Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai Tuần X Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: 2 Cr 1, 1-7
“Thiên Chúa an ủi chúng tôi để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân”.
Khởi đầu thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Phaolô, Tông đồ của Đức Giêsu Kitô do ý Thiên Chúa, và anh Timôthêu kính gởi Hội thánh Thiên Chúa tại Côrintô và hết thảy các thánh ở khắp miền Acaia: Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô, ở cùng anh em.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha nhân từ cùng là Thiên Chúa mọi niềm an ủi, là Đấng an ủi chúng tôi trong mọi nỗi gian truân, để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân, với niềm an ủi mà Thiên Chúa đã an ủi chúng tôi. Bởi vì cũng như các nỗi đau khổ của Đức Giêsu Kitô chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì nhờ Đức Kitô, chúng tôi cũng được an ủi chứa chan thể ấy. Nếu chúng tôi chịu gian truân là để anh em được an ủi và được cứu rỗi; nếu chúng tôi được an ủi là để anh em được an ủi; nếu chúng tôi được uỷ lạo là cho anh em được uỷ lạo và được cứu rỗi; niềm an ủi đó sẽ làm cho anh em kiên nhẫn chịu các nỗi đau khổ mà chính chúng tôi cũng đang chịu, hầu cho niềm hy vọng của chúng tôi về anh em được vững mạnh, (vì) biết rằng nếu anh em thông phần vào các nỗi đau khổ, thì anh em cũng sẽ thông phần vào niềm an ủi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Đáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).
Xướng:
1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. – Đáp.
2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. – Đáp.
3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. – Đáp.
4) Thiên thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao. Phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 1-12
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
07/06/2021 – THỨ HAI TUẦN 10 TN
Mt 5,1-12
CHÌA KHOÁ HẠNH PHÚC
“Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao.” (Mt 5,12)
Suy niệm: Có người nói, đến ba mươi tuổi người ta hướng đến ba mục đích, nhưng đến bốn mươi, chỉ còn nhắm hai, và ngoài năm mươi người ta chỉ nhắm đến một mục đích, rồi đến sáu mươi tuổi mới ngộ ra rằng đạt được hạnh phúc mới là mục đích của cuộc đời. Phải chăng suy nghĩ đó phản ánh não trạng tham vọng thực dụng, muốn chiếm hữu thật nhiều để hưởng thụ thật nhiều, thế rồi đến lúc nhận ra rằng mục đích tối hậu của cuộc đời mình không phải là những thứ đó, mà là phải đạt được hạnh phúc đích thực, thì đời mình đã xế chiều? Để giúp chúng ta khỏi bị lạc hướng, Chúa Giê-su ban cho chúng ta bộ chìa khoá mở ra tám cánh cửa dẫn vào hạnh phúc, đó là Tám Mối Phúc Thật. Chỉ cần một trong bộ tám chìa khoá đó là có thể mở ra cánh cửa dẫn vào hạnh phúc viên mãn và vĩnh cửu.
Mời Bạn: Người ta dễ lầm tưởng những niềm vui, khoái cảm, sự hưởng thụ cảm nhận được dễ dàng và tức thời trước mắt là đem lại hạnh phúc thật. Thế nhưng cũng dễ nhận thấy rằng những thứ “hạnh phúc” đó rất chóng qua, và một khi qua rồi, chúng để lại sự chán chường, trống rỗng. Tám mối phúc thật của Chúa thoạt xem có vẻ là đau khổ, bất hạnh, nhưng chúng lại là phương thế thanh luyện những gì cản trở để mở rộng cánh cửa dẫn vào cõi hạnh phúc tròn đầy và không bao giờ phai tàn.
Sống Lời Chúa: Chọn một mối phúc thật làm châm ngôn sống trong ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho chúng con chìa khoá hạnh phúc từ đời này để mở cửa bước vào niềm vui tối hậu mai sau, xin cho chúng con sống trọn vẹn hạnh phúc chúng con lựa chọn.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm
Đức Đạt-lai Lạt-ma, vào mùa thu năm 1994 tại thủ đô nước Anh,
đã được mời chia sẻ về giáo huấn của Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng.
