Ngày thứ ba (25-06-2024) – Trang suy niệm

24/06/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba tuần 12 Thường Niên

BÀI ĐỌC I: 2 V 19, 9b-11. 14-21. 31-35a. 36

“Ta sẽ che chở và cứu thành này vì danh Ta cùng vì Đavít”.

Bài trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Trong các ngày ấy, Sennakêrib, vua dân Assyria, đã phái các sứ giả đến với vua Êdêkia và dặn rằng: “Các ngươi hãy nói với Êdêkia, vua Giuđa như thế này: “Chớ để Thiên Chúa, mà vua tin cậy, mê hoặc vua nghĩ rằng: Thành Giêrusalem sẽ không bị lọt vào tay vua dân Assyria. Vì chưng chính đức vua đã nghe biết những gì các vua Assyria đã làm khắp mọi nơi, đã tàn phá các nơi đó thế nào. Có lẽ nào một mình vua sẽ thoát khỏi?”. Vua Êdêkia đã nhận và đọc thư do các sứ giả trao cho, vua lên đền thờ Chúa, trải bức thư đó ra trước mặt Chúa, và cầu nguyện cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, Đấng ngự trên các Vệ Binh thần, chỉ một mình Chúa là Thiên Chúa các vua trên mặt đất, Chúa đã dựng nên trời đất, xin lắng tai nghe; lạy Chúa, xin mở mắt nhìn xem. Chúa hãy nghe các lời vua Sennakêrib đã gửi đến, để lăng mạ Chúa hằng sống của chúng con. Lạy Chúa, quả thật các vua dân Assyria đã huỷ diệt các dân và đất đai chúng, đã vất các tượng thần của chúng vào lửa: vì các tượng thần đó không phải là Chúa, song là sản phẩm bằng gỗ đá do tay người phàm làm ra, nên bị họ huỷ diệt. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cứu chúng con khỏi tay vua Sennakêrib, để mọi vương quốc hoàn cầu biết rằng: chỉ có mình Chúa là Thiên Chúa”. Vậy Isaia con trai Amos sai người đến tâu vua Êdêkia rằng: “Đây là những điều Chúa là Thiên Chúa Israel phán: Ta đã nghe các điều ngươi cầu xin Ta về Sennakêrib, vua dân Assyria. Đây là lời Thiên Chúa phán về vua ấy: Trinh nữ Sion khinh chê và cười ngạo ngươi; thiếu nữ Giêrusalem chế diễu sau lưng ngươi. Từ Giêrusalem sẽ còn lại một số người, và từ núi Sion sẽ có một số người được cứu thoát: Đó là điều mà lòng nhiệt thành của Chúa các đạo binh sẽ thực hiện. Bởi thế, Chúa phán những điều này về vua dân Assyria: Vua sẽ không vào được thành này, sẽ chẳng bắn được một mũi tên nào vào thành, chẳng dùng thuẫn mà vây hãm thành, chẳng đắp lũy quanh thành: vua tới lối nào thì sẽ về lối ấy, và sẽ không vào được thành này, đó là lời sấm của Chúa. Ta sẽ che chở và cứu thành này, vì danh Ta cùng vì Đavít tôi tớ Ta”. Chính đêm ấy, thiên thần Chúa đến giết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Assyria. Sennakêrib, vua dân Assyria, trở về và ở lại thành Ninivê.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 47, 2-3a. 3b-4. 10-11

Đáp: Thiên Chúa kiên thủ thành của Người tới muôn đời (c. 9d).

1) Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, trong thành trì của Thiên Chúa chúng ta. Núi thánh của Ngài là ngọn đồi duyên dáng, là niềm hoan lạc của khắp cả địa cầu.

2) Núi Sion là cùng kiệt Phương Bắc, là thành trì của Đức Đại Đế. Thiên Chúa ngự trong thành quách của Người, tự chứng tỏ Người là an toàn chiến luỹ.

