Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Ep 5, 21-33
“Mầu nhiệm này thật lớn lao; trong Đức Kitô và trong Hội Thánh”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Đức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Đức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Đấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy.
Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo, hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền.
Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Đức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. “Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác”. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Dù sao, mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như bản thân mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 3. 4-5
A+B=Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (c. 1a).
A=Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra, bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.
B=Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thấy nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn.
A=Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Nguyện Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn.
A+B=Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (c. 1a).
ALLELUIA: Tv 118, 34
-Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 13, 18-21
“Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó”.
Người lại phán rằng: “Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
30/10/2018 – THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21
LÀM CHỨNG CHO NƯỚC TRỜI
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột cho tới khi tất cả bột dậy men.” (Lc 13,21)
Suy niệm: Ở những nước công giáo hầu như toàn tòng như Philippines, ngoài đường phố, trên xe cộ, chỗ nào cũng thấy tượng Chúa, ảnh Mẹ; và chỗ nào cũng có thể cử hành thánh lễ Chúa Nhật dù đó là siêu thị hay bệnh viện. Trái lại, ở một số nước Hồi giáo, nếu chẳng may bạn tỏ vẻ mình là “con nhà có đạo” hoặc “lớ ngớ” làm việc gì đó có chút hơi hướng truyền bá hoặc gây ảnh hưởng về đạo, bạn có thể mất mạng như chơi. Phải chăng trong trường hợp trước, vai trò của “nắm men” là không cần thiết vì hầu như ai cũng “có đạo”, còn trong sau phải chăng là không thể vì bị bách hại cấm cách? Thật ra sứ mạng làm cho “tất cả bột dậy men” đâu có giới hạn ở chỗ “có đạo hay không có đạo” mà là bằng đời sống của bạn, đem các giá trị Tin Mừng thấm vào mọi ngõ ngách của thế giới bạn đang sống. Và như thế thì ở đâu sứ mạng đó vẫn là cần thiết.
Mời Bạn: Bạn đang sống ở đâu thì đó là địa điểm ưu tiên một để bạn thể hiện sứ mạng của nắm men. Những giá trị Tin Mừng thì nhiều, nhưng bạn có thể bắt đầu từ điều răn trọng nhất đó là yêu thương (Mt 20,34-40; Lc 10,25-28), và thể hiện tình yêu ấy qua nếp sống công bình, nhân ái và thành tín (Mt 23,23; Lc 11,42). Các giá trị khác sẽ nối tiếp sau.
Chia sẻ: Liệt kê những giá trị Tin Mừng mà bạn cho là cấp bách nhất và bên cạnh mỗi giá trị, một việc cụ thể để thể hiện.
Sống Lời Chúa: Chọn một trong những việc mà bạn vừa liệt kê để thực hiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết ý thức sứ mạng là men, là muối đất của con là làm cho Nước Trời hiện diện bằng cách thực hiện những giá trị Tin Mừng trong đời sống hằng ngày của con.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG MƯỜI
Tình Yêu Vượt Qua Mọi Rào Chắn
Giáo Hội bước đi trên con đường tình yêu và chân lý. Trong tình yêu, Giáo Hội nhận ra mọi người đều là con cái Thiên Chúa, là anh chị em bình đẳng trong phẩm giá, bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, tôn giáo của họ là gì. Trong chân lý, Giáo Hội vượt qua tình trạng nô lệ cho sự sai lầm, đạt được sự tự do mới mẻ trong tâm trí. Thật vậy, không thể có rào cản nào phong tỏa tình yêu Thiên Chúa.
Tiên vàn chúng ta, trong tư cách là những người Kitô hữu, phải không ngừng tín nhiệm vào sức mạnh của thập giá – để chiến thắng tội lỗi và giao hoà thế gian với Thiên Chúa. Như tôi đã nhấn mạnh trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 1986: “Các Kitô hữu, được soi sáng bởi đức tin, nhận biết rằng sở dĩ thế giới này trở thành một đấu trường xâu xé, căng thẳng, thù địch, bế tắc và bất bình đẳng (thay vì là một nơi của tình huynh đệ chân thành), thì đó chính là vì tội lỗi, nghĩa là vì sự rối loạn luân lý của con người. Kitôhữu cũng biết rằng ân sủng của Đức Kitô không ngừng được ban tặng cho thế giới, và ân sủng ấy có thể biến đổi tình trạng này của nhân loại, bởi vì “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng chứa chan” (Rm 5, 26).
Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta nên một, như Ngài và Chúa Cha là một. Trong hiệp thông với Giáo Hội, chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu và tìm được sức mạnh và nguồn cảm hứng để vượt qua mọi rào cản và chia rẽ, và xây dựng những mối hiệp nhất mới mẻ và chặt chẽ hơn: Mối hiệp nhất trong các gia đình và giáo xứ, mối hiệp nhất trong các giáo hội địa phương, và giữa các giáo hội thuộc những nghi lễ khác nhau; mối hiệp nhất trong hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và với Giám Mục Rôma.
Thế giới đang chờ đợi những chứng từ sống động về đức tin và tình yêu của chúng ta. Như Công Đồng Vatican II nói: “Tất cả các tín hữu hãy nhớ rằng, họ càng cố gắng sống theo Tin Mừng, họ sẽ càng thăng tiến và sống triệt để hơn sự hiệp nhất giữa các Kitôhữu” (Sắc lệnh về Đại kết, 7). Tất cả chúng ta cố gắng để nên một trong sự hiệp nhất với Đức Kitô Giêsu và với Giáo Hội Ngài.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 30/10
Ep 5, 21-33; Lc 13, 18-21.
LỜI SUY NIỆM: “Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả dậy men.”
Chúa Giêsu khi Người nói về hạt giống bé nhỏ được gieo vào lòng đất cũng như nắm men ít ỏi được trộn vào ba thúng bột, cho chúng ta thấy cả hai đều trong một hành trình làm biến đổi, hạt giống sẽ chết đi, nắm men hòa chung với bột cả hai xem như đã chết, không còn giữ nguyên hình dạng kích thước của mình lúc ban đầu nữa, Để rồi hạt giống sẽ thành cây và men làm dậy bột , tất cả đều đem lại lợi ích cho con người.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng con. Xin cho chúng con biết đón nhận, luôn luôn ngoan ngoãn vâng lời với Chúa Thánh Thần thúc đẩy, để Ngài biến đổi chúng con như hạt giống và nắm nem trong Tin Mừng.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
30 Tháng Mười
Viên Ðá Quý
Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm 1987.
Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.
Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hòa toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như khôg thể vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách… Edith Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.
Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái… Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.
Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến.
Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá… Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.
Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. “Hãy vác lấy thập giá và theo Ta”, đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 30 TN2
Bài đọc: Eph 5:21-33; Lk 13:18-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Dùng những gì Chúa ban để mở rộng Nước Chúa.
Quà tặng là con dao hai lưỡi: nó có thể sinh lợi cho chủ nhân và giúp ích cho tha nhân, nhưng nó có thể giết chết chủ nhân và làm hại tha nhân. Điều quan trọng là phải biết nhận ra tiềm năng và xử dụng món quà đó cách thích hợp.
Trong Bài đọc I: Thánh Phaolô ví liên hệ vợ chồng như mối liên hệ giữa Hội Thánh và Đức Kitô. Ngài dùng hình ảnh đầu và thân thể để nói lên mối liên hệ mật thiết này. Như thân thể không thể sống thiếu đầu và đầu cũng không thể sống thiếu thân thể, Hội Thánh không thể tồn tại nếu thiếu Đức Kitô và vợ chồng cũng không thể tồn tại nếu sống thiếu nhau.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng 2 hình ảnh, hạt cải và nắm men, để nói lên tiềm năng của Nước Trời. Nếu con người biết nhận ra và xử dụng những quà tặng Thiên Chúa ban, họ sẽ không những đạt được Nước Trời mà còn giúp cho Nước Trời được mở rộng đến mọi người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Kitô là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho Hội Thánh.
1.1/ Chồng/vợ là quà tặng Thiên Chúa ban: Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ và Ngài ban cho mỗi người những món quà khác nhau: có những cái mà nam có nhưng nữ không có, và ngược lại; nhưng nếu những món quà của cả hai cộng lại thì sẽ có tiềm năng đem lại những kết quả quá lòng mong đợi con người. Để những quà tặng này được phát triển tối đa và sinh ích cho cá nhân cũng như gia đình, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến 2 nhân đức không thể thiếu và phải đi đôi với nhau:
(1) Vâng lời: Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh. Như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô trong mọi sự, người vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.
(2) Yêu thương: Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình; yêu vợ là yêu chính mình. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.
