Ngày thứ hai (05-07-2021) – Trang suy niệm

04/07/2021

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần XIV Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:    St 28, 10-22a

“Ông thấy một cái thang dựng đứng, thấy các thiên thần lên xuống trên thang, và nghe Thiên Chúa phán”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, ông Giacóp ra khỏi xứ Bersabê, đi sang thành Haran. Khi ông tới một nơi kia, mặt trời đã lặn, ông muốn ngủ đêm lại đó, nên ông lấy một hòn đá nơi ấy mà gối đầu và ngủ tại đó. Ông chiêm bao thấy một cái thang, chân thang chấm đất và đầu thang chạm đến trời: các thiên thần lên xuống trên thang ấy.

Chúa ngự trên đầu thang và phán rằng: “Ta là Thiên Chúa Abraham tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa Isaac: Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất ngươi đang ngủ đây. Dòng dõi ngươi sẽ đông đúc như bụi trên mặt đất. Ngươi sẽ tràn sang đông, tây, nam, bắc, và nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên thế giới này sẽ được chúc phúc. Bất cứ ngươi đi đâu, Ta sẽ gìn giữ ngươi và Ta sẽ dẫn ngươi vào đất này: Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta đã thi hành điều Ta hứa với ngươi”.

Khi Giacóp tỉnh giấc mộng, ông nói: “Quả thực Chúa ngự nơi này mà tôi không biết”. Ông run sợ mà nói rằng: “Nơi này đáng kinh hãi là dường nào! Đây chẳng khác gì đền của Thiên Chúa và cửa thiên đàng”. Sáng ngày Giacóp chỗi dậy, ông lấy hòn đá đã dùng gối đầu mà dựng lên làm bia ghi dấu, rồi đổ dầu lên trên. Ông gọi tên thành ấy là Bêthel, khi trước thành này gọi là Luza.

Giacóp đã khấn rằng: “Nếu Thiên Chúa ở với con và gìn giữ con trên đường con đang đi, ban cho con cơm ăn áo mặc, và nếu con trở về nhà cha con bằng yên, thì Chúa sẽ là Thiên Chúa của con và hòn đá con dựng lên làm bia ghi dấu đây sẽ gọi là Nhà của Thiên Chúa”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 90, 1-2. 3-4. 14-15ab

Đáp:  Lạy Chúa con, con tin cậy ở Ngài (c. 2b).

Xướng:

1) Bạn sống trong sự che chở của Đấng Tối Cao, bạn cư ngụ dưới bóng của Đấng Toàn Năng, hãy thưa cùng Chúa: “Chúa là chiến lũy, nơi con nương náu; lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài”.- Đáp.

2) Vì chính Ngài sẽ cứu bạn thoát lưới dò của kẻ bẫy chim, và thoát khỏi quan ôn tác hại. Ngài sẽ che chở bạn trong bóng cánh của Ngài, và dưới cánh Ngài, bạn sẽ nương thân: lòng trung tín của Ngài là mã giáp và khiên thuẫn. – Đáp.

3) Vì người quý mến Ta, Ta sẽ giải thoát cho, Ta sẽ che chở người bởi lẽ người nhìn biết danh Ta. Người sẽ kêu cầu Ta và Ta sẽ nhậm lời; Ta sẽ ở cùng người trong lúc gian truân. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 144, 14cd

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 9, 18-26

“Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến, nó sẽ sống lại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đang nói, thì có một vị kỳ mục kia đến lạy Người mà thưa rằng: “Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại”. Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy. Và này có người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm, tiến lại đàng sau Người và chạm đến gấu áo Người. Vì bà nghĩ thầm rằng: Nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì tôi sẽ được khỏi. Chúa Giêsu ngoảnh lại, trông thấy bà ta, liền phán rằng: “Này con, hãy vững lòng. Đức tin của con đã cứu thoát con”. Và người đàn bà được khỏi bệnh.

Khi Chúa Giêsu đến nhà vị kỳ mục, và thấy những người thổi kèn và đám đông đang xôn xao, thì bảo rằng: “Các ngươi hãy lui ra, con bé không có chết đâu, nó ngủ đó thôi”. Họ liền nhạo cười Người. Và khi đã xua đám đông ra ngoài, Người vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy. Tin này đồn đi khắp cả miền ấy. Đó là lời Chúa.

