Ngày thứ bảy (28-11-2020) – Trang suy niệm

27/11/2020

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Bảy Tuần XXXIV Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:  Kh 22, 1-7

“Sẽ không còn đêm tối nữa, Thiên Chúa sẽ soi sáng cho họ”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Thiên thần Chúa chỉ cho tôi là Gioan, thấy sông nước hằng sống, sáng ngời như thuỷ tinh, từ toà Thiên Chúa và Con Chiên chảy ra. Ở giữa công trường thành phố và hai bên sông, có cây sự sống sinh hoa kết quả mười hai mùa, mỗi tháng một mùa, và lá cây thì dùng cứu chữa các dân ngoại lành đã. Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa. Toà Thiên Chúa và Con Chiên sẽ dựng lên trong thành ấy, các tôi tớ Người sẽ phụng thờ Người. Họ sẽ chiêm ngắm tôn nhan Người, và khắc tên Người trên trán họ. Cũng không còn đêm tối nữa: họ không cần đến ánh sáng đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời nữa: vì Chúa là Thiên Chúa sẽ soi sáng cho họ, và họ sẽ thống trị muôn đời.

Thiên thần lại bảo tôi rằng: “Những lời này rất trung trực và chân thật. Chúa là Thiên Chúa thần trí các tiên tri, đã sai thiên thần Người đến chỉ cho các tôi tớ Người biết những sự sắp phải xảy đến. Và đây tôi vội vã tiến đến. Phúc cho kẻ vâng giữ các lời ghi trong sách này”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 1-2. 3-5. 6-7

Đáp: Marana tha! Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! (1 Cr 16, 22b và Kh 21, 20b)

Xướng:

1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Đá Tảng cứu độ của Ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. – Đáp.

2) Vì Chúa là Thiên Chúa cao sang, là Đại Đế siêu việt chư chúa tể. Ở nơi tay Người những vực sâu của địa cầu, là của Người những chỏm núi cao. Bể khơi là của Người: vì chính Người tạo tác, và đất khô do tay Người đúc nắn ra. – Đáp.

3) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lại, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. – Đáp. 

ALLELUIA: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 21, 34-36

“Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.  

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

28/11/2020 – THỨ BẢY TUẦN 34 TN

Lc 21,34-36

LUÔN LUÔN SẴN SÀNG

“Anh em phải đề phòng… Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.” (Lc 21, 34.36)

Suy niệm: Trong ngày cuối của Năm Phụng vụ, người tín hữu được mời gọi sẵn sàng chờ đón ngày Chúa trở lại qua ba thái độ sống sau đây : 1/ Đề phòng, là biết chuẩn bị trước để đối phó, ngăn ngừa những thiệt hại có thể xảy ra. Hãy làm cho lòng mình khỏi những vướng bận của đam mê lạc thú, chè chén say sưa và lo lắng thái quá đời sống vật chất. 2/ Tỉnh thức, là không để mình rơi vào sự tối tăm, lầm lạc, nhưng bước đi trong ánh sáng của niềm hy vọng, như người quản gia làm phận vụ của mình cách trung tín và quảng đại. 3/ Cầu nguyện, là ở lại và kết hợp với Chúa trong từng suy nghĩ, lời nói và việc làm. Ngày trở lại của Con Người, hay ngày tận thế của thế giới, hoặc ngày cuối đời của mỗi người đều bất ngờ, không ai biết trước được.

Mời bạn: Lời cảnh báo của Chúa nhắc nhở ta rằng cuộc sống ta trên trần gian có ý nghĩa sâu sắc, là món quà Thiên Chúa tặng ban. Cuộc sống ấy dễ cuốn hút, làm ta dần xa Chúa. Để sẵn sàng cho Ngày cuối cùng, cho cuộc gặp gỡ đầy hân hoan với Chúa, mỗi Ki-tô hữu cần luôn luôn thực hành ba thái độ: Đề phòng – Tỉnh thức – Cầu nguyện.

