Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần II Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: 1 Sm 16, 1-13
“Samuel xức dầu cho Đavít trước mặt các anh em ngài; và Thánh Thần ngự xuống trên ngài”.
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: “Ta đã loại bỏ Saolê không cho cai trị Israel nữa, thế mà ngươi còn thương khóc nó đến bao giờ? Ngươi hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường; Ta sai ngươi đến nhà Isai dân thành Bêlem. Vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua”. Samuel thưa: “Làm sao mà đi được? Vì nếu Saolê hay biết việc đó, ông sẽ giết con”. Chúa nói: “Ngươi hãy tự tay bắt một con bê trong đàn, và nói: ‘Tôi đến để dâng lễ tế lên cho Chúa’. Ngươi sẽ mời Isai đến để dự lễ tế, Ta sẽ tỏ cho ngươi biết việc phải làm, và sẽ chỉ cho ngươi biết phải xức dầu cho ai?”
Vậy Samuel làm như lời Chúa dạy và đi đến Bêlem. Các vị kỳ lão trong thành bỡ ngỡ chạy đến Samuel mà nói rằng: “Ông đem bình an đến chăng?” Ông đáp: “Phải, bình an! Tôi đến để dâng lễ tế cho Chúa. Các ông giữ mình thanh sạch và cùng tôi đến dâng của lễ”. Vậy ông làm cho Isai và con cái ông ấy được thanh sạch và mời họ đến dâng lễ tế. Khi (họ) vào nhà, Samuel gặp ngay Êliab và nói: “Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?” Và Chúa phán cùng Samuel: “Đừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo kiểu con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Isai gọi Abinađab đến và dẫn đến trước mặt Samuel. Samuel nói: “Cũng không phải Chúa chọn người này”. Isai cho dẫn Samma đến. Samuel lại nói: “Nhưng Chúa cũng không chọn người này”. Isai lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai: “Chúa không chọn ai trong những người này”. Samuel nói tiếp: “Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?” Isai đáp: “Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên”. Samuel nói với Isai: “Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về”. Isai sai người đi tìm đứa con út. Đứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Đavít từ ngày đó trở đi. Còn Samuel đứng dậy trở về Rama. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 88, 20. 21-22. 27-28
A+b: Ta đã gặp Đavít là tôi tớ của Ta (c. 21a).
- a) Xưa trong cuộc thị kiến, Chúa đã phán cùng bầy tôi Chúa: “Ta đội mão triều thiên cho vị anh hùng, Ta cất nhắc người được kén chọn tự trong dân.
- b) Ta đã gặp Đavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người.
- a) Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha tôi, là Thiên Chúa và Tảng Đá cứu độ của tôi”. Và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở trần gian.
A+b: Ta đã gặp Đavít là tôi tớ của Ta (c. 21a).
ALLELUIA: Ga 8, 12 -Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 2, 23-28
“Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?” Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Đavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?” Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
21/01/2020 – THỨ BA TUẦN 2 TN
Th. Anê, trinh nữ, tử đạo
Mc 2,23-28
ĐƯỢC LÀM GÌ NGÀY SA-BÁT?
“Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người… Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.” (Mc 2,27-29)
Suy niệm: Đối với người Do Thái, ngày sa-bát – đối với chúng ta là ngày Chúa Nhật – là ngày phải được thánh hóa theo lệnh Chúa truyền. Các luật lệ đặt ra phải giúp người ta đạt được mục đích đó. Việc các môn đệ bứt vài bông lúa “vò trong tay để ăn” cho đỡ đói không thể là hành vi vi phạm luật thánh thiêng của ngày sa-bát. Chúa Giê-su trưng dẫn từ Sách Thánh: Khi Đa-vít và đoàn tuỳ tùng bị đói, các tư tế cho phép lấy bánh tiến trong đền thờ ăn để cứu đói. Chúa mới là chủ của ngày sa-bát. Thế nên đừng vì soi mói tiểu tiết mà phế bỏ điều thiết yếu lớn lao hơn cả, đó là “công lý, lòng nhân và thành tín” (Mt 23,23) để rồi biến con người, thay vì là chủ, trở thành nô lệ của lề luật.
Mời Bạn: Thánh hoá ngày Chúa Nhật không chỉ là tham dự thánh lễ, mà còn là thực thi điều thiết yếu nhất là”công lý, lòng nhân và thành tín.” Đó là làm việc tông đồ bác ái, tham gia những hoạt động công ích, giúp phát triển cộng đồng, gia tăng việc chăm sóc gia đình, bồi dưỡng giáo lý… Khi thực hiện như thế, con người làm đúng ý Chúa, vì Ngài là chủ ngày sa-bát, Ngài muốn dùng thời gian này để con người biết ơn Ngài và mưu ích cho tha nhân.
