Ngày thứ ba (31-01-2023) – Trang suy niệm

30/01/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Ba Tuần IV Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 12, 1-4

“Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Đấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đầu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 21, 26b-27. 28 và 30. 31-32

Đáp: Lạy Chúa, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa (c. 27b).

1) Tôi sẽ làm trọn những lời khấn hứa của tôi, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: “Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời”. – Đáp.

2) Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa, bao kẻ nằm xuống bụi tro sẽ sấp mình trước thiên nhan. Và linh hồn tôi sẽ sống cho chính Chúa. – Đáp.

3) Miêu duệ tôi sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng “Điều đó Chúa đã làm”. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 144, 13cd

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 5, 21-43

“Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?'” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi!”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho em bé ăn. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

31/01/2023 – THỨ BA TUẦN 4 TN

Th. Gio-an Bốt-cô, linh mục

Mc 5,21-43

SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN

“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” (Mc 5,34)

Suy niệm: “Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của niềm tin, vì khi không có gì có vẻ như có thể, niềm tin làm cho có thể” (G. Mona). Em bé mới mười hai tuổi qua đời sau cơn bạo bệnh, người đàn bà tiền mất tật mang sau mười hai năm bị băng huyết: cả hai có vẻ như vô phương chữa chạy. Thế nhưng, với niềm tin vào Thầy Giê-su của người cha, cũng như của người đàn bà, em bé được hồi sinh, bệnh băng huyết được chữa lành. Bàn tay của Ngài truyền sự sống cho em bé trỗi dậy, bàn tay của người đàn bà đụng vào gấu áo truyền dẫn sự sống Ngài cho bà. Thế nhưng, đừng quên rằng em bé lẫn người đàn bà có được sự sống Ngài ban tặng rồi cũng sẽ lìa đời. Chính đức tin mới làm cho ta đạt được điều không tưởng hơn cả: chia sẻ sự sống vĩnh cửu khi sống tương quan thân thiết với Ngài.

Mời Bạn: “Niềm tin nơi Chúa sẽ nâng bạn lên những phúc lành cao cả hơn” (G. Kent). Tin nơi Chúa, cậy trông vào Ngài, có thể bạn không được chữa lành bệnh như các bệnh nhân trong Tin Mừng, thế nhưng, bạn đạt được điều cao trọng hơn sự sống đời này: sự sống vĩnh cửu, mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa hôm nay và mãi mãi. Bạn nhận biết ý nghĩa đời mình, tìm thấy hạnh phúc, niềm vui trong đời sống đạo mỗi ngày khi có Chúa trong cuộc đời.

Sống Lời Chúa: Tôi tìm cách đào sâu đức tin vào Chúa hơn qua việc đọc Lời Chúa, học hỏi giáo lý, thực hành điều răn Chúa, nhất là điều răn mến Chúa yêu người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn bày tỏ tình thương với người đau khổ. Xin cho con nhận ra tình thương ấy qua cuộc sống đời thường mỗi ngày.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Thánh Mác-cô thích lồng ghép hai câu chuyện với nhau.
Chuyện thứ hai nằm ở giữa chuyện thứ nhất
giống như nhân của một cái bánh mì săng uých (3, 21-35; 11, 12-25).
Hai phép lạ của bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy (5, 21- 43).
Cả hai nói về một phụ nữ bị đau 12 năm, về một cô bé chết lúc 12 tuổi,
về sự sống được trả lại cho cả hai, về đức tin cần để được chữa lành. .

Ông trưởng hội đường là người đến sụp lạy và nài xin Đức Giêsu.
Ông tin ngài có quyền năng chữa bệnh cho con gái ông gần chết.
Ông chỉ mong ngài đến và đặt tay trên con ông, để nó được cứu và được sống.
Nhưng quá muộn, con gái ông đã chết trước khi ngài đến nhà.
Đức Giêsu đã nâng đỡ đức tin của người cha (c.36) và kín đáo hoàn sinh cô bé.
Chỉ có cha mẹ cô bé và ba môn đệ thân tín của ngài được vào phòng của cô.
Ngài đã không đặt tay, nhưng cầm tay cô bé và nói một lời.
Người chết có thể đứng dậy, đi lại và ăn được.

