Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Ba Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm chẵn
Gr 14, 17-22
“Lạy Chúa, xin hãy nhớ lại, xin Chúa chớ huỷ bỏ giao ước giữa Ngài và chúng con”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ngày đêm mắt ta rơi lệ không ngừng, vì trinh nữ con gái dân ta bị trọng thương, vết tích quá trầm trọng. Nếu ta đi ra đồng, thì đây những kẻ bị giết bằng gươm; nếu ta vào thành phố, thì đây những kẻ chết đói. Tiên tri và tư tế đều đi đến đất nước mình chẳng quen biết.
Chớ thì Chúa ruồng bỏ Giuđa sao? Hay lòng Chúa ghê tởm Sion rồi sao? Vậy tại sao Ngài đánh phạt chúng con đến nỗi không chữa được nữa? Chúng con mong đợi sự hoà bình mà không gặp sự lành; và chúng con mong đợi kỳ lành bệnh, thì đây toàn là xui xẻo.
Lạy Chúa, chúng con nhìn nhận những sự độc dữ của chúng con và sự gian ác của cha ông chúng con, vì chúng con đã phạm đến Chúa. Vì thánh danh Chúa, xin đừng để chúng con phải nhục nhã; vì toà vinh quang của Chúa, xin đừng để chúng con nhuốc hổ; xin Chúa nhớ lại, xin đừng huỷ bỏ giao ước giữa Chúa với chúng con.
Trong các tượng thần dân ngoại, chớ thì có vị nào làm cho mưa xuống chăng? Hay là tầng trời có thể đổ mưa xuống chăng? Nào Ngài chẳng phải là Thiên Chúa chúng con mong đợi sao? Vì chính Chúa tạo thành tất cả những sự đó. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 78, 8. 9. 11 và 13
Đáp: Lạy Chúa, vì vinh quang danh Chúa, xin giải thoát chúng con (c. 9bc).
Xướng: 1) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi! – Đáp.
2) Ôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài. – Đáp.
3) Xin cho tiếng tù binh rên xiết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử. Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời, đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ngợi khen Chúa. – Đáp.
ALLELUIA: Dt 4, 12
Alleluia, alleluia! – Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và là ý muốn của tâm hồn. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 13, 36-43
“Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp lại rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
31/08/2018 – THỨ BA TUẦN 17 TN
Th. I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục
Mt 13,36-43
KIÊN NHẪN NHƯ CHỦ RUỘNG
Đức Giê-su nói: “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.” (Mt 13,43)
Suy niệm: “Kiên nhẫn không chỉ là khả năng chờ đợi, nhưng chính là cung cách ta cư xử đang khi chờ đợi” (Nhà văn Mỹ J. Meyer). Ta mong muốn Hội Thánh gồm các tín hữu tốt lành, hội đoàn gồm các thành viên nhiệt tâm, con cái gồm các người con hiếu thảo, láng giềng gồm những hàng xóm tốt bụng… Thế nhưng, trong thực tế ta đành phải chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn, người tốt – kẻ xấu, lúa tốt – cỏ lùng chen lẫn với nhau. Chúa Giê-su, qua dụ ngôn lúa tốt và cỏ lùng, dạy ta thái độ kiên nhẫn, bao dung khi sống trong “thửa ruộng thế gian.” Trong thiên nhiên, cỏ lùng muôn đời vẫn là cỏ lùng, nhưng trong “thửa ruộng thế gian,” người xấu có thể trở thành người tốt; ngược lại, người tốt có thể trở thành kẻ xấu không thể nào ngờ.
Mời Bạn: Bạn phải kiên nhẫn với chính mình, vì tâm hồn bạn cũng đang đong đưa giữa lúa tốt và cỏ lùng, giữa điều thiện bạn muốn làm nhưng lại không làm, và điều ác không muốn làm nhưng lại thực hiện. Bạn kiên trì làm cho lúa tốt nơi bạn lớn lên, và cỏ lùng không có đất sống nơi tâm hồn mình. Bạn kiên nhẫn, bao dung với người chưa sống tốt, không vội kết án họ vì chỉ có Chúa mới có quyền làm vậy.
