Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên
BÀI ĐỌC I: 1 Pr 1, 10-16
“Các ngài tuyên báo các ân sủng dành cho anh em, vậy anh em hãy ăn ở tiết độ và hoàn toàn hy vọng”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, chính ơn cứu rỗi này mà các tiên tri đã nghiên cứu và tìm hiểu, khi các ngài tiên báo về ân sủng dành cho anh em: các ngài đã tìm xem coi trong thời gian nào hoặc hoàn cảnh nào, Thần Trí của Đức Kitô chỉ cho các ngài biết: phải tiên báo những khổ nạn và những vinh quang kế tiếp dành cho Đức Kitô. Các ngài được mạc khải cho biết rằng các ngài không phải phục vụ chính mình, mà là cho anh em trong những gì đã được loan truyền cho anh em hiện nay, do những kẻ rao giảng Tin Mừng với sự trợ giúp của Thánh Thần từ trời được sai xuống, Đấng mà các thiên thần cũng ước ao nghiêng mình chiêm bái.
Vì thế, lòng trí anh em hãy tỉnh thức, hãy sống tiết độ, và hoàn toàn hy vọng vào ân sủng sẽ ban cho anh em, trong sự mạc khải Đức Giêsu Kitô. Anh em hãy sống như những người con biết vâng phục, đừng chạy theo những đam mê lúc trước là thời kỳ anh em còn mê muội; một hãy noi gương Đấng Thánh đã kêu gọi anh em; và chính anh em hãy ăn ở thánh thiện trong đời sống, vì có lời Kinh Thánh chép: “Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3c-4
Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).
1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.
ALLELUIA: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 10, 28-31
“Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ, các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh cửu”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”. Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
28/05/2024 – THỨ BA TUẦN 8 TN
Mc 10,28-31
VÌ THẦY VÀ VÌ TIN MỪNG
“Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.” (Mc 10,28)
Suy niệm: Chàng trai trẻ sa sầm nét mặt, buồn rầu bỏ đi, vì anh “có nhiều của cải” (Mc 10,22). Còn các môn đệ vẫn ở lại đó, bên Thầy, nhưng lòng ngổn ngang trăm mối: Cái mất thì thấy ngay trước mắt, còn cái được thì được gì đây? Câu trả lời của Thầy không chỉ dành cho các ông, nhưng còn cho tất cả những ai chấp nhận từ bỏ mọi sự vì Ngài và Tin Mừng của Ngài. Vẫn còn đó nhà cửa, ruộng đất, chị em, mẹ, con, nhưng gấp trăm, không theo nghĩa sở hữu cá nhân chật hẹp, hay tương quan bà con họ hàng thông thường, để vươn lên tầm tương quan của người công dân Nước Trời, tương quan yêu thương, hiệp thông, quan tâm, chia sẻ, khi mọi người thật sự là anh chị em, người thân của mình. Tuy nhiên, điều được trên hết là sự sống vĩnh cửu ở đời sau, không gì ở đời này có thể so sánh được.
Mời Bạn: Hôm nay cũng vậy, bạn sẽ mất rất nhiều khi theo Ngài. Mất thời giờ đọc Lời Chúa, cầu nguyện mỗi tối, dâng lễ Chúa nhật, thực thi tông đồ giáo dân; mất ý riêng để vâng lời bề trên, ý Chúa; mất những món tiền “dễ bỏ túi” để sống đức công bằng; mất thú vui xác thịt để sống đức khiết tịnh… Những gì bạn được sẽ lớn gấp trăm, cùng với hạnh phúc vĩnh cửu của Nước Trời.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi sẽ chọn mất nhiều những gì thuộc hạ giới để được gấp trăm theo thượng giới, vì tôi tin vào lời hứa của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa buồn khi nhìn người thanh niên bỏ đi. Nhưng Chúa được an ủi khi vẫn còn đó các môn đệ bên cạnh mình. Xin cho con cũng luôn bên cạnh Chúa, sẵn lòng đánh đổi bao điều quý giá cuộc đời để có thể trọn đời là môn đệ Ngài. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Bình thường con người làm gì cũng ít nhiều nghĩ đến cái lợi cho mình.
