Ngày thứ ba (24-10-2023) – Trang suy niệm

23/10/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba tuần 29 Thường Niên – Năm A

BÀI ĐỌC I: Rm 5, 12. 15b. 17-19. 20b-21

“Nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị, thì càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một Người”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa và ơn huệ kèm trong ân sủng của một người, là Đức Giêsu Kitô, càng tràn ngập chan chứa hơn nữa tới nhiều người. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Đức Giêsu Kitô.

Do đó, tội của một người truyền đến mọi người, đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người, đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế. Nhưng ở đâu càng đầy tràn tội lỗi, thì ở đó càng tràn đầy dư dật ân sủng: để như tội lỗi đã thống trị làm cho người ta chết thế nào, thì nhờ đức công chính, ân sủng sẽ thống trị làm cho người ta sống đời đời do Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng như vậy.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17

Đáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a & 9a).

1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”.

2) Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài.

ALLELUIA: Ga 17, 17b và a

All. All. – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – All.

PHÚC ÂM: Lc 12, 35-38

“Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

24/10/2023 – THỨ BA TUẦN 29 TN

Th. An-tôn Ma-ri-a Cla-rét, giám mục

Lc 12,35-38

HẠNH PHÚC NGƯỜI TÔI TRUNG

“Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12,38)

Suy niệm: Chủ nhân các công ty, xí nghiệp muốn tăng hiệu suất làm việc của công nhân thường tạo cho họ có tình cảm gắn bó như là gia đình của mình. Còn người tôi tớ trong dụ ngôn của Chúa Giê-su không phải là người thợ làm công ăn lương sau khi lao động ngày tám tiếng rồi về nhà mình; trái lại, người ấy ở luôn tại nhà chủ như người ăn kẻ ở trong nhà. Vì thế, dù phải thức đến canh hai hoặc canh ba, người đó vẫn chờ để mở cửa khi chủ trở về. Hạnh phúc cho kẻ phụng sự Chúa như người tôi trung không phải là sẽ được lên chức, tăng lương mà thật bất ngờ: chủ sẽ đổi thân phận làm đầy tớ phục vụ họ: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ”.

Mời Bạn: Phải chăng Chúa đã không gọi các môn đệ Ngài là bạn hữu đó sao? Ngài đã không thân hành rửa chân cho họ đó sao? Và phải chăng Chúa đã không yêu các bạn hữu Ngài đến nỗi chịu chết vì những người Ngài yêu đó sao? Thật phúc dường nào khi được phụng sự Chúa và được Ngài đối xử như bạn hữu, như con cái, được thừa hưởng gia nghiệp vĩnh cửu với Ngài.

Chia sẻ: Chúa muốn bạn làm gì khi nói: “Các con cũng hãy rửa chân cho nhau”?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chu toàn thật tốt việc bổn phận của bạn với tấm lòng tận tuỵ của người tôi trung.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, kể sao cho xiết ơn Chúa dành cho con; tình yêu Chúa đánh động tận đáy lòng con. Con sẽ bội bạc với Chúa biết chừng nào nếu con không yêu Chúa với tất cả con người của con. Lạy Chúa, con xin dâng hiến cuộc đời con để phụng sự Chúa như người tôi trung.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ăn, ngủ, và làm việc trong một đời?
Nhiều người nghĩ mình có thể đưa ra những con số khá chính xác.
Nhưng chúng ta dành bao nhiêu thời gian để chờ?
Có thứ chờ tính được bằng thời gian.
Có thứ chờ kéo dài liên tục nằm nơi trái tim mong ngóng.
Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, những người yêu chờ nhau.
Trong một vở kịch của Samuel Beckett, văn sĩ được giải Nobel 1969,
có hai người chờ một nhân vật mơ hồ tên là Godot.
Cả hai chỉ quen sơ sơ ông này, nếu có gặp cũng chẳng nhận ra.
Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông Godot nào đó đã không đến.
Có lẽ Samuel Beckett muốn nói đến cái phi lý của đời người.
Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ và chẳng xảy ra.