3) Ôi Thiên Chúa, chúng con tưởng nhớ lại lòng thương của Chúa, ngay trong nơi đền thánh của Ngài. Ôi Thiên Chúa, cũng như thánh danh Ngài, lời khen ngợi Ngài sẽ vang cùng cõi đất. Tay hữu Ngài đầy đức công minh.

ALLELUIA: Tv 118, 27

All. All. – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – All.

PHÚC ÂM: Mt 7, 6. 12-14

“Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Đừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con. “Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy. “Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy”.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

25/06/2024 – THỨ BA TUẦN 12 TN

Mt 7,6.12-14

HẸP – SỐNG, RỘNG – CHẾT!

“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người lại đi qua đó.” (Mt 7,13)

Suy niệm: Thích Minh Tuệ có lẽ là cái tên ‘nổi như cồn’ trong thời gian gần đây vì đã rong ruổi khất thực từ nam chí bắc. Có người cho rằng không dễ gì làm được vì phải hy sinh, buông bỏ và thậm chí chịu thị phi. Nếu hiểu đơn giản ‘tu’ là buông bỏ như thế thì ‘tu’ trong đạo Công giáo cũng từ bỏ, nhưng xa hơn một chút, là để ‘bước theo’ Thầy Giê-su trên con đường hẹp. Đường hẹp thường khó đi, và vì khó đi nên cũng ít người theo, nhưng không vì vậy mà kém giá trị. Ra khỏi mình, sống khiêm tốn, tha thứ, đem lại những thiện ích cho người khác, nhất là vâng lời Chúa Cha đến độ hy sinh mạng sống cho nhân loại, là những gì làm nên giá trị cho con đường hẹp Thầy Giê-su đã chọn, đã sống và mời gọi. Con đường này là hạnh phúc cho bao người, nhưng đồng thời cũng là thách đố, gánh nặng với ai chưa thực sự từ bỏ, hy sinh để bước theo.

Mời Bạn: Nếu biết con đường ấy sẽ dẫn đến cửa tử, bạn có đi? Chắc chắn là không rồi! Vậy mà nhiều người biết đó là sự chết mà vẫn đi vào. Các thánh tử đạo Việt Nam là thế! Biết chọn thập giá là chết nhưng các ngài vẫn quyết tâm bước theo. Lắm lúc ta phải hy sinh mạng sống vì đức tin, cho thấy đức tin ấy có giá trị như thế nào. Mời bạn chiêm ngắm lối sống từ bỏ ấy và áp dụng vào đời mình.

Chia sẻ: Theo bạn, đâu là ‘cửa sinh’ trong đời sống thiêng liêng của bạn?

Sống Lời Chúa: Tập hy sinh và từ bỏ một tật xấu nào đó trong ngày.

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su, xin cho con ý thức đường thênh thang dễ dẫn đến diệt vong, để biết quyết tâm bước vào đường hẹp theo Thầy. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Bài Tin Mừng hôm nay gồm những câu rời rạc.

Câu đầu tiên là một câu khó hiểu đối với chúng ta ngày nay (c.6),

tuy có thể rất dễ hiểu đối với những người trực tiếp nghe Đức Giêsu.

“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo…”

Heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân ngoại.

 

Vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai,

sách Điđakhê coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa,

từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ (9, 5).

Tuy nhiên, có thể hiểu của thánh hay ngọc trai là Tin Mừng Nước Trời.

Tin Mừng này có thể được đón nhận hay bị từ chối một cách thô bạo.

Không hẳn chỉ dân ngoại mới có người từ chối và chà đạp viên ngọc quý.

Cả người Do thái cũng có kẻ bách hại những ai rao giảng (Mt 10, 17).

 

Thái độ của người môn đệ là không dừng lại, nản lòng khi bị chối từ.

nhưng là tiếp tục mang sứ điệp ấy đến cho người khác.

Câu 12 thường được coi là khuôn vàng thước ngọc.

