Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba tuần 3 Thường Niên – Năm B
BÀI ĐỌC I: 2 Sm 6, 12b-15, 17-19
“Đavít và toàn dân Israel hân hoan đi rước hòm bia Thiên Chúa”.
Bài trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Đavít hân hoan đi mang hòm bia Thiên Chúa từ nhà Obêđê về thành Đavít. Vua dẫn theo bảy ca đoàn và đàn bò con làm của lễ. Khi những người mang hòm bia Thiên Chúa đi được sáu bước, thì Đavít hiến tế một con bò và một con bê.
Ngài tận lực nhảy múa trước Thiên Chúa. Ngài mang khăn vải điều ngang lưng. Ngài và toàn thể nhà Israel mang hòm bia Thiên Chúa hân hoan và trong tiếng kèn trống. Họ rước hòm bia Thiên Chúa vào đặt giữa nhà tạm mà Đavít đã dựng sẵn. Rồi ngài hiến dâng của lễ toàn thiêu và của lễ bình an; ngài nhân danh Chúa các đạo binh mà chúc lành cho dân chúng, đoạn ngài phân phát cho toàn dân Israel, nam cũng như nữ, mỗi người một ổ bánh mì, một miếng thịt và một chiếc bánh chiên dầu. Và toàn dân giải tán, ai về nhà nấy.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 23, 7. 8. 9. 10
Đáp: Vua hiển vinh là ai vậy? Chính Người là Thiên Chúa (c. 8a).
1) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự quá! (2) Nhưng vua hiển vinh là ai vậy? Đó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh hùng của chiến chinh. (3) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự quá. (4) Nhưng vua hiển vinh là ai vậy? Đó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng Đế hiển vinh.
ALLELUIA: Ga 15,15b
All. All. – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – All.
PHÚC ÂM: Mc 3,31-35
“Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình với Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”. Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.
Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
23/01/2024 – THỨ BA TUẦN 3 TN
Mc 3,31-35
LÀ NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA
“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”(Mc 3,33)
Suy niệm: Trong ngày truyền tin, Thiên thần vào “nhà” Đức Ma-ri-a để xin Mẹ trở thành “người thân” của Ngôi Lời. Khi Đức Giê-su đi rao giảng, Mẹ và anh em bà con “đứng ở ngoài” chờ gặp Ngài, còn Ngài ở trong “nhà” với một đám đông vây quanh, đang lắng nghe Ngài. Vậy “Người thân của Chúa” là ai? – Đó là người “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (c.35). Như thế, Đức Giê-su thiết lập một gia đình thật sự, gồm tất cả những ai tin vào Ngài. Trong gia đình thiêng liêng của Đức Giê-su, người gần gũi thân thiết nhất là Mẹ của Ngài, người đã luôn “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28), rồi đến những người tin. Con Thiên Chúa đã trở nên con cái loài người để cho con người làm con Thiên Chúa, trở nên anh chị em với nhau trong đức tin. “Loài người, khi sinh ra theo tính tự nhiên thì đông vô kể, nhưng khi được tái sinh làm con Thiên Chúa, thì cùng với Đức Ki-tô, họ chỉ là một” (Chân phước Isaac).
Mời bạn: Bạn là người thân của Chúa theo nghĩa nào? Là người đã lãnh Bí tích Thánh tẩy, vẫn ‘đi lễ’, ‘xem lễ’ theo thói quen, theo bổn phận? Hay bạn là người vẫn đang lắng nghe và thi hành ý Chúa trong bổn phận làm cha mẹ, làm con cái, làm linh mục, tu sĩ? “Đức Ki-tô ở trong cung lòng Đức Ma-ri-a chín tháng, trong cung điện đức tin của Hội thánh đến tận thế, còn trong tâm hồn tín hữu đầy hiểu biết và yêu mến đến muôn đời” (Chân phước Isaac).
Sống Lời Chúa: Tôi tham dự Thánh lễ và thi hành bổn phận của mình với ý thức mình là “người thân của Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con nên nghĩa thiết với Chúa và với nhau trong gia đình giáo xứ, Giáo hội. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Các thân nhân của Đức Giêsu nghĩ Ngài bị mất trí,
Vì họ nghe tin Ngài và các môn đệ làm việc nhiều đến nỗi không có giờ ăn.
