Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai Tuần XVIII Mùa Thường Niên Năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Gr 28, 1-17
“Hỡi Hanania, Chúa không hề sai anh, anh đã làm cho dân tin tưởng sự giả dối”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Năm ấy, vào đầu triều đại Sêđêcia, vua Giuđa, tháng năm, năm thứ tư, có tiên tri Hanania, con của Azur, quê ở Gabaon, nói với Giêrêmia trong Đền thờ Chúa, trước mặt các tư tế và toàn dân rằng: “Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel phán thế này: “Ta đã bỏ ách của vua Babylon. Còn hai năm nữa thì tất cả những đồ dùng trong Đền thờ Chúa, mà Nabucôđônosor, vua Babylon, đã đoạt đem qua Babylon, Ta sẽ đem về nơi này. Giêcônia, con Gioakim, vua Giuđa, cùng tất cả những người Giuđa bị lưu đày đi Babylon, Ta cũng sẽ đem về nơi này: vì Ta bỏ ách vua Babylon. Chúa phán như thế”.
Bấy giờ tiên tri Giêrêmia trả lời tiên tri Hanania trước mặt các tư tế và toàn dân đang đứng trong Đền thờ Chúa. Tiên tri Giêrêmia nói: “Được, Chúa cứ làm như vậy. Chúa cứ thực hiện những lời anh đã nói tiên tri. Ngài cứ đem các đồ dùng trong Đền thờ Chúa và mọi người lưu đày từ Babylon về nơi này. Nhưng anh hãy nghe lời tôi nói cho anh và toàn dân nghe: Các tiên tri trước anh và tôi, đã nói tiên tri từ lâu, cho nhiều xứ và vương quốc vĩ đại biết có chiến tranh, cơ cực và đói khát. Nhưng tiên tri nào nói tiên tri cho biết có hoà bình, khi ứng nghiệm lời mình nói, thì mới được nhận là tiên tri thật Chúa sai đến”.
Bấy giờ tiên tri Hanania giật cái ách nơi cổ của tiên tri Giêrêmia mà bẻ đi. Rồi Hanania nói trước mặt toàn dân rằng: “Chúa phán thế này: Hai năm nữa, Ta sẽ bẻ ách của Nabucôđô-nosor, vua Babylon, nơi cổ mọi dân tộc như thế đó”. Và tiên tri Giêrêmia bỏ đi. Nhưng sau khi tiên tri Hanania giật cái ách nơi cổ tiên tri Giêrêmia mà bẻ đi, thì có lời Thiên Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: “Hãy đi nói với Hanania rằng: Chúa phán thế này: “Ngươi đã bẻ ách gỗ, thì Ta sẽ lấy ách sắt thay vào”. Vì Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel phán: “Ta đã đặt ách sắt vào cổ mọi dân tộc này, để chúng làm tôi Nabucô-đônosor, vua Babylon. Chúng sẽ làm tôi vua ấy, và cả đến thú vật ngoài đồng, Ta cũng nạp cho vua ấy”.
Tiên tri Giêrêmia liền nói với tiên tri Hanania rằng: “Hỡi Hanania, hãy nghe đây: Chúa không hề sai anh. Anh đã làm cho dân này tin tưởng sự giả dối. Vì vậy, Chúa phán thế này: ‘Đây Ta sẽ cất ngươi khỏi mặt đất: năm nay ngươi sẽ chết, vì ngươi đã nói chống lại Chúa’ “. Và tiên tri Hanania đã chết trong tháng bảy năm ấy. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 118, 29. 43. 79. 80. 95. 102
Đáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa (c. 68b).
Xướng:
1) Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của Ngài cho con. – Đáp.
2) Xin Chúa đừng rút lời chân lý khỏi miệng con, vì con trông cậy vào sắc dụ của Ngài. – Đáp.
3) Tâm hồn chúng như mỡ đặc, vô cảm giác; phần con biết sướng vui do luật pháp của Ngài. – Đáp.
4) Nguyện cho lòng con trọn vẹn hướng về thánh chỉ, để con không bị xấu hổ thẹn thùng. – Đáp.
