Ngày thứ ba (30-01-2024) – Trang suy niệm

29/01/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba tuần 4 Thường Niên – Năm B

BÀI ĐỌC I: 2 Sm 18, 9-10. 14b. 24-25a. 30 – 19, 3

“Absalon con cha ơi, sao cha không chết thay cho con?”

Bài trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, Absalon đang cỡi lừa, tình cờ gặp các cận vệ của Đavít, và khi con lừa đi qua dưới cây sồi to lớn rậm rạp, thì đầu ông vướng vào cây sồi, và ông bị treo lơ lửng, và con lừa ông đang cỡi cứ chạy. Có người thấy vậy, liền đi báo cho Gioáp rằng: “Tôi đã thấy Absalon bị treo trên cây sồi”. Gioáp cầm ba chiếc lao phóng thẳng vào tim Absalon. Bấy giờ Đavít đang ngồi giữa hai cửa, còn người lính gác lúc đó đi trên thành phía trên cửa, ngước mắt lên trông thấy một người chạy về.

Tên lính gác hô to báo tin cho vua. Vua liền nói: “Nếu chỉ có một đứa, tức là nó mang tin mừng”. Vua nói với anh ta: “Ngươi hãy qua bên này”. Khi anh ta đi qua và đứng đó, thì tên Kusi xuất hiện và tâu vua rằng: “Tâu đức vua, tôi mang đến cho vua một tin mừng, vì hôm nay, Chúa đã xét xử bênh vực đức vua, Người đã giải thoát đức vua khỏi tay tất cả những kẻ dấy lên chống lại đức vua”. Vua hỏi Kusi: “Absalon con ta có bình an không?” Kusi thưa lại: “Ước gì các thù địch của đức vua và toàn thể những kẻ dấy lên chống đức vua, đều bị tai hoạ như chàng thanh niên đó”.

Bấy giờ vua buồn sầu và đi lên lầu nơi cổng thành mà khóc lóc. Ngài vừa đi vừa nói: “Con ơi, hỡi Absalon! Absalon con ơi! Sao cha không chết thay cho con! Absalon con ơi! Absalon con ơi! Chớ gì ai để cha chết thay cho con. Absalon con ơi! Con ơi, hỡi Absalon!” Người ta đi báo tin cho Gioáp hay rằng đức vua khóc lóc và than tiếc con, nên hôm đó cuộc chiến thắng trở nên tang chế cho toàn dân, vì hôm đó, dân chúng nghe nói rằng: “Đức vua thương tiếc con mình”.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 85, 1-2. 3-4. 5-6

Đáp: Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời con

1) Lạy Chúa, xin ghé tai nghe, xin nhậm lời con, vì con đau khổ và cơ bần. Xin bảo toàn mạng sống con, vì con hiếu thảo với Ngài, xin cứu vớt người bầy tôi đang cậy trông vào Chúa.

2) Ngài là Thiên Chúa của con, xin thương con, lạy Chúa, vì con ân cần kêu van Ngài. Nguyện cho bầy tôi Chúa được hân hoan, vì, lạy Chúa, con vươn hồn lên tới Chúa.

3) Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài.

ALLELUIA: Tv 144, 13cd

All. All. – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – All.

PHÚC ÂM: Mc 5, 21-43

“Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển.

Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”.

Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.

Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi “Ai chạm đến Ta?”

Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi!”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi.

Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho em bé ăn.

Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

30/01/2024 – THỨ BA TUẦN 4 TN

Mc 5,21-43

ĐỨC TIN: CHÌA KHOÁ VẠN NĂNG

Chúa Giê-su nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5,34)

Suy niệm: Hai người, hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng cả hai đều làm chứng cho một điều là chỉ có lòng tin mãnh liệt vào Chúa Giê-su mới có thể cứu chữa họ, ngay cả khi tưởng như không còn tia hy vọng, không còn một lối thoát nào: Người đàn bà bệnh băng huyết 12 năm, không thuốc men nào chữa lành, nhưng chỉ cần sờ vào gấu áo Chúa với lòng tin là được khỏi ngay lập tức. Con gái ông Gia-ia, trưởng hội đường, đã chết rồi nhưng Chúa nói: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi;” và quả thật, Chúa đã cầm tay em và cho em sống dậy. Niềm tin vào Chúa Giê-su chính là chìa khoá vạn năng mở được mọi cánh cửa trong hành trình dương thế của chúng ta.

