Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai tuần 22 Thường Niên – Năm A
BÀI ÐỌC I: 1 Tx 4, 13-17
“Nhờ Ðức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem những người đã chết đến làm một với Người”.
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, chúng tôi chẳng muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ, để anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những kẻ không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin Ðức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết nhờ Ðức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người. Bởi vậy, chúng tôi dựa vào lời Chúa để nói cùng anh em điều này: chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn sót lại khi Chúa đến, thì chúng ta không đi trước những người đã an nghỉ. Vì khi nghe lệnh và tiếng Tổng lãnh Thiên thần, và tiếng loa Thiên Chúa, thì chính Chúa từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ sống lại trước hết, rồi đến chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn sống sót, chúng ta sẽ được nhắc lên cùng với họ trên các tầng mây, đi đón Ðức Kitô trên không trung, và như vậy, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa luôn mãi.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 95, 1 và 3. 4-5. 11-12. 13
Ðáp: Chúa ngự tới cai quản địa cầu (c. 13ab).
1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.
2) Vì Thiên Chúa, Người hùng vĩ và rất đáng ngợi khen, Người khả úy hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh.
3) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan, biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên, đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở.
4) Trước nhan Thiên Chúa: vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh và chư dân cách chân thành.
ALLELUIA: Tv 110, 8ab
All. All. – Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời. – All.
PHÚC ÂM: Lc 4, 16-30
“Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó… Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?” Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: “Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình”; “điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông”. Người nói tiếp: “Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”. Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.
Ðó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
04/09/2023 – THỨ HAI TUẦN 22 TN
Lc 4,16-30
PHÁ ĐỔ THÀNH KIẾN
Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. (Lc 4,21-22)
Suy niệm: Dân làng Na-da-rét vừa mới “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Đức Giê-su”, thế rồi họ lại tức tốc ‘quay xe’ thái độ biến thành ghen tức, phẫn nộ đến mức muốn xô Ngài xuống vực cho chết đi. Hòn đá vấp phạm dẫn đến cơ sự ấy chính là cái nhìn thành kiến của họ về xuất thân của Ngài là con bác thợ Giu-se và bà Ma-ri-a đang sống cuộc đời rất đỗi bình dị ở giữa họ. Đã vậy, chẳng những Đức Giê-su không chiều ý họ để làm những phép lạ như Ngài đã từng làm tại Ca-phác-na-um, Ngài còn đụng chạm đến lòng tự ái địa phương của họ khi nói rằng “không ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương của mình”.
Mời Bạn: Thành kiến như bức tường đá ngăn cản chúng ta thấy được những điều tốt đẹp nơi người khác. Nó còn đóng băng người khác trong những lỗi lầm khuyết điểm của họ, khiến chúng ta không nhận ra được họ đã được biến đổi trở nên tốt đẹp như thế nào. Để phá vỡ thành kiến, cần có thái độ của Na-tha-na-en, người vốn cho rằng “ở Na-da-rét nào có chi hay” nhưng đã biết mở lòng đến gặp gỡ Đức Ki-tô và được Ngài biến đổi cuộc đời.
Chia sẻ: Nhìn nhận và trân trọng điều tốt đẹp nơi người khác là cách để phá vỡ thành kiến. Bạn có nghĩ như vậy không?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn khám phá một ưu điểm của một người mà bạn không ưa thích.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin biến đổi tâm hồn con nên hiền lành và khiêm nhường, và xin cho con biết nhìn mọi người bằng cái nhìn của Chúa, để con nhận ra và quý trọng những điều tốt đẹp nơi anh em con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể chuyện Đức Giêsu
đến giảng tại hội đường Nadarét, vào một ngày sa-bát (c. 16),
Dù trước đó Ngài đã giảng tại Caphácnaum và nhiều nơi khác (cc. 15. 23),
nhưng thánh Luca đã cố ý đặt ngay ở đầu sứ vụ công khai
cuộc gặp gỡ đặc biệt này giữa Ngài với người đồng hương ở Nadarét.
Đây là nơi Đức Giêsu tuyên bố chương trình sắp tới của Ngài.
Chương trình ấy được gói trong những câu trích dẫn từ ngôn sứ Isaia.
Được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần (Lc 1, 35),
và được lãnh nhận Thần Khí khi chịu phép rửa (Lc 3, 22),
Đức Giêsu đã được xức dầu để nhận lãnh sứ mạng làm ngôn sứ.
Sứ mạng này chủ yếu là loan báo Tin Mừng cho người nghèo.
Loan báo Tin Mừng là động từ hay được Luca sử dụng (4, 43; 7, 22; 8,1…).
Tin Mừng này trước hết dành cho người nghèo theo nghĩa đen,
nghĩa là những người không có thu nhập cao, không đủ ăn, đủ mặc.