5) Những tên ác nhân đợi chờ để thủ tiêu con, nhưng con vẫn quan tâm đến lời Ngài nghiêm huấn. – Đáp.
6) Con không bước trật đường thánh dụ của Ngài, bởi vì chính Ngài dạy bảo con. – Đáp.
ALLELUIA: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 14, 13-21
“Mọi người đều ăn no”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những người bệnh tật trong họ.
Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”.
Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.
Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
01/08/2022 – THỨ HAI TUẦN 18 TN
Th. An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri, giám mục tiến sĩ HT
Mt 14,13-21
CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG
Bước lên bờ, Đức Giê-su trông thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. (Mt 14,14)
Suy niệm: Trong một bài ca, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắn nhủ: “Sống ở đời cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi!” Trong nhân loại, người có tấm lòng rõ nét nhất không ai bằng Đức Giê-su. Và một trong những kiểu nói gây ấn tượng hơn cả khi diễn tả tấm lòng ấy là Ngài chạnh lòng thương. Trông thấy dân chúng bơ vơ vất vưởng, Ngài chạnh lòng thương; thấy bà goá khóc thương người con trai một ở thành Na-in, Ngài chạnh lòng thương. Ta như thấy quả tim Ngài rung cảm, nhói đau trước nỗi khổ của con người. Chạnh lòng thương không chỉ được cảm nhận nơi lồng ngực của Đức Giê-su, nó còn được thốt ra từ chính môi miệng Ngài trong các dụ ngôn: người Sa-ma-ri trông thấy nạn nhân, thì chạnh lòng thương; người con thứ còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy, ông chạnh lòng thương; tôn chủ thấy tên đầy tớ mắc nợ mười ngày nén vàng bái lạy xin tha nợ, thì chạnh lòng thương…
Mời Bạn: Nhớ rằng chạnh lòng thương không phải là một tình cảm chóng qua của Đức Giê-su, nhưng nó biến thành những hành động cụ thể: với dân chúng, Ngài chữa lành các bệnh tật; với bà góa thành Na-in, Ngài cho con trai một bà được sống lại.
Sống Lời Chúa: Tập có tấm lòng như Đức Giê-su : chạnh lòng thương khi thấy đau khổ của người lân cận và có một hành vi bác ái cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, quả tim Chúa nhói đau, rung động, chạnh lòng thương khi thấy nỗi đau của nhân loại. Xin cho chúng con có được tấm lòng như Chúa khi cư xử với người khác.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Tin về cái chết của Gioan Tẩy giả là một nhắc nhở cho Đức Giêsu
về số phận tương tự của một ngôn sứ đang chờ đợi Ngài.
Đức Giêsu cùng với môn đệ rút lui khỏi đó, đi thuyền đến một chỗ vắng.
Ngài không muốn đối đầu với kẻ thù khi giờ của Ngài chưa đến.
Nhưng lạ thay chỗ vắng này lại bất ngờ biến thành chỗ đông người,
khi người ta kéo nhau đi bộ mà đến trước nơi Ngài sắp đến.
Ra khỏi thuyền, Ngài đã thấy họ ở đó rồi.
Chắc họ vui vì họ đi bộ mà nhanh hơn người chèo thuyền !
Còn Đức Giêsu thấy họ thì chạnh lòng thương,
dù kế hoạch đi lánh mặt ở chỗ vắng của Ngài bị vỡ (c. 14).
Khi môn đệ xin Thầy giải tán đám đông, để họ đi mua thức ăn cho đỡ đói,
Ngài bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả.
Chính anh em hãy cho họ ăn.”(c. 16).
Hẳn là họ đã hết sức bối rối trước mệnh lệnh khó hiểu này.
Làm sao chuyện đó xảy ra được ?
Làm sao nuôi được đám đông ngần này người ở nơi hoang vắng ?
Tất cả những gì họ có trong tay chỉ là năm cái bánh và hai con cá (c. 17).
Nhưng những điều đó thì thấm vào đâu !
Họ thất vọng, chán nản, khi thấy sứ mạng thì lớn, mà khả năng lại bé nhỏ.
