Ngày thứ hai (01-04-2024) – Trang suy niệm

31/03/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần Bát nhật Phục Sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 14. 22-32

“Thiên Chúa đã cho Đức Kitô phục sinh, và tất cả chúng tôi làm chứng về Người”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, xin hãy nghe những lời này:

“Đức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ, mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng, Đavít đã nói về Người rằng:

‘Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông; vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Đấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi tràn đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa’.

“Hỡi anh em, xin cho phép tôi được bạo dạn nói với anh em về tổ phụ Đavít rằng: ngài đã băng hà, đã được an táng và lăng tẩm của ngài còn nằm giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì ngài là tiên tri, và biết Thiên Chúa đã thề hứa với ngài sẽ cho một người trong dòng dõi ngài ngồi trên ngai vàng của ngài, nên thấy trước, ngài đã nói về việc Chúa Kitô phục sinh, vì Người không phải bị bỏ rơi trong cõi chết, và xác Người không bị huỷ diệt. Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa; con thưa cùng Chúa: “Ngài là chúa tể con. Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con”.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.  

3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ: ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát.  

4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!  

ALLELUIA: Tv 117, 24

Alleluia, alleluia! – Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 28, 8-15

“Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”.

Đang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: “Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu”. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

01/04/2024 – THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS

Mt 28,8-15

ĐIỂM HẸN GA-LI-LÊ

“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)

Suy niệm: Bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na và các chị em gặp Chúa Giê-su Phục sinh ngay tại khu vườn nơi đã an táng Ngài, các tông đồ và các môn đệ gặp Ngài hiện đến trong căn phòng đóng kín, còn hai môn đệ làng Em-mau thì gặp Chúa trên con đường về quê…, nhưng tất cả những nơi ấy không phải là nơi mà Đấng Phục sinh hẹn gặp. Chính Ga-li-lê mới là địa điểm mà Đức Ki-tô Phục sinh hẹn gặp những người “anh em của Chúa”. Chỉ ở trong căn phòng đóng kín hàn huyên với nhau về niềm vui gặp Chúa phục sinh, như thế là chưa đủ. Vừa trỗi dậy từ cõi chết, Ngài đã lập tức đi trước các ông đến nơi mà Ngài đã cùng với họ rong ruổi suốt ba năm trời để loan báo Nước Trời; công cuộc đó, Ngài đã hoàn tất trên thập giá và bây giờ tới lượt họ, họ sẽ được sai đi để “làm cho muôn dân cũng trở thành môn đệ” để qui tụ họ thành Dân mới trong Nước Trời.

Mời Bạn: Điểm hẹn Ga-li-lê mà Chúa Ki-tô phục sinh mời gọi bạn và tôi đến chính là môi trường sống hằng ngày của chúng ta. Đó chính là ‘nơi’ mà chúng ta, những môn đệ của Ngài, được sai đi để làm cho muôn dân cũng trở thành môn đệ. Bạn và tôi sẽ hiện thực hy tế thập giá ban ơn cứu độ của Đức Ki-tô bằng cách nào nếu không phải là bằng chính đời sống hiến thân phục vụ của mình?

Sống Lời Chúa: Điểm hẹn hằng ngày của bạn là gặp Chúa Ki-tô nơi bí tích Thánh Thể và gặp gỡ phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Đấng phục sinh, xin cho con trung thành tìm gặp Chúa trong bí tích Thánh Thể, và trong việc phục vụ tha nhân, để con có thể mời gọi nhiều người đến gặp Chúa!

