Ngày thứ ba (24-07-2018) – Trang suy niệm

23/07/2018

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm chẵn

Mk 7, 14-15. 18-20

“Chúa ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển”.

Trích sách Tiên tri Mikha.

Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt dân Chúa, chăn dắt những con chiên thuộc quyền sở hữu của Chúa sống lẻ loi trong rừng, ở giữa núi Carmêlô. Tất cả được chăn dắt ở Basan và Galaad như ngày xưa. Như ngày ra khỏi Ai-cập, tôi cho nó thấy những việc lạ lùng. Có Chúa nào giống như Chúa là Đấng dẹp tan mọi bất công, và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót thuộc về Chúa? Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích từ bi. Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển. Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của Chúa, cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ ngàn xưa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 84, 2-4. 5-6. 7-8

Đáp: Lạy Chúa, xin cho chúng con được nhìn thấy tình thương của Chúa (c. 8a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, Chúa đã phù trợ đất nước của Ngài, đã tài tình thay đổi số phận nhà Giacóp. Chúa đã tha thứ lỗi lầm của dân Ngài, và che đậy mọi điều tội ác của họ. Chúa đã cầm hãm tất cả sự bất bình, và tự nguôi đi lòng phẫn nộ. – Đáp.

2) Lạy Chúa là Đấng cứu độ, xin thương hồi phục chúng con, và từ bỏ lòng xung giận chúng con. Phải chăng Chúa giận chúng con muôn đời ngàn kiếp, hay là kéo dài lòng căm hận tới muôn đời? – Đáp.

3) Há không phải chính Ngài cho chúng con hồi sinh, để dân tộc Ngài được hoan hỉ ở nơi Ngài? Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của Chúa, và ban cho chúng con được ơn Ngài cứu độ. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 12, 46-50

“Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: “Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia”. Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

24/07/18 – THỨ BA TUẦN 16 TN

Th. Sa-bê-li-ô Mác-lúp

Mt 12,46-50

LÀ MẸ VÀ ANH EM VỚI CHÚA

Chúa Giê-su chỉ các môn đệ và nói với người Do thái: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,48-50)

Suy niệm: Thánh Mát-thêu mô tả “mẹ và anh em” Chúa là những người “đứng bên ngoài” (x. Mt 12,46), còn các môn đệ, những người đang nghe Ngài giảng dạy là những người ở vòng trong. Một cách công khai, Chúa Giê-su cho biết nếu chỉ dựa vào mối liên hệ huyết thống thì chưa phải là người thân thiết chưa thuộc về gia đình Thiên Chúa với Ngài. Đúng hơn, gia đình của Ngài gồm tất cả những ai “thi hành ý muốn của Cha.” Đó là một cơ hội cho tất cả mọi người, không phân biệt quốc gia dân tộc, không phân biệt giàu nghèo, đều có thể thuộc về gia đình của Chúa nếu thi hành ý muốn của Cha trên trời. Nhưng, ý muốn của Cha là gì? Xin thưa, đó là tin vào Đức Giê-su và làm theo lời Người dạy (x. Ga 6,40).

Mời Bạn: Chỉ dựa vào huyết thống để là người nhà của Chúa Giêsu mà chưa đủ thì càng bất cập hơn nữa nếu muốn thuộc về Ngài mà chỉ dựa vào cái tên thánh ghi trong Sổ Rửa Tội. Điều kiện để là “mẹ và anh em” với Chúa là tin và làm theo Lời Ngài dạy. Là ki-tô hữu, bạn đã thực hiện được như vậy hay chưa?

Sống Lời Chúa: Nhớ và làm lời Chúa: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, gia đình của Chúa là cộng đoàn của những người tin và làm theo lời Đức Giê-su. Xin cho con được gia nhập thật sự vào gia đình đó bằng một đức tin vững vàng và một đời sống yêu thương phục vụ theo gương và theo lời dạy của Chúa Giê-su, Người Anh Cả của chúng con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

24 THÁNG BẢY

Tạo Vật Mang Dấu Ấn Của Đức Kitô

Trong Thư Cô-lô-sê, chúng ta thấy rằng chân lý về sự tiền định trong Đức Kitô có mối gắn kết chặt chẽ với chân lý về việc sáng tạo trong Người. Thánh Phao-lô viết: “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất” (Cl 1,15-16).

