Ngày thứ bảy (12-09-2020) – Trang suy niệm

11/09/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 Cr 10, 14-22a

“Chỉ có một bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy xa lánh sự thờ lạy các ngẫu tượng. Tôi muốn nói với những người biết điều! Điều tôi tuyên bố, anh em hãy xét thử!‡ Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, chẳng phải là thông hiệp với Máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Bởi vì chỉ có một bánh, mà tất cả chúng ta đều thông phần vào một bánh đó, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác. Anh em hãy xem Israel về phần xác: Nào những kẻ ăn của tế lễ, chẳng phải là thông phần vào bàn thờ sao?

Vậy nói thế nghĩa là gì? Tôi nói, của lễ dâng lên ngẫu tượng có là cái gì đâu? Hay ngẫu tượng có là cái gì đâu? Nhưng các dân ngoại tế lễ, là tế lễ cho ma quỷ, chứ không phải cho Thiên Chúa. Nhưng tôi không muốn anh em giao kết với ma quỷ. Anh em không thể uống cả chén của Chúa, cả chén của ma quỷ được. Anh em không thể thông phần vừa vào bàn tiệc Chúa, vừa vào bàn tiệc ma quỷ được. Hay là chúng ta muốn chọc tức Chúa? Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 115, 12-13. 17-18

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).

Xướng:

1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.

2) (Lạy Chúa,) con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 6, 43-49

“Tại sao các con gọi Thầy ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra. Tại sao các con gọi Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

12/09/2020 – THỨ BẢY TUẦN 23 TN

Thánh Danh Đức Ma-ri-a

Lc 6,43-49

TRÁI TỐT ĐÍCH THỰC

“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt.” (Lc 6,43)

Suy niệm: Cùng với đà phát triển của các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram,v.v… trào lưu sống ảo, đặc biệt trong giới trẻ, ngày càng trở nên phổ biến. Các “tín đồ sống ảo” đăng lên trang cá nhân những hình ảnh chỉnh sửa, những câu chuyện dàn dựng, ghép nối như thật, để ảo tưởng tự cho mình là một nhân vật quan trọng, nổi tiếng… vì có nhiều lượt theo dõi, tương tác, hâm mộ. Những hình ảnh giả tạo và lối sống phi thực tế như thế tố giác sự trống rỗng, hư ảo của con người sống ảo. Đối lại lối sống đó, Chúa Giê-su đưa ra nguyên tắc vàng để phân định: xem quả thì biết cây; cây có tốt thì mới sinh trái tốt đích thực. Trái tốt đích thực không phải là những lời lẽ tốt đẹp hoa mỹ “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà phải là đưa Lời Chúa vào hiện thực cuộc sống bằng những hành động cụ thể.

Mời Bạn: Một người chỉ mang danh nghĩa là “có đạo”, chỉ “giữ đạo” ở mức tối thiểu theo hình thức, còn cả cuộc sống trong gia đình và ngoài xã hội không toả sáng chút nào tinh thần của Tám Mối Phúc Thật, không thông truyền được chút nào những giá trị của Tin Mừng, thì có thể nói người ấy chỉ là một “ki-tô hữu ảo” mà thôi. Bạn hãy sống thực đức tin của mình với cả tấm lòng và thể hiện ra bằng một cuộc sống thấm đầy tinh thần cầu nguyện và bác ái dựa trên nền tảng của Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Đọc lại Tin Mừng hôm nay và rút ra một việc thực hành cụ thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để con sống ảo trong đức tin, nhưng xin Chúa giúp con sinh nhiều trái tốt đích thực qua việc thực thi Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày của con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Có nhiều cách để nhận biết sự thật về một người.
Chúng ta có thể bị hấp dẫn bởi những lời giảng hùng hồn.
Chúng ta cũng có thể bị đánh lừa bởi thái độ khôn khéo giả tạo.
Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra con người thật :
“Xem quả thì biết cây” (c. 44).
Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm.
Nếu nhìn kỹ công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai.
Đức Giêsu nói lên một luật tự nhiên của cây cỏ.
Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon.
Người công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ,
qua những thử thách họ đã vượt qua, qua những hy sinh họ dâng hiến.
Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa.
Đời sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ.
Bụi gai không sinh được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho.
Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh hoa trái tốt đẹp.

Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Đức Giêsu.
Không phải chỉ là tuyên xưng đức tin vào Thầy
bằng cách kêu lên : “Lạy Chúa! lạy Chúa !”
Vấn đề là làm điều Thầy dạy (c. 46).
Đức Giêsu đặt câu hỏi tại sao đầy ngạc nhiên với các môn đệ:
Tại sao tin vào Thầy mà lại không sống điều Thầy truyền dạy?
Kitô hữu chân chính là người đến với Chúa Giêsu,
lắng nghe những lời của Ngài và thi hành những lời ấy (c. 47).
Nghe thôi thì chưa đủ.
Lời của Chúa Giêsu phải thấm nhuần vào đời sống của ta,
chi phối mọi hành động, quyết định và lựa chọn.

Đức Giêsu kết thúc Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà.
Nhiều người đã nghe Bài Giảng này, đã cảm thấy hay,
nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong đó ?
Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc.
Còn người không thực hành thì giống như người làm nhà không nền.
Bề ngoài có vẻ hai căn nhà không khác nhau.
Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác biệt.
Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành.

Chúng ta thích xây nhà cao, nhưng lại ít để ý tới nền móng.
Chúng ta đã được nghe quá nhiều đoạn Lời Chúa,
nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc suy niệm, cầu nguyện.
Lời Chúa chưa thực sự bám rễ trong hành động và cuộc sống,
vì điều đó đòi một sự trả giá mà chúng ta muốn quay lưng.
Chính vì thế căn nhà tâm linh của chúng ta vẫn không vững.
Xin Chúa cho chúng ta can đảm để làm lại nền cho căn nhà đời ta.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu
Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
Nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,
Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,
Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
Được xây trên nền tảng vững chắc,
Đó là lời Chúa
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG CHÍN

Chạm Đến Tận Nguồn Sự Sống

Đức Kitô là Đường bởi vì Người là Sự Thật. Chính Người là câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi “Thiên Chúa là ai ?” Đây là lời chứng của Tông Đồ Gioan: “Không ai từng xem thấy Thiên Chúa. Nhưng người Con Một của Thiên Chúa, Đấng ở bên cạnh Chúa Cha, đã mạc khải về Ngài. ” (Ga 1,18)

Qua Mầu nhiệm Nhập thể, Đức Giêsu Kitô tỏ bày tình yêu, lòng quan tâm và thương xót của Thiên Chúa hằng sống. Và Người bày tỏ như thế trong tư cách là Con của Đức Maria – là Thiên Chúa làm người – bằng một cách thế mà loài người có thể hiểu được.

Chúng ta đạt đến Thiên Chúa qua sự thật về chính Thiên Chúa và qua sự thật liên quan đến tất cả những gì tồn tại ngoài Thiên Chúa: qua tạo vật, là đại vũ trụ; và qua con người, là tiểu vũ trụ. Chúng ta đạt đến Thiên Chúa qua sự thật được công bố bởi Đức Kitô và qua sự thật là chính Đức Kitô. Chúng ta đạt đến Thiên Chúa nơi Đức Kitô, Đấng không ngừng tuyên bố: “Ta là sự thật”.

Đạt đến Thiên Chúa qua sự thật là Đức Kitô, đó quả thật là đạt đến nguồn mạch của mọi sự sống. Đây là nguồn mạch sự sống vĩnh cửu vốn bắt đầu ngay trên trần gian này trong “sự mịt mù của đức tin”. Chúng ta chịu đựng sự mịt mù này cho đến khi chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện trong ánh sáng vinh hiển của chính Ngài.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 12/9: Danh Thánh Đức Maria

1Cr  10, 14-22; Lc 1. 39-47.

