Ngày thứ hai (01-04-2019) – Trang suy niệm

31/03/2019

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần VI Mùa Chay Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Is 65, 17-21

“Thiên hạ sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Thiên Chúa phán: “Này Ta tác tạo trời mới, đất mới; người ta sẽ không còn nhớ lại dĩ vãng, và cũng sẽ không bận tâm đến dĩ vãng nữa. Nhưng các ngươi hãy hân hoan và nhảy mừng cho đến muôn đời trong các việc Ta tác tạo, vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng. Ta sẽ hân hoan ở Giêrusalem, sẽ vui mừng nơi dân Ta, và từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa. Ở đó sẽ không còn trẻ nhỏ chết yểu, không còn người già chết sớm nữa, vì người chết trăm tuổi cũng còn gọi là chết trẻ, người không sống đến trăm tuổi, kể là bị chúc dữ. Họ sẽ xây cất nhà cửa và cư ngụ ở đó, sẽ trồng nho và ăn trái nho”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11e-12a và 13b

Đáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. – Đáp.

2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ. – Đáp.

3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con, lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. – Đáp.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Lc 15, 18

Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha. 

PHÚC ÂM: Ga 4, 43-54

“Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: “Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình”. Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.

Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Được tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. Viên quan chức trình lại Người: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.

Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: “Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt”. Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: “Con ông mạnh rồi”, nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Đó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

01/04/2019THỨ HAI TUẦN 4 MC

Ga 4,43-54

TIN VÀO LỜI CHÚA

Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Chúa nói với mình, và ra về. (Ga 4,50)

Suy niệm: Thoạt đầu, có lẽ viên sĩ quan chỉ tin vào Đức Giê-su một cách cầu may. Có lẽ ông đã tìm thầy chạy thuốc nhưng tất cả đều đành bó tay. Nghe nói về Chúa Giê-su và những “điềm thiêng dấu lạ” Ngài thực hiện, ông đánh liều đến xin. Biết đâu, may mà được. Ít ra, ông cũng đặt niềm tin tưởng vào Đức Giê-su, dù đó mới chỉ là “một thoáng đức tin”. Chúa Giê-su chấp nhận đức tin còn non yếu của ông, để nâng cấp trở thành niềm tin đích thực: Ngài không đến Ca-phác-na-um để chữa con ông theo như ông yêu cầu, nhưng đã thanh luyện đức tin của ông chỉ bằng vỏn vẹn một lời, Lời có sức cứu sống, Lời có quyền năng sáng tạo: “Ông cứ về đi, con ông sống”. Ông đã tin không phải vì thấy những “điềm thiêng dấu lạ” nữa, nhưng chỉ dựa vào Lời Chúa mà thôi.

Mời Bạn: Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta ngày càng trưởng thành hơn trong đức tin, để càng ngày chúng ta càng nhận ra Chúa một cách nhanh chóng và rõ ràng dù những dấu chỉ khả giác được tinh giản đến mức tối thiểu: qua Lời Chúa trong Thánh Kinh và qua hình Bánh-Rượu nơi Bí tích Thánh Thể.

Chia sẻ: Không thể dùng phương pháp thực nghiệm để phân tích những mầu nhiệm, đối tượng của đức tin. Có phải vì thế mà đức tin trở thành mơ hồ hay vô lý và không đáng tin hay không?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy làm một cử chỉ diễn tả niềm tin của mình: hôn kính Thánh giá, hoặc sách Lời Chúa hoặc bái chào Mình Thánh Chúa một cách thật cung kính.

Cầu nguyện: Lặp lại nhiều lần lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con.”

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

1 THÁNG TƯ

Thiên Chúa Của Tình Yêu Vô Hạn

Bao nhiêu người trên thế giới, bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu truyền thống, bao nhiêu nền văn hóa, bao nhiêu tôn giáo đã bảo vệ và tiếp tục bảo vệ hình ảnh của chính mình nghĩ ra về Thiên Chúa?

Thiên Chúa là hữu thể vô cùng hoàn hảo, là hữu thể tối cao và khôn dò; Ngài là Chủ Tể tuyệt đối của mọi sự. Dường như chuyện Ngài trở thành con người là điều không thể được; cũng dường như không thể được, chuyện Ngài hầu hạ và rửa chân cho các tông đồ, hoặc chuyện Ngài có thể chết trên thập giá. Nhưng, đó là cái nhìn của con người.

