Ngày thứ bảy (18-09-2021) – Trang suy niệm

17/09/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXIV Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: 1 Tm 6, 13-16

“Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tinh tuyền, cho tới ngày Chúa lại đến”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Đấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Đức Giêsu Kitô, Đấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô lại đến, mà tới thời đã định, Đấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Đấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy, hay có thể xem thấy: Vinh dự và quyền năng (xin kính dâng) cho Người muôn đời. Amen!. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 99, 2. 3. 4. 5

Đáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).

Xướng:

1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. – Đáp.

2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa; chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người; ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. – Đáp.

3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui; hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. – Đáp.

4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 8, 4-15

“Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm”.

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: “Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

18/09/2021 – THỨ BẢY TUẦN 24 TN

Lc 8,4-15

HẠT GIỐNG RƠI VÀO BỤI GAI

“Đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết nghẹt mà không đạt thành quả.” (Lc 8,4-15)

Suy niệm: Họa sĩ Van Gogh nói: “Cuộc đời là thời gian gieo trồng, chứ chưa phải là mùa gặt hái.” Vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy Thiên Chúa, được ví như người gieo giống, đã gieo cách kiên trì, rộng rãi đến độ hoang phí các hạt giống Lời Chúa. Hôm nay chúng ta nói đến thân phận của hạt giống rơi vào bụi gai, tiêu biểu cho thái độ đón nhận Lời Chúa thường gặp nơi chúng ta. Bụi gai tượng trưng cho nỗi bận tâm về chuyện đời, về ham mê của cải, công ăn việc làm khiến cho cây Lời Chúa chết nghẹt.

Mời Bạn: Bạn thường nói rằng tôi quá bận rộn đến nỗi không có giờ cầu nguyện, tôi phải lo công ăn việc làm, không rảnh rỗi để đọc Lời Chúa, để lo các việc đạo đức… Coi chừng! Tâm hồn bạn đang có nhiều bụi gai đấy! Bạn hãy nhớ rằng: không phải điều gì rõ ràng là xấu mới nguy hiểm, mà ngay những điều tốt, hợp lý như công ăn việc làm, chuyện đời sống… cũng có thể nguy hiểm, bởi vì “điều tốt thứ nhì luôn là kẻ thù tệ hại nhất của điều tốt nhất.” Tại sao? Tại vì nó làm bạn xao lãng điều tốt nhất.

Sống Lời Chúa: Chọn một câu Lời Chúa nào bạn thích nhất, ghi vào sổ hay vào một tấm ảnh, đọc mỗi sáng và để cho Lời ấy tác động bạn suốt ngày sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, dù Chúa biết rằng tâm hồn chúng con luôn thay đổi: có lúc như vệ đường, như sỏi đá, như bụi gai, hoặc có khi như đất tốt, nhưng Chúa vẫn luôn kiên trì gieo Lời hằng sống của Chúa vào tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con cũng biết kiên trì cải tạo thửa đất tâm hồn. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Đức Kitô hào phóng gieo vãi lời của Thiên Chúa khắp nơi.
Ngài như người gieo hạt giống, tung gieo trong gió,
có vẻ như chẳng để ý đến chuyện có hạt rơi vào đất cằn khô,
và một số hạt không bao giờ sinh huê lợi.
Các Kitô hữu sơ khai đã đọc dụ ngôn này và thấy nơi đó một lời nhắn nhủ.
Họ thấy mình chính là người đã nhận được hạt giống lời Chúa.
Nhưng không phải hạt giống nào cũng thành cây lúa trĩu hạt.
Có những hạt giống bị thui chột bởi những lý do bên ngoài và bên trong.
Làm sao để mọi hạt giống được gieo trong tim ta, đều sinh hoa trái?
Câu hỏi của Giáo hội sơ khai cũng là câu hỏi của Giáo hội bây giờ.
Thửa đất là trái tim con người xưa nay vẫn thế.
Hạt giống Lời Chúa hôm xưa và hôm nay cũng vẫn là một.
Cả bốn hạng người trong dụ ngôn đều đã nghe (cc. 12. 13. 14. 15),
nghĩa là đều đã đón nhận Lời Chúa vào trái tim, vào trung tâm đời mình.

