Ngày thứ ba (19-10-2021) – Trang suy niệm

18/10/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần XXIX Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: 2 Cr 4, 7-15

“Chúng tôi luôn mang trong thân xác mình sự chết của Đức Giêsu”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành để biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chớ không phải phát xuất tự chúng ta. Chúng ta chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng ta phải long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng ta bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi vì chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta. Vì chưng, mặc dầu đang sống, nhưng vì Đức Giêsu, chúng ta luôn luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng ta.

Vậy sự chết hoành hành nơi chúng tôi, còn sự sống hoạt động nơi anh em. Nhưng anh em hãy có một tinh thần đức tin như đã chép rằng: “Tôi đã tin, nên tôi đã nói”, và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Đức Giêsu, và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

A+B=Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan (c. 5).

A=Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

B=Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

A=Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

B=Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

A+B=Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan (c. 5).

ALLELUIA: Mt 28, 19a. 20b

-Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 28, 16-20

“Các con hãy đi giảng dạy muôn dân”.

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mat-thêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.  Đó là lời Chúa.

Thánh Lễ Thường Niên

BÀI ĐỌC I: Rm 5, 12. 15b. 17-19. 20b-21

“Nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị, thì càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa và ơn huệ kèm trong ân sủng của một người, là Đức Giêsu Kitô, càng tràn ngập chan chứa hơn nữa tới nhiều người. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Đức Giêsu Kitô.

Do đó, tội của một người truyền đến mọi người, đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người, đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.

Nhưng ở đâu càng đầy tràn tội lỗi, thì ở đó càng tràn đầy dư dật ân sủng: để như tội lỗi đã thống trị làm cho người ta chết thế nào, thì nhờ đức công chính, ân sủng sẽ thống trị làm cho người ta sống đời đời do Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng như vậy. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17

Đáp:  Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a & 9a).

Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Đáp.

2) Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. – Đáp.

3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Đáp.

4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 12, 35-38

“Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

19/10/2021 – THỨ BA TUẦN 19 TN

Th. Gio-an Brê-bớp, linh mục và các bạn tử đạo

Lc 12,35-38

SỐNG TỈNH THỨC

“Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12,36)

Suy niệm: Dù đã được cứu chuộc để thừa hưởng hạnh phúc Nước Trời, các Ki-tô hữu vẫn phải trải qua cuộc hành trình chiến đấu trong cõi tạm này. Chính vì thế, Chúa dạy chúng ta phải luôn cảnh giác không để mình bị lôi cuốn vào con đường lầm lạc, sa lầy trong tội lỗi, nhưng luôn tỉnh thức như người tôi tớ trung thành sẵn sàng đón Chúa khi Ngài đến lúc chúng ta không ngờ. Thánh Phao-lô nhắc nhủ: “Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối; vì thế đừng ngủ…; tốt hơn hãy tỉnh thức, hãy điều độ” (1Tx 5,5).

Mời Bạn: Để đề phòng virus, các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch luôn mang khẩu trang, tấm chắn, mặc áo bảo hộ trùm kín từ đầu đến chân. Trong cuộc chiến đấu thiêng liêng, các Ki-tô hữu cũng phải được trang bị đồ bảo hộ, vắcxin và cả “vũ khí sự sáng để chiến đấu” (Rm 13,12). Thánh Phao-lô dặn dò chúng ta hãy nhận lấy “toàn bộ binh giáp” trong kho vũ khí của Thiên Chúa: “lưng thắt đai là chân lý, áo giáp là sự công chính, khiên mộc là đức tin, mũ chiến là ơn cứu độ, và gươm của Thần Khí ban cho tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6,14-17).

