Ngày thứ hai (06-11-2023) – Trang suy niệm

05/11/2023

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên

BÀI ĐỌC I: Rm 11, 29-36

“Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót, cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.

Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa! Sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời. Amen. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 68, 30-31. 33-34. 36-37

A+B=Lạy Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương, xin nhậm lời con (c. 14cd).

A=Phần con, con đau khổ cơ hàn; lạy Chúa, xin gia ân phù trợ, bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.

B=Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù.

A=Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, tại đây người ta cư ngụ và chiếm quyền sở hữu. Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư.

A+B=Lạy Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương, xin nhậm lời con (c. 14cd).

ALLELUIA: Mt 11, 29ab

-Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 14, 12-14

“Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: “Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông. Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

06/11/2023 – THỨ HAI TUẦN 31 TN

Lc 14,12-14

CHO ĐI CÁCH VÔ VỊ LỢI

“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc.” (Lc 14,13-14)

Suy niệm: Được mời dự tiệc, Chúa Giê-su thấy khách được mời có một điểm chung: họ được mời vì được đáp lễ hoặc sau này chính họ sẽ đáp lễ lại việc họ được mời hôm nay. Từ tục lệ ‘có qua có lại’ trong đời sống xã hội, Chúa Giê-su hướng chúng ta quan tâm đến thành phần thường bị gạt ra bên lề xã hội – những người “nghèo khổ, tàn tật, què quặt, đui mù” – và bằng cách này, Ngài nêu lên sứ điệp cốt lõi của Tin Mừng là phục vụ vì tình yêu vô vị lợi, không cầu được đáp đền mà chỉ mong “được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.

Mời Bạn: Từ xưa dân ta đã coi việc một “thi ân bất cầu báo” như một đạo lý cao quý, nghĩa hiệp. Chúa Giê-su nâng tinh thần đó lên tầm mức thần linh khi Ngài đồng hoá mình với những người nghèo khổ đến nỗi ai thi ân cho họ là thi ân cho chính Ngài: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40). Lối sống Ki-tô hữu không phải là cho đi để nhận lại cái gì đó, mà là nhìn thấy Chúa và phụng sự Ngài nơi những người anh chị em mà mình phục vụ, và chỉ để nhận lại sự ban thưởng  là hạnh phúc ở bên Chúa mà thôi.

Sống Lời Chúa: Làm việc bác ái để phục vụ người nghèo khổ như phục vụ chính Chúa đang hiện diện nơi họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không tính toán, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào khác là được biết con đang thi hành thánh ý Chúa. Amen. (Kinh ‘Xin ơn sống quảng đại’).

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

“Bánh ít đi, bánh quy lại” hay “Có đi có lại mới toại lòng nhau”:
đó vẫn được coi là cách cư xử bình thường giữa người với người.
Hơn nữa ai làm như vậy còn được coi là người biết cách xử thế.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu mời ta vượt lên trên lối cư xử đó,
không ngừng lại ở chỗ tôi cho anh, để rồi anh cho tôi (do ut des).
Ngài dạy cho ông chủ tiệc biết nên mời ai và không nên mời ai.
Có bốn hạng người không nên mời dự tiệc:
bạn bè, anh em, bà con họ hàng, hay láng giềng giàu có.
Ngài đưa ra lý do: “kẻo họ mời lại ông, và ông được đáp lễ” (c.12).
Hơn nữa, Ngài còn nói đến bốn hạng người nên mời dự tiệc:
những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c.13).
Đức Giêsu khuyên nên mời những hạng người này,
vì họ không có khả năng mời lại hay đáp lễ (c.14).