LỜI SUY NIỆM: “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc… ”

       Đối với người Kitô hữu mỗi người trong chúng ta đều đã nhiều lần tuyên xưng Danh Thánh Đức Maria qua 49 câu trong kinh Cầu Đức Bà; và trong Giáo Hội còn dành để những ngày đặc biệt để tôn kính Đức Mẹ như là: Lễ Đức Mẹ Lộ Đức; Truyền Tin Đức Trinh Nữ Maria; Đức Mẹ Phatima; Đức Trinh Nữ Vương; Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp; Đức Mẹ Đi Thăm Viếng; Đức Mẹ Núi Camêlô; Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời; Trái Tim Vô Nhiễm; Sinh Nhật Đức Maria; Kính Tên Đức Mẹ Maria; Đức Mẹ Sầu Bi; Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi; Đức Mẹ Mân Côi; Đức Mẹ Thiên Chúa; Đức Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thờ; Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội; Đức Mẹ La Vang. và còn hai Lễ liên quan đến Đức Mẹ: Sinh Nhật Chúa Giêsu và Lễ Đức Maria Dâng Đức Giêsu Vào Đền Thờ.

       Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã ban Đức Mẹ cho chúng con, và trao chúng con trong tay Đức Mẹ. Xin Chúa cho chúng con luôn cung kính Đức Mẹ và luôn biết chạy đến với Đức Mẹ trong mọi hoàn cảnh sống; để Đức Mẹ sắp xếp lại mọi lời tạ ơn và cầu xin của chúng con được đẹp lòng Chúa hơn.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

12 Tháng Chín

Bức Tranh Ðời Người

Một họa sĩ vô danh nọ vào thời Trung Cổ đã tóm tắt đời người thành 4 bức tranh xếp bên cạnh nhau. Bức tranh thứ nhất họa lại tuổi thơ. Không gì đẹp và thanh thản cho bằng tuổi thơ. Một em bé hồn nhiên, vô tư ngồi trên một chiếc ghe buồm vừa nhổ neo ra khỏi bờ… Em bé nhìn theo sóng nước không sợ hãi bởi vì người đang cầm bánh lái là một thiên thần. Bóng đen đang ngủ một cách dịu hiền đằng sau bánh lái.

Sang đến bức tranh thứ hai, người ta bỗng thấy cậu bé trở thành một trang thiếu niên đang đứng nhìn chân trời xa tắp với những háo hức trước những điều mới lạ… Vị thiên thần vẫn còn cầm tay lái, nhưng sóng đã bạt đầu và bóng đen đã thức giấc.

Bức tranh thứ ba là cảnh tuổi trưởng thành. Bầu trời đã trở nên ảm đạm. Sóng gió ập phủ tứ bề. Bánh lái đã nằm trong tay của bóng đen. Vị thiên thần đã bị trói chặt trong một góc. Người đàn ông đã phải dùng tất cả sức lực của mình để chiến đấu, để chiếc ghe không bị lật úp…
Cuối cùng, trong bức tranh thứ tư, người ta thấy một cụ già đang ngồi ung dung giữa ghe. Sóng yên, gió lặng, mặt trời xuất hiện trở lại. Vị thiên thần đã dành lại được bánh lái, còn bóng đen thì bị trói chặt đằng sau.

Ðời là một cuộc hải trình gay go… Ðích điểm có thể là bến yên hàn mà cũng có thể là vực thẳm của chết chóc. Ðến nơi yên hàn hay đứt gánh giữa đường: số mệnh ấy không ai có thể định đoạt cho ta, mà chỉ có mỗi người phải biết làm chủ, lèo lái con thuyền của mình…

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quá quen thuộc với trò chơi “Thiên Ðàng Hỏa Ngục” mà các em bé thường tụ tập trước sân thánh đường để cùng biểu diễn… Thiên đàng hỏa ngục hai bên, ai khéo thì nhờ ai vụng thì sa… Trả lời được một số câu hỏi thì được vào Thiên Ðàng, trả lời không được thì bị chận lại ngoài cửa.