(thanhlinh.net)

++++++++++++++++++

05/07/2021 – THỨ HAI TUẦN 14 TN

Th. An-tôn Ma-ri-a Da-ca-ri-a, linh mục

Mt 9,18-26

CHẠM ĐẾN LÒNG CHÚA

Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo choàng của Người…  Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy. (Mt 9,20.25)

Suy niệm: Có một điều dễ nhận thấy nơi các trung tâm hành hương, đó là khách hành hương thường cố gắng sờ chạm vào những tượng ảnh ở đó. Người ta nghĩ rằng phải tận tay đụng chạm đến thánh tượng thì mới được ơn. Tin Mừng hôm nay cũng kể lại hai phép lạ với điểm chung là nhờ sự đụng chạm với Đức Giê-su mà bệnh nhân được chữa lành. Người phụ nữ bị băng huyết lâu năm nhưng chỉ chạm nhẹ vào tua áo của Chúa là được khỏi bệnh. Con gái ông thủ lãnh đã chết nhưng khi Chúa cầm tay em và đỡ dậy, em liền sống lại. Phải chăng chỉ những ai chạm đến Chúa như thế thì mới được chữa lành? Thế thì đám đông chen lấn Chúa lại không được ơn gì sao? Và có những lần Chúa chữa bệnh “từ xa” như khi Ngài nói với viên sĩ quan: “Ông cứ về đi, con ông sống đó” (x. Ga 4,50). Thật ra, Chúa ban ơn cho con người chẳng cần thông qua những tác động thể lý. Nhưng Ngài đã mang lấy xác phàm để cứu độ chúng ta vì Ngài muốn “chạm” đến chúng ta để cứu độ cả hồn xác chúng ta.

Mời Bạn: Mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa, đó là lúc Chúa chạm đến chúng ta và chúng ta cũng được chạm vào Chúa. Bạn có thấy tâm hồn mình được biến đổi và được chữa lành khi rước Mình Thánh Chúa không?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi rước lễ, tâm niệm Chúa đang ở trong tôi và tôi đang được chạm đến Chúa và dâng hiến Ngài cả xác hồn bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ở với con luôn mãi, trong tâm hồn và trong mọi giây phút của cuộc đời con.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của những bàn tay.
Vị thủ lãnh của hội đường có cô con gái mới chết,
nhờ ai đó giới thiệu, ông lật đật chạy đến với Đức Giêsu.
Lòng tin của ông thật là mạnh, diễn tả qua câu nói:

“Xin Ngài đến đặt bàn tay lên cháu, là nó sẽ sống” (c. 18).
Ông tin Đức Giêsu có thể cho con ông được hoàn sinh.
Ông mời Ngài đến nhà mình chỉ để làm một chuyện là đặt bàn tay.
Đặt bàn tay trên một xác chết còn ấm để làm cho nó sống lại.
Như thế ông tin vào uy quyền của Đức Giêsu, thể hiện qua bàn tay.
Ngài cũng là một ngôn sứ như Êlia hay Êlisa trong Kinh Thánh.
Các vị này đều có khả năng hoàn sinh kẻ chết (1V 17, 17-24; 2V 4, 32-37).

Đức Giêsu đã mau mắn nhận lời đến nhà ông.
Ngài hiểu được nỗi đau của một người cha khi mất đứa con gái nhỏ.
Khi đến nhà thì đám tang đã bắt đầu với những người thổi kèn,
và một đám đông hiếu kỳ gây ồn ào náo động.
Đức Giêsu tiến vào nhà và bảo người ta lui ra khỏi phòng của cô bé :
“Con bé có chết đâu, nó đang ngủ đấy !” (c. 24).
Khi đám đông bị tống ra rồi, thì Ngài đi vào nơi cô bé nằm.
Ngài không đặt bàn tay trên cô như yêu cầu của người cha.
Nhưng Ngài cầm lấy bàn tay cô bé, và cô bé đã chỗi dậy (c. 25).
Ngài đã đụng đến một xác chết và Ngài đã làm cho nó phục sinh.
Đám tang trở thành đám tiệc, làm sao cảm được niềm vui của người cha?
Đức Giêsu đem sự sống trở lại, để sự sống thắng cái chết.

