Ngày thứ bảy (10-09-2022) – Trang suy niệm

09/09/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 Cr 10, 14-22a

“Chỉ có một bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy xa lánh sự thờ lạy các ngẫu tượng. Tôi muốn nói với những người biết điều! Điều tôi tuyên bố, anh em hãy xét thử! Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, chẳng phải là thông hiệp với Máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Bởi vì chỉ có một bánh, mà tất cả chúng ta đều thông phần vào một bánh đó, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác. Anh em hãy xem Israel về phần xác: Nào những kẻ ăn của tế lễ, chẳng phải là thông phần vào bàn thờ sao?

Vậy nói thế nghĩa là gì? Tôi nói, của lễ dâng lên ngẫu tượng có là cái gì đâu? Hay ngẫu tượng có là cái gì đâu? Nhưng các dân ngoại tế lễ, là tế lễ cho ma quỷ, chứ không phải cho Thiên Chúa. Nhưng tôi không muốn anh em giao kết với ma quỷ. Anh em không thể uống cả chén của Chúa, cả chén của ma quỷ được. Anh em không thể thông phần vừa vào bàn tiệc Chúa, vừa vào bàn tiệc ma quỷ được. Hay là chúng ta muốn chọc tức Chúa?. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 17-18

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).

Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.

2) (Lạy Chúa,) con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 6, 43-49

“Tại sao các con gọi Thầy ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra. Tại sao các con gọi Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

10/09/2022 – THỨ BẢY TUẦN 23 TN

Lc 6,43-49

NGÔN HÀNH NHƯ NHẤT

“Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Thầy! Lạy Thầy!’ mà anh em không làm điều Thầy dạy?” (Lc 6,46)

Suy niệm: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Trăm voi không được bát nước sáo” có ý phê phán cái tật nói nhiều mà làm thì không được bao nhiêu, thậm chí không làm gì. Có những Ki-tô hữu có khi rất thuộc Lời Chúa, nhưng lại không hề thực hành; có người có tài bắt chước những trò hề diễn xuất hoặc những pha lâm li bi đát trong phim ảnh, nhưng lại không hề bắt chước hành vi bác ái phục vụ tha nhân của các thánh và những gương mẫu thánh thiện khác. Hãy nhìn lên tượng Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên cây thập giá mà suy gẫm. Hẳn là Đức Ki-tô trên cây khổ giá ấy muốn nói với chúng ta rằng đừng chỉ nói yêu suông mà hãy yêu bằng việc làm cụ thể; và đã làm thì đừng chỉ làm qua loa với mức độ “một bát nước sáo” mà là với mức độ triệt để của cây thập giá Chúa Ki-tô.

Mời Bạn: Còn có nhiều người chưa nhận biết Chúa Giê-su, bởi vì vẫn còn có người Ki-tô hữu ngôn hành bất nhất không phù hợp với tinh thần phúc âm của Chúa. Bạn nghĩ sao? Và phần bạn thì sao?

Chia sẻ: lời thư thánh Gia-cô-bê: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26).

Sống Lời Chúa: Bạn hãy đúc kết năm phút cầu nguyện mỗi ngày với Lời Chúa bằng việc rút ra một quyết tâm cụ thể để thực hiện trong ngày sống của bạn. Và cuối ngày bạn kiểm điểm xem mình thực hành điều đó thế nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thực hành lời Chúa, sống lời Chúa trước khi nói lời Chúa và kể cuộc đời Chúa cho người khác nghe.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Có nhiều cách để nhận biết sự thật về một người.
Chúng ta có thể bị hấp dẫn bởi những lời giảng hùng hồn.
Chúng ta cũng có thể bị đánh lừa bởi thái độ khôn khéo giả tạo.
Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra con người thật :
“Xem quả thì biết cây” (c. 44).
Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm.
Nếu nhìn kỹ công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai.
Đức Giêsu nói lên một luật tự nhiên của cây cỏ.
Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon.
Người công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ,
qua những thử thách họ đã vượt qua, qua những hy sinh họ dâng hiến.
Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa.
Đời sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ.
Bụi gai không sinh được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho.
Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh hoa trái tốt đẹp.

Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Đức Giêsu.
Không phải chỉ là tuyên xưng đức tin vào Thầy
bằng cách kêu lên : “Lạy Chúa! lạy Chúa !”
Vấn đề là làm điều Thầy dạy (c. 46).
Đức Giêsu đặt câu hỏi tại sao đầy ngạc nhiên với các môn đệ:
Tại sao tin vào Thầy mà lại không sống điều Thầy truyền dạy?
Kitô hữu chân chính là người đến với Chúa Giêsu,
lắng nghe những lời của Ngài và thi hành những lời ấy (c. 47).
Nghe thôi thì chưa đủ.
Lời của Chúa Giêsu phải thấm nhuần vào đời sống của ta,
chi phối mọi hành động, quyết định và lựa chọn.

Đức Giêsu kết thúc Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà.
Nhiều người đã nghe Bài Giảng này, đã cảm thấy hay,
nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong đó ?
Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc.
Còn người không thực hành thì giống như người làm nhà không nền.
Bề ngoài có vẻ hai căn nhà không khác nhau.
Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác biệt.
Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành.

Chúng ta thích xây nhà cao, nhưng lại ít để ý tới nền móng.
Chúng ta đã được nghe quá nhiều đoạn Lời Chúa,
nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc suy niệm, cầu nguyện.
Lời Chúa chưa thực sự bám rễ trong hành động và cuộc sống,
vì điều đó đòi một sự trả giá mà chúng ta muốn quay lưng.
Chính vì thế căn nhà tâm linh của chúng ta vẫn không vững.
Xin Chúa cho chúng ta can đảm để làm lại nền cho căn nhà đời ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu
Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
Nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,
Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,
Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
Được xây trên nền tảng vững chắc,
Đó là lời Chúa
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

10 THÁNG CHÍN

Chúng Ta Khát Vọng Tuyệt Đối

Giáo Hội tuyên bố rằng con người, trong hành trình cuộc sống của mình, cần phải được hết mực kính trọng, yêu thương và quan tâm săn sóc – bởi vì con người được tiền định sống đời đời. Vì vậy, bất cứ nền văn hoá nào tôn trọng phẩm giá và định mệnh tối hậu của con người đều hỗ trợ cho con người sống một cuộc sống cao thượng và công chính trên cuộc hành trình dương thế này.

Thánh Phaolô đề cập đến điều này trong giáo huấn của ngài gửi cho cộng đoàn tín hữu Philipphê: “Cuối cùng, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý”. (Pl 4,8). Trong suốt cuộc hành trình dương thế này, từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời, con người phải ý thức hoàn toàn rằng mình là một lữ khách trên đường hành hương về với Thiên Chúa.

Chính trong khát vọng tuyệt đối này có hàm ẩn kinh nghiệm về Thiên Chúa. Trong tất cả những con người xuyên qua lịch sử đã kiếm tìm Thiên Chúa, chúng ta có thể thấy khuôn mặt vĩ đại của Thánh Augustinô, người đã thốt lên khi gặp gỡ được Đấng mà mình kiếm tìm: “Con đã gặp Ngài ở đâu để nhận biết Ngài, nếu không phải là chính nơi Ngài, vượt xa trên chính con?” (Tự Thú của T. Augustinô, 10,26).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 10/9

Ngày trung thu cầu cho thiếu nhi

1Cr 10, 14-22; Lc 6, 43-49.

LỜI SUY NIỆM: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây.”

          Chúa Giêsu đang đưa ra một lời khẳng định; để đánh động tâm hồn mỗi người trong chúng ta, là mỗi người cần phải xem lại cách sống của mình; cũng như nhìn lại những thành quả trong đời sống của mình đã đem lại những lợi ích gì cho mình cho xã hội và cho Giáo Hội; hay là gieo rắc những bất công đau khổ cho những người chung quanh.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con ơn khôn ngoan và đạo đức, để mỗi người trong chúng con thành thật trong lời nói và việc làm, để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau.   