Mời Bạn: Hẳn bạn có lúc phải ngậm ngùi nếm mùi ê chề của thất vọng; hoặc có khi bạn đã gặp những con người đáng thương đứng bên bờ vực thẳm tuyệt vọng, thậm chí đến mức tự kết liễu đời mình. Trước hoàn cảnh bi đát đó, lòng tin vào Đức Ki-tô chính là liều thuốc thần hiệu có thể chữa lành. Mời bạn hãy đến với Ngài bằng cuộc sống cầu nguyện thân mật để thắp sáng đức tin trong lòng bạn và để bạn khơi lại niềm tin nơi những tâm hồn đang rơi vào tuyệt vọng ở quanh bạn.

Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm nào về việc tìm lại được niềm tin nhờ kiên trì trong lời cầu nguyện? Mời bạn chia sẻ.

Sống Lời Chúa: Duy trì thói quen cầu nguyện riêng với Chúa hằng ngày, nhất là những lúc gặp khó khăn, thử thách.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban thêm đức tin cho chúng con để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng con vẫn mạnh mẽ và kiên cường trọn niềm phó thác nơi Chúa mà thôi. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Thánh Mác-cô thích lồng ghép hai câu chuyện với nhau.
Chuyện thứ hai nằm ở giữa chuyện thứ nhất
giống như nhân của một cái bánh mì săng uých (3, 21-35; 11, 12-25).
Hai phép lạ của bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy (5, 21- 43).
Cả hai nói về một phụ nữ bị đau 12 năm, về một cô bé chết lúc 12 tuổi,
về sự sống được trả lại cho cả hai, về đức tin cần để được chữa lành. .

Ông trưởng hội đường là người đến sụp lạy và nài xin Đức Giêsu.
Ông tin ngài có quyền năng chữa bệnh cho con gái ông gần chết.
Ông chỉ mong ngài đến và đặt tay trên con ông, để nó được cứu và được sống.
Nhưng quá muộn, con gái ông đã chết trước khi ngài đến nhà.
Đức Giêsu đã nâng đỡ đức tin của người cha (c.36) và kín đáo hoàn sinh cô bé.
Chỉ có cha mẹ cô bé và ba môn đệ thân tín của ngài được vào phòng của cô.
Ngài đã không đặt tay, nhưng cầm tay cô bé và nói một lời.
Người chết có thể đứng dậy, đi lại và ăn được.

Người phụ nữ đáng thương lâm vào tình cảnh gần như tuyệt vọng.
Chị bị đau bệnh đã lâu, chạy thuốc đã nhiều, tiền bạc đã cạn.
Bệnh băng huyết làm cho chị bị coi là ô uế (Lv 15, 25-30).
Là người bị xã hội ruồng bỏ, chị không được phép đụng đến ai.
Nghe đồn về Đức Giêsu, chị tin mình sẽ được khỏi nếu chạm vào áo ngài.
Vừa xấu hổ, sợ hãi, lại vừa táo bạo và tin tưởng, chị đã làm điều chị tin.
Giữa bao cái chạm của đám đông chen lấn,
Đức Giêsu nhận ra cái chạm đặc biệt của chị,
cái chạm rất khẽ vào áo mà lấy được quyền năng từ con người ngài.
Chị đã khỏi bệnh nhờ cái chạm ấy, cái chạm của đức tin (c. 34).