Ai là người nghèo nữa dưới mắt của Đức Giêsu ?
Đó là những người nghèo tự do, phải chịu cảnh giam cầm.
Họ có thể là những người bị tù đày chỉ vì không có tiền trả nợ.
Đó là những người nghèo sức khỏe,
họ bị coi là chịu sự trói buộc của Xa-tan (Lc 13, 16),
Đó là những người nghèo đời sống tâm linh,
họ phạm tội nên thấy mình xa cách Thiên Chúa và cộng đoàn.
Đức Giêsu đến để giải thoát những người nghèo này khỏi áp bức.
Ngài kéo họ ra khỏi cảnh nô lệ và trả lại tự do cho họ.
Chính vì thế Tin Mừng của Nước Thiên Chúa luôn đem lại niềm vui.
Đức Giêsu đã loan báo: Phúc cho anh em là người nghèo (Lc 6, 20).
Ngài đã chữa bệnh cho những kẻ ốm đau thân xác,
đã mở mắt người mù để họ thấy ánh sáng của ơn cứu độ.
Ngài cũng đã giao du và ăn uống với những tội nhân để đưa chiên lạc về.
Bởi đó thời của Đức Giêsu là Năm hồng ân, Năm Thánh.
Lời giảng của Đức Giêsu bước đầu đã được dân làng thán phục.
Họ có vẻ hãnh diện vì một người trong làng được lừng lẫy tiếng tăm.
Nhưng Đức Giêsu không muốn mình bị chi phối bởi dân làng.
Ngài không muốn bị buộc phải dành chút ưu tiên nào cho Nadarét (c. 23).
Đức Giêsu còn nhìn xa hơn đến sứ vụ nơi dân ngoại (cc. 25-27).
Ngài nhắc đến hai vị ngôn sứ trong Cựu Ước là Êlia và Êlisa.
Hai vị này đã giúp bà góa ở Xiđôn và tướng Naaman ở Xyri.
Dân Nadarét phẫn nộ và định giết Đức Giêsu khi Ngài nói rằng
Thiên Chúa chỉ sai hai ngôn sứ trên đến với dân ngoại mà thôi.
Thế giới hôm nay giàu hơn, nhưng vẫn còn lắm người nghèo như xưa.
Nghèo vì thiếu những điều kiện sống cơ bản, thiếu những quyền lợi căn bản.
Nghèo vì chưa được nghe biết về Đức Giêsu,
hay nghèo vì đã gạt Thiên Chúa ra khỏi đời mình.
Loan báo Tin Mừng là làm con người thực sự thêm giàu có.
Khi đọc Tin Mừng Luca và cả sách Công vụ Tông đồ
dưới ánh sáng từ bài Tin Mừng hôm nay,
chúng ta sẽ thấy Đức Giêsu từ từ thực hiện những gì Ngài đã tuyên bố.
Trong bài này ta cũng thấy bóng dáng cả cuộc đời tương lai của Ngài:
được đón nhận lúc đầu, nhưng rồi bị khước từ, và cuối cùng bị giết chết.
Lời nguyện
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin ;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống ;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG CHÍN
Cắm Rễ Thâm Sâu Trong Thiên Chúa
Ý nghĩa của việc “củng cố mạnh mẽ con người nội tâm” – là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta – được giải thích rõ trong thư gửi tín hữu Eâphêsô: “Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để có đủ sức thấu hiểu và nhận biết tình yêu của Đức Kitô vốn vượt quá mọi sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa”. (Ep 3,17-19).
Điều đó chỉ có thể được hoàn thành bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động trong tinh thần con người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khai phóng cho chúng ta sự viên mãn của con người nội tâm như được tìm thấy nơi tấm lòng của Đức Kitô. Chỉ có Ngài mới có thể làm cho tâm hồn chúng ta ngày càng hấp thu năng lực từ nguồn viên mãn này. Tâm hồn chúng ta – tức con người nội tâm – không thể chỉ dừng lại nơi những ưu tư về các thực tại chóng qua. Không, chúng ta phải “bén rễ sâu” trong tình yêu không bao giờ hư mất.
Nguyện xin Nữ Tì khiêm cung của Thiên Chúa cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, để trái tim nhân loại của chúng ta có thể “bén rễ sâu” trong Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài là tình yêu không bao giờ hư mất. Và tình yêu này được mạc khải nơi trái tim nhân loại của Đấng được sinh bởi cung lòng Đức Maria.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 04/9
1Tx 4, 13-18; Lc 4, 16-30.
Lời Suy niệm: “Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng, Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát.”