Ở đây chúng ta nắm bắt được một sự thật kỳ diệu. Ngay từ thuở đầu sáng tạo, thế giới mang trong mình nó ơn gọi và thậm chí mối đảm bảo được tiền định trong Đức Kitô, bởi vì thế giới được tạo dựng trong Đức Kitô và được cung hiến cho Thiên Chúa như tặng phẩm đầu tiên của sự quan phòng. Thế giới đã được tạo thành nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Kitô, Đấng mở ơn cứu độ ra cho mọi con người và, cuối cùng, cho thế giới. “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,19).

Sự viên mãn cuối cùng của trái đất, nhất là sự chuyển hóa của con người, được đạt đến chính là nhờ tác động của sự viên mãn vốn hiện diện nơi Đức Kitô. Đức Kitô đem lại cho chúng ta sự viên mãn của Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, chính trong Đức Kitô mà chương cuối cùng của lịch sử thế giới – nhất là lịch sử con người – được hoàn tất.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 24/7

Mk 7, 14-15.18-20; Mt 12, 46-50

LỜI SUY NIỆM: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

          Chúa Giêsu cho chúng ta biết những ai thi hành ý muốn của Chúa Cha là người thuộc gia đình của Người. Để hiểu được đâu là ý muốn của Chúa Cha, chúng ta đã được chính Người dạy trong kinh Lạy Cha: “Nguyện ý Cha được thể hiện.”. Khi phục tùng ý Thiên Chúa, con người tin tưởng mà hướng về tương lai, vì họ biết trước tương lai được Thiên Chúa quan phòng điều khiển.

          Lạy Chúa Giêsu, Ý định của Chúa Cha đầy lòng yêu mến, Ngài muốn nhân từ tha thứ, hảo tâm nơi mỗi người được Ngài tuyển chọn. Xịn cho chúng con vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của chúng con, để chúng con luôn vui sống trong tình yêu của Ngài.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

24 Tháng Bảy

Một Lời Thề Hứa 

Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1990 vừa qua, du khách trên khắp thế giới đã đổ xô về làng Oberammergau bên Tây Ðức để thưởng thức tuồng Thương Khó Chúa Giêsu… Việc diễn tuồng Thương Khó này là một lời thề hứa mà dân làng Oberammergau đã trung thành giữ từ trên 400 năm nay.

Năm 1633, một nạn dịch khủng khiếp đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng trong vùng Bavaria. Ðể đề phòng nạn dịch, dân làng Oberammergau đã đóng kín các cửa làng để không một người lạ mặt nào có thể lọt vào trong làng… Chẳng may, một người đào huyệt trong làng đã bị lây. Anh ta quyết định được chết trong ngôi làng thân yêu của mình. Anh đã qua mắt được những người canh cửa để lọt vào trong và rồi lây bệnh cho nhiều người khác trong làng…

Chỉ trong vòng hai tuần lễ, 88 người dân làng đã bị thiệt mạng, ngay cả hai vị linh mục trong xứ cũng không tránh khỏi ôn dịch. Một vị linh mục khác được sai đến. Dân làng không biết làm gì khác hơn là cùng với vị linh mục đến trước Thánh Thể Chúa để thề hứa. Qua sự cam đoan của linh mục chính xứ cũng như của những người đại diện, toàn dân đã cam kết rằng nếu được Chúa cho tai qua nạn khỏi, họ sẽ trình diễn tuồng Thương Khó của Chúa cứ 10 năm một lần…

Năm 1634, nghĩa là một năm sau khi nạn dịch chấm dứt, dân làng Oberammergau đã giữ lời hứa với Chúa. Già trẻ lớn bé, tất cả mọi người trong làng đã sốt sắng tham dự vào việc trình diễn tuồng Thương Khó. Lần trình diễn đầu tiên ấy chỉ thu hút được khoảng 200 khán giả đến từ các làng lân cận. Và kể từ năm 1680, họ đã quyết định trình diễn 10 năm một lần. Ðến năm 1770 thì khách thập phương đã bắt đầu đổ xô về Oberammergau…

10 năm một lần: khoảng cách của 10 năm là để dân làng được chuẩn bị chu đáo hơn. Diễn viên của vở tuồng phải là người dân làng. Các nhân vật được chọn lựa và huấn luyện kỹ càng. Riêng người được chọn đóng vai Chúa Giêsu và Ðức Mẹ sẽ được dân làng chào hỏi một cách kính cẩn bằng chính danh hiệu của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ. Và trong suốt thời gian chuẩn bị cũng như trình diễn, tất cả mọi nhân vật đều được mời gọi để sống chính tâm tình của các nhân vật lịch sử trong vở tuồng… Vì là một lời thề của tổ tiên để lại, cho nên đêm trước buổi trình diễn đầu tiên, toàn dân làng sẽ tham dự Thánh lễ và sốt sắng rước Mình Thánh Chúa. Buổi tình diễn sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều… Và vì đây là một buổi trình diễn có tính cách tôn giáo, cho nên toàn dân làng Oberammergau không cho phép bất cứ một cuộc thu hình nào.