Chia sẻ: Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc “kiêng việc xác ngày Chúa Nhật” cần phải được thực hiện thế nào?
Sống Lời Chúa: Ngày Chúa Nhật, bạn tham dự thánh lễ và có những hoạt động thiết thực để thánh hoá ngày đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin tôn thờ Chúa là Chủ thời gian, là Chủ vận mệnh đời con. Xin giúp con dùng thời giờ Chúa ban cho nên lành nên thánh. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG GIÊNG
Những Người Thất Nghiệp – Mối Ưu Tư Nặng Trĩu Lòng Tôi
Tôi đặc biệt cảm thông tận đáy lòng mình hoàn cảnh của vô số anh chị em thất nghiệp. Họ muốn làm việc, nhưng không thể kiếm được một chỗ làm. Nhiều trường hợp, đó bởi vì nạn kỳ thị tôn giáo, giai cấp, chủng tộc, hay ngôn ngữ. Không có việc làm hay thiếu việc làm – tình trạng ấy gây ra nỗi chán chường và dễ làm cho người ta tự cảm thấy mình thừa thãi. Đó là nguyên nhân của nhiều xung đột trong các gia đình và thường dẫn đến bao phiền não lắm khi không thể tả xiết. Tình trạng ấy vừa làm suy yếu cấu trúc xã hội, vừa đe dọa chính phẩm giá của người ta, nam cũng như nữ, trong các gia đình.
Chúng ta cần có những sáng kiến mới mẻ để giải quyết vấn đề rất hệ trọng này. Những sáng kiến ấy sẽ đòi hỏi sự cộng tác trên bình diện quốc gia và quốc tế. Điều cực kỳ quan trọng, đó là những chương trình được phác họa để giải quyết vấn đề thất nghiệp phải thúc đẩy lòng tôn trọng và cảm thông giữa những người chủ việc và những người lao động đang tìm kiếm một chỗ làm.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 21/1
Thánh Anê, trinh nữ tử đạo
1Sm 16,1-13; Mc 2, 23-28.
Lời Suy Niệm: “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát.”
Trước sự nô lệ mặt chữ về ngày Sabát của người Pharisêu, Chúa Giêsu đã dẫn đưa họ đi vào tinh thần của ngày Sabát là ngày của lòng thương xót của Thiên Chúa và là ngày dành tôn vinh Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Ngày hôm nay chúng con có “Ngày Chúa Nhật”: là ngày chính yếu để cử hành bí tích Thánh Thể vì là ngày của mầu nhiệm Phục Sinh. Đó là ngày quy tụ cộng đoàn phụng vụ, ngày của gia đình Kitô giáo, ngày của niềm vui và là ngày nghỉ việc.” (GL số 1193). Xin cho chúng con sống tốt với nhau, cùng nhau nâng đỡ những anh em đang gặp khó khăn trong cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 21-01: Thánh ANÊ
Đồng trinh Tử đạo (khoảng + 304)
Một cuộc đời được gặt bởi gươm đao. Đó là tất cả. Không có nhiều việc, không có nhiều chuyện, nhưng danh tiếng đã nên lẫy lừng.
Một sử gia đã chân nhận như thế theo những lời truyền khẩu. Người ta biết rằng: Anê qua đời khoảng năm 12 tuổi. Cuộc khảo sát xương sọ cho biết như vậy. Người ta còn biết được rằng, theo thánh Ambrosiô, vào năm 375 đã cử hành các lễ kính thánh nữ và vị thánh trẻ trung này được trình bày như vị thánh tử đạo sau khi đã chiến đấu để giữ mình đồng trinh.
Người ta yêu cái tên của Ngài, Anê theo tiếng la-tinh có nghĩa là con chiên, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là trong trắng. Người ta muốn rằng Ngài có nét đẹp duyên dáng quyến rũ và thuộc gia đình quý phái. Các cô gái lập gia đình sớm. Trong số những chàng trai ngưỡng mộ Ngài, có con trai một vị tổng trấn, nhưng Anê tự cởi lòng đã chọn lựa vị hôn phu của mình.
