Ngày thứ ba (18-07-2023) – Trang suy niệm

17/07/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba tuần 15 Thường Niên – Năm A

BÀI ĐỌC I: Xh 2, 1-15a

“Bà đặt tên cho trẻ là Môsê, vì vớt nó dưới nước lên; và khi đã khôn lớn Môsê đi thăm anh em”.

Bài trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, có một người đàn ông thuộc nhà Lêvi đi cưới vợ cũng trong chi tộc mình. Nàng mang thai và sinh hạ một con trai. Thấy con trẻ khôi ngô tuấn tú, nàng giấu kín trong ba tháng. Khi thấy không thể nào giấu kín được nữa, nàng liền lấy chiếc thúng trét nhựa thông, rồi bỏ đứa trẻ vào trong, đem thả trong đám sậy ở bờ sông. Chị đứa bé đứng xa xa để quan sát sự việc xảy ra thế nào. Bấy giờ có công chúa con Pharaon xuống tắm dưới sông, còn các nữ tỳ đi bách bộ theo bờ sông. Khi thấy cái thúng mây ở giữa bụi sậy, nàng sai một nữ tỳ xuống vớt lên, vừa mở ra, thấy một trẻ nam nằm khóc trong đó, nàng thương hại và nói: “Đây là đứa trẻ Do-thái”. Bấy giờ chị đứa trẻ thưa với công chúa rằng: “Bà có muốn tôi đi tìm cho bà một phụ nữ Do-thái có thể nuôi đứa trẻ này không?” Công chúa đáp: “Đi tìm đi”. Chị đứa trẻ liền đi kêu mẹ nó. Công chúa Pharaon nói với mẹ đứa trẻ rằng: “Chị hãy lãnh nuôi đứa trẻ này giùm tôi, tôi sẽ trả công cho chị”. Chị ta liền nhận nuôi đứa trẻ, và khi nó lớn lên, thì đem đến cho công chúa Pharaon. Công chúa nhận đứa trẻ làm con nuôi, đặt tên cho nó là Môsê và nói: “Vì tôi đã vớt nó dưới nước lên”. Trong những ngày ấy, Môsê đã khôn lớn, liền đi thăm anh em mình, người thấy họ cơ cực, và thấy một người Ai-cập đang hành hung một người Do-thái là anh em của mình. Sau khi đã nhìn qua nhìn lại, không thấy ai, Người liền hạ sát tên Ai-cập và vùi thây dưới cát. Hôm sau, người đi ra, thấy hai người Do-thái đang đánh lộn với nhau, người bảo kẻ có lỗi rằng: “Tại sao anh đánh người bạn của anh?” Anh ta trả lời: “Ai đã đặt anh làm lãnh tụ và quan án xét xử chúng tôi? Anh cũng muốn giết tôi như anh đã giết người Ai-cập hôm qua sao?” Môsê lo sợ và nói: “Việc này người ta đã hay biết rồi sao?” Pharaon nghe biết câu chuyện, liền tìm giết Môsê. Nhưng Môsê đã lánh mặt nhà vua, trốn sang xứ Mađian.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 68, 3. 14. 30-31. 33-34

Đáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh (x. c. 33).

1) Tôi bị dìm trong hố bùn lầy, không có chỗ để đặt chân nương tựa. Tôi bị rơi trong đầm sâu nước lớn, và ba đào đang lôi cuốn thân tôi. (2) Nhưng lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa. Ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. (3) Phần con, con đau khổ cơ hàn; lạy Chúa, xin gia ân phù trợ, bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân. (4) Các bạn khiêm cung hãy nhìn coi và hoan hỉ; các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù.

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a

All. All. – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – All.

