Ngày thứ bảy (21-11-2020) – Trang suy niệm

20/11/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm chẵn

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ

BÀI ĐỌC I: Kh 11, 4-12

“Hai vị tiên tri ấy đã làm cho dân trên hoàn cầu chịu nhiều khổ cực”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Có lời phán cùng tôi là Gioan rằng: “Hai chứng tá của Ta là hai cây ôliu và hai cây đèn đặt trước mặt Chúa Tể địa cầu. Và nếu ai toan hãm hại các ngài, thì sẽ có lửa từ miệng các ngài phun ra tiêu diệt các địch thù; ai toan làm hại các ngài thì chính kẻ ấy phải bị giết như vậy. Các ngài có quyền đóng cửa trời, khiến trời không mưa trong những ngày các ngài nói tiên tri. Các ngài lại có quyền biến nước thành máu, và gieo tai hoạ cho trần gian bất cứ lúc nào tùy ý. Và khi các ngài đã hoàn tất nhiệm vụ chứng tá rồi, thì con mãnh thú từ vực thẳm lên sẽ giao chiến với các ngài, nó sẽ thắng và giết chết các ngài. Thi thể các ngài sẽ bị bêu nơi công trường của Thành lớn, gọi cách bóng bảy là Sôđôma và Ai-cập, là nơi Chúa các ngài đã bị đóng đinh. Thiên hạ thuộc mọi chi tộc, mọi dân, mọi nước, và mọi ngôn ngữ, đã xem thấy thi thể các ngài trong ba ngày rưỡi, và người ta không để cho thi thể các ngài được chôn cất trong mộ. Dân chúng trên khắp mặt đất sẽ vui mừng vì cái chết của các ngài và hoan hỉ tặng quà cho nhau, vì hai vị tiên tri ấy đã từng làm cho họ chịu nhiều khổ cực. Nhưng sau ba ngày rưỡi, (sinh khí từ) Thiên Chúa nhập vào các ngài. Và các ngài đứng dậy, khiến cho những người trông thấy phải khiếp sợ. Rồi các ngài nghe có tiếng vang lớn từ trời phán cùng các ngài rằng: ‘Hãy lên đây’. Các ngài liền lên trời, trong đám mây trước mắt các địch thù của các ngài.

Chính lúc đó đất chuyển động dữ dội, và một phần mười của thành thị bị sụp đổ, làm bảy ngàn người thiệt mạng trong cơn động đất ấy. Còn các người sống sót thì kính sợ và cao rao vinh danh Đức Chúa Trời”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 143, 1. 2. 9-10

Đáp: Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).

Xướng:

1) Ôi Đá Tảng của con, chúc tụng Chúa là Đấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến. – Đáp.

2) Chúa là tình thương và là chiến luỹ, là Đấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu; Ngài bắt chư dân phải khuất phục con. – Đáp.

3) Ôi Thiên Chúa, con sẽ hát mừng Ngài bài ca mới; với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Đavít là tôi tớ của Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: Pl 2, 15-16 – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 20, 27-40

“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?”

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa”.

Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm”. Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

21/11/2020 – THỨ BẢY TUẦN 33 TN

Đức Mẹ dâng mình

Mt 12,46-50

THI HÀNH Ý CHÚA LÀ MẸ CHÚA

“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi… người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)

Suy niệm: Mừng lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ là cơ hội tốt để chúng ta chiêm ngắm, học theo cách thế Đức Mẹ thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Ngay từ thời thơ ấu, Đức Mẹ đã muốn thuộc về Chúa trọn vẹn, làm việc Chúa muốn, thi hành điều Chúa dạy. Theo lời Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su hai lần: một lần là mẹ khi sinh-thành-dưỡng-dục Chúa Giê-su về phương diện thể lý; lần khác về phương diện thiêng liêng khi ngài thi hành ý muốn của Thiên Chúa, chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu thế theo lời sứ thần truyền, cũng như luôn đáp tiếng xin vâng trong mọi tình huống của đời mình. Mẫu gương ấy của Mẹ giúp ta hiểu được Lời Chúa nói với mỗi người: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi… người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” Những lời này khích lệ ta trong việc kiên trì giữ lề luật Chúa mỗi ngày. Dù thuộc bậc sống nào, tất cả chúng ta đều có cơ hội trở thành người thân nghĩa thiết với Chúa.

