Ngày thứ bảy (25-09-2021) – Trang suy niệm

24/09/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXV Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:    Dcr 2, 1-5. 10-11a (Hr 5-9a. 14-15a)

“Này đây Ta đến và ngự giữa ngươi”.

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Tôi đã ngước mắt lên và đã nhìn thấy: Kìa, có người cầm dây đo trong tay. Tôi đã hỏi rằng: “Ông đi đâu?” Người ấy đáp: “Tôi đi đo Giêrusalem, coi nó rộng bao nhiêu và dài bao nhiêu”. Và đây vị thiên thần đang nói chuyện với tôi ra đi, một thiên thần khác đến đón người và nói: “Hãy chạy lại nói với đứa trẻ ấy rằng: Giêrusalem là nơi trú ngụ không có tường thành, vì trong đó có đông dân cư và súc vật. Chúa phán: “Phần Ta, Ta sẽ nên tường thành lửa đỏ chung quanh nó, và Ta sẽ tỏ vinh quang Ta giữa nó”. Chúa lại phán: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự giữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta, và Ta sẽ ngự giữa ngươi”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Gr 31, 10. 11-12ab. 13

Đáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).

Xướng:

1) Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: Đấng đã phân tán Israel sẽ quy tụ nó lại, và sẽ giữ nó như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình. – Đáp.

2) Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. – Đáp.

3) Bấy giờ người trinh nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế; Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng thành niềm hân hoan, sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 114, 13cd

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 9, 44b-45 (Hl 43b-45)

“Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các mộn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

25/09/2021 – THỨ BẢY TUẦN 25 TN

Lc 9,43b-45

ĐÓN NHẬN THẬP GIÁ CHÚA TRAO

“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” (Lc 9,44)

Suy niệm: Với các môn đệ, con đường thập giá của Chúa là mầu nhiệm quá không chỉ khó hiểu, mà còn là một tin gây “sốc” không thể chấp nhận. Việc các ông sợ không dám hỏi lại về lời tiên báo Ngài sẽ phải chịu đau khổ và chết như một tử tội cho thấy các ông không muốn đón nhận con đường thập giá ấy. Mãi cho đến khi được gặp gỡ Đấng Phục sinh, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các môn đệ mới nhận ra rằng mầu nhiệm thập giá chính là con đường cứu độ, có đón nhận thập giá Đức Ki-tô, họ mới được tham dự vào vinh quang với Thầy mình; những ai vui lòng vác thập giá, can đảm đón nhận những đau khổ, thách đố mỗi ngày để bước theo Chúa, người ấy sẽ luôn được bình an sâu xa trong lòng.

Mời Bạn: Thập giá, đau khổ đời thường vẫn luôn là mầu nhiệm, là thách đố với người Ki-tô hữu mọi thời. Chẳng ai  hiểu được tại sao một Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu, đầy tình thương, lại để cho sự dữ, bất hạnh, tai ương gây nên bao tang thương cho con cái của Ngài. Thế nhưng, nếu bình tâm suy xét, bạn sẽ nhận thấy rằng nhờ đón nhận thập giá, can đảm đối diện với những thách đố, đau khổ mà không né tránh, đời sống đức tin của người Ki-tô hữu được trui rèn mỗi ngày: trưởng thành trong đức tin, vững mạnh trong niềm trông cậy và thêm sắt son trong lòng mến yêu. Bạn có nhận ra điều ấy không?

Sống Lời Chúa: Bạn vác thập giá theo Chúa bằng cách chừa bỏ một tật xấu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dẫn chúng con vào mầu nhiệm thập giá Chúa, để chúng con cũng vui lòng vác thập giá đời mình mà giữ nghĩa cùng Chúa cho đến trọn đời. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,
Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.
Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.
Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:
“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo
về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?

Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.
Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).
Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.

Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy,
thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.
Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.

Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được
làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.

và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.
Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.

Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.

Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

25 THÁNG CHÍN

Tiếng Gọi Làm Môn Đệ Chúa

Chúng ta đã tìm hiểu những chân lý mà Giáo Hội tuyên xưng và rao giảng. Những chân lý này thiết lập nên nền tảng của Giao Ước Mới với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta đã nắm hiểu mục đích của việc giáo dục Kitô giáo. Ngay từ những năm đầu đời của chúng ta tại gia đình và giáo xứ, chúng ta đã nghe lời mời gọi trở thành môn đệ Đức Giêsu Kitô. Đây là mục tiêu của lời cầu nguyện chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta cùng với gia đình và cộng đoàn xứ đạo của mình đã đưa chúng ta đến gần hơn bao giờ hết mầu nhiệm về sự hiện diện của Đức Kitô.

Đó là mục tiêu của việc giáo dục Kitô giáo. Nhờ Phép Rửa, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta lại trở nên những môn đệ của Đức Giêsu Kitô.

Các con, và cả Cha nữa, chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa về cha mẹ và về các cha xứ của chúng ta. Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những ai đã giúp chúng ta nhận hiểu chân lý được Thiên Chúa mạc khải qua Đức Giêsu Kitô và được Hội Thánh truyền giảng.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 25/9

Ger 2, 5-9. 14-15a; Lc 9, 43b-45.

LỜI SUY NIỆM: Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giêsu làm; Người nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

          Trước sự bỡ ngỡ của dân chúng khi chứng kiến quyền năng của Chúa Giêsu qua các phép lạ Người làm. Chúa Giêsu không muốn các môn đệ của Người chỉ sống với những bỡ ngỡ đó. Nên Người đã đánh thức các ông: “Phần anh em, hãy lắng nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn tất cả chúng con nhận ra Chúa là Đấng Kitô qua cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa. Xin cho mỗi người trong chúng con nhận ra thập giá mỗi ngày của chúng con mà biết vâng phục vác đi cho đến trọn đời.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

NGÀY 25-09 THÁNH GIUSE CALASANZ – LINH MỤC (1557 – 1648)

Thánh Giuse Calasanz sinh năm 1557 tại Peralta de la Sal miền Aragonia. Cha mẹ Ngài là những một giàu có trong miền, nhưng đã dày công dạy cho con biết yêu Chúa thiết tha, ham thích cầu nguyện và gớm ghét tội lỗi. Chính Giuse ngay từ niên thiếu đã tỏ dấu có lòng bác ác đặc biệt với trẻ nhỏ và ưu tư giáo dục chúng. Ngài thường tụ họp các bạn trẻ lại để dạy cho chúng biết các mầu nhiệm đức tin và biết cách cầu nguyện.

Lớn lên, Giuse được gởi học văn phạm và các môn cổ điển tại Estadilla. 15 tuổi Ngài đã hoàn tất chương trình trung học. Cha mẹ Ngài đặt rất nhiều hy vọng vào tương lai của con. Giuse lại mong chờ một sứ mệnh cao cả hơn. Ngài xin theo học một chương trình sống rất nghiêm khắc để đề phòng những dục vọng bất chính. Ngài còn nhiệt thành dạy giáo lý cho người dốt nát, thăm viếng giúp đỡ các bệnh nhân và những người nghèo khổ. Dầu vậy Ngài đã thành công mỹ mãn và được phép cha cho ở lại để học dân luật và giáo luật.

Ngày 11 tháng 4 năm 1575, Ngài chịu phép cắt tóc gia nhập hàng giáp sĩ.

Sau khi đậu tiến sĩ giáo luật và dân luật, Giuse tiếp tục học thần học tại Valence. Nơi hoa lệ này, quỉ đã ra sức tấn công đức trinh khiết của Giuse. Nhưng quyết hiến thân cho Chúa, Giuse đã chiến thắng vẻ vang. Từ đó Ngài bỏ Valence để tiếp tục theo học tại Alcada.

Tuy nhiên một hung tin làm xáo trộn cuộc đời Ngài. Người anh của Giuse, một sĩ quan trong quân đội từ trần mà chưa có con nối dõi tông đường. Giuse trở về quê nhà vâng lời cha mẹ nhưng vẫn nuôi ước vọng làm linh mục. Ngài ra sức cầu nguyện và được nhậm lời. Ngài bị lâm trọng bệnh và các y sĩ đều bó tay. Người cha của Giuse hứa sẽ cho Ngài làm linh mục nếu được chữa lành. Giuse đã lành bệnh.

