Ngày thứ bảy (24-08-2019) – Trang suy niệm

23/08/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XX Mùa Thường Niên Năm lẻ

Thánh Batôlômêô, Tông Đồ

BÀI ĐỌC I: Kh 21, 9b-14

“Trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Thiên Thần nói với tôi rằng: “Ngươi hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi xem phu nhân, bạn của Con Chiên”.

Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành có tường luỹ cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel. Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, phía nam có ba cổng, và phía tây có ba cổng. Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó và đèn của nó chính là Con Chiên. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 17-18

Đáp: Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa (c. 12a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Đáp.

2) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Chúa là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Chúa tồn tại qua muôn thế hệ. – Đáp.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối của Người, và yêu thương mọi kỳ công Người tác tạo. Chúa ở gần những kẻ kêu cầu Người, những kẻ kêu cầu Người với lòng thành thật. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 1, 49b

Alleluia, alleluia! – Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 1, 45-51

“Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối “.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: “Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philipphê nói: “Hãy đến mà xem”.

Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

24/08/2019 – THỨ BẢY TUẦN 20 TN

Th. Ba-tô-lô-mê-ô, tông đồ

Ga 1,45-51

NGƯỜI KHÔNG CÓ GÌ GIAN DỐI

Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thực là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” (Ga 1,46-47)

Suy niệm: Có một số vùng đất được coi là ‘địa linh nhân kiệt’; cũng có những vùng đất hoàn toàn vô danh không chút tiếng tăm và không gây ấn tượng gì cho ai, chẳng hạn: Na-da-rét! “Từ Na-da-rét làm sao có cái gì hay được?” Đây không phải là thành kiến của riêng Na-tha-na-en, mà hầu như là của mọi người. Nhưng khi nghe anh bạn Phi-líp-phê bảo: “Cứ đến mà xem,” thì Na-tha-na-en đã gác thành kiến qua một bên để đích thân đi vào một khám phá. Ông đã đến gặp Đức Giê-su người Na-da-rét. Chính thái độ khiêm tốn, chân thành và cởi mở đối với sự thật này đã làm cho Na-tha-na-en được khen ngợi là một con người không có gì gian dối.

Mời Bạn: Hẳn bạn cũng thật thích thú nếu được khen là người không có gì gian dối. Để được thế, ta phải biết gác qua thành kiến, tức là biết nghi ngờ chính thành kiến của mình, để tìm gặp sự thật vốn thường ở phía bất ngờ và khác với điều ta vẫn nghĩ. Biết bao người bị ‘giết’ bởi sự yên trí của những người khác, nhất là của người lãnh đạo họ. Các thiền sư Nhật Bản nói với ta rằng “Đừng tìm kiếm chân lý; chỉ cần lột bỏ những quan niệm của mình.”

Chia sẻ: Lần gần đây nhất mà bạn sai lầm do thành kiến là trường hợp nào? Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn.

Sống Lời Chúa: Ta tập tinh thần khiêm tốn và khách quan, luôn sẵn sàng để ngạc nhiên đón nhận điều mới mẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dẫn dắt con đi từ sự cứng cỏi cố chấp đến thái độ chân thành cởi mở, từ lầm lạc đến với chân lý, và từ cõi chết đến với sự sống là chính Chúa. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

24 THÁNG TÁM

Ngụp Lặn Trong Tình Yêu Của Đức Kitô

Chúng ta nên cùng nhau suy tư về ý nghĩa của Thượng Hội Đồng bất thường được tổ chức năm 1985. Biến cố này nhắc chúng ta nhớ Giáo Hội phải dấn bước theo tinh thần của Công Đồng Vatican II như thế nào.

