Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Bảy Tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Pl 4, 10-19
“Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, tôi rất vui mừng trong Chúa vì sự săn sóc của anh em đối với tôi đã sinh hoa kết quả: anh em đã nghĩ tới vấn đề đó từ lâu rồi nhưng anh em không có dịp tỏ bày ra. Tôi nói thế không phải vì sự túng thiếu của tôi, vì chưng tôi đã học tập để tự túc trong mọi hoàn cảnh. Tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.
Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ mọi quẫn bách của tôi. Này anh em, người thành Philipphê, anh em cũng đã thừa biết là ngay lúc bắt đầu rao giảng Tin Mừng, khi tôi rời bỏ Macêđônia, không một giáo đoàn nào đã đóng góp vào sổ chi tiêu của tôi, trừ một mình anh em mà thôi: vì một đôi lần, anh em đã gửi đồ về thành Thêxalônica cho tôi dùng. Không phải tôi cầu ơn cầu nghĩa gì, nhưng tôi cầu cho vốn liếng anh em được sinh hoa kết quả dồi dào. Hiện tôi có đủ mọi sự và có dư thừa: tôi đã được đầy đủ sau khi nhận lãnh những tặng vật anh em nhờ Êpaphrôđitô gửi đến, là hương thơm ngạt ngào, là lễ vật được Thiên Chúa vui lòng chấp nhận.
Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh quang của Người, trong Đức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 111, 1-2. 5-6. 8a và 9
A+B=Phúc đức thay người tôn sợ Chúa (c. 1a).
Xướng:
1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Đất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. – Đáp.
2) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. – Đáp.
3) Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi. Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. – Đáp.
ALLELUIA: Ep 1, 17-18
-Xin Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 16, 9-15
“Nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao của chân thật cho các con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con.
“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Những người biệt phái là những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. Vậy Người bảo các ông rằng: “Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông; bởi chưng điều gì cao sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
05/11/2022 – THỨ BẢY TUẦN 31 TN
Lc 16,9-15
TRUNG TÍN
“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16,13)
Suy niệm: Trung tín là đức tính cao đẹp của con người, giúp người ta một khi đã quyết tâm thì kiên định, một lòng một dạ với điều mình đã cam kết. Hơn nữa, đức trung tín còn cao quý vô song vì đó là thuộc tính của Thiên Chúa, được diễn tả qua việc Ngài kiên vững trong lời của Ngài, trong tình yêu giao ước Ngài thiết lập với dân mà Ngài đã tuyển chọn (x. Từ điển Công Giáo, tr.933). Thế nhưng, như câu tục ngữ “nén bạc đâm toạc tờ giấy” cho thấy, đồng tiền có một thế lực mạnh mẽ khiến nhiều kẻ dễ dàng trở mặt bất trung; Chúa Giê-su cho biết thế lực của “Tiền Của” còn ghê gớm hơn, nó trở thành một thứ ngẫu tượng, khiến người ta dễ dàng bất trung với cả Thiên Chúa để coi tiền của như chúa của mình.
Mời Bạn: Khi lãnh nhận phép Rửa, chúng ta đã tuyên hứa quyết tâm từ bỏ cám dỗ của tội lỗi và ma quỷ. Thế nhưng, là con người yếu đuối, chúng ta vẫn dễ rơi vào cám dỗ của tiền bạc mà quên đi Thiên Chúa là Chủ đời mình. Nhưng, bạn có biết không? Dù chúng ta không trung tín với Thiên Chúa, Ngài vẫn một lòng trung tín với chúng ta (x. 2Tm 2,13). Bởi vì Ngài vẫn một lòng yêu thương chúng ta.
Sống Lời Chúa: Tôi quyết trung tín trong việc bổn phận rất nhỏ để có thể trung tín trong việc lớn (x. Lc 16,10).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn trung tín với Chúa, quyết nói không với tiền của, và đặc biệt là trung tín trong việc thánh hoá ngày Chúa Nhật để thờ phượng Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Khi muốn nói đến sức mạnh của đồng tiền
người ta thường nói: đồng tiền là tiên là phật…
Đức Giêsu còn nói mạnh hơn nữa:
đồng tiền còn có thể là chúa của con người, bắt con người làm tôi.
Ngay cả các kitô hữu, những người đã thuộc về Thiên Chúa,
và chỉ muốn phụng sự một mình Ngài,
cũng bị cám dỗ để đi hàng hai, bắt cá hai tay.
Họ nghĩ mình có thể làm tôi đồng thời cả Thiên Chúa lẫn Tiền Của,
nhờ đó được cả đời sau lẫn đời này.
