Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai Tuần XXIII Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Cl 1, 24 – 2, 3
“Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh để rao giảng mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Đức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh, theo sự an bài của Thiên Chúa đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Đức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Đức Giêsu Kitô. Chính vì lẽ đó, tôi khó nhọc chiến đấu nhờ vào năng lực mà Người hành động mạnh mẽ trong tôi. Vì chưng, tôi muốn anh em nhận thấy tôi lo lắng biết bao cho anh em và cho những người ở Laođicêa, và cho những ai chưa hề thấy mặt tôi tận mắt, để lòng họ được an ủi, và khi được giáo huấn trong đức mến, họ được dư đầy sự thông hiểu là được nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa Cha và Đức Kitô Giêsu, nơi Người tiềm ẩn mọi kho tàng khôn ngoan và thông hiểu. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 61, 6-7. 9
Đáp: Vinh dự và an toàn của tôi ở nơi Thiên Chúa (c. 8a).
Xướng:
1) Duy nơi Thiên Chúa, hỡi linh hồn tôi, hãy an vui, vì do chính Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là Đá Tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng. – Đáp.
2) Hỡi dân tộc, hãy trông cậy Người luôn mọi lúc; hãy đổ giốc niềm tâm sự trước nhan Người, vì Thiên Chúa là nơi ta nương náu.- Đáp.
ALLELUIA: Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia! – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 6, 6-11
“Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Đoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.
Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
06/09/2021 – THỨ HAI TUẦN 23 TN
Lc 6,6-11
ĐẤNG ĐẾN ĐỂ CHỮA LÀNH
Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay làm điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt,” rồi bảo người bại tay, “anh giơ tay ra,” anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. (Lc 6,9-10)
Suy niệm: Vì lòng thương xót, Chúa Giê-su đến trần gian để giải cứu nhân loại khỏi những nỗi thống khổ gắn liền với kiếp người. Không chỉ là những thống khổ do tật bệnh nơi thân xác, mà còn tội lỗi, là những tật bệnh trong tâm hồn. Chữa lành chứ không huỷ hoại, cứu sống chứ không giết chết, đó là mệnh lệnh của lương tâm mà hơn nữa còn là chính sứ mạng của Đức Giê-su. Việc Chúa chữa lành cho người bại tay là dấu chỉ Ngài chính là Đấng Cứu Thế.
Mời Bạn: Kinh nghiệm trong thời dịch bệnh cho chúng ta hay, phải chẩn đoán, phải xét nghiệm để biết mình nhiễm bệnh để mà chữa trị. Có khi không thấy triệu chứng hoặc vì phòng bệnh hơn chữa bệnh, người ta phải tiêm chủng vắc-xin. Căn bệnh và tật nguyền tâm linh cũng thế: phải phòng tránh gương xấu, dịp tội, phải thường xuyên xét mình, sám hối để xin Chúa chữa lành. Chúa là Đấng chữa lành chúng ta, chắc chắn Ngài sẽ khẩn cấp chữa lành tật bệnh của chúng ta. Việc chúng ta cầu xin Ngài, là dấu hiệu chúng ta khao khát sẵn sàng để cho Ngài ban ơn trợ giúp chữa lành chúng ta.
Sống Lời Chúa: Xét mình mỗi ngày để biết được những bệnh tật tâm hồn để kịp thời xin Chúa Giê-su chữa trị chúng ta. Đồng thời phải biết biết tránh xa dịp tội trong cuộc sống hàng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin chữa lành những tật xấu tội lỗi, và tha thứ tội lỗi cho chúng con được sống xứng đáng là con cái Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Chúng ta không biết nhiều chi tiết về người đàn ông này.
Ông bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, sống bằng nghề gì?
Chỉ biết là bàn tay phải của ông bị teo, không duỗi được (c. 6).
Chắc là nó bị co quắp vì các cơ không hoạt động bình thường.
Như thế sẽ rất khó chịu và bất lợi để sinh hoạt hàng ngày.
Hơn nữa đây lại là bàn tay phải, bàn tay chính để làm việc.
Người đàn ông có bàn tay thương tật đã đến hội đường vào ngày sabát.
Ông đến để nghe giảng dạy và cầu nguyện như mọi người.
Có vẻ ông chẳng mong gì, chẳng xin được Đức Giêsu chữa lành,
dù tiếng tăm của Ngài lúc đó đã lan rộng nhiều nơi (Lc 5, 15).