Nó xuất hiện trong nhiều tôn giáo và văn hóa từ xưa.

“Làm cho người khác mọi điều mình muốn họ làm cho mình.”

 

Đây là một thái độ tích cực đòi chúng ta một chút tưởng tượng.

Tôi thử nghĩ xem mình muốn gì nơi người khác.

Cảm thông, bao dung, yêu mến, kính nể, trung thành, nâng đỡ…

Rồi tôi tìm cách trao cho họ những điều tốt lành mà tôi ước mong,

vì giữa con người với nhau, vẫn có chung những khát vọng.

 

Trong một thế giới mà người ta chỉ tìm làm điều tốt cho nhau,

thì thế giới đó là địa đàng, nơi sự dữ không còn đất đứng.

Như thế người Kitô hữu không chỉ yêu anh chị em trong cộng đoàn,

yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39),

mà còn yêu mọi người đau khổ cơ nhỡ (Mt 25, 31-46),

thậm chí yêu cả kẻ thù (Mt 5, 44).

 

Cộng đoàn Kitô hữu là cộng đoàn yêu bằng hành động tích cực:

“chính anh em hãy làm cho người ta” (c. 12).

Người ta ở đây là mọi người, vượt quá mọi thứ biên giới.

Con đường mà Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp, khó đi.

Nó hẹp vì nó là con đường tình yêu, mà yêu thì không dễ.

Ít ai tìm thấy con đường này, mà cũng ít người muốn đi (c. 14).

 

Chúng ta được mời chọn đi con đường Giêsu,

con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống,

con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha nhân.

Và chúng ta tin mình sẽ gặp được hạnh phúc.

 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,

nếu Hội Thánh được ví như một thân thể

gồm nhiều chi thể khác nhau,

thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu

một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.

Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.

Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.

Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,

thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,

các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình…

Lạy Chúa Giêsu,

cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,

ơn gọi của con chính là tình yêu.

Con đã tìm thấy

chỗ đứng của con trong Hội Thánh:

nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,

và như thế con sẽ là tất cả,

vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.

Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,

mọi ước mơ của con được thực hiện.

(dựa theo lời của thánh Têrêxa)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

25 THÁNG SÁU

Thiên Chúa Nâng Đỡ Hiện Hữu Và Chống Lại Hư Vô

Nơi sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta nhìn thấy ý muốn từ đời đời của Ngài được diễn tả ra vừa trong tư cách là Đấng Sáng Tạo vừa là người gìn giữ mọi sự. Ý chí của Ngài là một ý chí tối cao điều động mọi sự theo chính bản chất tốt lành của Ngài. Ngài tiếp tục hành động – như chính Ngài đã hành động trong hành vi sáng tạo đầu tiên – để nâng đỡ sự hiện hữu và chống lại hư vô, để ủng hộ sự sống và chống lại sự chết, để hậu thuẫn cho ánh sáng và chống lại sự tối tăm (Ga 1, 4 – 5).

Nói tắt, Đấng Tạo Hóa bênh vực sự thật. Ngài bênh vực sự thiện và vẻ đẹp của tất cả những gì hiện hữu. Trong mầu nhiệm quan phòng của Ngài, Thiên Chúa tiếp tục quyết liệt khẳng định sự đánh giá của Ngài như được ghi trong Sách Sáng Thế: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp… Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1, 25. 31).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 25/6

2V 19, 9b-11. 14-21. 31-35a. 36; Mt 7, 6. 12-14.

Lời suy niệm: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7, 12).