Các kinh sư từ Giêrusalem xuống
Thì kết luận rằng Ngài đã thông đồng với tướng quỷ để trừ quỷ.
Còn đám đông dân chúng lại ngồi nghe Ngài giảng trong nhà.
Hơn ai hết, họ biết Đức Giêsu là ai.
Chính lúc ấy mẹ và anh em của Ngài đến và đứng ngoài.
Họ không vào được, có thể vì đám đông ngồi chật cứng.
Nhưng họ đã nhờ người nhắn với Đức Giêsu.
“Mẹ Thầy và anh em Thầy đang ở ngoài, tìm gặp Thầy đó.”
Rốt cuộc chắc ai cũng biết là Thầy có người thân đến thăm.
Người ta tưởng Ngài sẽ bỏ dở bài giảng để ra ngay gặp họ.
Nhưng Đức Giêsu lại muốn dùng cơ hội này
để nói với đám đông đang ngồi nghe một điều quan trọng.
Ngài đặt cho họ một câu hỏi tưởng như vô nghĩa:
“Ai là mẹ tôi và là anh em tôi?”
Dĩ nhiên là những người đang đứng ngoài kia rồi.
Nhưng không, Ngài đảo mắt nhìn những người đang ngồi,
và nói với họ : “Đây là mẹ tôi và anh em tôi.”
Với lời khẳng định này, Đức Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài.
Có những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia.
Có một gia đình mới đang ngồi trong này.
Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt.
Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều,
một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt,
nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau,
đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.
Đức Giêsu đã rời bỏ gia đình để lên đường loan báo Tin Mừng.
Và Ngài cũng đã mời gọi các môn đệ của mình như thế.
Đức Giêsu để lại người mẹ, Phêrô để lại người vợ,
Gioan và Giacôbê để lại người cha.
Tương quan gia đình ruột thịt là điều cao quý thiêng liêng.
Nhưng nó lại không được trở nên một cản trở cho sứ vụ.
Đức Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người:
“Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa
người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi.”
Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người ta trở nên có họ với Đức Giêsu.
Người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình này,
có người Mẹ là Đức Maria suốt đời tín trung sống ý Chúa,
có Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Cha,
và có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm
nay đã trở thành cây cao
cho chim trời rủ nhau trú ngụ.
Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột,
đã làm bột dậy lên,
để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới.
Sau hai mươi thế kỷ,
các môn đệ Chúa không còn là nhóm Mười Hai bé nhỏ.
Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba,
người công giáo chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới.
Chúng con được mời gọi xây dựng Nước Chúa trên trần gian,
cho đến khi tất cả mọi người nhận biết và tin yêu Chúa.
Xin cho chúng con đừng mặc cảm
vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam,
nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa
trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ.
Hôm nay chúng con phải tiếp tục làm việc như Chúa,
gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng,
trở nên chất xúc tác để biến đổi môi trường mình sống.
Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công
vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG GIÊNG
Tôn Trọng Nhân Vị Con Người Tại Môi Trường Lao Động
Nhãn quan Kitô giáo về thực tại tập chú trên con người và phẩm giá của con người xét như một ngôi vị được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Đó là lý do vì sao tôi muốn khẳng định mạnh mẽ rằng nhân vị phải luôn luôn là mối ưu tiên đệ nhất trong lao động. Khẳng định ấy sẽ đưa ta tới một quan điểm hết sức quan trọng về đạo đức. Đành rằng quả thật con người được gọi và được định liệu để lao động; song, lao động tiên vàn là cho con người, chứ không phải con người cho lao động. Nói cho cùng, mọi loại lao động của con người – dù tầm thường hay đơn điệu đến mấy đi nữa – cũng luôn luôn nhận cứu cánh của nó là chính con người (Laborem exercens 6).
Toàn bộ cơ cấu lao động phải vận hành xoay quanh chiếc trục bản lề là chính con người. Lao động là thực tại cao quí. Nhưng con người còn cao quí hơn muôn muôn triệu lần. Con người là thiêng thánh. Và tính thiêng thánh này không thể bị xúc phạm. Dứt khoát phải tôn trọng nhân vị con người trong mọi môi trường lao động.
