Ngày thứ bảy (13-02-2021) – Trang suy niệm

12/02/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần V Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: St 3, 9-24

“Chúa đuổi ông ra khỏi vườn địa đàng, để cày ruộng đất”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi ở đâu?” Ông đã thưa: “Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và đang ẩn núp”. Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”. Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”. Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: “Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân người”.

Chúa phán bảo cùng người phụ nữ rằng: “Ta sẽ làm cho ngươi gặp nhiều khổ cực khi thai nghén và đau đớn khi sinh con; ngươi sẽ ở dưới quyền người chồng, và chồng sẽ trị ngươi”. Người lại phán bảo Ađam rằng: “Vì ngươi đã nghe lời vợ mà ăn trái Ta cấm, nên đất bị nguyền rủa vì tội của ngươi. Trọn đời, ngươi phải làm lụng vất vả mới có mà ăn. Đất sẽ mọc cho ngươi đủ thứ gai góc, và ngươi sẽ ăn rau cỏ ngoài đồng. Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về đất, vì ngươi từ đó mà ra. Ngươi là bụi đất, nên ngươi sẽ trở về bụi đất”. Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Thiên Chúa cũng làm cho Ađam và vợ ông những chiếc áo da và mặc cho họ. Và Người phán: “Này, Ađam đã trở thành như một trong chúng ta, biết thiện ác. Vậy bây giờ, đừng để hắn giơ tay hái trái cây trường sinh mà ăn và được sống đời đời”. Và Thiên Chúa đuổi ông ra khỏi vườn địa đàng, để cày ruộng đất, là nơi ông phát xuất ra. Và Người đã đuổi Ađam đi. Và ở phía đông vườn địa đàng Người đã đặt những thần Kêrubim và gươm lửa chớp chớp để canh giữ lối tới cây trường sinh. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 89, 2. 3-4. 5-6. 12-13

Đáp: Thân lạy Chúa, Chúa là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).

Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở này qua thuở kia, vẫn có Ngài. – Đáp.

2) Chúa khiến con người trở về bụi đất, Người phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”. Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. – Đáp.

3) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng; họ như cây cỏ mọc xanh tươi, ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô. – Đáp.

4) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: Tv94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 8, 1-10

“Họ ăn no nê”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến”. Các môn đệ thưa: “Giữa nơi hang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no!” Và Người hỏi các ông: “Các con có bao nhiêu bánh?” Các ông thưa: “Có bảy chiếc”. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Các ông chia cho dân chúng. Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ. Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát. Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng. Số người ăn độ chừng bốn ngàn. Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền mà đến miền Đal-ma-nu-tha. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

13/02/2021 – THỨ BẢY TUẦN 4 TN

Mồng Hai Tết. Kính nhớ tổ tiên

Mc 15,1-6

THỜ CHA KÍNH MẸ MỚI LÀ ĐẠO CON

“Ngươi hãy kính thờ cha mẹ.” (Mt 15,4)

Suy niệm: Cha ông ta dạy: “Bách thiện, hiếu vi tiên”, trong trăm điều thiện, việc hiếu thảo luôn đứng đầu. Đạo hiếu trong văn hoá Việt Nam không xa lạ với giáo huấn của Chúa. Sau ba điều răn đầu trong Mười Điều Răn dạy ta phải phụng thờ Thiên Chúa, thì điều răn thứ tư, điều răn đầu tiên nói về bổn phận đối với tha nhân là “hãy thảo kính cha mẹ.” Thánh Phao-lô đã nói như thế: “Hãy thảo kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất” (Ep 6,2). Nghiêm khắc hơn, Chúa Giê-su nhắc cho chúng ta, “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử.” Và chính Chúa Ki-tô trong những năm tháng ẩn dật tại Na-da-rét cùng với Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se, “Người hằng vâng phục các ngài.” Người ki-tô hữu tôn kính tổ tiên là thực hành giới răn của Chúa, vừa đền đáp công ơn vừa phá tan thành kiến: “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”.

Mời Bạn: Tết là dịp làm mới lại lòng thảo hiếu với ông bà cha mẹ. Bạn sẽ làm gì để bày tỏ lòng hiếu kính: thăm viếng, mừng tuổi các ngài? Mời bạn làm một việc thật ý nghĩa để nói lên lòng hiếu thảo của bạn và thể hiện điều đó trong suốt năm nay và mai sau nữa. Nếu bạn không cho mình một cơ hội làm điều đó ngay hôm nay thì biết đâu ngày mai bạn không còn dịp nào khác nữa. Không lúc này thì lúc nào? Hãy làm ngay hôm nay, kẻo muộn màng.

