Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Bảy Tuần IV Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Dt 13, 15-17, 20-21
“Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra khỏi cõi chết Đấng nhờ máu giao ước, làm cho anh em xứng đáng thi hành việc thiện”.
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, nhờ Đức Giêsu mà trong mọi lúc, chúng ta luôn luôn hiến dâng cho Thiên Chúa của lễ ngợi khen, tức là hoa quả của miệng lưỡi ta tuyên xưng danh Người. Anh em đừng quên công việc từ thiện và sự tương tế, vì Chúa hài lòng về những của lễ như thế. Anh em hãy vâng lời và tùng phục các vị lãnh đạo anh em, vì chính các ngài canh giữ linh hồn anh em, như những người sẽ phải trả lẽ, để các ngài hân hoan thi hành việc đó, chớ không phàn nàn, vì điều đó không có lợi gì cho anh em. Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra khỏi cõi chết Đấng nhờ máu giao ước vĩnh cửu, trở nên vị Mục tử cao cả, tức là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xin Người làm cho anh em trong các việc thiện, xứng đáng thi hành thánh ý Người, khi Người thực hiện trong anh em điều Người hài lòng, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng được vinh quang đến muôn đời. Amen. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng:
1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. – Đáp.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sỡ dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. – Đáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Đáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng biết Ta”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 6, 30-34
“Họ như đàn chiên không người chăn”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
09/02/2019 – THỨ BẢY TUẦN 4 TN
Mc 6,30-34
NHỊP NGHỈ CỦA SỨ VỤ TÔNG ĐỒ
Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31)
Suy niệm: Sau khi được sai đi đến “các làng mạc loan báo Tin Mừng” (Lc 9,6), các tông đồ trở về bên Chúa Giê-su và kể lại “mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy”. Trên bước đường sứ vụ, có những thành công cũng có những thất bại. Đã thế, các ông còn phải đối diện với đám đông tuốn đến khiến “các ông cũng chẳng có thời giờ ăn uống nữa”. Thế nên Chúa muốn các ông đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi tĩnh tâm nhìn lại chính mình. Dù vậy, tấm mục tử không ngơi nghỉ của Đức Ki-tô như truyền lửa cho các tông đồ: Đứng trước nhu cầu cấp bách của dân chúng, Thầy Giê-su lại chạnh lòng thương, quên sự mệt nhọc của mình, và “Người dạy dỗ họ nhiều điều”.
Mời Bạn: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!” Chúa mời gọi bạn cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài. Nhưng Ngài cũng nhắc bạn “ra nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút.” Đó là hai nhịp đập của trái tim tông đồ, mà muốn giữ cho quân bình, bạn cần được tiếp thêm năng lượng là tấm lòng thương xót của Đức Ki-tô. Bạn có mải mê hoạt động đến nỗi kiệt quệ vì thiếu mất lòng thương xót đó không? Bạn nhớ rằng năng lượng tông đồ được hồi phục sau những hoạt động mệt mỏi là nhờ những giờ phút bạn “lánh riêng ra nơi thanh vắng” để nghỉ ngơi với Chúa.
Sống Lời Chúa: Cho dù có bận rộn công việc đến đâu, bạn vẫn luôn dành thời gian để cầu nguyện mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tình yêu Chúa thôi thúc con đến với người khác dù con mệt mỏi và bận rộn. Xin cho con sẵn sàng lên đường chia sẻ tình thương và những ân ban của Chúa cho họ. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG HAI
Cần Phải Sưu Tầm Và Gìn Giữ Các Kho Tàng Nghệ Thuật
Trong nghệ thuật Kitô giáo, tính nguyên tuyền và tinh khôi của kinh nghiệm tôn giáo đã được diễn tả một cách tuyệt vời qua những tác phẩm vốn có thể được coi là sự thể hiện rạng rỡ của Thánh Thần. Muôn màu muôn vẻ, những tác phẩm này bộc lộ những cảm nghiệm và nhận thức về ơn cứu độ của bao tín hữu xuyên qua các thế kỷ cho đến hôm nay. Chính truyền thống thu thập tất cả những loại hình nghệ thuật đa dạng ấy và chuyển trao cho mọi thế hệ đức tin và niềm hy vọng của Giáo Hội. Nhờ đó, nó có thể được đón nhận, được hiểu và được triển khai trong cuộc sống thực tiễn mỗi ngày của người tín hữu.
