Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Bảy Tuần VII Mùa Phục Sinh Năm chẵn
THỨ BẢY TUẦN VII PHỤC SINH
BÀI ĐỌC I: Cv 28, 16-20. 30-31
“Ngài ở lại Rôma, rao giảng nước Thiên Chúa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi chúng tôi đến Rôma, Phaolô được phép ở nhà riêng với người lính canh. Sau ba hôm, ngài mời các đầu mục người Do-thái đến. Khi họ đến, ngài nói với họ: “Thưa anh em, dầu tôi đây không làm điều gì phạm đến dân tộc hay tục lệ tổ tiên, mà tôi đã bị bắt tại Giêrusa-lem và bị nộp trong tay người Rôma. Khi đã điều tra, họ muốn thả tôi vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng người Do-thái chống lại, nên tôi buộc lòng phải nại đến hoàng đế, nhưng không phải là tôi có gì kiện cáo dân tôi. Do đó tôi đã xin gặp anh em và nói chuyện: Chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này”.
Suốt hai năm, ngài trú tại ngôi nhà đã thuê, tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ, không có ai ngăn cấm. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 10, 5. 6 và 8
Đáp: Lạy Chúa, người chính trực sẽ nhìn thấy tôn nhan Chúa (c. 8b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Chúa kiểm soát người hiền đức, kẻ ác nhân, ai chuộng điều ác, thì linh hồn Người ghét bỏ. – Đáp.
2) Trên lũ tội nhân Người làm mưa than đỏ diêm sinh, và phần chén của chúng là luồng gió lửa. Bởi Chúa công minh, nên Người thích chuyện công minh, người chính trực sẽ nhìn thấy thiên nhan. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 16
Alleluia, alleluia! – Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 21, 20-25
“Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi “Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?” Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Còn người này thì sao?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy”. Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: “Nó sẽ không chết”, mà Người chỉ nói: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con”.
Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
04/06/2022 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 7 PS
Ga 21,20-25
NHÂN CHỨNG HÔM NAY
Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. (Ga 21,24)
Suy niệm: Không chỉ viết ra, Gio-an còn dùng cả cuộc đời gắn bó với sứ mệnh tông đồ để làm chứng về Đức Giê-su. Tuy nhiên, lời chứng cứ là một chuyện, nhận biết lời chứng ấy là chuyện khác. Thời nay, những kẻ chống đối Giáo Hội thi nhau khai thác triệt để việc lạm dụng tính dục nơi một số linh mục để tấn công Giáo Hội. Ảnh hưởng cuộc triệt hạ uy tín Giáo Hội, cụ thể là linh mục, lan rộng, khiến một số tín hữu tưởng rằng ra sức đả kích các linh mục là xây dựng Giáo Hội. Theo cha Landry, tội lỗi của một số linh mục gây nên thương tích cho Hội Thánh. Nhưng không vì một Giu-đa phản bội mà quên đi đời sống chứng nhân của Nhóm Mười Một. Các ngài đã rao giảng và sống hết mình vì tình yêu dành cho Đức Ki-tô. Cũng vậy, không vì sự yếu đuối của một số linh mục mà ta lại không thấy đời sống dấn thân với bao hy sinh âm thầm của nhiều linh mục trên thế giới, nhất là các vị đang hiện diện ở những nơi đầy chống đối, hiềm khích. Đời sống các ngài đang làm chứng về Đức Giê-su và chứng đó là chứng thực.
Mời Bạn: Ý thức mình thuộc về Hội Thánh, để thay vì chỉ trích, lên án như kẻ đứng ngoài Hội Thánh, bạn sẽ nhìn vào đời sống các chứng nhân hôm nay và nỗ lực thực thi sứ mạng của mình xây dựng Hội Thánh.
Sống Lời Chúa: Lời cầu nguyện và sự trợ giúp của bạn cần cho các linh mục.
Cầu nguyện: Xin Chúa ban cho các linh mục lòng nhiệt thành chăm lo việc Chúa, sống xứng đáng với phẩm chức thánh. Xin thúc đẩy chúng con cộng tác với các ngài để xây dựng Hội Thánh.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài Đức Giêsu và Phêrô,
còn có người môn đệ được Đức Giêsu thương mến.