Ngày 17 tháng 12 năm 1583, Giuse được thụ phong linh mục. Từ đó cha Giuse lao mình vào công việc chấn hưng đạo đức. Ngài đã thành công đến nỗi 35 tuổi đã được đặt làm bề trên địa phận Urgel. Dầu vậy, Ngài cảm thấy sức thúc đẩy đến Roma. Ngài lên đường và suốt năm năm. Ngài đã sống tại giáo đô như là một khách hành hương khiêm tốn. Trong thời gian này, thánh nhân đã thấy tận mắt sự khốn cùng và những tật xấu của đám dân nghèo. Ngài xác tín rằng tình trạng này gây nên bởi sự thiếu hiểu biết về đạo.

Hiện đang sở hữu tài sản lớn lao do người cha từ trần để lại, Ngài liền thiết lập những trường miễn phí cho dân nghèo. Nhiều người đến cộng tác với Ngài, phần lớn là các giáo sĩ. Dần dần họ họp thành một dòng giáo sĩ triều được đặt dưới sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa. Năm 1622 cha Giuse đã đặt làm bề trên tiên khởi. Các trường dưới sự hướng dẫn của Ngài ngày càng thêm nhiều, công cuộc của Ngài lan rộng sang Đức, Bohemia và Ba Lan.

Về già, cha Giuse trở thành nạn nhân của một âm mưu nhằm truất phế Ngài xuống. Mầm mống chia rẽ vì ghen tỵ mọc lên trong dòng, khiến Đức Innocentê X hạ dòng xuống thành hội đạo đức mà thôi. Cha Giuse vẫn vui vẻ chấp nhận. Tuy nhiên Chúa lại thưởng công cho Ngài và nhiều phép lạ, nhất là được thấy Đức Mẹ ẵm Chúa Giêsu đến xem các học trò của Ngài lần hạt và ban phép lành cho họ. Ngài còn được ơn nói tiên tri, cho biết 10 năm sau dòng sẽ phục hồi và bành trướng mạnh mẽ.

Ngày 25 tháng năm 1648, thánh Giuse từ trần vì một cơn sốt, thọ 92 tuổi, năm 1767 Ngài được tuyên thánh. Năm 1948 Ngài được đặt làm vị tông đồ việc giáo dục và làm đấng bảo trợ các trường công giáo.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

25 Tháng Chín

“Con Người Bất Hạnh Nhất Trần Gian” 

Cuộc đời của nhạc sĩ Beethoven, ngay cả khi đạt đến đỉnh cao của danh vọng, cũng không phải là một cuộc đời hạnh phúc. Tất cả những người viết tiểu sử của nhạc sĩ đều ghi nhận rằng ông đã qua một thời tuổi thơ khốn khổ. Cha ông đã xem kỳ tài âm nhạc của ông như một cơ hội để làm tiền. Thần đồng âm nhạc đã phải ngồi vào đàn Piano từ sáng tới chiều, đến độ ông đâm chán cả âm nhạc. Chỉ có mẹ ông mới là nguồn an ủi duy nhất của ông trong lúc tuổi thơ, nhưng bà đã mất năm ông mới 17 tuổi.

Năm 28 tuổi, Beethoven bắt đầu bị điếc. Ông cảm thấy thất vọng hoàn toàn. Và tai họa đã tiếp diễn cho đến cuối đời ông.

Tuy nhiên, con người “bất hạnh nhất trần gian ấy” như ông thường nói về mình đã sáng tác những dòng nhạc bất hủ nhất ở cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19.

Kho tàng ẩn dấu trong ta chỉ có thể được khám phá và đem ra thi thố với thế giới nếu ta biết chiến đấu. Ðiều đó đòi hỏi những năm tháng dài, tuy nhiên, trở ngại cuối cùng mà ta có thể vượt qua sẽ làm ló rạng kho tàng ẩn dấu trong ta. Thánh Basiliô đã nói: vĩ nhân không phải là người chỉ đọ sức với những điều cả thể, nhưng chính là biết làm cho những việc tầm thường trở thành cao cả bằng chính sức mạnh của mình.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy – Tuần 25 – TN1

Bài đọcZec 2:5-9, 14-15a; Lk 9:43b-45

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang.