Tính thiêng thánh ấy là gốc rễ từ đó bật ra tất cả các quyền đặc biệt của con người. Bất cứ cảnh vực lao động nào muốn tạo lập một môi trường đạo đức lành mạnh đều phải tôn trọng nhãn giới ấy về con người.
Thật vậy, chất lượng luân lý và đạo đức của một doanh nghiệp – và thường kể cả mức hiệu năng của doanh nghiệp ấy trên thị trường nữa – được đo lường chính nơi thái độ của doanh nghiệp này đối với con người.
Công nghệ, tư bản, lợi nhuận, và tất cả những gì góp phần đem lại sự thành công về tài chánh đều được trân trọng và tưởng thưởng theo mức độ mà chúng tôn trọng phẩm giá con người trong môi trường lao động. Chúng phải luôn luôn lệ thuộc con người – và con người phải luôn luôn chiếm được sự quan tâm hàng đầu tại mọi môi trường lao động.
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 23/01
2Sm 6, 12b-15. 17-19; Mc 3, 31-35.
Lời Suy Niệm: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi.”
Đây là ý muốn của Chúa Giêsu, muốn tất cả mọi con người trong toàn thể nhân loại học biết để nhận ra Thánh Ý của Chúa Cha, và thi hành ý muốn của Chúa Cha. “Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ chết.” (St 1,18). Nhưng rồi con người đã không muốn sống theo Thánh ý của Ngài; mà lại nghe lời của một con rắn; trong lúc đó con rắn chỉ là một thụ tạo dưới sự chăm sóc của con người: Điều này, Thiên Chúa phán với con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St1,28).
Lạy Chúa Giêsu. Lời Chúa nói, đang nhắc nhở mỗi người chúng con hướng về Đức Mẹ, Chính Đức Mẹ là mẫu người thực thi thánh ý Chúa một cách trọn vẹn; Bởi vì Đức Mẹ nhận ra nơi Chúa Cha: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) và Đức Mẹ muốn mình luôn luôn là một nữ tỳ của Chúa: “ Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38). Xin cho chúng con có cùng một đức tin như Đức Mẹ để được trở nên người thân thuộc trong một gia đình của Chúa. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
23 Tháng Giêng
Chúa Giêsu Ði Xem Bóng Ðá
Một linh mục Aán Ðộ chuyên về huấn luyện tu đức là cha Anthony de Mello đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau: Chúa Giêsu than phiền là Ngài chưa được một lần tham dự một trận túc cầu. Chúng tôi bèn đưa Ngài đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin Lành và một đội Công Giáo. Ðội Công Giáo làm bàn trước một không. Chúa Giêsu vỗ tay hoan hô và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, đội Tin Lành lại làm bàn. Lần này Chúa Giêsu cũng vỗ tay reo hò và tung mũ lên trời.
Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu. Oâng ta lấy tay đập lên vai Ngài rồi hỏi: “Ê ông bạn, ông bạn ủng hộ bên nào vậy?”. Xem chừng như vẫn còn bị khích động bởi trận đấu, Chúa Giêsu trả lời: “Tôi hả? Tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là chỉ để thưởng thức trận đấu thôi”. Người khán giả khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, nay lại càng bực bội hơn. Oâng quay sang người bên cạnh và nói nhỏ: “Hắn là một tên vô thần”.
Trên đường trở về nhà, chúng tôi chất vấn Chúa Giêsu về tình hình tôn giáo trên thế giới. Chúng tôi nói với Ngài: “Thưa Chúa, những con người có tôn giáo thật là buồn cười. Họ tưởng rằng Chúa Giêsu chỉ đứng riêng về phía họ và nghịch lại với những người thuộc tôn giáo khác”.
Chúa Giêsu gật đầu tỏ vẻ ưng ý. Ngài nói: “Ðó là lý do tại sao ta không ủng hộ tôn giáo mà chỉ ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người trọng hơn ngày Sabbat. Chúng con nên biết là chính những người có tôn giáo đã treo Ta lên thập giá”.