Đó là tinh thần gì? Đức Phaolô VI đề cập đến tinh thần này trong Ecclesiam tuam, thông điệp đầu tiên của ngài. Một đàng, “đây là thời gian mà Giáo Hội phải đào sâu ý thức về chính mình, phải suy tư về mầu nhiệm nơi chính mình, phải khám phá … giáo lý … về các căn nguyên của mình, về bản chất và sứ mạng của mình, về định mệnh cuối cùng của mình.” Đàng khác, Đức Phaolô VI nói tiếp: “Giáo Hội phải đi vào trong cuộc đối thoại với thế giới mà mình đang sống với. Giáo Hội phải trở thành một tiếng nói, một sứ điệp. Đây là hai định hướng được đặt ra cho Giáo Hội: Giáo Hội phải đồng thời chu toàn sứ mạng của mình within and without. Giáo Hội phải nhận thức và đào sâu cảm thức về căn tính của mình, trong khi đồng thời làm cho sứ điệp của Đức Kitô thấm nhập và hoạt động nơi anh chị em chung quanh mình.”

Vâng, Công Đồng Vatican II đã đáp ứng những kỳ vọng này. Với một sự đồng tâm nhất trí cao độ, Giáo Hội cảm nhận sâu sắc mối gắn kết với các nguồn căn tông đồ của mình. Giáo Hội cũng hiểu mình phải theo con đường nào để trung thành với Đức Kitô trong thế giới hôm nay. Nói tóm, Giáo Hội cảm thấy ngụp lặn trong tình yêu của Đức Kitô – tình yêu mà Giáo Hội đưa ra để chia sẻ cho những người khác: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,9.17).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 24/8

Thánh Batôlômêô, Tông Đồ

Kh 21, 9-14; Ga 1, 43-51.

LỜI SUY NIỆM: “Cứ đến mà xem”

          Trong ngày lễ kính thánh Batôlômêô, chúng ta được nghe lại câu chuyện: sau khi Philípphê được Chúa kêu gọi để trở thành Tông Đồ, Philípphê đã không giữ niềm vui riêng cho mình, mà lại đi giới thiệu cho người bạn thân của mình. Mặc dầu Nathanaen không mấy lấy làm tin tưởng về Chúa Giêsu: “Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được?”. Nhưng Philípphê đã không tranh cải, mà chỉ mời gọi: “Cứ đến mà xem”. Chính sự chân thành và khiêm tốn đó, đã đưa Nathanaen gặp được Chúa Giêsu, và Chúa đã có thêm một người Tông Đồ.

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn học biết cách giới thiệu của thánh Philípphê đặt trọn niềm tin vào ơn ban của Chúa trên mỗi con người mà chúng con thật tình giới thiệu họ với Chúa và Chúa với họ.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 24-08

Thánh BARTÔLÔMÊÔ TÔNG ĐỒ.

Các sách Tin Mừng nhất lãm và sách công vụ tông đồ ghi nhận thánh Bartôlômêô là một trong nhóm 12, nhưng lại không biết thêm gì về Ngài, ngoài việc liên kết tên Ngài với Philipphê.

Tin Mừng tứ tư không có danh sách các tông đồ, nhưng có nhắc phần lớn tên các tông đồ thuộc nhóm 12, sách Tin Mừng này không nói gì tới Bartôlômêô, nhưng lại chỉ ghi nhận tên Nathanael, liên hệ với Philipphê (Ga 43-51), cũng như kết nhóm với các tông đồ khác sau phục sinh (Ga 21,1-14). Từ thế kỷ 16, nhiều học giả đã đồng hóa Nathanael với Bartôlômêô và gọi tên Bartôlômêô là tên của Nathanael. Như vậy chính Narthanael là con (bar) của ông Tolmai hay có thể Ptoleemy (Tlômêô), sinh tại Cana (Ga 21,2).

Nếu sự đồng hoá là đúng, chúng ta biết được nhiều chi tiết về ơn gọi của thánh tông đồ hơn là của các tông đồ khác (Lc 5,4-10 dường như là phó bản của Ga 21,4-17). Trước khi được chính thức kêu gọi, đã có một cuộc gặp gỡ thú vi: Philipphê giới thiệu với Bartôlômêô: – Đấng mà Môsê trong lề luật cùng các tiên tri chép đến, chúng tôi đã gặp rồi, Người là đức Giêsu con ông Giuse người Nazareth.

Bartôlômêô đáp lại, với óc khinh miệt của những dân làng lân cận : – Từ Nazareth thì có thể xảy ra điều gì tốt được.