          Chúa Giêsu đang muốn người Kitô hữu là phải sống về đức ái một cách tích cực hơn người đời, hơn luật tự nhiên, trong mọi sự, không chỉ có sự công bằng, nhưng phải đặt đức ái lên trên và là hàng đầu khi xử sự với nhau. Để thực hiện điều Chúa dạy, Người Kitô hữu không chỉ “không làm thiệt ai, nhưng phải làm lợi cho người ta” – “ Tôi không được làm hại người, nhưng tôi phải hết sức giúp đỡ tha nhân.” …

          Lạy Chúa Giêsu, toàn bộ luật Tin Mừng được chứa đựng trong “Điều răn mới” của Chúa: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Xin cho mỗi người trong chúng con được thấm nhập Lời Chúa qua:  “Lời kinh hòa bình” của Thánh Phanxicô Assisi trong đời sống của chúng con. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

25 Tháng Sáu

Lau Chùi Làm Gì? 

Trong những mẩu chuyện giáo lý ngắn, Ðức Gioan Phaolô I có thuật lại câu chuyện sau đây: “Những người xem thường việc năng đi xưng tội nhắc tôi nhớ đến anh giúp việc của ông Jonathan Swift. Một lần kia, sau khi ngủ đêm trong một quán trọ, ông Swift bảo người giúp việc đem cho ông đôi giày ống mà ông đã mang hôm qua. Khi thấy đôi giày còn dính đầy bụi đất của cuộc hành trình vất vả xuyên qua những cánh đồng lầy lội, ông Swift nhíu mày tỏ vẻ khó chịu và bảo anh giúp việc: “Tại sao anh lại không lau chùi đôi giày cho sạch sẽ?”.

Thấy chủ bất bình và xẵng giọng, anh giúp việc hơi áy náy nhưng cũng gãi đầu, ấp úng thưa: “Tôi nghĩ là… lau chùi cũng không ích lợi gì. Vì hôm nay, sau khi ông đi vài dặm đường, đôi giày lại bị dơ bẩn trở lại”.

Nghe người giúp việc biện luận như thế, ông Swift giả vờ gật đầu đồng ý rồi bảo người giúp việc: “Anh cho thắng yên ngựa, chúng ta khởi hành càng sớm càng tốt kẻo muộn”.

Một lúc sau, mọi việc đã được thu xếp xong và ông Swift ra lệnh lên đường. Nhưng người giúp việc chạy vội đến kéo nài: “Thưa ông, chúng ta không thể lên đường ngay được vì tôi chưa ăn sáng”.

Ông Swift vừa leo lên ngựa vừa bảo: “Ăn uống làm gì cho uổng công vì sau vài dặm đường, dạ dày anh lại cồn cào kêu đói”.

Cũng thế, có nhiều người bảo: năng lãnh nhận bí tích Giải Tội có ích lợi gì. Vì thông thường sau khi xưng tội, linh hồn chúng ta lại bị dơ bẩn trở lại vì những tội tái phạm. Có lẽ họ cũng có lý. Nhưng giữ linh hồn thanh sạch một thời gian, dù ngắn ngủi, cũng là một việc nên làm. Lại nữa, những người hiểu đúng nghĩa của phép Giải Tội và Xưng Tội đúng cách sẽ được nghiệm thấy là phép Giải Tội không những rửa sạch mọi tì ố của tội lỗi, nhưng còn hiệu lực giúp chúng ta tránh tái phạm những lỗi lầm thường vấp ngã với mục đích củng cố tình thân hữu của mình với Ðức Giêsu và sống trọn tình hiếu thảo Cha con đối với Thiên Chúa.

Không ai trong chúng ta dùng cơm xong lại thu dọn ngay những chén đĩa, nồi niêu đã dùng vào sóng chén, viện cớ là: rửa làm gì cho uổng công, đến bữa an sau chúng lại dơ bẩn trở lại.

Cũng không ai bảo: giặt quần áo hay tắm gội làm gì cho hoài công, tốn nước. Một thời gian sau thân thể và quần áo lại bị dơ bẩn trở lại.