Câu chuyện tưởng tượng trên đây cho chúng ta thấy rằng một trong những vết thương lớn nhất của nhân loại trải qua mọi thời đại: đó là thái độ bất khoan dung đưa đến những cuộc chiến tranh tôn giáo. Con người ai cũng bị cám dỗ nhân danh Thượng Ðế, thần minh và hệ tư tưởng của mình để triệt hạ, để loại trừ, để bách hại người khác. Kỳ thực, có tôn giáo nào mà không dạy sự khoan dung, lòng nhân từ đối với mọi người?
Chúa Giêsu đến để mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Ngài là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành cũng như kẻ dữ. Ngài yêu thương những kẻ nhận biết và yêu mến Ngài cũng như những kẻ chối bỏ và thù ghét Ngài. Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau như anh em cùng một gia đình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta là Ðấng mà người ta cũng sẽ chối bỏ nếu người ta khước từ chính anh em đồng loại của mình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải là Ðấng mà người ta cũng sẽ xúc phạm nếu xúc phạm đến con người.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba – Tuần 3 – TN2
Bài đọc: Heb 10:1-10; 2 Sam 6:12b-15, 17-19; Mk 3:31-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thi hành thánh ý Thiên Chúa.
Có một câu truyện dẫn chứng sự quan trọng của việc làm theo thánh ý Thiên Chúa như sau: Một vị vua kia muốn trao tài sản cho các con; nhưng để dạy các con một bài học phải tránh xa sự hào nhoáng bên ngòai, nhà vua cho gói những thứ thật quí vào những hộp trông có vẻ tầm thường, và những thứ tầm thường vào những hộp trông rất lộng lẫy bên ngoài. Sau đó, vua cho gọi các con vào để lựa chọn, bắt đầu từ hoàng tử lớn nhất. Đa số các hoàng tử đều chọn các hộp lộng lẫy. Đến phiên hoàng tử út, chàng tần ngần một lát, rồi nói nhỏ với cha: Con không biết cách chọn; nhờ cha chọn cho con. Nhà vua đã chọn của quí nhất cho hoàng tử út.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh chủ đề sự quan trọng của việc làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái tiếp tục so sánh giữa 2 lễ vật hy sinh: máu chiên bò theo Lề Luật của Cựu Ước và máu Đức Kitô của Tân Ước. Máu chiên bò không thể xóa sạch tội cho con người, nên Ngày Xá Tội phải tái diễn mỗi năm. Máu Đức Kitô chỉ cần đổ ra một lần là đủ xóa sạch tội cho con người, vì là máu đổ ra tự nguyện để làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Trong Bài Đọc I, năm chẵn, vua David học được bài học phải làm theo ý Thiên Chúa; chứ không theo ý nhà vua. Vì thế, vua đổi ý để đi lên Obededom di chuyển Hòm Bia Thiên Chúa về thành của vua David. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố: mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa không đặt căn bản trên liên hệ ruột thịt, nhưng trên căn bản làm theo thánh ý của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Lạy Thiên Chúa! Này Con đây, Con đến để thực thi ý Ngài.
1.1/ Lề Luật và hy lễ chiên bò: “Lề Luật chỉ là hình bóng của những gì tốt đẹp hơn sẽ tới, chứ không phải là phản ánh chính xác những thực tại đó. Lề Luật không bao giờ có thể làm cho những người tiến lại gần Thiên Chúa được nên hoàn thiện, nhờ những hy lễ người ta dâng năm này qua năm khác.” Điều tác-giả muốn nói ở đây, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, cái hoàn hảo đến sau sẽ thay thế cho cái bất toàn đến trước. Lề Luật chỉ là hình bóng của những gì tốt đẹp hơn mà Đức Kitô sẽ mang đến cho con người.
Tác giả lý luận: Nếu các hy lễ mà Lề Luật đòi buộc có thể cất đi tội lỗi của con người, họ đâu cần phải dâng đi dâng lại mỗi năm. Hay nếu máu chiên bò thực sự thanh tẩy tội lỗi trong tâm hồn, con người đâu còn ý thức mình có tội nữa. Hơn nữa, hy lễ dâng hàng năm nhắc nhở cho con người ý thức tội lỗi của họ. Vì vậy, con người cần có một lễ tế hy sinh hoàn hảo hơn.
