Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần XXIV Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 12, 12-14. 27-31a
“Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của chỉ thể”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như thân xác là một, mà có nhiều chi thể, và tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể.
Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người theo phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các Tông đồ, thứ đến là các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là Tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư? Anh em hãy cần mẫn sao cho được những ân điển cao trọng hơn. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Đáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).
Xướng: 1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan vơi lòng hân hoan khoái trá. – Đáp.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta và ta thuộc quyền sở hữu của Người. Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. – Đáp.
3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. – Đáp.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ. – Đáp.
ALLELUIA: Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! – Lạy Cha là Chúa trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 7, 11-17
“Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: “Đừng khóc nữa”. Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.
Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người”. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
18/09/2018 – THỨ BA TUẦN 24 TN
Lc 7,11-17
XÓT THƯƠNG MẸ GOÁ CON CÔI
Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì kìa người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. (Lc 7,12)
Suy niệm: Ở đâu và thời nào cũng có cảnh mẹ goá con côi. Những mảnh đời đáng thương này thường bị nhiều người khinh khi, ức hiếp… Trong sứ vụ của Người, Đức Giê-su dành sự quan tâm đặc biệt đối với những kẻ bé nhỏ nghèo hèn, trong đó có những người mẹ góa con côi. Người đã thẳng tay lên án nhóm Pha-ri-sêu vừa đạo đức giả hình, vừa nhẫn tâm nuốt hết tài sản và ức hiếp những người góa bụa (Mt 23,14b). Có lần Người biểu dương một bà góa nghèo đã bỏ vào thùng tiền dâng cúng chỉ hai đồng tiền kẽm (Lc 21,2-4). Và nhất là hôm nay, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương an ủi bà góa thành Na-in. Thân phận góa bụa đã khốn khổ lắm rồi, thế mà giờ đây bà bị mất đi cả đứa con trai duy nhất! Bà bị nhận chìm trong đau khổ tột cùng. Trông thấy bà, Chúa không thể cầm lòng; Người đã “chạnh lòng thương” và đã cho con trai bà sống lại.
Mời Bạn: Thánh Phao-lô nhắc ông Ti-mô-thê hãy ân cần trong cách đối xử với các bà góa (x. 1Tm 5,3-16). Họ là những người nghèo vật chất cũng như tinh thần, những người cô đơn, đau khổ. Bạn đã gặp ai đau khổ như hoàn cảnh bà góa thành Na-in chưa? Bạn đã làm gì để chia sẻ với họ?
Sống Lời Chúa: Hãy thực hiện trong cuộc sống của bạn lời Chúa nói: “Phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn chạnh lòng thương và thi ân cho những ai đau khổ, xin cho con cũng biết nhận ra và tích cực xoa dịu những nỗi đau của bao con người tận cùng bất hạnh xung quanh đời con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG CHÍN
Niềm Hy Vọng Vinh Quang
Trong sứ vụ cứu rỗi phổ quát của mình, Hội Thánh không ngừng được Thánh Thần của Chúa Phục Sinh thúc đẩy. Hội Thánh thiết tha mong muốn đưa dẫn mọi người đến niềm hạnh phúc trên trời – hạnh phúc mà các thánh đang vui hưởng. Trong thành đô trên trời ấy, các thánh thi hành phần vụ của mình là cầu bầu cho Hội Thánh lữ hành dưới đất. Về phần mình, Hội Thánh hướng nhìn với đôi mắt đức tin về Giêrusalem trên trời và tìm thấy nơi đó ánh sáng và hy vọng mà Hội Thánh cần trong hành trình tiến tới và chia sẻ con đường cứu rỗi và nên thánh với thế giới này.
Bởi đó, Hội Thánh giữa lòng thế giới dẫn dắt nhân loại tiến tới đền thờ vĩnh cửu trong Thành Thánh muôn đời, như ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền của Thánh Gioan. “Tôi không thấy đền thờ nào trong thành, vì đền thờ của thành chính là Đức Chúa toàn năng và là Con Chiên” (Kh 21,22).
Thành Giêrusalem thiên quốc – khác với Hội Thánh dưới thế này – hoàn toàn tinh tuyền và thánh thiện. Thành ấy được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Trong Thành đó không có một chút gì phàm tục cần phải tách ra khỏi những sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Trong Thành đó không có đền thờ, bởi vì không cần phải có một hình thức hiện diện trung gian. Không, mọi sự trên trời đều biểu hiện vẻ rạng ngời của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói cách khác, Thiên Chúa hiện diện một cách vĩnh hằng trong đền thờ là trong chính mọi sự mọi người trên thiên quốc.
