Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Bảy Tuần III Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Dt 11, 1-2. 8-19
“Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng Sáng Lập”.
Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt. Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac, và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập. Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Đấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.
Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì. Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: “Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi”. Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75
Đáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68a).
Xướng: 1) Chúa đã gầy dựng cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Đavít là tôi tớ Chúa. Như Ngài đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa. – Đáp.
2) Để giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Để tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Ngài. – Đáp.
3) Lời minh ước mà Ngài tuyên thệ, với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Ngài cho chúng tôi được khỏi sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Ngài trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Ngài, trọn đời sống chúng tôi. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! – Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 4, 35-40 (Hl 35-41)
“Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
30/01/2021 – THỨ BẢY TUẦN 3 TN
Mc 4,35-41
NGÀI LÀ ĐẤNG QUYỀN NĂNG
“Vậy Người là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4,41)
Suy niệm: “Tôi là người Do Thái, nhưng bị khuôn mặt ngời sáng của Người Na-da-rét mê hoặc. Không ai đọc sách Tin Mừng mà không cảm nhận được sự hiện diện đích thực của Ngài. Tính cách của Ngài rung cảm trong từng lời từng chữ. Không huyền thoại nào đầy sức sống như vậy. Theseus cũng như các anh hùng khác thiếu sức sống thật sự của Đức Giê-su” (Thiên tài khoa học A. Einstein). Tựa bao vĩ nhân trên thế giới, các môn đệ Đức Giê-su cũng đã bày tỏ lòng khâm phục Ngài. Không khâm phục sao được khi chứng kiến chỉ cần nói một lời, Ngài làm cho cả sóng gió phải yên lặng! Người bình thường đâu có quyền thế như vậy! Chỉ có Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa là con người mới có thể làm được những việc kỳ diệu để cứu giúp con người.
Mời Bạn: “Đức Giê-su là nhà xã hội chủ nghĩa đầu tiên, người đầu tiên tìm một cuộc sống tốt hơn cho nhân loại” (Nguyên Tổng bí thư Liên Xô M. Gorbachev). Không chỉ vậy, Ngài đem sự sống đời đời của Thiên Chúa đến cho con người. Vấn đề là bạn có đón nhận Ngài để có sự sống vĩnh cửu ấy không? Mời bạn để tâm suy nghĩ và nỗ lực thực hiện bí quyết “luyện” sự sống vĩnh cửu của Ngài qua điều răn mến Chúa yêu người bạn nhé!
Sống Lời Chúa: Tôi xác quyết niềm tin vào Chúa Giê-su qua việc dành cho Ngài thời gian cầu nguyện với Ngài mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa bày tỏ quyền năng trên mọi sự, đem lại an vui hạnh phúc cho con người. Xin cho con nhận ra Chúa đang bày tỏ quyền năng yêu thương ấy mọi ngày trong đời thường của con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Chẳng hiểu tại sao lúc chiều xuống,
Đức Giêsu lại bảo các môn đệ đưa mình qua bờ phía đông của Biển hồ,
trên con thuyền mà Ngài ngồi giảng các dụ ngôn (Mc 4,1).
Do địa thế đặc biệt, hồ Galilê hay có những trận cuồng phong ập đến bất chợt,
tạo ra những cơn bão lớn trên sóng nước.
Tối hôm ấy, thầy trò đã gặp một cơn bão như vậy.
Thầy Giêsu phó thác mọi sự cho các môn đệ vốn là ngư phủ lành nghề.
Thầy mệt nên ngủ say ở đuôi thuyền, ngủ trên một cái gối.
Trong khi đó các môn đệ phải vật lộn với sóng gió, nước tràn đầy thuyền.
Họ có vẻ mất bình tĩnh khi thấy cơn giông bão không đánh thức Thầy được.
Chính họ đánh thức Thầy bằng một lời trách móc :
“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?” (c.38).
Thầy Giêsu đã thức dậy, và đã làm cho biển lặng, gió yên.
Đời con người ai tránh được sóng gió bất chợt.
Nếu biết trước sẽ gặp sóng gió, ai dám vượt biến ban đêm.