Cái nhìn của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Nói một cách thật đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã tạo thành con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập giao ước với con người. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã trở thành con người. Thiên Chúa đã yêu thương thế giới đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để cho con người có thể đạt được sự sống đời đời (Ga 3,16). Vì Ngài là tình yêu, Thiên Chúa đã chấp nhận con đường thập giá để thứ tha tội lỗi nhân trần và để thiết lập giao ước mới – giao ước vĩnh cửu – trong máu Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể.

Tình yêu không nhắm gì khác ngoài sự tốt lành mà nó khao khát muốn làm. Vì sự tốt lành này mà Đấng Toàn Năng sẵn lòng trở nên yếu đuối như một con người, chấp nhận số phận chết như một con người. Ngài sẵn lòng trở nên yếu đuối và bị nhai nuốt đi như tấm bánh: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em. Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa chịu đóng đanh hay không? Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa hiến tế hay không? Đó là câu hỏi được đặt ra ngay chính trung tâm của Tam Nhật Thánh.

Hỏi – tức là đã trả lời. Vâng, con người có thể chấp nhận hay từ chối vị Thiên Chúa của tình yêu vô hạn ấy. Thật vậy, con người có thể quay lưng chống lại Thiên Chúa hay thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. Nhưng còn Thiên Chúa, Ngài “không thể phủ nhận chính Ngài” (2Tm 2,13). Ngài không thể thôi là chính Ngài! Ngài không thể thôi là tình yêu!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 01/4

Is 65, 17-21; Ga 4, 43-54.

LỜI SUY NIỆM:  “Đức Giêsu bảo: ‘Ông cứ về đi, con ông sống.’ Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về,”

          Với cử chỉ vâng phục lời Chúa Giêsu của viên sĩ quan cận vệ nhà vua, khi ông đến cầu xin Chúa Giêsu đến nhà ông để cứu chữa cho người con của ông sắp chết. Điều này giúp cho mỗi người trong chúng ta học biết “Vâng phục của đức tin.” Bởi vì: “Vâng phục bằng đức tin là tự nguyện quy thuận, bởi vì chân lý của lời đó được Thiên Chúa là chính Chân lý, bảo đảm. Thánh Kinh trưng dẫn tổ phụ Apraham như gương mẫu của sự vâng phục đó. Còn Đức Trinh Nữ Maria là người thể hiện sự vâng phục đó cách hoàn hảo.” (GL 144).

          Lạy Chúa Giêsu. Đức tin là sự đáp lại tình yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con biết dùng trí khôn và ý chí của chúng con quy phục Chúa một cách trọn vẹn.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

01 Tháng Tư

Tu Ðâu Cho Bằng Tu Nhà Thờ Cha Kính Mẹ Mới Là Ðạo Con 

Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhưng ông để hết tâm phụng dưỡng song thân.

Một hôm, ông nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ. Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân để đến thụ giáo bậc hiền triết.

Ði được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng. vị lão tăng khuyên Dương Phủ: “Gặp được bậc Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật”.

Dương Phủ hỏi vặn lại: “Phật ở đâu?”. Vị lão tăng giải thích: “Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy”.

Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Ði dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ, Dương phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Ðức Phật mà vị lão tăng đã mô tả.
Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật.

Thứ nhất thì tu tại gia

Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.

Ðể yêu thương con người một cách trọn vẹn, Chúa đã trở thành một con người. Chúa có cha, có mẹ. Chúa sinh ra trong một gia đình… Con người không chỉ được cứu rỗi một cách lẻ loi, nhưng trong một gia đình. Con người cần có một gia đình để sinh ra, để lớn lên và thành toàn… Tại Nagiaréth, Chúa đã lớn lên trong ân sủng và dáng vóc. Chúa đã vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa đã học đọc, học viết và ngâm nga từng câu kinh thánh với Mẹ Maria. Chúa cũng học cách sử dụng từng dụng cụ trong xưởng mộc của Thánh Giuse.

Trong ba năm sống đời công khai, ngôn ngữ vàcách suy nghĩ của Chúa phản ánh phần nào sự giáo dục mà Chúa đã thụ hưởng nơi cha mẹ.