Gia sản phong phú được giữ gìn trong đời sống của dân Thiên Chúa được nghệ thuật biểu lộ một cách độc đáo đến nỗi qua đó người ta có thể cảm nhận được giá trị của tâm linh con người, cảm nhận được mối quan hệ sâu thẳm giữa con người và Thiên Chúa, và cảm nhận được cuộc gặp gỡ với Ngôi Lời nhập thể.
Chính trái tim và bàn tay thấm đẫm yêu thương của con người – ở giữa muôn vàn khổ lụy – đã khắc họa nên khuôn mặt của con người trên đường lữ hành trần gian và đã phản ảnh uy phong khôn tả của Đấng Tạo Hóa. Vì thế, chúng ta nghiêng mình trước những bức họa và những bức phù điêu mà kho tàng nghệ thuật Kitô giáo chuyển trao cho chúng ta từ bao thế kỷ.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 09/2
Dt 13, 15-17.20-21; Mc 6, 30-34.
LỜI SUY NIÊM: “Các Tông Đồ tụ họp quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghĩ ngơi đôi chút.”
Khi các Tông Đồ hoàn thành tốt đẹp sứ vụ mà Chúa Giêsu đã giao phó cho các ông, giờ đây họ tụ họp quanh Người để phúc trình với Người. Chúa Giêsu đã lắng nghe với sự quan tâm của Người. Người mời gọi các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghĩ ngơi đôi chút.” Điều này giúp cho mỗi người trong chúng ta sau mỗi lần thực hiện điều gì tốt đẹp, thì cần chuyển cầu lên cùng Chúa; đồng thời cũng biết tìm nơi thánh vắng, giúp cho tâm hồn mình được lắng đọng trong khiêm tốn.
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho chúng con giữ nhịp điệu sống: gặp Chúa để ra đi gặp người anh em, sau khi gặp người anh em, chúng con lại trở về gặp lại Chúa, để chúng con được sống mãi trong tình yêu thương của Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
09 Tháng Hai
Khi Yêu Trái Ấu Cũng Tròn
Ignacy Paderewski là một chính trị gia kiêm nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng của Balan. Ông đã từng là chủ tịch Hội Ðồng Nhà Nước năm 1919.
Một hôm, ông đến thăm một người bạn. Do sự yêu cầu của gia đình người bạn, ông đã ngồi vào đàn dương cầm để biểu diễn một vài bản nhạc do chính ông sáng tác. Tiếng đàn vang lên trong cả khu phố. Từ phòng bên cạnh, một người đàn bà đang chăm chú dọn dẹp và sắp đặt lại trật tự trong nhà. Tiếng đàn du dương của nhà nhạc sĩ đại tài, thay vì làm vui tai bà, lại làm cho bà khó chịu. Người đàn bà đã nhắc điện thoại lên yêu cầu người bạn cho nhạc sĩ Paderewski ngưng chơi đàn, vì bà không chịu nổi tiếng ồn ào. Nhưng người bạn của nhà nhạc sĩ mới giải thích: “Thưa bà, người đang chơi đàn chính là nhạc sĩ Paderewski đại tài của chúng ta đó”.
Vừa nghe nhắc đến tên của nhạc sĩ, người đàn bà láng giềng khó tính bỗng đổi giọng tức khắc. Những âm thanh trước kia bà nghe như tiếng ồn ào, nay được bà đón nhận như những âm thanh tuyệt mỹ. Người đàn bà bèn gọi điện thoại mời bà con và bạn bè đến thưởng thức những tấu khúc của Paderewski.
Cũng một âm thanh, nhưng có lúc người đàn bà nghe như những tiếng ồn ào khó chịu, có lúc lại được bà đón nhận như khúc nhạc tuyệt mỹ. Ðó cũng là phản ứng thường tình của chúng ta. Khi chúng ta mang sẵn thành kiến đối với người nào đó, thì dường như tất cả những gì người đó nói hay làm đều được chúng ta đón nhận một cách tiêu cực. Yêu nhau thì trái ấu cùng tròn, mà ghét nhau thì cau bảy cũng bổ ra làm mười. Thái độ của chúng ta đối với người khác tùy thuộc ở cái nhìn của chúng ta về người đó. Nếu chúng ta chỉ nhìn người đó bằng lăng kính của thành kiến có sẵn, thì dĩ nhiên, chúng ta không thể yêu thích được bất cứ điều gì người đó nói hay làm.