Kinh thánh thuật lại rằng trên đường tiến về Ðất Hứa, có lần nhiều người Do Thái bị rắn cắn chết giữa sa mạc.. Chúa đã truyền lệnh cho Môi Sen đúc một con rắn đồng và treo lên cây. Tất cả những ai bị rắn cắn nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành…

Chúa Giêsu đã ví con rắn đồng ấy với chính Ngài bị treo trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta hãy ngắm nhìn Ngài trong cảnh bị treo ấy. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã gắn liền với tội lỗi của từng người trong chúng ta. Người dân làng Oberammergau đã hiểu được mối tương quan ấy. Họ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để tưởng nhớ công lao cứu sống của Ngài.

Một cách nào đó, mỗi người chúng ta cũng là một diễn viên của vở tuồng Thương Khó Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống chính tâm tình của Chúa Giêsu. Tân tình của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn chính là cảm mến, vâng phục, yêu thương đối với Chúa Cha và quảng đại, tha thứ đối với tha nhân. Ngắm nhìn Ngài trên thập giá, chúng ta cũng được mời gọi sống lại tâm tình ấy. Và đó cũng chính là sức sống của người Kitô chúng ta, bởi vì người Kitô luôn được mời gọi để sống cho Thiên Chúa và tha nhân…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba Tuần 16 TN2

Bài đọc: Mic 7:14-15, 18-20; Mt 12:46-50

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm sao để được Thiên Chúa yêu thương và trở thành người nhà của Ngài?

Khi chứng kiến sự khôn ngoan cũng như uy quyền của Chúa Giêsu, một người cảm phục đã thốt lên: “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Chúa Giêsu trả lời: “Hạnh phúc hơn cho những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa” (Lk 11:27-28).

Các bài đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến điều kiện để được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc, và coi như người nhà là phải nghe lời và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Micah cung cấp nguồn hy vọng cho con cái Israel, nếu họ muốn được Thiên Chúa xót thương và giải thoát khỏi cảnh lưu đày. Họ phải nhận ra tình yêu trung thành của Thiên Chúa và ăn năn quay về với Ngài. Trong Phúc Âm, khi được báo cáo mẹ và anh em của Chúa Giêsu đang chờ Ngài ở ngoài, Chúa Giêsu cung cấp nguồn hy vọng cho khán giả: Mẹ và anh em Ta là tất cả những ai nghe và giữ lời Ta.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm.

1.1/ Chính Thiên Chúa sẽ chăn dắt dân Ngài: Đây là những câu cuối cùng của Sách tiên tri Micah. Giống như phần đông các Sách Ngôn Sứ, Micah tuy thấy trước việc mất nước và những ngày lưu đày sẽ không tránh khỏi, nhưng ông cũng cho dân chúng một niềm hy vọng vào tương lai, nếu họ biết ăn năn hối cải.

Ông kêu gọi dân chúng nhìn lại quá khứ để biết những gì Thiên Chúa đã làm cho họ. Biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai-cập là biến cố biểu lộ tình thương của Thiên Chúa dành cho họ. Trong biến cố này, Thiên Chúa đã làm những điềm thiêng, dấu lạ để đưa dân Israel ra khỏi nô lệ bên Ai Cập và đem vào miền đất Canaan phì nhiêu, chảy sữa và mật. Ngài cũng đồng hành với họ suốt 40 năm trường trong sa mạc. Biến cố này đã làm cho các dân chung quanh Israel phải khiếp sợ kinh hoàng.