Nhưng có Lời bị đánh cắp.
Quỷ đến và lấy Lời đã gieo ra khỏi trái tim người nghe
vì sợ họ tin mà được cứu độ (c. 12).
Quỷ giống như chim trời đến ăn mất hạt giống rơi xuống vệ đường (c. 5).
Tại quỷ hay tại trái tim con người như đất vệ đường quá cứng?
Hạt giống nằm chơ vơ, trở thành mồi ngon cho bao tấn công đe dọa.

Nhưng có Lời không mọc rễ.
Nghe Lời và vui vẻ đón nhận vẫn chưa đủ.
Hạt giống cần có nhiều đất để mọc rễ nuôi sống cây.
Đất nhiều sỏi đá chỉ cho một lòng tin nhất thời, khi mọi sự dễ dàng,
nhưng không đủ sức đứng vững khi thử thách ập tới.
Đã và đang có những Kitô hữu quỵ ngã trước những thách đố cam go,
vì Lời Chúa chưa bao giờ mọc rễ trong tim họ.
Thử thách của đời Kitô hữu làm lộ ra tình trạng “không rễ” của ta,
và đòi ta tránh gặp gỡ Lời Chúa một cách hời hợt, nông cạn.

Nhưng có Lời bị chết ngộp.
Ngộp vì những thứ trói buộc của cuộc đời phù vân này,
những lo âu trăn trở, những thèm muốn khoái lạc, giàu sang.
Cây lúa có mọc lên cũng bị chết ngộp bởi bụi gai ở ngay nơi tim tôi.

Cuối cùng có Lời được nắm giữ.
Dù thửa đất tốt là trái tim cao thượng và quảng đại,
Nhưng nắm giữ Lời Chúa cũng đòi một nỗ lực không ngừng.
Bất chấp những tấn công từ bên ngoài, hay thèm muốn bên trong,
cần có thái độ kiên trì để vượt qua những khủng hoảng không tránh khỏi.
Xin được trân trọng nghe Lời Chúa trong thánh đường và trong cuộc sống.
Xin được khiêm tốn nghe Lời Chúa qua các bậc thầy và qua trẻ thơ.
Ước gì Lời Chúa giúp ta làm cho đất của tim mình xốp hơn và mềm lại,
bớt đá sỏi, thêm đất màu, bớt bụi gai, thêm ẩm ướt.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.

Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh
cho một thế giới mới

Ước gì mồ hôi con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.

Ước gì máu con
hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.

Chúc tụng Chúa là Cha,
đã dẫn con đi đến cùng,
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm vui.

ĐHY Roger Etchegaray

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

18 THÁNG CHÍN

Niềm Hy Vọng Vinh Quang

Trong sứ vụ cứu rỗi phổ quát của mình, Hội Thánh không ngừng được Thánh Thần của Chúa Phục Sinh thúc đẩy. Hội Thánh thiết tha mong muốn đưa dẫn mọi người đến niềm hạnh phúc trên trời – hạnh phúc mà các thánh đang vui hưởng. Trong thành đô trên trời ấy, các thánh thi hành phần vụ của mình là cầu bầu cho Hội Thánh lữ hành dưới đất. Về phần mình, Hội Thánh hướng nhìn với đôi mắt đức tin về Giêrusalem trên trời và tìm thấy nơi đó ánh sáng và hy vọng mà Hội Thánh cần trong hành trình tiến tới và chia sẻ con đường cứu rỗi và nên thánh với thế giới này.

Bởi đó, Hội Thánh giữa lòng thế giới dẫn dắt nhân loại tiến tới đền thờ vĩnh cửu trong Thành Thánh muôn đời, như ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền của Thánh Gioan. “Tôi không thấy đền thờ nào trong thành, vì đền thờ của thành chính là Đức Chúa toàn năng và là Con Chiên” (Kh 21,22).

