Ngày thứ bảy (16-01-2021) – Trang suy niệm

15/01/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần I Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 4, 12-16

“Chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phải phơi trần và tỏ ra trước mắt của Đấng mà ta phải trả lẽ.

Vậy chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có Thượng tế không thể thông cảm sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Nên chúng ta hãy tin tưởng chạy đến toà ơn Chúa, để nhờ Chúa thương đến, chúng ta được ơn Chúa tuỳ thời cơ thuận tiện. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 8. 9. 10. 15

Đáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).

Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. – Đáp.

2) Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. – Đáp.

3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. – Đáp.

4) Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Đá Tảng, là Đấng Cứu Chuộc con. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 2, 13-17

“Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

16/01/2021 – THỨ BẢY TUẦN 1 TN

Mc 2,13-17

GẦN MỰC THÌ ĐEN?

Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Chúa Giê-su ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế thì nói với các môn đệ Người: “Sao! ông này ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” (Mc 2,13-17)

Suy niệm: Cha ông chúng ta đã chẳng nói rằng “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đó sao? Thái độ của các kinh sư thật đúng với phương châm phải cách ly với người tội lỗi để khỏi ô uế vì lây nhiễm tội lỗi của họ. Điều này đã được chứng nghiệm không ít lần trong thực tế. Thế nhưng, giả sử ta đặt “mực đen” ở gần “đèn sáng” thì điều gì sẽ xảy ra? Đó chính là tình huống mà Chúa Giê-su đã chọn lựa khi Người “ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế”: “Đấng Thánh của Thiên Chúa” đồng bàn với những người phàm tục, tội lỗi. Thậm chí Người còn nhận lấy tội lỗi của họ như thể đó chính là tội của Người. Nhưng không vì thế mà Người bị lây nhiễm tội lỗi; trái lại, nhờ Người là ánh sáng, Người làm cho “mực đen” nhiễm ánh sáng và cuối cùng trở thành ánh sáng.

Mời Bạn: Nối tiếp sứ mạng của Đức Ki-tô Cứu Thế, người Ki-tô hữu sống giữa thế gian như bông sen “gần bùn chẳng những không hôi tanh mùi bùn” mà còn phải toả ngát hương thơm nhân đức để cho bùn lầy cũng phải thơm lừng hương sen. Muốn thế, bạn phải trở thành “chén thánh chứa đầy Đức Ki-tô” trước đã.

Chia sẻ: Bạn hãy diễn dịch những hình ảnh hoa mỹ trên đây thành hành động cụ thể làm chứng nhân cho ánh sáng.

Sống Lời Chúa: Lần hạt “Năm Sự Sáng” để suy niệm về sứ mạng cứu thế của Đức Ki-tô.

Cầu nguyện: Xin Chúa luôn thức tỉnh trong con ý thức làm chứng nhân cho Chúa qua việc bổn phận của con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Bối cảnh của bài Tin Mừng là căn nhà của ông Simon ở Caphácnaum.
Đức Giêsu đang được hết sức ái mộ bởi đám đông dân chúng.
Biết ngài trở về, họ tụ tập lại đông đến nỗi cửa cũng chẳng còn lối vào.
Chính vì thế khi bốn người bạn khiêng anh bất toại tới,
họ không biết làm sao mà vào được trong nhà để gặp Đức Giêsu.

Dù sao cũng có một tình cảm nào đó giữa năm người này.
Rất có thể họ là một nhóm bạn quen biết nhau và muốn giúp nhau.
Cả năm người đều tin rằng đến với Đức Giêsu là có hy vọng khỏi bệnh.
Họ đã hẹn nhau vào một ngày nhất định để lên đường.
Tình bạn được biểu lộ qua việc vất vả khiêng người bất toại.
Khi không vào được nhà, chắc cả năm người đều bối rối.
Về ư? hay chờ đợi? hay cứ liều gạt đám đông mà vào?
Hay còn một giải pháp nào khác tốt hơn?
Thời nay chúng ta khó hiểu được chuyện dỡ mái nhà mà vào.
Nhưng mái nhà của người Palestine thời ấy cũng khá đơn sơ,
chỉ gồm những thanh xà đặt trên các tường đá, rồi lợp tranh lên trên.
Nhóm năm người đã chọn giải pháp này, sau khi đã bàn bạc và nhất trí.
Kế đến là chuyện phân công.
Phải xin phép chủ nhà, phải leo lên dỡ mái bằng thang và làm một lỗ hổng,
phải kéo anh bất toại với chõng lên và hạ xuống ngay tại chỗ Đức Giêsu ngồi.
Tất cả công việc này cần nhiều sức mạnh và sự khéo léo,
nhất là cần lòng tin và tình bạn.