Nếu họ ăn năn quay về, chính Thiên Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân chúng là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài. Ngôn sứ đề cập đến hai vùng nổi danh mà người Do-thái quen thuộc: Bashan là ngọn núi cao nằm ở biên giới giữa Syria và Do-thái. Đây là một vùng đất màu mỡ vì sự kết tụ của đất và nhất là nước trào tràn khắp nơi. Nơi đây, nước từ trên núi tuyết của Bashan chảy xuống kết hợp với những sông của Syria trước khi tràn vào Biển Hồ Galilee. Bashan nổi tiếng về gỗ cây sồi, lý tưởng cho việc trồng lúa mì và chăn nuôi. Xuôi xuống miền Nam dọc theo sông Jordan là Gilead, vùng Transjordan. Vùng này cũng nổi tiếng về cây sồi, thông, và rất thích hợp cho việc chăn nuôi. Ngày nay, du khách đi dọc theo vùng này có thể thấy những cánh đồng chuối nối tiếp nhau.

1.2/ Thiên Chúa trung thành yêu thương cho dù con người phản bội.

(1) Thiên Chúa phải sửa phạt để con người biết nhận ra tội lỗi và quay trở về với Ngài, chứ không phải để tiêu diệt. Một khi con người đã nhận ra và quay trở lại, Thiên Chúa sẽ nguôi cơn giận và cứu họ, cho dù chỉ còn một số nhỏ còn sót lại.

(2) Ngài là Thiên Chúa của thương sót: Như một người cha, Thiên Chúa không vui mừng gì khi thấy con mình quằn quại trong đau khổ. Ngài cũng hiểu hoàn cảnh của con người: khi họ còn mang thân xác yếu đuối, tội lỗi là điều khó tránh khỏi. Điều cần thiết là phải biết nhận ra tội lỗi và thống hối ăn năn. Khi con người đã biết ăn năn quay về, Thiên Chúa sẽ tha thứ tất cả tội lỗi và phục hồi quyền làm con cho con người. Ngôn sứ diễn tả tình thương tha thứ của Thiên Chúa cho dân chúng: “Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển.”

(3) Lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ Ngài sẽ thi hành: “Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Jacob, và tình thương cho Abraham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước.”

2/ Phúc Âm: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”

2.1/ Thi hành thánh ý Thiên Chúa là cách thức để gia nhập gia đình Thiên Chúa.

Khi Chúa Giêsu đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Bất cứ ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Khi nói những lời này, Chúa Giêsu không có ý khinh thường Mẹ Ngài hay mối liên hệ gia đình; nhưng Ngài muốn nhấn mạnh 2 điểm:

(1) Mọi người đều có thể trở thành phần tử của gia đình Thiên Chúa, nếu họ nhận ra và thực thi thánh ý của Thiên Chúa.

(2) Cách trở thành phần tử trong gia đình Thiên Chúa khác với cách của người đời. Theo cách của người đời, một người trở thành phần tử trong gia đình, hoặc bằng cách sinh ra trong gia đình, hoặc do gia trưởng trong gia đình nhận làm con nuôi (Jn 1:13). Theo cách của Thiên Chúa, một người trở thành con Thiên Chúa bằng cách làm theo thánh ý Thiên Chúa; hay một cách rõ nét hơn: bằng cách tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa (Jn 1:12).

2.2/ Đức Mẹ là người thi hành thánh ý Thiên Chúa cách trọn vẹn: Giống như Chúa Giêsu, cả cuộc đời của Đức Mẹ là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta có thể trưng dẫn ba nét chính:

(1) Trong biến cố Truyền Tin: Khi sứ thần Gabriel hiện đến báo tin về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Mặc dù Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh; nhưng sau khi đã nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, Mẹ đã khiêm nhường thưa với sứ thần lời Xin Vâng: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lk 1:38).

(2) Tại tiệc cưới Cana: Khi nhận ra sự lúng túng của đôi tân hôn vì hết rượu, Mẹ đến kêu cầu với Chúa: “Họ hết rượu rồi!” Mặc dù Chúa nói với Mẹ: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến;” Mẹ vẫn căn dặn gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Jn 2:4-5).

(3) Khi tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ: Sau ba ngày vất vả tìm thấy Chúa Giêsu đang ngồi giữa các thầy giáo và đàm thoại với họ, mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (Lk 2:48-51).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa luôn trung thành yêu thương dù con người bất trung phản bội. Nếu chúng ta biết ăn năn quay về, Ngài sẵn sàng giơ hai tay để đón nhận chúng ta như những người con.

– Chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa vì tin tưởng và làm theo thánh ý Ngài, chứ không phải vì liên hệ máu mủ hay vì bất kỳ lý do nào khác.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************