Sống Lời Chúa: Tôi tập sống kiên nhẫn, bao dung với những anh chị em chưa sống đúng tư cách của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con tinh thần kiên nhẫn, bao dung của người công dân mới trong Nước Trời. Xin giúp con ghi nhớ và thực hành tinh thần kiên nhẫn, bao dung ấy trong cách ứng xử hằng ngày với những anh chị em chung quanh con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
31 THÁNG BẢY
Ngay Cả Sự Chết Cũng Phục Vụ Cho Sự Sống
Chúng ta nhận thấy Cựu Ước – trong khi nhìn nhận sự có mặt của nhiều loại sự dữ và đau khổ trong đời – đã làm chứng hùng hồn rằng sự khôn ngoan và lòng từ ái của Thiên Chúa (biểu hiện qua sự quan phòng thần linh của Ngài) tất thắng trên mọi sự dữ và đau khổ.
Cảm nhận này được trình bày trong Sách Gióp, cuốn sách xoáy trọn vào chủ đề sự dữ và tiếng kêu ai oán thất vọng. Cuốn sách quan trọng này (về chủ đề sự dữ) đôi khi được thấy như một kiểm nghiệm hùng hồn ‘đo lòng’ người công chính. Nhưng đây chỉ là một khía cạnh phụ thuộc của quyển sách mà thôi. Cốt lõi của quyển sách chính là sự đúc kết vừa rõ ràng vừa công phu của tác giả rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Qua Sách Gióp, chúng ta nắm bắt những giới hạn và bản chất phù du của mọi tạo vật. Chúng ta nhận ra rằng một số hình thức của sự dữ thể lý có thể là do bản chất sa ngã của thế giới gây ra.
Chúng ta cũng ý thức rằng tất cả những gì thuộc vật chất đều ở trong một mối quan hệ hỗ tương gần gũi nhau – như câu nói xưa: “Đây chết thì kia sống”. Như vậy, xét một mức nào đó, ngay cả sự chết cũng phục vụ cho sự sống. Qui luật này cũng không loại trừ con người – vì con người vừa là xác thịt vừa là tinh thần, vừa khả diệt vừa bất tử.
Trong chiều hướng này, những ý tưởng của Thánh Phao-lô càng vén mở các chân trời rộng hơn nữa: “Dù con người bên ngoài chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2Cr 4,16). Rồi ngài nói thêm: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 31/7
Thánh Ignatiô Loyôla, linh mục
Gr 14, 17-22; Mt 13, 35-43.
LỜI SUY NIỆM: “Các môn đệ lại gần và thưa rằng: Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.”
Trong đoạn Tin Mừng này Chúa Giêsu đã giải thích một cách cặn kẻ về cỏ lùng mà kẻ thù gieo trong ruộng lúa tốt, cho các môn đệ hiểu. Điều này đang gợi lên cho mỗi người Kitô hữu chúng ta: trong mỗi lần học giáo lý, hay khi đọc và nghe Lời Chúa, mà bản thân chưa hiểu, chưa biết, chưa rõ, thì cần phải hỏi với những đấng bậc trong Giáo Hội có trách nhiệm giải thích, để mình thông suốt mà sống cho đúng những gì Lời Chúa và Giáo lý của Giáo Hội đòi hỏi và mong muốn.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người trong chúng con có lòng khiêm nhượng và can đảm trong việc học hỏi Giáo lý và Lời Chúa, khi chưa hiẻu, chưa rõ, biết tìm đến những người có trách nhiệm hay là có khả năng để giúp thêm sự hiểu biết cho chúng con.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 31-07: Thánh IGNATIÔ LOYOLA
Linh Mục (1491 – 1556)
Don Inigo Lopez de Recalde sinh khoảng năm 1481 tại miền đồi núi Basque gần làng Azpeytia. Ngài là con út trong số 11 người con của một gia đình quí tộc. Được rửa tội với tên Inigo, một vị thánh Tây Ban Nha dòng thánh Bênêdictô, nhưng sau này Ngài thường dùng tên Ignatiô thành Antiokia. Hồi còn niên thiếu, người giúp việc cho một người bạn quí tộc của một gia đình là Giuan Velasquez. Sau khi Velasquez từ trần, Ngài lại phục vụ bá tước Najera, phó vương miền Navarre. Ngài được giáo dục một cách hời hợt. Thời đó, Ngài chỉ ham chơi, thích những chuyện hào hùng, nhất là những ngày lễ duyệt binh.
