Ngày thứ bảy (12-06-2021) – Trang suy niệm

11/06/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần X Mùa Thường Niên Năm lẻ

Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria

BÀI ĐỌC I: 2 Cr 5, 14-21

“Đấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, lòng mến Đức Kitô thôi thúc chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết cho mọi người, tức là mọi người đã chết; và Đức Kitô đã chết cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho mình, nhưng là cho Đấng đã chết và sống lại cho mình.

Bởi thế, từ nay chúng tôi không còn biết ai theo huyết nhục nữa, cho dầu có một thời chúng tôi đã biết Đức Kitô theo phương diện huyết nhục, thì bây giờ chúng tôi không biết Người như vậy nữa. Ai ở trong Đức Kitô, (kẻ ấy) là một thọ sinh mới: những gì cũ đã biến đi; này mọi sự đã được đổi mới. Và mọi sự đều do Thiên Chúa, là Đấng giải hoà chúng ta với Người nhờ Đức Kitô, và đã trao chức vụ giải hoà cho chúng tôi. Chính Thiên Chúa ở trong Đức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, không còn quy trách tội lỗi cho họ nữa, và đã đặt lời giải hoà trên môi miệng chúng tôi. Vậy chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như là Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo vậy. Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để trong Đức Kitô, chúng ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 8-9. 11-12

Đáp: Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

Xướng:

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội lên đầu ngươi mão từ bi, ân sủng. – Đáp.

3) Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. – Đáp.

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Đáp.

ALLELUIA: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 2, 41-52

“Cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.

Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”.

Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng.

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

12/06/2021 THỨ BẢY TUẦN 10 TN

Trái Tim Vô Nhiễm Đức Ma-ri-a

Mt 5,33-37

COI TRỌNG SỰ TRUNG THỰC

“Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37)

Suy niệm: Chúa Giê-su luôn lên án sự dối trá. Ngài quở trách nặng lời thói đạo đức giả của các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu. Giáo huấn của Chúa rất rõ ràng: “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Lời nói trung thực thì đáng tin và không cần gì phải thề thốt. Ngài tuyên bố bằng những lời đanh thép: Dối trá là công việc của ma quỷ! Và Ngài chỉ đích danh ma quỷ là “cha sự gian dối” (x. Ga 8,44). Cũng thế, kẻ dối trá chính là “tên Phản Ki-tô, kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con” (1Ga 2,22). Chúa Giê-su quyết liệt chống lại sự gian dối bởi vì Ngài là Sự Thật (x. Ga 14,6), Ngài đến thế gian này để làm chứng cho Sự Thật, và ai đứng về phía Sự Thật thì nghe theo Ngài (x. Ga 18,37).

Mời Bạn: Chúng ta đang sống trong một thế giới tràn ngập sự dối trá: gian dối, lừa đảo trong việc làm ăn, lối sống ảo cách riêng nơi người trẻ, những tin giả đặt điều vu khống trên mạng xã hội, gian lận trong môi trường giáo dục, dối lừa ngay cả trong mối tương quan gia đình, bạn bè, v.v…. Là môn đệ của Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi “sống theo sự thật trong tình bác ái” để xây dựng Giáo Hội “đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,13.15).

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi đính chính lại những gì tôi đã nói hoặc làm sai sự thật và hàn gắn lại những mối quan hệ bị tổn hại do đó mà ra

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhờ công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô, xin “thánh hiến chúng con trong sự thật” để chúng con được nên một trong Chúa và trung thành “làm chứng cho sự thật” trong đời sống của chúng con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ,
hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ.
Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.
Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.
Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy.
Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ,
cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.

Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.
Kể cũng lạ khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.
Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con,
vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc,
nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm.
Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.
Kinh nghiệm mất- tìm kiếm-tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.
Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.
Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ,
thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.
Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.
Mẹ không nén được một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?
Cha con và mẹ đã khắc khoải tìm con” (c. 48).

Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi,
đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?
Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao ?” (c.49).
Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?
Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.
Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.
Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó.
Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50).
Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.
Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).

Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.
Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ.
Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.
Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất.
Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.
Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.

Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40),
từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi,
và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52).
Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.
Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.
Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.
Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ,
và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.
Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con.
Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

12 THÁNG SÁU

Chúng Ta Quyết Định Vận Mệnh Của Chính Mình

Công Đồng Vatican II diễn tả cùng sự thật ấy về con người bằng những ngôn từ vừa bất hủ vừa rất chính xác đối với thời đại hôm nay: “Con người chỉ có thể quay về với sự thiện một cách tự do … Phẩm giá con người đòi họ phải hành động theo sự lựa chọn ý thức và tự do” (MV 17). “Nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật. Khi quay về với lòng mình tức là họ trở về với nội giới thâm sâu này, ở đó Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ; và cũng chính nơi đó con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa” (MV 14).