Người phụ nữ đáng thương lâm vào tình cảnh gần như tuyệt vọng.
Chị bị đau bệnh đã lâu, chạy thuốc đã nhiều, tiền bạc đã cạn.
Bệnh băng huyết làm cho chị bị coi là ô uế (Lv 15, 25-30).
Là người bị xã hội ruồng bỏ, chị không được phép đụng đến ai.
Nghe đồn về Đức Giêsu, chị tin mình sẽ được khỏi nếu chạm vào áo ngài.
Vừa xấu hổ, sợ hãi, lại vừa táo bạo và tin tưởng, chị đã làm điều chị tin.
Giữa bao cái chạm của đám đông chen lấn,
Đức Giêsu nhận ra cái chạm đặc biệt của chị,
cái chạm rất khẽ vào áo mà lấy được quyền năng từ con người ngài.
Chị đã khỏi bệnh nhờ cái chạm ấy, cái chạm của đức tin (c. 34).

 

Trong phép lạ thứ nhất, người phụ nữ muốn giấu,
nhưng Đức Giêsu lại làm lộ ra.
Còn trong phép lạ thứ hai, ai cũng biết, Đức Giêsu lại bắt người ta phải giữ kín.
Trong cả hai phép lạ, Đức Giêsu đều phải chạm đến những người bị coi là ô nhơ.
Nhưng sức mạnh nơi ngài đã làm cả hai nên sạch.
Chúng ta cần dám chạm đến Mình Chúa mỗi ngày
dù biết mình luôn bất xứng.
Chúng ta cần để Lời Chúa chạm đến mình mỗi ngày
dù biết mình sẽ không được sống như xưa.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
Mỗi ngày con đụng chạm với biết bao người,
bắt tay, cầm tay hay vỗ vai họ,
và làm bao cử chỉ thân ái khác.
Xin thánh hóa những đụng chạm ấy của thân xác con,
để chúng đem lại cho tha nhân niềm vui và sự chữa lành.
Cũng xin cho con rung động trước những đụng chạm của Chúa mỗi ngày,
lúc tai con nghe đọc Lời Chúa,
lúc tay và miệng con đón lấy Mình Chúa,
hay lúc đời con gặp thử thách gian truân.
Ước gì khi thân xác con chạm đến Chúa
thì tâm hồn con cũng mở ra để tiếp rước Chúa
và chấp nhận thay đổi cuộc sống của mình.

 

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã cứu độ nhân loại bằng bàn tay của Chúa,
bàn tay xoa dịu nỗi khổ đau, bàn tay chúc lành, bàn tay bị đâm thủng.
Xin cho con cũng biết dùng bàn tay mình
không phải như một dụng cụ của bạo lực và thèm muốn chiếm đoạt,
nhưng như một khí cụ của cảm thông và nâng đỡ,
của xây dựng hiệp nhất và bình an.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

31 THÁNG GIÊNG

Hợp Tác Và Liên Đới

Nếu như trong quá khứ có một khuynh hướng xem lao động như chuẩn mực duy nhất đo lường giá trị con người, thì trong thời đại chúng ta lại thấy xuất hiện một nhãn quan mới: đánh giá con người theo chức năng. Theo cách nhìn này, lao động chỉ có ý nghĩa thông qua thu nhập trong một nghề nghiệp nào đó. Trước một trào lưu như vậy, chúng ta càng phải khẩn cấp hơn bao giờ hết để nắm bắt lại niềm xác tín rằng “lao động là một chiều kích căn bản của hiện sinh con người trên trái đất” (Laborem exercens 4). Nhưng đồng thời cũng phải nhận thức rằng lao động không phải là cứu cánh cuối cùng. Vâng, lao động phải luôn luôn phụ thuộc vào con người – và chính con người mới là mục tiêu và là cứu cánh cuối cùng của lao động (Laborem exercens 6).

