Ngày thứ bảy (13-08-2022) – Trang suy niệm

12/08/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XIX Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: Ed 18, 1-10. 13b. 30. 32

“Ta sẽ xét xử mỗi người theo cách nó sống”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Tại sao giữa các ngươi trong Israel có câu tục ngữ rằng: “Cha ông ăn nho chua thì con cháu ghê răng”?

Chúa là Thiên Chúa phán, Ta lấy sự sống Ta mà thề không lặp lại câu tục ngữ ấy ở Israel nữa. Này tất cả mọi sinh mạng đều thuộc về Ta; sinh mạng người cha cũng như sinh mạng người con, đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, người ấy sẽ chết. Ai công chính, giữ lề luật và đức công bình, không ăn (của cúng) trên núi và không ngước mắt nhìn các thần tượng của nhà Israel, không xúc phạm đến vợ người khác, không gần gũi đàn bà khi họ không được sạch, không áp bức người ta, trả đồ cầm cố cho người mắc nợ, không cưỡng đoạt của ai, đem bánh cho người đói khát, đem áo mặc cho người trần trụi, không cho vay ăn lời, không lấy thêm của người, giữ tay không làm điều gian ác, xét đoán công minh giữa hai người, ăn ở theo luật lệ của Ta, và giữ các giới răn của Ta để thực hiện chân lý, người đó mới là công chính, nó sẽ được sống, Chúa là Thiên Chúa phán.

Nhưng nếu người đó sinh ra một đứa con trộm cướp, khát máu, phạm tội trong những lỗi nói trên, thì đứa con ấy không đáng sống, vì đã làm những điều đáng ghét, nó sẽ chết, và máu nó sẽ đổ trên đầu nó.

Vì vậy, hỡi nhà Israel, Ta sẽ xét xử mỗi người theo cách nó sống: Chúa là Thiên Chúa phán. Các ngươi hãy trở lại và hãy hối cải tất cả những điều gian ác, thì sự gian ác sẽ không huỷ diệt các ngươi. Hãy dứt bỏ hết mọi tội lỗi các ngươi đã phạm, và hãy tạo cho các ngươi một tâm hồn và một tinh thần mới. Hỡi nhà Israel, tại sao các ngươi muốn chết. Ta không thích cho ai phải chết: Chúa là Thiên Chúa phán. Hãy trở lại để được sống. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 50, 12-13. 14-15. 18-19

Đáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).

Xướng:

1) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. – Đáp.

2)Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ; với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài. – Đáp.

3)Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 118, 18

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 19, 13-15

“Đừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng chúa Giêsu bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”. Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

13/08/2022 – THỨ BẢY TUẦN 19 TN

Th. Pon-xi-a-nô, giáo hoàng và Híp-pô-li-tô, linh mục, tử đạo

Mt 19,13-15

HÃY ĐỂ CHÚNG TÔI ĐẾN VỚI CHÚA!

Bấy giờ người ta dẫn các trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. (Mt 19,13)

Suy niệm: Xã hội kêu gào các công dân hãy dành cho con em mình những điều tốt đẹp nhất. Đó là mối bận tâm lớn nhất của mọi người nhất là những người có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ. Thế nhưng đâu mới là điều tốt nhất mà những người trẻ đang cần? Và chính những người trẻ có biết điều tốt đẹp đích thực mà mình cần là điều gì không? Những người đem trẻ đến với Chúa Giê-su không phải là để Ngài cho chúng bánh kẹo, hay những thứ vật chất chóng qua, mà là để Chúa đặt tay chúc lành, cầu nguyện cho chúng, để Ngài âu yếm ôm chúng vào lòng, vì Ngài nói “Nước Trời là của những ai có tâm hồn như chúng.” Điều tốt đẹp đích thực cho người trẻ là được hưởng trọn niềm hạnh phúc sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dẫn họ đến hưởng điều đó.

Mời Bạn: Ngày nay nhiều người thay vì dẫn trẻ em, và nói rộng ra những người trẻ, đến với Chúa, thì họ ngăn cản chúng bằng cách trao vào tay thanh thiếu niên những thứ độc hại: những trò chơi bạo lực khiêu dâm, những sản phẩm tiêu xài hoang phí, những phương thế ăn chơi truỵ lạc… Đại hội giới trẻ thế giới năm 2005 có chủ đề “Venimus adorare eum” (Chúng tôi đến thờ lạy Người) đã trở thành lời mời gọi cho thanh thiếu niên chưa? Chính các bạn trẻ hãy hô to lên “Hãy để chúng tôi đến với Chúa”.