Chia sẻ: Nếu giờ này Chúa đến, bạn sẽ làm gì?

Sống Lời Chúa: Sống trọn giây phút hiện tại của bạn với lòng tin, tình mến và trách nhiệm trong bậc sống, bổn phận của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cứ mãi chạy theo thú vui trần thế, những lắng lo không đâu, quên mời Chúa cùng đi với con. Xin cho con luôn sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ với Chúa trong Ngày sau hết của đời mình. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Tháng 9-2009, Tổng Thống Nga Medvedev
gọi nạn nghiện rượu là quốc nạn.
Mỗi năm tính bình quân mỗi người dân uống khoảng 18 lít,
gấp đôi lượng rượu được coi là nguy hiểm cho sức khỏe.
Nửa số người Nga chết giữa khoảng 15-54 tuổi là do hậu quả của rượu.
Trẻ em và phụ nữ cũng nghiện.
Tuổi thọ trung bình của đàn ông chỉ còn là 59.
Vì nhiều người chết nên dân số Nga sụt giảm mỗi năm.
Làm gì để cai nghiện cho hơn hai triệu người Nga,
đó là chuyện nhức đầu cho các nhà lãnh đạo.
Nhưng tại sao người ta lại bị nặng nề bởi rượu Vodka?

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta
về những thứ nặng nề đè trên trái tim người Kitô hữu.
Trong khi chờ đợi Chúa đến vào thời điểm không đoán trước được,
chúng ta có thể bị vướng vào những thú vui buông thả.
Sống bừa bãi, phóng túng, nhậu nhẹt, say sưa,
đó vẫn là cám dỗ muôn thuở của thân xác.
Chỉ cần đi một vòng thành phố hay các vùng quê vào ban đêm,
chúng ta thấy ngay cả một thế giới của ăn uống, hưởng thụ.
Nhưng trái tim con người còn có thể trở nên nặng nề
bởi những lo âu trần thế (x. Lc 8, 14).
Làm sao nhà cửa có thêm tiện nghi? làm sao thêm lương và lên chức?
Những nỗi lo toan về cuộc sống vật chất vắt kiệt con người,
khiến con người không còn khả năng mở ra trước Chúa và tha nhân.
Con người giàu lên, nhưng lại thấy mình bất hạnh và gia đình đổ vỡ.
Mỗi năm ba mươi ngàn người chết vì tự tử ở Nhật.
Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim mạch.
Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất,
nên con người bị còng xuống, không ngước lên được điều trên cao.

Ngày Chúa đến như một bất ngờ, như một cái bẫy sập xuống,
không phải chỉ trên người Do Thái,
nhưng trên mọi dân cư ở khắp mặt địa cầu (c. 35).
Cả thế giới phải chịu phán xét chẳng trừ ai.
Bởi đó thái độ cần có mỗi ngày của người môn đệ
là luôn luôn thức tỉnh và cầu nguyện,
để có sức mà thoát khỏi mọi điều sắp xảy ra (c. 36).
Để chuẩn bị cho cái chung cục, thì phải sống đều đặn cái hàng ngày.
Làm sao để khi Con Người là Đức Giêsu trở lại trên mây trời,
Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế đứng thẳng,
không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê,
nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ đợi.

Có những lo âu vẫn chi phối tôi làm tôi nặng lòng.
Có những mê đắm kéo ghì tôi xuống và bắt tôi làm nô lệ.
Mùa Vọng sắp đến mời tôi tỉnh thức và cầu nguyện, để đứng lên.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

28 THÁNG MƯỜI MỘT

Lạy Chúa Giêsu, Xin Hãy Đến!

Nhận thức được rằng Thiên Chúa là Đấng vĩnh hằng, Ngài toàn năng, Ngài là sự khởi đầu và là cứu cánh của mọi tạo vật, Giáo Hội lại mời gọi chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến.

