Ngày thứ bảy (15-01-2022) – Trang suy niệm

14/01/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần I Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 Sm 9, 1-4. 17-19; 10, 1a

“Này là người mà Chúa nói đến. Saolê sẽ cai trị dân Người”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Lúc bấy giờ có một người thuộc dòng dõi Bengiamin tên là Cis, con trai của Abiel, Abiel con ông Sêror, Sêror con ông Bêcora, Bêcora con ông Aphia, Aphia con một người dòng dõi Bengiamin. Cis là một người cường tráng. Ông có một con trai tên là Saolê rất đẹp trai và tốt lành, không một con cái Israel nào xinh đẹp bằng chàng và anh ta cao hơn mọi người từ vai trở lên.

Vậy ông Cis, cha của Saolê, lạc mất mấy con lừa cái, nên ông bảo con ông là Saolê rằng: “Con hãy đem một đứa đầy tớ theo con, và đi tìm mấy con lừa”. Họ đi khắp miền núi Ephraim, sang vùng Salisa mà không tìm thấy, họ liền sang vùng Salim, cũng không tìm thấy, đoạn qua vùng Giêmin, cũng chẳng thấy.

Khi Samuel vừa thấy Saolê, thì Chúa phán cùng ông rằng: “Này là người Ta đã nói với ngươi, chính người này sẽ cai trị dân Ta”. Saolê đến gần Samuel đang đứng ở giữa cửa và nói rằng: “Tôi xin ông làm ơn chỉ giùm nhà của vị tiên tri ở đâu?” Samuel trả lời Saolê rằng: “Chính tôi là vị tiên tri đây; xin mời anh đi trước tôi lên lầu, để hôm nay các anh sẽ dùng bữa với tôi, rồi ngày mai tôi sẽ cho anh về. Tất cả những gì anh đang có trong lòng, tôi sẽ chỉ bảo cho anh”.

Samuel lấy bình dầu đổ trên đầu Saolê, rồi hôn anh và nói rằng: “Đây Thiên Chúa xức dầu phong anh làm vua thống trị cơ nghiệp của Người, và anh sẽ cứu dân Người thoát khỏi kẻ thù ở chung quanh”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 20, 2-3. 4-5. 6-7

Đáp: Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng (c. 2a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng, do ơn Chúa phù trợ, vua bao xiết hân hoan! Chúa đã ban cho sự lòng vua ao ước, và điều môi miệng vua xin, Chúa chẳng chối từ. – Đáp.

2) Chúa đã tiên liệu cho vua được phước lộc, may mắn, đã đội triều thiên vàng ròng trên đầu vua. Vua xin Chúa cho sống lâu, thì Chúa đã ban cho một chuỗi ngày dài tới muôn thuở. – Đáp.

3) Nhờ Chúa giúp mà vua được vinh quang cao cả, Chúa khoác lên người vua, oai nghiêm với huy hoàng. Chúa đã khiến vua nên mục tiêu chúc phúc tới muôn đời, Chúa đã cho vua được hân hoan mừng rỡ trước thiên nhan. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 2, 13-17

“Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

15/01/2022 THỨ BẢY TUẦN 1 TN

Mc 2,13-17

TỪ BỎ

“Ông đứng dậy đi theo Người.” (Mc 2,13)

Suy niệm: Muốn được cái gì thì phải từ bỏ một cái gì đó. Điều đó đã trở thành quy luật của cuộc sống. Thế nhưng từ bỏ bao giờ đau đớn và không nhiều người dám làm điều đó. Vì từ bỏ đòi hỏi nhiều nỗ lực, hy sinh, kèm theo đó là sự dũng cảm và liều lĩnh. Ông Lê-vi sẽ không thể từ bỏ công việc thu thuế béo bở, hái ra tiền và đi theo Đức Giê-su, nếu ông không dũng cảm và liều lĩnh: dũng cảm bỏ lại tiền bạc, danh vọng, địa vị; dũng cảm bỏ lại những gì là quen thuộc và dễ dàng; liều lĩnh để dấn bước đi theo một người “không có nơi gối đầu.” Hẳn là ông đã tự hỏi; rồi mai ngày sẽ ra sao, đi theo Giê-su, đời mình sẽ đi về đâu? Nhưng ông vẫn can đảm từ bỏ mọi sự mà theo Đức Giê-su, bởi vì những điều ông từ bỏ chẳng đáng gì so với điều ông được. Với Đức Giê-su, ông thấy rằng mình được đón nhận, được tha thứ. Nơi Đức Giê-su, ông không còn thấy mình cô đơn, lạc lõng; ông không còn thấy mình lẻ loi, mặc cảm, hay yếm thế. Nơi Đức Giê-su, ông thấy mình được yêu thương. Và thế là ông theo Chúa.