PHÚC ÂM: Mt 11, 20-24

“Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: “Hỡi Côrôzain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi. “Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

18/07/2023 – THỨ BA TUẦN 15 TN

Mt 11,20-24

SÁM HỐI VÀ HOÁN CẢI ĐỜI SỐNG

Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối. (Mt 11,20)

Suy niệm: Câu tục ngữ: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” từng một thời là khuôn vàng thước ngọc cho việc giáo dục, ngày nay hứng chịu không ít ‘gạch đá’ bởi vì nhiều người vin vào nó để biện minh cho thói bạo hành của mình. Nhưng phải chăng khi phủ nhận giá trị tích cực của câu tục ngữ này, người ta lại sa vào một cực đoan khác, đó là dung dưỡng cho tính bướng bỉnh, vô kỷ luật của chính con cái mình? Về điều này, Chúa Giê-su nêu cho chúng ta chuẩn mực của Ngài. Một mặt, Ngài không ngần ngại quở trách những kẻ cứng lòng đã “chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối.” Ngài còn cảnh báo họ càng nhận được nhiều ơn thì hình phạt dành cho họ lúc đó sẽ càng nặng nề hơn. Mặt khác, Ngài dạy chúng ta học với Ngài vì Ngài “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Ngài nghiêm khắc đối với tội lỗi, nhưng luôn có tâm tình yêu thương, thái độ hiền hậu, khoan dung, nhẫn nại để mở ngỏ cho chúng ta cơ hội sám hối và hoán cải để được cứu độ.

Mời Bạn: Mỗi biến cố trong cuộc sống đều là hồng ân Chúa ban và là lời mời gọi sám hối và hoán cải. Đó là chưa kể muôn vàn ân phúc Ngài ban cho chúng ta qua việc cầu nguyện, thánh lễ, và các bí tích. Nếu chúng ta vẫn cứng lòng chai lỳ trong tội lỗi thì một ngày kia trước toà phán xét, chúng ta sẽ đáng nhận án phạt nặng nề hơn.

Sống Lời Chúa: Luôn xét mình và ăn năn tội mỗi tối và thường xuyên sám hối lãnh nhận bí tích giải tội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su! Xin đừng để chúng con chai lì trong tội lỗi, nhưng xin Chúa giúp chúng con biết sám hối, ăn năn để được ơn cứu độ. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Lời giảng đầu tiên của Đức Giêsu là một lời mời sám hối (Mt 4, 17).
Những phép lạ Ngài làm cũng là một lời mời tương tự.
Phép lạ không phải chỉ là những biểu lộ của uy quyền và tình thương.
nhằm vén mở khuôn mặt của Thiên Chúa và của Con Ngài.
Phép lạ còn là lời mời gọi đổi đời, vì Nước Trời đã gần đến.
Đức Giêsu quở trách các thành đã lần lữa không chịu sám hối,
dù họ đã được chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm (c. 20).

 “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin ! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa !”
Đức Giêsu đã kêu than như một ngôn sứ, buồn phiền và đau đớn,
trước sự cứng lòng của những nơi mà Ngài đã đặt chân và thi ân.
Khoradin là một vùng ở tây bắc của Hồ Galilê (Mc 10, 13).
Nay chỉ còn là cánh đồng gạch vụn, với dấu tích của một hội đường.
Bếtsaiđa nghĩa là “nhà của cá”, nằm nơi sông Giođan đổ vào Hồ nói trên.
Thành này ngày nay cũng biến mất, có lẽ vì bị tràn ngập bởi phù sa. 
Đức Giêsu đã so sánh hai thành này với hai thành dân ngoại Tia và Xiđôn.
Nếu Tia và Xiđôn nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu,
hẳn họ đã ăn năn sám hối từ lâu rồi (c. 21).

Caphácnaum được coi là trụ sở của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ.
Nơi đây Ngài đã làm bao điều tốt lành (Mt 4, 13; 8, 5; 9, 1; 17, 24).
Vậy mà có vẻ nó lại không muốn đón nhận Đấng mang ơn cứu độ.
Phải chăng vì nó đã tự hào, tự cao trước những ơn Chúa ban ?
“Ngươi sẽ được đưa lên tới tận trời sao ? Ngươi sẽ bị tống xuống âm phủ.”
Đức Giêsu dám so sánh Caphácnaum với Sơđôm.
Sơđôm là một thành phố trụy lạc, đã bị thiêu hủy hoàn toàn (St 19, 25).
Ngài cho rằng Sơđôm mà được thấy những điều kỳ diệu Ngài làm,
hẳn nó đã hoán cải và còn tồn tại đến nay (c. 23).