Trên đường đến nhà vị thủ lãnh, một phụ nữ bị băng huyết đến gặp Ngài.
Không gặp diện đối diện, nhưng bà lén đến từ phía sau lưng,
bởi lẽ căn bệnh lâu năm này đã làm cho bà ra ô uế, không được đụng đến ai.
Cũng như vị thủ lãnh, bà có một niềm tin sắt đá :
“Tôi chỉ cần sờ được vào áo choàng của Ngài thôi, là sẽ được cứu” (c. 21).
Chẳng phải bà tin vào sức mạnh của cái áo choàng như một thứ ma thuật,
nhưng bà tin vào quyền năng của người mặc chiếc áo đó.
Bà đã dám đưa tay ra và sờ vào tua áo choàng của Ngài (c. 20).
Đức Giêsu nhận ra cái đụng chạm đầy lòng tin của bà.
Chính Ngài quay lại, thấy bà và bắt đầu trò chuyện.
“Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu con” (c. 22).
Lòng tin của bà đã được nhìn nhận, và bà được cứu từ giờ ấy.
Ơn chữa lành đến từ một bàn tay dám đưa ra chạm đến Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay là về chuyện của những bàn tay.
Bàn tay quyền năng của Đức Giêsu, bàn tay lạnh giá của cô bé nằm đó,
bàn tay rụt rè, e ngại, nhưng cũng rất quả quyết của người phụ nữ ốm đau.
Bàn tay là điều kỳ diệu Thiên Chúa tặng ban cho con người.
Bao ân sủng đến với tôi qua bàn tay đón lấy Mình Thánh Chúa.
Bao điều tốt đẹp tôi trao cho tha nhân qua bàn tay bé nhỏ.
Chỉ mong tay tôi đừng bị ô nhơ và đừng khép lại trước người đang xin.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu
Con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
Vì chỉ biết thích thú nghe lời Chúa dạy,
Nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
Đừng hời hợt khi nghe lời Chúa,
Đừng để nỗi đam mê làm lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mãnh đất đời mình,
Để hạt giống lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
Được xây trên nền tảng vững chắc,
Đó là lời Chúa
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

5 THÁNG BẢY

Tính Tự Trị Của Các Vật Thụ Tạo

Mặc dù cách diễn tả của Thánh Kinh gán quyền cai quản mọi loài trực tiếp cho Thiên Chúa, chúng ta vẫn có thể nhận ra rõ ràng sự khác biệt giữa hành động của Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa – và hoạt động của các thụ tạo. Đó là sự khác biệt giữa nguyên nhân đệ nhất và các nguyên nhân đệ nhị. Đây là vấn đề rất thường được đặt ra bởi con người thời nay: Thế giới thụ tạo có được sự tự trị và sự tự do đến mức nào? Đâu là vai trò của con người trong việc phát minh, sáng tạo và xây dựng thế giới?

Theo đức tin Công Giáo, sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa làm cho sự quan phòng của Ngài có thể hiện diện trong thế giới – trong khi thế giới thụ tạo vẫn có được một sự tự trị nào đó theo quyền của mình. Công Đồng Vatican II đã đề cập đến mầu nhiệm này. Một đàng, Thiên Chúa giữ gìn mọi sự và làm cho mọi sự có thể là chính chúng: “Chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực, tốt lành cùng những định luật và trật tự riêng” (MV 36). Đàng khác, nhờ cách thế mà Thiên Chúa cai quản thế giới, các tạo vật – nhất là con người – có thể có được sự tự trị nào đó “theo ý muốn của Đấng Sáng Tạo” (MV 36).

Sự quan phòng của Thiên Chúa được diễn tả một cách chính xác trong “tính tự trị của các loài thụ tạo”, trong đó cả sức mạnh lẫn sự ân cần của Thiên Chúa đều được thể hiện. Chúng ta nhận ra rằng – đối với con người – sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ vẫn luôn luôn còn là một sự khôn ngoan nhiệm mầu bao trùm hết thảy mọi sự (“từ chân trời này đến chân trời kia”). Sự quan phòng ấy được nhận ra nơi mọi sự với đầy sức sáng tạo và với trật tự rõ ràng của nó. Tuy nhiên, nó vẫn còn chừa lại nguyên đó vai trò của con người trong việc xây dựng và phát triển thế giới. Đó chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa chúng ta.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 05/7

Thánh Antôn Maria Dacaria, linh mục

St 28, 10-22a; Mt 9, 18-26.

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.