Như thế Đức Giêsu cho ta tiêu chuẩn để mời khách dự tiệc.
Không mời những người quen biết, thân thích, giàu sang,
để mời những người nghèo hèn, những kẻ chẳng được ai mời.
Qua đề nghị khó thực hiện này của Đức Giêsu,
Ngài đụng đến một khuynh hướng tự nhiên mà ít người để ý.
Đó là khi làm điều tốt cho ai
ta cũng mong được hoàn trả cách này cách khác.
Có khi mong được trả lại tương đương hay hậu hỹ hơn.
Có khi mong trả lại bằng một bia đá ghi công hay một lời tri ân đơn giản.
Nói chung để làm một hành vi hoàn toàn vô vị lợi là điều rất khó.
Chỉ ai thành thật đi vào lòng mình mới thấy mình ít khi cho không.
Đức Giêsu muốn hạn chế khuynh hướng này.
Ngài mời chúng ta ra khỏi thế giới của những người quen biết,
không kết thân với những người giàu có và thế lực,
để mong họ đem lại lợi nhuận hay làm ô dù cho ta.
Ngài đưa ta đến với những người nghèo và không có địa vị,
những người không có khả năng mời lại hay đáp lễ.
Có khi những người đó chẳng ở đâu xa.
Họ nằm ngay trong số bạn hữu, bà con, anh em, hay hàng xóm.
Khi mời họ dự tiệc, trân trọng họ như khách quý,
chúng ta làm sống lại những mối tương quan tưởng như không còn.

 Đức Giêsu mời ta thanh luyện ý hướng của mình khi làm điều tốt,
trở nên siêu thoát và từ bỏ những tìm kiếm tự nhiên quy về mình.
Bài Tin Mừng đơn sơ này có thể tạo một bước ngoặt trong đời Kitô hữu.
Chúng ta sẽ được nếm một mối phúc mới:
Phúc cho ai làm một việc tốt mà không được ai biết đến và đáp lễ.
Họ sẽ được Thiên Chúa “đáp lễ” trong ngày phục sinh (c. 14).

Cầu nguyện:

Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm an nghỉ,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

6 THÁNG MƯỜI MỘT

Thánh Thể, Trung Tâm Của Cộng Đoàn

Bằng cách nào một cộng đoàn được khai sinh? Vấn nạn ấy tìm thấy câu trả lời tuyệt vời của nó nơi Đức Kitô: cộng đoàn không được khai sinh chủ yếu từ sức lực và sáng kiến của chính chúng ta. Chính Đức Kitô xây dựng cộng đoàn Kitô hữu. Và chính công việc loan báo Tin Mừng là nhân tố quy tụ các tín hữu lại với nhau (GH 26; PO 4). Nguyên lý hướng dẫn một cộng đoàn giáo xứ là: Lời Chúa được công bố. Dân Thiên Chúa lắng nghe Lời Ngài, suy gẫm Lời Ngài và áp dụng Lời Ngài vào cuộc sống thường ngày. Họ tìm cách “hội nhập chân lý vĩnh cửu của Đức Kitô vào những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống” (PO 4). Thật vậy, chỉ lắng nghe Lời Chúa mà thôi thì không đủ. Chỉ công bố Lời Chúa mà thôi cũng không đủ. Cần phải sống Lời Chúa nữa.

Cộng đoàn Kitô hữu được khai sinh từ Lời Chúa, nhưng trung tâm và chóp đỉnh của đời sống cộng đoàn là việc cử hành Thánh Thể (CD 30). Qua Thánh Thể, cộng đoàn cắm rễ vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Nhờ Đức Kitô, Dân Thiên Chúa được đi vào trong mối hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Đời sống của một cộng đoàn có chiều sâu thẳm như thế! Và đó là ý nghĩa của các cử hành phụng vụ – những cử hành được cắm rễ nơi cung lòng Thiên Chúa. Qua các cử hành ấy, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, Đấng đã chết, đã sống lại, và đang sống giữa chúng ta.

Thánh Thể mạc khải cho chúng ta ý nghĩa của lao động, ý nghĩa của những khó khăn gian khổ mà chúng ta đương đầu trong cuộc sống đời thường. Ý nghĩa của mọi nỗi đau buồn được soi chiếu rõ. Vì khi được kết hợp với hy tế của Đức Kitô, tất cả sẽ trở thành một lễ phẩm dâng lên Thiên Chúa và trở thành nguồn sống cho chúng ta. Không gì có thể chặn đứng được sự tăng triển của một cộng đoàn nếu cộng đoàn ấy luôn biết sống như một cộng đoàn Phục Sinh – một cộng đoàn cùng chết và sống lại với Chúa Kitô (Rm 6, 4-8)

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 06-11

Rm 11, 29-36; Lc 14, 12-14.