Sóng gió xảy ra trong đời riêng của mỗi người, trong gia đình,
trong đất nước, trong Giáo Hội, trên thế giới.
Sóng gió làm ta thấy mình con thuyền đời mình chòng chành, mong manh,
và khiến ta sợ hãi, hoảng loạn.
Giữa cơn sóng gió có khi người tín hữu lại thấy Chúa lạnh lùng, vô cảm.
Như các môn đệ, chúng ta không hiểu tại sao Chúa có thể ngủ được
khi đời ta bị đe dọa bởi cuồng phong,
tại sao Chúa vắng mặt, thinh lặng và khoanh tay
vào lúc chúng ta cần đến Ngài hơn cả.
“Tại sao anh em sợ ? Anh em không có lòng tin sao?” (c.40).
Anh em không tin là Thầy đang ở trong cùng một con thuyền với anh em sao?
Lẽ ra chúng ta phải cảm thấy yên tâm
khi nhìn Chúa ngủ giấc ngủ tín thác của trẻ thơ ngay giữa cơn giông bão.
Nhìn Chúa ngủ bình an, chúng ta hiểu rằng chẳng có gì đáng sợ.
Vâng lời Chúa để qua bờ bên kia, và có Chúa trong con thuyền đời mình,
điều đó không làm chúng ta tránh được giông bão,
có khi lại gặp bão tố nhiều hơn.
Nhưng điều chắc chắn là chúng ta sẽ qua được bờ bên kia
với lòng tin được tôi luyện của người tín hữu dày dạn.
Chúng ta dám tin Chúa có quyền trên sóng gió của đời ta không?
Cầu nguyện:
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng, mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.
Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 30/1
Dt 11, 1-2.8-19; Mc 4, 35-41.
LỜI SUY NIỆM: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
Mác-cô đang dẫn đưa chúng ta đi vào cuộc đời ngày hôm nay, như xưa các Tông đồ của Chúa Giêsu đang đi với Người trong cùng một chiếc thuyền. Trên hành trình đó có những lúc chúng ta cứ tưởng Chúa không quan tâm, Người ngủ. Nhưng thật ra Người đang thấy, đang nghe, Người đang xem chúng ta có đức tin là đang được Người đồng hành hay không. Đức Tin cần được thử thách. Sau thử thách Chúa không để chúng ta trong sự sợ hãi và cô đơn, Người sẽ tỏ uy quyền, dẹp tan mọi cuồng phong để đem lại bình an cho tâm hồn những ai kêu cầu đến Người.
Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống của chúng con, luôn có những trận cuồng phong đôi khi làm cho đức tin của chúng con bị chao đảo. Xin Chúa thương ban cho mỗi người trong gia đình chúng con, những lúc như thế biết kêu cầu đến Chúa và tin chắc rằng, Chúa hằng hiện diện trong đời sống của chúng con và ân sủng của Chúa đủ mạnh, giúp cho chúng con vượt thắng mọi sự, hầu đến được bến bình an.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
30 Tháng Giêng
Tình Yêu Là Sức Mạnh Vạn Năng
Ngày 30 Tháng Giêng cách đây đúng 40 năm, Mahatma Gandhi, người cha già của dân tộc Aán Ðộ đã vĩnh viễn ngã gục sau mấy nhát gươm của một thanh niên Aán Giáo quá khích.
Hôm đó, như thường lệ, Gandhi được hai người cháu dìu đi cầu nguyện. Cả một đám đông đang đi theo đằng sau Ngài. Bỗng nhiên, một thanh niên từ trong đám đông sấn tới đâm bổ vào Người của vị cha già dân tộc. Ba nhát gươm đâm xới xả vào một thân thể khô gầy vì không biết bao nhiêu hy sinh cho đất nước.
Thinh lặng bao chùm lấy đám đông. Người ta chỉ còn nghe được hai tiếng từ miệng của vị thánh “Rama, Rama” nghĩa là “Chúa ơi, Chúa ơi”. Với một cố gắng cuối cùng, Ngài giơ hai tay lên, đan lại trong một cử chỉ cầu nguyện và tha thứ, rồi ngã gục.