Thật bất ngờ khi Ngài bảo ông: “Hãy trỗi dậy và ra đứng giữa đây.”
Ông chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình, nhưng đã vâng lời.
Ông đứng ở ngay giữa cho mọi người thấy.
Sau đó Ngài bảo ông: “Hãy duỗi bàn tay của anh ra!” (c. 10).
Một lần nữa ông lại vâng lời.
Ông làm điều mà có lẽ từ lâu ông không làm được.
Duỗi bàn tay khô héo, co quắp này, để có thể cầm cái ly, cái chén.
Ước mơ đơn giản ấy nào ngờ hôm nay được thực hiện.
Ông đã duỗi bàn tay theo lời Đức Giêsu, và nó đã trở lại bình thường.
Bàn tay như được sống lại, được phục hồi, mềm mại, dễ bảo.
Cuộc đời ông từ nay sẽ tươi hơn, có ích hơn, ít phải nhờ vả hơn.
Đức Giêsu đã làm phép lạ này không phải vì được yêu cầu,
nhưng như một câu trả lời cho các kinh sư và những người Pharisêu.
Họ rình xem Ngài có chữa bệnh trong ngày sabát không, để tố cáo Ngài.
bởi lẽ theo họ, ngày sabát chỉ được chữa những bệnh nguy tử.
Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu này và công khai tỏ thái độ.
Câu hỏi quen thuộc: có được phép làm điều này vào ngày sabát không?
được thay bằng câu hỏi mới: ngày sabát được phép làm điều lành hay dữ;
cứu mạng sống hay hủy hoại mạng sống? (c. 9).
Phép lạ sau đó của Đức Giêsu chính là câu trả lời (c. 10).
Nhiều khi không làm một điều tốt, cũng bằng với việc làm một điều xấu,
Không cứu một người vào giây phút ấy, cũng bằng gián tiếp giết chết họ.
Đức Giêsu đã không coi ngày sabát như ngày chỉ biết ngồi khoanh tay,
nhưng như ngày để làm điều tốt, để cứu sự sống con người.
Dù sao Đức Giêsu đã không hề đụng đến ông có bàn tay bị tật.
Khó lòng bắt lỗi Ngài đã vi phạm ngày sabát
Ngài chữa cho ông ấy chỉ bằng một lời mà thôi.
Các Kitô hữu không còn phải giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ Chúa Nhật.
Đây là ngày để chúng ta làm điều tốt, để chăm lo cho sự sống.
Chữa cho một bàn tay bị teo tóp được lành, việc này không nhỏ.
Làm cho một con người có thể sống bằng đôi tay của mình, là chuyện lớn.
Đức Giêsu đã phải trả giá cho việc chữa bệnh của mình.
Chúng ta cũng phải trả giá khi dám bảo vệ một sự sống nhỏ nhoi.
Chỉ mong bàn tay tôi không co lại, nhưng mở ra cho mọi người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG CHÍN
Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Kitô
Mỗi ơn gọi đều là một lời kêu mời dấn sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Việc học hỏi thần học và triết học sẽ giúp thấu hiểu sâu hơn ngôi vị của Đức Kitô. Nhưng sự hiểu biết sâu hơn này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực tri thức của chúng ta. Tiên vàn việc nhận biết Chúa Con là ân huệ do Chúa Cha ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần. Chúng ta không thể chỉ dừng lại với việc được giáo dục trong đức tin mà còn phải trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” nữa.
Mọi sự cộng tác của chúng ta với ân sủng tiếng gọi phải theo sự khôn ngoan mà Đức Kitô diễn tả trong dụ ngôn cây nho. Ngài nói: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là Người trồng nho” (Ga 15,1) … “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15,5).
Giai đoạn huấn luyện chủng sinh hay tu sĩ hướng đến mục tiêu đào sâu mối hiệp nhất của chúng ta với Đức Kitô. Đức Kitô đưa ra cùng lời mời gọi đó cho mỗi người trong chúng ta.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 6/9
1Cr 5, 1-8; Lc 6, 6-11.
LỜI SUY NIỆM: “Đức Giêsu nói với họ: Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabát, được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?”
