Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Bảy Tuần XII Mùa Chay Năm B
Ac 2, 2. 10-14. 18-19
“Trên tường thành thiếu nữ Sion, lòng họ kêu vang lên Thiên Chúa”.
Trích sách Ai Ca.
Chúa phá tan các báu vật nhà Giacóp chẳng nương tay: trong cơn thịnh nộ, Chúa phá huỷ thành luỹ thiếu nữ Giuđa. Người quật xuống đất và làm sỉ nhục cả vương quốc, cả quan chức cao sang.
Các kỳ lão của thiếu nữ Sion ngồi dưới đất thinh lặng, mình mang áo nhặm và rắc tro trên đầu. Còn các trinh nữ Giêrusalem gục đầu xuống đất. Mắt tôi hao mòn vì quá khóc than, lòng tôi bàng hoàng thổn thức, gan tôi đổ tràn trên đất, vì các tai hoạ của thiếu nữ dân tôi: các trẻ thơ, hài nhi măng sữa, xỉu la liệt giữa phố phường. Chúng xin mẹ: “Bánh mì rượu tốt ở đâu?” Chúng ngã xỉu ngoài đường phố như bị gươm đao. Chúng tắt thở ngay nơi lòng mẹ.
Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, ta sánh ngươi cùng ai, ta ví ngươi như kẻ nào? Hỡi trinh nữ Sion, ta sánh ngươi cùng ai để an ủi? Vì nỗi khổ ngươi man mác tựa biển khơi, nào ai chữa nổi ngươi? Các tiên tri của ngươi nói bậy nói sai, chẳng vạch cho ngươi một vài gian ác, cùng chẳng giục ngươi khóc lóc ăn năn, mà chỉ tiên kiến những điều giả dối, khiến ngươi bị trục xuất và lưu đày.
Trên tường thành thiếu nữ Sion, lòng họ kêu vang lên Chúa. Hãy chan hoà suối lệ đêm ngày, đừng để mắt ngươi yên nghỉ. Hãy chỗi dậy, hãy ca ngợi mỗi đầu canh đêm, hãy giốc đổ lòng ra như nước trước Nhan Chúa, hãy giơ tay cầu khẩn Chúa cho lũ trẻ thơ, chúng ngã xỉu vì đói ở góc đường xó chợ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 73, 1-2. 3-5a. 5b-7. 20-21
Đáp: Đời sống con người cơ khổ, xin Chúa đừng nỡ quên hoài (c. 19b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, tại sao Chúa ruồng bỏ chúng con hoài? Tại sao Chúa nung nấu lửa hận với đoàn chiên Chúa? Xin nhớ lại cộng đồng Chúa thiết lập tự thuở xa xưa, xin nhớ bộ lạc Chúa đã chuộc để làm phần tư hữu, xin nhớ lại núi Sion, nơi Chúa đã đặt ngai toà! – Đáp.
2) Xin Chúa dời gót tới nơi hoang tàn vĩnh viễn: tên thù đã tàn phá hết trong thánh điện của Ngài. Trong hội đường của Chúa, quân nghịch đã rống lên, chúng đã đặt cờ hiệu của chúng trên đài chiến thắng. – Đáp.
3) Chúng giống như kẻ trong rừng rậm vung lưỡi rìu! Chúng cũng dùng rìu búa bổ vào cửa hội đường như thế, chúng đã châm lửa đốt thánh điện của Ngài, chúng chà đạp cung lâu danh Ngài tận đất! – Đáp.
4) Xin Chúa nhìn lại lời minh ước, vì nơi hang hốc và đồng ruộng đầy dẫy bạo hành. Xin đừng để người khiêm cung trở về tủi hổ, xin cho người cơ hàn nghèo khổ được ngợi khen danh Chúa. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 8, 5-17
“Những người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt đau đớn lắm!” Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: “Tôi sẽ đến chữa nó”. Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi, tôi bảo người kia đến thì anh đến, tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!” Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. Đoạn Chúa nói với viên sĩ quan rằng: “Ông cứ về, ông được như ông đã tin”. Và ngay giờ ấy, gia nhân ông đã được lành mạnh.
Khi Chúa Giêsu vào nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang sốt rét liệt giường. Chúa chạm đến tay bà và cơn sốt biến đi. Bà chỗi dậy tiếp đãi các ngài.