Đức Giêsu dạy các môn đệ biết chờ đợi trong cuộc sống.
Chờ như những đầy tớ chờ chủ mình đi ăn cưới về.
Đám cưới ngày xưa hay vào ban đêm để tránh cái nóng.
Chủ có thể về trễ, nên phải chịu khó chờ,
nghĩa là phải tỉnh thức, không được ngủ quên.
Nhưng chờ lại không phải là thái độ ngồi yên, thụ động.
Chờ là đặt mình trong tư thế sẵn sàng phục vụ.
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35).
Người đầy tớ sẵn sàng bắt tay vào việc,
vì chiếc áo đã được vén lên gọn gàng,
và trong đêm, ngọn đèn được châm dầu vẫn luôn cháy sáng.

Có một giây phút quan trọng, giây phút ông chủ về.
Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự sẵn sàng, tất cả hướng đến giây phút này.
Lỡ giây phút này là lỡ tất cả.
“Để khi chủ về tới, gõ cửa thì mở ngay” (c. 36).
Mở ngay vì mình đang chờ, đang thức, đang sẵn sàng,
áo đã được vén lên để chuẩn bị phục vụ,
đèn đã được thắp sáng để soi trong bóng đêm.
Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau mắn như vậy của các đầy tớ.
Nhưng các đầy tớ còn ngỡ ngàng hơn nhiều.
Chính khi các anh chuẩn bị phục vụ chủ, thì chủ lại phục vụ các anh.
“Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn,
và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).
Rõ ràng đã có một sự đổi vai bất ngờ: chủ đã thắt lưng, phục vụ như đầy tớ.
Đầy tớ đã trở nên trọng hơn chủ, vì Thầy ở giữa anh em như người hầu bàn.

Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ.
Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần sáng (c. 38).
Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến.
Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn.
Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm.
Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi.
Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất :
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.

Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.

(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

24 THÁNG MƯỜI

Xin Cho Chúng Nên Một

Chiều hôm trước khi vào cuộc Khổ Nạn, trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả những ai tin vào Ngài. Ngài nói: “ Lạy Cha, con không chỉ cầu xin cho những người này – tức các tông đồ- nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào con, để tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).

Chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện này với chính Chúa Kitô – vị Thượng tế của Giao Ước Mới. Chúa Kitô hiến trao chính bản thân mình làm hy lễ. Ngài trao hiến chính Thịt và Máu của Ngài. Ngài trao hiến cuộc sống và cái chết của Ngài. Và với hy tế này, hy tế thánh thiện vô song, Ngài giao hòa thế giới với chính Ngài. Đức Kitô chết trên Thập Giá để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).

Lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu được thốt ra từ chính trọng tâm của hy tế này. Cả lời cầu nguyện và cái chết hy tế của Ngài đều có cùng một mục đích là “Xin cho chúng nên MỘT”.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 24/10

Thánh Antôn Maria Claret, Giám mục

Rm 5, 12. 15b. 17-19. 20b-21; Lc 12, 35-38

Lời suy niệm: “Anh em hãy thắc lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.”

Chúa Giêsu cho mỗi người trong chúng ta luôn phải quan tâm đến giây phút Chúa đến; bởi vì khi Chúa đến với mỗi người đều rất thình lình, không ai có thể biết trước được, nên luôn luôn phải biết chuẩn bị đời mình cho giây phút đó; bởi vì đời người không có cơ dịp thứ hai nữa.

Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết chuẩn bị đời sống của mình bằng một tình yêu thương, biết nâng đỡ và phục vụ lẫn nhau với một tinh thần đầy  trách nhiệm vì yêu kính Chúa; để được gặp Chúa. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 24-10

Thánh ANTÔN MARIA CLARET
Giám mục – Tổ phụ dòng Trái tim vẹn sạch mẹ Maria (1807 – 1870)

“Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”

Đó là châm ngôn và chương trình đời sống thánh ANTÔN MARIA CLARET. Ngài sinh năm 1807 tại Sallent Bắc Tây Ban Nha, trong một gia đình khiêm tốn làm nghề dệt. Là con thứ 5 trong 10 anh em, thánh nhân tỏ ra nhanh nhẹn thông minh có khiếu đối với nghề nghiệp của cha anh và được gởi đi Barcelone trong một xưởng máy lớn. Ban chiều, Ngài dự lớp học Pháp văn, nghiên cứu La văn và luyện nghề ấn loát, không có gì Ngài xao lãng cả. Ơn gọi đi tu sống sâu trong đáy lòng Ngài, kèm theo mọi hành động và sắp trở thành mạnh mẽ nhất: cuối cùng Ngài đã bước qua cổng chủng viện ở Vich năm 1829.

Trước tâm hồn phong phú của thánh nhân, Đức cha Corcue ra đã rút ngắn chương trình thần hoc. Ngài thụ phong linh mục 6 năm sau và cử hành thánh lễ đầu tiên tại giáo xứ Ngài đã được rửa tội. Được cử làm cha sở, Ngài đã thánh hóa địa hạt của mình. Nhưng việc tông đồ của Ngài cần một điạ hạt rộng lớn hơn. Ngài đi Roma, muốn gia nhập dòng Tên nhưng một vết thương ở chân buộc Ngài từ bỏ ý định trở về Tây Ban Nha. Bản chất nóng nảy của Ngài tỏ lộ những ân huệ siêu nhiên mới, tài hùng biện thánh của Ngài tăng bội số những cuộc trở lại, chủ đề được ưa chuông của Ngài là: đường thẳng và chắc để về trời” và ngày càng thêm nhiều người dấn thân vào đường hẹp sỏi đá mở ra ánh sáng. Đức Trinh Nữ hình như hiện diện khi Ngài trình bày các bổn phận của bậc sống nhạt nhẽo nhưng có nét đẹp ẩn giấu trước mặt Chúa, các từ bỏ liên tiếp… Ngài đã đi giảng như vậy qua một tỉnh với hành trang gồm có cuốn sách Thánh Kinh và sách nguyện gói trong khăn, Ngài từ chối tất cả tiền bạc, ngủ dưới vòm trời, giải tội ngày đêm và dâng lễ khi ánh sao cuối cùng vừa lặn. Ngài đã đặt tay chữa bệnh, chiêm ngắm các cuộc hiện ra.

Antôn rất gần gũi tự do đến nỗi đã gây nên những ghen tương, những lời chế nhạo ngắt ngang bài giảng của Ngài. Mạng sống bị đe dọa, Ngài phải giã từ quê hương thân yêu để rồi chỉ trở lại 15 năm sau để được đề cử và tấn phong Tổng giám mục Santiago, Cuba, tại nhà thờ chính toà Vich, Ngài đã dùng khoảng thời gian giao thời này để Phúc âm hoá các đảo Camari và đặt nền móng tu hội thừa sai Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, Ngài nỗ lực dưới mọi hình thức để cứu vớt các linh hồn. Đây là lúc Ngài thêm danh hiệu MARIA vào tên mình.

Vị tổng giám mục truyền giáo cập bến, Ngài sắp gặp thấy một giáo xứ đầy thương tâm gồm một ít linh mục thiếu học nghèo túng, Ngài thiết lập một nhóm học hiểu biết và tiếp tục vai trò người bao bọc vì Chúa Kitô, Ngài mất 6 năm để rảo qua các điạ phận mênh mông của mình, những con số sau đây nói lên hoạt động của Ngài: 11.000 bài giảng, 120.000 lễ Thêm sức, 40.000 phép rửa tội, 12.000 lễ hôn phối. Còn mệt nhọc hơn cả những khó khăn trên đường, thánh nhân hòa mình với các bệnh nhân ngã gục vì dịch tả. Các chủ nhân buôn bán nô lệ tố cáo Ngài đã xúi giục các người bị tàn phá nổi loạn. Mười lăm lần Ngài đã thoát chết. Ngài mơ lập một trường nông nghiệp nhưng gặp những chống đối mạnh mẽ.

