Ngày thứ ba (18-06-2024) – Trang suy niệm

17/06/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba tuần 11 Thường Niên

BÀI ĐỌC I: 1 V 21, 17-29

“Ngươi đã làm cho Israel phạm tội”.

Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

(Sau khi Naboth chết), có lời Chúa phán cùng ông Êlia, người miền Thesbê rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy, xuống gặp Acáp, vua Israel, ở thành Samaria: này Acáp đang xuống vườn nho của Naboth để chiếm lấy. Ngươi sẽ nói với ông ấy rằng: “Đây lời Chúa phán: Ngươi đã giết, lại còn chiếm đoạt”. Sau đó ngươi nói tiếp: “Đây là lời Chúa phán: Những con chó đã liếm máu Naboth tại đâu, thì cũng sẽ liếm máu ngươi tại đó”. Acáp liền nói với Êlia: “Ông coi tôi là thù địch của ông sao?” Êlia đáp: “Đúng thế, vì vua đã liều mình làm điều gian ác trước mặt Chúa. Này Ta sẽ giáng hoạ trên ngươi, sẽ làm cho ngươi tuyệt tự; Ta sẽ giết tất cả con trai của nhà Acáp, bất kể sang hèn trong dân Israel. Ta sẽ cho dòng dõi ngươi ra giống như dòng dõi Giêroboam, con của Nabat, và như dòng dõi của Baasa con của Ahia, vì ngươi đã hành động để chọc giận Ta, và làm cho Israel phạm tội”. Còn về Giêzabel, Chúa phán rằng: “Chó sẽ ăn thịt Giêzabel ở cánh đồng Giêzrơel. Acáp chết trong thành, sẽ bị chó ăn thịt; nếu chết ngoài đồng, thì sẽ bị chim trời rỉa ăn”. Chẳng có ai giống như Acáp, đã liều mình làm điều gian ác trước mặt Chúa, bởi vì Giêzabel, vợ vua đã xúi giục. Vua đã trở nên quái gở, đến nỗi chạy theo các tà thần mà người Amorrhe đã làm ra, họ là những người Chúa đã tiêu diệt trước mặt con cái Israel.

Khi Acáp nghe những lời này, mặc áo nhặm, ăn chay, vấn bao bố mà ngủ và ăn ở khiêm nhường. Có lời Chúa phán với Êlia người Thesbê rằng: “Ngươi có thấy Acáp hạ mình trước mặt Ta không? Vì Acáp đã hạ mình trước mặt Ta, Ta sẽ không giáng hoạ xuống trong đời ông ta, nhưng trong đời con ông ta, Ta sẽ giáng hoạ trên nhà ông ấy”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 5-6a. 11 và 16

Đáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa (x. c. 3a).

1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi; xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.

2) Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn; con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa.

3) Xin ngoảnh mặt đi, đừng nhìn tội lỗi, và tẩy xoá mọi điều gian ác của con. Xin cứu gỡ con khỏi đền nợ máu, ôi lạy Chúa là Chúa cứu độ con, lưỡi con sẽ ca ngợi đức công minh Chúa.

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a

All. All. – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – All.

PHÚC ÂM: Mt 5, 43-48

“Các ngươi hãy yêu thương thù địch”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: “Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù”. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

18/06/2024 – THỨ BA TUẦN 11 TN

Mt 5,43-48

YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA YÊU

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)

Suy niệm: Tại một đất nước đang bị ngoại xâm, bom đạn cày xé, có những người mẹ mà chồng, con đều hy sinh trong trận chiến bảo vệ quê hương, và hằng ngày bà chứng kiến biết bao cảnh đời đau thương khác, liệu bà có thể thương yêu và cầu nguyện sự may lành cho những kẻ xâm lăng không? “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” hầu như là chuyện bất khả thi trong thực tế cuộc sống, nhưng đó lại là điều Chúa dạy chúng ta phải thực thi lời Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Chúa không chỉ nói mà chính Ngài còn thực hiện những điều đó khi Ngài chịu đóng đinh chịu chết; và ngay khi kề cận giây phút cuối cùng trên cây thập giá Chúa đã cầu nguyện cho những kẻ giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Mời Bạn: Yêu mến và cầu nguyện cho những người thân yêu của mình thật dễ dàng; nhưng để có thể “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” thì quả là một đòi hỏi đi ngược với tính cách tự nhiên của con người. “Yêu người như Chúa yêu” dù khó nhưng nhờ sức mạnh của ơn thánh Chúa và kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô, điều đó trở thành khả thi cho chúng ta. Và mời bạn hãy bắt đầu bằng việc yêu những ‘kẻ thù nho nhỏ’ trong đời thường của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Khi có ai xúc phạm đến tôi, tôi đọc Kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa giúp con biết yêu người như Chúa đã yêu con và hoàn thiện bản thân con trong ơn nghĩa Chúa trong mọi ngày sống của con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG SÁU