Đến chiều, họ đưa đến cho Chúa nhiều người bị quỷ ám: Chúa dùng lời đuổi quỷ, và chữa lành tất cả các bệnh nhân, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói rằng: “Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
30/06/2018 – THỨ BẢY TUẦN 12 TN
Các thánh tử đạo tiên khởi giáo đoàn Rô-ma
Mt 8,5-17
XỨNG ĐÁNG NHỜ TIN
“Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi khỏi bệnh.” (Mt 8,8)
Suy niệm: Người Nhật tự nhận mình là con của thần Mặt Trời. Dân tộc ta thì tự hào mình là con Rồng cháu Tiên. Người Do Thái cũng vậy, họ hãnh diện được tuyển chọn làm dân riêng của Thiên Chúa. Khác một điều là vai trò “tuyển dân” ấy không phát xuất từ một truyền thuyết hay từ một tước hiệu tự phong mà từ lời giao ước Thiên Chúa ký kết với họ, để qua họ, Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Thế nhưng họ quên đó là một đặc ân mà trái lại, tự mãn coi đó như một đặc quyền đương nhiên dành cho “con cái Áp-ra-ham” để rồi coi khinh dân ngoại và khước từ chính Đấng Cứu Thế. Qua thái độ của viên sĩ quan tự nhận mình không xứng đáng và nài xin Chúa với một lòng tin mạnh mẽ, Chúa Giê-su cho thấy rằng không phải do huyết thống nhưng chính là do lòng tin mà muôn dân có thể trở thành “tuyển dân thời Cứu Thế.” Quả thực mọi người vốn dĩ không xứng đáng nhưng được trở nên xứng đáng nhờ tin Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế mà Chúa Cha sai đến để ban ơn cứu độ.
Mời Bạn: Tin là nhìn nhận mình không xứng đáng để hoàn toàn thuận theo ý Chúa. Ước gì lời nguyện “Lạy Chúa, con chẳng đáng…” ta đọc trong thánh lễ trước khi hiệp lễ còn được biểu lộ nơi mọi suy nghĩ và hành động trong cuộc sống hằng ngày của ta nữa.
Sống Lời Chúa: Nhìn lại cuộc sống để nhận ra những đặc ân Chúa ban và dâng lên Chúa lòng biết ơn và lời cam kết sống xứng đáng với những ơn lành đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mặc dù con bất xứng, nhưng Chúa đã thương cứu độ và nhận chúng con là con cái Chúa. Xin giúp chúng con biết sống thế nào để xứng đáng với hồng ân đã lãnh nhận.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG SÁU
Để Sống Trọn Vẹn, Chúng Ta Phải Ký Thác Chính Mình Cho Thiên Chúa
Đức tin vào sự quan phòng thần linh vẫn luôn gắn kết chặt chẽ với chính ý nghĩa của đời sống con người. Người ta có thể đối diện với cuộc sống khi họ nắm chắc rằng mình không phó mặc cho định mệnh mù quáng. Thay vào đó, người ta có thể cậy dựa vào Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và là Cha của mọi người. Như vậy, đức tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi sự sai lầm của thuyết định mệnh. Đức tin này được tóm tắt trong phần mở đầu Kinh Tin Kính: “Tôi tin vào Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng.”
Đức tin ấy được nhấn mạnh trong giáo huấn của Giáo Hội, nhất là nơi Công Đồng Vatican I và II. Chẳng hạn, Công Đồng Vatican II dạy rằng Thiên Chúa là Đấng “có lòng quan tâm từ phụ đối với mọi loài” (MV 24), cách riêng “đối với loài người” (MK 3). Một biểu hiện của mối quan tâm từ phụ này chính là “luật vĩnh cửu, khách quan và phổ cập của Thiên Chúa – qua luật này, Ngài xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển cả hoàn vũ cũng như các hướng đi của cộng đoàn nhân loại trong ý định đầy khôn ngoan và yêu thương của Ngài” (TDTG 3).
“Con người hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì yêu thương nên tạo dựng con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; hơn nữa, con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác cho Đấng tạo dựng mình” (MV 19).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30/ 6
Các Thánh tiên khởi của giáo đoàn Rôma
Ac 2, 2.10-14.18-10; Mt 8, 5-17.
Lời suy niệm: Khi Đức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Thầy, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó”. Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bênh.”