Một trong những bài chia sẻ đầu tiên là về các Mối Phúc.
Theo ngài các Mối Phúc dường như nói về nghiệp (karma), về nhân quả.
“Nếu bạn hành động như thế, thì bạn sẽ chịu hậu quả như thế.
Nếu bạn không hành động như thế, thì bạn cũng chẳng chịu hậu quả như thế.
Vậy rõ ràng nguyên lý nhân quả nằm ở trong giáo huấn của các Mối Phúc.”
Thật ra các Mối Phúc của Kitô giáo lại không bắt nguồn từ nguyên lý nhân quả,
dù mới đọc ta có cảm tưởng như vậy.
Các Mối Phúc bắt đầu bằng chữ “Phúc thay”,
kế đến nói lên ai là người được hưởng phúc ấy,
cuối cùng nêu lên lý do hay nền tảng của hạnh phúc ấy bằng chữ “vì”.
Hạnh phúc đích thật của người Kitô hữu không phải là “quả” tự nhiên
do “nhân” là việc lành phúc đức của họ.
Dù sống tốt đến mấy đi nữa, thì “nhân” ấy cũng không thể sinh “quả” ấy được.
“Quả” hạnh phúc của Kitô giáo là quà tặng lớn của Thiên Chúa cho con người.
Điều này được diễn tả qua những lối dùng động từ ở thể thụ động :
“sẽ được ủi an, sẽ được no thỏa, sẽ được xót thương, sẽ được gọi.”
Trước khi giảng về các Mối Phúc, Đức Giêsu đã loan báo :
“Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần bên” (Mt 4, 17).
Nước Trời người Do thái mong đợi đã đến với sự hiện diện của Đức Giêsu.
Quà tặng nhưng không của Thiên Chúa đã được trao ban,
chẳng phải do công sức của con người.
Hãy mở lòng ra đón lấy Nước ấy bằng cách hối cải, bỏ đời sống cũ.
Nhưng hơn thế nữa, còn phải đón nhận một lối sống mới cho phù hợp.
Bài giảng trên Núi, và các Mối Phúc, cho thấy hướng sống
của những ai muốn đón nhận quà tặng Nước Trời với bao hạnh phúc kèm theo.
Để nhận được quà tặng vô giá ấy, để được hưởng hạnh phúc vô bờ ấy,
cần cung kính đưa hai tay để đón lấy với lòng khiêm hạ và biết ơn.
Sống theo các Mối Phúc là có thái độ trân trọng cung kính ấy.
Không đưa tay thì cũng chẳng được quà.
Nhưng không phải cứ đưa tay là có quà,
nếu Thiên Chúa không muốn cho trước khi ta xin.
Kitô giáo không dựa trên nguyên lý nhân quả.
Cung kính đưa tay là sống nghèo khó, cậy dựa vào Thiên Chúa,
là hiền lành, là chịu sầu khổ, chịu bách hại vì Đức Kitô.
Cung kính đưa tay là có lòng thương xót, có tinh thần xây dựng hòa bình,
là làm tất cả mọi sự với quả tim trong sáng, không chút vẩn đục.
Khi làm như thế chúng ta hy vọng được chạm đến Thiên Chúa,
thậm chí được nếm biết Nước Trời ngay từ đời này (cc. 3. 10).
Chúng ta có thể viết thêm những mối phúc mới
qua những kinh nghiệm trong cuộc đời Kitô hữu.
Có bao niềm vui lớn nhỏ mỗi ngày mà ta cảm nhận khi sống lời dạy của Giêsu.
Chỉ khi ấy ta mói thấy thật sự lời của Ngài là Tin Mừng.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG SÁU
Ngài Tạo Nên Con Người Có Nam Có Nữ
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình; Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Người nam và người nữ được tạo dựng với phẩm giá bình đẳng trong tư cách là những ngôi vị chia sẻ cùng một sự duy nhất của tinh thần và thể xác. Tuy nhiên, họ khác nhau về thể lý và về tâm lý. Thực vậy, hữu thể con người mang dấu vết của cả nam tính lẫn nữ tính.