Tuy nhiên đáp lại lời mời “thì hãy đến mà xem”, vị tông đồ đã gặp một Chúa Giêsu thấu suốt lòng mọi người: – Này đây đích thực là một người Israel, trong mình không có gì gian dối.

Bartôlômêô đã nhận ra nguồn gốc thiên sai của Chúa Giêsu nhờ cuộc gặp gỡ ấy. Rồi đây Ngài còn khám phá ra sư thật cao cả hơn nữa về con người Chúa Giêsu. Ngài luôn chen vai sát cánh với các bạn tông đồ (Ga 21,1-14).

Sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần, thánh Bartôlômêô ra đi truyền giáo. Có nhiều truyền thống tìm cung ứng các chi tiết khác nhau về đời truyền giáo của Ngài tại Tiểu Á, Armennia, Mosopotamia, Persia, Ấn Độ và Ai cập. Tuy nhiên giai thoại ở Armenia được chấp nhận nhiều hơn cả. Thánh nhân được tôn kính như thánh tông đồ của miền này.

Người ta kể rằng: khi thánh tông đồ đến Armenia, tại chính nơi vua Polimio và triều đình cư ngụ, quỷ thần Atarốt ở đấy câmhọng. Ngài khua trừ ma quỉ. Giải thoát cho nhiều người khỏi bị quỉ ám. Trong số này có cả nàng công chúa. Ngài liền được triêu vời đến triều đình. Trước mặt vua Ngài truyền quỉ thần phải nói sự thật bỉ ổivề số phận đời đời của nó. Nhà vua cảm động ban tặng tiền bạc cho tông đồ, nhưng Ngài từ khước và chỉ mong mọi người nhận biết và thờ phượng Chúa.

Dĩ nhiên các tư tế thờ ma quỉ tức giận, họ xúi giục dân chúng nổi dậy chống lại thánh tông đồ. Attiges em vua Polimiô bắt Ngài tống ngục. Ong nổi giận ra lệnh lột da rồi thiêu sống thánh nhân. Nhưng nhờ quyền năng Chúa, Ngài vẫn được cứu sống. Người ta dựa vào sự kiện này để vẽ hình thánh nhân nằm cạnh con dao và miếng da như biểu tượng đời Ngài. Cuối cùng Ngài bị trảm quyết.

Tương truyền rằng: xác Ngài được chuyển về Beneventô. Vào thế kỷ X, không rõ các di tích của Ngài có được vua Ottô III đưa về và còn được lưu giữ tại thánh đường thánh Bartôlômêô ở Tiber không ?

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

24 Tháng Tám

Tách Nước Tràn Ðầy 

Ðể đả phá sự kiêu ngạo, người Nhật Bản thường kể câu chuyện sau: Có một nhà hiền triết nọ nổi tiếng về sự khôn ngoan và kiến thức. Ai ai cũng tìm đến vấn kế.
Ðể kiểm chứng điều đó, một hôm có một giáo sư đại học đến xin tiếp kiến nhà hiền triết. Ông trang bị cho mình không biết bao lý lẽ và kiến thức. 

Khi ông giáo sư đại học an tọa trong phòng khách, nhàhiền triết mới đưa một bình trà thật nóng ra tiếp khách .Ông bắt đầu rót nước vào tách của ông giáo sư . Những giọt nước trà nóng hổi không mấy chốc đã tràn ra tách, nhưng nhà hiền triết vẫn điềm nhiên rót tiếp. Nước tràn ra cả khay… Ông giáo sư nhìn nước tràn ra khay rồi nghĩ thầm trong lòng: thì ra con người mà thiên hạ tôn thờ như bậc thánh hiền chỉ là một con người lơ đễnh, bất chấp… Không còn đủ kiên nhẫn nữa, vị giáo sư mới nói lớn: “Thưa ngài tách trà đã đầy tràn, nước đang chảy lai láng ra bên ngoài cả khay kìa”.

Lúc bấy giờ nhà hiền triết mới dừng tay lại và nói: “Cũng giống như tách này, đầu óc của ông tràn đầy văn hóa, kiến thức, tư tưởng và những định kiến. Nếu ông không dốc cạn tách trà của ông, thì làm sao tôi có thể nói với ông về triết thuyết của tôi, bởi vì triết thuyết của tôi chỉ dành cho những con người đơn sơ và cởi mở”.