Chúa Giêsu đã không nhìn người bằng thành kiến. Ngài tiếp đón tất cả mọi người. Ngài làm bạn với mọi người. Ngài ngồi đồng bàn với mọi người. Người biệt phái cũng có thể đến với Ngài. Ngài không nhìn người với những nhãn hiệu, mà chỉ bằng đôi mắt của Yêu Thương. Ngài không lắng nghe bằng những tiếng đồn đãi, bằng những định kiến, mà bằng sự cảm thông. Ngài không đo lường lầm lỗi bằng những thước đo của công lý mà chỉ xử lý bằng sự tha thứ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 4 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb 13:15-17, 20-21; Mk 6:30-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Liên hệ giữa mục-tử và đòan chiên
Trong cuộc đời không ai là một hòn đảo để tự mình sinh sống. Con người cần sự giúp đỡ của tha nhân, và chính họ cũng phải giúp đỡ người khác. Một em bé chào đời không thể tự mình sinh sống. Về phương diện vật chất, em cần sự thương yêu và chăm sóc của cha mẹ cho đến khi em đủ khả năng để tự sinh sống một mình. Về phương diện tri thức, em cần sự giáo dục trong gia đình cũng như nhà trường, để giúp em thâu thập những kiến thức cần thiết để biết đối xử, suy luận, và làm việc với mọi người. Về phương diện tâm linh, em cần được hướng dẫn để nhận ra Đấng Tạo Thành, và sống mối tương quan với Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh đến những mối liên hệ này, đặc biệt mối liên hệ giữa mục-tử và đòan chiên. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến việc cả hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau, và đòan chiên phải vâng lời vị mục tử. Trong Phúc Âm, tuy Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải biết quí trọng sự yên tĩnh để nghỉ ngơi và sống mối liên hệ với Thiên Chúa, chính Ngài đã không thể cầm được lòng thương xót khi thấy dân Ngài vất vả “như chiên không người chăn dắt.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cùng giúp đỡ nhau để thi hành thánh ý Chúa.
1.1/ Bổn phận tương thân, tương trợ: Mục đích của tôn giáo là đưa con người tới Thiên Chúa. Để thể hiện điều này, con người phải thực hiện 2 điều:
(1) Thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa qua Đức Kitô: “Vậy nhờ Người, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh.” Việc thờ phượng biểu lộ qua cầu nguyện cá nhân và thờ phượng cộng đồng.
(2) Giúp cho mọi người có cơ hội đến với Thiên Chúa: “Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế.” Trong cấu trúc của Giáo Hội, những người lãnh đạo tinh thần tại địa phương như các giám-mục, linh-mục, là những người có trách nhiệm trực tiếp lo cho phần linh hồn của các tín hữu. Tác giả khuyên các tín hữu hãy vâng lời những người lãnh đạo tinh thần này: “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em.” Ngòai việc vâng lời, các tín hữu còn phải tích cực hơn bằng cách biểu lộ sự biết ơn bằng cách cầu nguyện và săn sóc đến nhu cầu vật chất, để họ có sức khỏe và thời gian để phục vụ đòan chiên. Giúp đỡ họ là giúp đỡ chính mình vậy.
1.2/ Phải thi hành thánh ý Thiên Chúa: Đây là mục đích chính của con người trong cuộc đời, vì tất cả mọi lòai Thiên Chúa dựng nên là cho một mục đích. Đâu là mục đích hay thánh ý của Thiên Chúa cho con người? Tác-giả Thư Do-Thái đã vạch ra rất rõ ràng: đó là được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Như vậy, tuy là ý của Thiên Chúa, nhưng là vì lợi ích cho con người; vì thế, ý của Thiên Chúa cũng phải là ý của con người.
