Ngày thứ bảy (18-06-2022) – Trang suy niệm

17/06/2022

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XI Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:    2 Sb 24, 17-25

“Các ngươi đã giết Dacaria giữa đền thờ và bàn thờ”.

Trích sách Sử Biên niên quyển thứ hai.

Sau khi Gioiađa qua đời, các thủ lãnh Giuđa vào lạy vua. Vì họ dua nịnh, nên vua xiêu lòng nghe theo họ. Họ bỏ phế đền thờ Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, để tôn thờ những cây cọc thiêng và các tượng thần. Vì tội ấy, cơn thịnh nộ Chúa giáng trên Giuđa và Giêrusalem. Chúa sai các tiên tri đến cùng họ để họ quay về với Chúa. Các vị này tuyên chứng, nhưng họ chẳng muốn nghe. Thần trí Thiên Chúa đổ xuống trên ông Dacaria, con vị tư tế Gioiađa. Ông đứng trước mặt dân chúng và bảo họ rằng: “Đây lời Chúa là Thiên Chúa phán: Tại sao các ngươi lỗi phạm giới răn Chúa? Đó là điều bất lợi cho các ngươi. Các ngươi đã bỏ Chúa thì Chúa sẽ bỏ các ngươi”. Họ liền họp nhau chống lại người, và theo lệnh vua, họ ném đá người ở hành lang đền thờ Chúa. Vua Gioas không nhớ lòng nhân từ mà Gioiađa, cha người, đã đối xử với nhà vua, mà lại giết con của Gioiađa. Khi sắp chết, người nói rằng: “Xin Chúa hãy nhìn xem và xét xử họ”.

Hết năm ấy, quân đội Syria tiến lên đánh vua Gioas: họ đến xứ Giuđa và thành Giêrusalem, giết hết các thủ lãnh trong dân, và cướp lấy của cải đem về cho vua ở Đamas. Dù số người Syria chẳng bao nhiêu, nhưng Chúa đã trao vào tay họ dân đông vô số, vì chúng đã bỏ Chúa là Thiên Chúa tổ phụ mình. Quân Syria cũng làm sỉ nhục vua Gioas. Khi họ bỏ vua mà đi, thì vua lâm trọng bệnh. Thần dân nổi dậy chống lại vua, để báo thù giòng máu của con tư tế Gioiađa. Họ giết vua ngay trên giường, và ông đã chết. Họ mai táng ông trong thành Đavít, nhưng không chôn ông trong mồ các vua. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 88, 4-5. 29-30. 31-32. 33-34

Đáp: Đời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái (c. 29a).

Xướng:

1) Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Đavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”. – Đáp.

2) Đời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. Ta sẽ gìn giữ miêu duệ người tới muôn đời, và ngai báu người như những ngày của cõi cao xanh. – Đáp.

3) Nếu con cháu người bỏ không tuân luật pháp, và không ăn ở theo huấn lệnh của Ta, nếu chúng vi phạm những thánh chỉ, và không vâng giữ các chỉ thị của Ta. – Đáp.

4) Ta sẽ dùng roi để phạt tội chúng, và Ta sẽ đánh đòn để sửa lỗi, nhưng Ta sẽ không rút lại tình thương đối với người, vì Ta cũng không phản bội lòng trung tín của Ta. – Đáp.

ALLELUIA: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 6, 24-34

“Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được. Vì thế, Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?

“Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

18/06/2022 – THỨ BẢY TUẦN 11 TN

Mt 6,24-34

PHẢI LO GÌ?

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)

Suy niệm: “Những thứ kia” mà Chúa Giê-su muốn nói đến là cơm ăn, áo mặc, là những nhu yếu phẩm mà con người sống phải có. Nhưng còn một thứ quan trọng hơn mà nếu thiếu thì “những thứ kia” dù có cũng chẳng tích sự gì, đó là chính mạng sống mỗi người. Nếu có được “những thứ kia”, hay “nếu được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26). Giống như một chiếc tàu chuẩn bị ra khơi, nếu chỉ lo sơn phết thật đẹp, lắp đặt các tiện nghi thật thoải mái mà phao cứu sinh, ca-nô cứu nạn không có… thì mọi sự chuẩn bị kia lại chẳng vô ích lắm hay sao? Vì vậy, theo thứ tự ưu tiên, điều quan trọng nhất là Nước Thiên Chúa, hãy lo tìm kiếm trước “còn những thứ kia, Người sẽ ban cho”. Và Thiên Chúa cũng theo thứ tự ưu tiên đó: chim trời, Ngài còn cho chúng cái ăn, chẳng lẽ chúng ta lại không quí hơn chim sẻ sao?