Thành Giêrusalem thiên quốc – khác với Hội Thánh dưới thế này – hoàn toàn tinh tuyền và thánh thiện. Thành ấy được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Trong Thành đó không có một chút gì phàm tục cần phải tách ra khỏi những sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Trong Thành đó không có đền thờ, bởi vì không cần phải có một hình thức hiện diện trung gian. Không, mọi sự trên trời đều biểu hiện vẻ rạng ngời của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói cách khác, Thiên Chúa hiện diện một cách vĩnh hằng trong đền thờ là trong chính mọi sự mọi người trên thiên quốc.

Thiên Chúa cũng thực sự hiện diện nơi Hội Thánh dưới đất này. Nhưng Ngài hiện diện một cách giấu ẩn trong đức tin kiên định và đức cậy dạt dào của dân Thiên Chúa. Và vì thế, chúng ta không nhìn thấy vinh quang của Đức Kitô rõ ràng như Hội Thánh trên trời, nhưng chúng ta khắc khoải chờ mong cuộc quang lâm của Đức Kitô và sự sống lại của những người đã chết. Bấy giờ, Hội Thánh sẽ hoàn toàn hiệp nhất trên trời với Đức Kitô.

Ôi tuyệt diệu! Đấy sẽ là Hội Thánh trong vinh quang sung mãn của mình. Đấy sẽ là Hội Thánh như Thánh Gioan đã thị kiến trong Sách Khải Huyền.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 18/9

1Tm 6, 13-16; Lc 8, 4-15. 

LỜI SUY NIỆM: Người ta tụ tập đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giêsu; Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình.”

          Với dụ ngôn người gieo giống; Chúa Giêsu đang muốn nói với những người Kitô hữu hôm nay: Chính Người là người đi gieo giống, và hạt giống của Người chính là Lời của Người, và Chúa Giêsu cũng cho biết tuỳ vào sự đón nhận của Lời Người, mỗi người sẽ có những kết quả ngay trong cuộc sống đời này lẫn đời sau.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết dành một ít thời gian trong ngày để đọc Lời Chúa và suy niệm dưới sự cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, để nhận ra Lời Chúa đang nói với chính mình như thế nào để sống sinh lợi cho mình và cho anh em.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

18 Tháng Chín

Những Giọt Nước Mắt Của Sám Hối 

Người Hồi Giáo thường nói đến ý nghĩa và giá trị của lòng sám hối qua câu chuyện tưởng tượng như sau:

Một hôm Allah, Ðấng Khôn Ngoan, truyền cho một sứ thần xuống trần gian để tìm cho được điều tốt đẹp nhất và mang về Thiên quốc.

Vị sứ thần đáp ngay xuống một trận chiến nơi máu của những vị anh hùng đang chảy lai láng. Vị sứ thần thu nhặt một ít máu và mang về trình cho Ðấng Allah. Nhưng Ðấng Allah xem ra không hài lòng mấy. Ngài nói: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất dưới trần gian”.

Vị sứ thần đành phải giáng trần một lần nữa. Lần này, ngài gặp ngay một đám tang của một người giàu có, nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi đằng sau quan tài, vừa đi vừa khóc lóc, vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị ân nhân. Vị sứ thần bèn thu nhặt hương thơm ngào ngạt và mang về trời. Lần này, Ðấng Allah mỉm cười đón lấy mùi thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng. Ngài nói: “Dĩ nhiên, lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới trần gian. Nhưng ta nghĩ rằng còn có một cái gì khác tốt đẹp hơn”.

Lại một lần nữa, vị sứ thần đành phải vâng lệnh Allah để trở lại trần gian. Phải mất một thời gian lâu, sau khi đã đi rảo khắp bốn phương, vị sứ thần mới tìm được điều mong mỏi. Một buổi chiều nọ, ngồi nghỉ mệt bên vệ đường, ngài bỗng thấy một người đàn ông bên cạnh khóc sướt mướt. Vị sứ thần được người đàn ông giải thích như sau: “Tô đã chiều theo cơn cám dỗ để phạm tội… Giờ đây, nước mắt là cơm bữa hằng ngày của tôi”. Vị sứ thần bèn đưa tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và vội vã bay về trời. Ðấng Allah nhìn thật lâu vào những giọt nước mắt và mỉm cười nói với vị sứ thần:

“Thế là người đã hoàn thành tốt sứ mệnh. Quả thật dưới trần gian, không có gì đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, người đã thấy đó, trước khi vui mừng, ta đã nhìn thật kỹ xuyên qua những giọt nước mắt. Một lòng sám hối giả dối không có ích lợi gì cả. Một sự sám hối thành thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân của Tình Yêu”.