“Đem lại đây cho Thầy !” (c. 18).
Thầy Giê su bảo môn đệ đem đến cho mình tất cả bánh và cá họ có.
Vấn đề không phải là ít hay nhiều, nhưng là tất cả.
Ngài cần đóng góp nhỏ bé của chúng ta để làm những điều lớn lao.
Hãy đem lại cho Ngài tất cả bánh và cá của đời ta :
một chút thời giờ, một chút khả năng, một chút thiện chí.
Rồi để mặc Ngài định liệu.
Cảnh tượng thật đẹp trong mùa xuân có bãi cỏ xanh mướt.
Dân chúng ngồi trên cỏ thành từng nhóm nhỏ.
Bánh và cá được trao từ tay các môn đệ đến tay Đức Giêsu.
Từ tay Đức Giêsu dâng lên Cha Ngài trên trời với lời tạ ơn chúc tụng.
Rồi từ tay Đức Giêsu trở lại tay các môn đệ,
từ tay các môn đệ đến tay đám đông dân chúng (c. 19),
và dân chúng hẳn đã bẻ ra chia sẻ cho nhau.
Phép lạ bánh hóa nhiều diễn ra thật mầu nhiệm.
Đức Giêsu đã không làm nên một núi bánh để các môn đệ đến lấy mà phát.
Dường như bánh đã hóa nhiều khi được bẻ ra và trao đi từ tay nọ đến tay kia.
Đức Giêsu đã phải bẻ năm cái bánh cho mười hai môn đệ.
Các môn đệ cũng phải bẻ ra để trao cho đám đông.
Nếu họ cứ giữ cho mình thì năm cái bánh sẽ mãi chỉ là năm cái bánh.
Bẻ ra và trao đi không làm người ta trở nên nghèo, nhưng trở nên dư dật.
Nếu bạn dám trao hết cho Ngài mọi sự bạn có, thì thế giới sẽ được no đủ.
Phép lạ bánh hóa nhiều mãi mãi xảy ra khi ta chia sẻ qua tay Giêsu.
Hôm nay Thầy Giêsu vẫn mời chúng ta: Các con hãy cho họ ăn.
Lời nguyện:
Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa :
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG TÁM
Tại Sao Thiên Chúa Cho Phép Sự Dữ Xảy Ra?
Thánh Kinh đảm bảo rằng “sự ác không lướt thắng được sự khôn ngoan” (Kn 7,30). Điều đó khích lệ chúng ta xác tín rằng trong kế hoạch quan phòng của Đấng Tạo Hóa, rốt cục sự dữ cũng ‘chịu thua’ sự thiện. Trong ánh sáng của sự quan phòng thần linh, chúng ta bắt đầu hiểu hai sự thật này: một là, “Thiên Chúa không muốn sự dữ vì chính nó”; hai là, “Thiên Chúa cho phép điều dữ xảy ra”.
Để hiểu tại sao “Thiên Chúa không muốn sự dữ vì chính nó”, chúng ta cần nhớ lại những lời trong Sách Khôn Ngoan: “Thiên Chúa không làm ra cái chết; Ngài cũng chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Ngài đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu” (Kn 1,13-14).
Để hiểu tại sao Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra giữa những sự vật thể lý, rất cần nhớ lại rằng vật chất thể lý – trong đó có thân xác con người – là những thứ dễ hư nát và tiêu vong. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng điều này ảnh hưởng đến chính cơ cấu của bản tính vật chất của các tạo vật này. Nhưng điều này hoàn toàn lô-gíc. Thật khó mà hình dung rằng các thụ tạo vật chất có thể tồn tại mà không bị giới hạn trong tình trạng hiện hữu của thế giới vật chất chúng ta. Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng nếu “Thiên Chúa không làm ra cái chết” – như Sách Khôn Ngoan khẳng định – thì đồng thời Ngài vẫn cho phép cái chết xảy ra, trong viễn tượng của sự tốt lành phổ quát của toàn vũ trụ vật chất.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01/8
Thánh Alphongsô Maria Liguori
Giám mục tiến sĩ Hội Thánh
Gr 28, 1-17; Mt 14, 13-21.