Hẳn Đức Giêsu đã hết sức kinh ngạc trước lòng tin này.
Lòng tin mạnh mẽ không lùi bước trước khó khăn cản trở.
Lòng tin đầy sáng tạo, dám tìm ra những con đường mới mẻ và khác thường.
Lòng tin mang tính tập thể, vì là niềm tin của cả nhóm năm người.
Lòng tin đòi vất vả, đổ mồ hôi, chứ không chỉ ở trong tâm trí.
Lòng tin táo bạo vì dỡ mái nhà có thể bị Đức Giêsu coi là là khiếm nhã.
Đức Giêsu đã thấy được lòng tin này và ngài đã chữa lành (c. 5).

Con đường trở về nhà của năm người thật là vui và nhẹ nhàng.
Người ta có thề đi ngang hàng với nhau, chứ không phải khiêng nhau nữa.
Nhìn nhóm người trên, tôi tự đặt cho mình vài câu hỏi.
Khi tôi bất toại, có người bạn nào giúp tôi không?
Tôi có khiêm nhường để cho người khác giúp tôi không?
Tôi có sẵn sàng để người khác đưa tôi đến với Giêsu không?
Tôi có chấp nhận vất vả để giúp một người bạn đang gặp khó khăn không?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Ðấng Vô hình,
nhưng rất gần gũi thân thương,
thấy được Ðức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì
đang chờ mình ở cuối đường,
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể,
con cũng không để tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG GIÊNG

Thờ Ơ Hay Chống Lại Các Giá Trị Của Gia Đình Là Tự Chuốc Lấy Tai Họa

Quyền lợi của gia đình, như chúng ta thấy, không phải chỉ là những vấn đề thuần túy thuộc địa hạt tâm linh tín ngưỡng mà xã hội trần thế có thể phớt lờ không đếm xỉa đến. Để thực thi sứ mạng của mình, Giáo Hội tích cực cổ võ cho các giá trị nền tảng của gia đình. Nhưng các nhà cầm quyền dân sự cũng phải đảm nhận trách nhiệm bảo vệ và đề cao các quyền lợi giúp thăng tiến và nâng đỡ đời sống hôn nhân.

Vận mệnh của cộng đồng nhân loại gắn kết chặt chẽ với “sức khỏe” của gia đình xét như một cơ chế trong xã hội. Khi quyền bính trần thế xem thường những giá trị mà gia đình Kitôhữu đem lại cho xã hội và khi quyền bính trần thế bàng quan đứng ngoài các giá trị đạo đức ấy, thì điều sẽ xảy ra là gia đình bị sụp đổ trong xã hội. Đồng thời, một thái độ dễ dãi đối với tình trạng sống chung chạ bên ngoài mối ràng buộc hôn nhân xem ra có thể là giải pháp cho một số vấn đề nào đó nhất thời. Song, về lâu về dài, tình trạng này sẽ phá hoại ghê gờm chính bản chất và phẩm cách của hôn nhân. Một xã hội như thế không thể tránh khỏi các hậu quả cay đắng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 16/1

Dt 4, 12-18; Mc 2, 13-17.

LỜI SUY NIỆM: Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đẹ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi.”

          Với nhóm người Pharisêu, họ tự cho mình là công chính, họ luôn có cái nhìn tách biệt, thiếu sự cảm thương và gần gủi đối với những người thu thuế mà họ cho là kẻ tội lỗi; nên khi thấy Chúa Giêsu ngồi chung bàn dùng bữa tại nhà ông Lêvi với nhiều người thu thuế, họ đã có cái nhìn sai lạc. Nên Chúa Giêsu đã đánh thức họ: “Người mạnh khỏe không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”.

          Lạy Chúa Giêsu. Tất cả chúng con đều là tội nhân trước mặt Chúa. Xin Chúa đến cứu giúp và chữa lành tâm hồn và thân xác mọi thành viên trong gia đình, giúp chúng con trở nên trong sạch và lành mạnh; cùng  giúp nhau sống đức tin.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

16 THÁNG GIÊNG

Thờ Ơ Hay Chống Lại Các Giá Trị Của Gia Đình Là Tự Chuốc Lấy Tai Họa

Quyền lợi của gia đình, như chúng ta thấy, không phải chỉ là những vấn đề thuần túy thuộc địa hạt tâm linh tín ngưỡng mà xã hội trần thế có thể phớt lờ không đếm xỉa đến. Để thực thi sứ mạng của mình, Giáo Hội tích cực cổ võ cho các giá trị nền tảng của gia đình. Nhưng các nhà cầm quyền dân sự cũng phải đảm nhận trách nhiệm bảo vệ và đề cao các quyền lợi giúp thăng tiến và nâng đỡ đời sống hôn nhân.