Sống Lời Chúa: Mỗi người, cách riêng các bạn trẻ, dành mỗi ngày ít là năm phút để đến với Chúa trong lời cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương những người trẻ hôm nay, và mở ra nhiều con đường dẫn họ đến với Chúa.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Bàn tay con người thật là cao quý.
Trong Cựu Ước, Đức Chúa muốn ông Môsê đặt tay trên ông Giosuê
để chia sẻ cho ông này quyền lãnh đạo dân (Ds 27, 18. 23).
Cụ Giacóp đã chúc phúc cho hai đứa cháu là Épraim và Mơnase
bằng cách đưa hai tay đặt trên đầu chúng (St 48, 14).
Cử chỉ đặt tay trên cũng thường thấy trong Giáo Hội thuở ban đầu.
Chúa Thánh Thần được trao ban qua việc đặt tay (Cv 8, 17-19; 19, 6).
Qua đặt tay, bảy phó tế đầu tiên lãnh nhận sứ vụ (Cv 6, 6).
Bácnaba và Saolô cũng được đặt tay để sai đi truyền giáo (Cv 13, 3).

Bàn tay Thiên Chúa là khí cụ che chở, đỡ nâng.
“Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài đặt trên con (Tv 138, 5).

Bàn tay của Đức Giêsu đóng vai trò lớn trong sứ vụ.
Ngài chữa anh mù bằng cách đặt tay trên mắt anh (Mc 8, 25).
Ngài cũng chữa bà còng lưng theo cách tương tự (Lc 13, 13).
Người ta xin Ngài đặt tay để chữa một anh điếc và ngọng (Mc 7, 32),
thậm chí đặt tay để hoàn sinh một em gái mới chết (Mt 9, 18).
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Cha mẹ của các em đã đưa các em đến với Đức Giêsu,
để được Ngài đặt tay trên chúng và cầu nguyện (c. 13).
Họ tin phúc lành đến với con cái họ qua cử chỉ ấy.
Cuối cùng, Đức Giêsu đã đặt tay trên các em nhỏ và cầu nguyện,
trước khi tiến về Giêrusalem để chịu khổ nạn (c. 15).

Nhưng các môn đệ lại bực bội và la rầy cha mẹ của các em.
Có lẽ đối với họ, Thầy Giêsu còn nhiều việc lớn lao để làm
hơn là mất thì giờ để chúc lành cho mấy em bé.
Đức Giêsu hoàn toàn không đồng ý với thái độ coi thường này.
Ngài nói thẳng: “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng.”
Đến với Thầy Giêsu là quyền lợi của mọi trẻ em,
người lớn không được phép xâm phạm.
Ngài đưa ra lý do khiến các môn đệ phải tôn trọng trẻ em:
“vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (c. 14).
Như thế trẻ em, tuy không có chỗ cao trong xã hội,
nhưng lại có chỗ vững chãi trong Nước Trời.
Trẻ em có chỗ vì chúng hồn nhiên sống lệ thuộc vào cha mẹ,
và đón nhận mọi sự từ người khác với lòng biết ơn.
Những người lớn muốn vào Nước Trời phải nên giống chúng.
Đây là một tiến trình khó khăn và lâu dài,
vì người lớn phải quay lại, phải hoán cải để trở nên đơn sơ như trẻ thơ,
phải tự hạ mình xuống, bỏ đi những tự hào, tự mãn về mình (Mt 18, 3-4).
mở lòng đón lấy Nước Trời như quà tặng nhưng không.
Như thế trẻ thơ lại là mẫu mực cho các môn đệ của Thầy Giêsu.
Nước Trời dành cho trẻ thơ và những ai trở nên giống chúng.

Trẻ em có chỗ trong Nước Trời và trong Giáo Hội tại thế.
Các em cũng là thành viên trong cộng đoàn đức tin.
Lời dạy của Đức Giêsu vẫn mãi âm vang nơi chúng ta:
“Hãy để trẻ em đến với tôi, đừng ngăn cấm chúng.”
Chúng ta đã làm gì để đưa các em đến với Thầy Giêsu?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.

Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,

những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.

Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.

Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.

Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.

Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.

Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

13 THÁNG TÁM

Xây Dựng Một Nơi Cư Ngụ Xứng Đáng Cho Con Người

Con người được mời gọi phát triển thế giới, làm việc hướng về việc phát triển tốt hơn các hệ thống kinh tế và văn hóa. Công việc này là một phần của ơn gọi con người, vì con người được mời gọi làm chủ trái đất. Đó là lý do tại sao sự suy nghĩ khoa học và kỹ thuật hiện đại cũng như văn hóa và sự khôn ngoan của mọi thời phải được định hình bởi con người để phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa đối với tạo vật của Ngài.

Công Đồng Vatican II nhìn nhận giá trị và chức năng của công việc và văn hóa trong thời đại chúng ta. Thật vậy, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng mô tả tình hình xã hội và văn hóa mới của chúng ta với những khả năng thay đổi và tiến bộ nhanh chóng của nó. Những khả năng này làm nhiều người ngạc nhiên và đem lại niềm hy vọng cho nhiều người khác. (MV 53-54).

Công Đồng không ngần ngại nhìn nhận những thành tựu ngoạn mục của con người. Công Đồng đặt những thành tựu này trong bối cảnh kế hoạch và lệnh truyền của Thiên Chúa cho con người. Công Đồng liên hệ những thành tựu ấy với Phúc Âm về tình huynh đệ được rao giảng bởi Đức Giê-su Kitô. “Khi cày cấy với hai bàn tay hoặc với phương tiện kỹ thuật để trái đất nảy sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của toàn thể gia đình nhân loại, và khi tham dự cách ý thức vào tập thể xã hội, con người đã tuân theo ý định của Thiên Chúa được tỏ bày ngay từ thuở đầu là loài người phải chế ngự trái đất và hoàn tất công cuộc tạo dựng, đồng thời con người phát triển được chính bản thân; và cùng khi ấy con người tuân giữ giới răn quan trọng của Chúa Kitô là hiến thân phục vụ anh em” (MV 57; 63).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 13/8

Thánh Pontianô, giáo hoàng, tử đạo

Và Thánh Hippôlytô, tử đạo

Ed 18, 1-10. 13b. 30-32; Mt 19, 13-15.

LỜI SUY NIỆM: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”

          Trong đoạn Tin Mừng này tuy chỉ có hai câu, nhưng chúng ta có thể hình dung một quan cảnh các bà mẹ đưa con cái mình đến gần Chúa Giêsu, mong Người đặt tay trên con cái của họ. Vì bởi bàn tay của Chúa Giêsu là bàn tay Thánh, bàn tay đầy quyền năng yêu thương; bàn tay làm cho kẻ phung hủi được sạch, người mù được sáng mắt, người câm nói được, người què nhảy như nai, kẻ bại liệt đứng dậy và vác chỏng đi được, kẻ chết sống lại, kẻ tội lỗi được tha. Họ mong con cái của họ được những phúc lành từ tay của Người. Và Chúa Giêsu thì ước mong tất cả môn đệ và con cái của Người luôn giữ được sự đơn sơ của trẻ thơ khi đến với Người. Bởi vì bi kịch của cuộc đời con người càng lớn lên càng muốn xa Chúa và có khi còn chạy trốn khỏi Chúa.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn yêu mến Chúa và siêng năng gặp Chúa trong từng giây phút sống của mình để cảm nhận được tình thương của Chúa đang dành để cho chúng con.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 13-08: Thánh PONTIANÔ, Giáo Hoàng Tử Đạo

Thánh HIPPÔLITÔ Linh Mục, Tử Đạo (thế kỷ III)

Thánh PONTIANÔ

Kế vị Thánh Urbanô I làm giáo hoàng khoảng năm 230 Ngài bị bắt đi lưu đày cùng với vị phản giáo hoàng là Hippôlitô, tới miền Sardinia trong thời kỳ bách hại của hoàng đế Maximinô. Ngài nổi danh và được kính nhớ vì đã tử đạo tại đó.

Thánh HIPPÔLITÔ : Ít ra có ba vị thánh mang tên này.

