Ngày thứ bảy (11-01-2020) – Trang suy niệm

10/01/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Mùa Giáng Sinh Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 5, 14-21

“Chúa nhậm lời chúng ta kêu cầu”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, này là sự chúng ta tin tưởng nơi Chúa: là hễ chúng ta xin sự gì hợp ý Người, thì Người nhậm lời chúng ta. Và chúng ta biết Người nghe nhận mọi điều chúng ta xin, vì chúng ta biết rằng chúng ta có kêu cầu Người. Ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa tới sự chết, thì hãy cầu xin và Người sẽ ban sự sống cho kẻ phạm thứ tội đó. Có thứ tội đưa đến sự chết, tôi không bảo ai cầu xin cho người phạm tội ấy đâu. Mọi sự gian tà đều là tội, và có thứ tội đưa đến sự chết.

Chúng ta biết rằng ai sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội, chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ, và ma quỷ không làm gì được họ. Chúng ta biết rằng chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, và toàn thể thế gian đều phục luỵ ma quỷ. Và chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân thật của Người. Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời. Các con thân mến, hãy giữ mình xa các tà thần. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b

Đáp:  Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Hoặc đọc:  Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy vui mừng vì Đấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. – Đáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. – Đáp.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. – Đáp.

ALLELUIA: Dt 1, 1-2

Alleluia, alleluia. – Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 3, 22-30

“Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân lang”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: “Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!” Gioan trả lời rằng: “Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

11/01/2020 – THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH

Ga 3,22-30

THOÁT KHỎI CÁI BÓNG CỦA CHÍNH MÌNH

“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)

Suy niệm: Có một người nọ muốn thoát khỏi cái bóng của mình… Nhưng càng trốn thì cái bóng càng đeo đuổi anh. Anh lăn lộn trên đất, anh đâm xuống nước, dù anh đi đâu, dù anh làm gì, cái bóng của anh vẫn còn đó. Có một người khôn ngoan nghe chuyện mới đến cố vấn cho anh ta. Người khôn ngoan ấy nói như sau: “Để thoát khỏi cái bóng của anh, anh chỉ cần đến đứng dưới bóng của một cây lớn”. Gio-an Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế, nhưng đồng thời cũng là người luôn nép bóng trong Chúa Giê-su. Thánh Gio-an đã tóm tắt tất cả cuộc sống của ngài trong câu nói: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” Chúa Giê-su đã có lần khen tặng Gio-an là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Vị tiên tri được xem là cao cả nhất trong lịch sử Ít-ra-en đã lôi kéo được một đám đông mà chưa từng có vị tiên tri nào đã qui tụ được… Và, cuối cùng, để hoàn tất sứ mệnh của mình, con người ấy đã nhỏ lại và lui vào trong kiếp tù đày và chết như một nhân chứng.

Mời Bạn: Có nép mình dưới bóng cây Thập giá của Chúa Giê-su, chúng ta mới có thể thoát được cái bóng của không biết bao nhiêu phù phiếm, hư ảo trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều người đã không đón nhận Tin Mừng chỉ vì bóng mờ gương xấu của các ki-tô hữu. Bạn có thể làm gì để ẩn mình dưới bóng Thập giá để Chúa Giê-su được nổi bật lên?

Sống Lời Chúa: Làm những việc phục vụ tha nhân, dù chỉ là việc nhỏ, nhưng với tâm thức làm vì danh Chúa Giê-su.

Cầu nguyện: Trong từng giây phút cuộc sống, xin Chúa cho con biết cương quyết chống lại tội lỗi, ích kỷ, nhỏ nhen, để Chúa được lớn lên trong con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

11 THÁNG GIÊNG

Thế Giới Khát Khao Hòa Bình

Chất lượng đời sống trong một quốc gia hay trong bất cứ cộng đồng nào khác đều tùy thuộc ở chỗ có hay không có sự hòa bình và tình huynh đệ. Một khi thực sự có bầu khí hòa bình, những năng lực hướng thiện phi thường sẽ được giải phóng, đem lại niềm vui, thúc đẩy sáng tạo, giúp người ta đạt đến mức trưởng thành đầy đủ và làm việc với nhau trong tinh thần con cái của Thiên Chúa Tình Yêu. Ở đâu có hiện diện tinh thần huynh đệ đích thực, ở đó quyền lợi của kẻ yếu và của người cô thế cô thân sẽ không bị chà đạp. Phẩm giá và thiện ích của mọi người sẽ được trân trọng bảo vệ và tăng triển. Và chỉ có hòa hình khi người ta biết gìn giữ và củng cố công bằng, tự do và lòng tôn trọng đích thực đối với bản tính con người.