Vận mệnh của cộng đồng nhân loại gắn kết chặt chẽ với “sức khỏe” của gia đình xét như một cơ chế trong xã hội. Khi quyền bính trần thế xem thường những giá trị mà gia đình Kitôhữu đem lại cho xã hội và khi quyền bính trần thế bàng quan đứng ngoài các giá trị đạo đức ấy, thì điều sẽ xảy ra là gia đình bị sụp đổ trong xã hội. Đồng thời, một thái độ dễ dãi đối với tình trạng sống chung chạ bên ngoài mối ràng buộc hôn nhân xem ra có thể là giải pháp cho một số vấn đề nào đó nhất thời. Song, về lâu về dài, tình trạng này sẽ phá hoại ghê gờm chính bản chất và phẩm cách của hôn nhân. Một xã hội như thế không thể tránh khỏi các hậu quả cay đắng.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

16 Tháng Giêng

 Giấc Mơ Của Mẹ Têrêxa Calcutta  

Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập viện của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Aùi chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:

“Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: “Không thể để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi cùng khổ”.

Tôi mới tức giận nói với Ngài như sau: “Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên Ðàng”. 

Tội nghiệp thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ. 

Giai thoại trên đây của Mẹ Têrêxa Calcutta như muốn nói lên một chân lý: không ai nên Thánh một mình, không ai lên Thiên Ðàng một mình.

Ðức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ, đã có lần phát biểu như sau: “Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: chính tôi đã giúp đỡ để bạn được vào Thiên Ðàng”.

Ai cũng có thể là một trợ giúp để đưa chúng ta vào cửa Thiên Ðàng. Họ có thể là những người cùng khổ mà chúng ta chìa tay để san sẻ, để giúp đỡ. Họ cũng có thể là những người cách này hay cách khác làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ giúp đỡ chúng ta được vào Thiên Ðàng. Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau. Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến với chúng ta ngay từ cõi đời này. Và Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì nếu không phải là mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy, Tuần I TN, Năm lẻ

Bài đọc: Heb 4:12-16; Mk 2:13-17.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệu quả của Lời Chúa           

              Theo truyền thống Do-Thái, một khi lời nói phát xuất từ miệng một người, nó có thể hiện hữu cách độc lập. Nó không chỉ là một âm thanh với một ý nghĩa; nó còn là một năng lực thóat ra để hòan thành ý định của người nói. Ví dụ, biết bao việc làm là hậu quả của những lệnh truyền của vua chúa và các vĩ nhân trên thế giới. Điều này càng đúng hơn với Lời Chúa. Theo Tiên-tri Isaiah: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isa 55:10-11).

            Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc đề cao sự quan trọng của Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, Tác-giả Thư Do-Thái so sánh Lời Chúa với thanh gươm sắc bén hai lưỡi, có khả năng xuyên thấu mọi chỗ bí ẩn của con người. Trong Phúc Âm, Lời Chúa Giêsu có sức hấp dẫn một người thu thuế như Matthêu, và làm cho ông trở nên một Tông-đồ nhiệt thành của Chúa Giêsu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lời Chúa nhập thể trong thân xác con người.

            1.1/ Sự quan trọng của Lời Chúa: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách thần trí với linh hồn, khớp xương với tuỷ sống.” Phân tích từ ngữ sẽ giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của Lời Chúa.

            – Sống động: Lời Chúa không phải là tác phẩm văn chương hay triết lý, cho dầu hay đến đâu chăng nữa; nhưng vẫn sống động và cần thiết cho con người ở mọi nơi, mọi thời. Đây là lý do tại sao không một Sách nào trong lịch sử con người có nhiều người đọc bằng Kinh Thánh.

            – Hữu-hiệu: Khi một người quyết định sống theo Lời Chúa, họ trở thành con người hòan tòan mới. Việc Matthew bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu là một trường hợp điển hình.

            – Xuyên-thấu: Lời Chúa sắc-bén hơn cả gươm hai lưỡi. Người Hy-Lạp quan niệm con người là tập hợp của 3 phần chính: (1) linh hồn là cái làm cho con người sống; (2) thần trí là đặc điểm làm con người suy tư và lý luận; và (3) thân xác. Tác-giả có ý muốn nói Lời Chúa thử thách đời sống thể lý cũng như tâm linh của con người.