Đến ngày phán xét, con người sẽ bị xét xử theo điều mình đã lãnh nhận.
Lãnh ít thì sẽ được khoan hồng nhiều hơn.
Mỗi người chúng ta thật sự chẳng rõ mình đã nhận được bao nhiêu.
Chúng ta dễ có thái độ tự cao của những người được gần gũi Chúa.
“Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài,
và Ngài cũng đã từng dạy dỗ trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26).
Nhưng điều quan trọng không phải là đã nghe giảng và đã thấy phép lạ.
Điều quan trọng là sám hối.
Những ơn lộc Chúa ban cho đời kitô hữu lại đòi ta phải hoán cải nhiều hơn.
Chúng ta không thể coi mình là Caphácnaum để khinh Xơđôm được.
Thiên Chúa xét xử theo điều Ngài ban cho từng con người,
từng nền văn hóa hay văn minh, từng vùng đất hay từng tôn giáo.

Làm sao tôi có thể thấy được những phép lạ Chúa làm cho tôi mỗi ngày ?
Có những phép lạ xảy ra đều đặn và bình thường nên tôi không nhận ra.
Mỗi cử chỉ yêu thương tôi nhận được cũng là phép lạ.
Mong tôi đáp lại phép lạ đó bằng một cử chỉ yêu thương.

Lời nguyện

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG BẢY

Tiếng Nói Cuối Cùng Là Tiếng Nói Yêu Thương

“Ai có thể giải thích sự tội?” – tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên như thế (Tv19,13 theo bản La tinh). Sự quan phòng của Thiên Chúa soi rọi ánh sáng trên sự phản nghịch bi đát của con người, để chúng ta có thể học biết tránh tội.

Con người được tạo dựng trong tư cách là một hữu thể có lý trí và tự do trong một thế giới mà sự tội không những có thể xảy ra mà còn được thấy như là một thực tại ngay từ đầu. Tội lỗi là sự chống đối triệt để đối với Thiên Chúa. Nó là điều mà Thiên Chúa dứt khoát không muốn. Tuy nhiên, Ngài vẫn cho phép nó xảy ra khi tạo dựng con người có tự do. Ngài cho phép xảy ra sự tội – là kết quả của sự lạm dụng tự do đã được Ngài ban cho.

Từ thực tế không thể đảo ngược này (được chúng ta biết đến nhờ mạc khải và được chúng ta kinh nghiệm trong thế giới đã sa ngã của chúng ta), chúng ta biết rằng rất cần có sự tự do trong thế giới thụ tạo này, cho dù nó có thể bị lạm dụng, hơn là chúng ta bị tước mất tự do – nhằm để khỏi có nguy cơ phạm tội. Đó là góc nhìn thích đáng đối với sự khôn ngoan có tính quan phòng của Thiên Chúa – trong đó Thiên Chúa nhìn thấy cứu cánh của mọi sự.

Đành rằng Cha nhân lành của chúng ta cho phép tội xảy ra, nhưng Ngài đã nhìn thấy trước từ đời đời con đường cứu độ bằng tình yêu của Ngài. Thật vậy, sự tự do được ban cho con người là để con người có thể yêu thương. Người ta không thể yêu thương nếu không có tự do đích thực. Và trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tội lỗi và ơn cứu độ, tình yêu luôn luôn là tiếng nói quyết định cuối cùng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 18-7

Xh 2, 1-15a; Mt 11, 20-24.

Lời suy niệm: “Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối.”