Vâng, Ðức Gioan Phaolô I dạy chúng ta: hãy năng đi xưng tội, dù biết rằng con người yếu đuối hay tái phạm những lỗi lầm mình đã vấp ngã. Và trong lúc lãnh nhiệm phép Giải Tội, hãy nhớ lời Ðức Giêsu bảo người phụ nữ ngoại tình: “Này chị, những kẻ tố cáo chị đâu cả rồi, không ai lên án chị ư? Ta cũng vậy, Ta không lên án chị. Hãy về và từ nay, đừng phạm tội nữa”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 12 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: 2 Kgs 19:9b-11, 14-21, 31-35a, 36; Mt 7:6, 12-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chọn đường khó khăn và hẹp để đi.

Phần đông con người thích chọn lựa đường bằng phẳng và ngắn nhất để đi, cách nào ít đòi cố gắng nhất để làm, việc nào dễ dàng nhất nhưng có tiền nhiều nhất. Thực tế chứng minh, người thành công là người phải chọn lựa ngược lại, như chí sĩ Nguyễn Thái Học đã nói: “Nếu đường đời bằng phẳng cả; anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Vài ví dụ cho chúng ta thấy điều này: Các lực sĩ trước khi đoạt huy chương vàng, họ phải hy sinh luyện tập nhiều giờ và kiêng khem ăn uống. Binh lính phải luyện tập nhiều giờ, vì họ tin: ”thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.”

Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta lời dạy quí giá của Chúa Giêsu và gương chọn lựa con đường khó đi của vua Hezekiah. Trong Bài Đọc I, khi chứng kiến sự thất thủ của vương quốc Israel và thế lực mạnh mẽ của đế quốc Assyria, vua Judah là Hezekiah vẫn không nao núng. Nhà Vua cầu nguyện và hoàn toàn tin tưởng nơi Đức Chúa, nên Ngài đã sai ngôn sứ Isaiah loan tin mừng cho vua: Quân thù Assyria sẽ không chiếm được Judah. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Niềm tin của vua Hezekiah được thử luyện

1.1/ Vua Judah tin tưởng và cầu nguyện với Thiên Chúa

(1) Lời đe dọa của vua Sennacherib: Sau khi vương quốc Israel miền Bắc thất thủ và bị lưu đày, vua Assyria là Sennacherib đã phái các sứ giả đến nói với vua Hezekiah rằng: “Đừng để Thiên Chúa của ông là Đấng ông tin tưởng, lừa dối ông rằng: Jerusalem sẽ không bị nộp vào tay vua Assyria. Này, ông thừa biết các vua Assyria đã xử thế nào với tất cả các nước: Các vị ấy đã tru hiến chúng; còn ông, ông thoát sao được? Vua Hezekiah cầm lấy thư từ tay các sứ giả trao cho mà đọc, rồi lên Nhà Đức Chúa, mở thư ra trước nhan Đức Chúa.

(2) Vua Hezekiah vững niềm tin nơi Thiên Chúa: Trong gian nan là lúc biểu lộ niềm tin. Vua Hezekiah tuyệt đối tin tưởng nơi Đức Chúa. Vua cầu nguyện trước nhan Đức Chúa rằng: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa Israel, Đấng ngự trên các Cherubim, chính Ngài, và chỉ mình Ngài mới là Thiên Chúa thống trị mọi vương quốc trần gian. Chính Ngài đã làm nên trời đất. Lạy Đức Chúa, xin lắng tai nghe, lạy Đức Chúa, xin đưa mắt nhìn. Xin nghe rõ những lời Sennacherib là kẻ đã sai người đến thoá mạ Thiên Chúa hằng sống.”

Nhà Vua phân biệt các thứ thần do tay con người nhào nặn với uy quyền vô biên của Thiên Chúa: “Quả thật, lạy Đức Chúa, các vua Assyria đã tàn phá các dân và xứ sở của nhiều nước, quăng các tượng thần của họ vào lửa, vì chúng không phải là thần, mà chỉ là tác phẩm bằng gỗ đá do tay người phàm làm ra, cho nên các vua ấy đã phá huỷ được. Nhưng giờ đây, lạy Đức Chúa, Thiên Chúa chúng con, xin đoái thương cứu chúng con khỏi tay vua ấy, để mọi vương quốc trần gian nhận biết rằng chính Ngài, và chỉ một mình Ngài mới là Thiên Chúa, lạy Đức Chúa!”