Ngài đã nghe về Chúa Giêsu, đã trở thành Kitô hữu và đã tận hiến vĩnh viễn cho Chúa Kitô. Các trẻ em thời này hay có tư tưởng anh hùng vì đã được thấy dòng máu của những vị tử đạo tuôn đổ. Anê từ khước lời cầu hôn của người thanh niên lương dân và bị tố giác trước quan tổng trấn.
Theo một trong các cuộc đối chất tuyệt vời mà cả trăm nghìn Kitô hữu cho là chính xác, các lời hứa hẹn với những đe dọa chẳng có nghĩa lý gì đối với đức tin và lòng can đảm của thánh nữ. Người thiếu nữ từ chối không thờ lạy thần Minerva. Một ý tưởng quỷ quái nảy ra trong đầu óc quan tổng trấn. Ông truyền dẫn thiếu nữ đến xóm bất lương mặc cho bọn say mê nàng xâm phạm. Ngài bị lột hết y phục. Nhưng tóc dài phủ kín người Ngài. Hơn nữa nguồn sáng bởi trời bao quanh Ngài làm thành một chiếc áo trắng diệu kỳ. Con của vị tổng trấn định cả gan xâm phạm tới Ngài nhưng bị ngã chết như bị sét đánh. Anê đầy thương cảm đã xin thiên thần cứu sống anh và anh sẽ trở lại đạo.
Điều kỳ diệu không có giới hạn và mọi sự đều có thể cả. Bị đưa vào lò lửa, nhưng người thiếu nữ bất khuất không bị thiêu sống. Thánh Ambrôsiô nói: – Ngài đi chịu khổ hình một cách vui vẻ còn hơn một người đi vào loan phòng của mình, vì Ngài không đi đến cái chết nhưng đi vào bất tử, Ngài được trang điểm không phải bằng những trân châu ngọc báu, nhưng bằng ánh sáng siêu nhiên.
Các ngọn lửa vây kín mà không thiêu đốt Anê. Vậy Ngài phải bị chém đầu mới được. Và người ta thấy một thiếu nữ yếu ớt khuyến khích người lý hình tay chân run rẩy: – Chặt đi đừng sợ gì, để tôi sớm đến được với Đấng lòng tôi yêu mến.
Tường thuật đã được tiểu thuyết hoá và làm say mê lòng đạo đức của các tín hữu, nhưng sẽ không đủ để tên Ngài được quí trọng như vậy, nếu không chắc chắn rằng Anê là thánh trẻ tử đạo mà đức tin, đức mến và lòng ái mộ đức khiết trinh còn mạnh mẽ hơn cả sự chết.
Lịch sử thánh Anê còn được phép thêm bằng qua lời truyền khẩu về Emêrentiana, người chị em cùng một vú nuôi với Ngài. Vài ngày sau khi Anê tử đạo, dân ngoại bắt gặp Emêrentiana với các tín hữu khác cầu nguyện bên mộ Ngài.
Các Kitô hữu chạy trốn nhưng Emêrentina ở lại và bị ném đá. Cha mẹ Anê chôn cất nàng bên mộ con gái mình. đêm sau họ thức cầu nguyện và thấy Anê ở giữa các thánh nữ đồng trinh, với con chiên trắng hơn tuyết bên phải.
Thánh Anê nói với cha mẹ: – Đùng khóc vì con phải chết, trái lại cha mẹ hãy vui mừng vì con được hiệp nhất ở trên trời với Đấng con đã yêu mến hết lòng khi ở dưới đất.
Để nhớ đoạn lịch sử này, ngày 21 tháng giêng, sau thánh lễ cử hành trên mộ xác thánh Anê, người ta dẫn tới hai con chiên, lông kết sao vàng và đeo nải trắng một con, đỏ một con. Hai con chiên được đặt trên bàn thờ trong một giỏ mây, được chúc lành và dâng cho Đức Thánh Cha, sau đó được gởi về tu viện thánh Cêcilia.
Nơi đây các nữ tu nuôi chúng lớn lên, lông chúng dùng để dệt các “Pallium”, phẩm phục dệt bằng len trắng, có thêu thánh giá đen, mà Đức giáo hoàng gửi cho các Đức Tổng giám mục mặc trên áo choàng ngoài, như dấu hiệu tỏ sự kính trọng.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
21 Tháng Giêng
Chiếc Khăn Tay Vấy Mực
Ruskin là một nghệ sĩ, phê bình nghệ thuật kiêm xã hội học người Anh sống vào cuối thế kỷ 19.