Sự tự do đích thực của con người là sự tự do đặt nền tảng trên sự thật. Từ nguyên thủy, sự tự do này đã mạc khải hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người. Vâng, sự thật giải phóng con người để con người trở nên chính mình một cách viên mãn trong Đức Kitô.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 12/6

Trái Tim Vô nhiễm đức Mẹ

Is 61, 9-11; Lc 2, 41-51.

LỜI SUY NIỆM: Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.”

          Nhìn vào bầu khí khi Chúa Giêsu ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe vừa đặt câu hỏi cho chúng ta liên tưởng đến các em thiếu niên bây giờ trong các giáo xứ của chúng ta còn có tinh thần lắng nghe và đặt câu hỏi về giáo lý? – Có còn có những bầu khí các thầy dạy ngồi lại với nhau để đào sâu Kinh Thánh, Lời Chúa và giáo lý, gây sự tò mò, để lôi cuôn sự ham thích của các em về Kinh Thánh và Giáo lý.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho các gia đình Công giáo có được những cha mẹ biết chăm lo học văn hóa và giáo lý con cái mình, để các em ngày càng thêm tuổi thêm khôn ngoan và nhân đức. Xin cho thanh thiếu niên trong mọi giáo xứ có nhiều thầy dạy giáo lý hấp dẫn để giúp các em khám phá ra nhiều điều mới lạ trong giáo lý và Lời Chúa, để giúp các em càng ngày càng yêu mến Chúa, và sống đẹp lòng mọi người.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

12 Tháng Sáu

Ngọn Lửa Không Hề Tắt

Tong tác phẩm Ðại Học Máu, văn sĩ Hà Thúc Sinh cũng giống như văn hào Nga Solzenitzyn ghi lại thân phận tù đày của các tù nhân Việt Nam trong các trại học tập. Nhưng giữa những đọa đày cùng cực của kiếp người, Hà Thúc Sinh vẫn có cái nhìn lạc quan về thân phận con người. Con người bị bạo hành ở những mức độ vô nhân nhất mà vẫn khôi hài, cười đùa, bỡn cợt được.

Trong tác phẩm đầu tay của ông có tựa đề “Hai chị em”, Hà Thúc Sinh đã nêu bật được hình ảnh con người tranh đấu lạc quan, chẳng còn biết gì để sợ, sẵn sàng kịch liệt chống lại định mệnh để tự thắng và tự cứu mình… Hai chị em Lan và Trực bị đắm tàu trong một cuộc vượt biên đầy nguy hiểm. Là hai người duy nhất còn sống sót, họ trôi dạt và tấp vào một hoang đảo giữa Thái Bình Dương. Trong nguyên một tuần lễ, tác giả đề cao sức chịu đựng, tinh thần tháo vát của hai chị em. Sau một tuần lễ chịu đựng, người chị ngã bệnh, Trực bèn kết bè để ra khơi mong tìm lại được chiếc ghe đắm trên đó còn chút ít lương thực, thuốc men và quần áo. Khi ra đi, anh đã nhóm đã nhóm được một ngọn lửa trên núi cao vừa làm dấu hiệu để kêu gọi sự chú ý của thuyền bè qua lại trong vùng, vừa lấy đó như ngọn hải đăng để còn có thể quay lại đảo… Nhưng anh đã ra đi và không bao giờ trở lại hoang đảo… Sóng to gió lớn có lẽ đã chôn vùi anh giữa lòng đại dương. Người chị tất tả chạy ra bãi cát giữa cơn giông bão để réo gọi tên em.

Tác giả đã kết thúc câu chuyện như sau: “Nếu có thuyền bè chạy qua eo biển, một vùng hoang đảo trên Thái Bình Dương những ngày biển lặng sau đó, chú mục, người ta có thể nhìn thấy một ngọn lửa. Ngịn lửa ấy đốt bập bùng trên một triền núi, khi lớn, khi nhỏ, khi tỏ, khi mờ. Nhưng có điều chắc chắn là nó chưa hề tắt”.

Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Chiến đấu chống lại với những khắc nghiệt của thiên nhiên, chống lại không biết bao nhiêu kẻ thù, chống lại với chính bản thân đầy ươn hèn, xấu xa.