Có dốc cạn tâm hồn, có trở nên nghèo nàn, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy. Cái nghịch lý lớn nhất của cuộc đời là khi con người tìm cách lấp đầy tâm hồn mình bằng những của cải chóng qua ở đời này, thì đó cũng là lúc con người cảm thấy trống vắng nhất trong tâm hồn. Trái lại, càng dốc cạn chính mình, càng trở nên nghèo nàn, con người càng được Thiên Chúa lấp đầy, con người càng tìm thấy bình an và hạnh phúc đích thực.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Kính Thánh Batholomew Tông Đồ

Bài đọc: Rev 21:9b-14; Jn 1:45-51.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đến mà xem.

Có những sự vật vì ngôn ngữ không đủ để diễn tả; nên con người cần phải đến mà xem mới biết; ví dụ, các kỳ quan thế giới. Có những danh nhân được nhiều người ca tụng; nhưng để hiểu con người của họ, một người cần đến tiếp xúc trực tiếp với họ; ví dụ, nữ hoàng Phương Nam đến gặp vua Solomon để học hỏi sự khôn ngoan của ông. Đức Kitô là đối tượng của niềm tin mà con người cần học hỏi và có kinh nghiệm trực tiếp. Người khác có thể giới thiệu hay nói về Đức Kitô cho con người; nhưng để có thể tin chắc chắn vào Đức Kitô, con người cần đến với Ngài để học hỏi và có kinh nghiệm cá nhân với Ngài.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến kinh nghiệm trực tiếp một người phải có, trước khi tin vào đối tượng mà họ đang muốn tìm hiểu. Trong Bài Đọc I, thiên thần của Thiên Chúa mang tác giả lên một ngọn núi cao, để ông có thể chiêm ngưỡng tận mắt Hiền Thê của Con Chiên là Giáo Hội. Hiền Thê đây chính là Thành Thánh Jerusalem lý tưởng đến từ trời, là tập hợp của 12 chi tộc Israel của Thiên Chúa trong Cựu Ước và 12 Tông-đồ của Đức Kitô trong Tân Ước.

Trong Phúc Âm, Philip sau khi nhận biết Đức Kitô, đến gặp Nathanael để giới thiệu Đức Kitô với ông. Nathanael nghi ngờ khi Philip nói Đức Kitô đến từ Nazareth; nhưng Philip nhấn mạnh ông cứ đến mà xem cho chính ông. Nathanael đã tới và nhận ra Đức Kitô.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên.”

1.1/ Giáo Hội là Tân Nương, Hiền Thê của Đức Kitô: Một thiên thần đến bảo tác giả: “Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên.” Rồi đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Jerusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê.”

+ Giáo Hội được ví như thành thánh Jerusalem, nơi là nguồn gốc và trung tâm điểm của Giáo Hội. Sự kiện Thành Thánh Jerusalem xuất hiện từ trời muốn nói lên đây là mô hình kiểu mẫu mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Giáo Hội. Giáo Hội lữ hành trần thế sẽ được chung hưởng vinh quang với Giáo Hội vinh quang trên trời.

+ Vinh quang của Giáo Hội là phản ánh vinh quang của Thiên Chúa: Sự hiện diện của Thiên Chúa làm vinh quang của Ngài bao trùm Giáo Hội. Những chi tiết mô tả ở đây muốn nói lên sự thánh thiện vô tì tích của Giáo Hội sau khi đã được tẩy rửa và thánh hóa bởi Máu của Con Chiên là Đức Kitô.

1.2/ Giáo Hội là sự kết hợp liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước:

+ 12 chi tộc Israel (Eze 48:30-35, Exo 28:17-31): “Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Israel.”

+ 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; mỗi phương có 3 cửa để tiếp nhận mọi dân tộc vào Giáo Hội.

+ 12 Tông-đồ của con chiên (Mt 19:28, Lk 22:29): “Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên.”

2/ Phúc Âm: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!”

