Ngày thứ ba (27-07-2021) – Trang suy niệm

26/07/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:     Xh 33, 7-11; 34, 5b-9. 28

“Chúa đối diện nói chuyện với Môsê”.

Trích sách Xuất Hành.  

Trong những ngày ấy, Môsê hạ nhà xếp, đem dựng ra một khoảng ở ngoài trại, và đặt tên là “nhà xếp giao ước”. Ai trong dân có điều gì muốn hỏi, thì đến nhà xếp ở ngoài trại.

Khi ông Môsê đi đến nhà xếp, thì toàn dân chỗi dậy, ai nấy ra đứng trước cửa trại mình nhìn theo ông Môsê, cho đến khi ông vào nhà xếp. Khi ông đã vào nhà xếp giao ước, thì có một cột mây rơi xuống, và dừng lại tại cửa, và Chúa đàm đạo cùng Môsê; mọi người trông thấy cột mây dừng lại trước cửa nhà xếp. Họ đứng nơi cửa nhà xếp mình và sấp mình thờ lạy. Chúa đàm đạo cùng Môsê diện đối diện, như người ta quen đàm đạo với bạn hữu mình. Khi ông trở về trại, thì người hầu cận ông là Giosuê, con ông Nun, còn trẻ tuổi, không rời khỏi nhà xếp.

Ông Môsê đứng trước mặt Chúa mà khẩn cầu danh Người. Chúa đi ngang qua trước mặt ông và hô lên: “Đức Chúa! Đức Chúa! Đấng cai trị mọi sự, là Đấng từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, đầy lân tuất và chân chính. Chúa xót thương đến ngàn đời, tha thứ gian ác, độc dữ và tội lỗi; (nhưng) trước mặt Chúa không ai coi mình là vô tội. Sự gian ác tổ tiên đã phạm, Chúa phạt con cháu đến ba bốn đời”. Ông Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy Chúa và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con được ơn nghĩa trước mặt Chúa, thì xin Chúa đi với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), và xin Chúa tha thứ sự gian ác và tội lỗi chúng con. Xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa”. Vậy ông Môsê ở đó với Chúa bốn mươi đêm ngày, không ăn bánh và không uống nước; Chúa ghi mười lời giao ước vào bia đá. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 6-7. 8-9. 10-11. 12-13

Đáp:  Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a). 

Xướng:

1) Chúa thi hành những sự việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. – Đáp.

2) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. – Đáp.

3) Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. Nhưng cũng như trời xanh vượt cao trên mặt đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. – Đáp.

4) Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. – Đáp.

ALLELUIA: Dt 4, 12

Alleluia, alleluia! – Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và là ý muốn của tâm hồn. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 13, 36-43

“Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp lại rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

27/07/2021 – THỨ BA TUẦN 17 TN

Mt 13,36-43

GIỐNG TỐT, GIỐNG XẤU

“Hạt giống tốt đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.” (Mt 13,38)

Suy niệm: Chúa Giê-su phân biệt rạch ròi về hai loại giống tốt, xấu trong bài Tin Mừng. Sự thiện, điều tốt đến từ Thiên Chúa; còn sự dữ, điều xấu đến từ ma quỷ. Để trở thành hạt giống tốt, nghĩa là thuộc về con cái Nước Trời, người ki-tô hữu phải đón nhận lời từ Chúa Giê-su; còn kẻ nào chỉ biết nghe lời ma quỉ, chẳng thể nào mang trong mình một mầm sống tốt đẹp được. Lời của ma quỉ là thứ cỏ lùng khiến ta dễ lầm với lúa, chúng đánh tráo, làm cho ta ngộ nhận cỏ lùng là lúa, lúa là cỏ lùng. Một khả năng cần thiết để phân biệt cỏ lùng với lúa là khả năng biện phân tốt xấu theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, ta năng cầu xin với Ngài để không bị mất phương hướng trong một rừng các giá trị tốt xấu lẫn lộn.

Mời Bạn: Động lực chính của việc chọn lựa tốt-xấu chính là Nước Trời: sống hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha theo mẫu gương Chúa Giê-su, sống yêu thương bác ái với người khác như anh em chị em, con một Cha trên trời. Ai không nhận ra Nước Trời đang hiện diện, chắc chắn người đó sẽ không thể và không muốn lựa chọn cái tốt giữa muôn vàn cái xấu. Bạn đang là lúa tốt của Nước Trời hay cỏ lùng của ma quỷ?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ năng đọc và suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện bằng Lời Chúa, thực hiện Lời Chúa trong đời sống để nhận chân giá trị của Lời Hằng sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dựng nên con theo hình ảnh tốt đẹp của Chúa, Chúa giữ gìn con bằng ân sủng cao siêu. Xin cho con luôn xác tín rằng  bỏ Chúa con biết theo ai; chỉ có Chúa mới có Lời đem lại cho con sự sống đời đời. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

“Chẳng phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng của ông sao?
Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” (Mt 13, 27).
Có lẽ một số Kitô hữu trong Hội Thánh sơ khai đã đặt câu hỏi tương tự
khi họ thấy có những phần tử xấu trong cộng đoàn của mình.
“Ông có muốn chúng tôi nhổ đi không?”
Ông có muốn chúng tôi trục xuất họ ra khỏi cộng đoàn không?
Có người tưởng rằng một Hội Thánh phải gồm toàn những thánh nhân.
Hội Thánh không có chỗ cho tội nhân, cho con cái Ác Thần (c. 38).