Đó là một dấu vết khác biệt, song đó cũng là một dấu vết cho thấy đặc tính bổ sung lẫn cho nhau. Ta có thể nhận ra điều ấy qua bản trình thuật Gia-vít về cuộc sáng tạo. Người nam, khi nhìn thấy người nữ mới được tạo dựng, thốt lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Đó là những tiếng nói vui mừng và sung sướng khi con người cảm nhận được một hữu thể giống như mình về mặt yếu tính.
Đó là sự phong phú trong công cuộc sáng tạo loài người. Có những dị biệt về tâm lý và về thể lý giữa hai phái tính, tuy nhiên hai bên bổ khuyết cho nhau. Thật là một di sản độc đáo của con cháu A-đam xuyên qua giòng lịch sử của mình. Hôn nhân nhận lấy sự sống của nó cũng chính từ thực tại này. Hôn nhân được thiết lập từ đời đời bởi chính Đấng Tạo Hóa: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.”
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 07/6
2Cr 1, 1-7; Mt 5, 1-12.
LỜI SUY NIỆM: Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ…”
Khởi đầu chương năm của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trình bày cho mỗi người trong chúng ta về: “Tám Mối Phúc Thật”. Với Tám mối phúc thật này sẽ đẫn đưa con người đi vào cõi phúc đời đời đó là: Nghèo khó – Hiền lành – Sầu khổ – Khát khao nên người công chính – Xót thương người – Có tâm hồn trong sạch – Xây dựng hòa bình – Bị bách hại vì sống công chính . Đặc biệt là những ai vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Lạy Chúa Giêsu. Với Tám Mối Phúc Chúa đã đưa ra. Xin cho mỗi thành viên trong chúng con được ơn ban của Chúa, để chúng con có thể sống trọn vẹn một trong tám mối phúc ấy.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
07 Tháng Sáu
Bằng Lòng Với Cuộc Sống
Sau một thời gian cần cù và chắt chiu, một người đàn ông nọ đã trở thành người giàu có nhất trong ngôi làng nhỏ bé của mình.
Từ lúc mua đươc một con lừa, anh ta mới có ý nghĩ làm một chuyến đi xa cho biết đó biết đây. Anh đến một ngôi làng khác lớn hơn ngôi làng của anh. Một ngôi nhà thật đẹp và sang trọng đập vào đôi mắt của anh. Sau khi dò hỏi, anh biết được đó là ngôi nhà của người giàu có nhất trong làng.
Anh bèn trở về ngôi làng nhỏ bé của mình và quyết trí làm ăn, dành dụm để có thể may ra xây được một ngôi nhà đẹp hơn ngôi nhà mà anh vừa trông thấy ở ngôi làng bên cạnh. Không mấy chốc, tiền bạc dư dả, không những anh đã xây được một ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ hơn mà còn mua được cả đàn ngựa và xe nữa.
Lần này, anh vượt qua các ngôi làng nhỏ để đến một đô thị lớn. Tại đây, đâu đâu anh cũng thấy những ngôi nhà đẹp và ngôi nhà nào cũng đẹp hơn ngôi nhà của anh. Anh nghĩ bụng: cho dẫu có lao nhọc cả quãng đời còn lại, anh cũng không tài nào có thể xây được một ngôi nhà đẹp như thế.
Anh bèn tiu nghỉu đánh xe quay lại ngôi làng cũ của mình. Nhưng rủi thay, xe gặp tai nạn, anh đành phải bỏ chiếc xe để leo lên lưng ngựa cố gắng chạy về ngôi làng cũ của mình. Nhưng dọc đường, vì mệt mỏi và đói lả, ngựa cũng lăn ra chết. Người đàn ông chỉ còn biết lủi thủi đi bộ về nhà.
Ðêm đến, giữa sa mạc, anh nhìn thấy một ánh lửa bập bùng từ xa. Anh nấn ná tìm đến và khám phá ra túp lều của một vị ẩn sĩ. Vào trong túp lều, người đàn ông mới nhận ra rằng có lẽ trong đời anh, chưa bao giờ anh thấy có cảnh nghèo nàn cùng cực hơn.