Anh đã có mặt trong bữa Tiệc Ly cùng với Phêrô, đã nằm gần Thầy,
và được Phêrô nhờ hỏi Thầy xem ai là kẻ phản bội (13,23-25).
Anh đã đưa Phêrô vào dinh thượng tế khi Đức Giêsu bị bắt (18,15-16).
Anh đã cùng với Phêrô chạy ra ngôi mộ trống lúc ban mai,
nhưng anh chạy nhanh hơn, và tin trước Phêrô (20,3-10).
Khi Phêrô chối Thầy ba lần và không lộ diện nữa (18,17-18.25-27),
thì anh là môn đệ duy nhất đứng gần thập giá Đức Giêsu,
và được Ngài trao Thân Mẫu của mình để làm Mẹ của anh (19:25-27).
Trong lần Đức Giêsu tỏ mình bên bờ hồ Galilê, sau mẻ cá lạ (21,4-7),
anh là người đầu tiên nhận ra Thầy, và nói với Phêrô: “Chúa đó!”
Có vẻ hình ảnh người môn đệ được Chúa thương nổi trội hơn Phêrô.
Dù sao Simon Phêrô đã ba lần tuyên xưng tình yêu trước Thầy,
và ba lần Thầy giao cho anh chăm sóc đoàn chiên như người mục tử.
Thầy còn tiên báo cái chết tử đạo của anh,
và mời anh một lần nữa: “Hãy theo Thầy” (21,19; x. 13,36-37).
Đó là đường đời của Phêrô, một môn đệ và một mục tử.
Nhưng đâu là con đường tương lai của người môn đệ kia?
Phêrô đi theo Đức Giêsu, quay lại, thấy anh này cũng đang đi theo.
“Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” (c. 21).
Đức Giêsu đã không bảo là anh này sẽ không chết,
hay anh còn sống mãi cho đến ngày Ngài quang lâm (c. 23).
Khi cuốn Tin Mừng Thứ Tư được viết xong vào cuối thế kỷ thứ nhất,
thì người môn đệ kia đã qua đời, nhưng không được phúc tử đạo.
Như thế tiếng đồn về câu nói của Đức Giêsu là sai sự thật (c. 22).
Những gì anh để lại cho thế giới là cuốn Tin Mừng Thứ Tư.
“Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.
Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (c. 24).
Người môn đệ này cho chúng ta một lời chứng đáng tin,
vì anh là người đã sống bên Thầy Giêsu, thật gần gũi.
Anh đã mắt thấy tai nghe, và có kinh nghiệm thân thiết với Thầy.
Không hẳn anh đích thân cầm bút viết cuốn Tin Mừng này,
nhưng anh lại chính là tác giả của mọi điều được viết trong đó.
Tất cả là kinh nghiệm riêng tư anh đã trải qua với Thầy Giêsu,
và những suy niệm lâu dài dưới ánh sáng Phục sinh và Thánh Thần.
Người môn đệ này còn là người sáng lập một cộng đoàn tín hữu.
Cộng đoàn ấy được ám chỉ qua đại từ “chúng tôi” (c. 24; x. 1,14.16).
Một người trong cộng đoàn đã viết chương cuối này (c. 25: “tôi”).
Ai là người môn đệ được Đức Giêsu thương mến?
Nhiều người nghĩ anh là Gioan, nhiều người lại nghĩ khác.
Dù sao anh thật là một môn đệ lý tưởng cho chúng ta.
Điều anh để lại cho đời trong cuốn Tin Mừng là điều anh xác tín.
Anh là nhân chứng đáng tin cậy của Đức Kitô, Con Thiên Chúa.
Đúng anh là người được Thầy yêu và là người đã hết lòng yêu Thầy.
Cầu Nguyện
Lạy Thiên Chúa của đời con,
chỉ trong tình yêu con mới tìm thấy Chúa.