Trò chơi đơn sơ nhưng cũng có tác dụng gieo vào đầu chúng ta một hình ảnh về cuộc đời. Ðời là một cuộc ra đi. Hướng đi của cuộc đời tùy thuộc ở sự định đoạt của mỗi người. Con đường dẫn đến hư đốn luôn rộng thênh thang. Con đường dẫn đến sự sống là một con đường chật hẹp, đòi hỏi nhiều chiến đấu…

Sự thánh thiện là một ơn Chúa ban, nhưng phải mất nhiều lao nhọc, vất vả chiến đấu, con người mới đạt được. Nói đến chiến đấu là nói đến kẻ thù. Con sư tử lượn quanh tìm mồi cắn xé trong cuộc sống của chúng ta là không biết bao nhiêu cạm bẫy giăng mắc trên lối đi của chúng ta. Những cạm bẫy đó từ bên ngoài cũng có, nhưng hầu hết đều xuất phát từ trong tâm hồn chúng ta… Ðó là những dục vọng, đam mê đang cào xé tâm hồn chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta đánh bại được kẻ nội thù ấy và biến chúng thành đạo binh trung thành thì lúc đó chúng ta mới chiến thắng được kẻ thù đến từ bên ngoài…

Khí giới tiên quyết và chủ yếu giúp chúng ta chiến thắng được nội thù đó là sự cầu nguyện. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài: chỉ có ăn chay và cầu nguyện các con mới chiến thắng được loài quỷ này…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Bài đọc: I Cor 9:16-19, 22-27; Lk 6:39-42.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cách lãnh đạo.

Các Bài đọc hôm nay tập trung vào những người lãnh đạo tôn giáo nhưng vẫn có thể mở rộng để áp dụng cho tất cả mọi người. Để rao giảng Lời Chúa có hiệu quả, trước hết và trên hết người rao giảng cần biết mình trong mối tương quan với Chúa, sau đó người rao giảng cần biết tha nhân với những điểm mạnh cũng như điểm yếu của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ơn gọi rao giảng của Phaolô.

Biến cố Damascus đã ghi đậm trong cuộc đời thánh nhân đến nỗi ngài luôn luôn nhìn lại biến cố này để đánh giá những việc mình làm. Trong biến cố đó, Phaolô đang trên đường bách hại các tín hữu, nhưng Chúa đã thay đổi hòan tòan cuộc đời ông bằng cách chọn ông để rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai. Đó là lý do tại sao người nói hôm nay: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.”

Vì không tự ý xin để rao giảng Tin Mừng nên Phaolô tìm cách khác để lập công. Ngài từ chối để hưởng thụ những đặc quyền dành cho người rao giảng Tin Mừng như Chúa nói “thợ làm việc đáng hưởng công.” Ngài vừa rao giảng Tin Mừng vừa kiếm ăn với sức lao động của mình. Hơn nữa, ngài còn nhiệt thành hy sinh chịu đựng tất cả để Tin Mừng được lan rộng khắp nơi.

Rao giảng Tin Mừng không thuần túy chỉ nói những gì đã học được rồi để mặc người nghe muốn làm gì thì làm. Để việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả, người rao giảng cần biết người nghe với tất cả các ưu và khuyết điểm của họ. Chẳng hạn nơi cộng đòan Hy-Lạp ở Corintô, thánh Phaolô biết họ rất mở lòng để tiếp nhận những điều hay, nhưng cũng đã bị ảnh hưởng nhiều bởi lối sống tình dục thác lọan. Vì thế, ngài phải nghiên cứu cách rao giảng làm sao để thuyết phục các tín hữu không những chỉ tin vào Chúa Kitô mà còn sẵn sàng sửa đổi các nết xấu sao cho thích hợp với đòi hỏi của Tin Mừng: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.”