Trong câu chuyện viên đại đội trưởng đến gặp Chúa Giêsu để xin Người chữa bệnh tê bại cho một người đầy tớ của ông, điều này cho chúng ta thấy được sự quan tâm của một con người đối với một con người, khi đã quan tâm thì không còn phân biệt giai cấp, trong tình thương còn có sự cảm nhận: “đau đớn lắm”
Lạy Chúa Giêsu. Chúa thấy lòng thương của người đại đội trưởng đối với tên đầy tớ của ông, Chúa đã nhận lời ngay, và với sự khiêm tốn và lòng tin của ông Chúa đã khen ngợi về đức tin của ông, và đã chữa lành cho người đầy tớ. Xin Chúa cho chúng con luôn có lòng tin vào quyền năng yêu thương của Chúa, và luôn biết quan tâm và tỏ bày tình thương đối với từng hoàn cảnh của những người anh em chung quanh.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 30-06: CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI
CỦA HỘI THÁNH RÔMA
Các Thánh tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Rôma là nạn nhân của Bạo chúa Nêrô. Lệnh bách hại được ban hành tiếp ngay sau vụ cháy ngày 18 tháng 7 năn 64. Không hiểu đâu là nguyên nhân của tai hoạ khủng khiếp, lan rộng tới biên thùy Dalatin và Celius, tàn phá thành đô suốt trong 6 ngày 7 đêm.
Nhưng Nêrô đã qui trách nhiệm cho các Kitô hữu, phần lớn là nô lệ, những nô lệ đã được giải phóng và những kiều bào ngoại quốc. Cuộc đàn áp thật bất công và tàn bạo. Các nạn nhân bị bắt làm mồi cho thú dữ sâu xé hay bị thiêu đốt như những ngọn đuốc sống. Thảm cảnh gây bất mãn đối với cả các lương dân như Tacite chẳng hạn.
Giáo hội đã muốn dành ngày hôm nay, ngay sau lễ trọng kính hai thánh Tông đồ của Phêrô và Phaolô để kính nhớ con số đông đảo các vị thánh tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Roma như những bông hoa đầu mùa mà dâng lên Chúa.
Các Ngài cũng là những nền tảng xây dựng cho Giáo hội bằng gương trung kiên với đức tin, bằng chính dòng máu làm cho hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
30 Tháng Sáu
Chiếc Cầu Của Gặp Gỡ
Vào khoảng năm 1850, họa sĩ tài ba của Hoa Kỳ là James McNeil Whisler đang còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết. Mặc dù có tâm hồn nghệ sĩ, Whisler cũng đăng ký vào trường đại học quân sự West Point.
Người ta kể lại rằng khi giáo sư ra đề tài vẽ về một chiếc cầu, dĩ nhiên, các sinh viên phải hiểu đây là một chiếc cầu cần được thiết kế trong mục tiêu quân sự. Thế nhưng, tâm hồn nghệ sĩ của Whisler đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc cầu thơ mộng bắc qua một mỏm núi thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ sông là một tấm thảm cỏ xanh tươi. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc cầu ấy.
Ông giáo sư cầu cóng không ưng ý chút nào, nên đã ra lệnh cho anh phải bôi đi hình ảnh của hai đứa bé. Viên sĩ quan bèn di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ sông. Lần này, ông giáo sư lại càng giận giữ hơn. Ông quát tháo ầm ĩ: “Tôi đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh”.
Nhưng con người có tâm hồn nghệ sĩ xem chừng như không thể vẽ cảnh thiên nhiên mà thiếu bóng dáng của con người. Không được sáng tác theo ý mình muốn, Whisler bèn vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ dọc theo dòng sông và muốn ông giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.
Chiếc cầu được bắc qua dòng sông là để nối liền hai bờ sông và chiếc cầu nối liền hai bờ sông là để cho con người ở hai bên bờ sông được liên lạc với nhau. Thiếu sự đi lại của con người thì chiếc cầu trở thành vô nghĩa.
Chúa Giêsu là chiếc cầu nối liền Trời cao và Ðất thấp. Nơi Ngài, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Chỉ trên chiếc cầu của Ðức Kitô con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.