Sống Lời Chúa: Sự vô tâm của người Ki-tô hữu đối với tổ tiên, cha mẹ đã gây nên hiểu lầm và cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng, thì nay, chúng ta xin lỗi Chúa, xin lỗi ông bà, cha mẹ và quyết tâm sống đạo hiếu như Chúa dạy.

Cầu nguyện: Xin cho làn hương trầm trong dịp tết diễn tả được lòng thành của chúng con đối với Chúa và với ông bà tổ tiên. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy Niệm

Giáo Hội dành Mồng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.
Người Công Giáo thường bị coi là bỏ rơi việc thờ cúng ông bà tổ tiên,
như thế họ có thể bị coi là bất hiếu.
Thật ra thảo kính cha mẹ là điều răn thứ bốn Thiên Chúa đòi chúng ta phải giữ.
Cha Đắc Lộ trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày (1651) cho rằng
thảo kính cha mẹ gồm bốn phần, đó là yêu mến, kính sợ, chịu lụy và giúp đỡ.
Cha còn ghi nhận một tập tục đặc biệt vào thời đó.
Ngày Mồng Một Tết, người dân và cả những quan lớn,
sau khi theo vua chúa đi tế Nam Giao về,
“ai nấy về nhà mà lạy cha mẹ ông bà ông vải.”
Vào năm 1625, các thừa sai cho phép cúng giỗ các vị đã khuất.
Trong các gia đình, ngoài bàn thờ kính Chúa, còn có “bàn thờ” tổ tiên
Chỉ có hai điều không được phép,
đó là đốt vàng mã và tin tổ tiên về ăn đồ cúng.

Thật ra, người Công Giáo nhớ đến người quá cố
không qua những nghi lễ giỗ chạp hàng năm,
cho bằng qua việc cầu nguyện và dâng lễ hàng ngày.
Nhà Vua tế Trời ở đàn Nam Giao, nhà sư thờ Phật tại Chùa,
các bậc chức sắc trong làng xã thờ Thành Hoàng tại đình làng,
còn việc cầu nguyện, cúng giỗ tổ tiên được cử hành tại gia đình,
nơi người sống và người đã qua đời vẫn thông hiệp với nhau chặt chẽ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu bênh vực quyền lợi của cha mẹ.
Ngài đòi người ta phải giữ điều răn thứ tư của Thiên Chúa.
Thảo kính cha mẹ hàm chứa việc săn sóc và phụng dưỡng cha mẹ.
Cụ thể người con phải giúp cha mẹ về mặt tài chánh.
Đức Giêsu phản đối một truyền thống được bày đặt bởi người Pharisêu,
đó là khi một người con lấy số tiền lẽ ra dành để nuôi cha mẹ
mà dâng cúng cho đền thờ làm lễ phẩm
thì anh ta khỏi phải dùng tiền đó mà nuôi cha mẹ nữa (cc. 5-6).
Đối với Đức Giêsu, làm thế là nhân danh một truyền thống con người
mà “vi phạm điều răn của Thiên Chúa”và “hủy bỏ lời của Thiên Chúa” (cc. 3.6).

Khi suy nghĩ về tương quan giữa cha mẹ và con cái,
chúng ta cần tự hỏi:
Làm sao để có sự cảm thông giữa những thế hệ?
Làm sao để con cái biết vâng phục và tôn kính cha mẹ?
Làm sao để cha mẹ biết giáo dục con cái bằng khuyên răn và sửa dạy? 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa đã thành một người chín chắn
và trưởng thành,
sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.

Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.

Chúa đã học nơi Mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG HAI

Theo Đuổi Kỷ Luật Bản Thân

Thánh Phao-lô nhấn mạnh đến ý nghĩa tâm linh của thể thao: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều” (1Cr 9, 25). Ngài nhận thức rằng sự quân bình, kỷ luật bản thân, sự điều độ và nhất là nhân đức là những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động thể thao.

Để trở thành một vận động viên chân chính, người ta cần phải trung thực với chính mình và với người khác. Người ta cần có lòng trung thành và nghị lực tinh thần hơn cả sức lực thể lý. Người ta phải biết kiên trì, phải có tinh thần cộng tác, tính cách hào hiệp, lòng quảng đại, thái độ cởûi mở bao dung. Tất cả những điều ấy đều là những đòi hỏi của một căn bản đạo đức. Nhưng, Tông Đồ Phao-lô còn thêm: “Các vận động viên làm thế để chiến thắng một triều thiên tạm bợ chóng qua, còn chúng ta, chúng ta nhắm đến một triều thiên vĩnh cửu”. Qua những lời ấy, chúng ta tìm thấy sự phác họa một nền đạo đức thể thao và thậm chí một nền thần học soi sáng cho tất cả các giá trị của thể thao.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 13/2

Mồng Hai Tết

Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ

St  3, 9-24; Mc 8, 1-10.