LỜI SUY NIỆM: Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho các môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng.”
Các phép lạ hóa bánh ra nhiều, khi Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng, bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ Người để nuôi dưỡng đám đông, là hình ảnh tiên báo sự vô cùng phong phú của tấm bánh duy nhất là Thánh Thể của Người. Dấu chỉ nước hóa thành rượu ở Cana đã loan báo giờ vinh quang của Chúa Giêsu. Dấu chỉ này biểu lộ sự hoàn tất của bữa tiệc cưới trong Nước của Chúa Cha, nơi các tín hữu uống rượu mới đã trở thành Máu Đức Kitô. (GL số 1335)
Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn nhìn đến chúng con với một tâm tình “Động Lòng Thương”. Xin cho chúng con luôn biết tạ ơn và cũng luôn nhìn đến người anh em, đặc biệt với người nghèo khổ, bệnh tật với một tâm hồn như Chúa; để phục vụ giúp đỡ và cầu nguyện cho họ; để tất cả được hưởng cùng một niềm vui trong Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 01-08
Thánh ALPHONSÔ LIGUORI
Giám mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (1696 – 1787)
Thánh Alphongsô Maria Liguori sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marinella gần Naples và là con trưởng trong 7 anh em. Ngay từ trong nôi, Ngài là giao điểm tập hợp ân huệ đáng mơ ước như trí thông minh, danh giá, tài sản, thiên khiếu nghệ thuật và một tấm lòng đại độ.
Trong khi đó người mẹ rất đạo hạnh nghĩ rằng: – Các ân huệ tốt đẹp nhất sẽ chẳng có giá trị gì nếu không hướng về Chúa. Người lãnh nhiều phải trả nhiều.
Như vậy ân phúc kỳ diệu nhất mà Alphongsô nhận được chính là giáo huấn của người mẹ. Alphongsô học tiếng Hy lạp, tiếng Latinh, tiếng Pháp và toán. Ngài say mê âm nhạc và hội họa. Là một con người có chí. Alphongsô gây ảnh hưởng tốt đối với chúng bạn. Bằng sự trong trắng tế nhị và lòng đạo đức của mình. Một người bạn kể lại rằng: có lần thua cuộc chơi và giận dữ đến độ trở nên sỗ sàng. Alphongsô buồn phiền nghỉ chơi và nói: – “Chúa không muốn tôi được chút tiền đã khiến cho bạn làm phiền lòng Ngài”
Thế rồi Alphongsô biến mất vào vườn. Các bạn đổ xô đi tìm Ngài và gặp Ngài đang quỳ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ đặt trên cành cây. Người bạn xấu xúc động nói : – “Tôi đã làm phiền một vị thánh”.
Alphongsô thành công rất sớm trên cùng đời. 17 tuổi Ngài đậu bằng tiến sĩ luật khoa cả về giáo luật lẫn dân luật và đã bắt đầu hành nghề luật sư. Khả năng hùng biện của Ngài hứa hẹn một tương lai sáng lạn. Nhưng tuổi trẻ cũng có cớ dẫn Ngài tới lỗi lầm với trong hậu quả bi thảm, năm 1723 trong một vụ kiện, Ngài biện hộ với một giọng nói hùng hồn. Lý lẽ vững chắc, làm cho cả tòa án phải ngỡ ngàng tán thưởng. Nhưng khi vừa dứt lời, đối thủ ôn hoà vạch ra một lỗi nhỏ mà Ngài không nhận thấy. Chính lỗi nhỏ đó đã tiêu hủy luận chứng lẫn danh tiếng của Ngài.
Thất bại Alphongsô rất đau buồn và đã đóng cửa phòng hai ngày liền. Ngài suy nghĩ và tự hỏi rằng: “Đây không phải là lời mời gọi của Chúa hay sao …? Bỏ nghề, Ngài nói : – “Oi thế gian, ta đã biết ngươi. Hỡi pháp đình, ngươi sẽ không còn gặp ta nữa”.
