Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Bảy Tuần XXXII Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Kn 18, 14-16; 19, 6-9
“Giữa biển đỏ đã xuất hiện một lối đi không có chướng ngại, và họ nhảy mừng như đoàn chiên”.
Trích sách Khôn Ngoan.
Đang lúc yên tĩnh bao trùm vạn vật, và đêm đã tới nửa vòng xoay: từ vương toà trên trời cao, lời toàn năng của Chúa tựa như một dũng sĩ rắn rỏi xông tới giữa miền đất bị tiêu diệt, tựa như gươm bén mang mệnh lệnh cố định của Chúa, đứng sừng sững, đầu chạm trời, chân đạp đất, gieo chết chóc khắp muôn loài.
Và muôn loài được tác tạo như thuở ban đầu, phụng lệnh Chúa để gìn giữ thần dân Chúa được an toàn, vì Chúa đã khiến mây bao phủ trại binh họ, và từ nơi trước kia đầy nước, đã xuất hiện vùng đất ráo khô. Và giữa Biển Đỏ đã xuất hiện một lối đi không có chướng ngại, và từ vực sâu xuất hiện một cánh đồng xanh tươi. Toàn dân được tay Chúa che chở, đi qua nơi ấy và chiêm ngưỡng những diệu kỳ phi thường của Chúa. Lạy Chúa, họ như đàn ngựa giữa bãi cỏ, như đoàn chiên nhảy mừng, họ tán dương Chúa, là Đấng đã giải thoát họ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 104, 2-3. 36-37. 42-43
Đáp: Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm (c. 5a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người; hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. Hãy tự hào vì danh thánh của Người; tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. – Đáp.
2) Chúa sát phạt mọi con đầu lòng trong lãnh thổ, của đầu mùa do sức lực cường tráng chúng sinh ra. Người dẫn họ ra đi cùng với bạc với vàng, và trong các bộ lạc của họ, không một ai đau yếu. – Đáp.
3) Vì Người đã nhớ lời thánh thiện của Người, lời Người đã ban bố cùng Abraham là tôi tớ Người. Người đã đưa dân tộc Người ra đi trong niềm vui vẻ, đưa những kẻ Người kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan. – Đáp.
ALLELUIA: 2 Tm 1, 10b
Alleluia, alleluia! – Đấng Cứu Chuộc chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã dùng Tin Mừng mà tiêu diệt sự chết, và chiếu soi sự sống. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 18, 1-8
“Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng:
“Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’ “.
Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
13/11/2021 – THỨ BẢY TUẦN 32 TN
Lc 18,1-8
LÝ LẼ CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN
“Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” (Lc 18,7)
Suy niệm: Chúng ta dễ chấp nhận những gì hợp luận lý. Nếu với một đề thi khó, tôi kiên trì và cuối cùng đã giải được, thì với một đề thi dễ, và cũng với sự kiên trì đó, chẳng lẽ tôi lại bó tay? Cũng một cách lý luận, qua dụ ngôn ông quan toà bất lương, Chúa dạy ta về lý lẽ của việc cầu nguyện. Ông quan toà bất lương, không sợ trời cũng không kiêng nể ai, nhưng để tránh sự quấy rầy dai dẳng của bà goá nghèo, ông ta đã miễn cưỡng phân xử cho bà; huống chi Thiên Chúa đầy lòng nhân từ thương xót, chẳng lẽ Người lại không lắng nghe tiếng kêu cầu của con cái Ngài và đáp lại bằng nhiều cách thế vượt trên mọi chờ đợi tính toán của con người hay sao?
Mời Bạn: Thiên Chúa không thể tự mâu thuẫn, vì thế chắc chắn Người sẽ nhận lời bạn cầu xin. Vấn đề là chúng ta có kiên trì cầu nguyện hay không dù Người có vẻ như chậm trễ. Và mời bạn nhìn lại xem thái độ của mình khi cầu nguyện với Chúa thế nào: Chúa đang lắng nghe lời bạn cầu xin như người cha nhân từ lắng nghe con cái, chẳng lẽ bạn coi Chúa như ông quan toà bất lương, hay như một cỗ máy rút tiền tự động? Bạn hãy xin lỗi Chúa vì thái độ xúc phạm đến Ngài như thế.