Xuất phát từ sự thật đó, một yêu cầu quan trọng đặt ra cho tất cả mọi người: yêu cầu phải cộng tác và liên đới với nhau. Người ta vốn phải luôn luôn cần sự giúp đỡ và cộng tác của nhau để có thể cùng nhau thăng tiến. Liên đới có luật của nó: không ai có thể áp đặt nó lên một người khác. Trái lại, mỗi bên đều sẵn lòng đón nhận sự cộng tác của bên kia trong một đường lối xây dựng. Điều này áp dụng cả cho những doanh nghiệp cá thể lẫn cho toàn bộ tiến trình sản xuất. Nó cũng áp dụng – theo một nghĩa rộng – cho tất cả đời sống xã hội.

Khi nhìn lao động và sản xuất trong tinh thần hợp tác và liên đới, chúng ta có thể nhận ra những vai trò thiết yếu của mỗi bên liên hệ. Các chủ xí nghiệp và các vị lãnh đạo đảm nhận vai trò đưa ra các quyết định để bảo vệ mối thống nhất, sự hợp tác và điều hành hoạt động của xí nghiệp.

Những người lao động độc lập thì tự nhận lấy các trách nhiệm, những mối ràng buộc và những rủi ro trong công việc. Họ đem lại sự uyển chuyển cho toàn tiến trình sản xuất và họ được đền bù thích đáng bởi nguyên tắc phụ trợ. Theo nguyên tắc này, cả nhà nước lẫn xã hội đều không thể hạn chế sáng kiến và sự lựa chọn tự do của của cá nhân (Huấn thị của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tự Do và Giải Phóng theo Kitô giáo, số 73).

Về phần mình, những công nhân trực thuộc các xí nghiệp không chỉ có quyền nhận được món tiền lương công bằng – tức bảo đảm mức sống cho bản thân họ và gia đình họ; nhưng một cách liên đới trách nhiệm, họ cũng tham gia vào các sáng kiến và các quyết định có ảnh hưởng đến đời sống của xí nghiệp, nghĩa là các quyết định có ảnh hưởng đến chính tương lai của họ. Hơn nữa, họ sẽ làm việc bằng một cung cách sao cho luôn luôn bảo đảm tôn trọng phẩm giá và khả năng sáng tạo của mình. Như vậy, họ có thể thực sự cảm nhận được vai trò làm chủ của mình trong môi trường lao động (Laborem exercens 14 – 15).

Chúng ta biết rằng mọi quyền đều gắn liền với bổn phận. Nguyên tắc công bằng và bình đẳng không chỉ chi phối đến các mối quan hệ giữa chúng ta với nhau, nhưng cũng chi phối cả đến sự đóng góp của mọi người vào thiện ích chung. Nếu chúng ta muốn một xã hội công bằng hơn và một cuộc sống có chất lượng hơn, mọi người chúng ta đều phải biết nhìn xa hơn những ích lợi nhất thời của riêng mình. Chúng ta phải sẵn lòng dự phần vào trách nhiệm chung, vì thiện ích của mọi người.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 31/1

Thánh Gioan Boscô, linh mục

Dt 12, 1-4; Mc 5, 21-43.

LỜI SUY NIỆM: Người cầm lây tay nó và nói: “Ta-li-tha-kum” nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con; trỗi dậy đi!” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. (Mc 5, 41-42)

          Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được niềm tin của ông trưởng hội đường vào quyền năng của Chúa Giêsu, để người con gái của ông được sống. Và với niềm tin này, Chúa Giêsu đã đến và làm cho em bé đó đã sống lại.

          Trong đời sống đức tin của mỗi người trong chúng ta cũng phải tin vào Lời của Chúa Giêsu: “Thầy là sự sống và là sự sống.” (Ga11,25). Chính Chúa Giêsu sẽ làm cho sống lại trong ngày sau hết những ai đã ăn Thịt và uống Máu Người. Người đã đưa ra một dấu chỉ: Người đã làm cho em bé 12 tuổi sống lại, làm cho con trai của bà goá thành Naim sống lại, và làm cho Ladarô chết chôn bốn ngày sống lại. Và Ngài đã tự Phục sinh sau khi đã chết trên Thập Giá và táng xác trong huyệt đá.