Trong cuộc chiến Pháp, Tây Ban Nha tháng năm 1521 quân đội pháp đã vượt núi Pyrênê và tới phong tỏa Pampeluna. Nhiều người đã tính chuyện đầu hàng, nhưng Ignatiô quyết cầm cự. Trong cơn bão tố tại pháo đài Ignatiô bị trúng đạn pháo ở đùi, Ngài được chuyển về lâu đài ỏ Loyola. Nơi dây người ta khám phá ra rằng xương đùi đã bị xếp trật, phải mổ ra và sắp xếp lại. Ngài đã can đảm chịu đựng cơn đau.
Thời gian dưỡng bệnh lâu dài tiếp theo sau đó, không có sách vở gì khác, Ignatiô dùng thời gian để đọc hạnh các thánh. Gương mẫu đời sống các thánh làm mủi lòng Ignatiô. Ngài nói: – Tôi có phải thực hiện điều mà thánh Phaxicô và Dominico đã làm chăng ?
Năm 1522, sau khi bình phục, Ngài đi hành hương kính Đức bà Montserrat. Nơi đây Ngài đã thực hiện cuộc xưng tội trong ba ngày, trao tặng đồ hiệp sĩ cho một kẻ ăn xin, đặt gươm trên bàn thờ Đức Mẹ và tới thành Manresa kế cận để phục vụ trong một nhà thương. Đã một thời Ngài bị nguy hiểm rơi vào một cuộc khổ hạnh quá độ. Ngài Ngài đã thoát hiểm nhờ sự vâng phục hoàn tòan đối với cha giải tội. Chính tại Manresa, Ngài được Thiên Chúa soi sáng, sự soi sáng hứơng dẫn trọn những ngày còn lại của cuộc đời Ngài. Ngài viết cuốn linh thao, trong đó vạch ra những nguyên tắc mà một người công giáo phải theo để “điều khiển đời sống mình” một đời sống nhằm ca tụng Chúa, tôn kính và phụng sự Ngài, để được cứu rỗi. Ngài phác họa một giáo thuyết của mình về sự chọn lựa và đòi hỏi để làm mọi sự để “vinh danh Chúa” (Ad Majorem dei gloriam)
Thánh nhân ở lại Manresa khoảng một năm và từ đó hành hương đi Palestina, trên đường đi có dừng lại ở Roma. Sau khi đã kính viếng các nơi thánh ở Palestina, Ngài trở về Barcelona. Nơi đây, dầu đã 30 tuổi, Ngài vẫn đến trường, ngồi chung ghế với các em nhỏ, để sữa chữa lại kẽ hở trong việc học hành, cho tới khi Ngài có thể dự lớp tại đại học Alcala và Salamanca. Tại cả hai nơi này, đã Ngài bị truy tố ra tòa án tôn giáo và bị tống giam ít ngày. Nhưng cuối cùng giáo thuyết của Ngài đã thắng.
Năm 1528, Ngài bỏ Salamanca đi Paris và Sorbonne. Ngài ở Paris 7 năm, nơi đây Ngài tụ họp được sáu môn sinh đầu tiên. Vào ngày lễ Mông Triệu năm 1534 bảy anh em đã long trọng hiến thân phụng sự Thiên Chúa, khấn giữ đức nghèo khó và trong sạch, tại đền thờ thánh Denis tại Montmartre. Lúc đó, họ dự định đi Giêrusalem và hiến thân cho việc cứu rỗi các linh hồn trong các miền còn ngoại giáo.
Ignatiô trở về Tây Ban Nha. Năm 1535, tu hội đã lên tới 10 người. Họ gặp nhau ở Venitia, định cùng đáp tàu đi hành hương thánh địa. Nhưng tình hình miền Đông Địa Trug Hải không cho phép. Bù lại một số đi Roma, để Ignatiô tại Venitia. Đức giáo hoàng Phaolô III ưu ái tiếp họ. Trở lại Ventia, họ mang theo phép của Đức Giáo hoàng cho Ignatiô và 6 anh em được thụ phong linh mục.