Đây là Đấng hoàn toàn ở trên mọi tạo vật. Ngài là Thần Khí bất diệt. Tuy nhiên, Ngài đồng thời ôm lấy tất cả những gì đã được dựng nên và tất cả những gì có hơi thở. Trong Ngài, chúng ta sống, cử động và nhận lấy hữu thể của mình” (Cv 17, 28).

Như vậy, Ngài không chỉ ở bên ngoài thế giới tạo vật. Ngài còn ở trong chính thế giới của chúng ta. Tạo vật tràn ngập sự hiện diện của Ngài. Và sự hiện diện ấy luôn luôn công bố cho ta biết rằng Ngài đang đến. Thiên Chúa, trong tư cách là Đấng Sáng Tạo và là Chủ Tể mọi loài, đang đến với thế giới này, thế giới mà Ngài đã gọi vào hiện hữu từ hư vô.

Ngài cũng nâng đỡ mọi sự mà Ngài đã tạo thành. Ngài là chính sự quan phòng thần linh. Nơi Ngài, thế giới có được vận mệnh đích thực của nó. Tất cả những gì đã được hiện hữu nhờ quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa sẽ vẫn tiếp tục hiện hữu qua Ngài.

Mọi tạo vật đều “tường thuật vinh quang Thiên Chúa”, đều làm chứng cho sự hiện diện của Ngài và cho sự đến của Ngài. Sự đến của Thiên Chúa được biểu lộ nơi chính sự hiện hữu của thế giới, nơi nguồn gốc của nó và nơi sự phát triển của nó.

Chúng ta phải luôn sống trong niềm mong đợi Chúa đến, như Đức Kitô nói trong Tin Mừng Luca (21, 25-28.34-36).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 28/11

Kh 22, 1-7; Lc 21, 24-36.

LỜI SUY NIỆM:  “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xãy đến và đứng vững trước mặt Con Người”

          Chúa Giêsu luôn kêu gọi con người sám hối và tỉnh thức, đặc biệt với người Kitô hữu luôn phải sống trong tình trạng mong đợi; bởi vì cùng đích của tất cả chúng ta là được sống trong cõi vĩnh hằng, nơi Thiên Chúa ngự trị; Nơi mà suốt cuộc đời của chúng ta phải phấn đấu để được vào; do đó chúng ta cần phải sẵn sàng luôn trong tư thế sẽ gặp được Chúa. Để nhận được vinh quang và hạnh phúc muôn đời.

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn gọi và ban ơn đức tin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, chúng con hân hoan và xin tạ ơn Chúa.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

28 Tháng Mười Một

Bà Vợ Của Socrate 

Nhà hiền triết Hy Lạp Socrate chẳng may có một người vợ khó tính như chằng tinh. Nhưng ông đã chịu đựng tất cả những dở chứng của bà một cách kỳ diệu. Một ngày nọ, ông đang làm đạo với các môn sinh ngay trước cửa nhà, bà vợ bắt đầu dùng một lời lẽ thô tục để rủa sả ông. Nhưng ông vẫn một mực điềm nhiên như không nghe biết gì. Bà vợ không cầm nổi cơn giận, đã múc một gáo nước tạt vào người ông. Nhà hiền triết cũng không để lộ một phản ứng. Mãi một lúc sau, ông mới bỗng đùa với đám môn sinh: “Sau cơn sấm sét thì lại có mưa giông”.