Nhưng thế giới hiện nay lại quen với tình trạng thiếu vắng tình huynh đệ, quen với sự kích động bạo lực, sự phân biệt đối xử và sự bất công. Một thế giới như vậy quả đang thách đố chúng ta biểu lộ tình người. Chất lượng của các cộng đồng và các quốc gia đang bị đe dọa. Và mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với thách đố này.

Cả nhân loại là một gia đình – một đại gia đình với tất cả những nét đa dạng của nó. Cổ võ cho hòa bình, cho công bằng giữa các quốc gia và cho sự đoàn kết thực sự giữa các dân tộc; đó là tôn chỉ ngày càng thôi thúc chúng ta hôm nay. Các vị lãnh đạo của các quốc gia và các tổ chức quốc tế vẫn thường xuyên nói lên điều đó. Các kế hoạch hòa bình được hậu thuẫn bằng nhiều cách thế khác nhau bởi hầu như tất cả các đảng phái chính trị trên thế giới. Các phong trào quần chúng và công luận cũng đề cao cùng một tôn chỉ ấy. Ở bất cứ nước nào, người ta cũng ngán ngẩm những xung đột và chia rẽ. Cả thế giới chúng ta đang khao khát hòa điệu và hòa bình.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 11/1

1Ga 5,14-21; Ga 3, 22-30.

Lời Suy Niệm: “Người phải được nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.”

   Các Tông đồ của Gioan Tẩy Giả đã ganh tỵ khi thấy Chúa Giêsu được nhiều người ái mộ và đi theo Người, nên đã đến trình bày với Gioan, Gioan cho biết: “Tôi đây, không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai di trước mặt Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể, đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con khi thể hiện đời sống đức tin bằng những công việc tông đồ đều mang lấy tinh thần như thánh Gioan Tẩy Giả, “Danh Chúa được hiển trị.”

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

11 Tháng Giêng

 Kho Tàng Ẩn Dấu  

Chúng ta có biết rằng trong cơ thể của con người chúng ta, những yếu tố nhỏ nhất lại đóng vai trò quan trọng nhất không?

 Lá lách của chúng ta chỉ tiết ra một lượng men rất nhỏ, nhưng rất cần thiết để giúp tiêu hóa chất Protin, chất béo trong thức ăn của chúng ta. Lượng dưỡng khí kết hợp với hồng huyết cầu để làm cho máu thành đỏ chỉ là một số lượng nhỏ. Tuyến não thùy nằm ở trong bộ não của chúng ta chỉ là một tuyến nhỏ nhưng vô cùng cần thiết bởi vì nó tiết ra một kích thích tố cần thiết cho sự tăng trưởng của con người. Những âm ba được truyền đến màn nhĩ trong lỗ tai là nhờ ở ba đốt xương nhỏ li ti nằm giữa lỗ tai của chúng ta. Những tế bào hình nón nằm trong võng mô của đôi mắt là những trạm tiếp nhận ánh sáng nhờ đó chúng ta mới thấy được. Mỗi một tế bào trong cơ thể chúng ta chứa đựng những nhiễm thể mà chức năng chính là quyết định về sự di truyền hay phái tính của mỗi bào thai. Tất cả những cơ cấu nhỏ bé và ẩn tàng ấy đóng vai trò xem ra quan trọng nhất trong sự sống và hoạt động của cơ thể con người.

 Lại nữa, những tác nhân gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật giết người cũng là những sinh vật nhỏ li ti mà mắt thường không thể nào trông thấy được. Phải chăng những cái nhỏ li ti nhất lại không là những cái chứa đựng nhiều sức mạnh nhất? Và phải chăng những công việc tầm thường vô danh nhất lại không là những công việc có giá trị nhất trong cuộc sống con người?

 Có lẽ không phải do ngẫu nhiên hoặc vì chờ thời mà Con Thiên Chúa làm người, đã sống âm thầm ẩn dật trong 30 năm trước khi công khai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. 30 năm âm thầm ấy cũng có giá trị cứu rỗi như chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Với 30 năm âm thầm ấy, Chúa Giêsu muốn nói với con người rằng tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người, từ cái ăn, cái uống, cái ngủ nghỉ, tất cả đều được mặc cho một giá trị cao cả và trường cửu.