Hai nhân đức này không thể thiếu trong mái ấm gia đình; nếu thiếu một là gia đình sẽ không hạnh phúc. Làm sao người vợ có thể vâng lời chồng, nếu người chồng không biết yêu thương vợ: tối ngày chỉ biết say xỉn hay nướng tiền cần chi tiêu trong gia đình vào những canh bạc? Cũng thế, làm sao chồng có thể yêu thương người vợ nói gì cũng cãi, tối ngày chỉ biết mua sắm trưng diện thay vì biết tiết kiệm để lo cho gia đình? Để đạt hạnh phúc, Thánh Phaolô khuyên: “Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.”
1.2/ Đức Kitô là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho Hội Thánh: Thánh Phaolô ví mối liên hệ giữa Đức Kitô và Hội Thánh mật thiết như mối liên hệ vợ chồng và là một mầu nhiệm thật cao cả. Trong mối liên hệ này, Đức Kitô là chồng và Hội Thánh là vợ. Hai nhân đức cần thiết cho mối liên hệ này:
(1) Vâng lời: Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau, và tòan thể Hội Thánh tùng phục Đức Kitô, vì chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh. Người là Đầu và Hội Thánh là thân thể của Người.
(2) Yêu thương: Đức Kitô yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh. Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và Lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.
Hội Thánh phải vâng lời Đức Kitô vì Ngài là con đường duy nhất dẫn mọi người tới Thiên Chúa. Hơn nữa, chính Ngài đã chứng tỏ tình yêu cho Hội Thánh bằng việc Nhập Thể để giáo huấn và bằng Cuộc Thương Khó để gánh tội cho mọi người.
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban cho con người có tiềm năng làm cho Nước Chúa được mở rộng.
2.1/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình: Hạt cải bên Palestine không phải là hạt sinh rau cải, nhưng có thể trở thành cây lớn: Mấy điều chúng ta cần chú ý:
(1) Hạt cải bé nhỏ nhưng có tiềm năng thành cây lớn: Giống như một hạt cải bé nhỏ nhưng Thiên Chúa đã cho nó một tiềm năng để trở thành cây lớn; Nước Thiên Chúa cũng vậy, khởi sự từ một nhóm người Do-Thái bé nhỏ hay từ Nhóm Mười Hai, nay đã chiếm khỏang 1/5 dân số thế giới và vẫn còn đang tiếp tục lan rộng cho đến tận cùng trái đất.
(2) Hạt cải trước khi thành cây phải mục nát đi trước khi nẩy mậm và vươn thành cây lớn; nếu không nó sẽ trơ trọi một mình. Nước Thiên Chúa cũng thế: Để có thể lan rộng, cần có những người sẵn sàng chấp nhận đau khổ để cho Nước Chúa được mau đến.
(3) Khi thành cây, chim trời làm tổ trên cành được: Tiềm năng được ban cho để sinh lợi cho Thiên Chúa, chứ không ích kỷ giữ cho mình. Như cây cải cung cấp chỗ ở cho chim trời, con người cũng phải dùng ơn thánh Thiên Chúa ban để bảo vệ những người yếu ớt bé nhỏ, chứ không chỉ biết lo lắng cho mình. Nếu ai cũng chỉ biết vun xới cho mình thì Nước Thiên Chúa lan tràn thế nào được?
2.2/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột: Men là bột cũ được giữ lại để dùng làm bánh sau này; công dụng chính của men là làm dậy bột.
(1) Nắm men tuy bé nhỏ nhưng có tiềm năng làm nổi ba thúng bột: Giống như hạt cải bé nhỏ, Thiên Chúa cũng cho men một tiềm năng để làm dậy những khối bột lớn. Và cũng tương tự như thế về Nước Thiên Chúa.
(2) Con người phải chu tòan sứ vụ làm dậy men của mình bằng lời giảng và cuộc sống chứng nhân để mọi người trông thấy và tin vào Thiên Chúa. Người này làm men cho người khác và cứ như thế, Nước Thiên Chúa được mở rộng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Trước tiên chúng ta phải nhận ra những quà tặng Thiên Chúa ban và tiềm năng lớn lao có thể trở thành của chúng;
– Thứ đến, chúng ta cần biết phát triển tiềm năng của những quà tặng này;
– Sau cùng, phải biết dùng trong việc mang ích lợi cho bản thân và làm cho Nước Chúa mỗi ngày một mở rộng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************