 

Trong phép lạ thứ nhất, người phụ nữ muốn giấu,
nhưng Đức Giêsu lại làm lộ ra.
Còn trong phép lạ thứ hai, ai cũng biết, Đức Giêsu lại bắt người ta phải giữ kín.
Trong cả hai phép lạ, Đức Giêsu đều phải chạm đến những người bị coi là ô nhơ.
Nhưng sức mạnh nơi ngài đã làm cả hai nên sạch.
Chúng ta cần dám chạm đến Mình Chúa mỗi ngày
dù biết mình luôn bất xứng.
Chúng ta cần để Lời Chúa chạm đến mình mỗi ngày
dù biết mình sẽ không được sống như xưa.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
Mỗi ngày con đụng chạm với biết bao người,
bắt tay, cầm tay hay vỗ vai họ,
và làm bao cử chỉ thân ái khác.
Xin thánh hóa những đụng chạm ấy của thân xác con,
để chúng đem lại cho tha nhân niềm vui và sự chữa lành.
Cũng xin cho con rung động trước những đụng chạm của Chúa mỗi ngày,
lúc tai con nghe đọc Lời Chúa,
lúc tay và miệng con đón lấy Mình Chúa,
hay lúc đời con gặp thử thách gian truân.
Ước gì khi thân xác con chạm đến Chúa
thì tâm hồn con cũng mở ra để tiếp rước Chúa
và chấp nhận thay đổi cuộc sống của mình.

 

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã cứu độ nhân loại bằng bàn tay của Chúa,
bàn tay xoa dịu nỗi khổ đau, bàn tay chúc lành, bàn tay bị đâm thủng.
Xin cho con cũng biết dùng bàn tay mình
không phải như một dụng cụ của bạo lực và thèm muốn chiếm đoạt,
nhưng như một khí cụ của cảm thông và nâng đỡ,
của xây dựng hiệp nhất và bình an.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

30 THÁNG GIÊNG

Kỹ Thuật: Đồng Minh Hay Kẻ Thù?

Kỹ thuật và những máy móc tinh xảo là những sản phẩm và là công cụ của lao động con người. Chủ thể thật sự của lao động vẫn là chính con người. Không bao giờ một công cụ lại có thể được nâng lên hàng chủ thể. Nó không thể được đặt trên người lao động hay người sử dụng nó – bởi vì nếu làm thế, trật tự của thực tại đã bị đảo lộn. Đó sẽ là điều không may. Phương tiện và cứu cánh của lao động đã bị xáo trộn!

Kinh nghiệm hiện đại cho thấy rằng sự áp dụng kỹ thuật – một khi không được hướng dẫn và được soi sáng bởi một trật tự đạo đức cao hơn – có thể trở thành một kẻ thù thay vì là một đồng minh của con người. Một ví dụ của điều này đó là khi sự tự động hóa trong công nghiệp hất cẳng con người, tước đi chỗ làm của nhiều người lao động. Một ví dụ khác: những trường hợp máy móc được đề cao và con người bị hạ xuống chỉ còn là một cái gì đó phục vụ cho máy móc (Laborem exercens 5).

Chúng ta được mời gọi làm chủ trái đất và làm chủ những sự thay đổi – chứ không phải phó mặc cho nó thống trị mình. Chỉ có thể làm chủ được như vậy nếu chúng ta vượt qua được sự đứt đoạn giữa đạo đức và kinh tế – chính sự đứt đoạn này đã làm cho những thành tựu ngoạn mục của thời hiện đại không thể phục vụ hoàn toàn cho thiện ích của con người.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 30/01

2Sm 18, 9-10. 14b. 24-25a. 30 – 19,4; Mc 5, 21-43.

Lời Suy Niệm: Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” (Mc 5,22-23)

          Tin Mừng cho chúng ta biết một người có tên và một chức tước rõ ràng: “Trưởng Hội đường, tên là Gia-ia”. Ông này đã tin vào quyền năng của Chúa Giêsu, nên có cử chỉ khi vừa thấy Chúa Giêsu: “Ông ta sụp xuống dưới chân Người” với lời cầu xin: “Xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.”. Điều này khơi dậy nơi người tín hữu hôm nay: Trong đời sống hằng ngày cần hướng về Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đang sống, Ngài đang hiện diện trong đời sống của chúng ta, Người luôn gìn giữ, chăm sóc và làm cho chúng ta được sống trong ơn nghĩa với Người mãi mãi cho đến đời đời.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết đặt mình trước mặt Chúa với tâm tình thờ lạy và phó thác đời mình cho Chúa, để luôn vui sống với mọi hoàn cảnh. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

30 Tháng Giêng 

Tình Yêu Là Sức Mạnh Vạn Năng 

Ngày 30 Tháng Giêng cách đây đúng 40 năm, Mahatma Gandhi, người cha già của dân tộc Aán Ðộ đã vĩnh viễn ngã gục sau mấy nhát gươm của một thanh niên Aán Giáo quá khích. 