Anh ái ngại nhìn nhà tu hành rồi thắc mắc: “Thưa ông, làm sao ông có thể sống được trong cảnh cùng cực như thế này?”.
Nhà ẩn sĩ mỉm cười đáp: “Tôi bằng lòng với cuộc sống… Thế còn ông, xem chừng như ông không được thỏa mãn về cuộc sống của ông cho lắm”. Người đàn ông ngạc nhiên hỏi: “Sao ông biết tôi không được thỏa mãn?”. Nhà ẩn sĩ nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối diện rồi thong thả nói: “Tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của ông. Ðôi mắt của ông cứ chạy theo giàu sang, nhưng sự giàu sang không bao giờ đến với ông… Ông hãy nhìn cảnh hoàng hôn. Ông có thấy những ánh sáng yếu ớt đang chiéu rọi trên cánh đồng không? Chúng tưởng mình đang soi sáng cả vũ trụ. Nhưng không mấy chốc, các ngôi sao mọc lên, và những tia sáng hoàng hôn biến mất. Những ánh sao tưởng chúng đang soi sáng cả bầu trời, nhưng khi mặt trăng vừa ló rạng, thì những ánh sao ấy cũng bắt đàu tắt ngụm. Vầng trăng sáng kia tưởng mình soi sáng cả trái đất, nhưng không mấy chốc, mặt trời mọc lên và mọi thứ ánh sáng của đêm đen đều biến mát. Nếu những thứ ánh sáng trên đây đều biết suy nghĩ về những điều ấy, thì có lẽ chúng sẽ tìm thấy nụ cười đã đánh mất”.
Nghe câu chuyện ví von của nhà hiền triết, người đàn ông mở miệng mỉm cười, nhưng nỗi buồn vẫn còn thoáng trên gương mặt ông.
Vị ẩn sĩ tiếp tục câu chuyện: “Ông cso biết rằng sánh với tôi, ông là vua không?”. Người đàn ông tự nhiên so sánh căn nhà của mình với túp lều của vị ẩn sĩ. Nhưng đó không phải là điều mà vị ẩn sĩ muốn nói đến… Ông cầm chiếc đèn đưa lên cao và mời người đàn ông đến gần bên mình.
Dưới ánh đèn, người đàn ông mới nhận ra rằng vị ẩn sĩ là người không còn ngay cả đôi chân để có thể di chuyển một cách bình thường.
Giữa cuộc hành trình đầy cam go, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor. Chúa Giêsu muốn dùng thứ ánh sáng từ trên núi cao ấy để chiếu rọi vào cuộc tử nạn mà Ngài sắp trải qua, cũng như chính nỗi hoang mang lo sợ của các môn đệ khi Ngài loan báo cái chết… Xin cho ánh sáng Phục Sinh của Chúa chiếu rọi vào cuộc sống đầy âm u, tăm tối của chúng ta. Xin cho chúng ta biết đón nhận từng đớn đau, thử thách trong cuộc sống với tinh thần lạc quan, phó thác, chấp nhận và hân hoan, vì tin rằng bên kia tăm tối là ánh sáng Phục Sinh đang chờ đón chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai – Tuần 10 – TN1 – Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 1:1-7; Mt 5:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nghịch lý giữa Thiên Chúa và con người.
Con người đi tìm vinh quang sang giầu, Chúa dạy: Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó. Con người dùng mọi khôn ngoan mánh lới để vượt khỏi người khác, Chúa dạy: Phúc cho những ai hiền lành. Con người trốn tránh đau khổ và dùng mọi cách để thoát khỏi buồn sầu, Chúa dạy: Phúc cho những ai sầu khổ.