          Lạy Chúa Giêsu. Tất cả chúng con đều bất toàn trước mặt Chúa. Xin cho tất cả chúng con đặt trọn niềm tin vào Chúa, để tất cả chúng con được sống. Amen    

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 31-01: Thánh GIOAN BOSCÔ

Linh mục (1815-1888)

Ngày 16 tháng 8 năm 1815, Gioan chào đời trong một túp lều tranh thuộc tỉnh Turinô. Cha Ngài qua đời lúc Ngài được hai tuổi. Mẹ Ngài là bà Magarita một mình nuôi nấng ba người con trai. Bà tập cho con quen với công việc nặng nhọc, với đời cầu nguyện. Bà thường lập lại với các con bà: – Chúa thấy hết, Chúa thấy hết.

Và con cái bà biết rằng chính nhờ tình yêu mà Người ta làm đẹp lòng Chúa, Gioan sau này sẽ nói: – Nếu tôi trở thành linh mục đó là nhờ mẹ tôi.

Cậu bé đã tỏ ra có ơn gọi làm tông đồ. Ngoài đồng cỏ, Ngài đã đổi phần bánh ngon miệng của mình lấy mẩu bánh đen của một mục đồng nghèo. Mẹ Ngài trách cứ Ngài vì đã làm bạn với những người xấu. Gioan đáp lại: – Khi con chơi với chúng nó, chúng nó bớt khùng hơn.

Lúc chín tuổi, Gioan đã có một giấc mơ lạ lùng: một đám đông trẻ con tinh nghịch vây quanh Ngài, chúng nó nói phạm thượng. Bất chợt chúng hiện hình thành bọn lang sói. Nhưng đức Trinh Nữ đã nói với Gioan: – Đừng dùng bạo lực, nhưng hãy ngọt ngào nếu con muốn chiếm được tình nghĩa với chúng.

Ngài còn nói: – Đó là môi trường làm việc cùng con. Sau này con sẽ làm cho con cái mẹ, điều Mẹ sắp làm cho những con thú này.

Và rồi những con vật dữ tợn trên biến thành chiên ngoan Gioan đã kẻ lại giấc mơ trên. Một người anh đã nói với Ngài: – Mầy sẽ là thằng chăn chiên. Và người anh khác nói tiếp: – Hay là tướng cướp.

Vì tình yêu Chúa, cậu bé tưởng tượng ra mình là một thằng múa rối. Ngày Chúa nhật bọn trẻ xếp vòng tán thưởng nhà nhào lộn và leo giây đại tài, cha mẹ chúng, cũng tới nữa, những lúc đổi trò, mọi người phải lần chuỗi. Nhà nhào lộn trở thành nhà giảng thuyết, lập lại bài giảng của cha sở.

Một linh mục già cho Gioan cuốn sách văn phạm latinh và dạy Gioan học. Một trong các anh ghen tỵ. Gioan ôm sách đi tìm việc làm trong một nông rại. Hai năm sau trở về nhà, Gioan phải chân không cuốc bộ hai mươi cây số ngàn để tới trường học mỗi ngày. Sau này ở trường Chieri, Ngài làm gia nhân khi có giờ rảnh để khỏi tốn tiền mẹ. Ngài thành lập một hội vui để lôi kéo bạn bè vào đường thiện hảo, lành mạnh.

Gioan được thụ phong linh mục. Theo phong tục Italia, người ta gọi Ngài là Don Boscô. Mẹ Ngài đã nhắn nhủ: – Đùng lo nghĩ tới mẹ nữa mà chỉ cầu nguyện cho mẹ thôi. Lo lắng duy nhất của con là phần rỗi các linh hồn.

Ngài theo học ở Turinô, viếng thăm các tù nhân và đã kinh ngạc khi thấy bao nhiêu là thanh thiếu niên ở đó, thấy trong các đường phố những đứa trẻ này bị bỏ mặc cho sự cùng khổ và tật xấu của chúng. Phương pháp cứu vớt tuổi trẻ này. Trong thánh đường, một ông quản xua đuổi đứa trẻ lêu lổng. Gioan nhắc nhở ông ta rằng: nó lại không muốn nhận biết Thiên Chúa tốt lành sao ?

Chính Don Boscô sẽ dạy nó đọc chữ và giải thích giáo lý cho nó. Hôm sau đứa trẻ trở lại với bạn bè của mình. Hội bảo trợ đầu tiên được thành lập. Trong hai tháng số trẻ lên tới cả trăm. Nhưng tụ họp chúng ở đâu ? Khắp nơi người ta đều xua đuổi chúng, và người ta lại không cho rằng Don Boscô điên rồi sao ? Ngài thuê một căn nhà trong khu phố nghèo đói nhất và phải trả tiển nửa tháng một lần, Mẹ Ngài lo lắng: – Con không có lấy một xu.