Sống Lời Chúa: Có vũ khí rồi, phải luyện tập hằng ngày bằng việc suy niệm lời Chúa cùng với hy sinh và việc bác ái.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, Chúa hiểu gánh nặng của phận người. Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc mà con người lại yếu đuối mong manh… Xin giúp con để con đừng bỏ cuộc. Xin đồng hành với con để con không cô đơn… Xin cho con can đảm đối diện với những thách đố vì biết rằng cuối cùng chiến thắng thuộc về người có niềm hi vọng lớn hơn. Amen.”. (Rabbouni, tr. 39)

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ăn, ngủ, và làm việc trong một đời?
Nhiều người nghĩ mình có thể đưa ra những con số khá chính xác.
Nhưng chúng ta dành bao nhiêu thời gian để chờ?
Có thứ chờ tính được bằng thời gian.
Có thứ chờ kéo dài liên tục nằm nơi trái tim mong ngóng.
Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, những người yêu chờ nhau.
Trong một vở kịch của Samuel Beckett, văn sĩ được giải Nobel 1969,
có hai người chờ một nhân vật mơ hồ tên là Godot.
Cả hai chỉ quen sơ sơ ông này, nếu có gặp cũng chẳng nhận ra.
Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông Godot nào đó đã không đến.
Có lẽ Samuel Beckett muốn nói đến cái phi lý của đời người.
Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ và chẳng xảy ra.

Đức Giêsu dạy các môn đệ biết chờ đợi trong cuộc sống.
Chờ như những đầy tớ chờ chủ mình đi ăn cưới về.
Đám cưới ngày xưa hay vào ban đêm để tránh cái nóng.
Chủ có thể về trễ, nên phải chịu khó chờ,
nghĩa là phải tỉnh thức, không được ngủ quên.
Nhưng chờ lại không phải là thái độ ngồi yên, thụ động.
Chờ là đặt mình trong tư thế sẵn sàng phục vụ.
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35).
Người đầy tớ sẵn sàng bắt tay vào việc,
vì chiếc áo đã được vén lên gọn gàng,
và trong đêm, ngọn đèn được châm dầu vẫn luôn cháy sáng.

Có một giây phút quan trọng, giây phút ông chủ về.
Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự sẵn sàng, tất cả hướng đến giây phút này.
Lỡ giây phút này là lỡ tất cả.
“Để khi chủ về tới, gõ cửa thì mở ngay” (c. 36).
Mở ngay vì mình đang chờ, đang thức, đang sẵn sàng,
áo đã được vén lên để chuẩn bị phục vụ,
đèn đã được thắp sáng để soi trong bóng đêm.
Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau mắn như vậy của các đầy tớ.
Nhưng các đầy tớ còn ngỡ ngàng hơn nhiều.
Chính khi các anh chuẩn bị phục vụ chủ, thì chủ lại phục vụ các anh.
“Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn,
và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).
Rõ ràng đã có một sự đổi vai bất ngờ: chủ đã thắt lưng, phục vụ như đầy tớ.
Đầy tớ đã trở nên trọng hơn chủ, vì Thầy ở giữa anh em như người hầu bàn.

Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ.
Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần sáng (c. 38).
Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến.
Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn.
Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm.
Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi.
Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất :
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.

Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.

(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

19 THÁNG MƯỜI

Chứng Từ Của Tình Yêu Huynh Đệ

Sau khi ghi nhận những công việc xuất phát từ tình yêu lớn lao dành cho Chúa Kitô trong trái tim của người phụ nữ này – một tôi tớ nhỏ bé của Thiên Chúa – tôi liên tưởng đến giáo huấn mà Tông Đồ Phao-lô đã viết cho các tín hữu Philipphê: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Pl 2,1-2).

Phải chăng những lời này của vị Tông Đồ Dân Ngoại chỉ dành cho giáo đoàn ở Philipphê? Hay chỉ gởi cho giáo hội ở Calcutta? Không! Đó là những lời được gởi cho toàn thể Giáo Hội ở mọi nơi trên thế giới, gởi cho mọi người Kitô hữu! Có thể nói, đó là những lời được gởi cho mọi tín đồ thuộc mọi niềm tin tôn giáo, cho tất cả những con người thiện chí. Đó là một chứng từ của tình yêu huynh đệ: “Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được nên trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,2-3).