          Đây là một lời trấn an đầy yêu thương của Chúa Giêsu đối với người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã lén lút đưa tay chạm vào gấu áo của Người với một niềm tin là mình sẽ được lành bệnh. Điều này cũng giúp cho mỗi người trong chúng ta biết đặt trọn niềm tin khi đến với Chúa trong cầu nguyện, dù là chúng ta bất toàn, nhưng Chúa sẽ làm cho thành toàn.

Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con có lòng thành và đặt trọn niềm tin vào lời cầu nguyện của mình.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 05-07: Thánh ANTÔN MARIA GIACARIA

Linh mục (1502 – 1539)

Thánh Antôn Maria Giacaria sinh năm 1502 tại Grêmôna, cha Ngài mất sớm, mẹ Ngài, người góa phụ trẻ 18 tuổi không còn biết tới hạnh phúc nào hơn trên trần gian là đào tạo tâm hồn người con nhỏ của mình. Thấy con thích làm việc hơn là chơi giỡn và biết kiên trì hy sinh hãm mình, bà rất mừng rỡ, chính bà cũng phát huy tình bác ái đối với người nghèo khổ, làm gương cho con.

Thành Grêmôna nơi Antôn sinh trưởng vừa mới hết chiến tranh. Sau cuộc chiếm đóng của người Pháp, dân thành lại phải chiến đấu với Ludorse Sforza. Tình cảnh thật khốn khổ. Ngày kia trên đường về học, cậu bé Antôn đã cởi tấm áo thêu của mình cho người nghèo mặc. Thấy vậy, người mẹ đã âu yếm ôm con vào lòng. Từ đó Antôn xin cho con được ăn mặc bình thường, có khi còn nhịn phần ăn cho người nghèo nữa.

Thân mẫu Antôn đã chọn cho Ngài những bậc thầy nổi danh về văn chương Hy lạp và Latinh. Vào tuổi 15, Antôn đã theo môn triết học ở Pavie, rồi lại theo đuổi y học ở Padua. Ở đại học người ta chế nhạo nếp sống nghèo khó của Ngài. Tốt nghiệp phải cấp bằng tiến sĩ ưu hạng, Ngài được rất nhiều khách hàng tín nhiệm. Nhưng đây lại là thời Luthênô nổi dậy. Antôn bỏ nghề thuốc để theo môn thần học.

Antôn Giacaria bắt đầu tụ tập trẻ em lại, Ngài nói cho chúng nghe về các chân lý cao trọng. Cha mẹ chúng cũng thường tới nghe dạy. Họ nói: – Nào chúng mình đến nghe thiên thần của Chúa.

Tay cầm thánh giá, thánh nhân rảo qua khắp các đường phố nói về ơn cứu chuộc và việc thống hối. Nơi nào bị chế nhạo, bị xỉ nhục, Ngài càng năng lui tới hơn.

Năm 1528, lúc được 36 tuổi, Antôn được thụ phong linh mục. Ngài đến ở Milan, thăm viếng các người đau khổ trong các nhà thương, nhà tù, nơi các xóm nghèo. Các nghĩa cử Ngài làm đã mang lại cho Ngài danh hiệu “người cha dân tộc”. Ngài ngồi tòa hàng giờ để phục sinh các linh hồn. Ngài chống lại phái thệ phản và đối đầu với bất cứ ai muốn tấn công đức tin tinh tuyền. Cha Antôn có hai người bạn tông đồ là Mariggia và Ferrari. Đức giáo hoàng truyền cho các Ngài lập một hội dòng mới, các tu sĩ dòng thánh Phaolô. Các Ngài được trao cho việc coi sóc thánh đường thánh Barnabê, nên người ta gọi các Ngài là các cha Barnabê.

Thánh Antôn Maria Giacaria thường nói với các môn sinh: – “Đặc tính của những tâm hồn đại lượng là phục vụ không mong phần thưởng, chiến đấu không chờ lương bổng. Hãy tiến tới không ngừng và hướng tới sự hoàn thiện cao cả hơn. Hãy nói với Chúa Giêsu bị đóng đinh về tất cả những gì bạn thấy và lãnh ý Người, cho mình và cho người khác”.

Ngài dạy họ phải quen với những phỉ báng khinh miệt nhưng không làm như vậy được nếu không hướng trọn ý tưởng về với Chúa, và nếu kinh nguyện chưa nên của ăn nuôi sống linh hồn. Các linh mục và cả hàng giáo sĩ đã bắt đầu. Chiều về anh em họp nhau lại để thú tội. Thánh nhân còn dẫn anh em rảo qua đường phố bằng cách vác Thánh giá mà rao giảng. Họ còn tự động cột giây vào cổ, làm những việc nặng nhọc trong khi một số khác đi ăn xin cho người nghèo.