Theo lời thỉnh cầu của hoàng hậu Isabelle II, đức giáo hoàng đã cử thánh Antôn Maria làm tuyên úy cho bà. Ngài nhận lời sau nhiều do dự, với điều kiện là sẽ đứng ra ngoài mọi chuyện chính trị và không sống trong hoàng cung. Từ Maddrid, Ngài tiếp tục cai quản Cuba. Nhưng sự ghen tương không dứt. Sự vu khống đã đưa đến chỗ các kẻ thù ký tên khả kính của Ngài dưới những danh sách bần tiện, trong khi chính Ngài đã là tác giả xây dựng của 150 pho sách hay những tập rời. Cuộc cách mạng đã xua đuổi hoàng hậu tới Pan, rồi Paris là nơi cha giải tội đã theo bà và lo lắng cho thuộc điạ Tây ban Nha và vẫn theo đuổi phát triển của tu hội truyền giáo, Ngài dự cộng đồng bàn về giáo thuyết bất khả ngộ của tòa thánh. Sự ghen ghét của những thù địch người Tây ban Nha theo đuổi Ngài mãi. Thánh nhân một thời rút lui về một trong những nhà dòng của Ngài ở Prades, rồi ở L’Audes, nơi các thày dòng Xitô ở Phontfroide là nơi không hề phàn nàn kêu trách năm 1870.

Antôn Maria Claret vị thánh rất tân thời đã tỏ ra là nhà tiên phong với nhà sách đạo của Ngài. Trước khi có các tu hội triều ngày nay, Ngài đã sáng nghĩ ra “các nữ tu tại gia” là học giả uyên bác, Ngài đã xếp các văn sĩ có giá trị, các nghệ sĩ công giáo vào “hàn lâm viện thánh Micae”.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

24 Tháng Mười

Ngày Liên Hiệp Quốc

Vào năm 1945, ba quốc gia gây chiến Ðức, Italia, Nhật mang bộ mặt tan tác tả tơi của những nước bại trận. Ða số những thành phố lớn tại Ðức, cũng như hai thành phố Hiroshima và Nagasaki tại Nhật chỉ còn là những đống gạch vụn, những thành phố chết.

Hình ảnh của thế giới, nhất là tại các quốc gia bị chiến tranh tàn phá trong những năm “39-45” có lẽ không khác gì bộ mặt của trái đất sau trận lụt Ðại Hồng Thủy, khi trận lụt vĩ đại gây ra do những trận mưa lũ kéo dài 40 ngày đêm đã giết hại mọi sinh vật, như tác giả sách Khởi Nguyên viết: “Mọi loài xác thịt động đậy trên đất đều tắt thở: chim chóc, thú vật, mãnh thú… tất cả các vật trên cạn đều bị xóa sạch trên mặt đất từ người cho đến xúc vật, côn trùng và chim trời…”.

Từ đống tro tàn của thế chiến thứ hai, một ý nghĩa đã được manh nha và Liên Hiệp Quốc đã thành hình với mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa bình. Vì như một chính trị gia đã phát biểu: “Nếu con người không hủy diệt chiến tranh, chiến tranh sẽ hủy diệt con người”.

Nhưng từ ngày tổ chức Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 1945 đến nay không biết bao nhiêu cuộc chiến song phương cũng như nội bộ đã xảy ra. Những bàn tay con người vẫn được dùng để giơ gươm, để lảy cò, để bấm nút nhữntg khí giới giết người. Vì thế súng vẫn nhả đạn và máu tươi vẫn tuôn rơi, lòng đất mẹ vẫn thấm máu con người.