 Sống một cách trọn vẹn, sống với tất cả niềm tin – tất cả những sinh hoạt tầàm thường và nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống âm thầm, có khi độc điệu, buồn chán: đó chính là bí quyết để được hạnh phúc và bình an. Tất cả các vị thánh đều đi qua con đường nên thánh ấy.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Bài đọc: 1 Jn 5:14-21; Jn 3:22-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tội và cách thức để được tha tội

Tội là nguyên nhân gây ra cái chết. Ngay từ đầu, tác giả Sách Sáng Thế đã thuật lại Tội Nguyên Tổ của Adam và Evà và cái chết thống trị con người từ đó. Nhưng Thiên Chúa cũng đã có kế hoạch ngay từ đầu để cứu thoát con người và không để cho con người chìm đắm trong tội bởi sự lôi cuốn của ba thù là ma quỉ, thế gian và xác thịt. Kế hoạch đó được thi hành qua Đức Kitô. Ngài nhập thể và chịu chết trên Thập Giá để cất đi tất cả tội lỗi cho con người. Con người tuy vẫn có khuynh hướng phạm tội; nhưng con người đã được Thiên Chúa cho cách hiệu quả để thoát ra.

Hai bài đọc hôm nay tập trung trong cách để thoát ra đó. Trong bài đọc I, sau khi đã phân biệt giữa tội mang lại cái chết và tội không mang lại cái chết, tác giả trình bày cách chúng ta có thể thoát sự kiềm toả của tội là chạy đến với Đức Kitô: thú nhận tội lỗi và lãnh nhận ơn tha thứ. Trong Phúc Âm, một cuộc tranh luận xảy ra giữa một người Do-thái và các môn đệ của Gioan về sự khác biệt của hai phép rửa. Gioan đã trình bày cách rõ ràng phép rửa của ông không có quyền năng tha tội; nhưng chỉ là phép rửa bằng nước để tỏ lòng ăn năn xám hối. Chỉ phép rửa của Chúa Giêsu mới có quyền tha tội và ban những hồng ân của Thánh Thần.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Làm sao để được tha tội sau khi đã chịu phép rửa làm con Chúa?

1.1/ Phân biệt hai loại tội: Trước tiên chúng ta cần phân biệt tất cả các tội trọng mà không thú nhận đều đưa đến cái chết. Tác giả có ý gì khi phân biệt hai loại tội?

(1) Tội đưa đến cái chết: Như chúng ta cắt nghĩa trong phần sau: Người Kitô hữu được hưởng đặc quyền là có bí tích Giải-tội mà Chúa Giêsu đã thiếp lập để tha tội cho con người. Nhưng nếu người Kitô hữu, sau khi phạm tội trọng, từ chối không thèm lãnh nhận ơn tha thứ bằng cách lãnh nhận bí tích Giải-tội, anh ta sẽ lãnh nhận cái chết vì tội cứng lòng.

(2) Tội không đưa đến cái chết: là những tội con người có thể xúc phạm đến Chúa; nhưng sau khi phạm tội, con người nhận ra tội lỗi của mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân, vì yếu đuối hay vì bất cứ một lý do gì khác, biết ăn năn thống hối và chạy đến với bí tích Giải-tội để xưng thú, tội lỗi của anh sẽ được tha và không phải chết. Tác giả khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho tất cả những ai đã phạm tội biết chạy đến với Chúa nơi toà cáo giải. Còn những ai cố tình ở trong tội, chúng ta cũng vẫn cầu xin cho họ mềm lòng ra để trở về với Chúa, cho dẫu phải chịu tai nạn trăm bề! Chúa có nhiều cách để đưa những người cứng lòng trong tội được trở về.

1.2/ Hiểu thế nào câu tác giả nói hôm nay: “Phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được.” Có phải một khi đã được Thiên Chúa sinh ra qua phép rửa tội là người Kitô hữu không bao giờ phạm tội nữa không? Thực tế chứng minh mọi Kitô hữu đều phạm tội và phạm tội nhiều lần sau khi chịu phép rửa tội.

(1) Chính tác giả đã xác quyết mọi Kitô hữu đều phạm tội ngay trong chương đầu tiên: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình,và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi,Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta,và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (I Jn 1:8-10). Vì thế, tác giả kết tội những người tuyên bố mình không phạm tội là người dối trá và coi Thiên Chúa là kẻ nói dối vì Thiên Chúa sai Con của Ngài xuống trần gian là để tha tội. Không có tội thì cũng sẽ không cần tha thứ! Và tác giả cũng kết tội mình nếu ông có ý muốn nói người sinh ra bởi Thiên Chúa không hề phạm tội. Trong những câu trích kế tiếp, ông soi sáng cho chúng ta hiểu ý của ông muốn nói.

