Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Bảy Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Pl 1, 18b-26
“Đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.
Anh em thân mến, miễn là Đức Kitô vẫn được rao giảng, đó là điều làm tôi vui mừng, và tôi sẽ còn vui mừng mãi. Vì chưng tôi biết rằng nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ ơn Thánh Thần của Đức Giêsu Kitô giúp sức, điều đó sẽ đưa tôi đến ơn cứu độ, theo sự tôi chờ đợi và hy vọng, tôi sẽ không hổ thẹn chút nào, trái lại tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng như mọi khi, và giờ đây, dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi.
Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Đức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em.
Một khi tin tưởng điều đó, tôi biết rằng tôi sẽ còn ở lại và sẽ lưu lại với tất cả anh em, để anh em được tấn tới và được hân hoan trong niềm tin, ngõ hầu anh em vì tôi mà được tràn đầy hiên ngang trong Đức Kitô, bởi tôi trở lại với anh em một lần nữa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 41, 2. 3. 5bcd
Đáp: Hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống (c. 3a).
Xướng:
1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, ôi Chúa trời con! – Đáp.
2) Hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào tôi được tìm về ra mắt Chúa Trời? – Đáp.
3) Tôi nhớ lúc xưa đi giữa muôn người, tôi đứng đầu đưa dân tiến vào nhà Đức Chúa Trời, giữa muôn tiếng reo mừng, ca ngợi.- Đáp.
ALLELUIA: Tv 147, 12a và 15a
Alleluia, alleluia! – Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Đấng đã sai Lời Người xuống cõi trần ai. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 14, 1. 7-11
“Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’, bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’, bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc.
“Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
29/10/2022 – THỨ BẢY TUẦN 30 TN
Lc 14,1.7-11
BÀI HỌC KHIÊM TỐN
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” (Lc 14,11)
Suy niệm: Một cơn bão quét qua, những cây càng to mà rễ càng trồi lên không ăn sâu dưới đất, thì càng dễ bị tróc gốc; những ngôi nhà càng cao tầng thì móng phải đào cho sâu thì mới vững chãi, tránh được sự cố sụt lún mà có khi dẫn đến bị sụp đổ bình địa. Quy luật về trọng lực cho biết trọng tâm của một công trình càng ở vị trí thấp, công trình đó càng vững chắc và có khả năng vươn cao. Bằng một dụ ngôn, Chúa Giê-su dạy chúng ta người biết hạ mình thì phẩm giá của họ lại được tôn trọng. Hạ mình không có nghĩa là làm những việc đồi bại xúc phạm đến nhân phẩm của mình, nhưng là quên mình phục vụ tha nhân trong yêu thương. Hạ mình như Ngôi Hai: từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, mặc lấy xác phàm, khiêm tốn phục vụ, chịu chết trên thập giá để cứu chuộc muôn người.
Mời Bạn: Chúa đã nêu gương hạ mình cho chúng ta, còn chúng ta lại muốn ngoi lên “đè đầu cưỡi cổ” người khác. Đành rằng mọi cộng đoàn nhân loại đều cần có quyền bính nhưng là để phục vụ chứ không phải để thống trị nhau. Nếu bạn muốn phẩm giá mình được tôn trọng, nhất là được tôn trọng trước mặt Chúa, thì càng ở địa vị cao, bạn càng cần hạ “trọng tâm” của mình xuống.
Chia sẻ: kinh nghiệm về một lần bạn nâng mình lên chẳng may bị hạ xuống.
Sống Lời Chúa: Làm một cách chu đáo một việc thật nhỏ phục vụ người khác mà lâu nay bạn không làm vì cho rằng nó quá tầm thường.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, xin cho con biết học gương khiêm nhường của Chúa, để con biết khiêm tốn phục vụ anh chị em con.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Khi thấy các khách dự tiệc có khuynh hướng chọn ngồi chỗ nhất,
Đức Giêsu đưa ra một lời khuyên đối với họ (cc. 8-10).
Mới nghe những lời khuyên này,
ta có cảm tưởng đây chỉ là những lời dạy cách ứng xử khôn khéo.
Nên chọn ngồi chỗ cuối,
vì nếu chủ tiệc sắp xếp lại chỗ ngồi theo thứ bậc,
bạn có cơ hội được mời lên chỗ trên.
Thà ngồi dưới rồi được đưa lên, còn hơn ngồi trên mà bị kéo xuống.
Như thế ngồi chỗ cuối rốt cuộc chỉ là một giả vờ,
để che dấu tham vọng muốn được ngồi lên trên.