Thánh nhân trả lời: – Nếu mẹ có tiền lại chẳng cho con sao ? Mẹ có tin là Chúa quan phòng giầu có vô cùng lại không tốt bằng mẹ sao ?

Ngài tập họp những trẻ xấu nết lại và dọn cho chúng ruớc lễ vỡ lòng, khu vực đốn mạt sắp trở thành nơi có tinh thần Kitô giáo nhất thành phố. Ngài không hề mất tin tưởng. Không có gì làm Ngài nản chí được. Ngài dẫn về cho mẹ mình những đứa vô lại chiêu tập trong một hàng quán. Đêm về những đứa vô lại này biến mất, mang theo cả chăn nệm, Ngài đưa về một thàng nhãi bị trui đến tận xương tủy. Chẳng mấy chốc căn phòng đã có tới bảy đứa như vậy.

Don Boscô mua một căn nhà. Trẻ nội trú đông nhung nhúc. Một ngày sống bắt đầu với thánh lễ, sau đó là đi học hay tập nghề. Chính lúc này mà thánh nhân muốn giúp đỡ từ những người nghèo tới các công tử. Các nhà sắp được xây dựng khắp nơi, cả đến Mỹ Châu.

Đối với các trẻ em nam, Gioan đã thiết lập một dòng gồm các linh mục mang danh là Salésien, để kính thánh Phanxicô Salê mà Ngài đã lấy châm ngôn của thánh nhân làm của mình.

– Lạy Chúa xin cho các linh hồn vì phần còn lại có đang giá gì cho con đâu ?
Và thánh nhân khuyên nhủ hãy làm điều đó: – Trong vui tươi hoan hỉ không ngừng.

Cùng với chị thánh Maria Mazzarello, Ngài cũng thiết lập một dòng tu mang danh hiệu các nữ tu Đức Mẹ phù hộ. Công cuộc các chị cũng sẽ lan rộng trên khắp thế giới. Mệnh lệnh của Ngài là: – Hãy tin tưởng cầu nguyện và can đảm tiến tới không ngừng.

Don Boscô đi thực hiện các công trình tại Pháp. Các sự lạ xảy ra vô số trên đường Ngài đi qua. Ơ Marseille Ngài gặp một đứa trẻ bệnh hoạn, Ngài bảo nó đọc một kinh kính Mừng và chữa lành cho nó. Cả đứa trẻ lẫn mẹ nó khóc nức nở vì biết ơn. Dọc đường xe Ngài bị vây chặt đến độ người đánh xe đã phải kêu lên: – Kéo theo một con quỉ, còn hơn chở một vị thánh.

Ở Paris Ngài được tiếp đón tưng bừng. Đức Hồng y xin Ngài chúc lành. Thi sĩ Victor Hugô hai lần muốn gặp Ngài. Người ta ngạc nhiên khi thấy Ngài rất đơn sơ vui vẻ và hiền hậu. Ngài giảng dạy nhiều. Các viện mồ côi, trường huấn nghệ, hội bảo trợ mọc lên khắp nước Pháp. Người ta nói Ngài dừng lại một chút, Người trả lời rằng: lên thiên đàng ta sẽ ngừng, hoặc, ma quỉ không có ngừng. Don Boscô muốn đưa cả thế giới về với Chúa Kitô. Các giấc mơ cho Ngài biết rằng: ước muốn của Ngài sẽ được thực hiện. Trong một giấc mơ Ngài thấy những người hoang dại quỳ gối trước mặt các tu sĩ Salésiens. Suốt đời Ngài không dứt các giấc mơ, các lời tiê đoán và các thị kiến.

Gioan phải trả cho định mệnh siêu nhiên của Ngài bằng những dằn vặt mà chỉ mình Ngài biết được. Một vị Hồng y đã phải lo lắng thấy mặt Ngài xanh mét kiệt sức. Thánh nhân cho Ngài biết là ma quỉ quấy phá mình cả đêm. Nhưng những người thân cận không hề biết gì những đau khổ của Ngài. Ngài nói: – Vì hồn tôi đã uống những chén đắng, tôi có quyền thêm vào những lo âu của con cái tôi bằng một gợn sóng đau khổ không ?