            – Phê-bình: Lời Chúa phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Tâm tình thuộc về phần cảm xúc của con người; trong khi tư tưởng thuộc về phần trí tuệ của con người.

            Nói tóm, “Không có loài thọ tạo nào có thể ẩn giấu trước Lời Chúa; nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” Con người không thể trốn tránh và che phủ trước Lời Chúa; chúng ta phải diện-đối-diện với Thiên Chúa và trả lời cho tất cả những việc chúng ta đã không làm theo Lời Chúa dạy.

            1.2/ Kinh nghiệm của Chúa Giêsu: Đây là một giáo lý hòan tòan mới và là một cuộc cách mạng tôn giáo; vì các tôn giáo bấy giờ tin Thiên Chúa và đau khổ không thể ở chung với nhau. Đối với người Do-Thái, một Thiên Chúa uy quyền không thể chịu đau khổ. Đối với Phái Khắc Kỷ (Stoics), Thiên Chúa không được có cảm xúc (apatheia), vì sẽ bị dân thuyết phục và lợi dụng để cầu xin; và như thế, họ hơn Chúa. Đối với Phái Khóai Lạc (Epicureans), Thiên Chúa phải tách rời thế giới. Ngài sung sướng và hạnh phúc hòan tòan rồi, không cần phải biết đến thế giới con người. Kitô Giáo đi ngược lại với các tôn giáo này, khi tin Chúa Kitô đã trải qua mọi kinh nghiệm trên trời cũng như dưới đất để thấu hiểu, để đồng cảm, và để cứu giúp con người.

            (1) Kinh nghiệm trên trời: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.”

            (2) Kinh nghiệm dưới đất: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.”

            Vì đã có tất cả các kinh nghiệm trên trời cũng như dưới đất, Chúa Giêsu biết cách mang Thiên Chúa đến cho con người, và mang con người về cho Thiên Chúa. Hai điều chính Chúa Giêsu có thể giúp con người:

            – Cảm thương: Không một nỗi cơ cực nào con người phải trải qua mà Chúa Giêsu không phải chịu, và còn hơn chúng ta nữa. Khi chúng ta phải quằn quại trong đau khổ, chúng ta không muốn chạy đến một chúa vô cảm của Do-Thái và Hy-Lạp; nhưng đến với một Chúa đã trải qua gian khổ như chúng ta để được đồng cảm.

            – Trợ giúp: Người có thể giúp chúng ta cách hiệu quả nhất là Người đã trải qua mọi gian nan và thử thách như chúng ta, và đã chiến thắng. Chúng ta hãy chạy lại với Ngài để được giúp.

2/ Phúc Âm: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.

            2.1/ Chúa Giêsu gọi Lêvi, người thu thuế: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.” Người Do-Thái quan niệm: người thu thuế như ông Lêvi là người tội lỗi công khai, vì đã toa rập với nước ngòai để bóc lột dân chúng. Họ bị ngăn cấm không cho vào Đền Thờ, và được xếp hạng cùng với hàng đĩ điếm và trộm cướp. Chúa Giêsu không những chọn Matthew, mà còn công khai dùng bữa với các người thu thuế khác tại nhà ông. Thái độ của Matthew rất anh hùng và dứt khóat, vì một khi đã bỏ nghề thu thuế là ông đã mất tất cả về phương diện vật chất. Nhưng bù lại, ông đã nhận được rất nhiều về phương diện tinh thần: bình an vì từ nay không còn bị khinh thường, trở thành Tông-đồ, và trở thành Thánh-sử để loan báo Tin Mừng của Chúa.

            2.2/ Xung đột ý kiến giữa Chúa Giêsu và Nhóm Biệt-phái: Có hai phản ứng chính trong cuộc trở lại của Matthew:

            (1) Những kinh-sư thuộc nhóm Biệt-phái: Thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!”

            (2) Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

            Ngược lại với cách cư xử của con người, Thiên Chúa không giữ quá khứ tội lỗi của con người; trái lại Ngài không ngừng kêu gọi con người từ bỏ quá khứ tội lỗi để hướng về tương lai. Như một bác sĩ rành nghề, Chúa Giêsu biết Ngài có thể chữa bệnh cho Matthew, và dùng những tài năng sẵn có của ông cho việc rao giảng Tin Mừng.           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Lời Chúa có sức để làm những chuyện không thể đối với con người.

            – Lời Chúa có khả năng thay đổi những tâm hồn tội lỗi thành thánh thiện.

            – Chúng ta phải dành địa vị quan trọng cho Lời Chúa trong cuộc đời, được chứng tỏ qua thời gian bỏ ra, cố gắng khắc phục khó khăn, và thực thi Lời Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************