Hôm đó, như thường lệ, Gandhi được hai người cháu dìu đi cầu nguyện. Cả một đám đông đang đi theo đằng sau Ngài. Bỗng nhiên, một thanh niên từ trong đám đông sấn tới đâm bổ vào Người của vị cha già dân tộc. Ba nhát gươm đâm xới xả vào một thân thể khô gầy vì không biết bao nhiêu hy sinh cho đất nước. 

Thinh lặng bao chùm lấy đám đông. Người ta chỉ còn nghe được hai tiếng từ miệng của vị thánh “Rama, Rama” nghĩa là “Chúa ơi, Chúa ơi”. Với một cố gắng cuối cùng, Ngài giơ hai tay lên, đan lại trong một cử chỉ cầu nguyện và tha thứ, rồi ngã gục. 

Người thanh niên Aán Giáo quá khích đã sát hại Gandhi vì anh không thể chấp nhận ssược sự kiện Gandhi bày tỏ lòng quảng đại yêu thương ngay cả với những người Hồi Giáo. 

400 triệu người Aán Ðộ đã than khóc và để tang cho vị cha già của dân tộc. Không khí buồn thảm cũng bao trùm khắp thế giới. Mọi người đều cảm nhận rằng ngày hôm đó trái đất trở nên cằn cỗi, nghèo nàn hơn, bởi vì đã mất đi một người con vĩ đại, một người con đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc mà không cần dùng đến khí giới của bạo động và hận thù. Chính Ngài đã từng nói: Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có. 

Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay. 

Chiến tranh và không biết bao nhiêu vấn đề mà thế giới ngày nay đang phải giải quyết, dường như thế giới chỉ muốn giải quyết bằng bạo động, bằng vũ khí giết người. Sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay là tình yêu, chỉ có một số ít người đang dùng đến. 

Mục sư Luther King, người da đen, đang sử dụng khí giới của tình yêu. Oâng đã ngã gục, nhưng hàng triệu người da đen được đứng lên làm người như người da trắng. Giám mục Desmond Tutu, người Nam Phi da đen cũng đang đi theo vết chân của Gandhi và Luther King. Mẹ Têrêxa thành Calcutta cũng đang dùng khí giới của tình thương để cho những người không nhà không cửa, những người hấp hối đầu đường xó chợ được sống và chết như những con người. 

Tất cả những mẫu gương trên đây chỉ là những phản ánh của một tình yêu trọn vẹn hơn, đó là tình yêu của Ðấng đã chịu chết cho người mình yêu. Chính Ngài đã nói: Khi nào Ta chịu treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo tất cả mọi người về với Ta. 

Người Kitô chúng ta đang ở trong sức kéo ấy. Ngài đã cho chúng ta được sát nhập vào thân thể của Ngài và truyền cho chúng ta chính sức sống của Ngài. Người Kitô chỉ có thể là người Kitô khi họ sống bằng chính Sức Sống và Tình Yêu của Ngài.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 4 – TN2 

Bài đọc: Heb 12:1-4; II Sam 18:9-10, 14b, 24-25a, 30 – 19:3; Mk 5:21-43.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sức mạnh của đức tin

Con người chúng ta rất thực tế: Để chúng ta chú ý tới và làm theo điều gì, điều đó phải có lợi ích cho chúng ta. Tương tự trong lãnh vực đức tin, chúng ta cũng thắc mắc: Đức tin làm gì cho con người?

Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự cần thiết của đức tin. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác giả Thư Do-thái ví cuộc đời như một cuộc chạy đua trong thao trường. Để có thể đạt đích, con người cần trút bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình; kiên trì hoàn tất cuộc đua; nhất là noi gương Đức Giêsu Kitô, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.