2/ Phúc Âm: Sửa mình trước khi sửa người.

Vì khán giả không chỉ có hai tai nhưng còn hai mắt để nhìn, nên những người lãnh đạo bị đòi hỏi không chỉ rao giảng bằng lời nói mà còn bằng hành động. Để việc rao giảng có hiệu quả, người lãnh đạo cần chứng minh điều mình rao giảng với các việc làm của mình, và việc làm tốt dễ tác động trên khán giả hơn những lời khôn ngoan của họ. Tuy nhiên, như Chúa Giêsu nhận định: “Các người Kinh-sư và Biệt-phái ngồi trên tòa Môisê giảng dạy, hãy nghe những gì họ rao giảng, nhưng đừng làm những gì họ làm, vì họ nói mà không làm.” Nếu không tìm được người rao giảng hòan tòan thì những người rao giảng chỉ bằng lời nói vẫn có giá trị tối thiểu của họ.

Không ai có thể cho cái mình không có, và không ai có thể sửa lỗi người khác khi chính mình cũng có những khuyết điểm đó. Nhiều khi những khuyết điểm của mình còn to lớn nặng nề hơn là khuyết điểm của người mình muốn sửa, như ví dụ Chúa đưa ra hôm nay: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” Trước khi sửa lỗi tha nhân cần phải sửa mình trước. Điều làm cho nhiều người dễ chỉ trích và sửa dạy tha nhân là họ không chịu xét mình để nhận ra những khuyết điểm của họ, nên dễ cho là họ thánh thiện hơn những người khác. Họ cần biết là không thể giấu được tất cả mọi người và nhất là không bao giờ giấu được Thiên Chúa, Đấng biết rõ tất cả các tội lỗi của mọi người.

Để việc sửa lỗi người có hiệu quả người lãnh đạo cần biết tha nhân, biết ưu và khuyết điểm của họ, và biết lý do cùng hòan cảnh đưa đến dịp phạm tội, và nhất là biết kiên nhẫn để sửa dạy. Lại một lần nữa, bằng việc luôn luôn xét mình, người lãnh đạo nhận ra chính mình đã phải cố gắng chừng nào để thắng vượt được tội lỗi và những thói quen xấu; điều này sẽ giúp họ dễ thông cảm với tha nhân và kiên nhẫn trong việc sửa lỗi.

Chúa cảnh cáo nguy hiểm của những nhà lãnh đạo đui mù: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” Người lãnh đạo đui mù không nhận mình đui mù còn nguy hiểm hơn; khi sa xuống hố họ lại còn đổ tội cho người dưới quyền họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mỗi người chúng ta đều mang trong mình những ưu và khuyết điểm, những tính tốt và xấu. Để phát triển gia đình và cộng đòan, người lãnh đạo cần nhận ra tất cả những điều này, để biết dùng những ưu điểm và tính tốt trong việc xây dựng cộng đòan; cũng như biết cách đề phòng và sửa sai những khuyết điểm và tội lỗi để cộng đòan ngày càng tốt đẹp hơn.

– Trước khi có thể biết và sửa người, mọi người cần biết và sửa mình trước. Việc luôn nhìn lại quá khứ để nhận ra những lỗi lầm mình đã phạm và tiến trình tự sửa để trở nên tốt sẽ giúp các nhà lãnh đạo sáng suốt để nhận ra những lầm lỗi của những người dưới quyền mình và kiên nhẫn để sửa sai họ.

– Tiến trình lãnh đạo cần theo thứ tự như sau: (1) Nhìn nhận mọi người đều có ưu và khuyết điểm; (2) Biết ưu và khuyết điểm của mình; và (3) Biết dùng ưu điểm và kiên nhẫn sửa chữa khuyết điểm của tha nhân. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************