Đây là câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra trong hội đường, khi Người nhận biết: Các kinh sư và người Pharisêu rình xem Người có chữa người bại tay trong ngày Sabát để tìm được cớ tố cáo người; trong khi đó Người lại chữa lành cho người bại tay., Để cảnh tĩnh họ; Nhưng tất cả đều đã im lặng. Ngay hôm này, Chúa Giêsu cũng đang hỏi mỗi người trong chúng ta phải sống thế nào với Thiên Chúa và anh em mình trong ngày “Chúa Nhật”.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa Nhật là một ngày Thánh của người Kitô hữu,. Xin cho tất cả chúng con luôn ý thức ngày Chúa Nhật “Ngày của Chúa” là ngày đặc biệt dâng hiến cho việc thờ phượng Thiên Chúa, bằng những việc lành.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
06 Tháng Chín
Không Mong Ðền Ðáp
Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.
Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là ngươòi thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.
Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.
Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.
Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: “Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?”.
Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.
Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại… Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.
Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại… Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng kể trong các mối tương quan giữa người với người.
Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.
Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài. Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người thợ thứ hai vào giờ cuối cùng…
Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng… Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng.Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu cho được một ơn đặc biệt… Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng đã và sẽ lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai – Tuần 23 – TN1
Bài đọc: Col 1:24-2:3; Lk 6:6-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận của các tín hữu là xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô.
Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Đức Kitô là Người mang Kế-hoạch đến thành công qua việc nhập thể, mặc khải, dạy dỗ, huấn luyện các môn đệ, chịu chết để chuộc tội cho con người. Ơn cứu độ giờ đây là của mọi người, không phân biệt một ai cả. Nhưng để ơn cứu độ này hiện thực trong tất cả mọi người, họ cần tin vào Đức Kitô; và để tin vào Đức Kitô, Giáo Hội cần có nhiều nhà rao giảng. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ là các môn đệ, Giáo Hội từ từ lớn dần và lan rộng khắp nơi, cho tới con số như ngày nay, và cần phải lan rộng hơn nữa cho tới khi mọi người đều tin vào Đức Kitô. Để được như thế, mọi thành phần trong Giáo Hội đều có bổn phận phải hy sinh và nỗ lực góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc làm cho các tín hữu nhận ra và góp phần vào việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô là Giáo Hội. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô vui mừng chịu đựng đau khổ cho việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô, qua việc rao giảng Tin Mừng. Ngài cố gắng hết sức để cho Tin Mừng thấm nhập, phát triển, và sinh hoa kết trái trong cuộc đời các tín hữu. Trong Phúc Âm, trong khi Chúa Giêsu tất tưởi rao giảng Tin Mừng và chữa lành khắp nơi, các kinh-sư và biệt-phái lại nhân danh Lề Luật của Thiên Chúa để cấm đoán Ngài không được chữa lành trong ngày Sabbath, và cố gắng tìm mọi cách để tiêu diệt Ngài!
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì Đức Kitô, vì Giáo Hội, và vì anh em.
1.1/ Phaolô nhận ra trách nhiệm của mình: Trước khi có thể làm chứng cho Thiên Chúa, Phaolô cần xác tín niềm tin của mình.
(1) Phaolô nhận ra sự sai lầm của mình và nhận ra tình thương Thiên Chúa: Biến cố trên đường đi Damascus đã mở mắt cho Phaolô biết ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho người Do-thái, mà còn mở rộng cho tất cả Dân Ngoại, qua Kế Hoạch Cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói về Kế-hoạch này như sau: “Mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang.”
(2) Lấy tình thương đáp trả tình thương: Được chữa lành khỏi mù lòa về phần xác cũng như phần hồn, Phaolô nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho ông. Ông nghĩ nếu Thiên Chúa và Đức Kitô đã yêu thương mình như thế, ông phải đáp trả tình thương bằng cách làm cho ơn cứu độ được hiện thực trong tất cả mọi người. Phaolô biết mình không thể làm lại gì cho Thiên Chúa, nên chú trọng vào việc xây dựng các chi thể trong một thân thể của Đức Kitô là Giáo Hội “Tôi đã trở nên người phục vụ Giáo Hội, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn.”