Đừng! Chúng ta đừng bao giờ hành động theo hướng nuôi dưỡng hận thù, bất công, hoặc gây ra đau khổ! Đừng bao giờ hành động để chạy đua vũ trang! Đừng bao giờ hành động theo hướng áp bức các dân tộc yếu kém! Đừng bao giờ hành động theo những dạng trá hình của chủ nghĩa đế quốc và những ý thức hệ bất nhân chà đạp tinh thần người ta.

Cuối cùng, hãy cho phép những người thấp cổ bé miệng được lên tiếng nói! Hãy cho phép những người nghèo của Mẹ Têrêsa – cũng như mọi người nghèo trên thế giới – được lên tiếng nói! Bởi tiếng nói của họ chính là tiếng nói của Đức Kitô! Amen.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 19/10

Thánh Gioan Brêbeuf, linh mục

Thánh Isaac Jogues, linh mục và các bạn tử đạo

Thánh Phaolô Thánh Giá, linh mục

Rm 5, 12. 15b.17-19. 20b-21; Lc 12, 35-38.

LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.”

          Chúa Giêsu luôn căn dặn mỗi một người trong chúng ta luôn phải chu toàn bổn phận của mình với tinh thần trách nhiệm cao. “Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (Dt 4,13). Cũng như trong Thánh Vịnh 139 còn cho chúng ta biết thêm: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì. Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi. Chúa đều xem xét, mọi nẽo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.” (c.1-3)

          Lạy Chúa Giêsu. Lời Chúa là ánh sáng soi lối cho chúng con đi. Xin cho Lời Chúa thấm đượm trong tâm trí của chúng con, để chúng con luôn tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa trong tâm tình con thảo của Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 19-10: Thánh PHAOLÔ THÁNH GIÁ
(1694 – 1775)

Ít có biến cố đẹp mắt để ghi lại cuộc đời của Paul Prannes Daniel. Thường trọn đời Ngài dành cho cầu nguyện, sám hối và tôn sùng cụôc tử nạn của Chúa. Ngài là dụng cụ phổ biến lòng tôn sùng này với dòng tu Ngài thiết lập, dòng Thương khó. Ngài sinh tại miền Bắc Ý năm 1694 từ một gia đình trung lưu đạo đức. Dầu cuộc sống Ngài cho tới tuổi15 đã diễn ra như cuộc sống bình thường của người Kitô hữu, nhưng vào thời này, người đã trải qua một loạt trở lại khiến Ngài dâng trọn đời cho việc cầu nguyện hãm mình: Ngài quỳ gối lâu giờ, thực hành những việc phạt xác như ngủ trên đất và ăn chay liên tục, nhờ đó ảnh hưởng đối với những người đương thời, khiến nhiều người đi tu dòng hay là một linh mục triều.

Vào tuổi 20, việc gia nhập đạo quân Venise để bảo vệ Kitô giáo chống lại người Hồi cho thấy sau một thời lý tưởng Ngài đã khác. Nhưng Ngài đã trở lại đời sống cầu nguyện hãm mình.

Sáu năm qua đi và chỉ đến lúc 26 tuổi, Ngài mới thấy rõ hơn chuỗi ngày tương lai của mình trong một loạt các thị kiến. Ngài hiểu rằng: mình phải lập một dòng tu đặc biệt tôn sùng cuộc khổ nạn. Trước hết Ngài bắt đầu nếp sống mà tu sĩ dòng Thương khó sẽ phải sống, trong khi phát ra một qui luật gửi về Roma xin phê chuẩn. Sau một ít khó khăn, luật này đã được chuẩn nhận. Ngài và em mình là Gioan Tẩy giả đã lập dòng ở Mote Argentaro và nhận những tập sinh đầu tiên. Đức Bênêdictô XIV đã buộc giảm nhẹ đôi chút sự khắc khổ trong đời sống tu trì và đi rao giảng trong các miền lân cận.