Mời Bạn: Thiên Chúa là Cha, và Ngài thừa biết chúng ta cần “những thứ kia”; nhưng Ngài cũng biết mạng sống chúng ta còn quan trọng hơn, nên Ngài dám hy sinh Con Một yêu dấu để cứu chúng ta. Tiếc rằng, nhiều người chỉ lo tìm kiếm “những thứ kia” mà thờ ơ với Nước Thiên Chúa!

Chia sẻ: Trong việc Phúc Âm hoá gia đình, điều quan trọng nhất mà bạn định thực hiện là gì?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian để đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết “mạng sống trọng hơn của ăn, và thân thể trọng hơn áo mặc” để con chỉ biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Chế độ nô lệ tưởng như đã không còn trên thế giới.

Nhưng ngày nay người ta vẫn nói đến những hình thức nô lệ mới.

Nước nghèo mất chủ quyền, chịu nô lệ cho nước giàu,

các phụ nữ trở nên nạn nhân của nô lệ tình dục,

trẻ em nô lệ cho chơi game, thanh niên nô lệ cho ma túy.

Xem ra khó tránh được chuyện bị làm nô lệ,

giữa một thế giới đề cao tự do và giải phóng.

Khi không muốn làm nô lệ cho ai,

con người lại trở nên nô lệ cho cái tôi ích kỷ.

Khi không chấp nhận lệ thuộc Đấng Tạo Hóa cao vời,

con người lại trở nên nô lệ cho các thụ tạo do mình tạo ra.

 

Đức Giêsu đặt chúng ta trước một chọn lựa.

“Anh em không thể đồng thời làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được.”

Nếu có hai chủ thì thế nào cũng yêu mến người này hơn người kia.

Giữa Thiên Chúa và Tiền Của, tôi sẽ gắn bó với ai hơn, tôi sẽ chọn ai?

Tôi không thể giả vờ thỏa hiệp để chọn cả hai, để được cả hai.

Thần Tài hứa hẹn cho tôi sự an toàn và hạnh phúc giả tạo,

còn Thiên Chúa hứa cho tôi hạnh phúc đích thực, vững bền.

Chỉ khi đặt Thiên Chúa lên trên mọi sự, tôi mới thật sự tự do.

Có sáu động từ lo trong bài Tin Mừng trên đây.

Đức Giêsu nhiều lần khuyên các môn đệ đừng lo (cc. 25. 31. 34).

Nhưng làm người ai lại không lo về ngày mai, trừ phi là trẻ thơ?

Trên thế giới bao người vẫn phải vật vã từng ngày với cơm ăn, nước uống?

Con người có thể sống vô tư như chim trời không

khi chim trời ngày nay cũng bị đe dọa không nơi trú ẩn?

 

Chúng ta cần hiểu cho đúng chữ lo của Đức Giêsu.

Ngài không dạy chúng ta sống vô trách nhiệm, phó mặc hay lười biếng.

Cái lo mà ta nên tránh là cái lo âu, lo sợ của người kém lòng tin (c. 30),

không tin rằng Thiên Chúa quý con người hơn mọi thụ tạo khác.

hơn giống chim trời, hơn hoa ngoài đồng nội.

Lo âu đó chi phối quá khiến người ta cứ loay hoay, bối rối tự hỏi:

ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? (c. 31).

Lo âu này khiến người ta bất an và sợ hãi, vì là lo âu một mình,

quên rằng mình có Người Cha biết rõ những nhu cầu thiết yếu (c. 32),

và sẵn sàng lo cho mình những điều cần dùng (c. 33).

Lo âu này cũng khiến người ta tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu của mình

hơn là ưu tiên tìm kiếm xây dựng Nước Thiên Chúa (c. 33).  

 

Kitô hữu không phải là người ngây thơ, sống không lo ngày mai.

Kitô hữu là người biết lo liệu, lo toan cho cuộc sống của họ.

Nhưng họ không căng thẳng vì phải bơ vơ lo một mình.

Họ lo như một người con trưởng thành, cùng lo với Thiên Chúa Cha.

Họ lo một cách thư thái nhẹ nhàng như loài chim buổi sớm đi tìm thức ăn.

Kitô hữu nắm được chìa khóa của hạnh phúc, của no đủ và bình an.

Đó là cứ tìm kiếm Thiên Chúa trước tiên, mọi sự khác sẽ được ban dư dật.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin cho con luôn vui tươi.

dù có phải lo âu và thống khổ,

xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;

nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,

những người – cũng như con –

đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu đuối,

thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,

thông cảm và nhân từ hơn.

Nếu bàn tay con run rẩy,

thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.