Thiên Chúa cũng thực sự hiện diện nơi Hội Thánh dưới đất này. Nhưng Ngài hiện diện một cách giấu ẩn trong đức tin kiên định và đức cậy dạt dào của dân Thiên Chúa. Và vì thế, chúng ta không nhìn thấy vinh quang của Đức Kitô rõ ràng như Hội Thánh trên trời, nhưng chúng ta khắc khoải chờ mong cuộc quang lâm của Đức Kitô và sự sống lại của những người đã chết. Bấy giờ, Hội Thánh sẽ hoàn toàn hiệp nhất trên trời với Đức Kitô.
Ôi tuyệt diệu! Đấy sẽ là Hội Thánh trong vinh quang sung mãn của mình. Đấy sẽ là Hội Thánh như Thánh Gioan đã thị kiến trong Sách Khải Huyền.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 18/9
1Cr 12, 12-14.27-31; Lc 7, 11-17.
LỜI SUY NIỆM: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.”
Khi Chúa Giêsu khi nhìn thấy người đàn bà góa đưa đám người con trai độc nhất của bà, Chúa biết bà đã mất tất cả, bà không con chi đối với xã hội người Do-thái lúc bấy giờ nữa, nên Chúa đã động lòng thương, Chúa tiến lại gần bà, an ủi bà: “Đừng khóc nữa” và làm cho người con trai được sống lại: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trổi dậy.” Chúa Giêsu đã phục hồi lại tất cả cho bà: “Đức Giêsu trao anh cho bà.”
Lạy Chúa Giêsu, qua đoạn Tin Mừng này, chúng con tin là Chúa đang nhìn thấy mỗi người trong chúng con trong từng hoàn cảnh của mỗi người, Chúa biết chúng con đang mất những gì, và đang cần những gì. Xin Chúa cứu chữa chúng con và phục hồi lại những gì chúng con đã đánh mất, giúp chúng con được sống lại trong ơn nghĩa Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
18 Tháng Chín
Những Giọt Nước Mắt Của Sám Hối
Người Hồi Giáo thường nói đến ý nghĩa và giá trị của lòng sám hối qua câu chuyện tưởng tượng như sau:
Một hôm Allah, Ðấng Khôn Ngoan, truyền cho một sứ thần xuống trần gian để tìm cho được điều tốt đẹp nhất và mang về Thiên quốc.
Vị sứ thần đáp ngay xuống một trận chiến nơi máu của những vị anh hùng đang chảy lai láng. Vị sứ thần thu nhặt một ít máu và mang về trình cho Ðấng Allah. Nhưng Ðấng Allah xem ra không hài lòng mấy. Ngài nói: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất dưới trần gian”.
Vị sứ thần đành phải giáng trần một lần nữa. Lần này, ngài gặp ngay một đám tang của một người giàu có, nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi đằng sau quan tài, vừa đi vừa khóc lóc, vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị ân nhân. Vị sứ thần bèn thu nhặt hương thơm ngào ngạt và mang về trời. Lần này, Ðấng Allah mỉm cười đón lấy mùi thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng. Ngài nói: “Dĩ nhiên, lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới trần gian. Nhưng ta nghĩ rằng còn có một cái gì khác tốt đẹp hơn”.
Lại một lần nữa, vị sứ thần đành phải vâng lệnh Allah để trở lại trần gian. Phải mất một thời gian lâu, sau khi đã đi rảo khắp bốn phương, vị sứ thần mới tìm được điều mong mỏi. Một buổi chiều nọ, ngồi nghỉ mệt bên vệ đường, ngài bỗng thấy một người đàn ông bên cạnh khóc sướt mướt. Vị sứ thần được người đàn ông giải thích như sau: “Tô đã chiều theo cơn cám dỗ để phạm tội… Giờ đây, nước mắt là cơm bữa hằng ngày của tôi”. Vị sứ thần bèn đưa tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và vội vã bay về trời. Ðấng Allah nhìn thật lâu vào những giọt nước mắt và mỉm cười nói với vị sứ thần:
“Thế là người đã hoàn thành tốt sứ mệnh. Quả thật dưới trần gian, không có gì đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, người đã thấy đó, trước khi vui mừng, ta đã nhìn thật kỹ xuyên qua những giọt nước mắt. Một lòng sám hối giả dối không có ích lợi gì cả. Một sự sám hối thành thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân của Tình Yêu”.