Ngài tìm đường sống và dấn thân cho công cuộc bác ái. Một ngày kia, đang khi thăm viếng các bệnh nhân trong một nhà thương, Ngài nghe hỏi: – “Ngươi làm gì ở thế gian này ?”
Nhìn chung quanh Ngài không thấy ai, nhưng Ngài vẫn nghe hỏi một lần nữa. Vào một nguyện đường dâng kính Đức Mẹ từ bi gần đó, Ngài hứa sẽ gia nhập dòng giảng thuyết và làm linh mục. Đặt thanh gươm trên bàn thờ Ngài nói:- “Lạy Chúa này con đây, xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa. Con là gì và con có chi, con xin hiến dâng để phụng sự Chúa”.
Nghe tin này cha Ngài giận dữ, Ngài quyết bỏ nghề, bỏ cả vị hôn thê của Ngài sao ? Ngài đã trả lời rằng: đối với Chúa chẳng có hy sinh nào gọi là quá lớn lao cả. Ngài cương quyết giữ ý định và cha Ngài không thèm nhìn đến Ngài nữa. Năm 1726, Ngài thụ phong linh mục.
Thánh nhân rao giảng khắp vương quốc Naples. Cha Ngài giận dữ quyết không chịu nghe. Ngày kia ông vào một thánh đường, đúng lúc con ông đang thuyết giảng. Thoạt đầu ông giận dữ, nhưng rồi dần dần ông mềm lòng. Ơn Chúa đã đến nhờ lời giảng dạy của con ông. Kết thúc giờ phụng vụ ra về ông nói: “Con tôi đã làm cho tôi được biết Chúa”.
Suốt đời, thánh Alphongsô không những chỉ nỗ lực trong công việc tri thức mà còn lo tiếp xúc với dân chúng. Ngài chỉ thích việc ngồi tòa hơn là việc nghiên cứu. Ngài mang đặc điểm của một linh mục truyền giáo. Thành quả của Ngài thực hiện được chính là dòng Chúa Cứu Thế, thành lập tại Scala tháng 11 năm 1732. Dầu cho từ đầu, hội dòng đã bị phân rẽ thành hai phe và thánh Alphongsô phải khởi đầu lại, với hai người bạn, nhưng hội dòng cũng khởi sự lớn dần. Dòng được chuẩn nhận ngày 21 tháng 2 năm 1749.
Năm 1548 thánh nhân xuất bản bộ thần học luân lý, được đức giáo hoàng Bênêdictô XIV phê chuẩn và gặt trong nhiều thành quả tức thời.
Năm 1762 Đức Clementô XIV đặt Ngài làm giám mục cai quản địa phận Agata. Ngài nỗ lực thăng tiến lòng đạo đức trong điạ phận, khởi sự từ viêc canh tân hàng giáo sĩ. Năm 1775 Ngài được đức giáo hoàng Piô VI cho phép từ nhiệm để về sống trong dòng tại Nocera.
Những năm cuối đời, thánh Alphongsô đã trải qua rất nhiều đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Dầu trong “đêm tối của linh hồn” Ngài vẫn không nao núng và luôn kiên trì cầu nguyện. Ngài nói: “Ai cầu nguyện sẽ được cứu thoát, ai không cầu nguyện sẽ tự luận phạt”. Cuối cùng Ngài tìm được bình an và qua đời năm 1787.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
01 Tháng Tám
Bài Giảng Của Vị Giáo Trưởng
Trong một thị trấn nhỏ bên Liên Xô. Một số người Do Thái đang chờ đón vị giáo trưởng của họ. Ðã lâu lắm cộng đoàn của họ không có người lãnh đạo. Vị giáo trưởng lại cư ngụ trong một thành phố khác. Ông chỉ đến thăm cộng đoàn nhỏ bé này mỗi năm một lần. Ai ai cũng náo nức được gặp con người thánh thiện nổi tiếng này. Mọi người chuẩn bị những câu hỏi mà họ sẽ lần lượt nêu lên để xin vị giáo trưởng giải đáp.