          Mỗi người chúng ta cần phải thấy được tình yêu thương của Chúa Giêsu khi Người dùng “Khốn cho các ngươi” không chỉ có các thành: Khoradim. hay là Bếtxađa. Chính Chúa cũng đang nói với mỗi người trong chúng ta; trong cuộc sống của chúng ta cần phải nhận ra ân huệ của Chúa; Để thấy những lỗi lầm của chính mình khi sống với nhau, với các tạo vật khác trong “ngôi nhà chúng” mà Thiên Chúa đã tạo dựng và trao ban cho mỗi chúng ta quản lý và tiếp tục xây dựng theo ý của Thiên Chúa. Nếu chúng ta sống không có trách nhiệm, là xúc phạm đến Thiên Chúa; cần phải biết sám hối; để được sống.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người chúng con, nhận ra Chúa trong mọi người và mọi cảnh vật đang hiện diện chung quanh. Để chúng con biết cảm tạ Chúa và biết sám hối những sai phạm của chúng con, hầu giúp cho tâm hồn chúng con được sự bình an và vui sống với nhau cùng với các tạo vật mà |Chúa đã ban cho chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

18 Tháng Bảy

Tình Yêu Mời Gọi 

Vua Friedrich Wilhelm cai trị nước Phổ vào khoảng đầu thế kỷ thứ 18. Ông nổi tiếng là người nóng nảy khó tính. Ông không thích những nghi thức rườm rà. Ông chỉ thích đi dạo một mình giữa các đường phố Berlin. Thích sống đơn giản, nhưng ông lại rất nhạy cảm với bất cứ một sự xúc phạm nào của thần dân. Nếu chẳng may có người nào chạm đến ông giữa đám đông, ông sẽ không ngần ngại dùng gậy đập túi bụi vào người đó. Thành ra, khi thấy đức vua đang đi đến, mọi người đều tìm cách lẩn tránh.

Lần kia, khi ông dang đi giữa phố Berlin, một người đàn ông đang đi tới, bỗng lẩn tránh đi nơi khác. Vừa ngạc nhiên, vừa bực tức vì dân chúng lẩn tránh mình, vua Friedrich mới chận người đàn ông lại và hỏi lý do tại sao ông ta lẩn tránh đi nơi khác. Người đàn ông luống cuống mãi, cuối cùng đành phải thú nhận rằng sở dĩ ông ta lẩn tránh nhà vua là vì sợ hãi. Nghe đến đó, vua Friedrich nổi tam bành, ông túm lấy vai người đàn ông đáng thương, vừa lắc mạnh, vừa thét lên: “Tại sao ngươi dám sợ ta. Ta là vua của ngươi. Ngươi phải yêu mến ta. Ngươi phải yêu mến ta, ngươi có biết điều đó không?”.

Chỉ có con người mới biết yêu bởi vì chỉ có con người mới có tự do. Không ai có thể cưỡng bách người khác phải yêu mình… Tạo dựng con người có tự do, Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng tự do ấy. Ngài không cưỡng bách con người phải yêu mến Ngài, nhưng chỉ mời gọi và tỏ tình. Bằng công cuộc tạo dựng, bằng cuộc sống và cái chết của Con Một Ngài, Thiên Chúa đã tỏ tình với con người… Tình yêu luôn đi bước trước. Bước trước ấy là một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một món quà, một nghĩa cử.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 15 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Exo 2:1-15; Mt 11:20-24.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cơ hội càng nhiều, phán xét càng nặng.

Có những người chỉ cần cho họ một cơ hội trong cuộc đời là họ biết nắm lấy, ra sức làm việc, và thành công trong cuộc đời. Cũng có những người được cho hết cơ hội này đến cơ hội khác; nhưng vẫn không biết nắm lấy, tối ngày chỉ lo ăn chơi, nghịch phá, và làm việc gì cũng thất bại. Trong lãnh vực đức tin cũng thế: Có những người ngoại giáo, chỉ cần nghe biết về Chúa Giêsu thôi; nhưng cách biểu lộ niềm tin của họ đã làm cho Chúa Giêsu phải ngạc nhiên: viên đại đội trưởng người Rôma, người phong cùi… Nhưng cũng có những người đồng hương với Chúa Giêsu biết rõ Chúa, nhưng họ vẫn không tin Ngài. Chúa Giêsu ngạc nhiên vì sự cứng lòng của họ.