Không lợi vật chất thì cũng lợi tinh thần.
Không lợi đời này thì cũng lợi đời sau.
Không lợi cho cá nhân mình
thì cũng lợi cho gia đình mình, tôn giáo của mình, quê hương của mình.
Con người dám hy sinh bỏ cái này để được cái kia lớn hơn.
Nếu biết giữ cho đúng mực, khuynh hướng này không phải là xấu.
Anh thanh niên giàu có đã không dám bán và cho tất cả tài sản
để nhẹ nhàng thanh thản bước theo Thầy Giêsu.
Đối với anh, cái mất ở đời này lớn quá so với cái được ở tương lai.
Ngược lại, các môn đệ đã bỏ gia đình và nghề nghiệp ổn định
để đi theo một vị Thầy không chỗ tựa đầu,
sống cuộc sống bấp bênh, vất vả, thiếu thốn.
Khi nghĩ về cuộc sống hiện tại của cả nhóm đang theo Thầy,
Phêrô đại diện anh em đặt câu hỏi:
“Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (c. 28).
Vậy chúng con sẽ được gì? (x. Mt 19, 27).
Thầy Giêsu không coi thường hay gạt bỏ câu hỏi này của Phêrô.
Thầy còn muốn long trọng trả lời câu hỏi này
cho cả những người ở thế hệ kế tiếp.
Bất cứ ai vì Thầy và vì Tin Mừng
mà bỏ những điều được coi là thiết yếu đối với cuộc sống
như tương quan máu mủ: cha mẹ, anh chị em, con cái,
như phương tiện để sống và sống còn: nhà cửa, ruộng đất (c. 29),
những người ấy, ngay bây giờ, ở đời này,
sẽ được gấp trăm về những điều đã mất.
Hơn nữa, họ còn được sự sống vĩnh cửu ở đời sau (c. 30),
điều mà anh thanh niên giàu có mơ ước.
Nhưng Thầy cũng không giấu những bách hại đang chờ đợi họ.
Hẳn các môn đệ sau khi theo Chúa đã chẳng có thêm nhà đất, vợ con.
Nhưng họ đã thuộc về một cộng đoàn rộng lớn hơn gia đình xưa của họ.
Nơi cộng đoàn Kitô này, gia đình nào cũng là nhà của họ,
mảnh đất nào cũng là nơi họ gắn bó thân quen như của mình.
Và rõ ràng họ có nhiều anh chị em và con cái hơn xưa.
Hạnh phúc đến ngay từ đời này khi con tim và vòng tay rộng mở.
Hạnh phúc này chỉ là hưởng trước chút hạnh phúc đời sau.
Người kitô hữu hôm nay sống ở thế kỷ hai mươi mốt
cũng có lúc nghĩ về cái mất, cái được của việc một đời theo Giêsu.
Chúa Giêsu đòi chúng ta đặt mọi sự dưới Ngài và sau Ngài.
Điều đó kéo theo những từ bỏ đớn đau, những thập giá thầm lặng.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình phải bỏ thế gian với bao quyến rũ.
Theo Giêsu, chúng ta thấy mình không thể chiều theo cái tự nhiên.
Nhưng theo Giêsu, chúng ta được điều lớn hơn cả.
Đó là chính Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG NĂM
Nỗi Xao Xuyến Không Ngừng Gặm Nhấm Tạo Vật
Con người có khả năng cầu nguyện. Vì thế, con người trở thành tiếng nói của mọi loài thụ tạo. Các Tông Đồ cầu nguyện với nhau và với Đức Maria trong căn gác thượng ở Giê-ru-sa-lem. Giáo Hội cầu nguyện nhân danh toàn thể mọi tạo vật.