Ngày 24 tháng 10 hằng năm, bao nhiêu lá cờ của mọi quốc gia đã được trưng lên trong những buổi lễ kỷ niệm ngày Liên Hiệp Quốc được thành lập, bao nhiêu sinh hoạt đã được tổ chức để nhắc nhở con người, không phân biệt màu da, tiếng nói, không phân biệt tín ngưỡng hay quan niệm về thể chế chính trị, ý nghĩa của tổ chức mang mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa bình.

Nhưng thiết nghĩ, hòa bình thế giới không thể được thiết lập nếu lòng người chưa đạt được sự an bình, vì nếu những tâm tình ganh ghét, ghen tuông, nghi kỵ, nếu những tư tưởng lợi dụng, đàn áp, bóc lột vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng chúng ta, thì ngọn lửa chiến tranh vẫn còn có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 29 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Rom 5:12, 15b, 17-19, 20b-21; Lk 12:35-38.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tính cộng đồng của các hành động con người

Nhiều người muốn quảng bá đức công bằng ”ai làm người ấy chịu: tội của ai phạt người ấy, phúc của ai người đó hưởng”; nhưng điều đó không thể nào xảy ra, vì trong kế hoạch của Thiên Chúa, con người được tạo dựng để sống chung và cùng chịu trách nhiệm. Ví dụ, dịch cúm heo mà cả thế giới đang lo sợ: tuy phát xuất từ Mễ-tây-cơ; nhưng cả thế giới đều phải góp phần chống lại, vì nếu không, dịch sẽ hoành hành ngay trong nước của họ. Hay nạn ly dị mà nhiều người thời nay cho là chuyện riêng của họ: khi nạn ly dị xảy ra trong gia đình, không phải chỉ có cá nhân làm đơn ly dị, nhưng còn ảnh hưởng đến người phối ngẫu, và con cái là những người không có tội tình chi trong sự xung đột của hai vợ chồng. Rồi đến gia đình hai bên cũng phải mang tai tiếng và lo cho các con trẻ; ấy là chưa kể ảnh hưởng đến cả xã hội phải trợ giúp vào, và phải gánh hậu quả tội phạm của những trẻ bất chí do gia đình gây ra. Vì thế, một người khó lòng tiên đoán hậu quả của tội mình gây ra cho gia đình, xã hội, và Giáo Hội.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật chiều kích cộng đồng của các hành động con người. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô so sánh giữa tội của Adam và công phúc của Đức Kitô ảnh hưởng đến mọi người như thế nào: Vì một người duy nhất là Adam, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.

Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Trong Phúc Âm, thánh Luca nhấn mạnh đến phần thưởng Thiên Chúa sẽ ban cho những người biết quên mình phục vụ anh em. Ngài sẽ đến phục vụ từng người tại bàn ăn; vì khi họ phục vụ người khác, họ đã làm cho chính Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.

1.1/ Tội lỗi và sự chết lan tràn tới mọi người vì một người là Adam: Nhiều người chúng ta thắc mắc tại sao Thiên Chúa lại bắt con cháu của Adam chịu đựng tội tổ tông và hình phạt sự chết, khi họ không có trách nhiệm gì về tội đầu tiên của Adam cả! Cách cắt nghĩa của thánh Phaolô giúp chúng ta có thể hiểu được, nếu chúng ta nắm được tính cộng đồng của các hành động con người: không có một hành động nào chỉ mang tính cá nhân, mà không kéo theo tính cộng đoàn cả. Tội một người phạm không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân người đó thôi, nhưng còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội chung quanh họ; chẳng hạn: tội ăn cắp.

Tội và hậu quả của tội có khuynh hướng lan tràn: Thánh Phaolô nói: ”Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.”

1.2/ Ân sủng và ơn cứu độ được ban cho mọi người nhờ Đức Kitô: Nhiều người cũng thắc mắc và nghi ngờ tại sao Cuộc Thương Khó của Đức Kitô có hiệu năng cứu độ muôn người như vậy, cùng lắm thì cũng chỉ giới hạn trong một số người thôi chứ. Chúng ta có thể hiểu cũng như tội của một người có khuynh hướng lan tràn, công phúc của một người cũng có khuynh hướng lan tràn như thế. Ví dụ: tình bác ái của Mẹ Têrêxa. Không phải chỉ có người nghèo hay chỉ dân tộc Ấn Độ mới cảm nhận được tình bác ái của Mẹ; nhưng còn tất cả mọi người trên thế giới.