Phaolô là một nhà truyền giáo nhiệt thành rao giảng cuộc Thương Khó khắp nơi và gây được nhiều cuộc trở lại. Những năm cuối đời, Ngài đã lập dòng các nữ tu thương khó. Bây giờ Ngài được dân chúng coi như một vị thánh và mỗi khi đi qua đâu, Ngài phải chịu đựng đám đông những người lo kiếm miếng vải áo Ngài làm thánh tích, họ chạm tới Ngài hay xin Ngài chữa bệnh hoặc một ân huệ nào khác. Ngài qua đời ngày 18 tháng 10 năm 1775 vào tuổi 80 và được tuyên thánh khoảng gần thế kỷ sau năm 1865.

Điều lạ lùng là vị thánh người Ý không hề rời xa quê hương mình sinh trưởng lại rất quan tâm tới việc trở lại của nước Anh mà Ngài biết đến rất ít. Ngài nói: “Nước Anh luôn ở trứơc mặt tôi và nếu nước Anh trở lại công giáo thì ích lợi cho Giáo hội vô kể”. Dầu bản thân Ngài đã không thể đi bước tích cực nào để cải tiến vấn đề, cũng cần ghi lại rằng 65 năm sau khi Ngài qua đời,một tu sĩ, dòng Thương Khó, anh Dominicô Barbeni đã tới nước Anh và trở thành dụng cụ đưa về hiệp thông với Giáo hội Jolm Hery Newman và nhiều người khác nữa, như thế là góp phần vào việc phục hồi đạo công giáo tại xứ sở này.

**********************

Ngày 19-10

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO MIỀN BẮC MỸ
(Thế kỷ XVII)

Rênê (+1642) Jean Lalande Và Isaac Jogues (+1644) Antoine Daniel (+1648) Jean De Brébeuf Và Gabriel Lalemant (+1649) Charles Garnier Và Noel Chabanel (+1649)

Ngay từ năm 1608, hai tu sĩ dòng Tên đã được gởi tới miền Nova Scotia, nhưng công cuộc sớm bị ảnh hưởng những cuộc chiến tranh với nước Anh và mãi tới năm 1632 khi Canada đi về với Pháp, trung tâm truyền giáo mới được các tu sĩ dòn Tên thiết lập thường xuyên ở Rucbee.

Năm 1633, bề trên Paul le Jeune kết hợp với Jean de Brébeuf, một nhà quí phái sinh tại Normandie, và Antoine Daniel với Ennemond Massé. Những khó khăn của các nhà thám hiểm này được biểu trưng bằng những kinh nghiệm của Le Jeune khi Ngài theo nhóm Algonquin đi săn bắn: những cố gắng rao giảng của Ngài bị phá hoại bởi những tiếng reo hò, chế giễu, bởi vì người da đỏ dạy người nói thổ ngữ để châm chọc đã dùng những chữ độc ác nhất đặt ngang với từ ngữ chỉ đức tin Kitô giáo. Le Jeune cũng bắt dầu cảm thấy bốn khía cạnh tệ hại nhất trong đời sống dân da đỏ là: lạnh, nóng, khói và chó. Trong căn lều chất đầy đàn ông, đàn bà và chó ngủ chung quanh đống lửa đến khi thường bị mù lòa. Một sự kiện khiến Le Jeune nhận định: “Những lương dân bất hạnh này trải qua cuộc sống đời tạm trong khói mờ và chôn vùi cuộc sống đời đời trong lửa cháy”.

Le Jeune quyết định rằng không có cuộc truyền giáo nào hy vọng thành công được nếu không hướng về những bộ lạc đã định cư. Dân Huron sống ở miền phía đông bờ biển Huron đã được chọn làm trung tâm truyền giáo. Năm 1634, Brébeuf Daniel và Davort đã thành công trong việc hoà đồng với dân tộc gồm hai chục ngàn dân sống trong ba mươi làng, mỗi làng có khoảng bảy trăm dân này.