Chia sẻ: Có lắm khi chúng ta cầu xin Chúa mãi mà không được. Xin bạn chia sẻ cảm tưởng và cách phản ứng của mình trong tình huống đó.
Sống Lời Chúa: Bạn thường xuyên rứơc Chúa Thánh Thể hoặc chầu Thánh Thể Chúa. Đó chính là những lúc thích hợp nhất để bạn cầu nguyện với Chúa cách thân thiết trong mối tình Cha-con.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Một trong những lý do khiến người ta bỏ cầu nguyện,
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Con người bị áp bức, khổ đau, nên kêu gào lên Chúa,
nhưng tiếng kêu thảm thiết của họ dường như chẳng được nghe.
Thiên Chúa có hiện hữu không?
Nếu Ngài có mặt, sao Ngài không cứu giúp ta ra khỏi nỗi quẫn bách?
Đã có bao lời cầu nguyện từ sáu triệu người Do thái
trước khi họ bị quân Đức quốc xã giết hại dã man.
Họ kêu lên cùng Chúa là Đấng đã giải thoát tổ tiên họ khỏi cảnh nô lệ.
Nhưng tại sao bây giờ Ngài lại lặng yên, để sự dữ lộng hành?
“Phải cầu nguyện luôn luôn và không được nản chí” (c. 1).
Không nên thấy Thiên Chúa lặng thinh mà vội bỏ cuộc.
Đức Giêsu đã kể dụ ngôn về sự kiên trì của một bà góa.
Bà chẳng còn chỗ dựa tinh thần và vật chất nơi người chồng.
Thiếu sự chở che của chồng, bà dễ bị người khác đối xử bất công.
Chính vì thế bà đã nhiều lần đến vị quan tòa để đòi hỏi công lý.
Tiếc thay vị quan tòa lại không phải là người tốt.
“Ông chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (c. 2).
Thế nên vụ kiện cứ bị ngâm trong một thời gian khá lâu.
Nhưng bà góa này quyết không nản lòng, cứ quấy rầy vị quan tòa.
Cuối cùng, ông ta đành giải quyết, chỉ vì muốn yên chuyện (c. 5).
Thiên Chúa dĩ nhiên khác hẳn viên quan tòa bất chính trên đây.
Ngài không trì hoãn việc xét xử, nhưng sẽ mau chóng trả lại công lý
cho những kẻ ngày đêm kêu lên Ngài (cc. 7- 8).
Thiên Chúa không nhậm lời chúng ta để tránh bị quấy rầy hay rắc rối,
nhưng vì Ngài là Đấng Công Chính biết lắng nghe tiếng kêu than.
Trong thế giới hôm nay, sự dữ vẫn làm mưa làm gió.
Bóng tối như nuốt chửng ánh sáng, sự ác có vẻ mạnh mẽ hơn sự thiện.
Vẫn có những bà góa neo đơn phải chịu cảnh bất công.
Vẫn có những phụ nữ và trẻ em bị bóc lột và lạm dụng.
Đức tin người Kitô hữu có thể bị xao động khi nhìn vào thế giới.
Nhiều khi con người cảm thấy mình yếu đuối và bất lực.
Hãy cầu nguyện luôn, hãy kêu lên Chúa đêm ngày!
Đừng mất niềm tin vào Thiên Chúa (c. 8),
dù tiếng kêu của những người thấp cổ bé miệng vọng lên trời cao
vẫn chưa có tiếng trả lời ngay lập tức.
Cuộc chiến với những bất công trên thế giới còn kéo dài.
Người Kitô hữu được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa cho sứ vụ ấy.
Chúng ta cần có sự hỗ trợ từ trời,
để hoán cải lòng người từ bên trong, để xây dựng một thế giới mới.
Kiến tạo một trái đất công bằng và bác ái,
đó là ước mơ của Thiên Chúa và cũng là ước mơ của chúng ta.