Người thanh niên Aán Giáo quá khích đã sát hại Gandhi vì anh không thể chấp nhận ssược sự kiện Gandhi bày tỏ lòng quảng đại yêu thương ngay cả với những người Hồi Giáo.
400 triệu người Aán Ðộ đã than khóc và để tang cho vị cha già của dân tộc. Không khí buồn thảm cũng bao trùm khắp thế giới. Mọi người đều cảm nhận rằng ngày hôm đó trái đất trở nên cằn cỗi, nghèo nàn hơn, bởi vì đã mất đi một người con vĩ đại, một người con đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc mà không cần dùng đến khí giới của bạo động và hận thù. Chính Ngài đã từng nói: Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có.
Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay.
Chiến tranh và không biết bao nhiêu vấn đề mà thế giới ngày nay đang phải giải quyết, dường như thế giới chỉ muốn giải quyết bằng bạo động, bằng vũ khí giết người. Sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay là tình yêu, chỉ có một số ít người đang dùng đến.
Mục sư Luther King, người da đen, đang sử dụng khí giới của tình yêu. Oâng đã ngã gục, nhưng hàng triệu người da đen được đứng lên làm người như người da trắng. Giám mục Desmond Tutu, người Nam Phi da đen cũng đang đi theo vết chân của Gandhi và Luther King. Mẹ Têrêxa thành Calcutta cũng đang dùng khí giới của tình thương để cho những người không nhà không cửa, những người hấp hối đầu đường xó chợ được sống và chết như những con người.
Tất cả những mẫu gương trên đây chỉ là những phản ánh của một tình yêu trọn vẹn hơn, đó là tình yêu của Ðấng đã chịu chết cho người mình yêu. Chính Ngài đã nói: Khi nào Ta chịu treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo tất cả mọi người về với Ta.
Người Kitô chúng ta đang ở trong sức kéo ấy. Ngài đã cho chúng ta được sát nhập vào thân thể của Ngài và truyền cho chúng ta chính sức sống của Ngài. Người Kitô chỉ có thể là người Kitô khi họ sống bằng chính Sức Sống và Tình Yêu của Ngài.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy, Tuần III TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb 11:1-2, 8-19; Mk 4:35-41.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúng ta phải tin những gì Thiên Chúa nói.
Tại sao chúng ta tin một điều là thật? Thông thường có 3 lý do: (1) vì đã thấy; (2) vì cảm thấy hậu quả dù không thấy; và (3), vì thế giá của người khác nói.
Các Bài Đọc hôm nay đều nhằm mục đích thuyết phục con người tin vào những gì Thiên Chúa nói. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do Thái đưa ra một lý do đơn giản tại sao các tiền nhân tin: vì đó là lời của Thiên Chúa hứa. Ngài không bao giờ quên thực hiện những gì Ngài đã hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trách các Tông-đồ yếu lòng tin khi các ông đã có chính Ngài, Người có quyền trên sóng gió, cùng đồng hành.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Con người phải sống niềm tin của mình.
1.1/ Định nghĩa của đức tin: Theo tác giả: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” Định nghĩa này nhìn từ góc cạnh của những người đã có đức tin. Thực vậy, để đạt được điều con người hy vọng là cuộc sống đời đời, con người phải tin nơi Đức Kitô (Jn 6:39-40) và những gì Ngài mặc khải về Thiên Chúa. Tuy con người chưa thấy Thiên Chúa và chưa đạt tới cuộc sống đời đời, nhưng niềm tin của con người nơi Đức Kitô là một bằng chứng cho những thực tại này. Ví dụ, khi nhìn thấy đức tin của các nhân chứng tử đạo, con người biết lý do của những cái chết anh hùng này.