Thật vậy, muôn loài đã bị lâm vào cảnh hư ảo (Rm 8, 20) do tội lỗi là cái chống lại Thần Khí trao ban sự sống. Và kìa, trước mắt chúng ta , con người đang đạt được những bước tiến bộ kỳ diệu trong các lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Những thành tựu ấy đặc biệt mở ra cho thấy sự phong phú ẩn giấu trong tạo vật. Song nó cũng mở ra cho thấy sự tội đồn trú trong lòng con người và lan tràn ra các xã hội xét như một phần của lịch sử chúng ta.
Đó là lý do tại sao một nỗi xao xuyến đang dậy lên trong thế giới. Nhiều người sợ rằng thế giới tạo vật và mọi công cuộc của con người có thể còn lâm vào bế tắc hơn nữa – khi chúng ta kinh nghiệm những mối khủng hoảng và những đe dọa đang ngày càng gia tăng. Vì thế mọi tạo vật – xuyên qua lời cầu nguyện của mọi con người (hơn là xuyên qua các công trình của con người) – lên lời rên siết kêu nài. Thánh Phao-lô nói: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Ngài” (Rm 8, 19).
Chúng ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nói lên bằng mọi thứ ngôn ngữ của thế giới hiện đại – ngôn ngữ của văn hóa và văn minh; ngôn ngữ của sự đổi mới xã hội, kinh tế và chính trị; ngôn ngữ của công lý và giải phóng; ngôn ngữ của các hệ thống thông tin và của các phương tiện truyền thông đại chúng. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết công bố khắp mọi nơi về bao công trình kỳ diệu của Chúa. Xin Thánh Thần Chúa tràn ngập trên chúng con! Xin hãy đổi mới bộ mặt địa cầu xuyên qua sự mặc khải vinh quang của con cái Ngài”.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 28/5
1Pr 1, 10-16; Mc 10, 28-31.
Lời suy niệm: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” (Mc 10,31).
Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và Người luôn mời gọi từng người trong chúng ta hãy học với Người, vì người hiền lành và khiêm nhượng. Trong mỗi người chúng ta đang ở trong đời tạm này, nhiều khi làm được một điều gì đó và lấy làm hãnh diện hơn người, điều này mỗi người cần phải canh chừng mình, dễ dẫn chúng ta đến chỗ kiêu ngạo, xem thường người anh em.
Lạy Chúa Giêsu, đây là lời Chúa đang cảnh báo đối với mọi thái độ kiêu ngạo. Đây cũng là lời cảnh báo phán xét chung thẩm của Thiên Chúa. Xin Chúa cho mỗi người chúng con lắng nghe Lời Chúa, mà biết khiêm nhượng trong lòng. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
28 Tháng Năm
Người Tín Hữu Cuối Cùng
Tiểu thuyết gia Graham Greene thuật câu chuyện ông dự định viết như sau:
Ðây là một chuyện giả tưởng sẽ xảy ra trong tương lai rất xa, khi toàn thế giới chỉ còn được thống trị do một đảng duy nhất. Cảnh đầu tiên ở trong câu chuyện diễn ra trong một khách sạn nhỏ vào lúc màn đêm đã bao trùm vạn vật. Một người khách già nua, mệt nhọc, xốc xếch trong chiếc áo đi mưa đã phai màu, mang một chiếc xách tay tiến vào khách sạn, xin thuê một phòng. Ông ta viết tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ vào bản lý lịch và chệnh choạng đi lên phòng. Người quản gia nhìn vào bản lý lịch và buộc miệng hỏi anh thư ký:
– Anh có biết ai đấy không?
– Làm sao tôi biết được. Anh thư ký trả lời.
– Ðức Giáo Hoàng đấy! Người quản gia quả quyết để anh thư ký tròn xoe đôi mắt hỏi vặn lại: Ðức Giáo Hoàng? Ðức Giáo Hoàng là gì?
Ðạo công giáo lúc ấy đã bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ còn Ðức Giáo Hoàng là người duy nhất được sống sót. Mạng Ngài còn được dung tha vì hai lý do: thứ nhất, đẻ chứng minh cho chính Ngài và cho mọi người là Giáo Hội đã chết và thứ hai, để theo dõi xem có tín hữu nào còn lần mò đến để tiếp xúc với Ngài không.