Trong tình yêu, các cánh cửa hồn con mở tung,
để con được thở không khí tự do tươi mới
và quên đi cái tôi nhỏ mọn của mình.
Trong tình yêu, toàn bộ con người con vươn ra khỏi
những ranh giới cứng nhắc của óc hẹp hòi
và của thái độ tự khẳng định đầy bất an
khiến con bị giam mình trong sự nghèo nàn và trống rỗng.
Trong tình yêu, mọi sức mạnh của hồn con tuôn chảy về Chúa,
chẳng bao giờ còn muốn quay trở lại,
nhưng chỉ muốn mất mình trọn vẹn trong Chúa,
vì qua tình yêu, Chúa là trung tâm sâu nhất của lòng con,
Chúa gần con hơn cả chính con gần con.
Nhưng khi con yêu Chúa,
khi con tìm cách phá vỡ vòng vây chật hẹp của cái tôi, và vứt bỏ sau lưng
nỗi khắc khoải không nguôi về những câu hỏi còn bỏ ngỏ,
khi đôi mắt mù lòa của con không còn chỉ nhìn từ xa và từ bên ngoài
ánh rạng ngời không thể lại gần được của Chúa,
và hơn nữa, lạy Chúa là Đấng vô phương thấu hiểu,
khi qua tình yêu, Chúa trở nên trung tâm sâu nhất của đời con,
khi ấy con mới có thể chôn mình hoàn toàn trong Chúa,
lạy Thiên Chúa nhiệm màu,
và chôn mọi câu hỏi của con cùng với con.
Karl Rahner, S.J.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG SÁU
Một Quá Trình Suy Tư Chậm Rãi
Chúng ta có cơ sở Thánh Kinh để xem con người như một ngã vị duy nhất, và đồng thời như một luỡng diện gồm hồn và xác. Quan điểm này đã được trình bày trong toàn bộ truyền thống và trong giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn này bao gồm không chỉ Thánh Kinh mà cả những chú giải thần học về Thánh Kinh nữa.
Sự nhận hiểu này đã phát triển dưới ảnh hưởng của một số trường phái tư tưởng Hi lạp – trong đó có trường phái Aristôte. Một tiến trình suy tư chậm rãi đã đạt đến một mức tròn đầy nơi các tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô. Chúng ta nhận thấy điều này trong các tuyên bố về con người tại Công Đồng Vienne vào năm 1312. Trong các văn kiện Công Đồng, linh hồn được gọi là “mô thức” của thân xác: “mô thức của thân xác con người, bởi chính nó và một cách thiết yếu” (DS 902). “Mô thức” này ấn định chính bản chất của hữu thể con người và nó có bản tính thiêng liêng. Xa hơn nữa, mô thức thiêng liêng ấy của con người – tức linh hồn – thì bất tử. Điều này đã trở thành giáo huấn chính thức của Công Đồng La-tê-ra-nô V năm 1513: “Linh hồn thì bất tử, trái lại, thân xác thì khả diệt” (DS 1440).
Trường phái suy tư do Thánh Tôma Aquinô đặt nền móng cũng dạy rằng do bởi tính hiệp nhất trong bản thể giữa xác và hồn, nên sau khi chết linh hồn mãnh liệt hướng đến tái hiệp nhất với thân xác. Và quan điểm thần học này được củng cố bởi chân lý mạc khải về sự phục sinh của thân xác.
Ngay cả dù các thuật ngữ triết học mà chúng ta dùng để diễn tả tính duy nhất và tính phức hợp (hay lưỡng diện) của con người có thể bị chất vấn lúc này lúc khác, thì tính duy nhất của ngôi vị con người và tính lưỡng diện (tinh thần – xác thể) của nó cũng hoàn toàn có nền tảng trong Thánh Kinh và trong truyền thống. Người ta thường cho rằng con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” bởi vì con người có khía cạnh “hồn”. Tuy nhiên, giáo huấn truyền thống không hề loại trừ quan điểm rằng thân xác cũng tham dự vào phẩm giá “hình ảnh của Thiên Chúa” – cũng như nó tham dự vào trọn vẹn phẩm giá của ngôi vị xét như cả tinh thần lẫn xác thể.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 04/6
Cv 28, 16-20. 30-31; Ga 21, 20-25.