Trong Tin Mừng theo thánh Luca ở đoạn 15 câu 7, Chúa Giêsu đã nói: “Trên trời sẽ vui mừng gấp bội khi có một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn là 99 người công chính không ăn năn hối cải”.
Vinh quang của Thiên Chúa, niềm vui của Thiên Chúa chính là con người được sống. Và sự sung mãn, sự sống đích thực chính là ân sủng, là sự sống của Thiên Chúa trong tâm hồn con người. Sự sống ấy chỉ có thể đến trong tâm hồn con người, nếu con người biết mở rộng cửa tâm hồn để đón nhận Thiên Chúa… Những giọt nước mắt sám hối chính là sức đẩy để mở tung cánh cửa tâm hồn vậy.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 24 TN2
Bài đọc: I Cor 12:12-14, 27-31; Lk 7:11-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệp nhất trong khác biệt.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thần học về thân thể của thánh Phaolô.
1.1/ Nhiều chi thể khác nhau nhưng trong cùng một Thân Thể là Đức Kitô:
Thánh Phaolô dùng hình ảnh thân thể con người với những chi thể khác nhau để áp dụng cho thân thể của Chúa với những chi thể khác nhau là các tín hữu: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy.” Trong một thân thể, không có chi thể nào hèn kém đến độ thân thể không cần đến; nhiều khi những chi thể xem ra nhỏ bé yếu đuối hay hèn kém lại càng cần thiết hơn. Cũng vậy, “Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể.” Trong Chúa Kitô, không có một cá nhân nào hèn kém đến độ bị lọai trừ ra ngòai. Tất cả các hàng rào ngăn cách con người với nhau ngòai xã hội như ngôn ngữ, giai cấp, tài năng … phải bị dẹp bỏ để mọi người trở thành anh chị em với nhau.
Chúng ta đã thấy thánh Phaolô áp dụng thần học thân thể này cho rất nhiều lãnh vực, chẳng hạn việc có nên ăn thịt cúng. Ngài trả lời cứ việc ăn mà không cần phải hỏi han lôi thôi; nhưng nếu việc ăn thịt cúng làm cho một tín hữu mất đức tin thì ngài sẽ không ăn, vì tín hữu này đã được Chúa Giêsu đổ máu ra để chuộc tội. Hay hôm qua khi bàn về Bữa Tiệc Tình Yêu, ngài nói: Tất cả những ai ăn Bánh và uống Rượu – là ăn chính Mình và uống Máu Chúa – đều trở nên một Thân Thể và được thông phần vào chính sự sống của Đức Kitô, nhờ Máu của Ngài. Vì thế, tất cả phải ăn uống làm sao để đừng ăn uống án phạt mình qua việc phân chia giai cấp giữa người giầu và kẻ nghèo.
1.2/ Nhiều sứ vụ khác nhau nhưng được trao ban bởi cùng một Thánh Thần:
Một áp dụng khác về thần học thân thể là mỗi người tín hữu được Thiên Chúa trao một sứ vụ khác nhau: tông đồ, tiên tri, thầy dạy, làm phép lạ, chữa lành, quản trị, người luôn giúp đỡ, hay nói tiếng lạ. Tất cả các sứ vụ đều nhằm một mục đích là để xây dựng nhiệm thể của Đức Kitô.
Con người thường có khuynh hướng quan trọng hóa sứ vụ của mình và khinh thường sứ vụ của những người khác. Họ nghĩ chỉ có sứ vụ của họ mới cần thiết còn những sứ vụ khác kém quan trọng hơn hay không cần thiết. Thánh Phaolô dùng hình ảnh của thân thể để bác bỏ quan niệm này. Ngài nói tất cả các chi thể đều quan trọng cho việc gìn giữ thân thể khỏe mạnh. Mắt không thể bảo tay “Tao không cần đến mày;” đầu cũng không thể bảo hai chân “Tao không cần đến chúng mày.” Hơn nữa, tất cả các sứ vụ được ủy thác cho mỗi người bởi cùng một Thánh Thần. Ngài không những biết khả năng của mỗi người mà biết Nhiệm Thể Chúa Kitô cần gì để phát triển, nên sắp xếp sứ vụ và ban ơn cần thiết để mỗi người có thể chu tòan sứ vụ của mình.