Mời Bạn: Là người giáo dân giữa đời, bạn được khích lệ sống theo Mười điều răn và Tám mối phúc. Là tu sĩ, bạn được mời gọi sống ý Chúa cách triệt để qua ba lời khuyên Tin Mừng. Cơ hội cho từng người đều như nhau. Điều quan trọng là ta ý thức, tận dụng để nên người thân của Chúa.

Sống Lời Chúa: Chúa muốn tôi sống như người con hiếu thảo của Chúa để trở thành người nhà thân thiết của Ngài. Tôi quyết đáp lại ý muốn của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con trung thành với các đòi hỏi trong bậc sống con đã chọn lựa, theo gương Mẹ Ma-ri-a. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.
Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông.
Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được.
Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do.
Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài.
Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó.
Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện.
Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng.
Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài,
thay vì đi ra nói chuyện với mẹ.
Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây,
hơn những người đứng ở ngoài kia.

Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ :
“Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” (c. 48).
Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia,
đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài.
Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu.
Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói :
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49).
Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia,
và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này.
Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt.
Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới.

Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này.
Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài.
Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha.
Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50).
Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn.
Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau.
Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỷ kitô hữu
nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha,
cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt 23, 8).

Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài.
Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ.
Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria.
Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác,
bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình,
bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại,
người ấy là mẹ Đức Giêsu.
Trong gia đình mới là Giáo hội của Đức Giêsu,
Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

21 THÁNG MƯỜI MỘT

Trả Lại Cho Gia Đình

Vai Trò Đúng Đắn Của Nó Trong Xã Hội

Trong tác phẩm Hành Trình Mục Vụ của ngài, Đức Hồng Y Baffi đã dành một số trang rất hay để nói về những hiểm họa và những niềm hy vọng của gia đình. Ngài nhấn mạnh rằng gia đình hôm nay rất ốm yếu trong xã hội chúng ta, và đôi khi thậm chí gia đình bị khinh thường. Đó là lý do tại sao sự chữa trị cho gia đình phải liên can tới việc Phúc Âm hóa nền văn hóa của chúng ta. Nếu nền văn hóa của chúng ta được chuyển hóa xuyên qua cuộc gặp gỡ với Tin Mừng, gia đình sẽ tìm lại được các gốc rễ của nó. Gia đình sẽ được canh tân hoàn toàn và bắt đầu sống căn tính của nó trong tư cách là một hiệp thông và cộng đoàn của các ngã vị trong niềm kính trọng hoàn toàn đối với tất cả các thành viên của nó: vợ chồng, con cái, trẻ già …

Như vậy, thay vì đóng kín chính mình và thoái thác trách nhiệm của mình đối với xã hội, gia đình Kitôhữu được canh tân sẽ trở thành tác nhân chủ yếu xây dựng xã hội tương lai. Điều này là tất nhiên vì gia đình là nền móng căn bản của xã hội. Vâng, gia đình Kitôhữu phải đảm nhận trách nhiệm phục vụ cộng đồng lớn hơn, nhất là phục vụ người nghèo và những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Gia đình Kitôhữu phải chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng cho thế giới.

Gia đình Kitôhữu cũng có chỗ đứng riêng của mình trong sứ vụ của Giáo Hội. Nó được mời gọi để tham dự, trong tư cách là một gia đình, vào sứ mạng cứu độ của Giáo Hội. Gia đình thực thi sứ mạng này bằng việc sống trung thành với căn tính của mình và bằng việc xây dựng mình trở thành một cộng đoàn tin và loan báo Tin Mừng. Gia đình Kitôhữu được mời gọi sống cầu nguyện và phục vụ mọi người theo giới luật yêu thương. Bằng cách này, gia đình trở thành một nguồn sống và một nguồn ơn gọi – bởi vì trong tư cách là Giáo Hội tại gia, gia đình tham dự vào sứ mạng ba chiều kích của Giáo Hội Chúa Kitô: đó là sứ mạng tư tế, vương đế và ngôn sứ của Dân Thiên Chúa.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 21/11

Đức Mẹ dâng mình trong Đền Thơ

Dcr 2, 14-17; Mt 12, 46-50.