Xin Chúa thánh hóa tất cả mọi gia đình Việt Nam. Xin Chúa ban cho bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm giáo dục của họ. Xin Chúa ban cho con cái lòng hiếu thảo để biết vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già của các ngài… Và xin cho mọi gia đình Việt Nam luôn biết tranh đấu để bảo vệ sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình thành Giáo Hội nhỏ của Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai Tuần IV MC

Bài đọc: Isa 65:17-21; Jn 4:43-54.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin vào Thiên Chúa có thể làm được mọi sự.

Có một sự khác biệt to lớn giữa người có và không có niềm tin: Người có niềm tin luôn lạc quan hy vọng, ngay cả trong những lúc tăm tối nhất của cuộc đời, như khi phải sống trong đau khổ, bệnh tật, hay phải đối diện với thần chết. Người không có niềm tin sống mà không biết hướng về đâu. Họ không có nghị lực để đương đầu với đau khổ, bệnh tật, và đứng trước cái chết, họ không dễ dàng chấp nhận. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự khác biệt của những con người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa.

Trong Bài Đọc I, tuy sống cực khổ trong nơi lưu đày, tiên-tri Isaiah tin tưởng Chúa sẽ xóa sạch mọi tang thương quá khứ, để sáng tạo một trời mới đất mới. Như Ngài đã xóa sạch tội lỗi nhân lọai trong trận Lụt Hồng Thủy, Ngài sẽ xóa sạch tội lỗi và cho dân hồi hương để tái thiết quốc gia và xây dựng lại Đền Thờ. Hơn nữa, tiên-tri Isaiah cũng nhìn thấy trước ngày Đấng Thiên Sai sẽ tới và gánh tội cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa lành người con trai của viên sĩ quan Dân Ngọai, không bằng việc đặt tay, nhưng bằng đức tin của người cha. Viên sĩ quan năn nỉ Chúa Giêsu về nhà chữa trị cho con ông, Chúa Giêsu bảo: “Ông về đi, và con ông sống!” Ông tin tưởng trở về; và đang khi còn trên đường, đầy tớ của ông chạy ra báo tin con ông đã khỏi bệnh vào đúng thời gian mà Chúa Giêsu hứa với ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới.

1.1/ Thiên Chúa sẽ sáng tạo mọi sự mới: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo.” Cụm từ “trời mới đất mới” được dùng nhiều trong các Sách Ngọai Thư và Tân Ước (x/c 2 Edr 6:16, 7:30, 2 Bar 32:16, I Enoch 91:16, 2 Cor 5:17, 2 Pet 3:10-13, Rev 21:1). Nghĩa của cụm từ thay đổi: Trong Thư Corintô, Thánh Phaolô muốn nói trong Chúa Kitô, con người trở thành một tạo vật mới, con người cũ cùng với tính hư nết xấu đã qua đi, con người mới cùng với các nhân đức xuất hiện nhờ ân sủng của Đức Kitô. Trong Thư Phêrô II và Sách Khải Huyền, “trời mới đất mới” chỉ những gì sẽ xảy ra sau Ngày Cánh Chung, nơi công lý của Thiên Chúa ngự trị. Theo tiên-tri Isaiah, “trời mới đất mới” chỉ cả hai: những gì mới được tái tạo sau Thời Lưu Đày và những gì mới do Đấng Thiên Sai mang lại.

Jerusalem sẽ trở nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng: Đền Thờ sẽ được tái thiết và dân Chúa sẽ lại có cơ hội thờ phượng Thiên Chúa. Jerusalem cũng là nơi Dân Ngọai sẽ qui tụ về để cùng hợp với dân Do-Thái làm thành dân của Thiên Chúa. Như một người Cha, Thiên Chúa sẽ hoan hỷ vì Jerusalem, khi nhìn thấy con cái Ngài được qui tụ thành một mối.

1.2/ Thiên Chúa sẽ xóa sạch tất cả đau thương của quá khứ: Dân chúng khóc than vì chết chóc trong thời chiến tranh và khổ cực trong Thời Lưu Đày; nhưng Thiên Chúa sẽ xóa sạch tất cả. Ngài hứa với dân 3 điều sau đây:
– Họ sẽ không còn phải chịu đau khổ của kiếp lưu đày;

– Họ sẽ không còn sợ chết vì chiến tranh;

– Họ sẽ được hưởng cuộc sống an tòan: “Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái.”