Lời từ chối của ông chủ ruộng cho thấy sự nhẫn nại của Thiên Chúa.
“Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.
Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13, 28-29).
Thiên Chúa chấp nhận cỏ lùng mọc chung với lúa,
con cái Nước Trời sống chung với con cái Ác Thần cho đến tận thế.
Nhẫn nại và bao dung là dấu hiệu của sự thánh thiện đích thực,
sự thánh thiện này biết chờ đợi, biết tôn trọng tự do của con người.
Đôi khi chúng ta cũng có thái độ nóng nảy của Giacôbê và Gioan,
khi đòi đốt cả làng người Samari khi họ không chịu đón Chúa (Lc 9, 54).

Chúng ta vẫn sống trong một thế giới vàng thau lẫn lộn.
Có khi không phân biệt được lúa với cỏ lùng,
vì trong cái tốt vẫn ẩn hiện bóng dáng của cái bất toàn,
và trong cái xấu thi thoảng cũng lóe lên những tia sáng của chân lý.
Một người tốt có thể trở nên cỏ lùng.
Một người xấu có thể trở nên gié lúa trĩu hạt.
Chúng ta chưa thể nói gì về một con người khi người ấy chưa nhắm mắt,
và khi chưa nghe lời phán xử cuối cùng của Thiên Chúa.
Người đầu tiên được bảo đảm vào Nước Trời lại là một tên gian phi.
Nhiều vị thánh hôm nay là những người trước đây đã làm điều gian ác.

Nếu tôi tự đặt câu hỏi: Tôi là lúa hay cỏ lùng ?
Tôi sẽ thấy lúng túng khi tìm câu trả lời.
Nơi trái tim tôi, tôi thấy có sự giằng co giữa chọn Chúa và Ác Thần.
Có lúc tôi thấy mình như đã thuộc trọn về Chúa,
có lúc lại thấy thế gian và xác thịt như hoàn toàn thống trị mình.
Ngay trong điều tốt tôi làm, vẫn có điều gì không tuyệt đối trong suốt.
Tôi hiểu rằng cỏ lùng vẫn có chỗ trong thửa ruộng của lòng tôi.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận tôi như thế đó.
Nếu Ngài nghiêm phạt tôi thì tôi đâu còn sống đến nay.

Dụ ngôn trên nhắc chúng ta không được tiếm quyền xét xử của Thiên Chúa,
không đòi xóa sạch sự dữ trong một sớm một chiều.
Nhưng chúng ta lại không được để mặc cho sự dữ thao túng.
Chúng ta dám hy sinh mạng sống để xây dựng một thế giới công bình.
Đức Giêsu đã bị sự dữ nuốt chửng, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng.
Cuộc đời Kitô hữu là một nỗ lực không ngừng để nhổ cỏ lùng nơi mình,
và khao khát vươn tới sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

27 THÁNG BẢY

Thiên Chúa Kiên Quyết Cứu Độ Chúng Ta

Cùng với nhãn quan của Thánh Phao-lô về sự tiền định, chúng ta cũng bắt gặp những lời của Thánh Phê-rô: “Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ của Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Ngài cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Ngài đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết” (1Pr 1,3-5).

Vâng, “chúc tụng Thiên Chúa” – Đấng mạc khải cho chúng ta sự quan phòng rất kiên thủ và đầy yêu thương của Ngài vì ơn cứu độ của chúng ta. Sự quan phòng ấy luôn luôn hoạt động cho đến đích điểm cuối cùng. Như vậy, sự tiền định dành cho chúng ta trong Đức Kitô sẽ được hoàn thành trọn vẹn nhờ “sự sống lại của Đức Giê-su Kitô”, Đấng là “An-pha và Ô-mê-ga” của định mệnh con người chúng ta (Kh 1,8).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 27/7

Xh 33, 7-11; 34, 5b-9. 28; Mt 13, 36-43.

LỜI SUY NIỆM: Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.”