1.2/ Gương đức tin của các tiền nhân: Họ là những người tuyệt đối tin tưởng vào lời Thiên Chúa hứa dù chưa nhìn thấy hiệu quả, hay điều Thiên Chúa hứa không thể xảy ra theo cách thức của lòai người. Tác-giả dẫn chứng 2 ví dụ:
(1) Tổ-phụ Abraham, cha của những người tin: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu.” Để có thể rời bỏ quê cha đất tổ đến sống nơi đất lạ quê người, con người phải được thúc đẩy bởi một lý do chính đáng; vì cuộc sống bấp bênh và nạn kỳ thị chủng tộc mà họ sẽ phải đương đầu với. Lý do Abraham rời bỏ Urs đơn giản là vì lời Thiên Chúa hứa, và ông đặt trọn niềm tin nơi Ngài.
Thiên Chúa không gọi Abraham từ Urs tới một nơi định cư cố định, nhưng lang thang khắp nơi cho tới khi Thiên Chúa cho ông một chỗ định cư vĩnh viễn không thuộc về thế giới này: “Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông Isaac và ông Jacob là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng.”
(2) Sarah, vợ của Abraham: cũng chứng tỏ đức tin của Bà nơi Thiên Chúa. Cả hai ông bà đều đã cao niên (90 tuổi) mà vẫn chưa có con nối dõi tông đường. Cái tuổi này không thể có con theo cách thức con người, nhưng Bà vẫn tin nơi Thiên Chúa, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Ngài có thể làm cho “một người kể như chết rồi mà một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được, được sinh ra.”
1.3/ Đức tin được tinh luyện trong thử thách đau thương:
(1) Vững tin dù đến chết vẫn chưa thấy kết quả: Lời Thiên Chúa hứa sẽ ban đất làm gia sản và giòng dõi vô số đã chưa được thực hiện khi Abraham còn sống ở đời này; nhưng ông vẫn một dạ vững tin nơi Thiên Chúa. Lý do, ông coi mình “là khách ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất, và mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài.”
(2) Vững mạnh trong thử thách: Ngay cả khi đã được một người con nối dõi tông đường là Isaac, ông Abraham vẫn sẵn sàng sát tế Isaac theo những gì Thiên Chúa dạy bảo, để chứng tỏ niềm tin của ông nơi Ngài. Sở dĩ ông làm như thế vì ông tin Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Sau cùng, Thiên Chúa đã nhìn thấy niềm tin tưởng tuyệt đối của ông, và Ngài đã ban cho ông người con ấy như là một biểu tượng của những gì sẽ xảy ra nơi Đức Kitô.
2/ Phúc Âm: “Sao nhát thế? Tại sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
Trình thuật của Marcô kể: “Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.” Đứng trước sóng gió, chúng ta thấy có hai thái độ khác nhau:
2.1/ Thái độ của các Tông-đồ: Phản ứng của con người là sợ chết; vì thế các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúng ta không biết Chúa Giêsu đã làm bao nhiêu phép lạ trước mặt các ông, nhưng một điều chắc chắn là chưa đủ để các ông đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Ngài. Sau này, trong chương 6, sau khi đã làm phép lạ nuôi 5000 người, Chúa Giêsu lại đi trên mặt nước đến với các ông khi bị sóng gió, các ông vẫn sợ và tưởng Người là ma. Khi Chúa Giêsu đã truyền cho gió biển phải im lặng, các ông vẫn hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
2.2/ Thái độ của Chúa Giêsu: hòan tòan đối nghịch hẳn với thái độ của các môn đệ. Trong khi các môn đệ đang vất vả chống chọi với sóng gió, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ không hiểu nổi làm sao một người có thể ngủ khi sóng biển gào thét như thế! Khi các ông nói lớn đánh thức, Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.” Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Tại sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
Qua trình thuật hôm nay, các môn đệ và chúng ta phải học được bài học trong cuộc đời: một khi đã có đức tin, không một sóng gió nào trong cuộc đời có thể làm lay chuyển đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Khi phải đương đầu với chúng, đó là lúc chúng ta sống niềm tin đó.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.
– Đức tin phải biểu tỏ bằng hành động: Chúng ta phải tin và làm những gì Chúa dạy.
– Đức tin phải được tinh luyện trong thử thách và đau khổ. Người có đức tin sẽ không hỏang hốt và đau khổ khi phải đương đầu với thử thách.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************