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Trong bốn sách Tin Mừng, các phụ nữ luôn được kể là người ra viếng mộ trước tiên.
Trong Tin Mừng Mátthêu, đó là hai bà có cùng tên Maria.
Sau khi được thiên thần giao nhiệm vụ loan báo gấp cho các môn đệ
về sự phục sinh và cuộc hẹn gặp của Thầy ở Galilê (28,7),
các bà đã mau mắn lên đường, vội vã rời bỏ ngôi mộ trống.
Ngôi mộ này là nơi các bà đặt tình cảm thân thương,
vì đây là nơi đặt xác của người Thầy yêu dấu
 

Bây giờ ngôi mộ không còn xác Thầy nữa, Thầy đã được trỗi dậy rồi,
nên ngôi mộ chẳng phải là nơi các bà dừng lại mà khóc lóc than van.
Nó trở nên một bằng chứng về sự sống lại của Thầỵ
Ngôi mộ trống thực sự  đã đem lại một niềm vui vô bờ bến.
Chính những mất mát lại là dấu hiệu cho một sự hiện diện viên mãn hơn.
Vì thế vừa sợ hãi lại vừa hết sức vui mừng,
các bà chạy đi loan báo cho các môn đệ điều mình vừa nghe nói.
Trên con đường hối hả đi gặp các môn đệ,
các bà không ngờ mình lại là người đầu tiên được gặp Chúa phục sinh.
 

Điều mới nghe thiên thần nói, bây giờ được thấy tận mắt.
Thánh Mátthêu chỉ nói một cách đơn sơ: “Đức Giêsu gặp các bà” (c. 9).
Không thấy mô tả Đức Giêsu oai phong rực rỡ như thế nào.
Có vẻ Ngài gặp các bà lần này như Ngài đã từng gặp bao lần trong quá khứ.
Các bà nhận ra ngay vị Thầy được sống lại
cũng là vị Thầy chịu đóng đinh mà mình đã đi theo từ Galilê.
Chính Đức Giêsu ngỏ lời chào trước: “Chị em hãy vui lên.”
Lời chào này cũng là lời chào bình thường hằng ngày vào thời đó.
Vì thế các bà đã bạo dạn tiến lại gần, ôm chân và bái lạy Thầỵ
Như vậy các bà có thẻ thấy được và đụng chạm được Đấng phục sinh.
Các bà còn có thể nghe được lời dặn dò của Ngài.
 

Lời này giống lời thiên thần, chỉ có điều Ngài gọi các môn đệ là anh em:
“Hãy đi và báo cho anh em của Thầy…” (c. 10).
Các môn đệ vẫn được gọi là anh em ngay cả khi họ đã bỏ rơi Ngài.
Khi gọi họ là anh em, Đức Giêsu đã muốn tha thứ mọi vấp ngã của họ.
Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho các phụ nữ trước tiên.
Nhìn thấy ngôi mộ trống chưa đủ, còn cần gặp chính Đấng phục sinh.
Khi trở về gặp các môn đệ, các bà sẽ là những người làm chứng tuyệt vời.
 

Không chỉ là ngôi mộ trống với lời chứng của thiên thần,
mà còn là lời chứng của chính họ, của người đã chứng kiến tận mắt và đụng chạm.
Đức Giêsu phục sinh dám nhờ các phụ nữ làm chứng,
dám nhờ các phụ nữ đi loan Tin Mừng cho các môn đệ của mình,
dù thời của Ngài người ta không tin lời chứng của phụ nữ.
Chúng ta không quên những đóng góp của các phụ nữ cho Giáo Hội từ thời đầu.
Mong vai trò ấy vẫn được đề cao và tôn trọng.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
 

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
 

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
 

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
 

Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
 

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

1 THÁNG TƯ

Thiên Chúa Của Tình Yêu Vô Hạn

Bao nhiêu người trên thế giới, bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu truyền thống, bao nhiêu nền văn hóa, bao nhiêu tôn giáo đã bảo vệ và tiếp tục bảo vệ hình ảnh của chính mình nghĩ ra về Thiên Chúa?

Thiên Chúa là hữu thể vô cùng hoàn hảo, là hữu thể tối cao và khôn dò; Ngài là Chủ Tể tuyệt đối của mọi sự. Dường như chuyện Ngài trở thành con người là điều không thể được; cũng dường như không thể được, chuyện Ngài hầu hạ và rửa chân cho các tông đồ, hoặc chuyện Ngài có thể chết trên thập giá. Nhưng, đó là cái nhìn của con người.