Trong Tin Mừng theo thánh Luca ở đoạn 15 câu 7, Chúa Giêsu đã nói: “Trên trời sẽ vui mừng gấp bội khi có một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn là 99 người công chính không ăn năn hối cải”.

Vinh quang của Thiên Chúa, niềm vui của Thiên Chúa chính là con người được sống. Và sự sung mãn, sự sống đích thực chính là ân sủng, là sự sống của Thiên Chúa trong tâm hồn con người. Sự sống ấy chỉ có thể đến trong tâm hồn con người, nếu con người biết mở rộng cửa tâm hồn để đón nhận Thiên Chúa… Những giọt nước mắt sám hối chính là sức đẩy để mở tung cánh cửa tâm hồn vậy.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 24 – TN1

Bài đọc: I Tim 6:13-16; Lk 8:4-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin Thiên Chúa phải thực hành những gì Ngài dạy.

Tin một đàng làm một nẻo cũng như học mà không hành. Một đức tin như thế sẽ chẳng giúp gì cho con người tin cả đời này và đời sau. Ở đời này, sẽ không sinh hoa kết quả của niềm tin; ở đời sau, sẽ không được hưởng hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Nhưng nếu một người tin và thực hành Lời Chúa, người đó sẽ thu nhận được kết quả ngay từ đời này như: niềm tin tưởng vững mạnh nơi Thiên Chúa, cuộc sống hòa thuận vui vẻ, tâm hồn bình an, yêu thương mọi người; và đời sau sẽ được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa.

Các Bài Đọc hôm nay khuyên các tín hữu phải thực hành những gì mình tin tưởng và tuyên xưng. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhắc nhở cho Timothy biết những gì ông đã tuyên xưng vào Thiên Chúa. Mục đích là để Timothy biết giữ cẩn thận những gì Chúa đã truyền và để đạt được những gì Thiên Chúa đã hứa ở đời sau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “Người Gieo Giống” để nhắc nhở cho các môn đệ biết quí trọng và thực hành Lời Chúa trong cuộc đời; để họ có thể sinh hoa kết trái.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Kitô là vua và là Chúa.

1.1/ Nhìn lại những gì xảy ra trong quá khứ: Thánh Phaolô muốn Timothy nhìn lại hai điều xảy ra trong quá khứ:

(1) Lời tuyên xưng của Đức Kitô trước toà tổng trấn của Phongxiô Philatô: Trong Cuộc Thương Khó, Đức Kitô bị mang ra trước tòa tổng trấn để xét xử. Người Do-thái phải tìm một lý do chính trị để bắt Philatô phải buộc tội Chúa Giêsu; chứ lý do tôn giáo sẽ không đủ để buộc tội. Họ bàn với nhau rồi tố cáo Chúa Giêsu với Philatô: “Người này đã xưng mình là vua; bất cứ ai xưng mình là vua, là chống lại Caesar.”

Vì thế, quan Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Ông là Vua dân Do-thái sao?” Người trả lời: “Chính ngài nói đó.” (Lk 24:3). Người Do-thái không muốn nhận Đức Kitô là vua và là Chúa của họ; nhưng đó lại là kế-hoạch của Thiên Chúa: Đức Kitô sẽ là vua cai trị tất cả mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cắt nghĩa rõ ràng chức vụ vua của Ngài trong trình thuật Gioan: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Jn 18:37). Chức vụ vua người Do-thái của Chúa Giêsu được Philatô cho đóng trên Thập Giá bằng ba thứ tiếng Latin, Do-thái, và Hy-lạp, cho dù họ đã phản đối cách viết như thế.

(2) Lời tuyên xưng của Timothy khi lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội và khi lãnh nhận chức vụ Giám-quản: Timothy đã tuyên nhận Đức Kitô là vua, và là Chúa của lòng mình; như Đức Kitô đã tuyên xưng trước Phongxiô Philatô. Người tín hữu phải tin và tuyên xưng như thế mới được cứu rỗi (Rom 10:9, Phi 2:11).