2.1/ Phải trút bỏ thành kiến để học hỏi những điều mới lạ: Thánh Thomas Aquinas nói: “Yêu ai là mong muốn sự tốt lành cho người ấy.” Trong quãng đời công khai rao giảng của Đức Kitô, chúng ta thấy kiểu mời gọi này: Khi đã nhận biết Đức Kitô, Gioan Tẩy Giả giới thiệu Ngài cho hai môn đệ đi theo (Jn 1:35-37). Một trong hai môn đệ là Anrê đã giới thiệu Đức Kitô cho em mình là Phêrô (Jn 1:40-42). Trong trình thuật hôm nay, Philip mời gọi ông Nathanael đến gặp Chúa và nói: “Đấng mà sách Luật Moses và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth.” Ông Nathanael liền bảo: “Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philíp trả lời: “Cứ đến mà xem!”

Thành kiến giam hãm và ngăn cản con người không nhìn ra sự thật. Hai điều có thể ngăn cản Nathanael không đến với Chúa: Thứ nhất, sự cạnh tranh giữa các làng mạc: Nathanael quê ở Cana; giữa Cana và Nazareth có thể có sự cạnh tranh vì hai làng rất gần nhau. Thứ hai, theo Kinh Thánh, Đấng Thiên Sai sẽ xuất hiện tại Bethlehem là quê hương của vua David, chứ đâu xuất hiện tại Nazareth, một làng quê mùa phía Bắc như vậy. Đứng trước nhận định khinh thường như thế, Philip không nản chí, nhưng vẫn khuyến khích bạn: thì cứ thử đến mà xem! Nathanael có lẽ vì nể tình bạn với Philip, nên đi đến gặp Đức Kitô.

2.2/ Cuộc hạnh ngộ giữa Đức Kitô và Nathanael.

(1) Đức Kitô khơi dậy niềm tin nơi Nathanael: Đức Giêsu thấy ông Nathanael tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối.” Đây là ý tưởng của Thánh Vịnh 32:2, “Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà.”

Phản ứng trước tiên của Nathanael là sửng sốt vì ông chưa gặp Ngài bao giờ, thế mà Ngài lại thấu suốt cuộc đời của ông. Ông Nathanael hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philíp gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Lại một ngạc nhiên nữa, Chúa Giêsu có khả năng nhìn thấy mọi nơi, điển hình là lúc ông đang nói chuyện với Philip dưới gốc cây vả. Biết mình không còn gì có thể giấu Chúa Giêsu, ông khiêm nhường thú nhận: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!”

(2) Đức Kitô hứa sẽ cho Nathanael thấy những điều kỳ diệu hơn nữa: Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

+ Thị kiến chiếc thang của Jacob: Cụm từ “Thiên thần lên lên xuống xuống” nhắc nhở chúng ta thị kiến chiếc thang trong giấc mơ của tổ-phụ Jacob tại Bethel (Gen 28:12-13). Đức Kitô giải thích Ngài là chiếc thang nối kết giữa Trời và Đất, các sứ thần của Thiên Chúa sẽ không ngừng lên xuống để dâng lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa, và chuyển ơn thánh từ Thiên Chúa xuống cho con người.

+ Ai là Nathanael mà Tin Mừng Gioan đề cập đến ở đây? Có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau: (1) một hình ảnh lý tưởng tượng trưng cho con cái Israel; (2) có người cho là Phaolô hay người “môn đệ được Chúa yêu;” và (3), là tông-đồ Bartholomew mà Tin Mừng Nhất Lãm đề cập tới. Sự kiện chúng ta mừng lễ thánh Bartholomew chứng tỏ Giáo Hội chấp nhận cách giải thích số (3).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần dành thời giờ để học hỏi và phát triển mối liên hệ mật thiết với Đức Kitô. Chỉ có thế mới giúp chúng ta có được một niềm tin yêu vững mạnh nơi Ngài.

– Bổn phận của chúng ta là giới thiệu cho mọi người đến với Đức Kitô, chứ không phải tập trung vào chúng ta. Chúng ta có thể giới thiệu Đức Kitô cho tha nhân bằng lời giảng hay bằng cuộc sống chứng nhân của mình. Chúng ta đừng bao giờ ngăn cản tha nhân đến với Thiên Chúa vì lời giảng hay hành động của chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************