Trong Bài đọc I, năm chẵn, mặc dù vua David đã bị Thiên Chúa lấy đi tới đứa con thứ ba và phải chịu bao nhiêu tủi nhục đau khổ, nhà vua vẫn một niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa và không dám oán trách Ngài. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô tường thuật 2 phép lạ được chữa lành nhờ đức tin: (1) Một người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm được lành bệnh vì Bà tin, Bà chỉ cần chạm đến gấu áo của Chúa Giêsu là được chữa lành. (2) Con gái của ông Trưởng Hội Đường Jairus được Chúa truyền cho trỗi dậy từ cõi chết vì ông đã tin vào Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Hãy chạy làm sao để đạt đích.

1.1/ Chúng ta được bao vây bởi các nhân chứng đức tin trong lịch sử: Tác giả hình dung cuộc đời của các tín hữu giống như một cuộc chạy đua trong vận động trường. Trong cuộc thi chạy đua, người tín hữu có những khán giả cổ vũ cho mình là các nhân chứng đức tin của lịch sử trên đám mây nhìn xuống. Để có thể chạy cách hiệu quả, con người cần:

(1) Trút bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình: Để có sức chạy dài, lực sĩ cần trút bỏ mọi gánh nặng không cần thiết; vì một trọng lượng mang theo mình, cho dù nhỏ đến đâu chăng nữa, cũng sẽ trở nên nặng nhọc vì đường dài. Tương tự trong cuộc chạy đua đức tin, các tín hữu cần dứt bỏ những thói quen xấu; vì một tội lỗi, cho dù nhỏ đến đau chăng nữa, cũng sẽ ngăn cản các tín hữu không hoàn tất cuộc đua.

(2) Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta ở đàng trước: Khác với cuộc đua trong thao trường, mọi người hoàn tất trong cuộc đua đức tin, đều được lãnh nhận phần thưởng. Vì thế, điều quan trọng trong cuộc đua đức tin, không lệ thuộc vào việc chạy nhanh, nhưng lệ thuộc vào sự kiên trì hoàn tất cuộc đua.

1.2/ Chúng ta hãy luôn hướng tới Đức Giêsu, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin: Con người chiến đấu là cho một mục đích. Vì mục đích này, con người có thể vượt qua mọi gian nan khổ cực trong cuộc đời. Noi gương Chúa Giêsu, người nhập thể và chịu khổ hình là để ý của Thiên Chúa được vẹn toàn. Nói cách khác, vì niềm vui là mang lại ơn cứu độ cho con người, mà Ngài “đã cam chịu khổ hình thập giá, khinh thường ô nhục, và nay đang được ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” Chúng ta cũng vậy, vì hy vọng sẽ đạt được ơn Cứu Độ mà Chúa Giêsu đã chịu khổ hình để mang lại, chúng ta sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ của cuộc đời như Chúa.

Trong cuộc đời, nhiều khi chúng ta cảm thấy những người được chúng ta giúp, đã không biết ơn thì chớ, lại còn phê bình hay đối xử tàn nhẫn với chúng ta, mặc dù chúng ta đã cố gắng hết mực. Những lúc mang tâm trạng như thế, chúng ta hãy nhìn lên cây Thánh Giá để được an ủi; vì có một người cũng đã mang tâm trạng như thế cho tội lỗi của chúng ta. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời giảng dạy và ban phát ơn lành; thế mà con người đáp trả lại bằng những khinh thường, nhục mạ, mão gai, roi đòn, và đóng đinh trên Thập-Giá. So sánh với những gì Chúa Giêsu phải trải qua, đau khổ của chúng ta không thể nào so sánh được với những đau khổ của Ngài. Vì thế, tác-giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu: “Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.”

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Absalom con ơi! Phải chi cha chết thay con!

2.1/ Absalom bị Joab và quân lính giết chết: Dưới mắt con người, Absalom là một đứa con bất hiếu và phản loạn. Ông đã phạm tội giết Amnon, người anh em cùng cha khác mẹ. Ông đã phạm tội loạn luân, ăn nằm với các tỳ thiếp của cha mình giữa thanh thiên bạch nhật. Ông đã phạm tội bất hiếu, cấu kết với dân chúng để cướp ngôi vua của cha mình. Vì thế, khi có cơ hội để giết, các tướng lãnh của David sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Trong trình thuật hôm nay, khi một người trông thấy Absalom bị treo lơ lửng giữa không trung, ông chạy vội về báo tin cho tướng Joab. Absalom đã bị Joab và binh lính đâm chết để trừ hậu hoạn cho nhà David. Joab và binh lính nghĩ vua David sẽ vui mừng khi hay tin Absalom bị tử thương; nên họ sai người chạy đi báo tin cho vua David.