Sự Chọn Lựa Của Ta Và Kế Hoạch Không Dang Dở Của Thiên Chúa

Hãy nhớ rằng chúng ta không lẻ loi một mình khi cố gắng nhận hiểu hoạt động cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới. Các triết gia lớn, các bậc thầy của các tôn giáo lớn, và ngay cả những người bình dân thất học cũng vẫn trăn trở với dấu hỏi khó khăn này. Thậm chí một số người còn cố giải thích hành động của Thiên Chúa bằng một loại luận cứ nào đó.

Rất nhiều câu trả lời đã được đề ra. Và không phải tất cả đều có thể được chấp nhận. Không có câu trả lời nào trong đó đạt mức toàn triệt. Từ những thời xa xưa, một số người đã nại đến định mệnh mù quáng hay số phận. Cũng có nhiều người coi thường ý chí tự do của con người khi nhấn mạnh đến sự tiền định. Trong thời đại của chúng ta, một số người cho rằng họ cần phải phủ nhận Thiên Chúa để khẳng định con người và sự tự do của con người.

Tất cả những quan điểm ấy đều cực đoan và phiến diện, nhưng ít nhất chúng giúp chúng ta nhận ra những sự thật nào bật ra khi chúng ta cố gắng nhận hiểu sự quan phòng của Thiên Chúa. Làm thế nào có thể hòa hợp hành động toàn năng của Thiên Chúa và sự tự do của chúng ta? Làm thế nào sự tự do của chúng ta có thể hòa hợp với những kế hoạch không thể gãy đổ của Thiên Chúa? Tương lai của chúng ta sẽ thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu hiểu biết và nhìn nhận chân lý và sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa giữa những sự dữ ngập tràn thế giới này? Ta nghĩ sao về sự xấu xa của tội lỗi? Ta nghĩ sao về những đau khổ của bao con người vô tội?

Lịch sử của chúng ta – với bao thăng trầm của các quốc gia, với những tai họa khủng khiếp lẫn những hành động cao cả và thánh thiện tuyệt vời – tất cả có nghĩa gì? Phải chăng có thể xảy ra một đại nạn cuối cùng chôn vùi vĩnh viễn hết mọi sự sống? Hay phải chăng thật sự có một Đấng Quan Phòng yêu thương mà chúng ta gọi là Thiên Chúa? Đó là Đấng Thiên Chúa vẫn luôn bao bọc chúng ta bằng thượng trí, khôn ngoan và lòng trìu mến của Ngài. Đó là Đấng Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta thật quyết liệt nhưng cũng thật êm ái. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn thế giới, hướng dẫn cuộc đời chúng ta, và thậm chí hướng dẫn ý chí phản loạn của chúng ta – nếu chúng ta chấp nhận để cho Ngài hướng dẫn. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta đến sự nghỉ ngơi của “ngày thứ bảy”, sự nghỉ ngơi của công trình tạo dựng đang tiến gần đến điểm thành toàn của mình.

Đây là câu trả lời. Lời Chúa đứng chênh vênh giữa hai bờ hy vọng và thất vọng. Vâng, Lời Chúa trao cho chúng ta những lý do tuyệt vời để hy vọng. Lời Chúa luôn luôn mới mẻ tinh khôi. Lời Chúa xoáy vào trong tâm trí người ta với sứ điệp lạ kỳ của nó.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 18/6

1V 21, 17-29; Mt 5, 43-48.

Lời suy niệm: “Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em minh thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,47-48)

Trong cuộc sống hằng ngày của con người có bao nhiêu là cuộc gặp gỡ, trao đổi và trợ giúp lẫn nhau. Riêng đối với người Kitô hữu, Chúa Giêsu mong muốn những người môn đệ của Người cần có những mặc tích cực hơn khi chung sống với những người chung quanh, luôn biết quan tâm đến những người thân cận, biết giúp đỡ hơn, bao dung hơn, tha thứ, yêu thương và phục vụ hơn, thân tình hơn, để mỗi ngày chúng ta được trưởng thành trong yêu thương và phục vụ, hầu trở nên  giống Chúa hơn.

          Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin những gì Chúa đòi hỏi nơi chúng con, đều có ơn ban của Chúa, đặc biệt với những hoa trái của Chúa Thánh Thần: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ, kiên nhẫn, quảng đại và khoan dung”, ngõ hầu giúp chúng con có thể thực hiện những lời Chúa dạy hôm nay. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

18 Tháng Bảy

Tình Yêu Mời Gọi 

Vua Friedrich Wilhelm cai trị nước Phổ vào khoảng đầu thế kỷ thứ 18. Ông nổi tiếng là người nóng nảy khó tính. Ông không thích những nghi thức rườm rà. Ông chỉ thích đi dạo một mình giữa các đường phố Berlin. Thích sống đơn giản, nhưng ông lại rất nhạy cảm với bất cứ một sự xúc phạm nào của thần dân. Nếu chẳng may có người nào chạm đến ông giữa đám đông, ông sẽ không ngần ngại dùng gậy đập túi bụi vào người đó. Thành ra, khi thấy đức vua đang đi đến, mọi người đều tìm cách lẩn tránh.

Lần kia, khi ông dang đi giữa phố Berlin, một người đàn ông đang đi tới, bỗng lẩn tránh đi nơi khác. Vừa ngạc nhiên, vừa bực tức vì dân chúng lẩn tránh mình, vua Friedrich mới chận người đàn ông lại và hỏi lý do tại sao ông ta lẩn tránh đi nơi khác. Người đàn ông luống cuống mãi, cuối cùng đành phải thú nhận rằng sở dĩ ông ta lẩn tránh nhà vua là vì sợ hãi. Nghe đến đó, vua Friedrich nổi tam bành, ông túm lấy vai người đàn ông đáng thương, vừa lắc mạnh, vừa thét lên: “Tại sao ngươi dám sợ ta. Ta là vua của ngươi. Ngươi phải yêu mến ta. Ngươi phải yêu mến ta, ngươi có biết điều đó không?”.

Chỉ có con người mới biết yêu bởi vì chỉ có con người mới có tự do. Không ai có thể cưỡng bách người khác phải yêu mình… Tạo dựng con người có tự do, Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng tự do ấy. Ngài không cưỡng bách con người phải yêu mến Ngài, nhưng chỉ mời gọi và tỏ tình. Bằng công cuộc tạo dựng, bằng cuộc sống và cái chết của Con Một Ngài, Thiên Chúa đã tỏ tình với con người… Tình yêu luôn đi bước trước. Bước trước ấy là một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một món quà, một nghĩa cử.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 11 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: 1 Kgs 21:17-29; Mt 5:43-48.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy yêu thương, tha thứ, cầu nguyện, và làm ơn cho kẻ thù!

Nhiều người cho những điều Chúa Giêsu dạy các môn đệ hôm nay là quá khả năng con người có thể làm được. Không chống lại, không kiện cáo đã khó mà Chúa Giêsu còn đòi phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện, và làm ơn cho kẻ thù của mình nữa! Chắc chắn Chúa Giêsu không đòi các tín hữu phải làm những chuyện không thể; khi đòi họ phải làm điều gì, Ngài sẽ cung cấp lý do và nhất là ơn thánh cần thiết để làm chuyện đó.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta hai lý do chính không cần phải báo thù. Trong bài đọc I, Thiên Chúa là người sửa phạt những kẻ làm điều gian ác. Ngài sai Elijah tới để tuyên án phạt cho vua Ahab và hoàng hậu Jezebel. Hoàng hậu sẽ bị chó ăn thịt trong cánh đồng Jezreel, hậu duệ nhà Ahab sẽ bị xóa sạch, và ai thuộc về Ahab “chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa thây.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ trở nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành bằng việc yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Việc báo thù người ác là việc của Thiên Chúa

1.1/ Thiên Chúa sẽ trả lại cho mỗi người tùy việc họ làm.

Trong trình thuật hôm qua, hẳn mọi người chúng ta rất bất bình với vua Ahab, và nhất là với hoàng hậu Jezebel. Trong trình thuật hôm nay, chúng ta sẽ thấy rõ án công thẳng của Thiên Chúa, vì không một việc gì dù kín nhiệm đến đâu đi nữa mà Thiên Chúa không biết.

Thiên Chúa sai ngôn sứ Elijah đến gặp vua Ahab và tuyên án cho vua rằng: “Đức Chúa phán thế này: Ngươi đã giết hại, lại còn chiếm đoạt nữa ư? … Đức Chúa phán thế này: Tại chính nơi chó đã liếm máu Naboth, thì chó cũng sẽ liếm máu ngươi… Này, Ta sẽ giáng tai hoạ xuống trên ngươi: Ta sẽ xoá sạch hậu duệ ngươi, Ta sẽ tiêu diệt các đàn ông con trai của Ahab trong Israel, đang bị ràng buộc hay được tự do.”