LỜI SUY NIỆM:  “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”

          Chúa Giêsu đang đòi hỏi nơi mỗi con người phải thì hành ý muốn của Thiên Chúa. Để đạt điều này là mỗi người phải tin nhận: Chúa Giêsu là Con Một của Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Tin và chịu Phép Rửa: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần” để được bước vào cửa Nước Trời.

          Lạy Chúa Giêsu, Mọi thành viên trong gia đình chúng con đã được trở thành con cái của Chúa trong Bí Tích Rửa Tội. Xin cho tất cả chúng con luôn biết thi hành thánh ý Chúa trong mọi sự.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 21-11

Lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh

Nói về lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, đức giáo hoàng Phaolô VI viết: “Những lễ dựa trên lời truyền khẩu, nhưng có giá trị gương mẫu cao và đươc Giáo hội Đông phương đặc biệt mừng kính từ xa xưa, đó là lễ Đức Maria dâng mình và đền thánh”

Việc Đức Mẹ dâng mình và đền thánh dựa trên sự kiện này, là luật cũ đã nhận các trinh nữ tự hiến mình cho Thiên Chúa tại đền thành. Hơn nữa Đức Trinh nữ còn được đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội ngay từ buổi đầu thai. Sư trinh trong này có thể dẫn tới hiệu quả là trí khôn Đức Maria đã phát triển sớm hơn bình thường, vì không bị ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ. Bởi đó, người ta cho rằng, Mẹ đã dâng mình cho Chúa rất sớm, ngay khi trí khôn ngài có khả năng hiểu biết.

Cuốn ngụy thư “Phúc âm về cuộc sinh hạ của Đức Maria” còn cho rằng ngài đã thực hiện cuộc dâng hiến này khi mới ba tuổi. Giottô trong một bức họa đã diễn tả Đức Maria trong những bước chân mạnh mẽ tiến vào đền thánh.

Trong niềm tin này, người Hy lạp, Armênia và Latinh, đều mừng lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thánh vào ngày 21 tháng 11 hàng năm. Simon Métaphrate cho rằng lễ mừng đã được thiết lập vào năm 730 ở Constantinople. Năm 1143, hoàng đế Emmanuelđã xếp vào số các lễ được Giáo hội khắp nơi biết đến.

Vị đại sứ của vua Chypre bên đức giáo hoàng Grêgoriô XI (ở Avignon) đã thuyết phục, để giáo triều với đức Sixtô IV chấp nhận lễ này từ năm 1372. Kể từ đó, ở nhiều vương quốc và nhiều nhà thờ đã mừng long trọng theo sách nguyện Rôma. Đức giáo hoàng Pio V bãi bỏ và được đức Sixtô V tái lập.

Nhiều nhà dòng đã chọn lễ này làm ngày khấn dòng hay lặp lại lời khấn cho các tu sĩ. Cùng với Đức Maria, chúng ta cũng dâng mình cho Chúa một cách mau mắn và quảng đại.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

21 Tháng Mười Một

Vâng ý Cha Dưới Ðất Cũng Như Trên Trời

William Barlay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng người Anh đề nghị sửa một dấu trong Kinh “Lạy Cha” như sau: Giữa những câu “chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến” và câu “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” thay vì dấu phết hay dấu chấm phết nên dùng dấu hai chấm, để nêu bật ý nghĩa: Nếu chúng ta vâng theo ý Chúa dưới đất ý Chúa được vâng phục trên trời thì chúng ta sẽ làm cho: danh Chúa cả sáng và Nước Chúa được thống trị mọi nơi.

Ðề nghị trên nhằm mục đích nhấn mạnh sứ mệnh xây dựng Nước Trời giữa lòng xã hội trần thế bằng cách hoàn toàn vâng theo ý Chúa của các tín hữu Kitô.

Bởi lẽ đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng và cũng là mẫu gương nổi bật nhất trong cuộc đời của Ngài.

“Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì kẻ ấy là anh em Ta, là chị em Ta và là Mẹ Ta”.