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

10 Tháng Chín

Quà Tặng Quý Giá Nhất

Trong một góc hè phố, một bác hành khất tê bại nằm co quắp. Chợt có một người đàn ông ăn mặc bảnh bao đi qua. Người hành khất bèn mở miệng xin bố thí. Người đàn ông ăn mặc sang trọng xỏ tay vào túi áo, nhưng ông tìm mãi mà chẳng được gì. Vừa bối rối, vừa thành kính, ông ta mới phân bua với người hành khất:

“Này bác, tôi muốn biếu bác chút đỉnh, nhưng rất tiếc, vì đi bất ngờ nên tôi không có mang tiền theo. Xin bác thông cảm cho”.

Người hành khất mới trả lời: “Cám ơn ông. Ông đã cho tôi nhiều hơn mọi của bố thí. Bởi vì ông đã gọi tôi là Bác. Chưa bao giờ trong đời tôi, tôi đã nhận được danh dự đó trên môi miệng của một người sang trọng nào cả”.

Dù là một người hành khất, dù là một người tàn tật, dù là một người bị xã hội ruồng rẫy bỏ rơi, tất cả đều có một phẩm giá như nhau. Quà tặng quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho người khác, chính là tôn trọng người đó với tất cả phẩm giá cao quý nhất của họ.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 23 – TN2

Bài đọc: I Cor 10:14-22; Lk 6:43-49.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kiên nhẫn xây nhà trên đá.

Trong đời sống chúng ta thường thấy có hai lọai người: Một lọai người muốn làm gì là làm ngay. Họ không có kiên nhẫn để chờ đợi nên dễ dàng thay đổi kế họach khi không thấy kết quả tức khắc. Lọai người khác khi làm gì thì cẩn thận suy tính, một khi đã bắt đầu làm thì kiên trì vượt qua mọi trở ngại cho tới khi đạt được kết quả. Lọai người thứ nhất thường gặp thất bại trong khi lọai người thứ hai thường thành công. Trong lãnh vực thiêng liêng cũng thế, có những người cho mình có thể làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và các ngẫu tượng, như trong Bài đọc I. Chúa ví những người nghe mà không giữ lời Thiên Chúa như người xây nhà trên cát. Khi gió thổi, nước dâng, sóng vỗ là nhà họ bị xụp đổ và bị cuốn đi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Không thể vừa thông phần nơi Bàn Tiệc Thánh vừa thông phần vào bàn tiệc của ma quỉ.

Thời thánh Phaolô, cộng đòan Corintô cũng giống như tất cả các thành phố Hy-Lạp, họ thờ rất nhiều thần. Mỗi thần tượng trưng cho một sức mạnh trong vũ trụ mà con người không hiểu nổi như núi, mưa gió, sấm sét, động đất, thần tài, ái tình … nhưng chi phối cuộc sống con người. Khi đã thành Kitô hữu, họ vẫn giữ thói quen cũ thờ cúng các thần tuy không coi ngang hàng với Thiên Chúa. Một vấn nạn được đặt ra vì thói quen này như mấy ngày trước đây: Có được phép ăn thịt cúng?

Đối với thánh Phaolô, ngài không tin các thần nhưng tin có sự hiện diện của ma quỉ đàng sau các việc thờ cúng này. Như những người Do-Thái, ngài xác tín “chẳng có một thần nào trên thế gian này ngọai trừ Chúa,” nên việc ăn thịt cúng không thành vấn đề ngọai trừ trường hợp làm mất đức tin cho những người yếu kém. Ngài tin sự hiện diện của ma quỉ là có thực và mục đích của chúng là kéo con người ra khỏi Thiên Chúa bằng việc thờ các ngẫu tượng. Khi con người tôn thờ các ngẫu tượng là họ tôn thờ các thần khác thay vì chỉ một Thiên Chúa duy nhất.

Như đã đề cập trước đây, thói quen của các đền thờ của các thần là trả lại cho người dâng cúng một phần lễ vật đã dâng để họ có thể ăn mừng với gia đình và bạn bè. Khi dâng lễ vật cho thần nào, họ tin thần đó đã vào trong lễ vật họ dâng; và khi ai ăn lễ vật đó thì thần sẽ theo vào thân thể họ. Như vậy, khi ăn thịt cúng, người ăn và thần có một mối liên hệ thực sự.