1.2/ Thiên Chúa giải phóng Judah khỏi tay vua Assyria.

+ Khi vua Hezekiah cầu nguyện xong, ngôn sứ của Đức Chúa là Isaiah con ông Amoz, sai người đến tâu vua Hezekiah rằng: “Đức Chúa, Thiên Chúa Israel, phán thế này: Ta đã nghe lời ngươi cầu nguyện về vụ Sennacherib, vua Assyria. Đây lời Đức Chúa kết tội nó: Trinh nữ, cô gái Sion khinh dể, nhạo báng ngươi; sau lưng ngươi, cô gái Jerusalem lắc đầu!”

+ Kết quả của cuộc xâm chiếm: “Chính đêm ấy, thiên sứ của Đức Chúa ra đánh chết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Assyria. Ban sáng, khi người ta thức dậy, thì kìa, toàn là thây ma xác chết. Vua Assyria là Sennacherib nhổ trại và lên đường. Ông rút về Nineveh và ở lại đó.”

2/ Phúc Âm: Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.

2.1/ Phải hiểu thì mới biết quí trọng Lời Chúa và các bí tích: Để dẫn chứng sự cao quí của Lời Chúa và các bí tích, Chúa Giêsu đưa ra 2 hình ảnh cho các môn đệ suy nghĩ: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” Có nhiều cách phiên dịch và áp dụng câu này trong lịch sử:

(1) Các tín hữu Do-thái quá khích dùng câu này để loại trừ Dân Ngoại. Họ nghĩ chỉ có họ mới xứng đáng được hưởng những của thánh, và Dân Ngoại bị so sánh với chó và heo.

(2) Giáo Hội sơ khai dùng câu này để bảo vệ bí tích Mình Thánh Chúa. Khẩu hiệu “của thánh dành cho người thánh” được dùng để ngăn cản những người không cùng niềm tin đến lãnh nhận Mình Thánh Chúa.

(3) Giáo Hội sơ khai cũng dùng lời này để bảo vệ Lời Chúa và đức tin Công Giáo, vì luôn có những lạc thuyết nổi lên đe dọa đức tin hay muốn thích ứng với những trào lưu hiện hành. Nói tóm, các tín hữu cần phải học hỏi để hiểu, thì mới biết quí trọng Lời Chúa và các bí tích.

2.2/ Hai ví dụ của việc sống Lời Chúa:

(1) Luật Vàng của nhân loại còn kém xa Lời Chúa: Luật Vàng dạy: “Điều gì mình không muốn người khác làm cho mình, mình đừng làm cho người khác.” Luật này chỉ tiêu cực, vì nó ngăn cản không cho tội xảy ra; nhưng không giúp con người phát triển vác mối liên hệ với tha nhân. Chúa Giêsu đẩy các môn đệ đến một bước tiến xa hơn: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Moses và lời các ngôn sứ là thế đó.” Đây là luật tích cực, vì nó giúp xây dựng và phát triển các mối liên hệ.

(2) Con người thích đường rộng rãi thênh thang, Chúa Giêsu dạy: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Đương đầu với đau khổ và thế lực mạnh là lúc biểu lộ niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Ngài sẽ không bỏ rơi những ai hết lòng tin tưởng nơi Ngài.

– Chúng ta chỉ biết quí trọng Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài khi chúng ta chịu bỏ thời giờ học hỏi, vì “vô tri bất mộ.”

– Con đường đau khổ là con đường Thiên Chúa chọn cho Đức Kitô và loài người đi qua. Chúng ta hãy can đảm chọn con đường đó vì nó sẽ dắt chúng ta đến chỗ vinh quang.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************