Bọn ác nhân giận dữ vì việc lành Ngài đã làm, đã tìm cách sát hại Ngài. Nhưng sức mạnh của sự dữ không nghĩa lý gì. Vượt qua mọi trở ngại tưởng như không thể lướt thắng nổi, Don Boscô còn hoạt động nhiều hơn nữa. Y sĩ tuyên bố rằng: phép lạ lớn lao nhất là Don Boscô còn sống được.

Cuối cùng Gioan cảm thấy rằng: thân xác Ngài không còn chiến đấu nổi nữa. Ngài sắp qua đời. Ngài nói với các linh mục của mình khi họ tới thăm: – Hãy nói với các con cái của tôi rằng: tôi đợi chúng tất cả trên thiên đàng.

Ngài còn nói như lời dặn dò thân thiết nhất: – Hãy cổ võ việc siêng năng rước lễ và lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ:

Người ta còn nghe thấy Ngài nói trong cơn mê sảng: – Mẹ, mẹ ơi, ngày mai… Mẹ hãy mở cửa thiên đàng cho con.

Thánh Don Boscô qua đời, đoàn con cái xếp hàng hôn bàn tay đã tận tình cứu giúp họ. Ngày 30 tháng giêng năm 1888.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

31 Tháng Giêng 

Kỳ Quan Của Thế Kỷ 19  

Ngày 31 tháng 1, cách đây đúng một thế kỷ, thế giới mất đi một người mà ông Rattazzi, thủ tướng nước Italia, thời bấy giờ nổi tiếng là người chống báng Giáo Hội, đã phải thốt lên: “Ngài là kỳ quan vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 19. Cả nước Pháp đã suy tôn Ngài như một vị Thánh Vinh sơn đệ Phaolô của thế kỷ”. Con người đó chính là Thánh Don Bosco. 

Thánh nhân chào đời năm 1815 tại miền Piemonte, thuộc mạn bắc nước Italia. Mẹ Ngài là bà Magarita mong ước cho Ngài được làm linh mục. Nhưng bà đã dặn dò con mình: “Mẹ đã sinh ra trong nghèo khó, mẹ đã sống trong nghèo khó, mẹ cũng muốn chết trong nghèo khó. Nếu con muốn làm linh mục để giàu có, mẹ sẽ không bao giờ bén mảng đến với con”. 

Don Bosco đã thực hiện lời khuyên của mẹ. Không những Ngài đã sống nghèo, nhưng chỉ sống với người nghèo, nhất là trẻ em nghèo. Ngài đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thu nhặt những trẻ em lang thang đầu đường xó chợ. 

Nếu mãi đến năm 1848, Karl Marx mới đưa ra tuyên ngôn kêu gọi giới công nhân đứng lên, đoàn kết đấu tranh cho quyền lợi của họ, thì trước đó, Don Bosco cũng đã tranh đấu cho giới công nhân rồi. 

Thời của Thánh nhân, kỹ nghệ mới phát triển, nhiều vấn đề xã hội được đặt ra. Thánh nhân chủ trương không chỉ mang lại cho giới trẻ một nền giáo dục về mặt tinh thần hay tu đức, mà còn giúp cho giới trẻ một nghề nghiệp trong tay. Thánh Don Bosco đã được xem như là cha đẻ của những trường huấn nghệ ngsày nay. 

Phương pháp sư phạm được Thánh nhân đề ra nhắm đến sự đề phòng hơn là trừng phạt. Thay vì chữa trị những sai trái, tốt hơn là đề phòng để những sai trái không xảy ra. Trong tất cả mọi sự, tình thương và sự dịu dàng là cơ sở cho tất cả mọi cư xử của Thánh Don Bosco. 

Hiền lành và vui vẻ là hai nhân đức trội vượt trong sự thánh thiện của Thánh Don Bosco. Với sự hiền lành đầy cảm thông, Thánh nhân nhìn mọi người bằng chính cái nhìn của Chúa Giêsu. Cái nhìn đó muốn nói với tội nhân hay bất cứ một tâm hồn xấu xa nào rằng: “Bạn có một giá trị cao cả. Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương bạn. Bạn đừng ngã lòng”. 