Riêng đối với hoàng hậu Jezebel, người chủ mưu trong kế hoạch giết và chiếm vườn nho của Naboth: “Chó sẽ ăn thịt Jezebel trong cánh đồng Jezreel. Kẻ nào thuộc về Ahab mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa thây.” Lời tuyên án “chó sẽ ăn thịt Jezebel trong cánh đồng Jezreel” thành sự thật trong 2 Kings 9:35-36; và lời tuyên án “kẻ nào thuộc về Ahab mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa thây” được thi hành trong 2 Kings 9:25-26.

1.2/ Vua Ahab ăn năn hối cải:

Thật ra, vua Ahab là người biết kính sợ Thiên Chúa; nhưng là một ông vua nhu nhược, không có đức tin vững chắc nên đã nghe lời xúi giục của hoàng hậu Jezebel để làm những điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa. Điều này phải là mẫu gương cho các tín hữu: Đừng dại dột lấy vợ ngoại đạo, vì các bà sẽ bắt các ông cũng tôn thờ thần tượng của các bà; và vì không biết hay không tin nơi những điều dạy tốt lành của Thiên Chúa, các bà sẽ hành động theo bản năng và sự xúi giục của ma quỉ.

Khi nghe những lời tuyên án của ngôn sứ Elijah, “vua Ahab xé áo mình ra, khoác áo vải gai bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với vải gai và bước đi thiểu não.” Đức Chúa động lòng thương xót, Ngài phán với ông Elijah, người Tishbite, rằng: “Ngươi có thấy Ahab đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không? Vì nó đã hạ mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng hoạ trong buổi sinh thời của nó, nhưng đến đời con nó, Ta sẽ giáng hoạ xuống nhà nó.”

Giống như trường hợp của vua David, Đức Chúa nhân nhượng cho vua Ahab trong khi ông còn sống; nhưng sẽ thi hành trong đời con cháu. Tội không bao giờ chỉ là tội của cá nhân; nhưng luôn ảnh hưởng trên gia đình và xã hội.

2/ Phúc Âm: Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

2.1/ Luật người xưa dạy: ”Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.” Luật Đức Kitô: ”Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”

(1) Phân tích từ ngữ: Trước tiên, chúng ta cần phân biệt: có ba động từ yêu trong Hy-lạp: erein, philein, agapan. Động từ yêu dùng ở đây là “agapan;” động từ này chỉ được dùng trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Đức Kitô không đòi chúng ta yêu kẻ thù với tình yêu tự nhiên dành cho người yêu, hay dành cho những người trong gia đình (erein, philein). Nếu Chúa đòi như thế, Ngài bắt chúng ta đi ngược lại tự nhiên. Điều khác biệt giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tự nhiên là ở chỗ khi yêu cách tự nhiên, con người dùng trái tim; nhưng khi yêu kẻ thù với tình yêu Thiên Chúa, con người phải dùng tới ý muốn của mình, nó là một thỏa thuận giữa trí tuệ và lòng muốn.

(2) Thứ đến, con người chỉ có thể yêu kẻ thù khi con người đã được thấm nhuần đạo lý và tình yêu của Đức Kitô: Theo Gioan, tình yêu này phát xuất từ Thiên Chúa và được thông ban cho con người qua Đức Kitô. Chúa Giêsu luôn đòi các môn đệ phải ở lại trong tình yêu này qua việc giữ các giới răn, trước khi truyền cho các ông phải “yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

(3) Sau cùng, con người phải sống theo lời dạy của Đức Kitô: Để có thể yêu kẻ thù, con người cần cầu nguyện cho họ. Khi con người có thể cầu nguyện cho họ, Chúa sẽ giúp con người có thể tha thứ hoàn toàn cho kẻ thù. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Noi gương Đức Kitô, thánh Stephanô, vị tử đạo tiên khởi, cũng cầu nguyện cho những người ném đá mình: ”Lạy Chúa! Xin đừng chấp họ tội này.” Và còn biết bao gương của các vị tử đạo khác nữa; điều này chứng minh đời hỏi của Đức Kitô không vượt quá giới hạn của con người.

2.2/ Những lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 4 lý do:

(1) Để trở nên con cái của Thiên Chúa: Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Điều làm con người nên giống Thiên Chúa nhất là yêu thương. ”Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.”

(2) Người môn đệ phải khác với người thường: ”Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?”

(3) Người có đạo phải khác với người vô đạo: ”Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”

(4) Để trở nên hoàn thiện: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Hoàn thiện là mục đích của Thiên Chúa khi dựng nên con người, như Sách Sáng Thế viết: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (Gen 1:27).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta là những con cái của Thiên Chúa, và có bổn phận sống theo tiêu chuẩn của những công dân Nước Trời; chứ không được bằng lòng với những tiêu chuẩn của trần thế. Một trong những tiêu chuẩn làm chúng ta giống Thiên Chúa là yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************