Xin Ngài ra tay hành động mạnh mẽ,
nhưng xin cho chúng con trở nên khí cụ hữu hiệu để tay Ngài dùng.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG MƯỜI MỘT
Bảo Vệ Quyền Của Phụ Nữ Tại Môi Trường Lao Động
Trong thời đại chúng ta, vấn đề bình đẳng nam nữ đang được giải quyết, ít nhất về mặt pháp lý, bằng những đạo luật nhìn nhận sự bình đẳng nam nữ tại môi trường làm việc. Tuy nhiên, như Thông Điệp Pacem in terris ghi nhận, chúng ta phải đảm bảo cho phụ nữ “quyền có các điều kiện làm việc phù hợp với các yêu cầu và các bổn phận của họ trong tư cách là vợ và là mẹ”. Chúng ta phải xây dựng một xã hội trong đó phụ nữ có thời giờ để nuôi dạy con cái mình – là những nhà xây dựng và những nhà kiến thiết tương lai. Giáo Hội rất ý thức nhu cầu này, như tôi đã nói tại một hội nghị Thượng Hội Đồng giám mục trước đây: “Gia đình phải được sống cách xứng đáng ngay cả khi người mẹ không thể cống hiến hoàn toàn cho gia đình.” Điều này không có nghĩa rằng phải khai trừ phụ nữ ra khỏi thế giới lao động làm ăn hay ra khỏi những hoạt động công cộng ngoài xã hội.
‘Sự thăng tiến đích thực của phụ nữ đòi hỏi rằng công việc làm phải được tổ chức sao cho họ không bị bắt buộc phải trả giá cho sự tiến thân bằng việc bỏ mất ơn gọi chuyên biệt của họ trong gia đình. Bởi vì phụ nữ có một vai trò không thể thay thế được, đó là vai trò làm mẹ” (LE 19).
Đó là giáo huấn của Giáo Hội. Trong một xã hội mong muốn có sự công bằng và nhân đạo, thì những nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân vị con người phải chiếm chỗ nhất trong bậc thang các giá trị. Chúng ta phải bảo vệ những nhu cầu này và nêu cao tầm quan trọng của nhân vị con người trong các gia đình chúng ta. Chúng ta không được phép quên phẩm giá của vai trò làm mẹ và tầm quan trọng của công việc nuôi dạy con cái.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 13/11
Kn 18, 14-16; Lc 18, 1-8.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn: “Quan toà bất chính” để dạy các ông phải cầu nguyện luôn; không được nản chí.”
Chúa Giêsu đến trong thế gian, và Người mạc khải cho nhân loại nhận biết Thiên Chúa là tình yêu, là người Cha nhân hậu đối với toàn thể nhân loại; và tất cả đều là con cái của Ngài; con cái trong phép Rửa, hay là những kẻ sống ngay lành và tôn trọng sự thật. Và Ngài luôn mời gọi con người luôn tin tưởng và cầu nguyện cùng Thiên Chúa là Cha của mình. Với người Kitô hữu chúng ta còn có niềm tin trong cầu nguyện còn được sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và ơn cứu độ của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn sống cầu nguyện vững tin vào Chúa và chu toàn sứ mạng người Kitô hữu, để Tin Mừng luôn được loan truyền cho hết mọi người và mọi nơi cho đến khi Chúa đến.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
13 Tháng Mười Một
Ánh Mắt Mẹ Tôi
Paul Nagai, một bác sĩ người Nhật, từ sau quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki, đã trở thành con người bất hủ, vì sự tận tụy và tấm lòng hy sinh vô bờ bến của ông. Từ vô thần, ông đã trở thành người có niềm tin. Ông đã giải thích như sau:
“Trong kỳ nghỉ mùa xuân, lúc đó tôi học hết năm thứ hai y khoa, mẹ tôi trúng phong. Tôi hối hả chạy đến đầu giường của người. Trong cơn hấp hối, người nhìn tôi và thở ra. Cái nhìn cuối cùng của cặp mắt người mẹ đã sinh ra, đã giáo dục và đã thương tôi đến cùng, cặp mắt này đã nói với tôi một cách rõ rệt rằng: cho dù khuất núi, người vẫn ở bên tôi luôn mãi… Tôi không tin gì ở sự hiện hữu của linh hồn. Bỗng nhiên, trong ánh mắt của mẹ tôi, tôi đã nhìn thấy linh hồn của người… Từ đó, con người tôi đổi hẳn, tôi tin rằng mẹ tôi, người đã sinh ra tôi, đã yêu thương tôi, không thể bị tiêu diệt hoàn toàn sau cái chết”.