Mời Bạn: Thiên Chúa không chờ cho chúng ta trở nên tốt lành để làm bạn với chúng ta. Thiên Chúa không quay lưng đi vì chúng ta tội lỗi. Chúng ta hãy can đảm đứng lên, vứt bỏ lại sau lưng những lỗi lầm, để bước theo Chúa.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm từ bỏ một tính hư tật xấu để xứng đáng là môn đệ của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con biết rằng tội lỗi con làm cho Chúa phải buồn lòng. Nhưng con không đủ can đảm để từ bỏ. Xin ban ơn cho con để con cảm nghiệm được tình yêu tha thức của Chúa dành cho con. Nhờ đó, con có can đảm và quyết tâm chừa bỏ tội lỗi mà xứng đáng bước theo Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu đã tha tội cho anh bất toại.
Và chuyện này đã bị các kinh sư coi là phạm thượng (Mc 2, 6).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngài lại tiếp tục bị tấn công,
vì làm những điều dưới mắt các kinh sư là gai chướng.

Trước hết là việc chọn ông Lêvi vào số các môn đệ.
Như bốn môn đệ đầu tiên, khi được gọi Lêvi cũng đang làm việc.
Lúc đó ông đang ngồi nơi bàn thu thuế, bận bịu với tiền bạc và sổ sách.
Ánh mắt của Thầy Giêsu chụp lấy ông và lôi cuốn ông.
Lời mời của Thầy thật rõ ràng và ngắn gọn: “Anh hãy theo tôi.”
Lêvi có ngỡ ngàng không?
Ông đang làm một nghề bị mọi người coi là ô uế
vì phải tiếp xúc với dân ngoại và dính dáng đến dối trá tham lam.
Ông bị coi là tội nhân, bị gạt ra khỏi cộng đoàn Dân Chúa.
Bây giờ ông được Thầy mời vào nhóm môn đệ của mình
Đức Giêsu có liều lĩnh không?
Ngài có sợ uy tín nhóm bị giảm sút vì sự có mặt của Lêvi không?
Đức Giêsu không định thành lập một nhóm gồm toàn những người hoàn hảo,
nên ngài đã chọn sự có mặt của Lêvi.
Như thế ranh giới giữa “môn đệ” và “tội nhân” đã bị xóa.
Môn đệ chính là tội nhân được kêu gọi để chia sẻ tình bạn và sứ vụ.

Lêvi diễn tả niềm vui của người được gọi bằng một bữa tiệc,
trong đó ông mời các bạn bè đồng nghiệp đến để chia tay.
Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.
Ngài đã vui vẻ nhận lời, đã đến nhà và ăn với họ, dù đây là điều bị cấm.
Để biện minh cho thái độ này, ngài coi tội nhân như người đau ốm.
Người đau thì cần thầy thuốc, cần sự lại gần để săn sóc của lương y.
Họ cần chữa lành và đón nhận, chứ không cần phán xét và lên án.
Đức Giêsu chính là vị lương y đến để kêu gọi người tội lỗi (c. 17).

Nhưng có ai trong chúng ta lại không là tội nhân?
Có ai trong chúng ta lại công chính thánh thiện
đến độ không cần phải sám hối (Mc 1, 15)?
Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi, tưởng như tình cờ,
vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ ngồi vững chãi của mình,
và bỏ lại tất cả sau lưng.
Xin được như Lêvi đứng lên ngay để theo Ngài.