2/ Phúc Âm: “Ông cứ về đi, con ông sống.”

Khỏang cách từ Capernaum tới Cana khỏang 20 dặm, một khỏang cách dài cho người đi bộ. Đi và trở về ngay phải mất khỏang 20 tiếng. Có một trình thuật tương tự trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 8:5-13, Lk 7:1-10). Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa 2 trình thuật: Trong Tin Mừng Nhất Lãm, viên sĩ quan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Trong trình thuật của Gioan, Chúa bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Chúng ta có thể học được nhiều điều qua thái độ của viên sĩ quan này:

(1) Khiêm nhường: Viên sĩ quan, tiếng Hy-lạp dùng chữ “basilikos” có nghĩa là “ông vua nhỏ.” Có nhiều bức tường ngăn cách giữa Chúa Giêsu và viên sĩ quan này:

– Bức tường ngăn cách xã hội: Ông là người có địa vị cao trong hòang gia, khiêm nhường đi bộ đến cầu xin với Chúa Giêsu, một người không có địa vị trong xã hội.

– Bức tường ngăn cách giữa người Do-thái và Dân Ngọai: Người Do-thái không muốn có bất kỳ liên hệ gì với Dân Ngọai. Ông biết ông có thể bị mất mặt nếu Chúa Giêsu từ chối.

Tuy nhiên, lòng thương con đã thắng vượt tất cả, ông sẵn sàng hy sinh mọi sự để có thể cứu vãn sự sống của con ông.

(2) Vượt qua thử thách: Đức Giêsu nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!” Ngài dùng số nhiều “các ông,” có lẽ muốn nói với ông và những người chung quanh. Chúa Giêsu muốn nói lên một thực tại của người Do-thái: họ sẽ không tin khi không nhìn thấy dấu lạ. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng muốn cho những người Do-thái xem niềm tin không dựa trên việc chứng kiến phép lạ của viên sĩ quan Dân Ngọai. Khi viên sĩ quan năn nỉ van xin Chúa Giêsu xuống Capernaum chữa bệnh cho con ông, Chúa thử đức tin của ông, Ngài không đi với ông, nhưng bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Người Do-thái chắc phải ngạc nhiên vì niềm tin của ông khi thấy: “Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về.” Trong trình thuật của Matthêu, Chúa Giêsu khen viên sĩ quan: “Tôi bảo thật các ông: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.”

(3) Đức tin được kiện tòan bởi lý trí: Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Đối với một người vô tâm, họ sẽ vui mừng khi biết con còn sống và quên hết mọi sự khác; nhưng viên sĩ quan còn đang sống trong tiến trình của đức tin, nên ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.”

Ông nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: “Con ông sống.” Đức tin của ông vào Chúa Giêsu được kiện tòan. Ngài hứa với ông và lời hứa đã thành sự thực, ông tin vào Ngài.

(4) Ông và cả nhà đều tin: Không dễ cho một viên sĩ quan công khai thú nhận niềm tin vào Chúa Giêsu vì sợ ảnh hưởng của dư luận. Nhưng viên sĩ quan này đã có một niềm tin được sự trợ giúp của lý trí. Ông muốn không những chỉ có ông, nhưng còn cả nhà tin vào Chúa Giêsu. Điều này thông thường đối với dân thời đó: Gia trưởng có quyền quyết định mọi chuyện trong nhà. Khi nhận ra điều gì tốt, người gia trưởng có quyền bắt tất cả người trong nhà phải làm theo. Ví dụ, Tổ-phụ Abraham bắt mọi người trong nhà phải cắt bì.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa không muốn nhớ tới dĩ vãng tội lỗi và đau thương của con người. Ngài luôn mời gọi chúng ta nhìn về tương lai và hy vọng bước tới. Như một người Cha, Ngài mừng vui khi thấy con cái được vui vẻ, hạnh phúc.

– Thiên Chúa muốn con người luôn tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài, ngay cả những lúc chưa nhìn thấy kết quả, hay những đêm tăm tối của cuộc đời; vì những gì Thiên Chúa đã hứa, Ngài sẽ thực hiện.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************