Thánh Basiliô khuyên dạy như sau: “Ðừng ăn miếng trả miếng”. Kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến phi lý là người bất hạnh nhất, bởi vì người đó sẽ mang theo tất cả phần lỗi Hãy để cho kẻ thù ta là thầy dạy ta. Ðừng bắt chước điều ta ghét bỏ. Ðừng trở nên gương soi cho một kẻ đang giận dữ bằng cách phản chiếu chính khuôn mặt giận dữ của người đó.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Bảy Tuần 34 TN2

Bài đọc: Rev 22:1-7; Lk 21:34-36.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chuẩn bị cho hạnh phúc mai sau

Việc gì chúng ta làm cũng cần phải chuẩn bị: việc càng quan trọng đòi sự chuẩn bị phải lâu dài và kỹ càng hơn. Ví dụ: chuyện kết hôn là chuyện trăm năm, nó đòi con người phải chuẩn bị và suy xét kỹ càng xem có thể chung sống với nhau suốt đời không? Việc chung hưởng hạnh phúc mai sau với Thiên Chúa là việc còn quan trọng hơn cả chuyện trăm năm, vì nó là chuyện đời đời, nên việc chuẩn bị phải kéo dài cả đời và kỹ càng hơn nữa.

Các Bài đọc hôm nay đều hướng lòng chúng ta về cuộc sống đời sau. Bài đọc I cho chúng ta nhìn thấy trước hạnh phúc và vinh quang muôn đời chúng ta sẽ được hưởng. Những điều này phải trở thành động lực thúc đẩy chúng ta chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng vượt qua mọi bắt bớ và gian khổ để làm chứng cho Thiên Chúa. Phúc Âm đề phòng chúng ta đừng để sự lười biếng và các cám dỗ của thế gian làm lòng chúng ta ra nặng nề, khiến chúng ta không còn hăng hái chuẩn bị cho Ngày ra gặp Thiên Chúa. Để có thể giữ lòng hăng hái, chúng ta cần để cho Lời Chúa thấm nhập tâm hồn và dành thời giờ để cầu nguyện với Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những điểm son của cuộc sống đời sau

1.1/ Cuộc sống trường sinh bất tử: Tác giả mô tả Thành Giêrusalem trên trời là nơi ở của cuộc sống thần linh với 2 điểm nổi bật:

(1) Nước trường sinh: “Rồi thiên thần chỉ cho tôi thấy một con sông có Nước Trường Sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên.” Thiên Chúa và Con Chiên thay thế Đền Thờ trở thành nguồn duy nhất (Rev 7:17) của Nước Trường Sinh. Truyền thống Cựu Ước và Tân Ước đã nhiều lần đề cập đến Nước này: (Jn 4:14, Psa 46:4, Jer 2:13, Joe 3:18, Zech 14:8).

(2) Cây Sự Sống: “Ở giữa quảng trường của thành, giữa hai nhánh sông, có cây Sự Sống: sinh trái mười hai lần, mỗi tháng một lần; lá cây dùng làm thuốc chữa lành các dân ngoại.” Cây Sự Sống đã được tác giả đề cập tới trong (Rev 2:7), và cũng được đề cập đến trong Eze 47:12. Cây Sự Sống ở đây phải được dùng ở số ít để chỉ “lọai cây mang sự sống,” và có nguồn gốc từ ban đầu của lịch sử con người (Gen 2:9, 3:22). Lá của Cây Sự Sống có khả năng chữa lành các bệnh tật; con người sẽ không phải đau khổ do bệnh tật gây nên nữa.

1.2/ Thiên Chúa sẽ cai trị và ở với dân mãi mãi: Cuộc sống liên kết mật thiết với Thiên Chúa được tác giả mô tả bằng 2 cách: tiêu cực (tội và hình phạt) và tích cực (sống bên Chúa mãi):

(1) Sẽ không còn đêm tối và những lời nguyền rủa: Sẽ không còn cám dỗ làm dịp cho con người phạm tội; và vì thế, con người sẽ không còn bị luận phạt bởi Thiên Chúa. Nói cách khác, tội lỗi không còn thống trị con người nữa, và con người trở nên thực sự thánh thiện.

(2) Con người sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa trực tiếp, mặt đối mặt. Đây là một đặc ân cao quí, mà ngay cả Môsê cũng không được khi còn sống trên đời này: “Ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên sẽ đặt trong Thành, và các tôi tớ Người sẽ thờ phượng Người. Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ.” Truyền thống Cựu Ước tin: không ai trên đời có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống. Đặc ân “nhìn thấy Thiên Chúa như Ngài là” đã được Sách Thánh Vịnh đề cập tới (Psa 17:15, 42:2).