Đức Giêsu cho thấy điều đó chỉ là một ảo tưởng (c. 13).
Phải chọn một trong hai, vì không thể yêu và gắn bó với cả hai.
Tôi muốn phục vụ ai bây giờ? Thiên Chúa hay Tiền Của?
Lúc đầu hẳn nhiên tôi muốn Tiền Của phục vụ tôi.
Nhưng sau đó Tiền Của trở thành một vị chúa bắt tôi làm nô lệ.
Mamôn (Tiền Của) trong tiếng Do-thái cổ
có thể có nghĩa là điều mà ta cậy dựa.
Khi Tiền Của trở thành chỗ dựa vững chắc và bảo đảm cho tôi,
nó sẽ chiếm lấy chỗ của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta thực sự yêu mến và gắn bó với Thiên Chúa,
thế nào chúng ta cũng phải ghét bỏ và khinh dể Tiền Của (c. 13),
nghĩa là dứt khoát đặt nó dưới Thiên Chúa.
Thánh Phanxicô Assisi đã trả lại bộ quần áo đang mặc cho người cha.
Thánh Inhaxiô Loyola đã đổi bộ đồ quý phái cho một người ăn xin.
Bước đường theo Chúa của các bậc thánh nhân
thường bắt đầu bằng hành vi từ bỏ mọi vướng víu vật chất.
Người thanh niên giàu có cũng được mời bán tất cả để cho kẻ nghèo.
Thắng được cám dỗ của vật chất và tiền bạc, là một thách đố lớn
cho mọi cá nhân và tập thể, đạo cũng như đời.
Chúng ta vẫn có nguy cơ thờ lạy Mamôn, ngẫu tượng của mọi thời đại.
Làm sao để tiền của trở nên đầy tớ của chúng ta,
để ta có thể sử dụng nó như đường vào Nước Trời?
Bill Gates, người giàu nhất thế giới vào năm 2009 với tài sản 40 tỷ đô.
Ông đã nghỉ điều hành công ty Microsoft từ năm ngoái,
để cùng vợ dành nhiều thời gian hơn cho việc xây dựng quỹ từ thiện.
Quỹ hàng chục tỷ đô này đã giúp người nghèo, bệnh nhân ở khắp nơi,
và Bill Gates biết cách làm cho quỹ này lớn thêm mãi.
Dù không phải là một kitô hữu đi lễ mỗi sáng Chúa Nhật,
nhưng ông cho ta hình ảnh của một người không quá bám vào của cải.
Kitô hữu không hẳn phải là người khố rách áo ôm,
nhưng chắc chắn phải là người siêu thoát với sức hấp dẫn của tiền bạc.
Trung tín trong việc rất nhỏ, và trong việc sử dụng của cải của tha nhân,
đó là điều Đức Giêsu nhắn nhủ ta khi sống trong nền kinh tế thị trường.
Làm sao để Thiên Chúa, chứ không phải Tiền Của, thực sự làm chủ đời ta?
Cầu nguyện
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI MỘT
Giáo Xứ Là Một Gia Đình Aám Tình Huynh Đệ
Con người hiện đại thường mất hướng và đi lạc trong việc tìm kiếm tình bạn đích thực. Đời sống gia đình và xã hội chúng ta thường hoặc quá hời hợt hoặc bị nát vụn do những đổ vỡ. Môi trường làm việc thì thường rơi vào tình trạng phi nhân hóa. Con người hôm nay khát khao cảm nghiệm một cuộc gặp gỡ đích thực với người khác, khát khao một tình bạn ấm áp thực sự.
Đấy không phải chính là ơn gọi của một giáo xứ đó sao? Chúng ta không được mời gọi để trở thành một gia đình nồng ấm tình huynh đệ đó sao? (CT 67). Chúng ta không phải là những anh chị em gắn bó với nhau trong gia đình của Thiên Chúa qua đời sống cộng đoàn của chúng ta đó sao? (LG 28). Giáo xứ của bạn không chủ yếu là một cơ cấu, một khu vực địa lý hay một cơ sở nào đó. Tiên vàn giáo xứ là một cộng đoàn các tín hữu. Giáo Luật mới đã định nghĩa về giáo xứ như thế (GL 515, 1). Bổn phận của một giáo xứ hôm nay là: trở thành một cộng đoàn, khám phá lại căn tính của mình trong tư cách là một cộng đoàn. Chỉ một mình bạn thôi, chưa đủ để bạn làm Kitôhữu. Làm một Kitô hữu có nghĩa là tin và sống đức tin của mình cùng với những người khác. Vì tất cả chúng ta đều là những chi thể của Thân Mình Chúa Kitô.