2.2/ Vua David khóc thương Absalom: Chỉ có một người hiểu rõ nguyên do tại sao Absalom trở thành đứa con ngỗ nghịch như thế là vua cha David. Vua David biết rõ con chết là vì tội của mình. Khi hay tin con chết, Vua David run rẩy, đi lên lầu trên cửa thành và khóc. Vua vừa đi vừa nói: “Absalom con ơi, con ơi, Absalom con ơi! Phải chi cha chết thay con! Absalom con ơi, con ơi!” Hôm ấy, chiến thắng đã trở thành tang tóc cho toàn thể quân binh, vì hôm ấy, quân binh được nghe nói rằng: “Đức vua buồn phiền vì mất con.”

Đây là người con thứ ba Thiên Chúa cất khỏi vua David; nhưng nhà vua, tuy đau khổ cùng cực, vẫn không dám buông một lời oán trách Thiên Chúa hay đánh mất niềm tin tưởng vào Ngài. Vua ăn năn hối hận vì hậu quả của tội lỗi đã gây ra, và ước mong có thể được chết thay cho các con của mình.

3/ Phúc Âm: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

3.1/ Ông Trưởng Hội Đường Jairus xin Chúa chữa bệnh cho con gái: Chức vụ Trưởng Hội Đường tự nó nói lên uy quyền và danh dự của ông. Qua những lần xung đột giữa Chúa Giêsu và các Kinh-sư, lẽ ra ông phải là người tránh né Chúa Giêsu. Thế mà theo trình thuật hôm nay, vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” Thấy cách biểu lộ niềm tin của ông, Người liền ra đi với ông về nhà. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

3.2/ Đức tin có thể chữa lành bệnh hiểm nghèo: Đang khi trên đường tới nhà ông, một phép lạ khác được tường thuật: “Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến táng gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào gấu áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.”

Chỉ có hai người nhận ra phép lạ: người cho là Chúa Giêsu và người nhận là người đàn bà bị băng huyết. Các môn đệ ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu hỏi “Ai đã sờ vào áo tôi?” Nhưng Chúa Giêsu nhận ra sự khác biệt giữa sự đụng chạm của niềm tin và sự đụng chạm vì chen lấn. Khi biết không thể giấu được nữa, người đàn bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Tưởng là sẽ bị Chúa Giêsu khiển trách vì đã không dám công khai xin cứu chữa, nhưng Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

2.3/ Đức tin làm cho con gái Jairus sống lại: Khi Đức Giêsu còn đang nói, thì có mấy người từ nhà Ông Trưởng Hội Đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Nhưng Đức Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”

Có ít nhất 3 lần, các tác giả của Phúc Âm tường thuật Chúa cho người chết sống lại: trình thuật hôm nay, người con trai của bà góa thành Nain (Lk 7:11), và Lazarus (Jn 11). Người ta kinh ngạc đến sững sờ khi thấy Chúa Giêsu làm cho em bé sống lại, vì họ chưa từng thấy như thế bao giờ. Trong phép lạ Lazarus, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự cần thiết của đức tin với Martha: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, dầu có chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không chết bao giờ” (Jn 11:25-26).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Đức tin cần thiết để giúp chúng ta trung thành với Thiên Chúa ở đời này. Nếu không có đức tin, chúng ta sẽ dễ dàng ngã gục trước những gian khổ trong cuộc sống.

– Tội lỗi gây ra những hậu quả khốc hại cho cá nhân, gia đình, và xã hội. Chúng ta hãy cố gắng học hỏi những gì đã xảy ra cho David, cho gia đình và quốc gia của ông; để biết tránh xa tội lỗi và những cơ hội đưa đến sự sa ngã.

– Đức tin làm cho con người được sống. Nếu chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, sự chết không thể nào làm chủ chúng ta; vì một khi bước qua cái chết thể xác, chúng ta sẽ được sống với Thiên Chúa muôn đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************