có một thời được mệnh danh là người xây dựng vĩ đại của Giáo Hội mới đi rảo khắp nơi để thu tập vật tư. Thánh Mathêô đã cung cấp đá. Thánh Marcô mang vôi đến. Thánh Luca tặng những cây trụ lớn. Còn Thánh Gioan thì cúng đá cẩm thạch để làm bàn thờ và vàng để làm nhà tạm..

 Với tất cả những vật liệu cần thiết, Thánh Phêrô hớn hở bắt tay vào việc xây cất. Nhưng thời gian trôi qua, công sức đã tiêu hao quá nhiều mà người thợ xây Phêrô mới chỉ hoàn tất được việc đặt nền móng cho ngôi nhà thờ. Thấm mệt, vị thủ lãnh các tông đồ mới cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, xin ban thêm cho con đủ sức để hoàn thành ngôi Nhà Thờ”.

 Chúa Giêsu mới trả lời: “Cứ để yên như thế. Ngươi hãy nhớ rằng cứ mỗi người đi ngang qua công trình này đều có thể mang đến một viên gạch, một ít vôi để xây tường và thế hệ này qua thế hệ khác, những cột trụ Ðền Thờ sẽ được dựng lên”.

 Có hai sự kiện xem ra tương phản nhau: tại Tây Phương, nhiều nhà thờ bị đóng cửa hoặc đem ra bán đấu giá, vì giáo dân không đủ cấp số hoặc không còn người lui tới nhà thờ. Trong khi đó thì tại Việt Nam, nhu cầu sửa chữa hoặc xây nhà thờ mới mỗi ngày một gia tăng.

 Có thể có hai quan niệm sống đạo đằng sau hai sự kiện ấy. Nhiều người Tây Phương cho rằng sống đạo là sống Công Bình và Bác Aùi, chứ không nhất thiết phải đến nhà thờ. Trong khi đó thì có người lại trách cứ rằng nhiều người Việt Nam chỉ giữ đạo hình thức, họ thích biểu dương tôn giáo, họ thích rước sách, họ đọc kinh làu làu, họ siêng năng đến nhà thờ, nhưng họ xem thường những đòi hỏi của Công Bình và Bác Aùi.

 Kỳ thực, giữ đạo trong nhà thờ mà không sống đạo bên ngoài nhà thờ là một thiếu sót, nếu không muốn nói là một thái độ giả hình mà Chúa Giêsu đã lên án gắt gao. Nhưng sống Công Bình và Bác Aùi mà không múc lấy sức sống từ việc gặp gỡ Chúa nơi nhà thờ cũng là một thiếu sót. Người Kitô đích thực múc lấy sức sống từ Ðức Kitô và diễn đạt sức sống ấy qua cuộc sống thường ngày. Có nhà thờ để cầu nguyện nhưng cũng có chợ đời để gặp gỡ Chúa. Người Kitô hướng về Trời cao, nhưng vẫn còn bám lấy cõi Ðất. Người Kitô đến nhà thờ, mà để quay trở lại cuộc sống. Và cuộc sống cũng sẽ trở nên cằn cỗi, nếu nó không được nuôi dưỡng bằng lương thực Thần Linh.

 “Hãy trở nên những viên đá sống động”. Ðó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Hãy trở thành những viên đá sống động không chỉ để xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ đá, nhưng là để xây ngôi Ðền Thờ của cuộc sống. Cuộc sống có trở thành Ðền Thờ để gặp gỡ Chúa qua những gặp gỡ với tha nhân, qua những xây dựng Hòa Bình và yêu Thương, thì Ðền Thờ gỗ đá mới sống động.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 2 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Heb 6:10-20; Mk 2:23-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người quí trọng hơn luật lệ.

Phẩm giá con người rất quí trọng trước mặt Thiên Chúa. Các Lề Luật Ngài ban cũng là để bảo vệ và phục vụ con người. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài không bao giờ muốn cho con người phải làm nô lệ cho Lề Luật và tội lỗi; nhưng muốn Lề Luật phục vụ con người và làm cho đời sống con người được bảo vệ và an tòan hơn.

Các Bài Đọc hôm nay nói lên sụ quan tâm của Thiên Chúa cho con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái khuyên các tín hữu phải bền lòng trông cậy vào Lời Thiên Chúa đã hứa. Một khi Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ thi hành. Tác giả đưa ra một ví dụ là Lời Thiên Chúa hứa với Tổ-phụ Abraham. Lời hứa này đã được thực hiện nơi Đức Kitô, khi Ngài đi tiên phong vào nơi Cực Thánh để mở đường cho con người đến trực tiếp với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các Pharisees tố cáo với Chúa Giêsu: các môn đệ của Ngài đã vi phạm luật của ngày Sabbath. Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Ngài có lý do làm như thế để bảo vệ sự sống. Ngài nhắc cho họ biết luật lệ làm ra là vì con người, chứ không con người cho luật lệ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô.

1.1/ Phải kiên nhẫn trong khi Chúa thực hiện Lời Hứa: “Quả thế, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra đối với danh Người, khi trước đấy anh em phục vụ các người trong dân thánh, và hiện nay vẫn còn đang phục vụ. Nhưng chúng tôi ao ước cho mỗi người trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh em được thực hiện đầy đủ cho đến cùng.” Qua đọan văn này, tác giả muốn khuyên các tín hữu 2 điều:

(1) Những lúc tăm tối của cuộc đời: Đừng nản lòng! Hãy nắm giữ niềm hy vọng vào Lời Thiên Chúa hứa. Con người ai cũng phải trải qua những đêm tăm tối này. Trong những lúc như thế, tác giả khuyên cứ giữ vững đức tin, thực hành các việc lành như đã và đang làm. Chắc chắn tăm tối sẽ qua, và ánh sáng của Thiên Chúa lại tiếp tục chiếu sáng.