Mỗi người trong chúng ta hãy cùng nhau hình dung hình ảnh Chúa Giêsu tiến vào hội đường Nadarét, và Người đọc Sách ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa đang đến với mỗi người trong chúng con. Xin cho Lời Chúa dẫn chúng con vào Nhà Thờ mọi ngày, đặc biệt là ngày Chúa Nhật hằng tuần để chúng con cùng hiệp thông với nhau trong thú tội và sám hối, cầu nguyện cho nhau; lắng nghe Lời Chúa dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần; cùng nhau dâng lễ Tạ Ơn; cùng nhau nhận được bình an của Chúa và của nhau. Để rồi cùng nhau được chia sẻ cùng một Tấm Bánh. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
04 Tháng Chín
Người Ta Sao, Tôi Vậy!
Theo khuynh hướng tự nhiên, có lẽ ai trong chúng ta cũng thích dựa theo đám đông để hành động.
Chúng ta thử quan sát trong sự đi lại trong các thành phố. Cũng như xe cộ, khách bộ hành cũng phải tuân theo đèn xanh, đèn đỏ. Những buổi chiều khi tan sở, người ta thường thấy các xe cộ nối đuôi nhau ở các ngã tư. Ðối lại với một chuỗi dài của những xe cộ, người ta cũng thấy lố nhố cả một đoàn người đang chờ đèn xanh để qua đường.
Quan sát cho kỹ, thỉnh thoảng người ta thấy một điều rất buồn cười, nhưng cũng rất bình thường: nếu có một người trong đám bộ hành này, vội vàng vì công việc hoặc không đủ kiên nhẫn, đã lợi dụng lúc vắng xe để băng qua đường bất chấp đèn đỏ, thì lúc đó, một số người trong đám đứng đợi cũng sẽ làm theo, nghĩa là cũng sẽ băng qua đường ngay giữa lúc đèn còn đỏ… Những người đi theo này có lẽ không nhìn thấy những dấu hiệu của luật lệ đi đường, mà chỉ làm theo người khác. Ðối với những người này, dấu hiệu để băng qua đường này không phải là đèn xanh, mà là gương của người khác.
Trong cuộc sống hằng ngày cũng thế, nhiều người trong chúng ta có lẽ không hành động, không cư xử theo những dấu hiệu, theo những chỉ dẫn của chân lý, mà có lẽ theo gương kẻ khác nhiều hơn. Người ta làm sao, tôi làm vậy! Ðó là lý luận thông thường của chúng ta. Như thế người vượt đèn đỏ để băng qua đường chỉ làm một hành động cá nhân cho riêng mình, mà còn trở thành dấu hiệu để cho không biết bao nhiêu người làm theo.
Không ai có thể tự phụ sống cho riêng mình mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người khác. Bằng lời nói hay hành động, tất cả mọi hành xử của chúng ta đều gây một chấn động nào đó với người khác. Một cách nào đó, chúng ta không sống như một hòn đảo, mà là một dấu hiệu đối với người khác.
Riêng với những môn đệ của Ðức Kitô, thì vai trò dấu hiệu ấy càng hiển nhiên hơn. Thật thế, Chúa Giêsu đã quả quyết: “Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế gian”.
Ước gì cuộc sống chứng ta của bác ái, của nhẫn nhục, của tha thứ, của quảng đại, của phục vụ và của sự cần kiệm liêm chính mà người Kitô luôn phải thể hiện, có sức trở thành dấu hiệu của chân lý, của Sự Sống. Và để trở thành dấu hiệu cho người khác, người Kitô cần phải luôn hướng nhìn về Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Sống theo Ngài, cư xử như Ngài, người Kitô cũng sẽ lôi cuốn nhiều người đến với Ngài.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai – Tuần 22 – TN1
Bài đọc: I Thes 4:13-18; Lc 4:16-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy vọng vào cuộc sống trường sinh giúp con người diệt trừ bản ngã.
Một trong những lý do ngăn cản con người tiến tới trên đường trọn lành là bản ngã: cái tôi ích kỷ trong con người. Hầu như mọi tội lỗi đều có nguồn gốc từ bản ngã này. Trong khi Đức Kitô cố gắng dạy dỗ các môn đệ vượt qua khuynh hướng xấu xa này, thì đa số nhân loại ngày nay lại tôn thờ nó dưới mầu sắc khác nhau: khuynh hướng cá nhân chỉ nhằm đạt lợi ích cho bản thân, khuynh hướng vật chất chỉ nhằm hưởng thụ vật chất và gạt ra ngoài những giá trị luân lý, tinh thần. Làm sao con người có thể diệt trừ bản ngã này?
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta hiểu sự nguy hiểm của bản ngã này và cách để diệt trừ chúng. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô hướng lòng các tín hữu Thessalonica đến mục đích tối hậu của cuộc đời là hy vọng được sống trường sinh bất tử với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn vạch ra tai hại của những người sống theo bản ngã này: họ từ chối và muốn tiêu diệt ngay cả Đấng đem lại cho họ niềm hy vọng được sống đời đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hy vọng của chúng ta là sẽ được cùng sống lại với Đức Kitô.