Ngồi chỗ cuối chỉ là để tránh một xấu hổ, sỉ nhục,
và nhắm đến một vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn (cc. 9-10).
Đức Giêsu có ý khuyên dạy người ta như thế không?
Chắc là không.
Qua dụ ngôn đơn sơ và có thể gây hiểu lầm trên đây (c. 7),
Đức Giêsu muốn nói với khách dự tiệc một điều quan trọng hơn nhiều.
Bài ca Magnificat đã nói đến một sự đảo ngược lớn lao sẽ xảy ra:
Chúa dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi kẻ giàu sang,
nhưng nâng cao kẻ khiêm nhường, ban dư đầy cho người đói (1, 51-53).
Các Mối Phúc cho và Khốn cho cũng nói lên sự đảo ngược này.
Phúc cho người nghèo, người đói, người khóc than.
Khốn cho người giàu, người no, người được ca tụng (6, 20-26).
Dụ ngôn Ladarô và ông nhà giàu là một minh họa về điều đó (16, 19-31).
Trong câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu cũng nói lên sự đảo ngược ấy khi Nước Thiên Chúa đến.
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.
Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 11).
Bị hạ xuống trong bữa tiệc, thật là điều hổ nhục.
Nhưng bị Thiên Chúa hạ xuống trong ngày sau hết thì kinh khủng hơn nhiều.
Nỗi hổ nhục sẽ muôn đời còn mãi.
Để thực hành lời khuyên của Đức Giêsu cho đúng đắn,
thánh Basiliô cho ta một soi sáng như sau:
“Chúng ta phải để cho chủ tiệc lo chuyện xếp chỗ các khách mời.
Như thế chúng ta mới nâng đỡ lẫn nhau trong nhẫn nhục và bác ái,
đối xử với nhau trong sự kính trọng,
xa tránh mọi tìm kiếm hư danh và khoe khoang.
Chúng ta không giả vờ khiêm tốn.
Bởi lẽ thích tranh chấp và cãi vã là dấu hiệu kiêu ngạo
còn lớn hơn chuyện ngồi ghế đầu khi phải ngồi chỉ vì vâng phục.”
Kitô hữu vẫn phải đối diện với cám dỗ của tham vọng và quyền uy.
Ngấm ngầm hay lộ liễu, những tranh giành ảnh hưởng vẫn xảy ra.
Trong lòng, ai cũng nghĩ mình xứng đáng hơn người khác.
Thèm muốn vinh dự, chức tước, đã gây bao chia rẽ trong Giáo Hội.
Chỉ mong tôi thực sự hạ mình trước anh em tôi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG MƯỜI
Để Thế Gian Tin Rằng Cha Đã Sai Con …
Sự hiệp nhất giữa các môn đệ Đức Kitô là một điều kiện để thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Hơn thế nữa, nó còn là một điều kiện để thực thi sứ mạng của chính Đức Kitô trong thế giới này. Nó là một điều kiện để rao giảng và củng cố cách hiệu quả đức tin của chúng ta vào Đức Kitô. Chúa Giêsu cầu nguyện: “Con cũng cầu xin … cho những người sẽ tin vào con …để họ nên một trong chúng ta, và để thế gian tin rằng Cha đã sai con… Xin cho họ hoàn toàn nên một, để thế gian biết rằng Cha đã sai con, và để họ nhận biết Cha yêu thương họ như Cha đã yêu con” (Ga 17, 20 – 23).
Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu là điều thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì sự thành bại của việc rao giảng Tin Mừng tùy thuộc vào chứng tá sống của cộng đoàn Kitôhữu, chứ không chỉ là chuyện thuyết giảng Lời Chúa. Làm sao những người ngoài Kitô giáo có thể có thể bắt đầu tin vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, nếu họ không nhìn thấy các Kitô hữu yêu thương nhau? Tình yêu không thể được biểu lộ ra cũng không thể xuyên thấu vào trái tim con người ngoại trừ qua chứng tá hiệp nhất.
Vì thế trước hết chúng ta phải tha thiết khát vọng hiệp nhất. Chúng ta phải cầu xin ơn hiệp nhất. Ân huệ này, Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội, cũng đặt ra cho Giáo Hội một trách nhiệm đặc biệt trong đại gia đình nhân loại. Nói cách khác, Giáo Hội có trách nhiệm thúc đẩy việc đối thoại và thông cảm nhau giữa tất cả mọi người, để vãn hồi sự hiệp nhất và hòa bình cho thế giới vốn đang bị phân rẽ của chúng ta.