Khi ông đến nơi, sự căng thẳng càng hiện lên trên nét mặt của nhiều người. Ai cũng đang trong tư thế giơ tay để đặt câu hỏi. Nhưng khi mọi người đã an tọa trong phòng họp, vị giáo trưởng không nói lời nào. Ông đưa mắt nhìn mọi người. Một hồi lâu, ông bỗng ngân nga một điệu nhạc. Mọi người đều bắt chước làm theo. Vị giáo trưởng lại cất tiếng hát lên một bài ca quen thuộc. Mọi người cũng hát theo ông… Mọi người tưởng nghi thức mở đầu ấy sẽ chấm dứt và vị giáo trưởng sẽ nói lên những lời vàng ngọc.
Nhưng không, trái với sự chờ đợi của mọi người, hết bài ca này đến bài ca khác, ông không ngừng bắt lên những bài ca mới. Khi các bài ca vừa dứt, ông bước xuống khỏi bục giảng và bắt đầu nhảy múa. Ông vừa nhảy vừa vỗ tay, không mấy chốc cả cử tọa cũng bước ra khỏi ghế và nhảy theo ông. Tiếng vỗ tay, tiếng hát, tiếng nhịp chân lôi kéo mọi người vào điệu múa khiến họ không còn nhớ đến những câu hỏi mà họ đã chuẩn bị từ mấy hôm trước. Cả cộng đoàn hòa nhịp với nhau trong đôi chân, cùng nắm tay nhau, cùng khăng khít với nhau trong phấn khởi, vui tươi, cảm thông, hiệp nhất…
Khi các điệu vũ đã chấm dứt, mọi người trở về chỗ ngồi của mình. Lúc bấy giờ, vị giáo trưởng mới lên tiếng nói và ông chỉ nói có vỏn vẹn một câu ngắn ngủi như sau: “Tôi tin chắc rằng tôi đã trả lời cho mọi thắc mắc của anh chị em”.
Cô đơn là nguyên nhân gây ra mọi thứ xáo trộn, bệnh tật trong chúng ta. Cô đơn đưa chúng ta đến sầu muộn. Sầu muộn đưa chúng ta đến nổi loạn. Nổi loạn đưa chúng ta đến tội ác…
Có những người bị người khác đày đọa cô đơn, nhưng cũng không thiếu những người tự giam hãm vào cô đơn. Nhưng đày đọa kẻ khác vào cô đơn cũng có nghĩa là cắt bớt đi một sợi dây liên kết, là tiến dần đến chỗ cô đơn.
Ðể ra khỏi cô đơn, liều thuốc duy nhất chính là làm cho người khác bớt cô đơn. Một tiếng hát vui tươi cất lên để mời gọi mọi người cùng hát với mình, một tiếng vỗ tay tung ra để mời gọi mọi người cùng phấn khởi với mình, một nhịp bước đưa ra để mời gọi mọi người cùng nhảy múa với mình: khi hòa nhịp với nhau trong một niềm vui chung, người ta sẽ xóa đi được bao nhiêu vấn đề vướng mắc trong tâm tư.
Có ra khỏi chính mình để chia vui sẻ buồn với người, có ra khỏi chính mình để chỉ nghĩ đến những ưu tư phiền muộn của người, có ra khỏi chính mình để lo lắng cho người, để giúp đỡ người, chúng ta mới làm vơi đi được nỗi cô đơn của mình và cũng giúp người bớt cô đơn.
Cho thì có phúc hơn nhận lãnh: càng trao ban, càng ra khỏi chính mình, chúng ta mới cảm thấy vơi nhẹ đi những ưu tư, lo lắng của mình…
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai – Tuần 18 – TN2 – Năm Chẵn
Bài đọc: Jer 28:1-17; Mt 14:22-36
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhà lãnh đạo phải có bản lĩnh.
Trong cuộc đời chúng ta thấy có nhiều nhà lãnh đạo; nhưng không phải ai cũng là những nhà lãnh đạo có bản lĩnh. Có những nhà lãnh đạo thành công khi gặp cơ hội thuận tiện; nhưng khi phải đương đầu với những khó khăn và nguy hiểm trên đường, họ không có bản lĩnh đủ để vượt qua các trở ngại để bảo vệ dân chúng.