(2) Bắt chước gương Tổ-phụ Abraham: “Anh em đừng trở nên uể oải, nhưng hãy bắt chước những người nhờ có đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa… Như thế, vì nhẫn nại đợi chờ, ông Abraham đã nhận được lời hứa.”

1.2/ Lời Thiên Chúa hứa với Tổ-phụ Abraham: “Ta sẽ ban phúc dư dật cho ngươi và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông vô số” (Gen 22:16-18).

(1) Lời hứa được bảo đảm bằng lời thề: Con người thường lấy danh ai cao hơn mình mà thề để bảo đảm lời mình đã long trọng hứa. Khi Thiên Chúa hứa với ông Abraham, Người đã không thể lấy danh ai cao trọng hơn mình mà thề, nên đã lấy chính danh mình mà thề. Như vậy, cả lời hứa lẫn lời thề đều bất di bất dịch, và khi thề hứa, Thiên Chúa không thể nói dối được. Do đó, chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta.

(2) Lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: “Chúng ta có điều này như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, là hy vọng được vào cung điện cực thánh bên trong, đàng sau tấm màn. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành vị Thượng Tế đời đời theo phẩm trật Melkisedech.”

Đối với các thủy thủ, cái neo là khí cụ cần thiết cho việc sinh tồn. Một khi đã thả neo là không còn sợ sóng gió làm thuyền lật được nữa. Trong thế giới ngày xưa, cái neo là biểu tượng của hy vọng. Epictetus nói: “Một chiếc thuyền không bao giờ nên tùy thuộc vào một cái neo hay một đời sống trên một niềm hy vọng.” Pythagore nói: “Của cải là cái neo mỏng giòn; danh vọng còn yếu hơn. Khôn ngoan, rộng lượng, và can đảm, là những cái neo mà không sóng gió nào có thể vùi giập được.” Tác giả Thư Do-Thái nhấn mạnh người tín hữu có một hy vọng lớn lao nhất trong thế giới là hy vọng của họ vào Lời Thiên Chúa hứa.

Niềm hy vọng đó là được vào trong thánh điện đàng sau bức màn. Trong Đền Thờ, chỗ cực thánh là nơi chứa đựng Hòm Bia Thiên Chúa, được che phủ bởi bức màn. Đây là nơi Thiên Chúa ngự. Trong nơi này, chỉ độc quyền có một người được vào, mỗi năm một lần; đó là Thượng Tế trong Ngày Xá Tội mà thôi. Tác giả Thư Do-Thái có ý muốn nói: Giờ đây, Chúa Giêsu Kitô đã mở đường vào nơi đó cho tất cả con người ở mọi nơi và mọi thời. Từ ngữ ông dùng để chỉ Chúa Giêsu như prodromos = người tiên phong mở đường. Chúa Giêsu đi tiền phong mở đường vào nơi hiện diện của Thiên Chúa, và Ngài bảo đảm an tòan cho tất cả những ai theo sau. Nói cách khác, trước khi Đức Kitô xuất hiện, Thiên Chúa là Người Khách xa lạ và cách biệt với con người; chỉ một số nhỏ có thể đến gần và luôn sợ bị thiệt mạng. Nhưng sau khi Đức Kitô đến, Thiên Chúa trở nên bạn hữu của tất cả; mọi người đều có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabbath.

2.1/ Người Pharisee tố cáo các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabbath: Vào ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisee liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi, ngày Sabbath mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Có tất cả 39 luật về ngày Sabbath ngăn cấm không cho làm việc, và các môn đệ phạm 4 luật bằng hành động bứt lúa để ăn: gặt (bứt lúa), xay (vò lúa trong tay), sàng (thổi vỏ đi), và chuẩn bị bữa ăn (làm lúa sẵn sàng để ăn). Sự tỉ mỉ của Luật có thể có thể làm chúng ta lắc đầu; nhưng đối với các Rabbi, nó liên quan đến tội, và có thể gây ra cái chết. Đó là lý do họ tố cáo các môn đệ với Chúa Giêsu, và họ chờ Chúa sửa phạt các môn đệ.

2.2/ Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Ngài: Chúa Giêsu đưa ra một trường hợp riêng đã được ghi lại trong Cựu Ước, và sau đó, Ngài thiết lập một qui luật chung về ngày Sabbath.

(1) Trường hợp Vua David (I Sam 21:1-6): Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông David đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời Thượng-tế Abiathar, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Chúa Giêsu có ý muốn nói: trong trường hợp phải bảo vệ sự sống, con người có thể vi phạm Luật.

(2) Luật chung của ngày Sabbath: Người nói tiếp: “Ngày Sabbath được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbath. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabbath.” Điều này hiển nhiên, vì con người được Thiên Chúa tạo dựng trước khi luật về ngày Sabbath ra đời. Con người không được tạo dựng để trở thành nạn nhân hay làm nô lệ cho luật lệ của ngày Sabbath. Sở dĩ có luật lệ về ngày Sabbath là để bảo vệ con người, làm cho con người biết thân xác họ cần được nghỉ ngơi, và linh hồn họ cần được nuôi dưỡng bởi thức ăn tinh thần.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Phẩm giá con người chúng ta rất quí trọng trước mặt Thiên Chúa. Ngài đã hy sinh Người Con của Ngài để cứu chúng ta thóat khỏi làm nô lệ cho Lề Luật, tội lỗi, và sự chết.

– Nhờ lễ tế hy sinh của Người Con, chúng ta có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa mà không cần qua trung gian; đến bất cứ lúc nào chứ không phải đợi một ngày cố định trong năm.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************