Chúng ta có một linh hồn bất tử. Ðó là nền tảng của phẩm giá con người. Nếu sinh ra, sớm nở tối tàn như bông hoa đồng nội và cuối cùng trở về với cái không vô tận, thì đâu là giá trị của con người?…
Chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta mang trong mình ánh lửa của Vĩnh Cửu, cho dù thân xác này có hư nát đi, chúng ta vẫn tiếp tục cuộc sống mai hậu. Ðó là cùng đích của tất cả mọi bôn ba lao nhọc của chúng ta trên cõi đời này. Bạn sẽ chuẩn bị gì cho mảnh hình hài còn lại ấy?
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy – Tuần 32 – TN1
Bài đọc: Wis 18:14-16, 19:6-9; Lk 18:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương tha thứ vô biên của Thiên Chúa.
Để hiểu rõ tình thương tha thứ bao la của Thiên Chúa, chúng ta hãy so sánh với tình yêu ích kỷ và hạn hẹp của con người. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ tất cả các tội con người phạm một cách vô điều kiện một khi con người biết ăn năn xám hối; khi đã tha, Ngài chẳng bao giờ nhắc lại tội nào của con người. Ngược lại, con người khó có thể tha thứ đến lần thứ ba, và để được tha thứ, con người đòi hỏi đủ mọi điều kiện; tuy đã tha nhưng con người vẫn không quên, khi có dịp, con người vẫn nhắc lại và đay nghiến tội của tha nhân.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật tình thương của Thiên Chúa và sự kiên nhẫn cầu nguyện, để Thiên Chúa tha thứ và cứu sống con người. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan dùng các biến cố lịch sử của Cựu Ước, để làm nền tảng cho sứ vụ tương lai của Lời Thiên Chúa là Đức Kitô, Ngài sẽ thanh tẩy tội lỗi cho và cứu thoát dân khỏi bị tiêu diệt bởi sự chết. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn giữa ông tòa và bà góa, để khuyên các môn đệ cần kiên nhẫn cầu nguyện luôn trong mọi trường hợp, cho dẫu tuyệt vọng; vì Thiên Chúa luôn thương xót và tìm cách cứu sống dân Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lạy Đức Chúa, dân Chúa ca tụng tán dương Ngài là Đấng giải thoát họ.
1.1/ Lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt, mang theo bản án không thể huỷ của Ngài như lưỡi gươm sắc bén; đứng và làm cho vũ trụ đầy chết chóc, đầu đụng trời chân đạp đất.”
Trình thuật được viết từ cảm hứng của nhiều biến cố trong Cựu Ước nói lên tình thương của Thiên Chúa và tội lỗi con người (x/c Exo 12:23, Job 4:13-15, I Chr 21:15-27). Thánh Ignatius thành Antioch và Phụng Vụ Giáo Hội dùng trình thuật này để áp dụng vào Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu. Sứ mạng của Ngài khi đến thế gian là để thanh tẩy tội lỗi và tiêu diệt sự chết.
Lời toàn năng là tên gọi khác của Đức Kitô (Jn 1:1-3). Tác giả Thư Do-thái ví Lời Chúa hiệu quả và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, có thể xuyên thấu bất cứ mặt phẳng nào hay tâm hồn chai đá của con người (Heb 4:12). Đức Kitô cũng được gọi là Đấng Trung Gian hay Thượng-tế để nối kết và hòa giải giữa trời và đất, giữa con người với Thiên Chúa (Heb 4:14-15).
1.2/ Thiên Chúa bảo vệ dân Ngài: Tội lỗi thấm nhập và lan tràn khắp thế gian. Sứ vụ của Ngôi Lời xuống trần để mang con người về cho Thiên Chúa, đưa con người trở lại thuở ban đầu của vũ trụ: “toàn thể vũ trụ lại thay đổi từ bản chất như thuở ban đầu, tuân phục các mệnh lệnh của Chúa, để gìn giữ con cái Ngài bình an.”