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những ví dụ của hai nhà lãnh đạo có bản lĩnh. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah phải đương đầu với ngôn sứ giả Hananiah. Dân chúng có khuynh hướng chạy theo Hananiah, vì ông có những lời mà dân chúng muốn nghe: bình an sẽ trở lại mau chóng, các vật dụng trong Đền Thờ sẽ được trả về, và vua Judah là Jeconiah sẽ được hồi hương trở về để lãnh đạo quốc gia. Đứng trước khó khăn này, Jeremiah chọn thái độ kiên nhẫn và tìm dịp cho dân chúng nhận ra sự thật đến từ Đức Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bị các tông đồ tạo áp lực thiếu của ăn để Ngài phải giải tán dân chúng; nhưng Chúa Giêsu đòi chính các ông phải cho dân chúng ăn. Ngài đã dùng năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi năm ngàn người đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ thơ. Chúa Giêsu có ý muốn dạy các tông đồ phải có lòng quan tâm đến dân chúng cả phần hồn cũng như phần xác, cho dù có phải đương đầu với những khó khăn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cuộc tranh chấp giữa tiên tri thật Jeremiah và tiên tri giả Hananiah.
1.1/ Ngôn sứ thật và ngôn sứ giả: Bối cảnh lịch sử của cuộc tranh chấp trong trình thuật hôm nay là thời gian đầu khi Jerusalem bị thất thủ và một số vua quan và dân Do Thái đã bị lưu đày bên Babylon; nhưng Đền Thờ chưa bị phá hủy. Sống trong tình cảnh như thế, ngôn sứ giả biết rõ lòng dân đang mong đợi những gì, và ông biết lợi dụng nước đục để thả câu.
Có tiên tri Hananiah, con của Azzur người Gibeon, tuyên sấm nhân danh Thiên Chúa như sau: “Còn hai năm nữa, Ta sẽ đem về nơi này (Jerusalem) mọi đồ dùng trong Nhà Đức Chúa mà Nebuchadnezzar, vua Babylon, đã lấy ra khỏi nơi này đưa sang Babylon. Cả Jeconiah, con của Jehoiakim, vua Giuđa và tất cả những người Giuđa bị lưu đày sang Babylon, chính Ta sẽ dẫn chúng về nơi đây, sấm ngôn của Đức Chúa, vì Ta bẻ gãy ách của vua Babylon!”
Đương đầu với lời tiên tri sai sự thật này, tiên tri Jeremiah nói với tiên tri Hananiah như sau: “A-men! Ước gì Đức Chúa làm như thế! Ước gì Người thực hiện các điều ông vừa tuyên sấm, và đưa các đồ dùng trong Nhà Đức Chúa cũng như tất cả những người lưu đày từ Babylon trở lại nơi này. Nhưng xin ông lưu ý đến lời tôi sắp nói cho ông và cho toàn dân nghe đây.” Tiên tri Jeremiah rất khôn ngoan để cắt nghĩa cho toàn dân biết: nói tiên tri ai cũng nói được; nhưng để biết lời tiên tri đó có ứng nghiệm không, phải mất thời gian để kiểm chứng hậu quả của nó. Jeremiah nói với Hananiah: “Các ngôn sứ có trước tôi và ông từ ngàn xưa đã tuyên sấm về nhiều xứ sở và vương quốc hùng mạnh, là sẽ có chiến tranh, tai ương và ôn dịch; còn ngôn sứ nào tuyên sấm có bình an, thì chỉ khi nào lời ngôn sứ ấy ứng nghiệm, ông mới được nhìn nhận là ngôn sứ Đức Chúa sai đến thật sự!”
1.2/ Hậu quả chứng minh ai là ngôn sứ thật: Thùng rỗng kêu to, khi nghe những lời ấy, Hananiah tức giận tháo cái gông Jeremiah đang đeo trên cổ ra và bẻ gãy. Rồi ông Hananiah nói trước mặt toàn dân rằng: “Đức Chúa phán như sau: “Cũng giống như thế, hai năm nữa, Ta sẽ bẻ gãy cái ách của Nebuchadnezzar, vua Babylon, không còn để nó đè trên cổ mọi dân tộc.”