(1) Đức Kitô thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha: Để đạt mục đích của Thiên Chúa, Đức Kitô đã vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự ngay cả chấp nhận cái chết để thực hiện thánh ý Thiên Chúa: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Đức Giêsu là vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu.”
(2) Chúng ta cũng phải trung thành thi hành thánh ý của Ngài: Nếu Đức Kitô đã sẵn sàng hy sinh đổ máu cho chúng ta được sống, lẽ nào chúng ta lại để cho máu cực thánh của Ngài trở nên vô hiệu nơi bản thân chúng ta. Tác giả cầu xin cho các tín hữu: “Xin Thiên Chúa ban cho anh em mọi ơn lành để có sức thi hành thánh ý Người. Xin Người thực hiện nơi anh em điều đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô. Kính dâng Đức Kitô vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen.”
2/ Phúc Âm: Hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.
2.1/ Người tông-đồ cần quí trọng sự thanh vắng để được nghỉ ngơi bồi dưỡng: Các Tông-đồ cũng giống như chúng ta dễ cảm thấy mừng vui khi nhìn thấy kết quả những gì mình đã hy sinh và được dân chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Những lúc như thế, đa số sẽ sẵn sàng hy sinh, ngay cả việc ăn uống, ngủ nghỉ, để có thời giờ làm việc hơn nữa để đáp ứng mọi nhu cầu của dân chúng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã khôn ngoan nhắc nhở các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Có nhiều lý do cho lời khuyên khôn ngoan này:
– Thân xác con người có giới hạn của nó: Khi con người làm việc mệt mỏi, họ cần được nghỉ ngơi dưỡng sức; nếu không họ sẽ dễ dàng bị quá tải, và làm việc sẽ không có hiệu năng.
– Họat động tông đồ cần được thăng bằng qua đời sống cầu nguyện: Nếu không dành thời giờ cho việc cầu nguyện, người tông-đồ sẽ không có sức mạnh tinh thần cho những đòi hỏi của việc tông-đồ. Thánh phụ Đa-minh đã thăng bằng 2 cuộc sống bằng cách rao giảng ban ngày và cầu nguyện ban đêm.
2.2/ Con người khao khát được dạy dỗ và lắng nghe Tin Mừng: Tuy đã cùng với các Tông-đồ xuống thuyền để xa cách dân chúng để Thầy trò có thể nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng khi ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông đã chờ đợi sẵn, Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Người lại bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Xưa cũng như nay, nhu cầu săn sóc phần hồn cho dân chúng luôn khẩn trương cần thiết, vì:
(1) Chiên không người chăn sẽ không biết đường đi: Người mục-tử tinh thần cần chỉ cho đòan chiên của mình đường đi tới Thiên Chúa, đích điểm của cuộc đời. Không có đích điểm này, con người sẽ dễ lạc hướng, và sẽ bị cuốn hút vào những mời gọi bất chính của quỉ thần và thế gian.
(2) Chiên không người chăn sẽ không kiếm được thức ăn bổ dưỡng: Người mục-tử tinh thần cần chính mình nuôi dân hay chỉ cho dân tới những thức ăn tinh thần như Lời Chúa, các Bí-tích, và đời sống cầu nguyện kết hợp với Thiên Chúa.
(3) Chiên không người chăn sẽ làm mồi cho thú dữ: Người mục-tử tinh thần cần sớm nhận ra và chỉ cho đòan chiên biết những cám dỗ nguy hiểm và cạm bẫy của cuộc đời: lối sống ích kỷ, hưởng thụ, tôn thờ vật chất, giết hại thai nhi, thay vợ đổi chồng, tự do quá trớn …
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mối liên hệ giữa mục-tử và đòan chiên đòi hai chiều: Mục-tử cần yêu thương và lo lắng cho đòan chiên; trong khi đòan chiên cần vâng lời và giúp đỡ mục tử chu tòan nhiệm vụ.
– Cả hai cần phải thi hành thánh ý của Thiên Chúa sao cho mọi người dều đạt được ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã chuẩn bị.
– Các họat động tông đồ cần được thăng bằng với đời sống cầu nguyện. Một đời họat động tông đồ không có cầu nguyện sẽ lạc hướng và dễ rơi vào chán chường, thất vọng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************