Bay mối phúc là những điều dạy của một nhà cách mạng trên tất cả các nhà cách mạng; chúng là một thách đố lớn lao cho những ai tin vào Chúa Giêsu. Phải chăng Chúa Giêsu quá lý tưởng? Phải chăng những lời dạy của Chúa Giêsu cung cấp cơ hội cho những nhà tư bản bóc lột dân nghèo và để cho những bất công xã hội tha hồ xảy ra? Hai ví dụ giúp chúng ta nhận định vấn đề: (1) Mẹ Têrêxa, tuy có rất nhiều người ngưỡng mộ, nhưng cũng có nhiều người chỉ trích là lấy của nhà giàu bóc lột người nghèo để giúp đỡ người nghèo. Tại sao Mẹ không lên tiếng chống bất công và cải tổ xã hội để đừng có hai giai cấp giầu và nghèo nữa? Một phản ứng như thế sẽ trị tuyệt gốc sự phân chia giữa gai giai cấp và loại bỏ các bất công xã hội! (2) Chúa Giêsu, tuy có dư uy quyền để đáp ứng nguyện vọng của người Do-thái trông đợi nơi Đấng Thiên Sai; nhưng lại chọn làm một Đấng Thiên Sai hiền lành và đau khổ để chuộc tội cho con người! Ma quỉ đã từng cám dỗ Ngài trong sa mạc hãy làm những điều mà con người khao khát: Hãy biến đá thành bánh ăn! Hãy làm phép lạ như gieo mình xuống vực thẳm! Hãy cho con người những vinh quang sang giầu! Nếu Ngài làm như thế, con người sẽ tin vào Ngài. Chúng ta có bao giờ tự hỏi: Nếu Chúa Giêsu làm như thế, có bao nhiêu người tin Chúa đến bây giờ?
Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những chất liệu để suy tư. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô cho chúng ta hai lý do để chịu đựng đau khổ: để được Thiên Chúa an ủi, và để chúng ta an ủi những ai cần được chúng ta an ủi. Trong Phúc Âm thánh Mathew, Chúa Giêsu cho con người biết Tám Mối Phúc trong cuộc đời; những điều này hoàn toàn ngược lại với những gì mà con người thường hay suy nghĩ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tại sao con người phải chịu đựng gian khổ.
1.1/ Chịu đựng gian khổ là cho hai mục đích: Sau khi chào thăm các tín hữu ở Corintô, thánh Phaolô tuyên xưng: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an.” Tại sao một Thiên Chúa uy quyền và giàu lòng thương xót như thế, đã không ban cho con cái những gì họ ưa thích; lại còn bắt họ phải trải qua những gian nan, thử thách, đau khổ? Thánh Phaolô liệt kê hai lý do chính:
(1) Để Thiên Chúa có cơ hội nâng đỡ và ủi an chúng ta: Một điều trước tiên chúng ta cần hiểu rõ: Thiên Chúa không ác tâm đến độ bắt con người chịu gian khổ để Ngài có cơ hội an ủi con người; nhưng Ngài để những gian khổ xảy ra vì những thay đổi trong trời đất hay vì sự lạm dụng tự do của con người. Thứ đến, không có điều gì quan trọng hơn trong cuộc đời cho bằng mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa: Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự; và đau khổ là cơ hội hết sức thuận tiện để con người phát triển mối liên hệ này. Thánh Phaolô quả quyết: “Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách.” Tình yêu thường phát triển trong hoàn cảnh túng thiếu và đau khổ; và rất ít khi phát triển lúc con người sung sướng hạnh phúc.
(2) Để chúng ta biết nâng đỡ và ủi an nhau: Điều răn thứ hai là yêu người: Đau khổ không những giúp chúng ta phát triển mối liên hệ với Thiên Chúa, mà còn chuẩn bị cho chúng ta có cơ hội yêu tha nhân như thánh Phaolô nói: “để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.” Tục ngữ Việt-nam có câu “Có đau mắt thì mới biết thương người mù.” Câu này có ý muốn nói mặc dù ai bị đau mắt, người ấy sẽ cảm thấy rất khó chịu; nhưng không thể so sánh với người bị mù, vì họ hoàn toàn quờ quạng trong đêm tối. Cũng thế, khi chúng ta đã trải qua những gian nan thử thách; ví dụ: đói khát, chúng ta biết phải đau khổ thế nào; vì thế, khi chúng ta nhìn thấy một người mẹ bồng con ăn xin, chúng ta dễ thông cảm và giúp đỡ cho mẹ con bà.