Cầu nguyện:

Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

15 THÁNG GIÊNG

Đời Sống Gia Đình Củng Cố Cấu Trúc Xã Hội

Như chúng ta thấy, gia đình – trong tư cách là “xã hội thứ nhất” – có những đòi hỏi tự nhiên của riêng nó và không thể bị o ép bởi các ý thức hệ hoặc bởi những đòi hỏi cá biệt nào đó của xã hội. Thật vậy, trách nhiệm của xã hội là phải gìn giữ và hỗ trợ gia đình bằng cách thiết lập những khoản luật và chế định những giá trị luân lý để phục vụ cho thiện ích chung. Bất cứ điều luật hay chuẩn mực luân lý nào không hỗ trợ cho gia đình thì cũng không thể nào là tốt cho toàn xã hội, vì gia đình là nền móng của xã hội. Những gì phá hoại gia đình thì đồng thời cũng phá hoại tất cả xã hội. Xã hội nào sẵn sàng xé rách gia đình rốt cục cũng sẽ thấm thía sự thật ấy.

Các nhà cầm quyền và những người làm công tác khoa học cần nhận thức rằng những nhu cầu chính đáng của con người và của xã hội đòi phải có sự cộng tác giữa lĩnh vực xã hội trần thế và lĩnh vực tôn giáo để bênh vực cho quyền lợi của gia đình. Công Đồng Vatican II nhìn nhận: “Trong khi theo đuổi mục đích cứu rỗi của mình, Giáo Hội không phải chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi ánh sáng của sự sống thần linh ấy trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này, trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một chiều hướng và một ý nghĩa sâu xa hơn.” (MV 40) Như vậy, trong khi bảo vệ quan điểm Kitô giáo về đời sống hôn nhân và gia đình, Giáo Hội cũng đang xây dựng và củng cố toàn thể cộng đồng xã hội trần thế bằng một nền nếp luân lý vững chãi và tốt lành.

Thật vậy, tinh thần vâng phục của các tín hữu đối với giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình sẽ bảo đảm rằng các nhân đức luân lý vốn có khả năng vãn hồi sự công bằng, lòng trung tín, sự kính trọng nhân vị, tinh thần trách nhiệm và sự hiểu biết lẫn nhau … sẽ được nhấn mạnh và đề cao vì ích lợi của toàn xã hội.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 15/01

1Sm 9, 1-4. 17-19; Mc 2, 13-17.

Lời Suy Niệm: Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!”

          Những kinh sư thuộc nhóm người Pharisêu, họ thường tự cho mình là đạo đức hơn người và cũng tự cho mình có quyền đánh giá người khác theo quan niệm sống của họ. Điều này, họ đã thể hiện qua việc khi nhìn thấy Chúa Giêsu, cùng ngồi ăn uống với những người thu thuế, họ đã lên án và đánh giá Chúa một cách sai lạc. Chúa Giêsu hiểu điều đó, nên Chúa đã nói cho họ biết Người như vị lương y: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn chúng con biết nhìn nhau với một tình thương chân thật, không chụp mũ, không phân loại, không lên án và loại trừ bất cứ ai. Nhưng phải nhìn nhau với một tình yêu thương, như Chúa đã yêu thương chúng ta, Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết sống đức ái với nhau và với hết mọi người vì Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

 15 Tháng Giêng  

Bình An Cho Các Con

  Có lần người ta hỏi đại thi hào Dante của nước Italia rằng: đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống. Bậc vĩ nhân đã trả lời như sau: “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: đó là sự bình an”.

 Ðó là điều mà chúng ta vẫn cầu xin cho người quá cố: trên bia mộ nào, chúng ta cũng luôn ghi lời cầu xin: xin cho họ được an nghỉ nghìn thu. Phải chăng trong cuộc sống hiện tại thế này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được hòa bình và an nghỉ? Trong những phút giây cuối đời, Chúa Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: “Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con”.

 Thế giới của chúng ta dường như chưa bao giờ được hưởng những giây phút thái bình thực sự. Hòa bình chỉ là những khoảnh khắc tạm bợ đầy những rình rập của chiến tranh và lo sợ.