Nhưng người Kitô hữu không phải là một thứ anh hùng khắc kỷ, tự chiến đấu một mình và tin ở sức mạnh vô song của ý chí. Chúa Giêsu đã chiến đấu, nhưng Ngài không là một anh hùng của một ý chí sắt đá. Sức mạnh duy nhất của Ngài chính là Thiên Chúa. Lương thực của Ngài chính là Thánh ý Chúa Cha. Khí giới của Ngài là sự kết hiệp với Chúa Cha.

Qua ba cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã luôn luôn qui chiếu vào Lời Chúa. Lời của Chúa là khí giới, là thuẫn đỡ của Ngài.

Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính là Ðức Kitô sống trong tôi. Ðó phải là ý lực sống của chúng ta. Chúng ta cũng hãy nói: tôi chiến đấu, nhưng không phải là tôi chiến đấu, mà chính Ðức Kitô chiến đấu trong tôi. Sức mạnh của Kitô giáo, bản chất của Kitô giáo không phải là tổng số của các tín hữu, mà chính là Sự Sống của Ðức Kitô đang châu lưu trong từng người tín hữu.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 10 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: 2 Cor 5:14-21; Mt 5:33-37.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu thương thành thật

            Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà con người đang bị khủng hoảng trầm trọng trong các mối liên hệ: con người không ngừng vi phạm những điều họ đã hứa với Thiên Chúa và với tha nhân. Nhìn vào những nhà lãnh đạo của các quốc gia, trước khi đắc cử, họ hứa hẹn với dân chúng rất nhiều; nhưng sau khi nhậm chức, chẳng thực hành được bao nhiêu. Trong lãnh vực kinh tế và tài chánh cũng thế, sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang xảy ra là vì quá nhiều chủ tịch các công ty đã gian lận tiền của chính phủ và của dân chúng để làm của riêng mình. Trong đời sống gia đình cũng chẳng khá hơn: bao nhiêu cặp vợ chồng ăn ở với nhau mà chẳng cần làm hôn thú hay lễ cưới; dẫu có thề hứa trước Thiên Chúa cũng chẳng giữ lời (hơn 50% đã chia tay). Trong đời sống linh mục và tu trì cũng thế, bao nhiêu người đã giũ áo ra đi và không trung thành với những gì mình đã thề hứa! Lời thề hứa hôm nay còn có giá trị hay không? Thiên Chúa còn có thể tin những gì con người thề hứa?

            Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải mến Chúa yêu người cách thành thật. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải thấu hiểu và ở lại trong tình thương Thiên Chúa, trước khi họ có thể loan truyền tình thương này và chinh phục con người về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ không cần phải thề thốt; nhưng phải luôn biết tập luyện để nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Một cách đơn giản: hễ “có” thì phải nói “có;” “không” thì phải nói “không.” Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới.

1.1/ Tình yêu Thiên Chúa phải biến đổi con người: Khi yêu nhau, con người yêu tất cả những gì thuộc về người yêu của mình; ngay cả những gì trước đây mình ghét hay không quan tâm tới, giờ cũng trở thành đáng yêu. Ca dao Việt-nam tuy có khuếch đại, nhưng nói lên được điểm này trong bài tả những thói xấu của người phụ nữ: “Đi chợ thì hay ăn quà; chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm … Đêm ngủ thì gáy ó o; chồng thương chồng bảo gáy cho vui nhà.”

Một cách tương tự, khi con người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô, con người sẽ nhìn tất cả theo lăng kính tình yêu này.

            (1) Đối với Thiên Chúa: Thánh Phaolô khuyên các tín hữu: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.” Trong cuộc đời, ơn cứu tử là ơn không bao giờ quên được; phương chi là ơn cứu tử từ một người phải chết thay để con người được sống và sống đời đời. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm rõ điều này, khi Ngài thốt lên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gal 2:20).

            (2) Đối với tha nhân: Nếu nhìn tha nhân dưới lăng kính loài người, một người sẽ không thấy nhu cầu cần phải hy sinh và yêu thương họ; nhưng nếu nhìn tha nhân dưới lăng kính của tình yêu Thiên Chúa, người đó sẽ dễ dàng yêu thương và hy sinh cho tha nhân; vì tất cả đều là anh/chị/em với nhau và đã được cứu chuộc bằng Máu Cực Thánh của Đức Kitô. Khi một người phải hư đi, Thiên Chúa sẽ buồn; và vì cùng cảm nhận nỗi buồn của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh để cứu linh hồn đó về cho Thiên Chúa. Chính vì quan điểm này, mà thánh Phaolô đã thốt lên: “Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.”