Cái nhìn của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Nói một cách thật đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã tạo thành con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập giao ước với con người. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã trở thành con người. Thiên Chúa đã yêu thương thế giới đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để cho con người có thể đạt được sự sống đời đời (Ga 3,16). Vì Ngài là tình yêu, Thiên Chúa đã chấp nhận con đường thập giá để thứ tha tội lỗi nhân trần và để thiết lập giao ước mới – giao ước vĩnh cửu – trong máu Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể.

Tình yêu không nhắm gì khác ngoài sự tốt lành mà nó khao khát muốn làm. Vì sự tốt lành này mà Đấng Toàn Năng sẵn lòng trở nên yếu đuối như một con người, chấp nhận số phận chết như một con người. Ngài sẵn lòng trở nên yếu đuối và bị nhai nuốt đi như tấm bánh: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em. Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa chịu đóng đanh hay không? Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa hiến tế hay không? Đó là câu hỏi được đặt ra ngay chính trung tâm của Tam Nhật Thánh.

Hỏi – tức là đã trả lời. Vâng, con người có thể chấp nhận hay từ chối vị Thiên Chúa của tình yêu vô hạn ấy. Thật vậy, con người có thể quay lưng chống lại Thiên Chúa hay thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. Nhưng còn Thiên Chúa, Ngài “không thể phủ nhận chính Ngài” (2Tm 2,13). Ngài không thể thôi là chính Ngài! Ngài không thể thôi là tình yêu!

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 01/4

Thứ Hai trong tuần Bát Nhật Phục Sinh

Cv 2, 14. 22b-33; Mt 28, 8-15.

Lời suy niệm: Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê; Họ sẽ thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)

          Trong ngày đầu tuần Chúa Phục Sinh, Lời Chúa cho chúng ta thấy được những người của thuộc về Chúa, họ đang sợ thì được chính Chúa Giêsu Phục Sinh bảo: “Chị em đừng sợ!” và từ tâm tư đau buồn, được nhận lấy niềm vui, và niềm vui đó được chuyển đến với tất cả anh em mình. Trong lúc đó những người không thuộc về Chúa, từ kiêu hãnh là những người chiến thắng, đã đâm ra lo sợ, từ sự lo sợ này họ cùng nhau quyết định hối lộ những người chứng kiến sự thật để tráo trở, bưng bít sự thật và vu khống bôi nhọ sự thật.

          Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người trong chúng con luôn vững tin trong niềm tin, và nhiệt tình loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho hết mọi người, để giúp nhau vui sống trong thực tại này. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

01 Tháng Tư

Tu Ðâu Cho Bằng Tu Nhà Thờ Cha Kính Mẹ Mới Là Ðạo Con

Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhưng ông để hết tâm phụng dưỡng song thân.

Một hôm, ông nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ. Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân để đến thụ giáo bậc hiền triết.

Ði được nửa đường, ông gặp một vị lão tăng. vị lão tăng khuyên Dương Phủ: “Gặp được bậc Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật”.

Dương Phủ hỏi vặn lại: “Phật ở đâu?”. Vị lão tăng giải thích: “Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy”.

Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Ði dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ, Dương phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Ðức Phật mà vị lão tăng đã mô tả.
Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật.

Thứ nhất thì tu tại gia

Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.

Ðể yêu thương con người một cách trọn vẹn, Chúa đã trở thành một con người. Chúa có cha, có mẹ. Chúa sinh ra trong một gia đình… Con người không chỉ được cứu rỗi một cách lẻ loi, nhưng trong một gia đình. Con người cần có một gia đình để sinh ra, để lớn lên và thành toàn… Tại Nagiaréth, Chúa đã lớn lên trong ân sủng và dáng vóc. Chúa đã vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúa đã học đọc, học viết và ngâm nga từng câu kinh thánh với Mẹ Maria. Chúa cũng học cách sử dụng từng dụng cụ trong xưởng mộc của Thánh Giuse.