Khi đã biết chắc chắn 100% là duy có Ngài là độc nhất còn mang đức tin công giáo, nhà độc tài cho độ Ngài đến và tự tay lảy có súng, kết liễu cuộc đời người tín hữu cuối cùng. Nhưng trong giây phút, giữa lúc bóp cò và Ðức Thánh Cha chết, một ý tưởng lóe ra trong đầu óc nhà độc tài: Có thể điều này ông tin lại có thật, thì sao?
Xuyên qua đời sống tính nhân của các tín hữu, có thể những người xem thấy đời sống chứng tá của họ tự hỏi: Tại sao họ lại sống như thế? Tại sao họ không chạy theo trào lưu, sống như nhưng kẻ khác, thời bây giờ ai lại không mánh mum lừa đảo, chợ đen chợ đỏ, v.v…? Lý tưởng nào hay ai đã ghi hình ảnh trên họ? Tại sao họ lại sống ở giữa chúng ta? Như thế đời sống chứng nhân đã là một sự tuyên xưng thầm lặng của tín hữu, nhưng nó rất mãnh liệt và hữu hiệu. Ðó là những lời phát biểu của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trong lời giáo huấn của Ngài mang tựa đề “Truyền giáo trong xã hội tân tiến”, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Các con là muối đất”, “Các con là ánh sáng thế gian”. Ngài gọi những tín hữu như thế với lòng xác tín là họ xứng đáng để phơi bày và chia sẻ cho anh chị em đang sống bên cạnh.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba – Tuần 8 – TN2 – Năm Chẵn
Bài đọc: 1 Pet 1:10-16; Mk 10:28-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải học hỏi để biết quí giá trị của Tin Mừng Cứu Độ.
Để biết quí trọng điều gì, con người cần biết rõ giá trị của nó. Nếu không biết giá trị của một người hay vật, con người sẽ dễ dàng khinh thường. Trong Tin Mừng Matthew, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em” (Mt 7:7). Đối với nó, chỉ có cám heo là thứ nó thich nhất. Cũng vậy, con người trần thế sợ đau khổ và trốn tránh nó; nhưng đối với người theo Chúa Kitô, đau khổ làm cho họ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc học hỏi để biết quí trọng Tin Mừng Cứu Độ. Trong bài đọc I, tác giả Thư Phêrô I xác tín Tin Mừng Cứu Độ đã được loan báo cho con người từ xưa qua các tiên tri của Cựu Ước và các nhà rao giảng Tin Mừng hiện nay, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Con người phải chuẩn bị thì mới được hưởng ơn cứu độ của Đức Kitô mang đến. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ: các ông sẽ được mọi sự cần thiết ở đời này và ơn cứu độ đời sau nếu các ông trung thành theo Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp cứu độ.
1.1/ Thánh Thần đã báo trước Tin Mừng Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô: Tác giả tóm tắt Tin Mừng này như sau:
+ Các ngôn sứ đã tiên báo Tin Mừng Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô, Đấng được xức dầu: Điểm tác giả muốn nêu bật là các ngôn sứ “đã nghiên cứu tìm hiểu ơn cứu độ này, và đã tuyên sấm về ân sủng dành cho anh em.” Nói cách khác, những điều các ngài tuyên sấm vừa do sự nghiên cứu học hỏi vừa do ơn linh hứng của Thánh Thần của Đức Kitô.
+ Các ngài báo trước Đấng Kitô sẽ phải chịu đau khổ, không phải vì tội của Ngài; nhưng là để gánh tội cho con người (Psa 22, Bốn bài ca về Người Tôi Trung của ngôn sứ Isaiah).
+ Sự đau khổ và cái chết của Ngài không những sẽ cho Ngài vinh quang tuyệt đỉnh, mà còn mang lại ơn cứu độ cho muôn người (Phi 2:6-11).