Một năm sau, thấy rằng: không thể tới thánh địa được, Ignatiô kết luận rằng ý Chúa không muốn cuộc hành hương này. Thay vào đó, Ngài đặt tu hội dưới danh hiệu “dòng Chúa Giêsu” dưới quyền xử dụng của toà thánh. Họ đi Roma và Ignatiô dâng thánh lễ đầu tiên ở đầu vào dịp lễ Giáng sinh năm 1538 tại đền thờ Đức Bà cả, Ngài soạn thảo hiến pháp của dòng mới và đến trình diện Đức giáo hoàng Phaolô III. Đức giáo hoàng đã phát biểu khi gặp họ: – Đây là bàn tay Thiên Chúa.
Và trong sắc lệnh Regimini Militantis Ecclesioe, ban hành tháng 9 năm 1540 Ngài đã chính thức công nhận hội dòng. Hội dòng thêm vào đó 3 lời khấn: nghèo khó, vâng lời, trong sạch, lời khấn đặc biệt vâng phục Đức giáo hoàng.
Trong hiến pháp đầu tiên, hội dòng giới hạn con số có 60 tu sĩ. Ignatiô được đồng thanh bầu làm bề trên ngày 7 tháng 4 năm 1541. Luật hạn định tu sĩ vào số 60 được rút lại bởi sắc lệnh của Đức giáo hoàng ngày 15 tháng 3 năm 1543.
Ignatiô khó rời bỏ Roma cho đến cuối đời. Nhưng hội dòng đã lan rộng tới mọi miền trên thế giới, dưới quyền hướng dẫn của Ngài như một phép lạ, khi Ngài từ trần vào ngày 3 tháng 7 năm 1556, hội dòng đã có 12 tỉnh dòng với 101 nhà và gần 1000 phần tử.
Thánh Ignatiô được suy tôn hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
31 Tháng Bảy
Tiếng Kêu Của Ếch
Một vị ẩn sĩ đạo đức nọ nổi tiếng là người có thể sai khiến được thú vật.
Một buổi tối nọ, ông đang tịnh niệm cầu nguyện, một con ếch không biết từ đâu cất tiếng kêu lên inh ỏi. Vị ẩn sĩ cố gắng tập trung ý chí vào lời cầu nguyện để không còn nghe tiếng ếch kêu nữa. Nhưng ông càng cố gắng, tiếng ếch càng kêu to. Không còn tự chế được nữa, vị ẩn sĩ quát lên: “Hãy câm miệng cho ta cầu nguyện được không?”.
Mệnh lệnh đầy uy lực của nhà ẩn sĩ đã bịt miệng được chú ếch. Thinh lặng trở lại với không gian. Nhưng cũng chính lúc đó, nhà ẩn sĩ như nghe vang vọng trong tâm hồn ông một tiếng kêu khác. Ông nghe như có người nói với ông rằng: “Có lẽ Chúa cũng ưa thích tiếng kêu của ếch như lời cầu kinh của ngươi”. Vị ẩn sĩ hỏi vặn lại: “Tiếng kêu của ếch mà cũng làm cho lỗ tai của Chúa vui được sao?”. Tiếng kêu trong tâm hồn ông đáp trả: “Vậy thì ngươi có biết tại sao Chúa tạo ra âm thanh không?”.
Vị ẩn sĩ chợt hiểu được bài học từ trong nội tâm… Ông đến bên cửa sổ và ra lệnh cho chú ếch: “Nào, hãy hát lên đi”. Tiếng kêu của chú ếch vang lên, mấy chú ếch xung quanh cũng hòa theo một nhịp tạo thành một bài ca lúc trầm lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc tha thiết… Ðêm vắng bỗng trở nên vui hơn.
Với sự khám phá trên đây, trái tim của nhà ẩn sĩ bỗng trở nên hài hòa với vũ trụ và lần đầu tiên trong đời, ông hiểu được thế nào là cầu nguyện.
Sự cầu nguyện thường cần phải có một khung cảnh thích hợp. Có một không gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một quãng thời gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một bầu khí đặc biệt dành cho cầu nguyện. Ðó là điều thiết yếu dành cho cuộc sống con người… Ðó là lý do hiện hữu của một bàn thờ nhỏ trong nhà, đó là mục đích của các ngôi thánh đường.
Tuy nhiên, sự cầu nguyện sẽ đánh mất của nó, nếu con người đóng khung nó trong một khung cảnh và bầu khí đặc biệt. Cầu nguyện là một gặp gỡ với Chúa và đồng thời cũng là một giao kết với tha nhân. Thiên Chúa, chúng ta không thể đóng khung trong bốn bức tường vắng lặng của nhà thờ. Con người, chúng ta phải gặp gỡ ngay trên chợ đời.