Nhưng bằng cách nào một cộng đoàn được sinh ra? Cần phải ghi nhận rằng không phải dễ dàng tạo lập một cộng đoàn. Tự bản chất, cộng đoàn có nghĩa là hiệp thông. Dù rằng trong tư cách là đại diện của giám mục, linh mục đóng một vai trò thiết yếu, nhưng chỉ với vai trò của linh mục mà thôi thì không đủ để cho mối hiệp thông lớn lên. Cần phải có sự dấn thân của mọi thành viên trong giáo xứ. Mỗi sự đóng góp của các thành viên đều hết sức quan trọng. Công Đồng Vatican II đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đoàn và vai trò nòng cốt của người giáo dân. (LG 32-33; AA 2-3)
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 05/11
Pl 4, 10-19; Lc 16, 9-15.
Lời Suy Niệm: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”
Chúa Giêsu đang đòi hỏi mỗi người chúng ta phải đứt khoát chọn lựa giữa Thiên Chúa hay là Tiền Của. Ai là chủ của mình mà mình yêu mến và phục vụ hết minh. Khi đã phục vụ Chúa thì không thể nào là một công việc bán thời gian; hay chỉ những giờ rảnh rỗi. Nhưng phải tích cực hết sức lực và khả năng mà Chúa đã ban cho.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con là con cái của Chúa; Chúa yêu thương chúng con và cứu độ chúng con. Xin cho chúng con luôn trung tín trong việc yêu mến và tôn thờ Chúa trên hết mọi sự.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
05 Tháng Mười Một
Chiếc Quan Tài Con
Tại chùa Tô Châu bên Tàu có một nhà sư tên gọi là Viên Thủ Trung, nổi tiếng là tu hành đắc đạo.
Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 3 tấc, có một cái nắp đậy, mở được. Khách đến chơi trông thấy thường tò mò tra hỏi, nhà sư trả lời: “Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời, chẳng biết đến cái chết là gì… Mỗi khi có việc không được như ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên ổn trong tâm hồn ngay”.
Con người sở dĩ chạy theo tiền tài danh vọng đến độ chà đạp trên người khác là bởi vì con người không nghĩ đến cái chết đang rình rập sau lưng. Khi tử thần xuất hiện, thì con người không kịp mang theo bất cứ một tài sản nào. Cái chết chỉ trở thành đáng sợ khi con người còn quá nhiều dính bén đối với trần thế này. Trái lại, được ôm ấp suy gẫm mỗi ngày, cái chết sẽ trở thành một người bạn đồng hành giúp con người vượt qua được mọi chán chường, bận tâm thái quá… Trong tất cả mọi sự, người không ngoan đích thực luôn nghĩ đến cùng đích.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy – Tuần 31 – TN2
Bài đọc: Phil 4:10-19; Lk 16:9-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết cách xử dụng tiền của
Tiền của là con dao hai lưỡi: nếu biết xử dụng, nó sẽ sinh ích trở lại cho chủ nhân; nếu không biết xử dụng, nó có thể làm cho chủ nhân mất tất cả, ngay mạng sống đời này và cuộc sống đời sau. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô khen các tín hữu Philipphê biết xử dụng tiền của để chia sẻ tình thương với ngài và sinh ích cho việc truyền giáo. Thiên Chúa sẽ ban muôn ơn cho họ vì đã biết dùng những của cải Ngài ban. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chỉ dạy cho biết cách xử dụng tiền của để sinh những lợi ích thiêng liêng. Ngài cảnh cáo thái độ làm tôi hai chủ, thái độ coi Thiên Chúa ngang hàng với những nhu cầu vật chất.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Biết dùng tiền của Chúa ban để sinh lợi ích cho mình và tha nhân.
1.1/ Thánh Phaolô khen các tín hữu Philipphê biết dùng tiền của. Ngài khen họ:
– không phải vì ngài cần tiền, vì ngài nói rõ với họ: “Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả… Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.”
– nhưng vì lòng yêu mến của họ dành cho ngài được biểu tỏ qua sự chăm sóc: “Nhờ Chúa, tôi rất vui mừng vì cuối cùng thấy tình cảm của anh em đối với tôi lại thắm thiết. Tình cảm đó vẫn sống động, nhưng anh em chỉ thiếu dịp tỏ ra… Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải.”