 Trước Chúa Kitô 600 năm tai Roma, một đền thờ đã được xây lên để kính nhớ thần Janus, vị thần mà người ta đã lấy tên để đặt cho tháng đầu tiên trong năm. Theo ước mong của toàn dân trong đế quốc La Mã, đền thờ này chỉ được mở cửa trong thời bình. Trong vòng 600 năm ấy, dường như các cửa của đền thờ này chỉ được mở trong ba giai đoạn ngắn ngủi. Cánh cửa Hòa Bình đóng mãi đối với con người ở mọi thời đại. Thời đại nào thế giới cũng mong đợi hòa bình, thời đại nào con người cũng mong đợi hòa bình. Khát vọng của Hòa Bình ăn rễ sâu trong lòng người, ngay cả những người suốt đời chỉ gieo rắc chiến tranh và đau thương cho người khác. Chúng ta thích khung cảnh tịch mịch thư thái, chúng ta ngây ngất trước ánh bình minh tươi sáng, chúng ta vui thỏa trước buổi chiều tà êm ả, chúng ta yêu thích những cánh hoa tươi mát v.v… Chúng ta thán phục những con người luôn tỏ ra bình thản trước những hoàn cảnh xáo trộn. Chúng ta đi tìm những tư tưởng bình an, những dòng nhạc êm dịu, những con người hiền lành.

 Chúa Giêsu đã nói đến hai chữ bình an không biết bao nhiêu lần. Ngày Ngài sinh hạ, các Thiên Thần loan báo sứ điệp của bình an. Ngài là Vua của những người xây dựng Hòa Bình.

 Thánh Phaolô luôn mở đầu và chấm dứt các lá thư của Ngài bằng những lời cầu chúc bình an nồng nhiệt nhất.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 1 – TN2

Bài đọc: I Sam 9:1-4, 17-19, 10:1a; Mk 2:13-17.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Công hiệu của Lời Chúa

Theo truyền thống Do-Thái, một khi lời nói phát xuất từ miệng một người, nó có thể hiện hữu cách độc lập. Nó không chỉ là một âm thanh với một ý nghĩa, nó còn có một năng lực thoát ra để hoàn thành ý định của người nói. Ví dụ, biết bao việc làm là hậu quả của những lệnh truyền của vua chúa và các vĩ nhân trên thế giới. Điều này càng đúng hơn với Lời Chúa. Theo tiên-tri Isaiah: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isa 55:10-11).

Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc đề cao sự quan trọng của Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa chọn ông Saul để làm vị vua đầu tiên của Israel, và Ngài xếp đặt mọi sự để ông ngôn-sứ Samuel gặp và xức dầu phong vương cho ông. Trong Phúc Âm, Lời của Chúa Giêsu có sức hấp dẫn một người thu thuế như Matthew, làm cho ông bỏ dĩ vãng và sự nghiệp thu thuế, để trở nên một Tông-đồ và một Thánh-ký nhiệt thành của Chúa Giêsu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm chẵn): Đức Chúa đã xức dầu tấn phong ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người.

1.1/ Thiên Chúa chọn Saul làm vua đầu tiên của Israel: Nhìn lại cách chọn người lãnh đạo của Thiên Chúa, chúng ta thấy Ngài không theo cách chọn lựa của con người. Con người thường có khuynh hướng chọn người trong những dòng tộc quan trọng, Thiên Chúa chọn Saul từ dòng dõi Benjamin, một dòng tộc nhỏ nhất trong 12 chi tộc của Israel. Khi chọn David để thay thế Saul cũng thế, Thiên Chúa không chọn các người con lớn và khỏe mạnh của ông Jesse; nhưng lại chọn David, người con út là đứa chăn chiên đang ở ngoài đồng.

Sau khi đã chọn lựa, Ngài quan phòng để ngôn-sứ Samuel có cơ hội gặp Saul bằng việc mất các con lừa. Vì chuyện mất lừa, nên ông Kish, cha ông Saul, sai con ông đi tìm lừa: “Con hãy đem một trong các người đầy tớ đi với con và lên đường đi tìm lừa.” Ông Saul đi qua miền núi Ephraim, rồi đi qua đất Shalishah, mà không tìm thấy. Họ đi qua đất Saalim: cũng không thấy gì. Ông đi qua đất Benjamin, mà không tìm thấy. Khi thấy trời đã tối, Saul muốn quay trở về nhà để cha mình khỏi mong mỏi; nhưng người đầy tớ thúc giục ông đi vào thành trước mặt để vấn ý thầy thị kiến cho biết những con lừa cái thất lạc hiện đang ở đâu.