Các nhà truyền giáo gặp được những người da đỏ lịch sự nhưng xa cách trẻ em và những người hấp hối hầu như không thể trở lại đạo được, vì họ chỉ coi đó là tôn giáo của người da trắng. Họ hỏi: “Các ông có săn bắn trên thiên đàng, đánh nhau hay mừng lễ không ?”. Được trả lời là không. Họ liền đáp lời: “Vậy chúng tôi không tới đó đâu. Nhàn cư vi bất thiện. Các nhà truyền giáo nhận thấy điều chống lại mình chính là cả nếp sống với những cưới hỏi phải tranh hùng, những hành hạ và những cuộc ăn thịt người. Các Ngài quyết định chính mình tập trung dân lại, không coi họ là đồng minh. Nhưng khích lệ và còn hy vọng những cuộc hôn nhân với dân cư gốc Pháp nưã.

Sự sáng suốt của quyết định này đã được củng cố với những kinh nghiệm thu lượm được trong cuộc thí nghiệm năm 1638, trùng hợp với việc đến góp mặt của năm nhà truyền giáo khác nữa trong đó có: Isaac-Joques, một học giả và nhà lực sĩ có thể qua mặt cả người da đỏ và Charles Garnier. Dân da đỏ bắt đầu thù nghịch với các tu sĩ dòng Tên như là những phù thủy nguyền rủa dân tộc họ, khi ấy bóng áo dài của các Ngài in trên nền tuyết trắng trên đường đi tới làng nào, trẻ con khóc thét tìm mẹ như là cơn đói và dịch tễ đã đến. Đó là lúc Jean de Brebeuf thấy thánh giá vĩ đại của mình tiến đến từ vùng đất dân Iroquois cư ngụ, kẻ thù của dân Huron. Khi được hỏi thánh giá ấy giống cái gì, Ngài trả lời: “Nó lớn đủ để đóng đinh tất cả chúng ta”.

Dân Iroquois nuôi dưỡng sự tức giận từ khi bị người Pháp đánh bại 30 năm về trước và mức độ tấn công của họ ngày càng lớn thêm. Vào tháng tám năm 1624 Jognes, Goupil (một giáo dân cộng tác vào việc truyền giáo) và một nhóm người da đỏ từ Quebu trở về với thực phẩm cần thiết cho nhóm truyền giáo và những người dân da đỏ đói khổ. Họ bị dân Iroquois tấn công và bắt giữ. Dân này gặm tay họ như chó dại, rút móng tay và bắt họ chạy giữa hai hàng người cho người ta đánh đập mỗi khi qua làng nào. Sự tinh chế hay là “Mơn trớn” (như người da đỏ nói) của cực hình họ chịu còn nhiều hơn nữa: than nóng, dao mác, cắt xẻo để diễu cợt và vui chơi. Cái chết trong bầu khí quỉ quái hơn là chỉ để vui chơi, thường bằng cách thiêu sống và rồi sau đó thân thể được phân phát làm của ăn.

Goupil tồi tệ nhất. Ngài bị giết ngày 29 tháng 9 năm 1642 bằng một nhát búa vì dám rửa tội một em bé nhưng Jognes bị giam giữ nhiều tuần với bản án tử hình vĩnh viễn. Cuối năm 1643, với sự trợ giúp của vài nhà buôn Hòa Lan, Ngài đã trốn thoát được về Pháp bằng tàu, nhưng lại trở lại truyền giáo năm 1644 và được chính quyền miền tân Pháp gửi tới dân Iroquois như một sứ giả trong một thời gian hưu chiến ngắn.

Được khích lệ bởi những kết quả của cuộc viếng thăm này, Jognes đã trở lại với một giáo hữu trợ tá khác là Jean Lalande. Nhưng thành công của họ không sống lâu: một vụ mất mùa, một cái hộp khả nghi của Jognes mà người da đỏ tin là có chứa một tai họa và cả hai bị bắt, bị hành hạ, bị giết ngày 18 tháng 10 năm 1644.