Nếu chúng ta nhìn lại cuộc đời mình sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta sẽ biết thế nào là sống nhờ hy vọng: nước mất, nhà tan, tù đày mà không biết có ngày được thả, vượt biển mà biết có thể chết bỏ mình trên biển khơi, những ngày khổ cực trong các trại tị nạn mà không biết bao giờ mới được định cư, khi đã được định cư lại bắt đầu làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng. Chúng ta chấp nhận tất cả với hy vọng cuộc đời mình sẽ tốt đẹp hơn sau khi đã vượt qua tất cả những gian khổ này. Giờ đây, ngồi suy xét lại, chúng ta nhận ra: quả thật, thành công trong cuộc đời chỉ dành cho những ai biết kiên trì vượt qua mọi gian khổ.

Các Bài Đọc hôm nay dạy con người hãy can đảm đương đầu với gian khổ và tìm cách khắc phục chúng. Trong Bài Đọc I, con cái Israel không có can đảm xây dựng lại Đền Thờ ngay sau khi hồi hương, vì họ còn phải đương đầu với biết bao gian khổ của cuộc sống để làm lại từ đầu. Tiên-tri Zechariah khuyến khích họ hãy mạnh dạn vượt qua gian khổ để xây dựng lại Đền Thờ để Thiên Chúa ở giữa họ; và hãy hy vọng vào những huy hoàng của thành thánh Jerusalem trong tương lai. Trong Phúc Âm, các môn đệ sợ không dám hỏi lại Chúa Giêsu về lời báo trước Cuộc Thương Khó, vì các ông sợ và không dám đương đầu với gian khổ. Chúa Giêsu muốn hướng lòng các ông về sự phục sinh vinh hiển trong tương lai.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thị kiến của tiên-tri Zechariah về Jerusalem

Lịch sử đàng sau thị kiến của tiên-tri Zechariah là thời gian sau Thời Lưu Đày, việc tái thiết Đền Thờ, và xây dựng lại quê hương. Giống như tiên-tri Haggai, Zechariah nhận ra sự quan trọng của việc tái thiết Đền Thờ Tại Jerusalem: Con cái Israel không thể sống mà không có Đền Thờ, vì đó là nơi Thiên Chúa hiện diện với họ, như Ngài đã hứa từ thời Xuất Hành. Lời hứa của Thiên Chúa sẽ bảo vệ dân được tiếp tục thi hành, cho đến ngày Đấng Thiên Sai ra đời.

1.1/ Jerusalem sẽ trở nên một thành lớn: Vào năm 587 BC, Jerusalem đã bị quân thù san phẳng: từ tường thành vây quanh tới chính Đền Thờ. Khi con cái Israel được các vua Ba-tư cho về hồi hương để tái thiết Đền Thờ, họ cảm thấy ngao ngán vì công trình đòi hỏi nhiều thời gian và hy sinh; trong khi họ chưa ổn định cuộc sống. Thị kiến của tiên-tri Zechariah hôm nay có mục đích cung cấp cho con cái Israel có hy vọng và nghị lực để xây dựng Đền Thờ: Jerusalem sẽ trở nên một thành lớn.

Zechariah tường thuật: “Tôi lại ngước mắt nhìn và thấy một thị kiến. Đây, có một người, tay cầm dây đo. Tôi hỏi người ấy: “Ông đi đâu?” Người ấy trả lời: “Đi đo Jerusalem xem thành ấy rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu.” Và đây, vị thần sứ từng nói với tôi tiến ra và một thần sứ khác tiến lại đón vị thần sứ ấy. Vị trước bảo vị sau: “Hãy chạy đi nói với người thanh niên kia rằng: Jerusalem phải là một thành rộng mở, sẽ có vô số người và súc vật đến cư ngụ ở đó.””