(2) Làm sao để tội được tha: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi,
tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (I Jn 2:1-2). Điều chính ông muốn nói ở đây là người Kitô hữu luôn có cách để tội được tha là chạy đến với Đức Kitô để xưng thú và lãnh nhận ơn tha thứ từ Ngài. Đây là một đặc quyền mà chỉ người Kitô hữu tin tưởng và nhận lãnh được. Người Do-thái không thể được tha tội vì họ không còn Đền thờ để dâng của lễ. Người Dân Ngoại cũng không biết cách nào để cho tội họ được tha. Chỉ người Kitô hữu, sau khi biết mình đã yếu đuối xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân, biết dục lòng ăn năn, thống hối và dùng bí tích giải tội để giao hoà với Thiên Chúa và tha nhân.

2/ Phúc Âm: Phân biệt hai phép rửa và hai sứ vụ khác nhau

          Khi bắt đầu có hai sự kiện hay hai trường phái là bắt đầu có ngộ nhận và tranh luận. Trong Phúc Âm hôm nay, một người Do-thái đến tranh luận với môn đệ của Gioan về hai phép rửa. Các môn đệ của Gioan có lẽ không trả lời được, nên dẫn đến gặp thầy mình để hỏi: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.”

2.1/ Phép rửa và sứ vụ của Gioan Tẩy Giả:

          (1) Phép rửa làm bởi Gioan Tẩy Giả: Như chúng ta đã nói trong bài trước: phép rửa của Gioan chỉ là phép rửa để tỏ lòng ăn năn xám hối, chứ không có năng lực để tha tội. Phép rửa của Gioan chuẩn bị cho mọi người đến với Chúa Giêsu để chịu phép rửa với Ngài.

          (2) Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả: Chính Gioan đã thú nhận khi được hỏi: “Ông có phải là Đấng Kitô không?” Ông trả lời: “Ông không phải là Đấng Kitô; nhưng chỉ là người đi dọn đường cho Đức Kitô.” Trong trình thuật hôm nay, ông nói với các môn đệ của ông: “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.’” Vai trò của Gioan được xác định rõ ràng: Ông chỉ là người đi dọn đường, là bạn của chàng rể, và niềm vui của ông là được nghe tiếng của chàng rể là Đức Kitô và khi được nhìn thấy mọi người tuôn đến với Ngài.

2.2/ Phép rửa và sứ vụ của Chúa Giêsu:

(1) Phép rửa làm bởi Chúa Giêsu: Phép rửa của Chúa Giêsu làm là phép rửa có năng lực để tha tội. Thời của Giáo Hội, phép rửa này được nâng lên là một trong bảy bí tích. Phép rửa này không những làm bằng nước để tha tội, nhưng người chịu còn lãnh nhận Chúa Thánh Thần, và chính thức được nhận làm con Thiên Chúa. Vì thế, không phải chỉ tội được tha; nhưng người chịu còn được lãnh nhận các hồng ân của Chúa Thánh Thần. Đối với người lớn chịu phép rửa này, họ còn được lãnh nhận ba nhân đức đối thần: tin-cậy-mến nữa.

(2) Sứ vụ của Chúa Giêsu: Gioan là người đầu tiên nói lên sứ vụ tha tội của Chúa Giêsu khi ông giới thiệu Chúa Giêsu với các môn đệ của ông: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng lấy đi tội của trần gian” (Jn 1:29). Ngoài sứ vụ chịu chết để lấy đi tội của trần gian, Chúa Giêsu còn nhiều sứ vụ khác như rao giảng Tin Mừng, mặc khải những sư thật từ Chúa Cha cho dân biết, gọi và huấn luyện các tông đồ để các ông tiếp tục sứ vụ sau khi Ngài về trời…

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Có nhiều những lẫn lộn và hiểu lầm từ Kinh Thánh và những giáo huấn của Giáo Hội.

– Chúng ta cần học hỏi và tìm hiểu kỹ càng để biết được sự thật đàng sau những lời Kinh Thánh và những giáo huấn đó.

– Một sự hiểu biết và giải thích mù mờ sẽ làm cho chúng ta và độc giả hoang mang và lìa xa sự thật.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************