Ði đôi với sự hiền lành chính là vui vẻ. Châm ngôn của Thánh Don Bosco chính là: Phụng sự Chúa trong vui tươi. Sự vui vẻ của Thánh Don Bosco là liều thuốc hữu hiệu nhất cho thời đại đầy ohiền muộn và chán nản của chúng ta. Niềm vui của Thánh nhân xuất phát từ một xác tín cơ bản trong Kitô giáo của chúng ta: Thiên Chúa là Tình Yêu. Do đó những người được Thiên Chúa yêu thương không thể nào buồn thảm được. 

Sứ điệp của Thánh Don Bosco vẫn luôn hợp thời, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Giữa một xã hội mà tương quan con người được xây dựng trên thù hận, nghi kỵ, bon chen, giành giật, lừa đảo. Thánh Don Bosco nói với chúng ta rằng: Con người vẫn còn đáng thương yêu, vẫn còn đáng tôn trọng và tin tưởng. 

Giữa một xã hội mà sự buồn thảm đang ngự trị, Thánh nhân muốn đem lại cho chúng ta nụ cười của lạc quan. Nụ cười lạc quan đó chỉ có thể nở rộ khi con người còn tin tưởng ở Tình Yêu của Thiên Chúa. Giữa những mất mát từng ngày, Thánh Don Bosco mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm lại mọi sự trong Tình thương của Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba – Tuần 4 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Heb 12:1-4; Mk 5:21-43.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sức mạnh của đức tin

Con người chúng ta rất thực tế: Để chúng ta chú ý tới và làm theo điều gì, điều đó phải có lợi ích cho chúng ta. Tương tự trong lãnh vực đức tin, chúng ta cũng thắc mắc: Đức tin làm gì cho con người?

Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự cần thiết của đức tin. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do-Thái ví cuộc đời như một cuộc chạy đua trong thao trường. Để có thể đạt đích, con người cần trút bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình; kiên trì hòan tất cuộc đua; nhất là noi gương Đức Giêsu Kitô, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô tường thuật 2 phép lạ được chữa lành nhờ đức tin: (1) Một người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm được lành bệnh vì Bà tin, Bà chỉ cần chạm đến gấu áo của Chúa Giêsu là được chữa lành. (2) Con gái của ông Trưởng Hội Đường Jairus được Chúa truyền cho trỗi dậy từ cõi chết vì ông đã tin vào Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy chạy làm sao để đạt đích.

1.1/ Chúng ta được bao vây bởi các nhân chứng đức tin trong lịch sử: Tác giả hình dung cuộc đời của các tín hữu giống như một cuộc chạy đua trong vận động trường. Trong cuộc thi chạy đua, người tín hữu có những khán giả cổ vũ cho mình là các nhân chứng đức tin của lịch sử trên đám mây nhìn xuống. Để có thể chạy cách hiệu quả, con người cần:

(1) Trút bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình: Để có sức chạy dài, lực sĩ cần trút bỏ mọi gánh nặng không cần thiết; vì một trọng lượng mang theo mình, cho dù nhỏ đến đâu chăng nữa, cũng sẽ trở nên nặng nhọc vì đường dài. Tương tự trong cuộc chạy đua đức tin, các tín hữu cần dứt bỏ những thói quen xấu; vì một tội lỗi, cho dù nhỏ đến đau chăng nữa, cũng sẽ ngăn cản các tín hữu không hòan tất cuộc đua.

(2) Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta ở đàng trước: Khác với cuộc đua trong thao trường, mọi người hòan tất trong cuộc đua đức tin, đều được lãnh nhận phần thưởng. Vì thế, điều quan trọng trong cuộc đua đức tin, không lệ thuộc vào việc chạy nhanh, nhưng lệ thuộc vào sự kiên trì hòan tất cuộc đua.