Khi lâm tử,

xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật

như một lời kinh.

Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,

như một lời xin vâng cuối cùng.

Và con về nhà Chúa,

để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG SÁU

Sự Chọn Lựa Của Ta Và Kế Hoạch Không Dang Dở Của Thiên Chúa

Hãy nhớ rằng chúng ta không lẻ loi một mình khi cố gắng nhận hiểu hoạt động cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới. Các triết gia lớn, các bậc thầy của các tôn giáo lớn, và ngay cả những người bình dân thất học cũng vẫn trăn trở với dấu hỏi khó khăn này. Thậm chí một số người còn cố giải thích hành động của Thiên Chúa bằng một loại luận cứ nào đó.

Rất nhiều câu trả lời đã được đề ra. Và không phải tất cả đều có thể được chấp nhận. Không có câu trả lời nào trong đó đạt mức toàn triệt. Từ những thời xa xưa, một số người đã nại đến định mệnh mù quáng hay số phận. Cũng có nhiều người coi thường ý chí tự do của con người khi nhấn mạnh đến sự tiền định. Trong thời đại của chúng ta, một số người cho rằng họ cần phải phủ nhận Thiên Chúa để khẳng định con người và sự tự do của con người.

Tất cả những quan điểm ấy đều cực đoan và phiến diện, nhưng ít nhất chúng giúp chúng ta nhận ra những sự thật nào bật ra khi chúng ta cố gắng nhận hiểu sự quan phòng của Thiên Chúa. Làm thế nào có thể hòa hợp hành động toàn năng của Thiên Chúa và sự tự do của chúng ta? Làm thế nào sự tự do của chúng ta có thể hòa hợp với những kế hoạch không thể gãy đổ của Thiên Chúa? Tương lai của chúng ta sẽ thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu hiểu biết và nhìn nhận chân lý và sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa giữa những sự dữ ngập tràn thế giới này? Ta nghĩ sao về sự xấu xa của tội lỗi? Ta nghĩ sao về những đau khổ của bao con người vô tội?

Lịch sử của chúng ta – với bao thăng trầm của các quốc gia, với những tai họa khủng khiếp lẫn những hành động cao cả và thánh thiện tuyệt vời – tất cả có nghĩa gì? Phải chăng có thể xảy ra một đại nạn cuối cùng chôn vùi vĩnh viễn hết mọi sự sống? Hay phải chăng thật sự có một Đấng Quan Phòng yêu thương mà chúng ta gọi là Thiên Chúa? Đó là Đấng Thiên Chúa vẫn luôn bao bọc chúng ta bằng thượng trí, khôn ngoan và lòng trìu mến của Ngài. Đó là Đấng Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta thật quyết liệt nhưng cũng thật êm ái. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn thế giới, hướng dẫn cuộc đời chúng ta, và thậm chí hướng dẫn ý chí phản loạn của chúng ta – nếu chúng ta chấp nhận để cho Ngài hướng dẫn. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta đến sự nghỉ ngơi của “ngày thứ bảy”, sự nghỉ ngơi của công trình tạo dựng đang tiến gần đến điểm thành toàn của mình.

Đây là câu trả lời. Lời Chúa đứng chênh vênh giữa hai bờ hy vọng và thất vọng. Vâng, Lời Chúa trao cho chúng ta những lý do tuyệt vời để hy vọng. Lời Chúa luôn luôn mới mẻ tinh khôi. Lời Chúa xoáy vào trong tâm trí người ta với sứ điệp lạ kỳ của nó.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 18/6

2Sb  24, 17-25; Mt 6, 24-34.

LỜI SUY NIỆM: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).

          Trong Cựu Ước Thiên Chúa dạy cho dân Ít-ra-en: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta”.(Đnl 5,7). Trong Tân Ước Chúa Giêsu đã chọn lựa dứt khoát, khi Ngài bị ma quỷ cám dỗ: “Quỷ đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: ‘Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi’ Đức Giêsu liền nói: ‘Xa-tan kia xéo đi! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,8-10).

Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang dạy chúng ta phải biết chọn lựa dứt khoát Giữa Thiên Chúa và Tiền Tài, để được sống hay phải chết. Xin Chúa ban ơn soi sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp cho chúng con biết dứt khoát chọn lựa tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, để chúng con được ơn cứu độ.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

18 Tháng Bảy

Tình Yêu Mời Gọi 

Vua Friedrich Wilhelm cai trị nước Phổ vào khoảng đầu thế kỷ thứ 18. Ông nổi tiếng là người nóng nảy khó tính. Ông không thích những nghi thức rườm rà. Ông chỉ thích đi dạo một mình giữa các đường phố Berlin. Thích sống đơn giản, nhưng ông lại rất nhạy cảm với bất cứ một sự xúc phạm nào của thần dân. Nếu chẳng may có người nào chạm đến ông giữa đám đông, ông sẽ không ngần ngại dùng gậy đập túi bụi vào người đó. Thành ra, khi thấy đức vua đang đi đến, mọi người đều tìm cách lẩn tránh.