LỜI SUY NIỆM: “Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Chúa Giêsu thương mến đi theo sau… Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Đức Giêsu: Thưa Thầy, còn anh này thì sao?”
Tông Đồ Phêrô sau khi đã trả lời ba lần với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, con yêu mến Thầy”. Và Chúa Giêsu đã mời gọi Phêrô: “Hãy theo Thầy.”. Điều này đã trở thành niềm ao ước của mỗi một Kitô hữu trong chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn mang tâm tình yêu mến Chúa và được sống trong tình yêu của Chúa, để chúng con sống chu toàn sứ vụ và bổn phận của chúng con trong môi trường mà Chúa đã đặt để chúng con.
*****************************
LỄ CHIỀU:
LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG:
St 11, 1-9; Rm 8, 22-27; Ga 7, 37-39.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sông”.
Chúa Giêsu, Người mời gọi tất cả những ai đến với Người, họ sẽ lãnh nhận Ân sủng một cách nhưng không; Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta sự sống của Ngài, Nhờ Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào linh hồn chúng ta để chữa trị nó khỏi tội lỗi, và thánh hoá nó; Đó là ơn thánh hoá hay ơn thần linh hoá, được lãnh nhận trong Bí tích rửa Tội. An sủng này là nguồn mạch của công trình thánh hoá trong chúng ta.” (GL 1999).
Lạy Chúa Giêsu. Tất cả chúng con đều đã được tạo dựng mới trong Chúa, và ơn ban của Chúa Thánh Thần. Xin Chúa giúp sức cho chúng con, luôn sống với lời cầu nguyện, và hành động vì tình yêu của Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
04 Tháng Sáu
Bóng Tối
Raoul Follereau đã thuật lại một câu chuyện về một người phong cùi như sau: Từ nhiều năm qua, ông ta sống chui rúc trong căn lều tối tăm của ông. Xa tránh ánh sáng, đôi mắt ông đã trở thành mù lòa. Bóng tối trên đôi mắt đã đành, ông còn tự giam hãm bóng tối của tâm hồn. Người đàn ông như đang tự chôn vùi mình trong chính đáy mồ của ông… Mỗi ngày, có một nữ tu đến để tẩy rửa và băng bó các vết thương cho ông. Ông chấp nhận cho người nữ tu săn sóc, vì nghĩ rằng ít nhất người nữ tu cũng nở được nụ cười mãn nguyện.
Ngày tôi đến thăm, người nữ tu cho tôi biết rằng người đàn ông đã không bao giờ muốn ra khỏi căn lều tối tăm của mình… Tôi tiến lại gần con người khốn khổ ấy và đưa cánh tay ra mời mọc. Tôi nắm lấy cánh tay của ông và dìu ông đứng dậy. Chúng tôi ra khỏi căn lều tăm tối.. Vừa đến bên cánh cửa nơi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua, người đàn ông dã có một thái độ mà mãi mãi tôi không bao giờ có thể quên được. Ra khỏi căn lều, đứng giữa ánh sáng, ông hô lên một tiếng kêu lớn: “Tôi thấy!”
Kể từ khi bóng tối của bệnh phong cùi ụp phủ xuống trên cuộc đời, thì đây là lần đầu tiên, người bệnh mới cảm nhận thực sự có ánh sáng xung quanh mình. Lấy tất cả sức lực còn lại, người đàn ông thét lên với cây cỏ, với núi non, với trời cao, với tất cả mọi người: Tôi thấy! Tôi thấy!
Có những người tự giam mình trong bóng tối. Có những người bị người khác đầy ải vào trong bóng tối…
Vô tình hay hữu ý, có lẽ chúng ta cũng đã xô đẩy không biết bao nhiêu người vào trong bóng tối. Một cuộc sống thiếu chứng tá, một khước từ giúp đỡ: đó có thể là những hành động xô đẩy người khác rơi vào bóng tối, chúng ta cũng tự giam mình vào bóng tối hay giảm bớt cường độ ánh sáng trong chúng ta…
“Các con là ánh sáng thế gian”. Lời của Chúa Giêng nói lên bản chất của người Khô. Người Kitô chỉ là Khô khi họ là ánh sáng thế gian… Ánh sáng không thể sáng soi nữa, ánh sáng ấy sẽ trở thành tăm tối.