Trình thuật hôm nay cũng gợi lại biến cố Xuất Hành và sự bảo vệ của Thiên Chúa, trong cuộc hành trình dẫn con cái Israel vào Đất Hứa: “Người ta thấy mây che phủ doanh trại; nơi trước kia là nước, đất khô ráo nổi lên, một lối đi thênh thang lộ ra từ Biển Đỏ và từ nước lũ xuất hiện cánh đồng xanh. Có tay Ngài che chở, toàn dân đã đi qua và chứng kiến bao điềm thiêng dấu lạ.” Sau đó, tác giả cũng gợi lại biến cố Thủ Lãnh Joshua đưa dân Do-thái vượt qua sông Jordan vào chiếm thành Jericho: “Như ngựa chăn ngoài đồng, như chiên nhảy tung tăng, lạy Đức Chúa, dân Chúa ca tụng tán dương Ngài là Đấng giải thoát họ” (x/c Jos 1:11-15, Psa 114:3-5).
2/ Phúc Âm: Trung thành trong việc cầu nguyện
2.1/ Ông quan tòa vô đạo và bà góa quấy rầy: Mục đích tại sao Chúa Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn này là để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.
(1) Ông quan toà: chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, huống hồ một bà góa nghèo. Một thời gian khá lâu, ông không chịu nghe lời kêu xin của bà góa; nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.”
(2) Bà góa: Bà là người cô thân cô thế, chẳng có chồng để nương nhờ; vì thế, trở thành mồi ngon cho người khác hãm hại. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông quan tòa: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.” Bị ông quan tòa từ chối nhiều lần, nhưng Bà không nản chí và nhất định kiên trì xin cho tới khi được.
2.2/ Thiên Chúa yêu thương các con của Ngài: Chúa Giêsu so sánh ông quan tòa vô đạo đó với Cha của Ngài, và bảo đảm sự đáp trả: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.”
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ ban cho con người tất cả những gì họ xin, vì:
– con người có thể xin những gì có hại cho mình: Con người không nhìn được trước tương lai nên không biết hậu quả của những gì mình xin; ví dụ: việc xin cho trúng số có thể đưa tới tan nát gia đình, hay xin cho được quyền hành có thể đưa con người đến chỗ thiệt mạng.
– con người có thể xin những gì làm hại người khác: chẳng hạn, xin tiêu diệt kẻ thù. Họ quên đi kẻ thù cũng là con của Chúa.
Cách xin tốt nhất là hãy để cho Chúa ban tặng những gì có lợi cho mình và mọi người. Có một câu truyện kể về một vị vua kia muốn để gia tài lại cho các con của mình. Để dạy cho các con một bài học, Vua cho để những món quà quí giá trong những hộp xấu xí và để những món quà xòang trong những hộp đẹp. Các hòang tử được nhà Vua cho tự ý chọn lựa, và hầu hết chọn những hộp đẹp. Khi đến lượt chàng hòang tử út, anh tần ngần một lúc rồi nói với Vua Cha: “Con không biết chọn, xin cha chọn cho con.” Vua Cha đã chọn phần quà tốt nhất cho con, vì chỉ Vua biết đâu là món quà giá trị nhất.
Sau đó Chúa nói: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Đức tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho con người, nhưng để bảo vệ đức tin và làm cho đức tin ngày một tăng trưởng là bổn phận của con người. Để đức tin được tăng trưởng, đau khổ thử thách là điều không thể thiếu. Nếu xin chưa được, con người không được nản chí thất vọng, nhưng càng phải kiên trì xin cho tới khi được.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài không muốn tiêu diệt con người tội lỗi, nhưng luôn tìm mọi cách để đưa con người trở về và cứu sống họ. Nếu Ngài sẵn sàng hy sinh ban cho chúng ta Ngôi Lời, còn gì khác mà Ngài không ban cho chúng ta.
– Chúng ta hãy cầu nguyện với Thiên Chúa nhờ công nghiệp của Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Ngài là Thượng Tế trên trời luôn sẵn lòng bầu cử cho chúng ta với Thiên Chúa, Cha Ngài.
– Chúng ta phải kiên trì trong việc cầu nguyện và xin ơn. Thiên Chúa có thể thử thách không ban ngay để chúng ta có thời giờ nhìn ra giá trị của điều đang xin, hay Ngài có thể ban cho chúng ta điều khác tốt hơn nếu Ngài thấy điều chúng ta xin không có lợi sau này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************