LỜI SUY NIỆM: “Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, vì họ không có gì ăn, nên Đức Giêsu gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. trong số đó có những người ở xa đến,”

          Chúa Giêsu đang chia sẻ sự chạnh lòng thương của Người với các môn đệ của Người, và Người mời gọi các môn đệ tìm ra cách cùng Người giải quyết; Nhưng các môn đệ đã muốn từ chối; các ông nói: ‘Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no”  Nhưng Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải nhìn vào thực tại của chính mình: “ Anh em có mấy chiếc bánh?”. Họ thưa có bảy chiếc.” Và rồi, với ngần ấy bánh của các môn đệ, Chúa Giêsu đã cho “Đám đông đã ăn và được no nê.”

          Lạy Chúa Giêsu; Chúa muốn tất cả chúng con luôn phải có tình thương đối với hết mọi người, và sẵn sàng chia sẻ những gì chúng con đang có để tất cả đều được no đủ. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn có tâm tình “chạnh lòng thương” với những người nghèo khổ.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

13 Tháng Hai

Mang Tên Một Vị Thánh 

Hiện nay, những người vẽ bản đồ tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp nơi trong toàn lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên mà Stalin và những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân chúng yêu cầu đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St. Petersburg, nghĩa là đô thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng bỏng mà hội đồng thành phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền hình địa phương người hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại gọi tắt là Peter, nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. ngững người yêu cầu hoàn trả tên cũ lại cho các đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình, thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai nguyên của nó.

Tại cộng hòa Georgia, trường đại hoạc kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng của ông cũng bị đạp đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của các đô thị để lấy lại tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập. Gorky sẽ được phục hồi lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên cũ là Nabereznye, Zhadanov sẽ được phuc hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức Maria.

Mỗi người chúng ta, khi chịu phép rửa cũng đều mang một tên mới. Chúng ta thường gọi đó là tên thánh. Thánh bởi vì đó là tên của một vị Thánh, nhưng thánh bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để nên thánh, hay nói như Thánh Phaolô, tất cả chúng ta đều là những người thánh. Thật thế, nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở thành Ðền Thờ thánh thiện của Chúa Thánh Thần.

Ðó là nguồn gốc, là căn tính của người Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô luôn được nhắc nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ chính là sự thánh thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để làm việc thiện, để cầu nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để sống phục vụ. Nói tóm lại, vì thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người Kitô luôn được mời gọi để sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh, đã thể hiện chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy Tuần 5 TN1, Năm lẻ

Bài đọc: Gen 3:9-24; Mk 8:1-10.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lợi ích và tai hại của thức ăn

Có những thức ăn nuôi dưỡng và làm cho con người được sống khỏe; có những thức ăn gây bệnh (cao đường, cao máu, cao mỡ) và làm con người phải chết. Một con người bình dân sẽ không biết những hậu quả của thức ăn, nếu không được những nhà chuyên môn cho biết hậu quả của nó. Để sống khỏe, con người cần tuân theo sự chỉ dẫn của các nhà chuyên môn. Nếu ngoan cố ăn bậy theo ý mình, con người sẽ phải lãnh hậu quả tai hại của nó.

Các Bài Đọc hôm nay liên quan đến những lợi ích và tai hại của thức ăn. Trong Bài Đọc I, cả ma quỉ và tổ tiên con người phải lãnh nhận các hậu quả trầm trọng, vì đã bất tuân sự chỉ dẫn của Thiên Chúa để ăn trái của Cây Biết Thiện Ác. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu làm phép lạ cho 4,000 người ăn no nê. Vì của ăn này, tất cả dân chúng trở nên mạnh khỏe và không bị ngất xỉu dọc đường.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hình phạt của tội lỗi

1.1/ Sự thật được tiết lộ: Mọi hành động của con người đều cho hậu quả tốt hoặc xấu. Hậu quả của việc bất tuân Thiên Chúa qua việc ăn trái cấm làm con người sợ hãi, xấu hổ, và trốn tránh sự thật. Sớm hay muộn, con người cũng phải đối diện với sự phán xét của Thiên Chúa.