Một huyền thoại kể rằng thánh Hippôlitô là viên cai ngục canh giữ thánh Lorensô khi được thánh nhân cải hóa. Hippôlitô đã trở thành môn đệ và đã dự vào đám đông và đã dự vào đám táng thánh nhân. Tin này tới tai hoàng đế, ông ta truyền đánh đòn Ngài. Vú nuôi Ngài, thánh nữ Concordia cùng với 18 gia nhân bị đánh đòn cho tới chết, còn thánh nhân được tha để cho ngựa xé. Câu chuyện này còn đáng nghi ngờ, vì “Hippôlitô” có nghĩa là “ngựa tháo cương” và vì câu chuyện rất giống với huyền sử Hy lạp về Hippôlitô con của Therêô, cũng đã chịu một hình phạt như vậy. Điều thật dễ hiểu khi thánh nhân trở thành vị bảo trợ của các kỵ sĩ.

Đúng hơn, thánh Hippôlitô được kính nhớ hôm nay là một linh mục và là một thần học gia sống vào đầu thế kỷ thứ ba. Ngài đã trước tác một số tác phẩm bằng tiếng Hy lạp, nay chỉ còn lại quá ít. Trong số các tác phẩm này, cuốn Philosophoumena đả kích những học thuyết đương thời.

Kính Ngài, các đồ đệ đã dựng được một bức tượng mà thế kỷ XVI người ta tìm thấy. Trên ghế bức tượng của Ngài có bảng ghi các sách của Ngài. Ngài lập bảng tính về lễ phục sinh không được chính xác lắm. Trong số các sách chú giải kinh thánh của Ngài còn lại cuốn chú giải sách Daniel, trong đó Ngài trấn an người đương thời về biến cố Chúa lại đến bằng cách chứng minh rằng thế giới còn tồn tại 600 năm. Dầu không kết án, Đức Callistô nghi ngờ thần học của thánh Hippôlitô về lời Chúa.

Khi đức Callistô được chọn làm giáo hoàng năm 217, Hippôlitô chống lại và tự đặt mình làm phản giáo hoàng, Ngài còn tố giác điều mà Ngài coi như sự dung thứ của đức Callistô cũng như không rút lại lời dèm pha. Ngài được coi như là người đã viết cuốn chỉ nam chính yếu về phụng vụ gọi là cuốn “truyền thống tông đồ”. Sớm bị Giáo hội Tây Phương quên lãng, Ngài lại sống còn lâu dài trong các Giáo hội đông phương, thế giá của Ngài đối với chúng ta là bản lễ qui Roma của Ngài, dầu không cố định từng lời.

Năm 235, hoàng đế Maximinô khơi lại cuộc bách hại các Kitô hữu. Cả Đức Potianô lẫn vị phản giáo hoàng Hippôlitô đều bị đầy tới miền hầm mỏ Sardinia. Hippôlitô không đòi làm giáo hoàng nữa và khuyên những ai theo mình hãy vâng phục Đức giáo hòang hợp thức. Cả hai đấng đều từ trần như là nạn nhân của trại tập trung. Khi cuộc bách hại chấm dứt, xác các Ngài được mang về mai táng tại Roma (ngày 13 tháng 8).

Dầu thái độ cư xử của thánh Hippôlitô chẳng thánh thiện gì, nhưng Ngài được kính nhớ vì đời sống riêng rất khắc khổ nhiệm nhặt và vì đã chết vì đạo. Mộ Ngài ở tại nguyện đường Tiburtine được kính như mồ thánh tử đạo, nhưng chuyện thật của Ngài lại sớm bị quên lãng. Người ta còn coi Ngài như một vị thánh giám mục của Portô “con người lừng danh về học thức”. Nhưng có lẽ thánh Hippôlitô chính là đấng mà chúng ta đã nói đến ở trên.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