Hầu hết dân Huron đã bắt đầu đón nhận đức tin Kitô giáo, tinh thần của họ như một dân bị khổ cực với những cuộc tấn công liên lỉ của dân Iroquois. Cuộc tử đạo kế tiếp xảy ra vào ngày 4 tháng 7 năm 1648 khi pháo đài chính xứ thánh Giuse, một làng 26 ngàn người bị dân Iroquois phá hủy. Antoin Daniel thành công trong 4 năm liên tiếp vừa mới cử hành thánh lễ xong, khi thấy nhóm người bảo vệ bị vây khốn, Ngài giục họ trốn đi và nói: “Tôi sẽ ở lại đây, chúng ta sẽ gặp lại nhau trên thiên đàng”. Mặc nguyên áo, Ngài tiến ra gặp người Iroquois. Họ ngỡ ngàng nhìn lại một chút, rồi bắn một loạt tên. Sau đó bắt nạn nhân của mình, tắm mặt họ vào máu Ngài và ném xác Ngài vào ngôi nhà thờ đang bốc cháy.

Mùa Xuân tiếp sau, người Iroquois tăng gấp đôi nỗ lực nhằm hại người Huron và trong một cuộc tấn công của 1000 người vào làng thánh Lu-y, họ bắt thánh Jean de Brébeuf và Gabriel Lement, thánh Jean de Brebeuf bị hành hạ nghiêm khắc đến nỗi đã chết sau 4 tiếng đồng hồ. Một chiếc vòng bằng vàng những cái rìu nóng đỏ quấn quanh cổ Ngài và Ngài đã được một người Huron phản đạo rửa tội trong nước sôi. Nằm chết, đám đông uống máu Ngài và thủ lãnh họ được đặc ân ăn trái tim Ngài.

Lelemant ốm yếu đã sống sót được 17 giờ bị hành hạ trước khi tắt hơi ngày 17 tháng 3 năm 1649.

Hai vị tử đạo khác bị những người Thổ của Giáo hội người da đỏ kêu gào đòi mạng khi sự khủng khiếp trải rộng tới dân tộc Tobacco sống ở những thung lũng núi Blue. Trong cuộc tấn công vào xứ thánh Gioan tháng 12 năm 1644, Charles Garnier đã bị giết khi Ngài cố gắng giải tội cho một người da đỏ, đang hấp hối. Là con của một người dân thành Paris, Ngài đã sống bằng rễ cây và trái sồi và đi bộ 30 hay 40 dặm dứơi sức nóng của mùa hạ qua miền đất thủ hần để rửa tội một người da dỏ đang hấp hối. Bạn Ngài, Noel Chabanel ngán các điều kiện của việc truyền giáo đến nỗi tự buộc mình bằng lời khấn sẽ ở lại đó cho tới chết, đã bị giết chết bởi một người Huron phản đạo vì tin rằng: tôn giáo mới chịu trách nhiệm về số phận đau khổ của quê hương anh ta.

Cuộc truyền giáo cho người Huron như thế thật gian khổ chỉ thấy chán nản thất vọng và phân tán. Tuy vậy ảnh hưởng của cuộc truyền giáo đã thay đổi nếp sống những người da đỏ, dầu họ còn hoang dại nhưng hết độc ác.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

19 Tháng Mười

Ôi Giêsu, Ôi Giêsu! 

Jeanne D’Arc, một cô gái quê, đã nghe theo tiếng gọi từ trời cao để cầm quân đánh đuổi người Anh ra khỏi đất Pháp. Nhờ chiến thắng này, hoàng tử Charles đã được đăng quang làm vua nước Pháp.

Nhưng sau đó trong một trận chiến khác, Jeanne D’Arc bị bại trận, cô bị người Anh bắt giữ và kết án hỏa thiêu. Trong những giờ phút cuối cùng cô chỉ còn trơ trọi một mình: người mẹ thân yêu ở cách xa ngàn dặm, vua Charles không muốn bỏ tiền ra để chuộc cô, các tướng lãnh và binh lính đã từng sát cánh bên cô cũng đã bỏ chạy trốn hết. Chỉ còn lại âm thanh lúc nào cũng trung thành với cô: đó chính là tiếng kêu của cô.

Trong cơn đau đớn cùng cực, người thiếu nữ đã kêu lớn: “Ôi Giêsu, ôi Giêsu!”. Quả thật, dù lòng người có bội bạc phôi pha, Chúa Giêsu vẫn luôn ở với cô và luôn an ủi đỡ nâng cô.