Thánh Phaolô dùng niềm tin này và thần họ về Bí Tích Thánh Thể để giải thích cho các tín hữu Corintô tại sao không được tôn thờ các ngẫu tượng: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” Vì thế, các tín hữu không thể vừa thông phần nơi Bàn Tiệc Thánh vừa thông phần vào bàn tiệc của ma quỉ.

2/ Phúc Âm: Kiên nhẫn xây nhà trên đá.

Trên đất Do-Thái, tuy mùa mưa chỉ kéo dài vài tháng nhưng mưa rất lớn. Sau mùa mưa, đất cát bắt đầu khô lại và tạo nên những nơi bằng phẳng thích hợp cho việc xây nhà. Những người không có kinh nghiệm sẽ xây nhà mình tại những chỗ này vì rất dễ làm và đỡ tốn công phải đục đá. Nhưng họ không biết nhìn xa, vì khi mùa mưa đến, họ mới phát giác ra nhà của họ nằm ngay giữa những giòng nước chảy mạnh và bị chúng cuốn đi. Ngược lại, những người khôn ngoan biết tìm chỗ cứng khi họ xây nhà, và không chỗ nào chắc chắn hơn là trên các tảng đá. Tuy mất giờ để đục đẽo, nhưng một khi đã thiết lập được nền, không sức mạnh nào có thể lay chuyển được.

Trong đời sống thiêng liêng, Đá Tảng là chính Chúa (Ps 95:1), Đền thờ Jêrusalem (Isa 28:16), Phêrô (Mt 16:19). Nếu muốn được an tòan trước những phong ba bão táp của cuộc đời, con người phải tìm trú ẩn nơi Thiên Chúa, nơi Đền Thờ hay trong Giáo-Hội của Ngài.

Chúa Giêsu ví người nghe Lời Chúa mà không mang ra thực hành như người xây nhà trên cát. Họ không chịu thực hành Lời Chúa để làm cho đức tin của họ tăng trưởng mỗi ngày. Khi gian nan khốn khó tới, đức tin của họ không đủ mạnh để chống chọi lại với bao nhiêu đau khổ và sóng gió của cuộc đời. Ngài cũng ví người nghe Lời Chúa và đem ra thực hành như người xây nhà trên đá. Họ biết dùng thời giờ để nghiền ngẫm và mang ra áp dụng trong đời sống để đức tin của họ mỗi ngày một mạnh hơn. Khi gian nan sóng gió tới, họ đã có một đức tin mạnh mẽ để vượt qua những đau khổ này, ngay cả sự chết cũng không thắng vượt được họ.

Một ứng dụng nữa Chúa đưa ra là xem quả biết cây: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả xấu, cũng chẳng có cây nào xấu mà lại sinh quả tốt… Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!” Lời nói là quả của những suy nghĩ trong đầu. Cứ việc nghe lời nói và việc làm của một người là biết Lời Chúa có tác dụng thế nào trên người ấy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải kiên nhẫn dành nhiều thời giờ để học hỏi, nghiền ngẫm, và mang Lời Chúa ra áp dụng trong cuộc đời. Vì không hiểu cặn kẽ về Thiên Chúa nên các tín hữu Corintô đã tiếp tục thờ các ngẫu tượng và bối rối về việc ăn thịt cúng và thờ các ngẫu tượng.

– Về phương diện tâm linh, chúng ta cũng phải kiên trì để xây dựng cuộc đời mình trên Đá Tảng là chính Chúa và Gíao-Hội qua việc lắng nghe và mang ra thực hành Lời Chúa. Chúng ta đừng để bị Chúa ví như những người xây nhà trên cát, tức là xây trên những tiêu chuẩn nhanh chóng và tạm thời của thế gian: sắc đẹp, tiền của, uy quyền, danh vọng. Một khi thế gian qua là nhà của chúng ta cũng qua đi như vậy. Nhưng nếu biết khôn ngoan trông rộng, chúng ta biết xây đời mình trên những giá trị vĩnh cửu và các giáo huấn của Hội-Thánh. Cho dẫu thế gian qua đi, chúng ta vẫn có một ngôi nhà vững chắc trên Nước Trời. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************