Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Bảy Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: 1 Tm 1, 15-17
“Người đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Lời nói chân thật và đáng tiếp nhận mọi đàng là: Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này, để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Đức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người hầu được sống đời đời. (Nguyện) danh dự và vinh quang (quy về) Thiên Chúa độc nhất, hằng sống, vô hình, là Vua muôn đời! Amen. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 112, 1-2. 3-4. 5a và 6-7
Đáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng đến muôn đời (x. c. 2).
1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời. – Đáp.
2) Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa. – Đáp.
3) Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất? Người nâng kẻ hèn hạ lên khỏi trần ai, và rước người nghèo khó khỏi nơi phẩn thổ. – Đáp.
ALLELUIA: x. Cv 16, 14b
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 6, 43-49
“Tại sao các con gọi Thầy ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra. Tại sao các con gọi Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
11/09/2021 – THỨ BẢY TUẦN 23 TN
Lc 6,43-49
CHĂM SÓC TÂM HỒN
“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.” (Mt 6,43)
Suy niệm: Ai cũng dễ hiểu định luật nhân quả. Cây là nhân, cây có tốt thì mới có thể sinh quả tốt được. Chúa Giê-su sánh ví mối tương quan khăng khít giữa cây và quả đó với việc chăm sóc tâm hồn con người. ‘Cây’ tượng trưng cho tâm hồn con người, còn ‘quả’ là những lời nói, hành động và biểu hiện bên ngoài. Cây tốt thì sinh quả tốt, còn cây xấu thì sinh quả sâu. Cũng vậy, “người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu.” Cây quyết định quả, cái bên trong quyết định cái bên ngoài! Do đó, cần phải ưu tiên chăm sóc ‘cây’, tức là tâm hồn con người, để nó sinh nhiều hoa trái tốt lành là những gương sáng và việc lành phúc đức.
Mời Bạn: Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI từng nói: “Mối nguy đích thực là ở tại lòng người.” Mặt khác, những điều cao thượng, tuyệt vời nhất cũng từ những tấm lòng tốt phát sinh. Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, mời bạn trở về với lòng mình, để chăm sóc ‘khu vườn’ nội tâm và nhổ bỏ tận gốc những mầm mống sự dữ nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Khi tâm hồn mình đầy sức sống của Thánh Thần, thì mọi thứ bên ngoài sẽ ổn thỏa cả thôi.
Sống Lời Chúa: Hằng ngày, bạn dành thời gian thinh lặng bên Chúa để kiểm điểm tâm hồn mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, đã nhiều lần Chúa muốn đến hái quả tốt nơi bản thân con. Nhưng Chúa chỉ gặp những quả sâu còm cõi, vì tâm hồn con là bụi gai, bụi rậm. Xin Chúa giúp con đổi mới tâm hồn mỗi ngày, để những lần sau Chúa đến hái quả, con không làm cho Chúa thất vọng nữa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Có nhiều cách để nhận biết sự thật về một người.
Chúng ta có thể bị hấp dẫn bởi những lời giảng hùng hồn.
Chúng ta cũng có thể bị đánh lừa bởi thái độ khôn khéo giả tạo.
Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra con người thật :
“Xem quả thì biết cây” (c. 44).
Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm.
Nếu nhìn kỹ công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai.
Đức Giêsu nói lên một luật tự nhiên của cây cỏ.
Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon.
Người công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ,
qua những thử thách họ đã vượt qua, qua những hy sinh họ dâng hiến.
Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa.
Đời sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ.
Bụi gai không sinh được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho.
Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh hoa trái tốt đẹp.
Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Đức Giêsu.
Không phải chỉ là tuyên xưng đức tin vào Thầy
bằng cách kêu lên : “Lạy Chúa! lạy Chúa !”
Vấn đề là làm điều Thầy dạy (c. 46).
Đức Giêsu đặt câu hỏi tại sao đầy ngạc nhiên với các môn đệ:
Tại sao tin vào Thầy mà lại không sống điều Thầy truyền dạy?
Kitô hữu chân chính là người đến với Chúa Giêsu,
lắng nghe những lời của Ngài và thi hành những lời ấy (c. 47).
Nghe thôi thì chưa đủ.
Lời của Chúa Giêsu phải thấm nhuần vào đời sống của ta,
chi phối mọi hành động, quyết định và lựa chọn.
Đức Giêsu kết thúc Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà.
Nhiều người đã nghe Bài Giảng này, đã cảm thấy hay,
nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong đó ?
Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc.
Còn người không thực hành thì giống như người làm nhà không nền.
Bề ngoài có vẻ hai căn nhà không khác nhau.
Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác biệt.
Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành.