1.2/ Điều đẹp lòng Thiên Chúa: Tác giả dẫn chứng Thánh Vịnh 40:6-9 với ít nhiều sửa đổi, “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy sinh và lễ tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ đền tội.” Những thứ Thiên Chúa không thích này lại là những thứ mà Lề Luật truyền. Thực ra, không phải chỉ tác-giả Thư Do-thái nói những điều này, rất nhiều tác giả khác của Cựu Ước cũng đã nói tới sự bất toàn của hy sinh và của lễ. Họ cũng nhấn mạnh đến những điều khác quan trọng hơn như: Ông Samuel nói với vua Saul: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (I Sam 15:22). Hay như lời tiên-tri Hosea: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hos 6:6).
Tác giả nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu một thân thể để Ngài có thể chịu đựng đau khổ và dâng nó như một hy lễ để đền tội cho con người. Đồng thời tác giả cũng nhấn mạnh tới việc vâng lời làm theo ý Thiên Chúa như lời Thánh Vịnh 40: “Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa! Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” Khi con người phạm tội là họ đã bất tuân thánh ý Thiên Chúa; làm sao họ có thể bắt những chiên bò đổ máu để xóa tội cho họ được? Để có thể xóa đi tội bất tuân của con người, Con Thiên Chúa đã tình nguyện mang thân xác con người và đổ máu của chính mình. Chỉ có lễ hy sinh tự nguyện và cao đẹp này mới có thể xóa đi tội lỗi của con người, và làm cho con người được giao hòa với Thiên Chúa mà thôi.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Vua David cuốn áo choàng bằng vải gai và nhảy múa hết sức mình trước nhan Đức Chúa.
2.1/ Cuộc rước Hòm Bia Thiên Chúa về thành David lần thứ hai: Cuộc rước Hòm Bia Thiên Chúa lần thứ nhất bị cắt đứt dở dang vì ông Uzzah bị Thiên Chúa phạt chết. Lý do Uzzah bị chết vì đã giơ tay đỡ Hòm Bia khi sắp rơi xuống đất. Sự kiện xảy ra cách đột ngột làm vua David buồn bực (6:8) và sợ hãi; nên nhà vua cho di chuyển Hòm Bia đến nhà ông Obededom, một người Dân Ngoại; thay vì di chuyển Hòm Bia về thành vua David.
Tại sao David lại chuyển Hòm Bia Thiên Chúa đến nhà một người Dân Ngoại? Có thể vua David sợ nếu ở gần Thiên Chúa, vua sẽ phải lãnh nhận hình phạt tương tự (6:9). Có thể vua David buồn bực (6:8), vì Thiên Chúa đã không làm theo ý vua muốn: đang vui mừng đón Thiên Chúa, Ngài lại giáng phạt biến vui mừng thành khổ đau!
2.2/ David học để làm theo ý Thiên Chúa: Khi Hòm Bia Thiên Chúa ở nhà ông Obededom, vua David nghe tin Thiên Chúa chúc phúc cho gia đình ông. Vì thế, vua David đổi ý định, nhà vua liền đi và rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Obededom lên Thành vua David.
David học được một bài học quan trọng: Con người cần có sự hiện diện của Thiên Chúa để được Ngài che chở và chúc lành. Thiên Chúa không mắc nợ nần gì với con người; nhưng con người mắc nợ Thiên Chúa tất cả. David được phong vương làm vua là vì Thiên Chúa đã truất phế vua Saul, và sai Samuel đến xức dầu phong vương khi ông vẫn là cậu bé chăn chiên ngoài đồng. David có thắng được quân thù Philistines là vì bàn tay hùng mạnh của Thiên Chúa ở với ông. David nhận ra: con người phải làm theo thánh ý Thiên Chúa; chứ không bắt Thiên Chúa phải làm theo ý mình. Khi con người làm theo ý Thiên Chúa, Ngài sẽ chúc lành và ban ơn cho con người.
3/ Phúc Âm: Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.