Tuyên bố câu này, Chúa Giêsu không có ý khước từ mối dây liên lạc và tình mẫu tử giữa Ngài với Ðức Maria. Nhưng Ngài muốn nêu bật một thực tại: Ðức Maria đã trở nên Mẹ Ngài qua câu trả lời: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” và trong suốt cuộc đời, Ðức Maria đã trung tín giữ trọn lời thưa xin vâng này đến giây phút đứng dưới chân thập giá.

Mừng Lễ Ðức Mẹ dâng mình vào đền thánh, không gì chúng ta có thể làm đẹp lòng Mẹ hơn là học cùng Mẹ để bập bẹ thưa: “Xin vâng!”.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy Tuần 33 TN2, Năm Chẵn

Bài đọc: Rev 11:4-12; Lk 20:27-40.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự sống lại và cuộc sống đời đời

Có thể nói câu hỏi: “Có sự sống lại và cuộc sống đời đời không?” là câu hỏi then chốt và quan trọng nhất của cuộc đời; vì niềm tin này sẽ hướng dẫn con người trong cuộc sống ở đời này. Nếu con người tin có sự sống lại và cuộc sống vĩnh cửu mai sau, con người sẽ biết sống ở đời này làm sao để đạt được cuộc sống vĩnh cửu mai sau; nếu không tin có sự sống lại và cuộc sống đời sau, con người sẽ tập trung mọi cố gắng để làm sao cho cuộc sống đời này được hạnh phúc và hưởng thụ tối đa, mà không cần quan tâm đến việc thưởng phạt ở đời sau. Niềm tin vào sự sống lại, tuy đã được đề cập đến trong Cựu-Ước, nhưng chưa được cắt nghĩa rõ ràng; đa số người thời đó tin hạnh phúc chỉ ở đời này: sống lâu trăm tuổi, con đàn cháu đống, được Thiên Chúa ban muôn phúc lành. Quan niệm về sự bất tử của linh hồn được cắt nghĩa rõ ràng hơn trong Sách Khôn Ngoan (khỏang 50 BC), và sự sống lại trong Sách Maccabees (100 BC). Khi Đức Kitô nhập thể, Ngài đã mặc khải rõ ràng cho con người những điều này và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa trong các Sách Tin Mừng.

Các Bài đọc hôm nay tập trung vào việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi quan trọng này. Bài đọc I nói về số phận của hai ngôn sứ quan trọng trong Cựu Ước: Moses và Elijah. Truyền thống Do-Thái tin hai ngôn sứ này chưa chết, và sẽ tái xuất hiện trước Ngày của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa trả lời Nhóm Sađốc về sự sống lại và sửa sai niềm tin của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thị kiến hai cây olie và hai cây đèn

1.1/ Hai cây olive: Đây có lẽ là đọan văn khó hiểu nhất của Sách Khải Huyền, vì nó liên quan đến các nguồn khác nhau và có nhiều xung đột ý kiến. Căn cứ vào sự mô tả của 2 nhân chứng (câu 5,6, và 12), chúng ta có thể nhận ra 2 nhân chứng là Moses (tượng trưng cho Luật) và Elijah (tượng trưng cho các tiên tri). Truyền thống Do-Thái (Deut 18:15 và Mal 3:22-24) tin hai ông chưa chết, và sẽ trở lại để rao giảng xám hối trước Ngày của Thiên Chúa.

– Trong trình thuật, hai ông được mô tả là hai “cây olive và 2 cây đèn (Zech 4:1-14):” đại diện cho tòan thể Dân Thánh để làm nhân chứng sống động và muôn thuở cho tòan thể Giáo Hội (Acts 1:8). Các tín hữu luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và phục vụ Ngài bằng cuộc sống chứng nhân.

– “Nếu ai muốn làm hại các ngài, thì lửa sẽ từ miệng các ngài phát ra và thiêu huỷ thù địch của các ngài. Ai muốn làm hại các ngài, sẽ bị giết như thế.” TT Elijah đã mang lửa từ trời xuống tiêu diệt quân thù (2 Kgs 1:10ff.). Họ giết các thù địch bằng lửa của Lời Chúa mà họ rao giảng (Jer 5:14, Sir 48:3).