Trong ba năm sống đời công khai, ngôn ngữ vàcách suy nghĩ của Chúa phản ánh phần nào sự giáo dục mà Chúa đã thụ hưởng nơi cha mẹ.

Xin Chúa thánh hóa tất cả mọi gia đình Việt Nam. Xin Chúa ban cho bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm giáo dục của họ. Xin Chúa ban cho con cái lòng hiếu thảo để biết vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già của các ngài… Và xin cho mọi gia đình Việt Nam luôn biết tranh đấu để bảo vệ sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình thành Giáo Hội nhỏ của Chúa.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần BNPS 

Bài đọc: Acts 2:14, 22-32; Mt 28:8-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy rao giảng Tin Mừng “Chúa đã sống lại” khắp thế gian.

Để tin một điều là sự thật, chúng ta có nhiều cách: hoặc chính chúng ta chứng kiến, hoặc qua các chứng nhân, hoặc qua hậu quả mà nó để lại. Không ai nhìn thấy Chúa sống lại từ mộ đi ra, nhưng các chứng nhân nhìn thấy Chúa sau khi Ngài sống lại. Chúng ta nhờ những chứng nhân này, hậu quả của sự kiện Chúa sống lại trên con người họ, và những lời Kinh Thánh để tin “Chúa đã sống lại thật.”

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh biến cố Chúa Giêsu sống lại. Trong Bài Đọc I, thánh Phêrô và các Tông đồ làm chứng Chúa sống lại qua những dữ kiện thực tế và lời tiên tri của Vua David trong Thánh Vịnh 16. Trong Phúc Âm, sứ thần của Chúa làm chứng Chúa Giêsu sống lại, và chính Chúa Giêsu xuất hiện với các phụ nữ và truyền họ mang tin Ngài sống lại cho các Tông đồ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã phác họa Kế hoạch Cứu Độ qua cái chết và sự sống lại của Đức Kitô.

1.1/ Đức Kitô là Đấng Thiên Sai: Vấn đề cốt yếu mà Phêrô phải minh chứng cho người Do-thái là Đấng Thiên Sai phải ngang qua con đường đau khổ, cái chết, và sống lại vinh quang; vì người Do-thái mong muốn một Đấng Thiên Sai uy quyền, họ không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ. Phêrô chứng minh điều này đầu tiên bằng những sự kiện thực tế đã xảy ra, sau đó ông chứng minh bằng lời Kinh Thánh.

Về những sự kiện thực tế, ông nhắc lại những gì Đức Kitô đã làm giữa họ: “Đức Giêsu Nazareth, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó.”

Thiên Chúa đã tiền định cái chết và sống lại của Đức Kitô: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.”

1.2/ Vua David đã nói tiên tri về sự chết và sự sống lại của Đức Kitô: Việc Chúa Giêsu sống lại làm trọn lời tiên báo của Vua David.

(1) Thánh Vịnh 16:8-11: Tác giả TĐCV trích dẫn lời TV 16 như sau: “Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.”

Câu quan trọng là câu 10 của TV 16, các học giả tranh luận: Lời này áp dụng cho Vua David hay Đức Kitô? Giải thóat cho khỏi cái chết bất tử và phục hồi sự liên hệ thần linh hay giải thóat cho khỏi sự hư nát sau khi chết? Vì chữ “hư nát, shahat” có thể dịch là sự hủy họai như bản LXX hay dịch đơn giản là vực thẳm.

(2) Phêrô cắt nghĩa lời Thánh Vịnh: Vua David là nhân vật có thật: “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ David rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay.” Đức Kitô là giòng dõi Vua David: “Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người.” Đức Kitô hòan thành lời tiên tri của Vua David khi Ngài sống lại từ cõi chết sống lại: “Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát.”

“Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.”

2/ Phúc Âm: Chúa đã thực sự sống lại.

2.1/ Chúa Giêsu truyền các bà loan Tin Mừng cho các Tông-đồ.

(1) Sứ thần loan báo Tin Mừng Phục Sinh: Những bà đồng hành với Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài ra mộ từ sáng sớm để niệm xác Chúa. Vừa tới nơi, họ thấy một sự thể ngòai sức tưởng tượng: Tảng đá mà các thượng tế đã niêm phong đã được mở ra dưới con mắt ngạc nhiên và run rẩy của các lính canh gác, một sứ thần của Thiên Chúa trắng như tuyết đang ngồi trên tảng đá và nói với các bà: “Đừng sợ! Tôi biết các bà đang tìm gì, Chúa Giêsu đã bị đóng đinh. Ngài không còn ở đây; vì Ngài đã sống lại như lời Ngài đã nói. Hãy đến và nhìn nơi Ngài đã nằm. Hãy đi ngay và nói cho các môn đệ biết: Ngài đã sống lại từ cõi chết. Và Ngài đi trước các ông tới Galilee; tại đó họ sẽ gặp Ngài” (Mt 28:1-7). Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay.

(2) Chúa Giêsu hiện ra với các bà: Trên đường đi, bỗng Chúa Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilee. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

Thương yêu Chúa không phải giữ Chúa ở với mình, nhưng phải loan Tin Mừng của Chúa để mọi người cùng tin vào Chúa. Chúng ta sẽ thấy điều quan trọng này được nhắc đi nhắc lại trong những ngày tới. Mọi người cần được nghe Tin Mừng Phục Sinh: cuộc sống không chỉ chấm dứt với cái chết ở đời này, nhưng mở rộng đến cuộc sống muôn đời mai sau với Thiên Chúa.

2.2/ Kế hoạch bưng bít sự thật:

(1) Trước khi Chúa sống lại: Người Do-thái đến gặp quan Philatô và yêu cầu ông sai lính canh giữ mộ Chúa Giêsu cẩn thận, vì khi còn sống Chúa đã tuyên bố Ngài sẽ sống lại sau ba ngày. Họ sợ các môn đệ của Chúa sẽ đến đánh cắp xác rồi phao tin là Chúa đã sống lại; lúc đó họ sợ sự sai trá sẽ nguy hại hơn trước. Philatô nói với họ: “Các ông có lính của Đền Thờ, hãy sai họ đi và canh chừng cẩn mật như các ông có thể làm.” Họ đi và niêm phong tảng đá vào cửa, và đặt lính canh giữ mộ (x/c Mt 27:62-66).

(2) Sau khi Chúa sống lại: Trong khi các bà đi báo cho các môn đệ biết tin mừng Chúa sống lại; có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo quân lính: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan Tổng Trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

Khi con người đã làm điều sai trái, họ sẽ tiếp tục làm điều sai trái, sự sai trái này sẽ kéo theo sự sai trái khác. Người Do-thái tìm lý do gian trá “Chúa phạm thượng” để bắt Chúa, rồi lại tìm một cớ gian khác “Ông này xưng mình là Vua” để xin Philatô buộc Chúa chống lại Caesar, giờ lại dùng tiền để bịt miệng lính canh giữ mồ Chúa. Không phải họ không biết sự thật, nhưng họ cố tình ở trong sự gian trá, vì ghen ghét và vì những lợi lộc họ đang được hưởng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– “Chúa đã thực sự sống lại.” Chúng ta phải tin điều này và loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Phục Sinh; đồng thời phải sống và làm chứng cho mọi người biết: có cuộc sống đời sau.

– Như mưu mô của các thượng tế trong trình thuật hôm nay, ma quỉ và thế gian vẫn đang tìm các để bưng bít sự thật này bằng tiền của và hưởng thụ vật chất.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************