3.1/ Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: Thoạt đọc trình thuật hôm nay, một người không tránh khỏi bất mãn với Chúa Giêsu vì đã khinh thường Đức Mẹ và anh em của Ngài, và Ngài đã không giữ giới răn thứ bốn. Nhưng Chúa Giêsu có vi phạm những điều này không? Một trong những sứ vụ của Chúa Giêsu là dạy dỗ và sửa chữa những hiểu biết sai lầm. Trong bài học hôm nay, Chúa Giêsu không đi ra ngoài 2 giới răn quan trọng nhất: trước tiên, mến Chúa; sau đó, yêu người. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thứ tự ưu tiên của hai giới răn, mà con người rất nhiều lần đã đảo lộn thứ tự ưu tiên của nó. Việc Chúa Giêsu đang rao giảng Tin Mừng là Ngài đang làm theo thánh ý Thiên Chúa; và Ngài phải đặt nó lên trên tất cả các việc khác. Ngài không thể hy sinh việc rao giảng để tiếp chuyện với thân nhân. Tuy nhiên, khi nào không làm việc Thiên Chúa, Ngài vẫn yêu thương và săn sóc Đức Mẹ; như khi Chúa Giêsu trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan chăm sóc dưới chân Thập Giá.
3.2/ Yêu mến Thiên Chúa là làm theo thánh ý Ngài: Bài học thứ hai Chúa Giêsu muốn dạy con người hôm nay: tình yêu phải biểu tỏ cụ thể bằng hành động. Con người thường nghĩ mình có thể yêu Thiên Chúa bằng lời nói, hay bằng những hành động bên ngoài như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Những điều này tốt, nhưng không quan trọng bằng việc tìm ra và làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Cuộc đời Chúa Giêsu là một mẫu mực cho con người học thế nào là yêu thương Thiên Chúa: Ngài muốn nhập thể để thi hành Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong những năm ở trần gian, thánh ý Thiên Chúa là động lực sống của Ngài đến nỗi Ngài thốt lên những câu phải là châm ngôn cho chúng ta như: “Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta, và chu toàn các việc của Ngài” (Jn 4:34). “Điều Ta tìm kiếm không phải ý Ta, nhưng là ý của Đấng đã sai Ta” (Jn 5:30). “Ý của Chúa Cha là hễ ai thấy Chúa Con và tin vào Ngài, sẽ có sự sống đời đời” (Jn 6:40). Những giờ phút sau cùng trong vườn Ghetsemane, Chúa Giêsu bị giằng co giữa đau khổ sắp đến và thánh ý Thiên Chúa, nhưng sau cùng Ngài đã thốt lên: “Lạy Cha! Nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha” (Mt 26:42).
3.3/ Người nhà của Chúa Giêsu là những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa: Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” Chúa Giêsu loại bỏ tất cả những lý do khác con người có thể dựa vào để nhận họ là người nhà của Chúa; nhưng chỉ còn giữ lại điều kiện duy nhất là nghe và thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Mẹ Maria và các môn đệ là người nhà của Chúa vì họ luôn thực thi ý muốn của Thiên Chúa.
Thi hành thánh ý Thiên Chúa không phải chỉ bằng làm những công việc vĩ đại; nhưng bằng chu toàn các bổn phận Ngài đã trao phó cho trong cuộc sống hàng ngày. Nói cách rõ hơn, bổn phận của người môn đệ là phải: “từ bỏ ý riêng mình, vác thập giá của mình hàng ngày, và theo Chúa.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa không hài lòng về hy sinh và lễ vật chúng ta dâng, cho bằng về những cố gắng của chúng ta tìm ra và làm theo thánh ý Ngài.
– Thánh ý của Thiên Chúa, cách tổng quát, là lo sao cho chính bản thân chúng ta và mọi người đạt được ơn Cứu Độ.
– Bổn phận của chúng ta là phải học biết và thi hành thánh ý Thiên Chúa; chứ không bắt Ngài phải làm theo ý chúng ta mong muốn.
– Để tìm ra thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta phải học hỏi Kinh Thánh để hiểu biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa; và làm hết sức có thể để làm cho Ơn Cứu Độ lan rộng đến mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************