          Các môn đệ của Chúa Giêsu, là những người đơn sơ chất phác và biết nhận ra trí tuệ của mình chậm hiểu những ý muốn của Chúa Giêsu khi Người dùng dụ ngôn để khai mở một điều gì đó. Các ông đã tìm dịp thuận tiện khi ở riêng với Người, xin Người giải thích. Điều này cũng đang đòi hỏi nơi mỗi Kitô hữu, mỗi khi học hỏi giáo lý hay Kinh Thánh thì cũng cần phải có tinh thần khiêm tốn: “Học” và “Hỏi”. Nhờ đó mới đem lại lợi ích cho mình.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn có tinh thần khiêm tốn, đơn sơ khi học hỏi giáo lý để được hiểu rõ hơn, hầu giúp nâng cao đời sống đức tin của mình.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

27 Tháng Bảy

Ánh Sáng Cho Ðền Thờ 

Tại một khu phố cổ của Ấn Ðộ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền Ấn Giáo. Dĩ nhiên, trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không bao giờ được đốt lên thường xuyên. Dù vậy, từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, người ta thấy có treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu. Bình thường, ngôi đền thờ vắng lạnh vì tăm tối. Nhưng, cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn soi lối để đi qua các khu phố, họ cũng mang chính ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong đền thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, thì ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên một cách kỳ lạ…

Ngôi đền thờ chỉ sáng lên nhờ chính những ngọn đèn mà các tín hữu mang đến. Ðó có lẽ phải là hình ảnh đích thực của đời sống đạo chúng ta.

Chúng ta lãnh nhận đức tin từ một cộng đồng Giáo Hội và đức tin của chúng ta chỉ có thể sống và lớn mạnh trong cộng đồng Giáo Hội mà thôi. Không ai có thể là người tín hữu Kitô mà có thể ở ngoài Giáo Hội.

Cộng đồng giáo xứ nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong đức tin thường được biẻu trưng bằng một ngôi thánh đường. Chính nơi đó người tín hữu Kitô gặp gỡ nhau, chính nơi đó, người tín hữu Kitô chia sẻ và củng cố đức tin cho nhau. Ngôi thánh đường sẽ chỉ là một đền thờ lạnh tanh và tăm tối nếu mỗi người tín hữu không mang đến chính ánh sáng của mình. Mỗi người một ít, nhưng chính nhờ sự đóng góp ấy mà ngôi đền thờ trở nên rực sáng và tràn đầy sức sống.

Mỗi một người tín hữu Kitô trong cộng đồng Giáo Hội cũng giống như một ánh đèn chiếu sáng trong tay để làm cho ngôi thánh đường của cộng đồng giáo xứ được sáng lên.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 17 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Exo 33:7-11, 34:5-9, 28; Mt 13:35-43.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa sẽ trả lại cho con người tùy theo việc làm của họ.

Không ai có thể phủ nhận sự hiện diện của ác thần mà chúng ta gọi là ma quỉ trong cuộc sống. Trong khi người thiện tâm và cầu tiến luôn tìm cách vươn lên; thì có một thế lực luôn kéo ghì con người xuống. Thánh Phaolô đã trình bày kinh nghiệm này như sau: “Điều tôi muốn, tôi không làm; nhưng lại làm điều tôi không muốn… Ai có thể cứu tôi khỏi tình trạng thảm thương này?” Nhiều người lo sợ ác thần đang có cơ hội thắng thế và một ngày sẽ làm chủ thế giới này!

Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật sự đối nghịch giữa tình thương của Thiên Chúa dành cho con người với sự phá hủy của ma quỉ, muốn lôi kéo con người về phía chúng. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Xuất Hành trình bày sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người qua “cột mây” trước Lều Hội Ngộ và sự đàm đạo với ông Moses như một người bạn để mặc khải kế hoạch của Ngài cho dân chúng; trong khi quỉ thần luôn tìm cách khích động dân phản động quay lưng lại với Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ. Thiên Chúa luôn gieo những hạt giống tốt vào thế gian; trong khi quỉ thần luôn tìm cách gieo những cỏ lùng. Ngài sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho đến Ngày Tận Thế, khi các thiên thần của Ngài sẽ đi gom nhặt tất cả các quỉ thần và đồng bọn của chúng để tiêu diệt muôn đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Ngài qua “cột mây” trước Lều Hội Ngộ.

1.1/ Thiên Chúa hiện diện với con cái Israel dưới nhiều hình thức: Suốt 40 năm lang thang trong sa mạc, Thiên Chúa luôn tỏ sự hiện diện của Ngài dưới nhiều hình thức khác nhau:

(1) Lều Hội Ngộ và cột mây: “Ông Moses lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý Đức Chúa thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. Mỗi khi ông Moses ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Moses cho đến khi ông vào trong Lều. Mỗi khi ông Moses vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và Đức Chúa đàm đạo với ông Moses. Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình.”