Thấy vậy, nhiều người thống hối và cải thiện đời sống. Thánh Antôn còn cổ động lòng sùng kính Thánh Thể khuyên năng rước lễ hơn. Thời đó người ta chỉ rước lễ một hai lần trong năm. Trước sự đổi mới này, nhiều người coi sự nhiệt thành của Ngài là cuồng tín dị đoan. Thánh nhân vẫn an lòng và cảm nghiệm điều Ngài thường nói: – Bạn sẽ được thấp nhập vào Chúa đến độ không còn lo tưởng đến những sự trên thế gian này nữa.

Năm 1530, Ngài giúp nữ công tước Torelli thành lập một hội dòng nữ. Đức giáo hoàng Phaolô III đã chuẩn y hội dòng này và đặt tên là “Dòng chị em các thiên thần”.

Năm 1536, cha Antôn Giacaria từ chức bề trên nhà dòng mà Ngài đã giữ từ đầu để đi truyền giáo. Ngài rao giảng Phúc âm và giải hòa các cuộc tranh chấp. Công việc thật bề bộn, không thể lường trước được, dầu vậy thánh nhân vẫn trung thành với tác vụ, các cuộc tĩnh tâm và thư tín.

Tuy nhiên lần này, tại Guastalla, thánh nhân đã kiệt sức. Xa các môn sinh, Ngài lui về với thân mẫu. Bà khóc lóc khi thấy con. Nhưng Antôn nói:- Mẹ ơi ! Mẹ đừng khóc nữa. Chẳng bao lâu rồi mẹ cũng được vui mừng với con trong vinh quang bất tận mà bây giờ con đang tiến vào.

Ba giờ chiều ngày 5 tháng 7 năm 1593, linh mục trẻ 36 tuổi Antôn Maria Giacaria thở hơi cuối cùng trong tay mẹ hiền.

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

05 Tháng Bảy

Con Người Tự Do

Ðại thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Ðộ có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Khi còn trẻ, tôi cảm thấy tràn đầy năng lực… Một buổi sáng nọ, tôi ra khỏi nhà và hô lớn: “Tôi sẵn sàng phục vụ bất cứ ai muốn”. Thế là tôi hăm hở lên đường và trong tư thế sẵn sàng phục vụ bất cứ ai chờ đợi. Từ đằng xa, đức vua và đoàn tùy tùng tiến đến. Vừa nghe tiếng tôi, ngài đã dừng lại và nói với tôi: “Ta đưa ngươi vào cung hầu hạ ta và bù lại, ta sẽ ban cho ngươi quyền hành”. Ngẫm nghĩ, không biết dùng quyền hành để làm gì, tôi đành lặng lẽ bỏ đi…

Tôi tiếp tục ra đi và hô lớn: “Tôi sẵn sàng phục vụ bất cứ ai muốn”. Chiều hôm đó, có một cụ già ngỏ ý thuê tôi và để đền bù, cụ cho tôi những đồng bạc mà âm thanh vang lên như bản nhạc. Nhưng tôi cảm thấy không cần tiền bạc, cho nên đành tiếp tục ra đi.

Tôi tiếp tục ra đi và tiến gần đến một căn nhà xinh đẹp. Một em bé gái xinh đẹp chào tôi và đề nghị với tôi: “Tôi thuê anh và bù lại, tôi sẽ tặng cho anh nụ cười của tôi”. Tôi cảm thấy do dự. Một nụ cười sẽ kéo dài bao lâu? Chỉ trong chớp nhoáng, cô bé đã biến vào bóng tối…

Khi tôi rời bỏ căn nhà xinh đẹp, thì trời cũng đã tối. Tôi ngã người trên thảm cỏ và ngủ thiếp. Sáng ngày hôm sau, tôi thức giấc trong sự mệt mỏi. Khi mặt trời vừa lên, tôi đi lần ra bãi biển. Một cậu bé đang chơi đùa trên cát. Vừa thấy tôi, nó ngẩng đầu lên, mỉm cười như thể đã từng quen biết với tôi. Một lúc sau, nó nói với tôi: “Tôi sẵn sàng thuê anh và bù lại, tôi không có gì để cho anh cả”. Tôi đón nhận ngay giao kèo của cậu bé. Và chúng tôi bắt đầu chơi đùa với nhau trên bãi cát. Những người qua lại ngỏ ý muốn thuê tôi, nhưng tôi từ chối, bởi vì từ ngày hôm đó, tôi mới thực sự cảm thấy mình là một con người tự do.