Một hôm, có một người đàn bà quý phái mang đến cho ông xem một chiếc khăn tay đắt tiền đã bị vấy mực. Bà ta xuýt xoa tiếc rẻ vì chiếc khăn tay đã hoàn toàn mất giá trị của nó.
Ruskin không nói gì, ông chỉ xin cho ông mượn chiếc khăn tay trong một ngày. Ngày hôm sau, ông trao lại chiếc khăn tay cho người đàn bà mà cũng không nói một lời nào. Nhưng khi trải chiếc khăn tay ra, người đàn bà hết sức ngạc nhiên, bởi vì từ một vết mực trong góc của chiếc khăn, nhà nghệ sĩ đã biến thành một bức tranh tuyệt mỹ.
Chiếc khăn tay có vấy mực tưởng đã bị vứt đi, nay đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật để đời.
Những người có niềm tin vào cuộc sống không bao giờ bỏ cuộc trước những thất bại. Họ luôn biết biến những thất bại ấy thành khởi đầu của một thành công vĩ đại hơn.
Người có niềm tin vào Thiên Chúa cũng luôn nhìn vào thất bại, rủi ro, đau khổ trong cuộc sống như cơ may của một ân phúc cao cả và dồi dào hơn.
Dạo tháng 6 năm 1990, mục sư Anh giáo Michael Lapsley, người Zimbabwe bên Phi Châu, vì là mục sư Tuyên úy của tổ chức Quốc đại Châu Phi bao gồm các lực lượng tranh đấu cho quyền lợi của người da đen Nam Phi, đã bị quân khủng bố đặt chất nổ khiến ông bị cụt hai tay, mù một mắt và hỏng lỗ tai. Trong một tuyên ngôn công bố sau đó, ông đã viết như sau: “Họ đã lấy mất đôi tay của tôi. Nhưng tôi không buồn, bởi vì tôi không dùng đến võ khí để cần phải có đôi tay. Họ đã lấy mất một phần đôi mắt của tôi và thính giác của tôi, nhưng tôi vẫn còn có thể dâng hiến lời nói để tiếp tục rao giảng một cách xác tín và mạnh mẽ hơn”.
Người ta vẫn thường nói: Yêu là chết trong lòng một ít. Tình yêu đích thực luôn luôn đòi hỏi hy sinh, mất mát. Nhưng chỉ có đôi mắt tình yêu mới nhận ra giá trị của những mất mát ấy.
Qua cái chết trên thập giá như một tiêu hao hoàn toàn, Chúa Giêsu đã bày tỏ Tình Yêu của Thiên Chúa cho nhân loại, ánh sáng của Tình Yêu đã chiếu sáng qua sự mất mát ấy. Qua những hao mòn trong từng ngày của cuộc sống Mẹ Maria, Tình Yêu của Thiên Chúa cũng được tiếp tục bày tỏ. Có cái chết độc ác, tức tưởi của Chúa Giêsu trên thập giá, thì cũng có cái chết âm thầm từng ngày của Mẹ Maria. Ngày nay, tình Yêu của Thiên Chúa cũng cần có những mất mát, hao mòn khác của người Kitô để được tiếp tục bày tỏ cho con người, bởi vì sứ mệnh của người Kitô chính là bổ túc cho những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Ðức Kitô.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba, Tuần II TN
Bài đọc: Heb 6:10-20; I Sam 16:1-13; Mk 2:23-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người quí trọng hơn luật lệ.
Phẩm giá con người rất quí trọng trước mặt Thiên Chúa. Các Lề Luật Ngài ban là để bảo vệ và phục vụ con người. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài không bao giờ muốn cho con người phải làm nô lệ cho Lề Luật và tội lỗi; nhưng muốn Lề Luật phục vụ con người và làm cho đời sống con người được bảo vệ và an toàn hơn.
Các Bài Đọc hôm nay nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho con người. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu phải bền lòng trông cậy vào lời Thiên Chúa đã hứa. Một khi Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ thi hành. Tác giả đưa ra một ví dụ là lời Thiên Chúa hứa với tổ-phụ Abraham. Lời hứa này đã được thực hiện nơi Đức Kitô, khi Ngài đi tiên phong vào nơi Cực Thánh để mở đường cho con người đến trực tiếp với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, tác giả tường thuật việc Thiên Chúa chọn người và phong vương cho một trẻ chăn chiên nhỏ nhất và không ai ngờ trong những người con của ông Jesse; vì Ngài nhìn thấu tâm hồn cao đẹp của David. David đã trở thành vị vua sáng giá nhất của Israel. Trong Phúc Âm, các Pharisees tố cáo với Chúa Giêsu: các môn đệ của Ngài đã vi phạm luật của ngày Sabbath. Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Ngài có lý do làm như thế để bảo vệ sự sống. Ngài nhắc cho họ biết luật lệ làm ra là vì con người, chứ không phải con người cho luật lệ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Mọi việc chúng ta làm đều được ghi nhận bởi Thiên Chúa.