Lần kia, khi ông dang đi giữa phố Berlin, một người đàn ông đang đi tới, bỗng lẩn tránh đi nơi khác. Vừa ngạc nhiên, vừa bực tức vì dân chúng lẩn tránh mình, vua Friedrich mới chận người đàn ông lại và hỏi lý do tại sao ông ta lẩn tránh đi nơi khác. Người đàn ông luống cuống mãi, cuối cùng đành phải thú nhận rằng sở dĩ ông ta lẩn tránh nhà vua là vì sợ hãi. Nghe đến đó, vua Friedrich nổi tam bành, ông túm lấy vai người đàn ông đáng thương, vừa lắc mạnh, vừa thét lên: “Tại sao ngươi dám sợ ta. Ta là vua của ngươi. Ngươi phải yêu mến ta. Ngươi phải yêu mến ta, ngươi có biết điều đó không?”.

Chỉ có con người mới biết yêu bởi vì chỉ có con người mới có tự do. Không ai có thể cưỡng bách người khác phải yêu mình… Tạo dựng con người có tự do, Thiên Chúa vẫn luôn tôn trọng tự do ấy. Ngài không cưỡng bách con người phải yêu mến Ngài, nhưng chỉ mời gọi và tỏ tình. Bằng công cuộc tạo dựng, bằng cuộc sống và cái chết của Con Một Ngài, Thiên Chúa đã tỏ tình với con người… Tình yêu luôn đi bước trước. Bước trước ấy là một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một món quà, một nghĩa cử.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 11 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: 2 Chr 24:17-25; Mt 6:24-34.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Không ai có thể làm tôi hai chủ được.

Thiên Chúa truyền cho con người phải giữ điều răn quan trọng nhất: “Phải thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.” Nhưng nhiều tín hữu vẫn nghĩ họ có thể du di, để vừa thờ Thiên Chúa vừa cầu tài “ông địa.” Nhiều tín hữu đưa những lý do để không tham dự thánh lễ chủ nhật: “Chúa thông cảm” vì con phải vất vả kiếm tiền nuôi con! Nếu con không làm, họ sẽ đuổi! Nếu con không mở tiệm, khách hàng sẽ bỏ đi!

Các bài đọc hôm nay nêu bật những lý do người tín hữu “không thể làm tôi hai chủ được.”

Trong bài đọc I, vua Joash sau một thời gian cai trị đất nước thịnh vượng và bình an, bắt đầu trở chứng nghe theo một số nịnh thần để thờ thần Baal và giết ngôn sứ do Chúa gửi tới cảnh cáo. Hậu quả là đất nước bị Thiên Chúa để cho rơi vào tay Syrians và vua phải chết trên giường bệnh. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: người tín hữu không thể làm tôi hai chủ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Quyết định sai lầm của vua Joash và hậu quả nhà vua phải lãnh nhận

1.1/ Vua Joash lại đi theo con đường của cha mình: Trình thuật kể: “Sau khi thượng tế Jehoiada qua đời, các thủ lãnh Judah đến bái yết nhà vua và lúc ấy nhà vua nghe theo họ. Họ đã bỏ Đền Thờ của Đức Chúa là Thiên Chúa tổ tiên họ, mà phụng sự các cột thờ và các ngẫu tượng. Vì tội ấy Đức Chúa đã giáng cơn thịnh nộ xuống Judah và Jerusalem.

Thiên Chúa ban cho vua Joash có cơ hội trở về: Người đã sai các ngôn sứ đến với họ, để đưa họ quay về với Đức Chúa. Các vị ấy đã khuyến cáo, nhưng họ không thèm để tai. Có ông Zechariah, con tư tế Jehoiada, được đầy thần khí Thiên Chúa, đứng trên cao, đối diện với dân và nói: Thiên Chúa phán thế này: “Tại sao các ngươi vi phạm lệnh truyền của Đức Chúa, mà chuốc lấy thất bại? Vì các ngươi đã lìa bỏ Đức Chúa, nên Đức Chúa cũng lìa bỏ các ngươi.” Họ liền toa rập chống lại ông và, theo lệnh vua, họ ném đá giết ông trong sân Đền Thờ Đức Chúa.