+ Tin Mừng cứu độ đó nay được rao truyền cho anh em, nhờ các người giảng Tin Mừng, qua sự tác động của Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa gởi tới cho anh em.
+ Tin Mừng này quan trọng đến độ “chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy.”
1.2/ Con người phải chuẩn bị mới mong lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa: Để được hưởng ơn cứu độ, tác giả khuyên các tín hữu:
+ Hãy chuẩn bị lòng trí: Giống như các ngôn sứ, các tín hữu cũng phải chuẩn bị lòng trí để lãnh nhận và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
+ Hãy tỉnh thức: Như Đức Kitô đã từng cảnh cáo các môn đệ: “Anh em phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, mới có thể đứng vững trước mắt Con Người.”
+ Hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giêsu Kitô tỏ hiện.
+ Hãy biết vâng phục: Không phải chỉ tuyên xưng Đức Kitô ngoài miệng, các tín hữu còn phải thay đổi cuộc sống, “đừng chiều theo những đam mê trước kia, lúc anh em còn mê muội.”
+ Hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở: để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.
2/ Phúc Âm: Phần thưởng cho những người bỏ mọi sự theo Chúa
Ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Câu trả lời của Chúa Giêsu có hai phần:
2.1/ Phần thưởng đời này và đời sau cho những môn đệ Chúa: Trước tiên, các môn đệ trung thành theo Chúa chắc chắn có phần thưởng đời này và đời sau.
+ Phần thưởng đời này: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm.” Những người theo Chúa cảm thấy rõ điều này. Chẳng hạn trường hợp của Phaolô: Khi ông trở lại làm môn đệ Chúa, ông được gia nhập hàng ngũ các tông đồ và được biệt phái rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Đi đến đâu ông thành lập giáo đoàn địa phương đến đó, và ông được họ coi như một người cha và ông coi họ như những người con mà ông đã cưu mang trong Đức Kitô.
+ Phần thưởng đời sau: Sự sống vĩnh cửu là phần thưởng tối hậu mà Thiên Chúa sẽ ân thưởng cho những người trung thành với Đức Kitô.
2.2/ Những việc các môn đệ phải làm: Có phần thưởng chắc chắn sẽ có trách nhiệm. Hai điều Chúa Giêsu muốn các ông phải làm.
+ Chấp nhận sự ngược đãi: Chúa Giêsu không giấu các ông làm môn đệ của Chúa các môn đệ sẽ bị thế gian ngược đãi. Điều này hiển nhiên vì tiêu chuẩn và giá trị của các môn đệ khác với tiêu chuẩn và giá trị của thế gian; và thế gian sẽ ghét bỏ những người không giống như họ. Sự ngược đãi là dấu hiệu của một tông đồ chân chính, như thánh Phaolô đã biện hộ với các tín hữu Corintô: Có một ngôn sứ nào của Thiên Chúa gởi đến mà không bị thế gian truy tố? Chúa Giêsu cũng cảnh cáo các môn đệ: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” Các tông đồ vui mừng khi bị thế gian ngược đãi, vì các ông được chung phần đau khổ với Thầy mình.
+ Phải khiêm nhường phục vụ: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” Đây là câu châm ngôn thường xuyên được nhắc lại trong Tin Mừng. Các môn đệ được gọi để phục vụ mọi người, và đó là cách thức để các ông thi hành sứ vụ Chúa trao ban.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải bỏ thời giờ để học hỏi thì mới biết dự quan trọng của Tin Mừng Cứu Độ. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng bị những hào nhoáng của thế gian và của ma quỉ lôi cuốn.
– Làm việc gì cũng đòi phải hy sinh và chịu đựng gian khổ. Nếu chúng ta chung phần gian khổ với Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ chung phần vinh quang với Ngài.
– Phần thưởng càng cao trọng bao nhiêu, gian nan càng nhiều bấy nhiêu. Chúa Giêsu không hứa hẹn cho chúng ta cách dễ dãi để vào Nước Trời, Ngài báo trước chúng ta sẽ phải trải qua nhiều hy sinh gian khổ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************