Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên – Năm B
BÀI ĐỌC I: Ep 5, 21-33
“Mầu nhiệm này thật lớn lao; trong Đức Kitô và trong Hội Thánh”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Đức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Đức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Đấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy.
Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo, hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền.
Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Đức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. “Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác”. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Dù sao, mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như bản thân mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 3. 4-5
A+B=Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (c. 1a).
A=Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra, bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.
B=Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thấy nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn.
A=Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Nguyện Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn.
A+B=Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (c. 1a).
ALLELUIA: Tv 118, 34
–Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 13, 18-21
“Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó”.
Người lại phán rằng: “Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men”. Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
29/10/2024 – THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21
LÀ MEN TRONG BỘT
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột… ” (Lc 13,21)
Suy niệm: Nước Thiên Chúa không đến một cách ầm ĩ như một biến cố thấy được từ bên ngoài. Trái lại nước đó “giống như chuyện nắm men trong bột”: Giống như men bị chôn vùi giữa thúng bột, Nước Thiên Chúa bị chôn vùi giữa lòng thế giới. Giống như men, dậy lên cách âm thầm, tuy ít, nhưng lại có khả năng biến đổi cả thúng bột nhiều hơn nó gấp bội, Nước Thiên Chúa cũng biến đổi thế giới từ bên trong, bằng chính những nhân tố của thế giới.
Mời Bạn: Dụ ngôn men trong bột đề ra một linh đạo thích hợp đặc biệt với tính cách trần thế của người giáo dân. Người giáo dân làm chứng cho Tin Mừng không phải bằng cách tách ra khỏi thế giới, nhưng bằng cách đi vào giữa lòng thế giới, dùng chính đời sống hằng ngày của mình để thánh hoá bản thân và nhờ đó thánh hoá thế giới. Không phải thời gian bạn ở trong nhà thờ, nhưng là chính thời gian bạn ở nhà bạn, ở trường học, ở nhà máy, xí nghiệp,v.v… mới chiếm phần lớn cuộc sống của bạn. Vì thế, người giáo dân trở thành men trong bột bằng cách chu toàn những bổn phận hằng ngày của mình trong gia đình, trong công ăn việc làm, theo đúng giáo huấn của Tin Mừng.
Sống Lời Chúa: Chọn một việc bạn thường làm trong nghề nghiệp của bạn để thực hiện với tất cả ý thức và ý muốn làm thật tốt để vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,… xin cứ dùng con làm tất cả, cho mọi người được hạnh phúc an vui. Còn phần con, xin gửi hết nơi Ngài là tình yêu và lẽ sống của con. Amen. (“Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ”, tr 5-6)
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Hai dụ ngôn trên đây tỏ ra lạc quan và hy vọng.
Nước Thiên Chúa đã được Đức Giêsu khai mở và loan báo.
Nước ấy cần có thời gian để lớn lên, để tác động trên con người.
Chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ rất tốt đẹp.
Một người đàn ông ném vào khu vườn của mình một hạt cải nhỏ bé.
Ông có ước mơ mong mỏi gì không?
Vậy mà theo thời gian, hạt cải ấy đã lớn lên và trở thành một cây.
Cây vững đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành của nó được (c. 19).
Đức Giêsu muốn làm nổi bật sự phát triển mạnh mẽ của Nước Trời.
“Lớn lên và trở thành” là một tiến trình do Thiên Chúa dẫn dắt.
Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Nước Trời vẫn cứ lớn lên,
để rồi sẽ là nơi trú ngụ cho nhiều người ở khắp nơi tìm đến.
Một phụ nữ lấy men và vùi nó vào một lượng bột rất lớn.
Men không nhiều, lại được vùi sâu, nên có vẻ như không hiện hữu.
Nhưng trong thực tế, men đã có đó rồi và đang tác động trên bột.
Với thời gian, men làm cả khối bột dậy men.
Bấy giờ sức biến đổi của men mới được mọi người nhận biết.
Khối bột lên men đã sẵn sàng trở nên những ổ bánh ngon lành.
Đức Giêsu làm nổi bật sức mạnh của Nước Thiên Chúa
trong việc biến đổi thế giới này từ bên trong.
Chính sự tiếp xúc trực tiếp, sự thâm nhập của men vào bột
đã tạo ra sự biến đổi kỳ diệu ấy.