Jeremiah vẫn kiên nhẫn và rút lui cầu nguyện với Thiên Chúa. Sau đó, ông nghe lời Đức Chúa phán và đi nói với Hananiah như sau: “Ngươi đã bẻ gãy những cái gông bằng gỗ, thì hãy làm những cái gông bằng sắt thế vào! Quả thật, Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel, phán như sau: Ta sẽ quàng một cái ách bằng sắt vào cổ tất cả các dân tộc này, khiến chúng phải làm tôi Nebuchadnezzar, vua Babylon, và chúng sẽ làm tôi nó. Ngay cả những giống vật ngoài đồng, Ta cũng trao cho nó.”
Và tiên tri Jeremiah tuyên án Hananiah: “Ông Hananiah, hãy nghe đây, Đức Chúa chẳng hề sai ông, thế mà ông lại làm cho dân này tin vào điều dối trá. Bởi thế, Đức Chúa phán như sau: Này, Ta sẽ bứng ngươi ra khỏi mặt đất: Ngay năm nay, ngươi sẽ phải chết vì ngươi đã hô hào nổi loạn chống Đức Chúa.” Tiên tri Hananiah đã chết vào tháng bảy năm ấy. Điều này là bằng chứng hùng hồn cho thấy ông là tiên tri giả, và Jeremiah là tiên tri thật. Jeremiah đã vững tin nơi Đức Chúa, không sợ nói sự thật, và kiên nhẫn dạy bảo dân chúng.
2/ Phúc Âm: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.”
1.1/ Phản ứng sợ sệt của các môn đệ: Phép lạ “Bánh hóa nhiều để nuôi 5,000 người ăn” là một trong những phép lạ được tường thuật bởi cả 4 thánh-ký. Chúng ta có thể trưng dẫn một số lý do các môn đệ xin Chúa Giêsu giải tán dân chúng để họ đi kiếm của ăn trong các làng mạc:
– Sợ tốn tiền: Philip thưa với Chúa: “Hai trăm bạc cũng không đủ cho mỗi mỗi người một mẩu bánh nhỏ!” (Jn 6:7).
– Sợ phải san sẻ những gì mình có: Ông Andrew thưa với Chúa: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá. Làm sao đủ để chia cho mọi người!” (Jn 6:9).
– Sợ phải vất vả đi kiếm của ăn cho dân chúng. Các môn đệ có thể nghĩ: Chúa Giêsu và các ông chỉ có trách nhiệm phần hồn như dạy dỗ và chữa lành; phần xác dân chúng có bổn phận phải lo lấy. Làm sao Chúa Giêsu và các ông có thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của dân chúng?
1.2/ Phản ứng thương xót của Đức Kitô: Chúa Giêsu chạnh lòng thương dân chúng về phần hồn, vì họ không biết sự thật để sống. Ngài cũng chạnh lòng thương dân chúng về phần xác, vì sợ họ sẽ ngất xỉu vì đói trên đường về nhà. Vì thế, Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.”
Người lãnh đạo có bản lĩnh không chỉ quan tâm đến một hay hai khía cạnh trong đời sống của dân chúng; nhưng phải mở rộng đến mọi khía cạnh phần hồn cũng như phần xác. Như một Mục Tử Tốt Lành, Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta những điều sau: Người dạy dỗ, chữa lành, và nuôi dưỡng dân chúng. Người không những lo lắng hiện tại, mà còn chuẩn bị để có người lo tương lai cho dân chúng, bằng cách huấn luyện các môn đệ để tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng và loan truyền tình thương. Người còn lập bí-tích Thánh Thể để ở lại an ủi và nuôi dưỡng dân chúng: Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Nhà lãnh đạo phải có can đảm đương đầu với sự dối trá bằng cách nói thật, sống thật, và làm chứng cho sự thật.
– Nhà lãnh đạo có bản lĩnh phải quan tâm đến mọi nhu cầu của dân chúng, phần hồn cũng như phần xác; chứ không được nhường bước trước khó khăn và để dân chúng muốn ra sao thì ra.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************