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những ví dụ tương phản như thế. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa quan phòng cho Moses có cơ hội được cứu sống nhờ lòng nhân từ của công chúa Ai-cập. Khi lớn lên, ông Moses không thể dằn lòng trước những cử xử dã man giữa con người với con người, ông đã giết một người Ai-cập và khuyên nhủ hai người Do-thái đừng cãi vã nhau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã lớn tiếng trách mắng các thành Chorazin, Betsaida, và Capernaum, vì tuy họ đã nhiều lần chứng kiến các phép lạ Chúa làm và nghe những lời Chúa giảng, họ vẫn không xám hối và tin vào Ngài. Trong khi các thành của dân ngoại như Tyre và Sidon, mặc dù ít được Chúa tới, nhưng cách biểu lộ niềm tin của họ làm chính Chúa phải ngạc nhiên.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cuộc đời của ông Moses

1.1/ Moses được cứu thoát bởi công chúa Ai-cập: “Có một người thuộc dòng họ Levi đi lấy một người con gái cũng thuộc họ Levi. Người đàn bà ấy thụ thai và sinh một con trai. Thấy đứa bé kháu khỉnh, nàng giấu nó ba tháng trời. Khi không thể giấu lâu hơn được nữa, nàng lấy một cái thúng cói, trét hắc ín và nhựa chai, bỏ đứa bé vào, rồi đặt thúng trong đám sậy ở bờ sông Nile. Chị đứa bé đứng đàng xa để xem cho biết cái gì sẽ xảy ra cho em nó.”

Nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, công chúa của Pharao đã động lòng thương đứa trẻ dù biết nó là người Do-thái; và với sự khôn ngoan của người chị khi hỏi công chúa Pharao: “Bà có muốn con đi gọi cho bà một vú nuôi người Do-thái, để nuôi đứa bé cho bà không?” Khi công chúa Pharao đồng ý, người chị liền đi gọi mẹ mình. Công chúa của Pharao bảo bà ấy: “Chị đem đứa bé này về nuôi cho tôi. Chính tôi sẽ trả công cho chị.” Thế là mẹ được ở gần nuôi con và còn được cấp dưỡng. Khi đứa bé lớn lên, bà đưa nó đến cho công chúa của Pharao. Nàng coi nó như con và đặt tên là Moses; nàng nói: “Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước.”

 

1.2/ Tính can đảm của Moses: Là con của công chúa, ông Moses có thể chọn lối sống an bình dễ dãi như một hoàng tử của Ai-cập; nhưng ông chọn để sống anh hùng và theo Lề Luật của Thiên Chúa. Trình thuật đưa ra 2 ví dụ chứng minh tính khí khái của Moses:

(1) Ông không thể chịu đựng cảnh bất công: “Khi ông ra ngoài thăm anh em đồng bào và thấy những việc khổ sai họ phải làm. Ông thấy một người Ai-cập đang đánh một người Do-thái, anh em đồng bào của ông. Nhìn trước nhìn sau không thấy có ai, ông liền giết người Ai-cập, rồi vùi dưới cát.”

(2) Ông không thể chịu đựng cảnh bất hòa: “Hôm sau, ông lại đi ra, gặp hai người Do-thái đang xô xát nhau, ông nói với người có lỗi: “Tại sao anh lại đánh người đồng chủng?” Người đó trả lời: “Ai đã đặt ông lên làm người lãnh đạo và xét xử chúng tôi? Hay là ông tính giết tôi như đã giết tên Ai-cập? “Ông Moses phát sợ và tự bảo: “Vậy ra người ta đã biết chuyện rồi!” Nghe biết chuyện này, Pharao tìm cách giết ông Moses. Ông Moses liền đi trốn Pharao và ở lại miền Midian.

2/ Phúc Âm: Ai được cho có cơ hội nhiều sẽ bị phán xét nhiều.