Ngày nay, Thiên Chúa vẫn hiện diện với con người dưới hình thức khác nhau, nhất là trong Nhà Tạm, nơi Ngài chờ con người đến thăm viếng và tâm sự với Ngài. Giống như con cái Israel, chúng ta cần có thái độ cung kính trước sự hiện diện của Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta đến thăm viếng Thiên Chúa trong nhà thờ.

(2) Thiên Chúa nói với dân qua người lãnh đạo: Trình thuật kể: “Đức Chúa đàm đạo với ông Moses, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau.”

+ Đây là một đặc quyền Thiên Chúa ban cho ông Moses, được đàm đạo với Ngài diện đối diện mà không phải chết, dù đây chỉ là kiểu nói của người đời vì Thiên Chúa không có mặt người. Đây cũng là hy vọng tối cao cho mỗi người chúng ta, khi chúng ta được nhìn thấy Thiên Chúa như Ngài là, trong thị kiến tuyệt hảo (beatific vision). Theo mối thứ sáu của Bát Phúc, chỉ có những ai có lòng thanh sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa. Ông Moses phải là người có tâm hồn trong sạch.

+ Thiên Chúa vẫn đang nói với chúng ta qua các nhà lãnh đạo: Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các cha, thầy, sơ, và các cha mẹ chúng ta; để qua họ, chúng ta nhìn thấy rõ hơn những gì Ngài muốn trong cuộc đời chúng ta.

1.2/ Thiên Chúa luôn trung tín và công bằng: Trong thị kiến hôm nay, Đức Chúa mặc khải cho ông Moses những sự thật về Ngài: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.”

(1) Tội lỗi và hình phạt: Vì Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, Ngài sẽ tha thứ tội lỗi nếu tội nhân biết ăn năn hối cải; nhưng họ vẫn phải lãnh nhận hình phạt tùy theo tội trạng của mình. Hình phạt có thể là chính những thiệt hại con người gây nên cho mình; ví dụ, tội kiêu căng sẽ bị mọi người xa tránh. Hay con người phải chịu những hình phạt vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; ví dụ, 3 năm tù vì đã gây thiệt hại vật chất cho tha nhân.

(2) Ông Moses bầu cử cho dân chúng: Ông Moses vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài.” Giống như tổ-phụ Abraham bầu cử cho dân thành Sodom, ông Moses cũng bầu cử cho con cái Israel. Ông xin Thiên Chúa luôn hiện diện với dân và nhận họ làm dân riêng của Ngài. Chỉ những người được coi là nghĩa thiết với Thiên Chúa, mới có thể làm được điều này.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ.

2.1/ Nghĩa biểu tượng (allegorical) của dụ ngôn cỏ lùng: Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Rất ít dụ ngôn có nhiều những nghĩa biểu tượng như Chúa Giêsu cắt nghĩa về dụ ngôn cỏ lùng:

+ Kẻ gieo hạt giống tốt: là Con Người, chính Đức Kitô.

+ Kẻ thù đã gieo cỏ lùng: là quỷ thần, những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa.

+ Ruộng: là thế gian. Nhiều người ví thế gian như một bãi chiến trường giữa thiện và ác.

+ Hạt giống tốt: là con cái Nước Trời, những người muốn sống theo sự thật và sự tốt lành.

+ Cỏ lùng: là con cái Ác Thần, những người từ chối sống theo đường lối của Thiên Chúa.

+ Mùa gặt: Như mùa gặt phải đến với nhà nông, Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến với con người. Thợ gặt là các thiên thần.

2.2/ Ngày Tận Thế sẽ xảy đến: Mục đích của dụ ngôn thường chỉ muốn nói lên một điều chính yếu. Điều chính yếu trong dụ ngôn cỏ lùng là sự hiện diện của quỉ thần trong cuộc sống con người. Chúng cạnh tranh với Thiên Chúa để lôi kéo con người theo chúng; nhưng chúng chỉ có quyền hạn trên con người cho tới Ngày Tận Thế. Trong ngày đó, quỉ thần và con cái của chúng sẽ bị tiêu diệt muôn đời, như lời Chúa Giêsu tuyên bố hôm nay: “Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến Ngày Tận Thế cũng sẽ xảy ra như vậy.”

(1) Số phận của ma quỉ và con cái của chúng: “Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

(2) Số phận của con cái Nước Trời: “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả hành động khi còn sống trên dương gian này. Vì thế, chúng ta phải cố gắng hết sức để sống theo những gì Thiên Chúa dạy bảo.

– Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ tới như ngày thu hoạch mùa màng của nhà nông. Trong Ngày đó, quỉ thần và ác nhân sẽ bị tiêu diệt như cỏ lùng; còn người công chính sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời. Chúng ta đừng dại dột để sống theo cám dỗ của chúng để khỏi bị tiêu diệt muôn đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************