Những lời giảng của Đức Giêsu đã vang lên từ hai mươi thế kỷ.
Nước Thiên Chúa đã được Ngài khai mở và vun trồng mãi đến nay.
Kitô giáo vẫn là một tôn giáo lớn, chiếm một phần ba dân số thế giới.
Nhưng có những lúc chúng ta có cảm tưởng như nó bị chựng lại.
Khi có nhiều nhà thờ phải bán đi vì không có người đi lễ Chúa nhật,
khi các chủng viện hay dòng tu trở nên vắng vẻ, già nua,
khi ở nhiều nơi số linh mục thiếu một cách trầm trọng,
khi tỷ lệ tăng của Kitô hữu không bằng với tỷ lệ tăng của dân số thế giới.
Kitô giáo có tương lai không? Kitô giáo có thể bị tàn lụi không?
Những câu hỏi đó làm nhiều người bận tâm và lo lắng.
Hai dụ ngôn của Đức Giêsu hôm nay đem lại cho ta niềm lạc quan.
Nhưng đó không phải là thứ lạc quan vô trách nhiệm.
Làm cho Nước Thiên Chúa lớn lên và thâm nhập vào thế giới hôm nay,
đó không phải chỉ là chuyện của Thiên Chúa.
Đó là chuyện của từng Kitô hữu chúng ta.
Để hạt cải thành cây, cần một chút chăm bón.
Ai trong chúng ta cũng là một nhúm men nhỏ được vùi trong đống bột,
đống bột của trường học hay công ty, của một tập thể hay cộng đồng.
Làm sao để men của chúng ta tạo ra những tác dụng tốt?
Không cần phải làm những việc lớn lao để thay đổi bộ mặt thế giới.
Chỉ xin làm một nhúm men nhỏ để đến với những người tôi gặp hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG MƯỜI
Để Thế Gian Tin Rằng Cha Đã Sai Con …
Sự hiệp nhất giữa các môn đệ Đức Kitô là một điều kiện để thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Hơn thế nữa, nó còn là một điều kiện để thực thi sứ mạng của chính Đức Kitô trong thế giới này. Nó là một điều kiện để rao giảng và củng cố cách hiệu quả đức tin của chúng ta vào Đức Kitô. Chúa Giêsu cầu nguyện: “Con cũng cầu xin … cho những người sẽ tin vào con …để họ nên một trong chúng ta, và để thế gian tin rằng Cha đã sai con… Xin cho họ hoàn toàn nên một, để thế gian biết rằng Cha đã sai con, và để họ nhận biết Cha yêu thương họ như Cha đã yêu con” (Ga 17, 20 – 23).
Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu là điều thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì sự thành bại của việc rao giảng Tin Mừng tùy thuộc vào chứng tá sống của cộng đoàn Kitôhữu, chứ không chỉ là chuyện thuyết giảng Lời Chúa. Làm sao những người ngoài Kitô giáo có thể có thể bắt đầu tin vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, nếu họ không nhìn thấy các Kitô hữu yêu thương nhau? Tình yêu không thể được biểu lộ ra cũng không thể xuyên thấu vào trái tim con người ngoại trừ qua chứng tá hiệp nhất.
Vì thế trước hết chúng ta phải tha thiết khát vọng hiệp nhất. Chúng ta phải cầu xin ơn hiệp nhất. Ân huệ này, Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội, cũng đặt ra cho Giáo Hội một trách nhiệm đặc biệt trong đại gia đình nhân loại. Nói cách khác, Giáo Hội có trách nhiệm thúc đẩy việc đối thoại và thông cảm nhau giữa tất cả mọi người, để vãn hồi sự hiệp nhất và hòa bình cho thế giới vốn đang bị phân rẽ của chúng ta.
Ngày nay thế giới đầy dẫy những xung đột và căng thẳng. Các quốc gia bị phân rẽ giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, giữa bạn và thù. Và ngay bên trong các đường biên giới của mỗi quốc gia, người ta có thể nhìn thấy sự đối đầu nhau giữa các nhóm và các đảng phái: Những giành giựt xâu xé phát sinh từ các thành kiến và các ý thức hệ, từ những định chế cứng ngắt của các quốc gia, từ những rào cản về chủng tộc, và từ vô số yếu tố khác – chẳng có yếu tố nào trong đó xứng đáng với phẩm giá con người.