13 Tháng Tám

Bức Tường Ô Nhục

Ngày 13/8/1961, sau nhiều cuộc thương thảo vô ích giữa Washington và Mascơva nhằm giải quyết cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Ðông và Tây, Kruschev, chủ tịch nhà nước Liên Xô, đã ra lệnh cho xây cất một bức tường ngăn cách Ðông và Tây Bá Linh. Bức tường này được dựng lên không những để đánh dấu sự đọan tuyệt giữa Ðông và Tây, nhưng còn để ngăn chặn làn sóng những người Ðông Ðức ồ ạt chạy sang tỵ nạn tại Tây Bá Linh. Khối Ðông Âu thì giải thích rằng bức tường này được dựng lên là để ngăn chặn những người Tây Phương có thể đến Ðông Ðức để làm gián điệp. Còn phía Tây Phương thì lại gọi bức tường đó là bức tường ô nhục… Nhưng dù được gọi dưới danh hiệu nào, dù được xây dựng dưới mục đích nào, bức tường ngăn cách giữa Ðông và Tây Bá Linh vẫn mãi mãi là biểu trưng của những chia cách giữa con người mà chính con người đã tạo nên…

Có những bức tường ngăn cách về kinh tế, chính trị, chủng tộc, văn hóa do con người dựng lên… Nhưng cũng có những bức tường vô hình mà mỗi người chúng ta có thể xây lên để tự ngăn cách với người khác.

Bức tường vô hình đó trước tiên là bức tường của nghi kỵ. Người ta thường xây kín khu vực của mình ở bằng kín cửa cao tường là bởi vì người ta sợ con mắt dòm ngó của những người xung quanh. Sự nghi kỵ không những ngăn ngừa người khác đến với mình, nhưng còn giam hãm chính mình trong cô đơn…

Bức tường vô hình cũng là bức tường của ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết đến thế giới của mình và khép mắt, bịt tai trước những gì đang xảy ra cho người khác…

Bức tường đó cũng có thể là bức tường của sự bất cảm thông. Kẻ xây tường để bao bọc mình sẽ không muốn nhìn thấy và thông cảm với những người xung quanh…

Nhưng bức tường nào cũng là một nấm mồ chôn kín mình trong sự cô đơn. Càng bảo vệ chính mình, con người càng mất mát trong sự hao mòn. Trái lại, càng cởi mở, càng đến với tha nhân càng triển nở trong nhân cách…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 19 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: Eze 18:1-10, 13, 30-32; Mt 19:13-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mỗi người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Theo thuyết Nhân Quả của nhà Phật thì nhân nào quả đó: quả tốt nhân tốt, quả xấu nhân xấu hay “đời cha ăn mặn đời con khát nước.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng nói một câu tương tự: xem quả biết cây, cây xấu không thể sinh quả tốt, và ngược lại, cây tốt không thể sinh quả xấu. Vì thế, nếu con cái tốt là bởi cha mẹ tốt và con cái xấu là do bởi cha mẹ xấu, và cứ thế truyền đi hết thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu hiểu như thế, một khi đã rơi vào vòng xấu là cứ xấu mãi và không có hy vọng gì thoát ra khỏi vòng xấu xa này?

Trong bài đọc I, ngôn sứ Ezekiel tường thuật Thiên Chúa lên án niềm tin này và Ngài truyền cho Israel không được truyền bá niềm tin này nữa. Nguyên tắc trên (nhân quả) chỉ là nguyên nhân phụ (secondary cause); nguyên nhân chính (primary cause) là tùy thuộc nơi con người làm. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, mỗi người phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình; tuy nhiên, việc lành hay điều ác của một người cũng đều có ảnh hưởng trên người khác. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu la rầy các môn đệ vì họ ngăn cản các trẻ nhỏ không cho chúng đến với Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Trách nhiệm của mỗi người về hành động mình làm.

Không phải chỉ ở Việt-Nam mới có câu tục ngữ “Đời cha ăn mặn đời con khát nước,” người Do Thái cũng có câu tục ngữ tương đương lan tràn trong dân chúng “Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng.” Thiên Chúa cực lực phản đối niềm tin này khi Ngài nói: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề, các ngươi sẽ không còn truyền cho nhau câu ngạn ngữ đó trong Israel nữa. Này, mạng sống nào cũng thuộc về Ta; mạng sống của cha cũng như mạng sống của con đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết.” Mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình, chứ không được đổ tội cho ai cả.