1.2/ Chính Thiên Chúa sẽ ở giữa và bảo vệ Jerusalem: Tường thành rất quan trọng cho thành thánh Jerusalem và Đền Thờ, vì nó ngăn cản sự xâm nhập của quân thù chung quanh. Còn tường thành là có an ninh; khi tường thành bị sụp đổ, thành và Đền Thờ cũng bị sụp đổ theo. Người Do-thái không chỉ xây dựng lại Đền Thờ, họ còn phải xây dựng cả tường thành chung quanh để bảo đảm an ninh cho Đền Thờ và dân chúng sống trong thành.

Tiên-tri Zechariah liên tưởng đến sự bảo vệ của Thiên Chúa trong biến cố Xuất Hành qua cột mây và cột lửa. Ông nói cho dân ý muốn của Thiên Chúa: “Phần Ta, sấm ngôn của Đức Chúa, Ta sẽ là tường luỹ bằng lửa bao quanh nó, và Ta sẽ là vinh quang ở giữa nó.”

1.3/ Dân tộc trên khắp địa cầu sẽ tuôn về Jerusalem: Cho tới thời gian sau Lưu Đày, Jerusalem vẫn được coi hoàn toàn là của dân tộc Do-thái. Nhiều sấm ngôn của các tiên-tri trước và sau lưu đày nói về sự bành trướng của Jerusalem tới các Dân Ngoại; chứ không còn giới hạn cho người Do-thái nữa. Sấm ngôn của tiên tri Zechariah là một ví dụ điển hình, khi ông nói: “Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi, sấm ngôn của Đức Chúa. Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi.” Jerusalem là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở với con người. Dân Ngoại tuôn đến Jerusalem, vì họ cùng tin tưởng vào Thiên Chúa của dân tộc Do-thái.

2/ Phúc Âm: Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.

Trình thuật ngắn của Luca hôm nay là lần báo Cuộc Thương Khó thứ hai của Chúa Giêsu cho các môn đệ sau khi Ngài Biến Hình trên núi và chữa một cậu bé bị quỉ ám mà các môn đệ không chữa nổi.

2.1/ Chúa Giêsu phải chịu đau khổ: Sau khi đã trục xuất quỉ khỏi cậu bé, Chúa Giêsu tuyên bố với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Chúa cho các môn đệ thấy vinh quang và uy quyền của Ngài là để cho các môn đệ có nghị lực để vượt qua gian khổ trong Cuộc Thương Khó sắp tới. Chúa lo lắng cho các ông, vì Chúa biết nếu không có hy vọng nâng đỡ, các ông sẽ dễ dàng bỏ cuộc khi nhìn thấy Chúa phải trải qua các gian khổ của Cuộc Thương Khó và cái chết của Ngài trên Thập Giá.

2.2/ Con người không dễ chấp nhận con đường đau khổ.

(1) Các môn đệ không hiểu lời Chúa Giêsu nói: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa.” Các môn đệ cũng giống như nhiều người chúng ta không hiểu: Tại sao một Thiên Chúa vinh quang, có uy quyền trên cả quỉ thần và mọi bệnh tật, không chọn con đường mà họ đang mong muốn là dùng uy quyền và sức mạnh; mà lại chọn con đường gian khổ để cứu chuộc con người!

(2) Các môn đệ không dám hỏi lại Người về lời ấy: Các ông không dám hỏi vì các ông sợ phải đương đầu với sự thật mà các ông không muốn chấp nhận. Các ông muốn Chúa Giêsu theo sự khôn ngoan và cách thức cứu độ của các ông; chứ các ông không muốn theo sự khôn ngoan và đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Điều này được dẫn chứng bằng thái độ của Phêrô, khi ông dẫn Chúa Giêsu ra một nơi và khuyên Chúa: “Chớ gì những sự đó đừng xảy ra cho Thầy” (Mt 16:22).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Đức Kitô muốn chúng ta phải bỏ ý riêng mình và đi qua con đường đau khổ thì mới xứng đáng trở thành những môn đệ của Ngài.

– Chúng ta phải kiên nhẫn vượt gian khổ hiện tại, thì mới xứng đáng hưởng được vinh quang mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta sau này.

– Gian khổ chúng ta đang chịu đựng bây giờ không thể sánh được với vinh quang mà Đức Kitô đã mưu cầu cho chúng ta. Vì thế, hãy xin Thiên Chúa cho chúng ta sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ trong cuộc đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************