Ngày nay thế giới đầy dẫy những xung đột và căng thẳng. Các quốc gia bị phân rẽ giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, giữa bạn và thù. Và ngay bên trong các đường biên giới của mỗi quốc gia, người ta có thể nhìn thấy sự đối đầu nhau giữa các nhóm và các đảng phái: Những giành giựt xâu xé phát sinh từ các thành kiến và các ý thức hệ, từ những định chế cứng ngắt của các quốc gia, từ những rào cản về chủng tộc, và từ vô số yếu tố khác – chẳng có yếu tố nào trong đó xứng đáng với phẩm giá con người.
Chính trong thế giới phân rẽ này mà Giáo Hội hôm nay được mời gọi cổ võ cho sự hòa điệu và hòa bình.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 29/10
Pl 1, 18-26; Lc 14, 1, 7-11.
Lời Suy Niệm: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Khi Chúa Giêsu thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, Người đã đưa ra lời giáo huấn về đức khiêm nhường. Trong đức kiêm nhường trước tiên mỗi người phải biết so sánh chính mình với những người hoàn hảo; để nhận ra con người thực tế của mình với những người chung quanh nơi chốn mình hiện diện. Khiêm nhường còn là biết khả năng và trách nhiệm của mình trước một công việc cần được làm tốt, chứ khiêm nhường không thể từ chối tất cả chỉ biết thu mình lại để rồi công việc chung bị hư hỏng, không mang lại lợi ích chung.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con được ơn khiêm nhường như lời Chúa dạy, để chúng con được Chúa và người đời yêu mến.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
29 Tháng Mười
Các Ông Là Quái Vật
Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ triết thuyết và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con người. Sau cùng họ sẽ điều tra về những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu Kitô. Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và những người Kitô.
– Ông Giêsu Kitô là ai?
Một người Kitô sẽ trả lời:
– Ông là một người Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri để cứu thoát trần thế.
– Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta?
– Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự.
Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm:
– Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả như ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ khác. Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ được thực hiện. Thực là đáng tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một tai nạn đáng tiếc.
Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối:
– Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi.
Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác sẽ phát biểu:
– Vậy thì các ông là những quái vật.
Có lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái vật.
Chúng ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự sống với chúng ta trên mặt đất này. Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc giòng giống của nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người của chúng ta thì sao?
Nhưng thập giá của Ðức Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình.
Người Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ.
Ước gì dấu thánh giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình với tất cả những người xung quanh.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy – Tuần 30 – TN2 – Năm Chẵn
Bài đọc: Phil 1:18-26; Lk 14:7-11
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hai lối sống: theo Chúa Kitô hay theo thế gian
Sống giữa cuộc đời, người tín hữu luôn bị giằng co giữa 2 lối sống: một bên là lối sống của người môn đệ Chúa Kitô và một bên là lối sống theo thế gian. Lối sống của người môn đệ Chúa Kitô đòi hỏi phải khiêm nhường, yêu thương, và hy sinh cho người khác; trong khi lối sống theo thế gian chú trọng đến danh dự, uy quyền, và bảo vệ các lợi lộc vật chất cho cá nhân. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô chú trọng đến lối sống của của người môn đệ Chúa Kitô bằng việc để Đức Kitô làm trung tâm điểm cho mọi họat động của con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đi ngược lại với lối sống thế gian khi Ngài đề cao nhân đức khiêm nhường và báo trước những thiệt hại do kiêu ngạo đem tới.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy để Đức Kitô làm trung tâm điểm cho mọi họat động của con người.
1.1/ Chúa Kitô phải là nguyên nhân và cùng đích cho mọi họat động của con người: Thánh Phaolô đã “mặc lấy” và “thấm nhuần” Đức Kitô đến độ ngài có thể thốt lên trong khi bị tù đày tại Rôma: “Sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết.”
Nguyên nhân của cuộc sống là vì Đức Kitô; đích điểm của cuộc sống là về với Đức Kitô. Trong Thư Rôma, ngài xác quyết: “Nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết là chết cho Chúa; như vậy dù sống hay chết chúng ta đều thuộc về Chúa” (Rom 14:8). Điều này cũng cùng một tư tưởng như ngài nói hôm nay: “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi.”
1.2/ Vì Chúa Kitô, chúng tôi rao giảng Tin Mừng cho tha nhân:
– Có những người dùng việc rao giảng Tin Mừng cho những mục đích như: danh vọng, uy quyền, và các lợi lộc vật chất. Đối với Thánh Phaolô, người môn đệ đích thực rao giảng Tin Mừng không vì bất kỳ lý do nào khác, mà chỉ vì Đức Kitô mà thôi.