Chính trong thế giới phân rẽ này mà Giáo Hội hôm nay được mời gọi cổ võ cho sự hòa điệu và hòa bình.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 29/10
Ep 5, 21-33; Lc 13, 18-21.
Lời Suy Niệm: “Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả dậy men.” (Lc 13,21)
Chúa Giêsu khi Người nói về hạt giống bé nhỏ được gieo vào lòng đất cũng như nắm men ít ỏi được trộn vào ba thúng bột, cho chúng ta thấy cả hai đều trong một hành trình làm biến đổi, hạt giống sẽ chết đi, nắm men sẽ hòa chung với bột cả hai xem như đã chết, không còn giữ nguyên hình dạng kích thước của mình lúc ban đầu nữa, Để rồi hạt giống sẽ thành cây và men làm dậy bột, tất cả đều đem lại lợi ích cho con người.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng con. Xin cho chúng con biết mở rộng con tim đón nhận Lời Chúa với tâm tình ngoan ngoãn, luôn vâng theo lời và sự thúc đẩy từ bên trong, để được Ngài biến đổi chúng con như hạt giống và nắm nem trong Tin Mừng. Hầu mong Nước Chúa lan rộng khắp nơi. Amen.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
29 Tháng Mười
Các Ông Là Quái Vật
Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ triết thuyết và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con người. Sau cùng họ sẽ điều tra về những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu Kitô. Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và những người Kitô.
– Ông Giêsu Kitô là ai?
Một người Kitô sẽ trả lời:
– Ông là một người Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri để cứu thoát trần thế.
– Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta?
– Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự.
Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm:
– Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả như ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ khác. Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ được thực hiện. Thực là đáng tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một tai nạn đáng tiếc.
Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối:
– Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi.
Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác sẽ phát biểu:
– Vậy thì các ông là những quái vật.
Có lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái vật.
Chúng ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự sống với chúng ta trên mặt đất này. Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc giòng giống của nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người của chúng ta thì sao?
Nhưng thập giá của Ðức Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình.
Người Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ.
Ước gì dấu thánh giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình với tất cả những người xung quanh.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba – Tuần 30 – TN2
Bài đọc: Eph 5:21-33; Lk 13:18-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Dùng những gì Chúa ban để mở rộng Nước Chúa.
Quà tặng là con dao hai lưỡi: nó có thể sinh lợi cho chủ nhân và giúp ích cho tha nhân, nhưng nó có thể giết chết chủ nhân và làm hại tha nhân. Điều quan trọng là phải biết nhận ra tiềm năng và xử dụng món quà đó cách thích hợp.
Trong Bài đọc I: Thánh Phaolô ví liên hệ vợ chồng như mối liên hệ giữa Hội Thánh và Đức Kitô. Ngài dùng hình ảnh đầu và thân thể để nói lên mối liên hệ mật thiết này. Như thân thể không thể sống thiếu đầu và đầu cũng không thể sống thiếu thân thể, Hội Thánh không thể tồn tại nếu thiếu Đức Kitô và vợ chồng cũng không thể tồn tại nếu sống thiếu nhau.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng 2 hình ảnh, hạt cải và nắm men, để nói lên tiềm năng của Nước Trời. Nếu con người biết nhận ra và xử dụng những quà tặng Thiên Chúa ban, họ sẽ không những đạt được Nước Trời mà còn giúp cho Nước Trời được mở rộng đến mọi người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Kitô là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho Hội Thánh.
1.1/ Chồng/vợ là quà tặng Thiên Chúa ban: Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ và Ngài ban cho mỗi người những món quà khác nhau: có những cái mà nam có nhưng nữ không có, và ngược lại; nhưng nếu những món quà của cả hai cộng lại thì sẽ có tiềm năng đem lại những kết quả quá lòng mong đợi con người. Để những quà tặng này được phát triển tối đa và sinh ích cho cá nhân cũng như gia đình, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến 2 nhân đức không thể thiếu và phải đi đôi với nhau:
(1) Vâng lời: Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh. Như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô trong mọi sự, người vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.
(2) Yêu thương: Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình; yêu vợ là yêu chính mình. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.