Nguy hiểm của niềm tin: tội lỗi và hình phạt truyền từ đời cha qua đời con là một khi đã lâm vào vòng dây chuyền này sẽ không còn hy vọng gì nữa! Nhưng Thiên Chúa cho con người niềm hy vọng để ra khỏi vòng này: Ngay từ đời cha, ông đã có thể ăn năn trở lại để được Chúa xóa tội; nếu ông không ăn năn và hư mất, con ông vẫn có thể bỏ đường tội lỗi nếu đã trót lâm vào. Tóm lại, theo kế họach tha thứ của của Thiên Chúa, sẽ chẳng còn một chướng ngại nào cản trở sự trở lại của con người trừ sự cứng lòng của họ. Lý do đơn giản Chúa đưa ra hôm nay: “Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống.”

2/ Phúc Âm: Nước Trời là của những người giống như con trẻ?

Tại sao các môn đệ la rầy trẻ nhỏ? Trẻ em thường ồn ào và chạy nhảy lung tung làm chia trí cuộc đàm thọai hay cần được nghỉ ngơi của người lớn. Các môn đệ thấy Thầy mình bận rộn tối ngày, hết giảng dạy rồi lại chữa bệnh, xuất hiện ở đâu cũng kéo theo một đám đông ồn ào chen lấn, nên các ông có lý do để la rầy và ngăn cản không cho chúng đến. Hiểu ý hướng tốt lành của họ nên Chúa Giêsu không trách các ông, Ngài chỉ nói: Cứ để trẻ em đến với Thầy! Đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.

Qua bài học này, Chúa Giêsu dạy cho những người lãnh đạo một bài học quan trọng để có thể đối đầu với đòi hỏi của đám đông. Khi chọn xuất hiện nơi công cộng là chọn để cho đám đông đến với mình, đừng khinh thường và trốn tránh họ vì sứ vụ và thành công của mình phần lớn cũng liên quan tới họ. Có những người sau khi đã nổi tiếng tìm cách bảo vệ mình và xa lánh đám đông nên họ cũng từ từ rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, Chúa cũng không dạy dành hết thời giờ cho đám đông mà quên đi việc nghỉ ngơi bồi dưỡng. Chúa đã từng nhắc nhở các môn đệ: “Các con hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi” (Mk 6:31); hay Chúa bảo các ông xuống thuyền và chèo qua bờ bên kia trong khi Chúa giải tán đám đông đang muốn tuyên xưng Chúa làm vua cai trị họ (Mt 14:22). Và rất nhiều lần, Ngài đã bỏ đám đông và các môn đệ để lên núi cầu nguyện một mình (Mt 14:23, Lk 9:18, Jn 6:15). Chúa biết cách làm chủ thời gian và xử thế trong mọi trạng huống xảy ra cho Ngài.

Người lớn cần trở nên giống trẻ về phương diện nào? Chắc chắn Chúa không đòi chúng ta trở nên trẻ nhỏ về mọi phương diện vì chúng cũng có những điều cần phải học để trưởng thành hơn, nhưng một số các đặc tính của trẻ rất cần cho mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa như: (1) Trẻ thơ tuyệt đối tin tưởng nơi cha mẹ chứ không nơi chúng hay người ngòai, chúng ta cũng phải tuyệt đối tin tưởng nơi Thiên Chúa chứ không nơi bất cứ quyền lực nào khác, ngay cả chính mình.

(2) Cha mẹ dạy sao nghe vậy, chúng chưa biết bướng bỉnh cãi lại; chúng ta cũng cần có thái độ như vậy khi tiếp cận các giới răn của Chúa, đừng lý sự để tìm cách biện minh cho các hành động sai trái của mình.

(3) Trẻ thơ cần gì xin đấy, hết rồi lại xin thêm, chúng không biết tích trữ phòng hờ; Chúa cũng đòi chúng ta như thế, lương thực này nào đủ cho ngày đó chứ không lo tích trữ cho cả một đời trong khi biết bao người cần có của ăn hằng ngày.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mỗi người phải chịu trách nhiệm về các hành động và cuộc đời mình. Chúng ta đừng đổ tội cho tiền nhân cũng đừng tùy thuộc vào công đức của hậu thế.

– Chúng ta cần có một niềm tin vững vàng nơi Thiên Chúa như con trẻ tin vào cha mẹ chúng; đừng để những bon chen của cuộc sống làm chúng ta mất đi niềm tin này. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************