Chúng ta thích xây nhà cao, nhưng lại ít để ý tới nền móng.
Chúng ta đã được nghe quá nhiều đoạn Lời Chúa,
nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc suy niệm, cầu nguyện.
Lời Chúa chưa thực sự bám rễ trong hành động và cuộc sống,
vì điều đó đòi một sự trả giá mà chúng ta muốn quay lưng.
Chính vì thế căn nhà tâm linh của chúng ta vẫn không vững.
Xin Chúa cho chúng ta can đảm để làm lại nền cho căn nhà đời ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu
Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
Nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,
Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,
Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
Được xây trên nền tảng vững chắc,
Đó là lời Chúa
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG CHÍN
Chúng Ta Khắc Khoải Mong Được Chiêm Ngắm Nhan Thánh Chúa
Trong cả Cựu và Tân Ước, con người sống trong thế giới hữu hình giữa những thực tại thế tục. Tuy nhiên con người ý thức sâu xa về sự hiện hữu của Thiên Chúa – một sự hiện diện định hình toàn bộ cuộc sống của họ.
Vị Thiên Chúa hằng sống ấy quả thực là bức tường thành bảo vệ con người giữa mọi thử thách và đau khổ của cuộc hiện sinh dương thế này. Khi cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, con người khao khát chiếm hữu Ngài cách hoàn toàn. Con người cố tìm cách để nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh viết:
“Như nai rừng mong mỏi
tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong
được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến,
vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42, 2-3).
Trong khi con người cố gắng để biết Thiên Chúa – để chiêm ngắm dung nhan Ngài và để cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài – thì Thiên Chúa hướng về phía con người để mạc khải chính sự sống của Ngài cho con người. Công đồng Vatican II nói nhiều về tầm quan trọng của việc Thiên Chúa can thiệp vào thế giới này. Công đồng giải thích rằng: “qua sự mạc khải của Ngài, Thiên Chúa muốn tự tỏ hiện và thông đạt chính Ngài cũng như ý muốn từ đời đời của Ngài về ơn cứu độ cho con người.” (MK 6).
Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân ái và là Đấng tự mạc khải chính Ngài, vẫn tiếp tục là một mầu nhiệm khôn dò đối với con người. Và con người – người lữ khách kiếm tìm tuyệt đối – vẫn mãi mãi suốt đời kiếm tìm dung mạo của Thiên Chúa. Nhưng ở cuối hành trình đức tin, con người sẽ về đến “nhà Cha”. Và trong ngôi nhà thiên quốc này, con người hy vọng chiêm ngắm Thiên Chúa “diện đối diện” (1Cr 13,12).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 11/9
1Tm 1, 15-17; Lc 6, 43-49.
LỜI SUY NIỆM: “Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’, mà anh em không làm điều Thầy dạy.”
Chúa Giêsu đang đòi hỏi mỗi người Kitô hứu phải sống “Lời Chúa” trong mọi môi trường, trong mọi hoàn cảnh đối với tất cả mọi người và với cả thiên nhiên và các tạo vật khác trong vũ trụ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con Kính Chúa yêu người và hết lòng tha thứ cho nhau. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết thực thi đức ai đối với tất cả mọi người.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
11 Tháng Chín
Thuốc Dã Rượu
Cách đây vài năm, công ty dược phẩm Hoffman La Roche ở Thụy Sĩ đã tình cờ khám phá ra một loại thuốc có tính chất làm dã rượu. Các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm của công ty đã đem loại thuốc mới này thí nghiệm trên các chú chuột đang say túy lúy. Như thuốc tiên, mấy cú chuột đang say bỗng trở nên tỉnh táo hẳn lại.
Nhiều người nghiện rượu có lẽ đã mừng thầm với phát minh mới này. Nhưng mọi người đều sửng sốt khi một nhà nghiên cứu của công ty nói trên đã đề nghị hủy bỏ loại thuốc mới này. Ông giải thích như sau: “Xã hội sẽ tốt hơn nếu không có loại thuốc này, Bởi vì loại thuốc này sẽ khuyến khích người say uống nhiều hơn. Những người uống thuốc này sẽ có cảm giác là không bao giờ họ bị đốn ngã vì chất men… Thật ra, loại thuốc này có đặc tính làm cho dã rượu, chứ không làm bớt lượng rượu trong máu cũng như các tác hại khác trong hệ thống thần kinh và trong các bộ phận khác”.
Loại thuốc dã rượu trên đây có thể làm cho chúng ta nghĩ đến thứ bình an giả tạo mà nhiều người đang đi tìm.
Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống trong bình an với Ngài. Những buổi chiều tà khi Thiên Chúa đến trong Vườn Ðịa Ðàng để chuyện vãn với Ađam và Evà: đó là hình ảnh của một sự kết hiệp thâm sâu giữa con người và Thiên Chúa. Thế nhưng, con người đãchối bỏ Thiên Chúa và đã cắt đứt mối dây thân tình ấy… Từ đó, bất an đã trở thành số phận thường tình của con người.
Nhưng bất an không những chỉ là một trừng phạt, bất an là nỗi khao khát mà Thiên Chúa đã đặt vào lòng người để giúp con người tìm đường quay lại với Ngài…
Dù sống trong hoàn cảnh nào, dù sống trong xã hội nào, dường như không ai thoát khỏi cái lo, cái sợ… Nếu những người Việt Nam đói khổ lo sợ cho ngày mai không cơm, không áo, thì những người Âu, Mỹ dư dật lại lo sợ trước trăm nghìn cái đe dọa khác của cuộc sống… Dĩ nhiên, không ai có thể so sánh được đau khổ của một người nghèo đói, mất tự do với sự bất an của những người giàu có. Nhưng trong cơ bản, nỗi khổ tâm và bất an nào cũng có một sức nặng riêng của nó. Dường như mỗi người đều có một thập giá, một nỗi khổ và một ưu tư tỷ lệ với sức lực của mình…
Chúa Giêsu kêu mời mọi người chúng ta hãy đặt tất cả tin tưởng vào Tình Yêu quan phòng của Thiên Chúa. Dù có lo lắng đến đâu, chúng ta cũng không thể làm cho mình cao hơn một chút. Mỗi người có nỗi khổ riêng của mình và mỗi ngày có nỗi khổ của ngày đó…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy – Tuần 23 – TN1
Bài đọc: I Tim 1:15-17; Lk 6:43-49.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải thực hành Lời Chúa dạy.
Tiếng Việt-nam rất chính xác khi ghép chữ “học hành.” Đã học hỏi, phải hành động, thì mới sinh lợi ích cho bản thân và tha nhân. Nếu học mà không hành, mớ kiến thức một người có được sẽ vô dụng, vì không sinh ích lợi gì.
Các Bài Đọc hôm nay nhằm mục đích khuyên con người phải thực hành những gì Chúa dạy. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô dựa theo kinh nghiệm cá nhân và dạy: “Thiên Chúa thương xót con người đang khi con người vẫn còn là tội nhân.” Vì thế, con người hãy mạnh dạn chạy đến với Thiên Chúa để được hưởng ơn cứu độ muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố con người không phải chỉ nghe mà còn phải thực hành Lời Chúa, thì mới có thể sinh quả tốt và đứng vững trước bao sóng gió của cuộc đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa thương xót khi con người vẫn còn là tội nhân.
1.1/ Phải nhận ra sự thật: Biến cố trên đường đi Damascus giúp Phaolô thấu hiểu một sự thật: Thiên Chúa tỏ lòng thương xót khi con người đang là tội nhân. Ngài thú nhận tội của mình và tuyên xưng lòng thương xót của Chúa: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng được đón nhận hoàn toàn; đó là: Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu những kẻ tội lỗi, mà người đầu tiên là tôi.” Hai sự thật mà con người cần nhận ra:
(1) Con người có tội: Tất cả mọi người, từ cặp vợ chồng đầu tiên, Adong và Evà, đều phạm tội. Thánh Gioan xác quyết: Ai nói mình không có tội là kẻ nói dối, và sự thật không có trong người ấy. Ai nói mình không có tội, người đó biến Đức Kitô thành kẻ nói dối; vì chính Đức Kitô đến thế gian để chuộc tội cho mọi người. Rất nhiều con người ngày nay tuyên bố họ không có tội! Những người này đã biến Đức Kitô thành kẻ nói dối, và một cách ngầm chỉ: họ không cần được cứu độ.
(2) Con người không thể tự giải thoát mình: Khi đã mang thân phận tội lỗi, con người không thể tự giải thoát mình khỏi tội. Làm sao một tội nhân có thể tuyên bố mình không còn tội nữa? Đó là lý do Đức Kitô đến để gánh tội cho con người, và hòa giải con người với Thiên Chúa.
1.2/ Phải chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa:
Bản dịch của Nhóm PVCGK dịch không chính xác câu 16 trong trình thuật hôm nay, chúng tôi xin dịch: “Đó là lý do tôi được thương xót: vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày sự kiên nhẫn hoàn hảo của Người với tôi là kẻ đầu tiên, để làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.”