Ngài sinh ra trong một gia đình, Ngài lớn lên trong một gia đình. Ngài đến để quy tụ tất cả nhân loại thành một gia đình. Con đường cứu rỗi của Ngài là con đường mở rộng cho mọi người cùng nắm tay đi với nhau. Chiếc cầu nối liền Thiên Chúa và con người là chiếc cầu của gặp gỡ, của cảm thông, của yêu thương. Chúng ta chỉ có thể đi về cõi phúc trên chiếc cầu của gặp gỡ, của yêu thương ấy.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 12 TN2
Bài đọc: Lam 2:2, 10-14, 18-19; Mt 8:5-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy luôn biết tin tưởng và trông cậy nơi Thiên Chúa.
Đau khổ, đói khát và chết chóc xảy ra phần lớn là do tội bất trung của con người. Họ không chịu vâng lời và làm theo những điều Chúa truyền dạy. Khi phải sống trong đau khổ, con người có thể có hai thái độ: hoặc nhận ra tội lỗi đã xúc phạm đến Thiên Chúa và ăn năn trở lại, hoặc ngã lòng trông cậy, chửi trời và trách người.
Các bài đọc hôm nay cung cấp cho con người niềm hy vọng và tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong bài đọc I, tác giả Sách Ai Ca, sau khi khóc than về những u sầu đau thương mà con cái Israel phải lãnh nhận, ông nhận ra đó là hậu quả của việc bất trung với Thiên Chúa. Ông khuyên họ phải biết than khóc tội lỗi của mình ngày đêm và tin tưởng trông cậy nơi tình thương Thiên Chúa sẽ giải thoát họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thương xót và chữa lành mọi người chạy đến với Ngài, ngay cả người đầy tớ của viên Đại Đội Trưởng Dân Ngoại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bài thương ca về biến cố mất nước Judah năm 587 BC
1.1/ Đừng tin vào quyền thế của vua chúa hay sức mạnh quân sự.
Tác giả của bài thương ca muốn nói rõ cho mọi người biết: Đức Chúa là nguyên nhân chính, vua Babylon chỉ là nguyên nhân phụ trong biến cố mất nước của Judah: Chính Đức Chúa huỷ diệt chẳng chút xót thương mọi nơi cư ngụ của Jacob; chính Người triệt hạ đồn luỹ của thiếu nữ Judah; chính Người xô xuống đất và làm nhục vương quốc và thủ lãnh của nàng.
Tội của vua chúa và những nhà lãnh đạo ảnh hưởng đến nỗi nhục của toàn dân. Họ phải ăn năn vì các tội của họ: “Hàng kỳ mục của thiếu nữ Sion ngồi thinh lặng ngay trên thềm đất,
đầu rắc đầy tro bụi, mình mặc áo vải thô.” Chính tội của họ làm cho các con gái của họ bị hãm hiếp bởi Dân Ngoại, cho trẻ thơ dân họ phải vất vưởng kiếm ăn, phải hỏi mẹ chúng lương thực “Bánh con đâu?” vì quá đói, rồi chúng ngã gục trên các quảng trường của thành phố. Như những người bị đâm, chúng trút linh hồn ngay trên tay mẹ.
Jacob, Judah, Sion, Jerusalem là những tên khác nhau để chỉ một thực tại: vương quốc Judah. Tác giả cũng đổ tội cho vua chúa và các nhà lãnh đạo đã nghe lời các ngôn sứ giả: “Ngôn sứ của ngươi tỏ cho ngươi thấy toàn điều hư ảo, toàn chuyện khói mây, còn lỗi lầm ngươi, chúng không vạch rõ để đảo ngược vận số của ngươi. Điều chúng thấy là điều huyền hoặc, chỉ đưa ngươi vào ảo tưởng mà thôi.”
1.2/ Chỉ có Đức Chúa mới có thể giải thoát Israel.
Trong cảnh khổ nơi lưu đày, con cái Israel phải biết than khóc ngày đêm tội lỗi của mình: “Tự đáy lòng, hãy kêu lên Chúa, hỡi tường thành của thiếu nữ Sion! Cứ để mặc suối lệ ngươi tuôn chảy, ngày đêm chẳng khi ngừng. Chớ khi nào ngơi nghỉ, cũng đừng để dòng lệ khô đi.” Vì chỉ với tấm lòng ăn năn thành thật và kêu cầu lên Đức Chúa, họ mới có thể hy vọng Ngài giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày nơi đất khách quê người, con cháu họ mới thoát khỏi cảnh đói khát hiện giờ. Tác giả khuyến khích dân chúng: “Đứng dậy đi, la lên trong đêm tối, khi năm canh chỉ mới bắt đầu! Trước nhan Chúa, hãy trút niềm tâm sự, giơ tay hướng về Người mà cầu cho sinh mạng của đoàn con đang lịm dần vì đói đầu đường, góc phố, khắp nơi nơi.”