1.1/ Sự cần thiết của hy vọng: Hy vọng như thế nào, sẽ sống như thế ấy. Nếu không hy vọng vào cuộc sống mai sau, con người sẽ níu kéo những giá trị của đời tạm này. Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu hai điều chính về cuộc đời:
(1) Chết không hết, nhưng bắt đầu cuộc sống đời đời với Thiên Chúa: Ngài nói: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng.”
(2) Đức Kitô là niềm hy vọng của các tín hữu: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu.”
1.2/ Ngày Chúa Quang Lâm: Truyền thống Do-thái, trước khi Chúa Giêsu đến, hiểu rất mơ hồ về Ngày Chúa Đến và về cuộc sống đời đời. Đa số cho hạnh phúc của những người được ơn nghĩa với Chúa chỉ giới hạn trong cuộc đời này: được khỏe mạnh, sống lâu, con đàn cháu đống, được bình an hạnh phúc; nhưng khi chết là hết. Thư thánh Phaolô gởi tín hữu Thessalonica I (được viết khoảng 50-60 AD) là tài liệu đầu tiên cho chúng ta mặc khải của Đức Kitô về những gì xảy ra sau cái chết.
Thánh Phaolô nói về Ngày Chúa Đến như sau: “Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.”
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa cho mọi người có cơ hội đồng đều, nhưng không phải ai cũng biết lợi dụng cơ hội.
2.1/ Chúa Giêsu giảng giải cho người đồng hương: Trình thuật kể: Đức Giêsu đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabbath, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaiah. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
2.2/ Chúa Giêsu hiểu rõ thái độ của người đồng hương: Chúa Giêsu không im lặng để nhận tiếng khen, Ngài muốn họ phải đối diện với thực tế và sửa đổi hai điều.
(1) Họ muốn Ngài làm nhiều phép lạ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Capernaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” Làm phép lạ là để khơi dậy niềm tin, chứ không phải để điều khiển người làm phép làm điều mình muốn. Khi không thấy dấu hiệu của đức tin, Chúa Giêsu từ chối việc làm phép lạ.
(2) Họ sẽ khinh thường Ngài, vì “bụt nhà không thiêng:” Chúa Giêsu biết rõ thái độ này của họ, nên Ngài bảo: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”
Tại sao con người có thái độ khinh thường những người trong gia đình hay trong cộng đoàn? Vì họ không muốn ai hơn mình trong cộng đoàn. Người ngoài đến rồi đi, họ không ảnh hưởng gì trong cộng đoàn. Người trong cộng đòan là người sống thường xuyên với mình: đề cao họ là làm giảm giá trị của mình; vì thế, khi khinh thường người đồng hương, là đồng thời họ đang đề cao cái tôi của mình. Đây là thái độ vẫn đang xảy ra trong gia đình và cộng đoàn: khinh thường người trong nhà, người đồng hương, người trong Dòng, người cùng một nước. Trái lại, đề cao và tôn trọng người ngoài. Lẽ ra, chúng ta phải nâng đỡ và khuyến khích anh/chị/em cùng nhà và cùng nguồn gốc, vì “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.” Đây là thái độ giết tài năng của người trong gia đình, và ngăn cản việc cùng nhau cộng tác. Nếu vượt qua được thái độ này, gia đình và cộng đoàn sẽ tiến rất mau và mạnh.
Chúa Giêsu muốn sửa chữa thái độ của họ, nên Ngài đưa ra hai sự kiện lịch sử để chứng minh tai hại của thái độ “bụt nhà không thiêng.” Ngài nói: “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Elijah, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Zareptha miền Sidon. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Elisah, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi.”
Lịch sử tái diễn khi Chúa Giêsu vừa nói xong những lời này, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Lẽ ra họ phải biết sáng suốt chấp nhận thực tế: khen và tôn trọng những gì đáng khen; phán xét theo như sự việc là, đừng để bất cứ thành kiến nào ngăn chận để đưa đến phán đoán sai lầm; nhưng họ để cho cái bản ngã ích kỷ và thành kiến che mắt để rồi lại muốn giết luôn Đấng mong muốn mọi sự tốt lành cho họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Hy vọng vào cuộc sống trường sinh phải là động lực chính giúp chúng ta vượt qua cái tôi ích kỷ của mình để làm theo những gì Đức Kitô dạy dỗ.
– Khi chúng ta tháo bỏ bản ngã của mình, Thiên Chúa sẽ làm đầy chúng ta bằng tình yêu và ơn thánh của Ngài, để chúng ta ngày càng trở nên giống Ngài hơn. Ngược lại, nếu chúng ta để cho bản ngã hoành hành, chúng ta sẽ đi dần đến chỗ từ chối luôn mục đích của cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************