Tin tưởng là tiếp tục yêu mến cho dù trong từng phút giây ta có bị người đời bỏ rơi, phản bội. Yêu là tin rằng ta có thể trung thành trước những bất trung của người khác và những thăng trầm của cuộc sống. Chúng ta đứng vững trong niềm tin vì cho dù xung quanh ta không còn một bóng người, Thiên Chúa vẫn luôn ở đó.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 28 – TN1

Bài đọc: Rom 1:16-25; Lk 11:37-41.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Liên hệ giữa cái bên ngoài và cái bên trong

Cái bên ngoài là dấu chỉ của thực tại bên trong, vì “lòng có đầy miệng mới nói ra.” Cái bên ngoài không tự ý nó đứng vững, mà phải được nâng đỡ bởi cái bên trong; ví dụ, việc giúp đỡ người nghèo là biểu tỏ tình yêu của một người bên trong; nhưng nếu không có tình yêu bên trong, việc giúp đỡ người nghèo sẽ chỉ là cách để lấy tiếng khen, và sẽ không thể tồn tại lâu dài được.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên sự liên hệ giữa các hành động bên ngoài với tâm tình bên trong. Trong Bài Đọc I, Thánh Phaolô xác tín: dựa vào những cái bên ngoài là công trình tạo dựng của Thiên Chúa, con người phải nhận ra uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa, để con người tin vào Ngài, và thờ phượng Ngài cho đúng đạo làm con. Nếu không, con người sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả tai hại cho cuộc sống. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trách mắng các Biệt-phái chỉ biết chú trọng đến cái bên ngoài như việc rửa tay trước khi ăn. Ngài mời gọi họ hãy chú trọng nhiều hơn đến việc thanh tẩy bên trong, để biết sống theo sự thật, lòng nhân từ, và công lý; vì Thiên Chúa sẽ xét xử con người theo những yếu tố bên trong đó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hai cách Thiên Chúa mặc khải cho con người.

1.1/ Tin Mừng mặc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa: Con người không thể tự sức mình biết những ý định của Thiên Chúa, vì Ngài vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Nhưng Thiên Chúa chọn để tỏ mình cho con người biết các ý định của Thiên Chúa, nhất là qua việc nhập thể của Đức Kitô, người Con Một của Thiên Chúa. Chính Đức Kitô đã mặc khải cho con người biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa qua Tin Mừng Ngài rao giảng, và các thánh ký đã viết lại Tin Mừng này.

Thánh Phaolô xác tín: ”Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.” Tin vào Đức Kitô là một mầu nhiệm, vì đức tin không phải hoàn toàn do sự cố gắng của con người; nhưng còn tùy thuộc vào sự trợ giúp của Thiên Chúa như cho có cơ hội để nghe giảng, có người rao giảng, và ban ơn thánh thần để hiểu biết sự thật.

1.2/ Thiên nhiên mặc khải sự hiện hữu và vinh quang của Thiên Chúa.

(1) Kiến thức con người có thể nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô, với sự khôn ngoan tối thiểu, con người có thể nhận ra Thiên Chúa qua thiên nhiên, những công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: ”Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được.”

Khi không nhận ra Thiên Chúa qua thiên nhiên, trí óc con người còn thua khả năng nhận thức của loài vật. Tiên tri Isaiah đau đớn nói lên một sự thật: con bò biết chủ, con lừa biết máng của chủ; con người không biết Đấng tạo dựng ra mình. Kinh nghiệm con người cũng chứng minh: con chó biết vẫy đuôi khi chủ cho khúc xương, con mèo biết nép mình bên chân chủ khi được gọi; con người không biết cám ơn Thiên Chúa về tất cả những gì Thiên Chúa làm cho họ! Đối với hạng người không nhận ra và cảm tạ Thiên Chúa, Phaolô trách họ: ”vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ.”