Hai nhân đức này không thể thiếu trong mái ấm gia đình; nếu thiếu một là gia đình sẽ không hạnh phúc. Làm sao người vợ có thể vâng lời chồng, nếu người chồng không biết yêu thương vợ: tối ngày chỉ biết say xỉn hay nướng tiền cần chi tiêu trong gia đình vào những canh bạc? Cũng thế, làm sao chồng có thể yêu thương người vợ nói gì cũng cãi, tối ngày chỉ biết mua sắm trưng diện thay vì biết tiết kiệm để lo cho gia đình? Để đạt hạnh phúc, Thánh Phaolô khuyên: “Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.”
1.2/ Đức Kitô là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho Hội Thánh: Thánh Phaolô ví mối liên hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh mật thiết như mối liên hệ vợ chồng và là một mầu nhiệm thật cao cả. Trong mối liên hệ này, Đức Kitô là chồng và Hội Thánh là vợ. Hai nhân đức cần thiết cho mối liên hệ này:
(1) Vâng lời: Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau, và tòan thể Hội Thánh tùng phục Đức Kitô, vì chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh. Người là Đầu và Hội Thánh là thân thể của Người.
(2) Yêu thương: Đức Kitô yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh. Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và Lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.
Hội Thánh phải vâng lời Đức Kitô vì Ngài là con đường duy nhất dẫn mọi người tới Thiên Chúa. Hơn nữa, chính Ngài đã chứng tỏ tình yêu cho Hội Thánh bằng việc Nhập Thể để giáo huấn và bằng Cuộc Thương Khó để gánh tội cho mọi người.
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban cho con người có tiềm năng làm cho Nước Chúa được mở rộng.
2.1/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình: Hạt cải bên Palestine không phải là hạt sinh rau cải, nhưng có thể trở thành cây lớn: Mấy điều chúng ta cần chú ý:
(1) Hạt cải bé nhỏ nhưng có tiềm năng thành cây lớn: Giống như một hạt cải bé nhỏ nhưng Thiên Chúa đã cho nó một tiềm năng để trở thành cây lớn; Nước Thiên Chúa cũng vậy, khởi sự từ một nhóm người Do-Thái bé nhỏ hay từ Nhóm Mười Hai, nay đã chiếm khỏang 1/5 dân số thế giới và vẫn còn đang tiếp tục lan rộng cho đến tận cùng trái đất.
(2) Hạt cải trước khi thành cây phải mục nát đi trước khi nẩy mậm và vươn thành cây lớn; nếu không nó sẽ trơ trọi một mình. Nước Thiên Chúa cũng thế: Để có thể lan rộng, cần có những người sẵn sàng chấp nhận đau khổ để cho Nước Chúa được mau đến.
(3) Khi thành cây, chim trời làm tổ trên cành được: Tiềm năng được ban cho để sinh lợi cho Thiên Chúa, chứ không ích kỷ giữ cho mình. Như cây cải cung cấp chỗ ở cho chim trời, con người cũng phải dùng ơn thánh Thiên Chúa ban để bảo vệ những người yếu ớt bé nhỏ, chứ không chỉ biết lo lắng cho mình. Nếu ai cũng chỉ biết vun xới cho mình thì Nước Thiên Chúa lan tràn thế nào được?
2.2/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột: Men là bột cũ được giữ lại để dùng làm bánh sau này; công dụng chính của men là làm dậy bột.
(1) Nắm men tuy bé nhỏ nhưng có tiềm năng làm nổi ba thúng bột: Giống như hạt cải bé nhỏ, Thiên Chúa cũng cho men một tiềm năng để làm dậy những khối bột lớn. Và cũng tương tự như thế về Nước Thiên Chúa.
(2) Con người phải chu tòan sứ vụ làm dậy men của mình bằng lời giảng và cuộc sống chứng nhân để mọi người trông thấy và tin vào Thiên Chúa. Người này làm men cho người khác và cứ như thế, Nước Thiên Chúa được mở rộng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Trước tiên chúng ta phải nhận ra những quà tặng Thiên Chúa ban và tiềm năng lớn lao có thể trở thành của chúng;
– Thứ đến, chúng ta cần biết phát triển tiềm năng của những quà tặng này;
– Sau cùng, phải biết dùng trong việc mang ích lợi cho bản thân và làm cho Nước Chúa mỗi ngày một mở rộng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************