Lời suy niệm: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới được có phúc, vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

          Chúa Giêsu luôn dành mọi ưu tiên cho những người nghèo khó, bệnh tật cũng như những con người bị loại ra bên lề xã hội. Và chính Giáo Hội Chúa cũng đặt vấn đề ưu tiên cho người nghèo. Thông điệp Lauđatô si’ gần đây của Đức Thánh Phanxicô khi đề cập đến bảo vệ môi trường của ngôi nhà chung, ngài cũng đặt vấn đề là phải quan tâm đến lợi ích và đời sống của những người nghèo khắp nơi trên hành tinh đang phải sống..

          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn biết tôn trọng phẩm giá của nhau, và luôn biết quan tâm giúp đỡ những người đang gặp cơ cực và nghèo khó, vì tất cả đều là hình ảnh của Chúa, và Chúa đang hiện diện nơi sâu thẳm nhất nơi mỗi tạo vật mà Ngài đã tạo dựng. Amen

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

06 Tháng Mười Một

Ðồng Bạc Nhân Nghĩa

Một câu chuyện ngụ ngôn của Nga kể rằng: Có một nhà phú hộ kia khi gần chết lòng trí vẫn chỉ nghĩ đến tiền của là động lực đã thúc đẩy ông lao lực không biết mệt mỏi suốt cả cuộc đời. Dùng chút sức tàn, ông cố gỡ chiếc bao nhỏ đeo ở cổ, lấy ra chiếc chìa khóa trao cho người đầy tớ trung tín nhất của ông. Ông phú hộ ra dấu chỉ chiếc rương nằm trong góc nhà và ra lệnh cho cô ta lấy những túi tiền vàng ở trong đó bỏ vào quan tài.
Khi chết xong, ông bắt đầu sống cuộc đời mới.

Ðứng trước chiếc bàn dài trưng bày đủ thứ cao lương mỹ vị, ông ta hỏi: “Món này giá bao nhiêu vậy?”. Người bán hàng trả lời: “Một xu”. Ông phú hộ chỉ một món khác kém giá trị hơn và hỏi: “Còn hộp cá mòi kia giá bao nhiêu?”. “Cũng một xu”, người bán hàng nhã nhặn trả lời.

Thấy người bán hàng vui tính ông phú hộ tiếp tục hỏi: Còn miếng bánh này?”. “Tất cả các vật trưng bày ở đây đều được bán với giá một xu”, người bán hàng cho biết.

Ông phú hộ mỉm cười thỏa mãn. Rẻ thật, ông nghĩ thầm. Rồi sau một hồi ngắm nghía, ông chọn một đĩa thức ăn lớn. Nhưng khi ông lấy một đồng tiền vàng mang theo lúc từ giã cõi đời ra trả, cô thu tiền không nhận. Cô ta vừa lắc đầu vừa nói: “Ông đã học được quá ít trong cuộc sống”. Nghe nói thế ông phú hộ không khỏi ngạc nhiên, gặn hỏi: “Thế nghĩa là gì? Ðồng tiền vàng của tôi không đủ để trả cho đĩa thức ăn này sao?”.

Bấy giờ người thu tiền mới cho ông biết: “Ở đây chúng tôi chỉ nhận những đồng tiền mà trong cuộc sống trước đây ông đã dùng để giúp đỡ cho những người nghèo túng, đói khổ”.

Tại những vùng chịu ảnh hưởng của Phật Giáo đến từ Trung Hoa, vào những ngày giỗ hay ngày tư, ngày tết, các phật tử có thói quen đốt những giấy tiền vàng bạc với niềm tin là qua đó họ có thể gửi tiền ấy cho ông bà, cha mẹ đã quá cố để họ có thể tiêu xài nơi chốn suối vàng.

Những người Công Giáo cũng thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với những thân nhân đã qua đời bằng cách dâng những hy sinh và kinh nguyện đặc biệt trong tháng 11 mỗi năm. Cộng vào đấy, là những hành động bác ái, chia sẻ, làm thay cho những người đã từ biệt cõi đời.