1.3/ Những thị kiến này được xác tín bởi thiên thần là những lời chân thật: Thiên thần nói với tôi: “Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật; và Đức Chúa là Thiên Chúa ban Thánh Thần linh hứng cho các ngôn sứ, đã sai thiên thần của Người đến tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến.” Bằng việc bảo đảm Sách được sự linh hứng của Thánh Thần, Gioan tự nhận mình theo truyền thống của các tiên tri: ông nói những gì Thiên Chúa muốn ông nói. Sau cùng, tiếng nói vọng xuống từ Trời: “Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến! Phúc thay kẻ tuân giữ các sấm ngôn trong sách này!” Tiếng nói này là của Đức Kitô, Con Chiên của Thiên Chúa. Ngài cho biết Ngày Phán Xét đã gần kề (Rev 2:16, 3:11, 22:12, 20).

2/ Phúc Âm: Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.

2.1/ Những cám dỗ của thế gian: Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ 2 điều có thể làm các ông xao lãng việc chuẩn bị cho Ngày Phán Xét:

(1) Vì chè chén say sưa: Ăn quá độ làm thân xác con người ra nặng nề và chỉ muốn ngủ. Một thân xác ù lỳ như thế sẽ không có nghị lực làm bất cứ việc gì. Uống quá độ làm con người say xỉn và con người không còn trí khôn sáng suốt để làm theo những điều hay lẽ phải. Con người phải ăn uống điều độ mới có thể giữ cho tinh thần minh mẫn nhận ra và làm những gì Chúa dạy.

(2) Vì lo lắng sự đời: Con người không thể làm tôi hai chủ: cả Thiên Chúa lẫn tiền bạc. Dĩ nhiên con người phải biết lo lắng làm việc bao lâu còn sống trong thế gian để có phương tiện sinh sống, nhưng không được dành hết thời giờ để lo lắng sự đời. Chúa Giêsu đã từng khuyên dân chúng: “Đừng làm việc để kiếm cho mình những lương thực sẽ hư nát, nhưng cho lương thực sẽ đem lại cuộc sống đời đời” (Jn 6:27).

Nếu không biết chuẩn bị sẵn sàng, “Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, và Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.” Lúc ấy, có muốn vùng vẫy thóat ra cũng muộn rồi.

2.2/ Sự quan trọng của việc cầu nguyện: Chúa Giêsu ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Ngài đã nhiều lần cầu nguyện với Chúa Cha, và đã từng dạy các môn đệ cầu nguyện. Một lần nữa, Ngài khuyên các ông điều phải làm trong khi chuẩn bị cho Ngày Tận Thế: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn: hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Cầu nguyện còn làm tăng trưởng mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Khi mối liên hệ càng mật thiết bao nhiêu, con người càng hăng hái nhiệt thành cho Ngày Chúa đến.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần học hỏi để biết về cuộc sống tương lai đời đời với Thiên Chúa, vì “vô tri bất mộ.” Những hấp dẫn của cuộc sống bất tử sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta chuẩn bị ngay từ đời này.

– Nếu không, những lười biếng và cám dỗ của cuộc sống thế gian sẽ làm lòng trí chúng ta ra nặng nề, không còn tấm lòng nhiệt thành đi đón Chúa, và chúng ta sẽ hối hận khi Ngày ấy tới.

– Để giữ lòng nhiệt thành và hăng hái chuẩn bị, chúng ta cần để cho Lời Chúa thấm nhập và làm chủ cuộc đời. Một nếp sống cầu nguyện mật thiết với Thiên Chúa không thể thiếu vì nó sẽ giúp chúng ta khao khát được gặp người chúng ta yêu thương và quí mến.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************