– Có những người lấy làm vui sướng khi Thánh Phaolô bị tù đày vì họ có thể tự do thao túng trong cộng đòan, nhưng Thánh Phaolô vẫn tích cực nhìn thấy lợi ích từ những công việc của họ: “Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Kitô được rao giảng là tôi mừng. Và tôi sẽ còn mừng nữa, bởi vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi đạt được ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ Thánh Thần của Đức Giêsu Kitô phù trợ.”
1.3/ Niềm vui có được khi tha nhân biết Đức Kitô: Lòng yêu mến Đức Kitô không thể tách rời lòng yêu mến tha nhân; và niềm vui có được khi tha nhân nhận biết Đức Kitô là phần thưởng hạng nhất cho những người rao giảng Tin Mừng. Lòng yêu thương tha nhân làm Thánh Phaolô giằng co giữa 2 chọn lựa: một đàng là ao ước ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần; một đàng nán lại đời này thì cần thiết hơn cho tha nhân. Sau cùng, Thánh Phaolô chọn để ở lại vì lợi ích cho tha nhân: “Tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em. Như thế, trong Đức Kitô Giêsu, anh em càng có lý do để hãnh diện về tôi, khi tôi lại đến gặp anh em.”
2/ Phúc Âm: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.
2.1/ Con người yêu thích chỗ cao, danh vọng, chức tước: Chúa Giêsu chọn một ví dụ rất phổ thông để dạy con người bài học khiêm nhường là dành nhau chỗ ngồi trong tiệc cưới. Khác với thời đại chúng ta hôm nay: chủ tiệc đã phân chia chỗ ngồi trước, và có người sẵn để đón và hướng dẫn khách vào bàn tiệc; thời của Chúa mạnh ai nấy ngồi tùy theo sự phán đóan của khách được mời.
Vì chỉ có chủ tiệc là người duy nhất biết cách sắp xếp chỗ ngồi trong tiệc cưới, các khách được mời không biết tất cả những khách được mời là ai và địa vị quan trọng thế nào; nên Chúa Giêsu đề nghị một cách hành xử khôn ngoan: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.”
2.2/ Thiên Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường: Theo lời Kinh Magnificat: “Thiên Chúa triệt hạ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ.” Chúa Giêsu cũng tuyên bố nhiều lần: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Làm sao con người có thể học khiêm nhường? Cách hiệu quả nhất là học để biết sự thật về Thiên Chúa, về mình, và về tha nhân:
(1) Biết Thiên Chúa: Tất cả là của Chúa, chẳng có gì là của con người. Nếu là của Chúa ban, làm sao con người có thể kiêu ngạo trước mặt Ngài? Hơn nữa, mạng sống con người nằm trong tay Chúa; khi tới giờ Chúa cất đi, con người có thể cưỡng lại được chăng?
(2) Biết mình: Những kiến thức mình biết hay những gì mình có thật nhỏ nhoi so với kiến thức và tài sản của nhân lọai. Những gì mình nghĩ đã làm được chẳng thấm vào đâu so với bao nhiêu công trình quan trọng của người khác.
(3) Biết tha nhân: Rất nhiều những bậc vĩ nhân và thánh nhân tài giỏi, thánh thiện đã sống một cuộc đời khiêm nhường. Đức Mẹ Maria tuy là Mẹ Thiên Chúa đã nhận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn; chỉ vì Thiên Chúa đã đóai thương nhìn tới, nên mọi đời đã khen Mẹ diễm phúc. Thánh Thomas Aquinas, tác giả của tác phẩm nổi tiếng, Summa Theologiae, đã từ chối không viết nữa. Lý do như ngài thú nhận: tất cả những gì tôi đã viết ra chỉ là rơm rác so với sự thật nơi Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta không chỉ học để biết về Đức Kitô, nhưng giống như Thánh Phaolô, chúng ta phải mặc lấy và để Chúa Kitô làm trung tâm điểm cho mọi họat động trong cuộc đời.
– Cách hành xử khôn ngoan trong cuộc sống là cứ khiêm nhường chọn chỗ hèn hạ nhất. Một khi đã ngồi chỗ rốt hết, chúng ta sẽ không sợ bị mất mặt hay tranh giành của bất cứ ai; và như thế là có sự bình an trong tâm hồn.
– Để học khiêm nhường đích thực, chúng ta cần học biết sự thật về Thiên Chúa, về mình, và về tha nhân. Một khi đã biết ssự thật, chúng ta sẽ biết chỗ đứng của chúng ta trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************