(1) Thiên Chúa thương xót con người không phải vì sự tốt lành, việc làm, hay nhân đức con người có. Thiên Chúa thương xót Phaolô khi ông vẫn còn là tội nhân, đang hăng say bách hại đạo thánh Chúa. Xét theo kiểu con người, Phaolô xứng đáng lãnh nhận án tử hình. Xét theo kiểu Thiên Chúa, Ngài chứng tỏ lòng kiên nhẫn
(2) Mọi tội nhân đều có thể được cứu độ, nếu họ biết tin tưởng vào lòng thương xót Chúa; không cần biết họ tội lỗi nhiều và to lớn đến đâu. Thánh Phaolô có ý nói: nếu Thiên Chúa có thể tha thứ cho tôi, một người đang nhiệt thành bách hại Ngài; Ngài sẽ ban cuộc sống đời đời cho tất cả những ai biết chạy đến với Ngài.
2/ Phúc Âm: Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình.
2.1/ Cây nào sinh quả đó: Tục ngữ Việt-nam dạy: “xem quả, biết cây.” Chúa Giêsu dạy: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.”
Trong tiến trình trở nên tốt, con người trải qua các thứ tự như sau:
– Bắt đầu từ sự hiểu biết: Để làm đúng, con người cần phải hiểu biết đúng. Lời Chúa là sự thật, sẽ chỉ dạy con người biết đường lối phải theo. Nếu hiểu biết sai lầm, sẽ không thể làm đúng.
– Cố gắng mang ra áp dụng: Đã học, phải hành; nếu không nó chỉ là mớ lý thuyết mà không sinh ích lợi cho con người.
– Thực tập lâu ngày thành thói quen tốt: Các nhà luân lý gọi thói quen tốt là nhân đức, cũng như thói quen xấu là tội. Một khi đã có nhân đức nào, con người cũng tránh được tội ngược lại với nhân đức ấy; ví dụ, khi một người đã có nhân đức khiêm nhường, người ấy cũng tránh được tội kiêu ngạo.
Chúa Giêsu có ý muốn nói: Cả hai, tội và nhân đức, đều ẩn giấu trong con người; khi cơ hội tới, chúng sẽ phát ra. Nếu lòng một người chỉ toàn nhân đức, họ không thể làm điều xấu; và ngược lại, nếu lòng một người đầy tội, họ không thể làm việc lành.
2.2/ Phải thực hành Lời Chúa: Để cảnh cáo những người nghĩ: chỉ cần tin Thiên Chúa mà không cần làm các việc lành, Chúa Giêsu chất vấn: “Tại sao anh em gọi Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà anh em không làm điều Thầy dạy? Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai.”
(1) Người nghe và thực hành Lời Chúa: “Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc.” Để xây nhà trên đá, một người cần:
– Biết tiên liệu những gì sẽ xảy ra trong tương lai như: mưa, gió, bão, lụt lội.
– Hy sinh bỏ nhiều thời gian: để xây dựng một nền nhà vững chắc.
– Chấp nhận tốn phí: để mua những vật liệu tốt và lâu bền.
Tương tự như thế trong việc xây dựng cuộc đời. Để có một cuộc đời vững chắc, cần:
– Được soi sáng và hướng dẫn bởi Lời Chúa.
– Hy sinh bỏ nhiều thời gian để tập luyện tất cả nhân đức, cách riêng ba nhân đức đối thần, sao cho có được một đức tin sắt đá, một lòng trông cậy vững bền, và một tình yêu không bao giờ nhạt phai.
– Lợi dụng cơ hội khi bị thử thách để luyện các nhân đức ngày càng vững mạnh.
(2) “Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.” Đây là trường hợp của những người:
– Ngây thơ, không biết tiên liệu những gì sẽ xảy đến trong tương lai.
– Ngại khó khăn và muốn có kết quả ngay.
– Sợ tổn phí nên mua những vật liệu hào nhoáng và tạm thời bên ngoài.
Trong lãnh vực tinh thần, đây là những con người:
– Khinh thường hay không chịu học hỏi Lời Chúa.
– Không chịu mang Lời Chúa ra thực hành, vì sợ khó khăn. Họ thích sống cuộc đời dễ dãi, và những gì mang lại kết quả tức khắc.
– Khi bị thử thách cám dỗ, họ sẽ rơi vào bẫy của ba thù ngay lập tức.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải nhận mình có tội, không thể tự cứu mình; nhưng cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc gởi Đức Giêsu Kitô đến để chuộc tội cho chúng ta.
– Để sinh hoa quả tốt lành trong đời sống, chúng ta cần lắng nghe, học hỏi, và thực hành Lời Chúa dạy; nhất là cố gắng luyện tập các nhân đức.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************