1.2/ Chúng ta hãy luôn hướng tới Đức Giêsu, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin: Con người chiến đấu là cho một mục đích. Vì mục đích này, con người có thể vượt qua mọi gian nan khổ cực trong cuộc đời. Noi gương Chúa Giêsu, người nhập thể và chịu khổ hình là để ý của Thiên Chúa được vẹn tòan. Nói cách khác, vì niềm vui là mang lại ơn cứu độ cho con người, mà Ngài “đã cam chịu khổ hình thập giá, khinh thường ô nhục, và nay đang được ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” Chúng ta cũng vậy, vì hy vọng sẽ đạt được ơn Cứu Độ mà Chúa Giêsu đã chịu khổ hình để mang lại, chúng ta sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ của cuộc đời như Chúa.

Trong cuộc đời, nhiều khi chúng ta cảm thấy những người được chúng ta giúp, đã không biết ơn thì chớ, lại còn phê bình hay đối xử tàn nhẫn với chúng ta, mặc dù chúng ta đã cố gắng hết mực. Những lúc mang tâm trạng như thế, chúng ta hãy nhìn lên cây Thánh Giá để được an ủi; vì có một người cũng đã mang tâm trạng như thế cho tội lỗi của chúng ta. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời giảng dạy và ban phát ơn lành; thế mà con người đáp trả lại bằng những khinh thường, nhục mạ, mão gai, roi đòn, và đóng đinh trên Thập-Giá. So sánh với những gì Chúa Giêsu phải trải qua, đau khổ của chúng ta không thể nào so sánh được với những đau khổ của Ngài. Vì thế, tác-giả Thư Do-Thái khuyên các tín hữu: “Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.”

2/ Phúc Âm: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.”

2.1/ Ông Trưởng Hội Đường Jairus xin Chúa chữa bệnh cho con gái: Chức vụ Trưởng Hội Đường tự nó nói lên uy quyền và danh dự của ông. Qua những lần xung đột giữa Chúa Giêsu và các Kinh-sư, lẽ ra ông phải là người tránh né Chúa Giêsu. Thế mà theo trình thuật hôm nay, vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” Thấy cách biểu lộ niềm tin của ông, Người liền ra đi với ông về nhà. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

2.2/ Đức tin có thể chữa lành bệnh hiểm nghèo: Đang khi trên đường tới nhà ông, một phép lạ khác được tường thuật: “Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến táng gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào gấu áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.”

Chỉ có hai người nhận ra phép lạ: người cho là Chúa Giêsu và người nhận là người đàn bà bị băng huyết. Các môn đệ ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu hỏi “Ai đã sờ vào áo tôi?” Nhưng Chúa Giêsu nhận ra sự khác biệt giữa sự đụng chạm của niềm tin và sự đụng chạm vì chen lấn. Khi biết không thể giấu được nữa, người đàn bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Tưởng là sẽ bị Chúa Giêsu khiển trách vì đã không dám công khai xin cứu chữa, nhưng Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

2.3/ Đức tin làm cho con gái Jairus sống lại: Khi Đức Giêsu còn đang nói, thì có mấy người từ nhà Ông Trưởng Hội Đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Nhưng Đức Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”

Có ít nhất 3 lần, các tác giả của Phúc Âm tường thuật Chúa cho người chết sống lại: trình thuật hôm nay, người con trai của bà góa thành Nain (Lk 7:11), và Lazarus (Jn 11). Người ta kinh ngạc đến sững sờ khi thấy Chúa Giêsu làm cho em bé sống lại, vì họ chưa từng thấy như thế bao giờ. Trong phép lạ Lazarus, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự cần thiết của đức tin với Martha: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, dầu có chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không chết bao giờ” (Jn 11:25-26).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Đức tin cần thiết để giúp chúng ta trung thành với Thiên Chúa ở đời này. Nếu không có đức tin, chúng ta sẽ dễ dàng ngã gục trước những gian khổ trong cuộc sống.

– Đức tin có thể giúp con người vượt qua những chứng bệnh hiểm nghèo. Lịch sử y khoa đã không giải thích nổi rất nhiều trường hợp bình phục của các bệnh nhân.

– Đức tin làm cho con người được sống. Nếu chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, sự chết không thể nào làm chủ chúng ta; vì một khi bước qua cái chết thể xác, chúng ta sẽ được sống với Thiên Chúa muôn đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************