1.1/ Phải kiên nhẫn trong khi Chúa thực hiện lời hứa: Tác giả Thư Do-thái xác tín: “Quả thế, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra đối với danh Người, khi trước đấy anh em phục vụ các người trong dân thánh, và hiện nay vẫn còn đang phục vụ. Nhưng chúng tôi ao ước cho mỗi người trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh em được thực hiện đầy đủ cho đến cùng.” Qua đoạn văn này, tác giả muốn khuyên các tín hữu 2 điều:
(1) Những lúc tăm tối của cuộc đời: Đừng nản lòng! Hãy nắm giữ niềm hy vọng vào lời Thiên Chúa hứa. Con người ai cũng phải trải qua những đêm tăm tối này. Trong những lúc như thế, tác giả khuyên cứ giữ vững đức tin, thực hành các việc lành như đã và đang làm. Chắc chắn tăm tối sẽ qua, và ánh sáng của Thiên Chúa lại tiếp tục chiếu sáng.
(2) Bắt chước gương tổ-phụ Abraham: “Anh em đừng trở nên uể oải, nhưng hãy bắt chước những người nhờ có đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa… Như thế, vì nhẫn nại đợi chờ, ông Abraham đã nhận được lời hứa.”
1.2/ Lời Thiên Chúa hứa với tổ-phụ Abraham: “Ta sẽ ban phúc dư dật cho ngươi và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông vô số” (Gen 22:16-18).
(1) Lời hứa được bảo đảm bằng lời thề: Con người thường lấy danh ai cao hơn mình mà thề để bảo đảm lời mình đã long trọng hứa. Khi Thiên Chúa hứa với ông Abraham, Người đã không thể lấy danh ai cao trọng hơn mình mà thề, nên đã lấy chính danh mình mà thề. Như vậy, cả lời hứa lẫn lời thề đều bất di bất dịch, và khi thề hứa, Thiên Chúa không thể nói dối được. Do đó, chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta.
(2) Lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: “Chúng ta có điều này như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, là hy vọng được vào cung điện cực thánh bên trong, đàng sau tấm màn. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành vị Thượng Tế đời đời theo phẩm trật Melkisedek.”
Đối với các thủy thủ, cái neo là khí cụ cần thiết cho việc sinh tồn. Một khi đã thả neo là không còn sợ sóng gió làm thuyền lật được nữa. Trong thế giới ngày xưa, cái neo là biểu tượng của hy vọng. Pythagore nói: “Của cải là cái neo mỏng giòn; danh vọng còn yếu hơn. Khôn ngoan, rộng lượng, và can đảm, là những cái neo mà không sóng gió nào có thể vùi giập được.” Tác giả Thư Do-thái nhấn mạnh người tín hữu có một hy vọng lớn lao nhất trong thế giới là hy vọng của họ vào Lời Thiên Chúa hứa.
Niềm hy vọng đó là được vào trong thánh điện đàng sau bức màn. Trong Đền Thờ, chỗ cực thánh là nơi chứa đựng Hòm Bia Thiên Chúa, được che phủ bởi bức màn. Đây là nơi Thiên Chúa ngự. Trong nơi này, chỉ độc quyền có một người được vào, mỗi năm một lần; đó là vị thượng tế trong Ngày Xá Tội mà thôi. Tác giả Thư Do-Thái có ý muốn nói: Giờ đây, Chúa Giêsu Kitô đã mở đường vào nơi đó cho tất cả con người ở mọi nơi và mọi thời. Từ ngữ ông dùng để chỉ Chúa Giêsu như prodromos = người tiên phong mở đường. Chúa Giêsu đi tiền phong mở đường vào nơi hiện diện của Thiên Chúa, và Ngài bảo đảm an toàn cho tất cả những ai theo sau. Nói cách khác, trước khi Đức Kitô xuất hiện, Thiên Chúa là Người Khách xa lạ và cách biệt với con người; chỉ một số nhỏ có thể đến gần và luôn sợ bị thiệt mạng. Nhưng sau khi Đức Kitô đến, Thiên Chúa trở nên bạn hữu của tất cả; mọi người đều có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.