Lúc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nêu bật thật rõ ràng ý nghĩa của biến cố “Nhập Thể” của Ngài: Ngài không những “làm người” trong một thân xác duy nhất, ngài còn đồng hóa mình với tất cả mọi người để nếu chúng ta yêu thương bất kỳ ai, đó là chúng ta cũng yêu mến Ngài.

Ðể sống trọn ý nghĩa của tháng 11, tháng các đẳng linh hồn, chúng ta không chỉ dâng lời cầu nguyện cho những người đã khuất bóng, nhưng cũng hãy gia tăng những việc từ thiện bác ái, chia cơm sẻ áo với những anh chị em thiếu thốn đang sống bên cạnh, để dâng các công đức ấy cho các đẳng, đồng thời cũng để thâu nhập cho chính chúng ta những công nghiệp có giá trị vĩnh cửu trong cuộc sống mai hậu.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Hai – Tuần 31 – TN1

Bài đọc: Rom 11:29-36; Lk 14:12-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đường lối của Thiên Chúa và của con người.

Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng suy xét thật cẩn thận trước khi làm các việc thiện nguyện trong cộng đòan hay bác ái xã hội. Họ tính tóan xem những công việc này có đem lại những lợi ích cho cá nhân hay cộng đòan của họ; chẳng hạn: cho đi với hy vọng sẽ nhận lại, bố thí để tìm hư danh, chỉ đi cầu nguyện cho người chết nào mà mình hy vọng cũng sẽ được gia đình người chết đến cầu nguyện cho khi mình chết.

Các Bài đọc hôm nay đề nghị chúng ta thay đổi hòan tòan những tính tóan ích kỷ này. Trong Bài đọc I, thánh Phaolô khuyên chúng ta tìm học để thấu hiểu đường lối của Thiên Chúa trong việc cứu độ con người. Ngài chọn dân tộc Do-thái trước để chuẩn bị đường cho Đấng Thiên Sai; kế tiếp, Ngài mở đường cứu độ cho hết mọi người; sau cùng, Ngài sẽ cứu những người Do-thái cứng lòng không chịu tin Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải làm ơn cho những người không thể trả ơn đời này; nhưng chính Chúa sẽ giúp họ trả ơn cho chúng ta đời sau.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào!

1.1/ Ba giai đoạn trong Kế-hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Một điều làm thánh Phaolô không thể hiểu là tại sao nhiều người Do-thái không chịu tin vào Đức Kitô, dù họ là dân tộc được Thiên Chúa lựa chọn để chuẩn bị đường cho Ngài đến; trong khi biết bao nhiêu Dân Ngoại lại tin vào Ngài. Chương 11 của Thư Roma là nơi thánh Phaolô cắt nghĩa sự khó hiểu này. Thánh Phaolô quả quyết: “Cả người Do Thái lẫn Dân Ngọai đều có thể được hưởng ơn trong kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa.” Để hiểu bài đọc, chúng ta có thể chia làm ba giai đoạn chính trong kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.

(1) Từ ban đầu cho tới khi Chúa Giêsu đến: Dân Ngoại là những người không tin và vâng phục Thiên Chúa. Thánh Phaolô lý luận:

– Tuy chưa được nghe về Thiên Chúa, nhưng Dân Ngọai vẫn bị kết tội vì vinh quang của Chúa biểu lộ khắp nơi qua việc sáng tạo và quan phòng vũ trụ. Họ có thể dùng trí khôn ngoan của họ để nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và tin vào Ngài (Rom 1:19-21), nhưng họ đã không làm như thế.

– Người Do Thái rất hãnh diện vì có Chúa Tể trời đất là Thiên Chúa của họ và Ngài ban cho họ Lề Luật; nhưng có người Do-thái nào tuân giữ tất cả Lề Luật đâu. Vì thế, họ có thể bị luận phạt nhiều hơn vì có Luật mà không chịu giữ.

(2) Từ thời Chúa Giêsu đến cho tới thời Cánh Chung: Vì người Do-thái không tin, nên Tin Mừng Cứu Độ được rao giảng cho Dân Ngoại.