Không gì quý bằng độc lập tự do: không chừng câu khẩu hiệu quen thuộc này ứng dụng một cách rất xác thực vào đời sống Ðức Tin của chúng ta… Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thoát, bởi vì Ngài đến để giải phóng chúng ta, Ngài đến để làm cho chúng ta được tự do. Và tự do mà Ngài mang lại cho chúng ta là gì nếu không phải là tự do khỏi tội lỗi, tự do khỏi đam mê, tự do khỏi ích kỷ, tự do khỏi danh vọng, tiền bạc và tất cả những gì ràng buộc con người…

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 14 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Gen 28:10-22; Mt 9:18-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa quan tâm đến cuộc sống con người.

Nhiều người trong chúng ta tự hỏi: Làm sao Thiên Chúa có thể nghe một lúc biết bao những lời cầu xin dâng lên Ngài, và làm sao Ngài có thể nhớ hết những lời cầu xin này mà ban ơn? Kinh Thánh chứng minh: nhiều lần Thiên Chúa dùng các thiên thần như những sứ giả để chuyển đến Ngài những lời cầu xin của con người, và chuyển đến con người những mệnh lệnh của Thiên Chúa. Các thiên thần hộ thủ là những người có bổn phận trực tiếp với con người.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng Thiên Chúa vẫn hằng quan tâm đến con người, nhất là trong những lúc lo âu, tuyệt vọng, và chết chóc. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế tường thuật giấc mơ chiếc thang bắc từ đất lên tới trời, với sứ thần của Thiên Chúa lên xuống trên chiếc thang này để làm những sứ giả giữa Thiên Chúa và con người. Trong giấc mơ, Thiên Chúa hứa sẽ thực hiện lời Ngài đã hứa với Abraham và Isaac; đồng thời Ngài cũng hứa sẽ bảo vệ Jacob ở mọi nơi và trong tất cả việc ông làm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa lành hai bệnh nhân “không sạch:” Một người bị băng huyết nhưng với một niềm tin vững mạnh tới và sờ vào tua áo của Ngài. Một em bé đã chết, nhưng nhờ lòng tin của người cha, đã được Chúa Giêsu cho sống lại.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa xác tín lời chúc lành của Isaac cho Jacob.

1.1/ Giấc mơ chiếc thang của Jacob: Trình thuật kể: “Jacob ra khỏi Beer Sheba và đi về Haran. Cậu đến một nơi kia và nghỉ đêm tại đó vì mặt trời đã lặn. Cậu lấy một hòn đá ở nơi đó để gối đầu và nằm ngủ ở đó. Cậu chiêm bao thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống.”

Jacob đang trên đường trốn chạy Esau, anh ông; vì ông đã theo kế hoạch của mẹ, tước đoạt quyền trưởng nam của Esau. Jacob sợ anh sẽ kiếm kế trả thù, nên phải chạy trốn để bảo toàn tính mạng. Chiêm bao là một cách thường xuyên Thiên Chúa dùng để mặc khải ý định của Ngài, như chúng ta sẽ thấy được dùng thường xuyên trong trình thuật của Giuse, con của Jacob. Chiếc thang được dùng để nối kết giữa Trời và đất; và các thiên thần là những sứ giả của Thiên Chúa. Họ đem lệnh truyền từ Thiên Chúa xuống con người và dâng lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu nhắc lại biến cố chiếc thang nối liền giữa trời và đất này cho Nathanael; trong đó, Chúa Giêsu ví mình như chiếc thang mà các thiên thần sẽ lên xuống (Jn 1:51). Lời hứa của Thiên Chúa với Jacob gồm hai phần.