Thành ra, lời cầu nguyện đích thực phải là lời cầu nguyện mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ lúc nào, bằng tất cả cuộc sống. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện được thốt lên trong thời thuận tiện cũng như không thuận tiện. Lời cầu nguyện đích thực là cả một cuộc sống tuân phục ý Chúa, một cuộc sống hài hòa với tha nhân, một cuộc sống “xin vâng” trong từng phút giây.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 17 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Jer 14:17-22; Mt 13:36-43.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về những hành động mình làm.
Không có một hành động nào con người làm mà không gây ra hậu quả cho cá nhân người đó, cho gia đình, và cho xã hội. Nhiều khi con người nghĩ hành động đó có đáng gì đâu, nhưng nếu họ có thể nhìn thấu suốt tương lai, họ sẽ rùng mình về những hậu quả do hành động đó gây ra. Vì thế, mỗi khi quyết định làm một việc gì, con người cần suy nghĩ khôn ngoan và chín chắn, để đừng gây ra những thiệt hại cho bản thân và cho tha nhân.
Các bài đọc hôm nay muốn cho con người nhìn thấy những thiệt hại do những hành động quá khứ của con người gây ra. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah muốn cho chúng ta học bài học lịch sử. Vì con cái Israel khinh thường Lề Luật và Lời Chúa được phán qua các ngôn sứ, họ đã phải chịu hậu quả là nước mất, nhà tan, Đền Thờ bị phá hủy, và toàn dân bị đem đi lưu đày. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ. Thiên Chúa luôn gieo những sự thiện vào lòng con người để hướng dẫn họ làm điều tốt. Ma quỉ, ngược lại, luôn gieo những sự ác vào lòng con người để thúc đẩy họ làm điều dối trá sai lầm. Con người có tự do chọn lựa để làm theo những gì Thiên Chúa dạy hoặc ma quỉ thúc giục; nhưng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ trong Ngày Phán Xét.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Con cái Israel nhận ra tội lỗi của họ khi phải chịu đau khổ.
1.1/ Chúng con đợi hoà bình nhưng chẳng được may lành chi hết!
Trình thuật hôm nay giả sử chiến tranh đã bùng nổ trên toàn cõi Judah đúng như lời các ngôn sứ Micah và Isaiah loan báo. Ngôn sứ Jeremiah được coi là ngôn sứ của thời lưu đày. Ông đã chứng kiến mọi sự xảy ra như một ứng nghiệm lời Đức Chúa đã tuyên phán qua các ngôn sứ. Toàn thể Judah được ông nhân cách hóa như một cô gái bị đánh nhừ đòn, chỉ còn thoi thóp chờ chết.
Họ phải đương đầu một lúc với hai tai họa kinh khủng là chiến tranh và đói khát: “Tôi bước ra đồng nội: này kẻ chết vì gươm, quay trở lại đô thành: nọ bao người đói lả.” Khi phải đương đầu với những đau khổ, họ nhận ra Thiên Chúa đã thực sự lìa bỏ họ. Trước đây, họ không nghĩ là Thiên Chúa sẽ bỏ họ, sẽ để cho quân thù phương Bắc tới hủy diệt Đền Thờ là nơi cực thánh Ngài cư ngụ; nhưng nay mọi lời các ngôn sứ loan báo đã thành sự thật. Những lời của ngôn sứ Jeremiah trong trình thuật hôm nay chỉ nhắc lại những gì Thiên Chúa đã nói trước qua các ngôn sứ: “Lạy Chúa, phải chăng Ngài đã quyết từ bỏ Judah? Phải chăng Sion khiến lòng Ngài ghê tởm? Vậy cớ sao Ngài đánh phạt chúng con đến vô phương chữa chạy? Chúng con đợi hoà bình nhưng chẳng được may lành chi hết! Mong đến thời bình phục, mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh!”
1.2/ Con cái Israel bắt đầu nhận ra sự thật.