(3) Đâu là những gian nan thử thách mà Đức Kitô còn phải chịu? Mặc dù Đức Kitô đã chiến thắng thần chết, sống lại vinh quang, và mang ơn cứu độ cho mọi người; nhưng Kế-hoạch Cứu Độ chưa hoàn tất cho đến khi mọi người đều được hưởng ơn cứu độ qua việc tin vào Đức Kitô. Để hoàn tất điều này, Đức Kitô trông chờ vào sự cộng tác của tất cả các tín hữu. Những đau khổ mà Đức Kitô còn đang phải chịu là: sự hững hờ của các tín hữu trong việc rao giảng Tin Mừng; những thái độ chống báng và các kế hoạch nhằm tiêu diệt đạo thánh Chúa; đời sống giữ đạo cách hời hợt của hàng giáo sĩ và các tín hữu ngăn cản việc làm chứng cho Tin Mừng; và sự chia rẽ giữa các giáo hội làm chia cắt thân thể của Đức Kitô.
1.2/ Phaolô tìm mọi cách để chu toàn sứ vụ được trao phó: Ngài nói: “Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi… Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” Những việc làm chứng tỏ nỗ lực rao giảng Tin Mừng của Phaolô:
– Ngài rao giảng Tin Mừng ở mọi nơi và trong một lúc: trong hội đường, ngoài phố chợ, trong khám đường, khi đối chất … rao giảng dù thuận tiện hay không thuận tiện.
– Giúp đỡ mọi tín hữu để họ càng ngày càng trở nên hoàn thiện trong Đức Kitô: không chỉ bằng lòng với việc thiết lập các cộng đoàn, Ngài vẫn trở lại để thăm viếng khi có dịp, và viết thư để dạy dỗ và khuyên bảo mọi người.
– Lấy tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa để vượt qua mọi tranh chấp và ích kỷ cá nhân; để gìn giữ sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
2/ Phúc Âm: Phải tuyệt đối tránh tất cả những gì ngăn cản không cho Nước Chúa trị đến.
2.1/ Tranh chấp cá nhân để hưởng lợi nhuận vật chất: Trình thuật Luca kể: Vào một ngày Sabbath, Đức Giêsu vào hội đường để giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh-sư và những người biệt-phái rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày Sabbath không, để tìm được cớ tố cáo Người. Hội-đường Do-thái là nơi họ tụ tập lại để học hỏi Kinh Thánh và dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa; thế mà các kinh-sư và biệt phái là những nhà lãnh đạo trong dân lại lợi dụng hội đường, giờ thờ phượng, và nhân danh Thiên Chúa để rình rập và chờ cơ hội để tố cáo người ngay lành.
Lý do tại sao họ làm như thế là vì họ ghen tị về sư khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng Gioan, họ sợ đến một ngày cả thế giới sẽ đi theo Ngài! Nếu thế giới chọn đi theo Chúa Giêsu, thế giới sẽ bỏ họ. Để ngăn cản con người đừng đến với Chúa Giêsu, họ dùng mọi thủ đoạn hèn hạ để tiêu diệt Ngài.
2.2/ Chúa Giêsu mạnh dạn sửa sai và tố cáo thủ đoạn của họ.
(1) Chúa Giêsu vạch ra những hiểu biết sai lầm: Chúa Giêsu thấu hiểu họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giêsu chất vấn họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”
Ngài muốn họ trở về nguyên lý nền tảng: Lề Luật làm ra là cho lợi ích và bảo vệ đời sống con người. Nguyên tắc nền tảng của luân lý là “làm lành tránh dữ, cứu mạng sống chứ không hủy diệt.” Vì thế, không ai được nhân danh Lề Luật để giết hại hay từ chối làm điều lành trong ngày Sabbath.
(2) Chúa Giêsu can đảm làm chứng cho sự thật: Không một chút sợ hãi, Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không. Họ giận điên lên vì họ bị mất mặt trước đám đông; và giận quá mất khôn, họ không còn biết phân biệt và nhận ra sự thật nữa!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mỗi tín hữu chúng ta đều có bổn phận mang Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa đến chỗ vẹn toàn, bằng cách làm cho mọi người đều có cơ hội để lắng nghe Tin Mừng.
– Chúng ta cần tránh tuyệt đối thái độ dùng Tin Mừng để mưu cầu lợi ích cá nhân. Đừng bao giờ làm cho người khác mất niềm tin vì cuộc sống phản Tin Mừng của chúng ta. Đừng bao giờ nhân danh Tin Mừng để chia cắt Nhiệm Thể của Đức Kitô.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************