1.2/ Sứ vụ hoà giải: Khi đã được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa, người môn đệ được sai đi để làm chứng cho tình yêu này. Trước tiên, họ phải dùng Tin Mừng để nói cho mọi người biết về tình yêu Thiên Chúa. Thứ đến, họ phải biết cách diễn tả tình yêu này bằng chính cuộc sống chứng nhân của mình bằng cách yêu thương và giúp đỡ tha nhân. Tiến trình hòa giải luôn có hai chiều:

            (1) Con người hòa giải với Thiên Chúa: Nhờ Đức Kitô mà con người được hoà giải với Thiên Chúa, và chính Đức Kitô đã trao cho môn đệ của Ngài sứ vụ hoà giải, như thánh Phaolô nói: ”Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải.” Bổn phận của các môn đệ là phải rao giảng và sống làm sao để con người nhận ra: tình thương Thiên Chúa dành cho họ và tội lỗi họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Hai điều này sẽ giúp con người tìm vào tòa cáo giải để giao hòa với Thiên Chúa.

            (2) Con người hòa giải với tha nhân: Tôi con người phạm không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa, mà còn xúc phạm đến tha nhân. Vì thế, con người cần giao hòa và tha thứ với tha nhân sau khi đã được giao hòa và tha thứ với Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Hễ “có” thì phải nói “có;” “không” thì phải nói “không.”

2.1/ Đừng thề thốt chi cả: Đây là những lời dạy lý tưởng trong chương 5 của Tin Mừng Matthew để trở thành môn đệ của Chúa: Lề Luật chỉ là những điều kiện tối thiểu để ngăn cản con người đừng phạm tội; nhưng trở thành môn đệ của Đức Kitô đòi con người phải tiến xa hơn là việc đơn giản giữ các luật lệ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ về việc phải luôn trung tín trong lời nói và việc làm: Để hiểu những lời này, chúng ta cần phân biệt ít nhất 3 lý do tại sao con người dùng tên Chúa để thề:

            (1) Có những người quen kêu tên Chúa, Đức Mẹ, và các thánh, cách vô cớ như “Giêsu Maria Giuse.” Họ kêu mà chẳng nghĩ gì đến các ngài cả. Đây là tội phạm đến điều răn thứ hai, vì Danh Chúa là danh cực trọng. Người Do-thái không dám gọi đích danh Thiên Chúa, mà chỉ dám lướt qua (Yahweh) hay gọi một chữ khác.

            (2) Có những người quen lấy danh Chúa mà thề, mặc dù chẳng có gì quan trọng hay chẳng ai bắt phải thề thốt chi cả.

            (3) Có những người thề nhưng lại tránh dùng đích danh Chúa, vì họ biết Lề Luật buộc họ phải thi hành khi lấy danh Chúa thề; nên khi họ thề, họ chỉ trời, chỉ đất, chỉ Đền Thờ, chỉ lên đầu như Chúa Giêsu liệt kê hôm nay, để khỏi phải giữ lời thề. Họ quên đi Chúa ở khắp mọi nơi và thấu hiểu mọi ý nghĩ trong lòng họ; chẳng thể nào họ có thể chỉ bất cứ gì để thề mà không phải giữ, vì mọi sự trong trời đất này đều thuộc về Thiên Chúa.

2.2/ Sống theo sự thật: Chúa tiếp tục dạy các môn đệ: “Nhưng hễ “có” thì phải nói “có;” “không” thì phải nói “không.” Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” Người môn đệ của Đức Kitô phải luôn biết nói, sống và làm chứng cho sự thật. Nếu một người luôn trung tín, những gì người ấy nói ra đủ cho người khác tin tưởng mà không cần phải thề thốt chi cả; nhưng nếu một người bất trung, bao nhiêu lời thề hứa của họ cũng chẳng có giá trị chi cả. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh cho các môn đệ biết tập luyện để có nhân đức trung thành, hơn là những lời hứa hẹn ngoài miệng.           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            – Tình yêu Thiên Chúa là điều chúng ta cần có trước tiên, trước khi có thể yêu thương chân thành những người khác; nếu không có tình yêu này, chúng ta sẽ dễ dàng phản bội nhau.

            – Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải tập luyện làm sao để luôn biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Nếu chúng ta luôn làm như thế, thề thốt là điều dư thừa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************