Hãy chiếu ánh sáng bằng những việc làm của ánh sáng. Một cuộc sống đầy gương sáng, một lờ nói nâng đỡ ủi an, một nụ cười thông cảm, một bàn tay đưa ra để dìu dắt, để đồng hành: đó là bao nhiêu việc làm của ánh sáng mà bao nhiêu người đang chờ đợi nơi chúng ta. Và chúng ta cũng tin rằng, một ánh lửa càng được chia sẻ, thì càng sáng lên…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy – Tuần VII – PS
Bài đọc: Acts 28:16-20, 30-31: Jn 21:20-25.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Mùa Phục Sinh sẽ kết thúc sau ngày hôm nay, để đón mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ngày Chủ Nhật, và sau đó tiếp tục tuần 9 mùa Thường Niên, bắt đầu ngày thứ hai.
Các Bài Đọc hôm nay đều rút ra từ chương cuối cùng của hai Sách: Công Vụ Tông Đồ và Tin Mừng Gioan mà chúng ta đã nghe suốt từ ngày đầu của Mùa Phục Sinh cho tới giờ. Đây là cơ hội thuận tiện để chúng ta nhìn lại hai Sách này và rút ra những điểm thần học chính yếu từ đấy. Mục đích của Sách CVTĐ là tường thuật sự thành hình của Giáo Hội qua sự rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, bắt đầu từ Jerusalem, đến khắp vùng Judea và Samaria, rồi cho đến tận cùng trái đất (Acts 1:8). Vì mục đích này mà thánh-sử Lucas chấm dứt Sách CVTĐ khi Phaolô đặt chân tới Rôma và bắt đầu rao giảng Tin Mừng trong trình thuật hôm nay. Rôma được coi là trung tâm của thế giới, một khi Tin Mừng đạt tới trung tâm của thế giới là có thể lan ra đến tận cùng trái đất. Trong cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng từ Jerusalem đến Roma, niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến đổi các Tông-đồ và các môn đệ, từ những người nhát đảm sợ sệt thành những người can đảm, lợi khẩu, dám đương đầu với mọi quyền lực, và vượt qua mọi khó khăn để làm chứng cho Tin Mừng. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh cũng biến đổi Phaolô, từ một người hăng say bắt đạo đến chỗ thành một người nhiệt thành rao giảng đạo, qua 3 cuộc hành trình đầy khó khăn, cam go, nguy hiểm.
Mục đích của Tin Mừng Gioan là tường trình những biến cố chính và quan trọng liên quan tới Chúa Giêsu, để khơi dậy niềm tin nơi khán giả; và vì niềm tin, họ được hưởng Ơn Cứu Độ. Đoạn kết của Tin Mừng hôm nay nói rõ: “Chính môn đệ này (Gioan) làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” Hai điều thần học quan trọng chúng ta nghe nhắc đi nhắc lại trong suốt Mùa Phục Sinh là tình yêu Thiên Chúa và lời hứa ban Thánh Thần: Để có thể rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu, hai điều này không thể thiếu nơi người rao giảng, và được ban cho từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô.
Điểm quan trọng của mỗi ngày là Giáo Hội cố gắng sắp xếp song song, giữa những gì Chúa Giêsu nói hay những biến cố liên quan đến Ngài trong Phúc Âm, với những gì các môn đệ nói hay những biến cố liên quan tới các ông, để làm nổi bật một chủ đề hay hoàn thành lời hứa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô làm chứng cho Chúa Giêsu tại Roma.