2.1/ Cuộc lựa chọn người làm vua trong số các con của ông Jesse: Thiên Chúa hứa Ngài sẽ hành động trong ngôn-sứ Samuel ngay tại nơi đang diễn ra cuộc lựa chọn người làm vua trong gia đình ông Jesse. Cả ngôn sứ Samuel và ông Jesse đều không hay biết hậu quả của những gì sắp xảy ra.
– Phản ứng của ngôn-sứ Samuel: Thoạt trông thấy Eliab, ông nghĩ: “Đúng rồi! Người Đức Chúa xức dầu tấn phong đang ở trước mặt Đức Chúa đây!” Nhưng Đức Chúa phán với ông Samuel: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.”
– Ông Jesse gọi Abinadab và cho cậu đi qua trước mặt Samuel, nhưng ông Samuel nói: “Cả người này, Đức Chúa cũng không chọn.” Ông Jesse cho Samah đi qua, nhưng ông Samuel nói: “Cả người này, Đức Chúa cũng không chọn.” Ông Jesse cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Samuel, nhưng ông Samuel nói với ông Jesse: “Đức Chúa không chọn những người này.”
2.2/ Thiên Chúa chọn một trẻ út chăn chiên làm vua cai trị dân Người: Samuel lại hỏi ông Jesse: “Các con ông có mặt đầy đủ chưa?” Ông Jesse trả lời: “Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.” Ông Samuel liền nói với ông Jesse: “Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây.”
– Ông Jesse cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. Đức Chúa phán với ông Samuel: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!” Ông Samuel cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí Đức Chúa nhập vào David từ ngày đó trở đi.
– Chính ông Jesse cũng không ngờ Thiên Chúa chọn David, một đứa trẻ út đang chăn chiên ngoài đồng. Đó là lý do mà ông không buồn cho gọi con về; nhưng Thiên Chúa nhìn thấu tâm hồn đẹp và các việc tốt lành của David. Ngài muốn chọn cậu làm vua cai trị dân Ngài và David đã trở thành vị vua nổi danh nhất của dân tộc Israel.
3/ Phúc Âm: Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabbath.
3.1/ Người Pharisees tố cáo các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabbath: Vào ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisees liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi, ngày Sabbath mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Có tất cả 39 luật về ngày Sabbath ngăn cấm không cho làm việc, và các môn đệ phạm 4 luật bằng hành động bứt lúa để ăn: gặt (bứt lúa), xay (vò lúa trong tay), sàng (thổi vỏ đi), và chuẩn bị bữa ăn (làm lúa sẵn sàng để ăn). Sự tỉ mỉ của Luật có thể có thể làm chúng ta lắc đầu; nhưng đối với các Rabbi, nó liên quan đến tội, và có thể gây ra cái chết. Đó là lý do họ tố cáo các môn đệ với Chúa Giêsu, và họ chờ Chúa sửa phạt các môn đệ.
3.2/ Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Ngài: Chúa Giêsu đưa ra một trường hợp riêng đã được ghi lại trong Cựu Ước, và sau đó, Ngài thiết lập một qui luật chung về ngày Sabbath.
(1) Trường hợp vua David (I Sam 21:1-6): Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông David đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng-tế Abiathar, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Chúa Giêsu có ý muốn nói: trong trường hợp phải bảo vệ sự sống, con người có thể vi phạm Lề Luật.
(2) Luật chung của ngày Sabbath: Người nói tiếp: “Ngày Sabbath được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbath. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabbath.” Điều này hiển nhiên, vì con người được Thiên Chúa tạo dựng trước khi luật về ngày Sabbath ra đời. Con người không được tạo dựng để trở thành nạn nhân hay làm nô lệ cho luật lệ của ngày Sabbath. Sở dĩ có luật lệ về ngày Sabbath là để bảo vệ con người, làm cho con người biết thân xác họ cần được nghỉ ngơi, và linh hồn họ cần được nuôi dưỡng bởi thức ăn tinh thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Phẩm giá con người chúng ta rất quí trọng trước mặt Thiên Chúa. Ngài đã hy sinh Người Con của Ngài để cứu chúng ta thóat khỏi làm nô lệ cho Lề Luật, tội lỗi, và sự chết.
– Nhờ lễ tế hy sinh của Người Con, chúng ta có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa mà không cần qua trung gian; đến bất cứ lúc nào chứ không phải đợi một ngày cố định trong năm.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************