(2) Khi con người không thờ phượng Thiên Chúa, họ sẽ phải lãnh nhận những hậu quả tai hại: ”Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý.” Kinh nghiệm đời dạy chúng ta: nếu không chịu tuân theo luật lệ, con người sẽ phải lãnh nhận hậu quả tai hại. Vài ví dụ sẽ làm sáng tỏ vấn đề: Trong nông nghiệp, nếu chủ ruộng không chịu gieo đúng thời tiết, ông sẽ không gặt hái được mùa màng. Hay trong luật kiến trúc, nếu thợ xây không chịu theo đúng sơ đồ đã vẽ, nhà cửa có thể bị sập. Hay trong luật giao thông, nếu một người không chịu theo sự chỉ dẫn của luật đi đường, người đó có thể mất mạng sống cách dễ dàng. Tương tự như thế trong lãnh vực đức tin, nếu con người không chịu theo những lời dạy dỗ của Thiên Chúa, họ sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả tai hại cả đời này và đời sau. Đời này, họ sẽ bị hướng dẫn vào mọi sự điên rồ: ”thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.” Họ sẽ bị hướng dẫn vào các đồi bại về luân lý: ”Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn.”

2/ Phúc Âm: Hãy chú trọng tới sự thanh sạch của tâm hồn.

2.1/ Nhóm Pharisees chú trọng đến hình thức bên ngoài: Rửa tay trước khi ăn nằm trong luật thanh sạch của người Do-thái. Chúa Giêsu không chống lại việc rửa tay trước khi ăn, nhưng Ngài muốn nhấn mạnh đến việc thanh sạch tâm hồn bên trong hơn là thanh sạch bên ngoài. Những người biệt-phái có thể nghĩ không ai biết được những gì đang xảy ra trong tâm hồn họ; nhưng chỉ có thể nhìn thấy và đánh giá những hành động họ làm bên ngoài; do đó, họ chú trọng đến việc cầu nguyện nơi công cộng để mọi người thấy họ đạo đức; ủ rũ khi ăn chay để mọi người thấy họ biết ăn năn, thống hối; khua chiêng vỗ trống khi làm phúc bố thí để mọi người biết họ thương người nghèo. Chúa đã từng đả kích những hành động giả hình này và dạy các môn đệ làm ngược lại: khi cầu nguyện, vào phòng đóng cửa lại; khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu; khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm. Chúa Giêsu chống việc đánh giá chỉ dựa trên những hình thức bên ngoài; vì nó không thật, giả hình, và đánh lừa tha nhân. Nó cũng nguy hiểm cho chính người làm vì họ sẽ có nguy cơ bị tha hóa: khi đã quá quen với những hành động giả nhân, giả nghĩa, họ không còn nhận ra sự thực nữa, đeo mặt nạ mà tưởng là mặt thật của mình.

2.2/ Chúa mời gọi con người chú trọng đến tâm hồn bên trong: Tâm hồn thành thực bên trong là điều quí trọng trước nhan thánh Chúa; vì Ngài nhìn thấu suốt những cái mà con người không nhìn được. Thánh Luca nhắc nhở những ai muốn đánh lừa Thiên Chúa bằng các hình thức bên ngoài: “Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” Nếu một người có tâm hồn cao đẹp bên trong, họ sẽ biểu tỏ qua lời nói và các hành động bên ngoài. Đó là những người có tâm hồn chân thật và yêu thương tha nhân tận đáy lòng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta bằng nhiều cách. Để nhận ra Ngài, chúng ta cần có một tâm hồn khiêm nhường, hăng say học hỏi, và biết quí trọng sự thật.

– Khi con người chối từ Thiên Chúa, họ sẽ bị dẫn vào các lầm lạc của thế gian. Hậu quả là một cuộc sống vô luân, làm nô lệ cho ma quỉ, và lạc xa đích điểm của cuộc đời.

– Chúng ta hãy biết sống chân tình với Thiên Chúa và với tha nhân. Một cuộc sống hời hợt và giả hình sớm muộn rồi cũng bị phát giác; và nhất là, không mang lại cho chúng ta kết quả tốt đẹp.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************