Khi được hỏi vì lý do tại sao phạm tội, con người không dám nhận trách nhiệm, nhưng đổ lỗi vòng quanh cho người khác: Ông Adong đổ lỗi cho Bà Evà, và còn ám chỉ phần lỗi của Thiên Chúa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con.” Bà Evà đổ lỗi cho con rắn “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” Nếu Bà vâng lời Thiên Chúa, con rắn đâu cám dỗ được. Con người có tự do hành động; và vì thế, con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

1.2/ Thiên Chúa ra hình phạt cho tất cả:

(1) Hình phạt của Con Rắn: Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”” Mối thù giữa ma quỉ và con người, giữa dòng giống ma quỉ và dòng giống con người. Mối thù này được chiến thắng bởi Đức Mẹ và Chúa Giêsu.

(2) Hình phạt của Bà Evà: Với người đàn bà, Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.” Điều truyền này nói lên vai trò gia trưởng trong gia đình của người đàn ông.

(3) Hình phạt của Ông Adong: Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi và sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi. Con người phải làm việc vất vả mọi ngày trong đời mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra; vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ đuổi con người ra khỏi vườn Eden. Hình phạt nặng nhất là sự chết: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.”

1.3/ Con người bị ngăn cản không cho đụng đến Cây Trường Sinh: Trình thuật hôm nay củng cố sự kiện có 2 cây Thiên Chúa đặt chính giữa vườn: Cây Trường Sinh và Cây Biết Thiện Ác. Vì con người đã ăn trái cây của Cây Biết Thiện Ác, nên họ biết điều thiện và điều ác. Nhiều người giả sử nếu Ông Bà ăn quả của Cây Trường Sinh, con người sẽ được sống mãi. Để ngăn cản không cho con người ăn trái cây này, Thiên Chúa phán: “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái Cây Trường Sinh mà ăn và được sống mãi. Người trục xuất con người, và ở phía Đông vườn Eden, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến Cây Trường Sinh.”

2/ Phúc Âm: Chúa làm phép lạ cho 4,000 người ăn no nê.

2.1/ Phản ứng của Chúa Giêsu và của các môn đệ:

(1) Chúa Giêsu biết mọi nhu cầu của con người: phần hồn cũng như phần xác. Những chi tiết của trình thuật nói lên sự quan tâm và lòng thương xót của Ngài: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.”

(2) Phản ứng của các tông-đồ rất thực tế: Trong nơi hoang vắng này, làm sao tìm được bánh cho bằng ấy người? Lấy tiền đâu mà mua nhiều bánh như vậy? Đó là trách nhiệm của họ, đâu phải là của chúng ta! Rất nhiều người lãnh đạo phần hồn dựa vào những lý do như thế để từ chối giúp đỡ giáo dân về phần xác; nhưng bổn phận bác ái là cho hết mọi người, đâu trừ những nhà rao giảng. Hơn nữa, nhiều người tin vào Chúa không do những lời giảng cao siêu, nhưng do tấm lòng thương xót của người rao giảng.

2.2/ Phép lạ hóa bánh ra nhiều: Cần lưu ý có hai phép lạ hóa bánh ra nhiều trong Tin Mừng của Marcô:

(1) Phép lạ hóa bánh ra nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá để nuôi 5,000 người (Mk 6): Tất cả 4 Thánh-ký đều tường thuật phép lạ này (Mt 14:15-21, Mk 6:34-44, Lk 9:12-17, Jn 6:1-14).

(2) Phép lạ hóa bánh ra nhiều từ 7 chiếc bánh và vài con cá để nuôi 4,000 người: Chỉ có trong Marcô trong trình thuật hôm nay, và được nhắc lại trong Mt 16:10.

– Những điều giống nhau trong 2 phép lạ: Công thức chúc lành như khi lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly: “Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông.” Lời thắc mắc của các tông-đồ “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?”

– Những điều khác nhau trong 2 phép lạ: Số người hiện diện, số bánh, và số cá. Số bánh còn dư lại: 7 giỏ cho 4,000 và 12 giỏ cho 5,000. Địa điểm phép lạ xảy ra: gần Capernaum, vùng của Do-Thái, cho 5,000; và vùng Decapolis, lãnh thổ của Dân Ngọai, cho 4,000.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần tuân theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa và các nhà chuyên môn, vì có rất nhiều điều chúng ta không biết, hay vượt quá sự hiểu biết của con người chúng ta.

– Vâng lời những lệnh truyền của Thiên Chúa không hạn chế sự tự do của chúng ta, nhưng giúp chúng ta đạt những hậu quả tốt, và vượt qua những cám dỗ của ma quỉ và thế gian.

– Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành và thấu suốt mọi sự. Chúng ta cần tin tưởng tuyệt đối và tuân giữ những gì Ngài truyền. Vì không một ai trên đời này khôn ngoan hơn Thiên Chúa, chúng ta phải tuân theo những Lời Ngài dạy hơn là những lời của người đời. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************