2/ Phúc Âm: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.
2.1/ Đức tin của viên Đại Đội Trưởng thành Capernaum
(1) Cách biểu lộ đức tin của ông cho thấy:
– Ông là người có lòng thương xót: Người ông van xin Chúa Giêsu chữa khỏi bại liệt không phải là máu mủ ruột thịt gì của ông, nhưng chỉ là một người đầy tớ. Theo truyền thống Rôma, người đầy tớ chỉ được coi như một món hàng để mua bán và để xử dụng. Chúng ta không lạ gì khi Chúa Giêsu đáp trả lòng thương xót của ông, vì Ngài là Đấng Thương Xót.
– Ông là người rất tinh tế và khiêm nhường: Ông biết truyền thống Do-thái không cho phép người Do-thái vào cùng một mái nhà với người Dân Ngoại; vì thế, để tránh tai tiếng cho Chúa Giêsu, viên Đại Đội Trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Câu trả lời này đã được Giáo Hội dùng để chuẩn bị tâm hồn các tín hữu trước khi rước Mình Thánh Chúa.
– Ông là người rất tin tưởng: Khi nghe Chúa Giêsu trả lời “Chính tôi sẽ đến chữa nó;” ông không một chút nghi ngờ quyền năng của Chúa Giêsu. Hơn nữa, với kinh nghiệm của một sĩ quan, ông còn tin Chúa Giêsu có thể chữa bệnh mà không cần hiện diện.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Trước cách biểu lộ đức tin của một viên sĩ quan Dân Ngoại,
Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.” Sự thật đau lòng, nhưng phải mở mắt tất cả tín hữu: những người vô đạo nhiều khi biểu lộ đức tin cách sâu xa hơn những người có đạo!
– Ngài cũng cảnh cáo những con cái trong nhà mà thiếu đức tin: “Tôi nói cho các ông hay: từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Jacob trong Nước Trời; nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” Con cái trong nhà có quyền thừa hưởng gia tài của cha ông để lại; nhưng nếu con cái bất nhân bất nghĩa, gia tài sẽ được trao cho những ai có lòng tin yêu và biết cách xử dụng gia tài tốt hơn. Quyền thừa hưởng gia tài của Thiên Chúa chỉ dành cho những ai tin và trung thành với Thiên Chúa.
– Niềm tin yêu của viên Đại Đội Trưởng được đền đáp xứng đáng: Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.
2.2/ Người đã mang lấy các tật nguyền của ta: Matthew tiếp tục tường thuật hai phép lạ nữa và trích dẫn lời tiên-tri Isaiah trong Bài Ca Thứ Tư về Người Tôi Trung của Yahveh: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.”
– Gương sáng của bà mẹ vợ Phêrô: Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà, vì bà là mẹ vợ của Phêrô, môn đệ yêu mến của Ngài. Được Chúa Giêsu chữa khỏi, Bà không nại cớ mới bệnh dậy để nghỉ ngơi dưỡng sức; nhưng vội vã chỗi dậy để phục vụ Chúa và các môn đệ của Ngài. Đây phải là gương sáng cho chúng ta noi theo: Đã nhận được cách nhưng không thì cũng phải cho đi cách nhưng không. Người chỉ biết đưa tay nhận lãnh sẽ không tiến xa trong cuộc đời.
– Chúa Giêsu chữa lành mọi người bị đau khổ tật nguyền: “Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau.” Điều này chứng minh: Thiên Chúa không muốn con người phải đau khổ. Các đau khổ xảy ra là do chính con người gây nên hay ảnh hưởng của thời tiết; tuy nhiên, Ngài để các đau khổ xảy ra cho các mục đích tốt đẹp hơn mà chúng ta đã nhiều lần đề cập tới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Khi phải đương đầu với đau khổ, chúng ta đừng ngã lòng trông cậy; nhưng hãy biết xét mình để nhận ra những tội lỗi chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
– Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi những ai biết ăn năn và kêu xin lòng thương xót của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************