1.2/ Những gì cần phải làm ở hiện tại: Tuyên xưng thế nào, phải sống như thế ấy. Thánh Phaolô truyền cho Timothy: “Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện.” Cũng thế, khi người tín hữu tuyên nhận Đức Kitô là vua của lòng mình, họ phải giữ cẩn thận những gì Ngài dạy dỗ.

1.3/ Những gì sẽ xảy đến trong tương lai: Đàng sau lời tuyên xưng của Đức Kitô trước tòa Tổng Trấn và niềm xác tín của các tín hữu vào lời tuyên xưng này, là Thiên Chúa, Đấng sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy địa vị độc tôn của Đức Kitô vào đúng thời đúng buổi. “Ngài là Chúa Tể duy nhất, Đấng đáng chúc tụng, là Vua các vua, Chúa các chúa. Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời. Amen.”

2/ Phúc Âm: Phải biết quí trọng và thực hành Lời Chúa.

2.1/ Chúa Giêsu thuật cho dân chúng nghe dụ ngôn “Người Gieo Giống:” Có người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, bốn trường hợp có thể xảy ra:

(1) Có hạt rơi xuống vệ đường: Những hạt này sẽ bị người ta giẫm lên và chim trời ăn mất.

(2) Hạt khác rơi trên đá: Những hạt này có thể mọc lên, nhưng bị héo đi vì thiếu ẩm ướt.

(3) Có hạt rơi vào giữa bụi gai: Những hạt này mọc lên, nhưng gai làm nó chết nghẹt.

(4) Có hạt lại rơi nhằm đất tốt: Khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm.

Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”

2.2/ Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn “Người Gieo Giống:” Các môn đệ không hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì, nên họ yêu cầu Ngài cắt nghĩa thêm về dụ ngôn. Chúa Giêsu cắt nghĩa: Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là Lời Thiên Chúa, chỗ hạt giống được gieo vào là tâm hồn mỗi người.

(1) Hạt rơi xuống vệ đường: Những kẻ bên vệ đường là những kẻ đã nghe, nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Họ nghe, nhưng không hiểu, vì không chú ý hay cho Lời Chúa là không quan trọng.

(2) Hạt khác rơi trên đá: Những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không đâm rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Đây là những kẻ không chịu thực hành Lời Chúa, để làm cho đức tin nên vững mạnh.

(3) Có hạt rơi vào giữa bụi gai: Hạt rơi vào bụi gai là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Đây là trường hợp của những người không dành cho Lời Chúa địa vị ưu việt trong cuộc đời và cũng không tìm dịp để thi hành Lời Chúa.

(4) Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm. Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ khán giả cách thức để Lời Chúa có hiệu quả trong cuộc đời: Trước tiên, họ phải chuẩn bị tâm hồn trước khi lắng nghe và học hỏi Lời Chúa; khi tâm hồn chưa sẵn sàng, có nghe cũng chẳng hiểu. Kế đến, họ phải dành thời giờ để suy niệm và tìm cách cụ thể để áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời. Sau cùng, Lời Chúa sẽ đòi họ phải hy sinh từ bỏ nếp sống hưởng thụ và theo tiêu chuẩn của thế gian; họ phải can đảm để sống theo đường lối của Thiên Chúa. Nếu họ chịu theo cách thức này, họ sẽ sinh hoa quả gấp bội cả đời này và đời sau.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải sống những gì chúng ta đã tuyên xưng vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô. Đừng tuyên xưng một đàng rồi làm một nẻo. Nếu đã tuyên nhận Ngài là vua và là Chúa, thì đừng để bất cứ ai hay bất cứ sự gì thay thế địa vị của Ngài trong tâm hồn.

– Là người tín hữu, phải biết quí trọng Lời Chúa trên hết mọi sự và luôn tìm dịp áp dụng trong cuộc sống. Khinh thường Lời Chúa sẽ không biết cách sống. Biết mà không thực hành Lời Chúa sẽ chẳng sinh ích lợi gì cho cuộc đời. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************