1.2/ Ông Samuel xức dầu phong vương cho Saul: Cùng lúc ấy, Thiên Chúa cũng mặc khải cho ông Samuel trong một thị kiến, về người mà Ngài đã chọn để làm vua đầu tiên của Israel (I Sam 9:16). Khi ông Samuel thấy ông Saul thì Đức Chúa mách bảo ông: “Đây là người mà Ta đã nói với ngươi: chính nó sẽ cai trị dân Ta.”

Khi ông Saul lại gần ông Samuel ở giữa cửa thành và nói: “Xin ông làm ơn cho tôi biết nhà thầy thị kiến ở đâu.” Ông Samuel trả lời ông Saul rằng: “Tôi là thầy thị kiến đây. Ông hãy lên nơi cao, trước mặt tôi. Các ông sẽ dùng bữa với tôi hôm nay. Sáng mai tôi sẽ để cho ông đi và sẽ nói cho ông biết tất cả những gì đang làm ông bận tâm.”

Hôm sau, ông Samuel dậy sớm để tiễn Saul lên đường; và trên đường đi, ông Samuel lấy lọ dầu và đổ trên đầu ông Saul, rồi hôn ông và nói: “Chẳng phải Đức Chúa đã xức dầu tấn phong ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người sao?” Và ông Samuel cũng cho ông Saul biết về chuyện những con lừa cái đã được cha ông tìm lại được.

Qua sự quan phòng kỳ diệu này cho chúng ta thấy tất cả tiến trình chọn người và phong vương được xếp đặt bởi Thiên Chúa. Saul không biết và cũng không có ý định trở thành vua. Khi Thiên Chúa đã chọn ai, Ngài sẽ xếp đặt mọi sự để việc ấy thành sự.

2/ Phúc Âm: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.

2.1/ Chúa Giêsu gọi Lêvi, người thu thuế: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.”

Người Do-Thái quan niệm: người thu thuế như ông Lêvi là người tội lỗi công khai, vì đã toa rập với nước ngòai để bóc lột dân chúng. Họ bị ngăn cấm không cho vào Đền Thờ, và được xếp hạng cùng với hàng đĩ điếm và trộm cướp. Chúa Giêsu không những chọn Matthew, mà còn công khai dùng bữa với các người thu thuế khác tại nhà ông. Thái độ của Matthew rất anh hùng và dứt khoát, vì một khi đã bỏ nghề thu thuế là ông đã mất tất cả về phương diện vật chất. Nhưng bù lại, ông đã nhận được rất nhiều về phương diện tinh thần: bình an vì từ nay không còn bị khinh thường, trở thành Tông-đồ, và trở thành Thánh-sử để loan báo Tin Mừng của Chúa.

2.2/ Xung đột ý kiến giữa Chúa Giêsu và Nhóm Biệt-phái: Có hai phản ứng chính trong cuộc trở lại của Matthew:

(1) Những kinh-sư thuộc nhóm biệt-phái: Thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Họ có lý phần nào khi kết tội Chúa Giêsu, vì như quan niệm của cha mẹ Việt-nam “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.” Nhưng quan niệm này không thể áp dụng cho Đức Kitô, vì Ngài đến để chinh phục và mang con người về cho Thiên Chúa.

(2) Đức Giêsu nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” Ngược lại với cách cư xử của con người, Thiên Chúa không giữ quá khứ tội lỗi của con người; trái lại Ngài không ngừng kêu gọi con người từ bỏ quá khứ tội lỗi để hướng về tương lai. Như một bác sĩ rành nghề, Chúa Giêsu biết Ngài có thể chữa bệnh cho Matthew, và dùng những tài năng sẵn có của ông cho việc rao giảng Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Lời Chúa có sức để làm hiện thực những chuyện không thể đối với con người. Chúng ta đừng bao giờ khinh thường hiệu quả của Lời Chúa.

– Lời Chúa có uy quyền thay đổi những tâm hồn tội lỗi thành thánh thiện. Khi chúng ta quyết định áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ gặt hái những kết quả mà chúng ta không bao giờ nghĩ có thể đạt được.

– Chúng ta phải dành địa vị quan trọng cho Lời Chúa trong cuộc đời, được chứng tỏ qua việc chúng ta dành thời gian, cố gắng khắc phục khó khăn, và thực thi Lời Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************