Lấy ân báo oán: Vua Joash không nhớ đến tình nghĩa mà ông Jehoiada, thân phụ ông Zechariah, đã dành cho mình, nên mới sát hại ông này. Lúc gần chết, ông Zechariah kêu lên: “Xin Đức Chúa nhìn xem và báo oán cho con.”

1.2/ “Xin Đức Chúa nhìn xem và báo oán cho con.” Vì tội bất trung và còn giết ngôn sứ Thiên Chúa sai đến, Đức Chúa trao Israel vào tay quân đội Syrians. Thực ra, lực lượng Syrians chỉ đến với một số ít người, nhưng Đức Chúa đã trao một lực lượng rất đông đảo vào tay chúng, chỉ vì dân Israel đã lìa bỏ Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên mình. Riêng vua Joash đang “trong cơn đau trầm trọng, các thuộc hạ của vua đã toa rập với nhau chống lại vua, trả thù cho máu người con của tư tế Jehoiada. Họ giết vua ngay trên giường. Vua đã chết và được mai táng trong Thành David, nhưng không được chôn nơi phần mộ hoàng gia.”

2/ Phúc Âm: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.

2.1/ Không ai có thể làm tôi hai chủ: “vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.”

+ Phát triển từ ngữ mamonas: Nó đến từ động từ có nghĩa “tin cậy;” và danh từ mamon là của cải mà một người tin cậy giao cho ngân hàng giữ hay chứa đựng nó trong một hộp an toàn. Sau một thời gian mamon không còn có nghĩa “được tin cậy giao cho,” nhưng là cái mà con người đặt niềm tin tưởng vào. Khi Mamon được viết hoa, nó có nghĩa như là một thần. Lịch sử của chữ thay đổi từ chỗ sở hữu tài sản: những gì con người cần có để xử dụng như phương tiện để sống, đến chỗ con người tin tưởng vào tài sản đó, coi nó như một vị thần, thần tài hay thần tiền.

Nói cho cùng, tất cả của cải trong thế giới này là của Thiên Chúa ban cho mọi người được hưởng dùng. Con người không phải là chủ nhân mà chỉ là người quản lý, và phải trả lời với Thiên Chúa hai câu hỏi quan trọng này:

(1) Chúng ta kiếm tiền bằng cách nào? Có nhiều cách kiếm tiền khác nhau; nhưng chúng ta có thể xếp loại vào hai cách chính: Cách hợp pháp và cách bất hợp pháp. Cách hợp pháp là khi chúng ta kiếm tiền bằng sức lao động hay sức cố gắng của mình. Cách bất hợp pháp là khi chúng ta kiếm tiền bằng cách ăn gian, nói dối hay lường gạt.

(2) Chúng ta xử dụng tiền làm sao? Như đã nói ở trên, chúng ta chỉ là người quản lý các tài sản của Thiên Chúa, và nhiệm vụ của người quản lý là biết cách chi tiêu phân phát. Có nhiều cách xử dụng tiền bạc:

+ không xử dụng: giữ tiền cho chắc bụng, để lâu lâu lấy ra đếm cho thích, để biết mình giầu.

+ xử dụng cách hoang phí: trong việc tiêu xài, cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách

+ xử dụng vào các việc phi nhân: buôn bán người.

+ xử dụng để sinh lợi ích cho tha nhân: nuôi dưỡng con cái, học hành, ủng hộ vào những chương trình làm thăng hoa đời sống con người.

Nói tóm, con người là sở hữu của Thiên Chúa. Họ chỉ được quyền tôn thờ một mình Thiên Chúa, và phải biết dùng những của Chúa ban như phương tiện để sinh sống mà thôi.

2.2/ Không được lo lắng! Phải biết tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cho con người 7 lý do để đừng lo lắng:

(1) Đấng cho sự sống cũng sẽ cho những gì cần thiết để bảo toàn sự sống: “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?”

(2) Lo lắng làm buồn lòng Thiên Chúa: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?”

(3) Lo lắng được gì đâu? “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?”

(4) Lo lắng đe dọa niềm tin: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học. Chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Solomon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!”

(5) Có những điều đáng làm và phải làm hơn: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.”

(6) Lo lắng tìm vật chất là của Dân Ngoại: “Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.”

(7) Con người chỉ biết có giây phút hiện tại, quá khứ đã qua, và tương lai không ai biết: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Bổn phận của chúng ta là phải thờ phượng Thiên Chúa hết lòng và trên hết mọi sự. Chúng ta không được phép thờ bất cứ một thần tượng nào khác. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn cho chúng ta tự do để chọn. Chọn đường nào chúng ta sẽ lãnh hậu quả của đường đó. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************