Thánh Phaolô được Chúa dùng đặc biệt để rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai. Chính người đã thú nhận: “Tôi xin ngỏ lời với anh em là những người gốc Dân Ngoại. Với tư cách là Tông Đồ các Dân Ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi, mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi (người Do-thái) phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó.”

Nhưng khi một số Dân Ngoại đã đón nhận Tin Mừng và tin nơi Thiên Chúa, họ lại kiêu hãnh coi thường hay ghét bỏ người Do-thái. Thánh Phaolô phải giải thích cho họ biết lý do tại sao họ không nên kiêu hãnh và coi thường chỗ đứng của người Do-thái trong kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: “Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?”

(3) Giai đoạn sau cùng: Chúa sẽ đưa người Do-thái trở về và cứu họ vì: “Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý. Lý do tại sao họ không vâng phục Thiên Chúa là để Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót.”

Và thánh Phaolô kết luận: “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người.” Con người chúng ta không thể hiểu nổi kế hoạch Cứu Độ nhiệm mầu của Thiên Chúa, chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người, biết cách xử dụng con người để hoàn tất kế hoạch Cứu Độ của Ngài.

2/ Phúc Âm: Làm ơn cho những người không có gì để trả.

2.1/ Hai thái độ sống: công bằng và bác ái:

(1) Lợi nhuận của người đời: “Ăn miếng trả miếng. Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Một ví dụ thực tế Chúa đưa ra hôm nay: Khi mở tiệc đãi khách, con người thường có khuynh hướng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giàu có, để đáp lễ hay hy vọng sẽ nhận được gì từ họ. Cách cư xử như thế mới chỉ là công bằng mà thôi.

(2) Bác ái của người môn đệ Chúa Kitô: “Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

2.2/ Tại sao phải giúp đỡ người nghèo khổ? Vì chúng ta cũng đã từng nhận ơn trong những lúc gian nan tuyệt vọng. Chỉ cần hồi tưởng lại quá khứ đôi chút, chúng ta cũng nhận ra đã không biết bao lần chúng ta đã từng nhận ơn nhưng không từ:

(1) Thiên Chúa: Ngài cho chúng ta có mặt trong cuộc đời, cho chúng ta hưởng tất cả những gì không do tay chúng ta làm ra, tha thứ tội lỗi khi chúng ta xúc phạm đến Ngài, và không ngừng gởi những người giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất khi chúng ta cần đến… Chúng ta đã trả ơn được gì cho Ngài?

(2) Tha nhân: Nếu không có các quốc gia mở lòng nhân đạo nhận người vào định cư, nếu không có các Hội Từ Thiện giúp đỡ những ngày chân ướt chân ráo đến định cư nơi đất khách quê người, làm sao chúng ta có thể sống ổn định như ngày hôm nay? Chúng ta đã trả lại được gì cho họ?

Vì chúng ta đã từng nhận nhưng không nên việc cho đi nhưng không là điều phải làm để đền ơn những gì chúng ta đã lãnh nhận trong cuộc đời. Chưa chắc chúng ta đã đền trả đủ theo đức công bằng chứ chưa nói tới chuyện bác ái!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa khác xa với tư tưởng và đường lối của con người. Chúng ta cần học hỏi và làm theo đường lối của Thiên Chúa, vì chúng sẽ đem lại hiệu quả cho chúng ta cả đời này lẫn đời sau.

– Để có thể sống đức bác ái trọn hảo, chúng ta phải để Chúa Kitô thấm nhuần tòan bộ con người: từ tư tưởng, suy luận, đến hành động. Để có thể cho đi nhưng không, cần xét mình thường xuyên để đánh giá những gì mình đã nhận nhưng không nơi Thiên Chúa và tha nhân.

– Để có thể giúp đỡ tất cả mọi người, phải tập nhìn thấy Chúa trong tha nhân. Đừng bao giờ quên đây là tiêu chuẩn Thiên Chúa sẽ dùng để phán xét (Mt 25). Nếu đã biết trước tiêu chuẩn mà vẫn không chịu làm theo; có sa hỏa ngục cũng là tự do lựa chọn của con người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************