– Phần thứ nhất, Thiên Chúa lặp lại lời Ngài đã hứa với Abraham và Isaac về việc ban Đất Hứa và con đàn cháu đống: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của Abraham, tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa của Isaac. Đất ngươi đang nằm, Ta sẽ ban cho ngươi và giòng dõi ngươi. Giòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất; ngươi sẽ lan tràn ra khắp đông tây nam bắc. Nhờ ngươi và giòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”

– Phần thứ hai là lời hứa của Thiên Chúa sẽ bảo vệ Jacob: “Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi.” Qua lời hứa này, Thiên Chúa muốn chứng tỏ cho Jacob biết Ngài không bị giới hạn vào không gian hay thời gian; Jacob không phải lo sợ bất cứ một kẻ thù nào cả. Lời hứa này được thực hiện khi Jacob sang Ai-cập đoàn tụ với Giuse, con mình, và khi chết được mang về an nghỉ trong phần đất của tổ tiên mà Thiên Chúa đã hứa.

Khi Jacob tỉnh giấc, ông nói: “Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết!” Đất Canaan mà Jacob đang nằm là vùng đất của Dân Ngoại. Nêu lên điều này, tác giả Sách Sáng Thế muốn chứng minh chỉ có Thiên Chúa của Do-thái là Thiên Chúa thật. Ngài hiện diện ở mọi nơi, ngay cả những vùng được coi là chỗ linh thiêng của Dân Ngoại.

1.2/ Hành động của Jacob sau khi tỉnh giấc mơ.

(1) Đặt tên cho nơi đó là Bethel: Jacob phát sợ và nói: “Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác.” Sáng hôm sau, Jacob dậy sớm, lấy hòn đá cậu đã gối đầu, dựng lên làm trụ và đổ dầu lên đầu trụ. Cậu đặt tên cho nơi đó là Bethel; trước đó, tên thành ấy là Luz. Sự kiện đặt viên đá và đổ dầu lên trên là hành động thánh hiến nơi thánh như thánh đường chúng ta hay làm hiện nay. Nhà của Thiên Chúa sẽ được dựng nên tại Bethel, và trở thành Đền Thờ của vương quốc Israel sau này. Bethel chỉ cách Jerusalem khoảng 10 km về phía Nam, và là một vị thế chiến lược rất quan trọng.

(2) Lời khấn hứa của Jacob cũng gồm hai phần:

+ Phần của Thiên Chúa: Ông khấn: “Nếu Thiên Chúa ở với tôi và giữ gìn tôi trong chuyến đi tôi đang thực hiện, nếu Người ban cho tôi bánh ăn áo mặc, nếu tôi được trở về nhà cha tôi bình an… “

+ Phần của Jacob: “Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi, hòn đá này là hòn đá tôi đã dựng lên làm trụ sẽ là nhà của Thiên Chúa, và lạy Chúa, mọi sự Ngài ban cho con, con sẽ dâng cho Ngài một phần mười.” Thói quen dâng cúng một phần mười lợi tức cho Thiên Chúa, được mô tả rõ ràng trong Sách Lêvi, có nguồn gốc từ đây.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu hy sinh việc giữ Lề Luật để chữa lành cho hai bệnh nhân không sạch.

2.1/ Chúa chữa lành người đàn bà bị loạn huyết: Luật không cho phép đụng vào người phụ nữ đang bị chảy máu như người đàn bà này, vì không sạch (Lv 15:25). Có lẽ vì lý do để tránh cho Chúa Giêsu trở thành không sạch “cách công khai,” mà một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Chúa Giêsu, và sờ vào tua áo của Người, vì bà nghĩ bụng: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!”

Trong trình thuật dài hơn của Marcô, Chúa Giêsu quay lại hỏi “Ai đã sờ vào áo Ta?” Trình thuật của Matthew chỉ tường thuật phần sau của câu truyện: Chúa Giêsu quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.

2.2/ Chúa cho con gái viên thủ lãnh đã chết được sống lại: Luật cũng không cho phép đụng vào xác chết, ai đụng vào xác chết sẽ trở thành không sạch. Biết như thế, nhưng một vị thủ lãnh vẫn đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.” Đức Giêsu đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.

Đức Giêsu đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa hằng quan tâm đến cuộc sống của con người. Chúng ta hãy luôn giữ thái độ tin tưởng và cầu xin với Ngài trong mọi trạng huống của cuộc đời: khi vui cũng như lúc sầu khổ.

– Chúng ta không bao giờ được phép tuyệt vọng cho dù hoàn cảnh có bi đát đến đâu chăng nữa. Nếu Thiên Chúa có thể cho kẻ đã chết sống lại, không gì là không thể đối với Ngài.

– Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài hứa: Ngài luôn bảo vệ con cái Ngài dù họ lưu lạc bất cứ nơi nào.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************