1.1/ Phaolô tập họp các tín hữu tại Rôma để cho họ biết tình trạng của ông: Khi tới Rôma, ông Phaolô được phép ở nhà riêng cùng với người lính canh giữ ông. Ba ngày sau, ông mời các thân hào Do-thái đến. Khi họ đã tới đông đủ, ông nói với họ: “Thưa anh em, tôi đây, mặc dầu đã không làm gì chống lại dân ta hay các tục lệ của tổ tiên, tôi đã bị bắt tại Jerusalem và bị nộp vào tay người Rôma.”
Giống như trường hợp của Chúa Giêsu, mặc dù quan Philatô không nhận thấy Chúa Giêsu làm điều gì đáng chết cả; nhưng những người Do-thái vẫn muốn xin Philatô cho đóng đinh Chúa vào Thập Giá. Trường hợp của Phaolô cũng thế, Phaolô tâm sự với giáo đoàn Rôma: “Sau khi điều tra, họ muốn thả tôi, vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng vì người Do-thái chống đối, nên bó buộc tôi phải kháng cáo lên hoàng đế Caesar; tuy vậy không phải là tôi muốn tố cáo dân tộc tôi. Đó là lý do khiến tôi xin được gặp và nói chuyện với anh em, bởi chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này.”
1.2/ Phaolô tiếp tục rao giảng Tin Mừng trong khi bị giam cầm: “Suốt hai năm tròn, ông Phaolô ở tại nhà ông đã thuê, và tiếp đón tất cả những ai đến với ông. Ông rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giêsu Kitô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào.”
Phaolô chứng minh mặc dù ông bị giam cầm, nhưng Lời Chúa không bị xiềng xích. Ông đã có thể loan báo Tin Mừng ngay trong ngục tù cho những lính cai tù thay phiên nhau canh gác ông trong suốt hai năm; tranh luận để thuyết phục những người Do-thái; và viết các Thư Ngục Tù để yên ủi và khích lệ các tín hữu của các cộng đoàn mà ông đã thành lập. Đi tới đâu ông luôn tìm dịp để Lời Chúa được thấm nhập tới đó.
2/ Phúc Âm: Phần anh, hãy theo Thầy!
2.1/ Phêrô muốn biết số phận của người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến: Khi Phêrô quay lại và nhìn thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau (ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?”), ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.”
Chúa Giêsu mời gọi các ông luôn nhìn thẳng tới phía trước và cố gắng hoàn thành trọng trách Chúa trao phó; chứ đừng phí thời giờ nhìn chung quanh để so sánh hay ghen tị với người khác. Khi nghe Chúa Giêsu nói thế, các môn đệ đồn thổi giữa các ông là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: “Anh ấy sẽ không chết,” mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?”
2.2/ Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến làm chứng cho Chúa Giêsu: Có nhiều giả thuyết về “người môn đệ Chúa Giêsu thương mến:” Có người cho là tác giả của Sách Tin Mừng không muốn chỉ rõ là ai, nhưng để độc giả có thể đặt tên mình vào đó; nhưng đa số đều cho đó là Gioan. Nhất là theo trình thuật hôm nay, khi Phêrô nói rõ là người môn đệ đã ngả đầu vào ngực Chúa trong Bữa Tiệc Ly.
Mục đích Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ và các môn đệ là cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu. Có nhiều cách làm chứng khác nhau, nhưng Gioan làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cách viết sách Tin Mừng để làm chứng cho những gì Chúa đã nói và làm. Tác giả xác tín: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh phải là bổn phận quan trọng hàng đầu của những người môn đệ Chúa. Bao lâu Tin Mừng chưa được rao giảng cho đến tận cùng trái đất, chúng ta chưa làm tròn bổn phận Chúa trao.
– Phải tìm dịp rao giảng Tin Mừng mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi hoàn cảnh: khi thuận tiện cũng như lúc bất tiện. May mắn hơn Phaolô và các môn đệ thuở ban đầu, với kỹ thuật hiện đại, chúng ta có thể ngồi nhà và rao truyền Tin Mừng cho mọi người qua mạng internet.
– Sống trong tình yêu Thiên Chúa và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần là hai điều kiện không thể thiếu để việc rao giảng Tin Mừng được bền bỉ và có kết quả tốt đẹp.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************