– Các ngài có quyền đóng cửa trời lại, khiến mưa không rơi xuống trong những ngày các ngài làm ngôn sứ (TT Elijah, 1 Kgs 17:1). Các ngài cũng có quyền biến nước thành máu và gieo tai giáng hoạ xuống mặt đất, bao nhiêu lần tuỳ ý (Moses, Xuất Hành, 1 Sam 4:8).

– Khi các ngài đã hoàn thành nhiệm vụ làm chứng, thì Con Thú từ vực thẳm sẽ lên tấn công các ngài, nó sẽ thắng và giết các ngài: Con thú dữ này là Satan và bè lũ của nó.

– Thi hài của các ngài sẽ nằm ở quảng trường của thành phố vĩ đại (Babylon trong Khải Huyền); thành phố ấy mang tên tượng trưng là Sôđôm, cho lối sống vô luân (Isa 1:9, Eze 16:46) và Ai-Cập, cho lối sống nô lệ, ở chính nơi Chúa của các ngài đã chịu đóng đinh vào Thập Giá (Jerusalem). Từ các dân, các nước, các ngôn ngữ và các chi tộc, người ta sẽ đến nhìn xem thi hài các ngài trong ba ngày rưỡi (thời gian Chúa Giêsu trong mồ) và không cho phép chôn các ngài trong mộ. Từ chối không cho chôn cất được coi là cách thức khinh thường nhục nhã nhất đối với người chết (Psa 79:2f, Jer 8:2, 16:4, 2 Mac 5:10).

– Những người sống trên mặt đất hân hoan vì các ngài đã chết, họ sẽ ăn mừng và tặng quà nhau, vì hai ngôn sứ này đã làm khổ họ: Thế giới Dân Ngọai, khó chịu vì các nhân chứng Kitô hữu, sẽ vui mừng về cái chết của các ngài.

1.2/ Hai ngôn sứ phục sinh và lên trời: Sau ba ngày rưỡi, sinh khí từ Thiên Chúa đến nhập vào các ngài, và các ngài đứng dậy được. Những kẻ đang nhìn các ngài đều kinh hãi. Rồi các ngài nghe một tiếng lớn từ trời bảo: “Hãy lên đây!” Và các ngài lên trời trong đám mây, trước mắt thù địch của các ngài.

2/ Phúc Âm: Có sự sống lại hay không?

2.1/ Câu hỏi khó của Nhóm Sađôc nhằm chứng minh không có sự sống lại: Nhóm này chỉ tin vào Sách Luật Môsê và không tin có sự sống lại; đó là lý do tại sao họ đến và hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình (Deut 25:5). Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” Câu hỏi của họ tuy dựa trên Lề Luật, nhưng không thực sự xảy ra trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu có sự sống lại, nàng sẽ thuộc về ai trong 7 người anh em?

2.2/ Câu trả lời của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu tách rời 2 vấn đề của họ: chuyện vợ chồng và sự sống lại; đồng thời Ngài sửa sai niềm tin của họ:

(1) Chuyện vợ chồng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” Vợ chồng chỉ xảy ra khi còn ở dương gian; tất cả là anh chị em trong cuộc sống mai sau. Con người không có nhu cầu để cưới vợ lấy chồng trên Thiên Đàng như Hồi-Giáo tin.

(2) Cuộc sống trường sinh: “Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.”

(3) Dùng Luật họ tin để bắt bẻ sự tin sai của họ: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai (Exo 3:1-6), khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacob. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” Nếu họ tin “Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống;” họ phải tin các tổ phụ Abraham, Isaac, và Giacob vẫn đang sống. Nói cách khác, họ phải tin có sự sống lại.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Một trong các tín điều phải tin trong Kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên xưng mỗi Chủ Nhật: “tôi tin có sự sống lại và cuộc sống đời sau.”

– Căn bản của niềm tin này là chính Chúa Giêsu: Lời Giảng và sự phục sinh vinh hiển của Ngài.

– Chúng ta phải để niềm tin này nuôi dưỡng chúng ta, và phải biết sống làm sao ở đời này để xứng đáng thừa hưởng cuộc sống mai sau. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************