(1) Họ nhận ra tội lỗi của mình: Trước đây, họ nghĩ Thiên Chúa chỉ dọa chứ không làm, họ nghĩ họ sẽ không phải gánh chịu những thiệt hại của những hành động thất nhân ác đức của họ; nhưng giờ đây họ cảm nghiệm thấy hậu quả của mọi tội lỗi, và của những lời Thiên Chúa phán. Họ nhận tội với Ngài: “Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác, và cha ông sai lỗi đã nhiều. Quả chúng con đều đắc tội với Chúa!”
Tuy nhiên, họ nhận ra họ vẫn còn hy vọng vào lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ và các ngôn sứ: Thiên Chúa sẽ bảo vệ và chúc lành, nếu họ biết ăn năn trở lại. Vì thế, họ kêu cầu lên Thiên Chúa: “Vì Danh Thánh, xin Chúa đừng chê bỏ chúng con, đừng rẻ rúng toà vinh hiển của Ngài. Dám xin Ngài nhớ lại, đừng huỷ bỏ giao ước giữa Ngài với chúng con.”
(2) Nhận ra quyền năng của Thiên Chúa: Câu này giả sử vương quốc Judah bị hạn hán. Giống như thời ngôn sứ Elijah, khi con cái Israel giàu có và sung túc vì được mủa, họ không nghĩ tới Thiên Chúa đã chúc lành bằng cách ban mưa thuận gió hòa cho mùa màng của họ. Họ nghĩ là thần Baal đã ban cho hay nhờ sức lực cố gắng mà họ được như thế. Để mở mắt cho con cái Israel, Elijah truyền lệnh đóng cửa trời trong 3 năm, không mưa và cũng chẳng có sương rơi xuống. Hậu quả là mùa màng thất thoát, súc vật lăn ra chết vì không có cỏ, con người cũng bị chết vì đói và khát. Jeremiah cũng tuyên nhận quyền năng của Thiên Chúa khi dân chúng phải đương đầu với đói khát, họ phải nhận ra: “Trong số chư thần của các dân tộc, có thần nào làm được mưa chăng?
Có phải trời đổ được mưa rào, hay chính Ngài, lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng con? Chúng con trông cậy nơi Ngài, vì chính Ngài đã làm ra tất cả những điều đó!”
2/ Phúc Âm: Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.
2.1/ Nghĩa biểu tượng (allegorical) của dụ ngôn cỏ lùng:
Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Rất ít dụ ngôn có nhiều những nghĩa biểu tượng như Chúa Giêsu cắt nghĩa về dụ ngôn cỏ lùng:
+ Kẻ gieo hạt giống tốt: là Con Người, chính Đức Kitô.
+ Kẻ thù đã gieo cỏ lùng: là quỷ thần, những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa.
+ Ruộng: là thế gian. Nhiều người ví thế gian như một bãi chiến trường giữa thiện và ác.
+ Hạt giống tốt: là con cái Nước Trời, những người muốn sống theo sự thật và sự tốt lành.
+ Cỏ lùng: là con cái Ác Thần, những người từ chối sống theo đường lối của Thiên Chúa.
+ Mùa gặt: Như mùa gặt phải đến với nhà nông, Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến với con người. Thợ gặt là các thiên thần.
2.2/ Ngày Tận Thế sẽ xảy đến:
Mục đích của dụ ngôn thường chỉ muốn nói lên một điều chính yếu. Điều chính yếu trong dụ ngôn cỏ lùng là sự hiện diện của quỉ thần trong cuộc sống con người. Chúng cạnh tranh với Thiên Chúa để lôi kéo con người theo chúng; nhưng chúng chỉ có quyền hạn trên con người cho tới Ngày Tận Thế. Trong ngày đó, quỉ thần và con cái của chúng sẽ bị tiêu diệt muôn đời, như lời Chúa Giêsu tuyên bố hôm nay: “Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến Ngày Tận Thế cũng sẽ xảy ra như vậy.”
(1) Số phận của ma quỉ và con cái của chúng: “Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
(2) Số phận của con cái Nước Trời: “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho mọi hành động chúng ta làm. Đừng khinh thường bất kỳ một hành động nào, dù nhỏ mọn đến đâu chăng nữa.
– Nhìn lại lịch sử của nhân loại, của gia đình, và của mỗi người thường xuyên, sẽ giúp chúng ta biết cẩn thận trong việc làm những quyết định. Đừng bao giờ quyết định cách mù quáng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************