Một khuynh hướng khác là muốn làm những gì xem ra được coi là quan trọng theo tiêu chuẩn của thế gian; chẳng hạn khuynh hướng thích làm lớn và nói tiếng lạ nơi cộng đòan Corintô. Trong Phúc Âm không thiếu những người có khuynh hướng này như Mẹ của hai ông Giacôbê và Gioan đem hai con đến xin Chúa ban cho một đứa ngồi bên tả và một đứa ngồi bên hữu trong vương quốc của Chúa. Chúa sửa dạy các ông: “Ai muốn làm lớn giữa an hem thì phải làm người phục vụ an hem. Và ai muốn làm đầu an hem thì phải làm đầy tớ anh em.”
2/ Phúc Âm: Chúa động lòng thương và cho con trai duy nhất của Bà mẹ Nain sống lại.
Đứng trước cái chết con người hòan tòan bất lực và hỏang sợ khi phải đương đầu với cái chết, nhất là những cái chết trẻ, nhiều người, và đột ngột. Như Bà mẹ Nain hôm nay, Bà đã góa chồng và chỉ có một con duy nhất là niềm hy vọng để nâng đỡ Bà trong cuộc sống trên dương gian; thế mà anh cũng vĩnh viễn ra đi. Chắc Bà không bao giờ nghĩ là Bà sẽ phải chôn con.
Người Hy-Lạp, nhất là những người theo chủ thuyết Khắc Kỷ, họ tin có Đấng Tối Cao; nhưng không tin Ngài có cảm xúc trước những đau khổ của con người. Họ lý luận: Nếu con người có thể làm cho Ngài vui hay buồn, tức là con người có ảnh hưởng trên Ngài; khi con người có ảnh hưởng trên Ngài là con người lớn hơn Ngài; nhưng không ai có thể lớn hơn Đấng Tối cao. Vì vậy, Đấng Tối Cao phải là Đấng không có cảm xúc. Niềm tin này hòan tòan ngược lại với niềm tin của người Công Giáo, Thiên Chúa cảm thương với nỗi đau khổ của con người. Thánh Luca tường thuật Chúa Giêsu chạnh lòng thương Bà mẹ góa chỉ có đứa con côi mà giờ đây cũng không còn nữa, Ngài an ủi: “Bà đừng khóc nữa!” Trước khi cho Lazarus sống lại, Gioan tường thuật “Chúa khóc” (Jn 11:35) và “Chúa thổn thức trong lòng” (Jn 11:38).
Thiên Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại. Trong Cựu Ước, chỉ có tiên tri Elisha làm cho con trai của Bà góa miền Shunem sống lại bằng cách kề miệng ông trên miệng nó (2 Kgs 4:34-37). Trong Phúc Âm, có ít nhất 3 lần Chúa làm cho kẻ chết sống lại: Cho con gái của ông trưởng hội đường Giaia sống lại (Mt 9:18-26, Mc 5:35-43, Lk 8:40-56); Chúa Giêsu làm cho anh thanh niên sống lại và trao anh lại cho bà mẹ Nain hôm nay (Lk 7:11-17); và Chúa cho Lazarus chết 3 ngày được sống lại (Jn 11:38-44). Khi chứng kiến quyền năng của Thiên Chúa cho kẻ chết sống lại, con người kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Hình ảnh những chi thể khác nhau của một thân thể sẽ giúp chúng ta giải quyết nhiều những vấn đề trong cuộc sống: tham quyền hành, ghen tương, bè đảng, khai trừ nhau … Mỗi người chúng ta đều có chỗ đứng trong tòa nhà của Thiên Chúa và đều được Thánh Thần trao cho một sứ vụ để xây dựng tòa nhà này.
– Thiên Chúa có quyền trên sự chết và Ngài quan tâm đến những đau khổ của kiếp người. Những điều này là hy vọng cho cuộc đời chúng ta vì biết rằng những đau khổ có ý nghĩa và sự chết chỉ là tạm thời. Nếu chúng ta kiên trì vượt qua đau khổ, chúng ta sẽ cùng sống lại và chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************