2.1/ So sánh Chorazin và Bethsaida với Tyre và Sidon: Bấy giờ Chúa Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: “Khốn cho ngươi, hỡi Chorazin! Khốn cho ngươi, hỡi Bethsaida! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tyre và Sidon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tyre và thành Sidon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

(1) Chorazin và Bethsaida: Chorazin được các nhà khảo cổ đồng nhất với thành Kerazeh hiện đại, cách xa Capernaum chừng 2.5 dặm về phía Bắc. Bethsaida là một làng của vùng Galilee, nằm về phía Tây của hồ Tiberias, trong “giải đất của Gennesaret.” Bethsaida là quê hương của Peter, Andrew và Philip; và là chỗ Chúa Giêsu thường xuyên lui tới. Hai phép lạ Chúa Giêsu làm được kể chi tiết là phép lạ Chúa chữa người mù tại Bethsaida (Mk 8:22) và phép lạ nuôi 5,000 người ăn tại Bethsaida (Lk 9:10-17). Ngoài ra, Luca cũng tường thuật việc Chúa Giêsu dạy dỗ, và chữa lành nhiều người tại đây.

(2) Tyre và Sidon: là hai hải cảng thương mại lớn của người Phoenecia (Lebanon ngày nay), nằm dọc theo bờ biển Mediterranean. Tyre nằm khoảng 23 dặm về phía Bắc của Arco, và cách Sidon khoảng 20 dặm về phía Nam. Chúa Giêsu rất ít khi rao giảng ngoài lãnh thổ của Palestine, và các thánh ký chỉ tường thuật một lần Chúa đến vùng Tyre và Sidon, khi một người đàn bà Canaan nài xin Ngài cứu con gái bà khỏi bị quỉ ám. Chúa Giêsu thử thách đức tin của bà cách trầm trọng: “Không nên lấy lương thực của con cái mà vứt cho chó” (Mt 15:21); trước khi chữa lành con gái của bà.

2.2/ So sánh Capernaum với Sodom: “Còn ngươi nữa, hỡi Capernaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Sodom, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Sodom còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

(1) Capernaum: có thể nói là “thành của Chúa Giêsu” vì Ngài thường xuyên lui tới dạy dỗ và làm phép lạ tại đây. Gioan tường thuật Chúa làm phép lạ đầu tiên cho nước hóa thành rượu tại tiệc cưới Cana (Jn 2:12) và chữa lành con trai của một quan chức (Jn 4:46). Matthew tường thuật phép lạ Chúa chữa đầy tớ của viên Đại Đội Trưởng Rôma (Mt 8:5). Marcô tường thuật Chúa chữa người bại liệt được thòng xuống từ mái nhà (Mk 2:1). Luca tường thuật Chúa chữa người bị quỉ ám (Lk 9:33). Marcô tường thuật Chúa giảng trong hội đường Capernaum (Mk 1:21) và Gioan ghi lại rõ ràng: diễn từ về BT Thánh Thể xảy ra sau phép lạ hóa bánh nuôi 5,000 người và phản ứng của dân chúng cũng xảy ra tại đây (Jn 6).

(2) Sodom: Chúng ta biết đến thành phố này trong Sách Sáng Thế khi Thiên Chúa khiến lửa từ trời thiêu rụi thành phố này vì những tội tày trời họ xúc phạm đến Ngài, nhất là tội sodomy như tên thành được gọi (Gen 18:16-33, 19:1-29). Thành phố này nằm đối diện với Zoar, về phía SW của Biển Chết.

Khi đưa ra sự so sánh giữa các thành phố, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh một điểm quan trọng: Ai được cho nhiều cơ hội để ăn năn, sẽ phải chịu sự phán xét nặng nề hơn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải biết tận dụng thời gian, của cải, và tài năng Thiên Chúa ban để sinh lợi ích cho chính chúng ta, cho gia đình, và cho tha nhân.

– Nếu Thiên Chúa đã ban nhiều, Ngài có quyền đòi lại cho tương xứng của Ngài đã ban. Chúng ta phải coi chừng vì chúng ta sẽ bị Thiên Chúa phán xét nặng nề hơn.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************