Áp dụng vào công nghiệp của Đức Kitô, thánh Phaolô xác tín: ”Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.”

1.3/ Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội: Đây là Tin Mừng cho con người, không phải ân sủng chỉ lan tràn như tội lỗi thôi, mà ân sủng còn lan tràn mạnh hơn tội lỗi; vì quyền lực là tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự chết. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa yêu thương con người khi con người vẫn còn là tội nhân; và sẵn sàng tha thứ mọi tội khi con người thật lòng ăn năn xám hối.

2/ Phúc Âm: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.

2.1/ Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.”

Lời Chúa nói có mục đích xa là chuẩn bị cho Ngày Chúa đến lần thứ hai; nhưng nó cũng khẩn thiết cho việc giáo dục trong gia đình. Khi hai vợ chồng bắt đầu thành hôn, họ phải lo giáo dục nhau về đức tin, tri thức, và nhân bản. Quan niệm sai lầm của nhiều cặp vợ chồng là “tới đâu lo tới đó,” vì cuộc sống quá bận rộn. Cha ông ta đã báo trước “nếu không lo xa, ắt có buồn gần.” Con người không phải là con vật để chỉ biết phản ứng; nhưng phải biết chuẩn bị lúc việc chưa xảy ra để biết đương đầu với vấn đề khi nó xảy ra. Ví dụ, việc hy sinh chịu đựng gian khổ cho lợi ích của người khác cần phải tập luyện dần cho tới khi thành nhân đức. Các ông bà, cha mẹ Việt Nam thế hệ trước có thể trung thành với nhau suốt đời vì họ sở hữu nhân đức này; tuy có xung đột với nhau, nhưng họ không bao giờ dám ly dị vì lợi ích của gia đình, của đàn con, nhất là lợi ích phần linh hồn. Nhiều cặp vợ chồng hôm nay không còn biết tại sao phải hy sinh chịu đựng như thế; việc ly dị và chia rẽ cũng chẳng ngạc nhiên gì đối với họ: hợp thì ở, không hợp thì chia tay!

2.2/ Phần thưởng ban cho những người luôn tỉnh thức: Chúa Giêsu hứa: ”Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.”

Con người cần nhớ rõ những gì Đức Kitô nói: Phục vụ anh em là phục vụ chính Ngài; không phục vụ anh em là không phục vụ cho chính Ngài. Phần thưởng cho những người phục vụ anh chị em là sẽ được chính Thiên Chúa phục vụ và ban thưởng vinh quang. Hình phạt cho những kẻ chỉ biết ích kỷ lo cho mình là vào lửa không hề tắt. Hãy suy nghĩ những lời này để biết hy sinh lo lắng cho tha nhân trước khi quá muộn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Tội không chỉ mang tính cá nhân mà còn ảnh hưởng rộng lớn trên gia đình và cộng đoàn; vì thế, chúng ta có bổn phận giáo dục mọi người trong gia đình và cộng đoàn của chúng ta.

– Tương tự, một người làm phúc, cả họ được nhờ. Khi chúng ta giúp đỡ hay giáo dục các thành phần trong gia đình hay cộng đoàn, chúng ta đang làm ích cho chính bản thân để khỏi phải gánh hậu quả của tội do họ gây ra, cho gia đình được hạnh phúc, và cho Giáo Hội thăng tiến.

– Tình thương và ân sủng của Thiên Chúa mạnh hơn tính ích kỷ và tội lỗi của con người; vì thế, chúng ta hãy kiên nhẫn chịu bất công và hy sinh chịu gian khổ, để mưu cầu lợi ích cho chính chúng ta và cho mọi người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************