1.2/ Các tín hữu Philipphê nhận ra những lợi ích họ đã nhận được từ Thánh Phaolô:
– Nhiều người nhận ơn nhưng không mấy kẻ biết và trả ơn: Thánh Phaolô đã thành lập nhiều giáo đòan và ngài đã dành tình thương cho tất cả các giáo đòan, nhưng Giáo đòan Philipphê là giáo đòan duy nhất tình nguyện giúp đỡ Thánh Phaolô, và ngài cám ơn tình thương của họ dành cho ngài: “Chính anh em, những người thành Philípphê, anh em biết là trong giai đoạn tôi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, lúc rời khỏi Macêđônia, không một Hội Thánh nào đã đóng góp vào các khoản chi thu của tôi, chỉ có anh em thôi; bởi vì ngay khi tôi còn ở Thessalônica, đôi lần anh em đã gửi cho tôi những gì tôi cần dùng.”
– Thiên Chúa đòi các tín hữu phải giúp các nhà truyền giáo vì họ đã nhận được những ơn lành Ngài ban cho họ qua các nhà truyền giáo. Con người dễ nhận ra những lợi lộc vật chất hơn là những ơn lành thiêng liêng. Ví dụ: đức tin là quà tặng vô giá mà Thiên Chúa ban cho con người qua việc rao giảng Tin Mừng của các nhà truyền giáo; vì những lợi ích do đức tin đem tới không phải chỉ ở đời này mà còn giúp cho con người đạt tới kết quả mai sau. Vì có đức tin, nên con người có thể sinh hoa trái dồi dào, và hoa trái đầu tiên là những công việc từ thiện. Thánh Phaolô chỉ cho các tín hữu thấy điều này: “Điều tôi tìm kiếm không phải là quà tặng, mà là những gì sinh hoa kết quả dồi dào cho anh em.”
1.3/ Của dâng cho Thiên Chúa sẽ được Ngài chấp nhận và ban trở lại gấp trăm: Của cải là của Thiên Chúa trao ban cho con người xử dụng. Nếu con người biết xử dụng như các tín hữu Philipphê, chúng sẽ trở thành của lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa và được Ngài vui lòng chấp nhận. Thiên Chúa sẽ không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người, Ngài sẽ ban lại cho người dâng gấp ngàn lần, như Thánh Phaolô cầu nguyện cho các tín hữu: “Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu.”
2/ Phúc Âm: Hãy học cho biết cách dùng tiền của đời này.
2.1/ Biết dùng tiền của: Người biết dùng tiền của sẽ không tiêu xài hoang phí vào những việc không cần thiết, nhưng biết dùng tiền để sinh ích lợi cho chính mình và cho người khác như:
(1) dùng tiền của để trau dồi các tài năng cần thiết cho cuộc sống như sách vở, học hành; hay có thể cho những người cần dùng nó bằng cách cung cấp học bổng hay các công trình nghiên cứu có lợi cho gia đình nhân lọai.
(2) dùng tiền của để giúp đỡ người nghèo khó: Tin Mừng Matthêu, chương 25 dạy: Những gì chúng ta làm cho những người khốn khổ là làm cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng tái xác nhận điều này: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.”
2.2/ Hãy chứng tỏ lòng trung tín với Thiên Chúa qua việc dùng tiền của: Cuộc đời là bãi chiến trường để học hỏi và thử nghiệm, nó cũng là dịp để Thiên Chúa đánh giá con người:
– qua sự trung tín trong việc nhỏ: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.”
– qua sự trung tín trong việc dùng những của cải bất chính: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?”
– qua sự trung tín trong việc dùng của cải người khác: của đau con xót, con của mình đau hơn con của người: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?”
2.3/ Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ: Không giống như thời đại ngày nay, người nô lệ hay gia nhân thời xưa chỉ có thể phục vụ một chủ mà thôi.
Cho dẫu ngày nay con người có thể làm tôi hai chủ, mức độ trung thành với hai chủ không bằng nhau: hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ.
Cũng vậy trong việc phục vụ Thiên Chúa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” Rất nhiều người suy nghĩ ngược lại với Chúa Giêsu: họ nghĩ họ có cách để phục vụ cả hai một lúc. Một ví dụ điển hình là người Pharisêu: “họ vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giêsu.” Có những người vì ham hố kiếm tiền nên đã không còn thời giờ cho Thiên Chúa, ngay cả việc đi tham dự Thánh Lễ ngày Chủ Nhật.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mọi của cải trên đời này là của Thiên Chúa trao ban cho chúng ta để xử dụng. Chúng ta không phải là chủ nhân, mà chỉ là người quản lý.
– Chúng ta phải biết xử dụng của cải Chúa ban đời này để sinh lợi ích cho mình và tha nhân, đồng thời mua lấy những lợi ích đời sau.
– Chúng ta không thể làm tôi hai chủ: vừa mong muốn mọi hưởng thụ đời này vừa mong ước đạt tới Nước Trời mai sau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************