1.2/ Thánh Phaolô chịu đựng gian khổ cho các tín hữu ở Corintô: Cuộc đời thánh Phaolô là một ví dụ tuyệt vời để dẫn chứng lý do tại sao Chúa để cho con người chịu đau khổ. Trước khi trở lại, Phaolô là một người nhiệt thành đến độ quá khích: Ngài không dung thứ cho những ai sống ngược lại với Lề Luật và truyền thống. Sau biến cố trên đường đi Damascus, Phaolô đã dần dần thay đổi hoàn toàn, vì Chúa Giêsu muốn Phaolô chịu đau khổ cho việc rao giảng và bành trướng Tin Mừng. Phaolô phải chịu nhiều hiểu lầm, đánh đòn, bắt bớ, tù đày… nhưng thánh nhân vẫn can đảm tiến tới, vì Chúa Giêsu luôn đồng hành và an ủi Ngài. Những điều này giúp Phaolô nhận ra tình thương của Thiên Chúa và giúp ngài đại lượng hơn trong việc giảng dạy và giúp đỡ các tín hữu.
2/ Phúc Âm: Bay mối phúc thật
2.1/ “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” Đây là một lời dạy không dễ hiểu, chúng ta cần xem xét bằng những ví dụ thực tế để hiểu Chúa Giêsu thực sự muốn nói gì: Nghèo khó là có phúc? Người nghèo khó không đủ của ăn nên sinh tật ăn cắp làm ô danh Chúa? Người nghèo khó quá đay nghiến Thiên Chúa vì đã bỏ rơi mình? Nhiều người ví sống trong nghèo khó, thiếu thốn như là sống trong hỏa ngục! Ngược lại, có phải giàu có là vô phúc? Người giàu có lấy của Thiên Chúa ban để giúp cho việc mở mang Nước Chúa như bà Lydia giúp Phaolô có nơi ăn ở để rao giảng Tin Mừng?
Nói chung, nghèo khó giúp con người biết trông cậy nơi Thiên Chúa, giàu có làm con người tin tưởng nơi quyền năng và sức lực của mình, nên dễ bỏ quên Thiên Chúa. Khi con người đã có đầy đủ mọi sự trên trần gian, họ sẽ không màng tới việc tìm kiếm Nước Trời; trong khi những người nghèo có hoàn cảnh thuận tiện hơn để tìm Nước Trời và tin tưởng nơi Thiên Chúa.Ví dụ: Ở Việt-nam, các nhà thờ lúc nào cũng đầy người; họ vẫn sống và có thời giờ cho Thiên Chúa, tuy rằng họ nghèo khó. Bên Âu Mỹ, các nhà thờ chỉ còn lại những người già; họ lo kiếm tiền cho cuộc sống đến nỗi không còn giờ cho Thiên Chúa. Ở Việt-nam, ơn gọi làm tu sĩ và linh mục nhiều đến nỗi các chủng viện và dòng tu không có chỗ để nhận; bên Âu Mỹ, ơn gọi làm linh mục và tu sĩ khan hiếm đến độ các dòng tu phải đóng cửa, và hầu hết các dòng tu và giáo phận phải qua Việt-nam hay Phi Châu để tuyển mộ ơn gọi.
2.2/ “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” Một vị thánh đã nói: Thiên Chúa thương ai càng nhiều, Ngài càng gởi nhiều đau khổ đến cho người ấy. Vì thế, chẳng thà chịu đau khổ để được Thiên Chúa an ủi yêu thương; hơn là sống trong hạnh phúc mà không cảm nhận được tình thương Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Của cải của chúng ta ở đâu, lòng trí của chúng ta sẽ ở đó. Nếu Nước Trời là kho tàng mà chúng ta ước ao, chúng ta hãy sống theo Mối Phúc Thứ Nhất như Chúa Giêsu dạy.
– Chúa thương ai càng nhiều, Ngài càng gởi nhiều đau khổ cho kẻ ấy; vì họ sẽ được Ngài an ủi, và họ sẽ biết ủi an những ai đồng cảnh ngộ. Nếu chúng ta mong được mến Chúa yêu người, đừng kêu ca khi Chúa gởi đau khổ tới như Mối Phúc Thứ Ba mà Chúa dạy.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************