Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai Tuần V Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: St 1, 1-19
“Thiên Chúa phán: và xảy ra như vậy”.
Trích sách Sáng Thế.
Từ nguyên thuỷ Thiên Chúa đã tạo thành trời đất. Đất còn hoang vu trống rỗng, tối tăm bao trùm vực thẳm, và Thần trí Thiên Chúa bay sà trên mặt nước.
Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng”. Và có ánh sáng. Thiên Chúa thấy ánh sáng tốt đẹp, Người phân rẽ ánh sáng khỏi tối tăm. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, tối tăm là đêm. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
Thiên Chúa phán: “Hãy có một vòm trời ở giữa nước, phân rẽ nước với nước”, và Thiên Chúa làm nên vòm trời, và phân rẽ nước phía trên vòm trời với nước dưới vòm trời. Và xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là trời. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.
Thiên Chúa phán: “Nước dưới trời hãy tụ tại một nơi, để lộ ra chỗ khô cạn. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ khô cạn là đất, và Người gọi khối nước là biển. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Và Thiên Chúa phán: “Đất hãy trổ sinh thảo mộc xanh tươi mang hạt giống, và cây ăn trái phát sinh trái theo giống nó, và trong trái có hạt giống, trên mặt đất. Và đã xảy ra như vậy. Tức thì đất sản xuất thảo mộc xanh tươi mang hạt theo giống nó, và cây phát sinh trái trong có hạt tuỳ theo loại nó. Và Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.
Thiên Chúa còn phán: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm; và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất, và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 103, 1-2a. 5-6. 10 và 12. 24 và 35c
Đáp: Nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa (c. 31b).
1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài mặc lấy oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác. – Đáp.
2) Ngài dựng vững địa cầu trên nền tảng, cho tới muôn đời nó chẳng lung lay. Ngài dùng biển che phủ nó như áo che thân, trên ngọn núi non muôn ngàn nước đọng. – Đáp.
3) Ngài lệnh cho mạch nước tràn ra thành suối, chúng chảy rì rào giữa miền non núi. Bên cạnh chúng, chim trời cư ngụ, từ trong ngành cây vang ra tiếng hót. – Đáp.
4) Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ngài đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 6, 53-56
“Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
++++++++++++++++++
08/02/2021 – THỨ HAI TUẦN 5 TN
Th. Giê-rô-ni-mô Ê-mi-li-a-nô
Mc 6,53-56
CHẠM ĐẾN CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CHÚA CHỮA LÀNH
“Người đi tới đâu… người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ… và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.” (Mc 6,55-56)
Suy niệm: Đời vốn là bể khổ; thời đại nào con người cũng phải đối mặt với những bệnh nan trị. Dân chúng chạm đến giới hạn của mình khi bất lực trước những đau khổ bủa vây. Khi hay tin Đức Giê-su xuất hiện, họ tuôn đến với Người. Họ khao khát, đặc biệt các bệnh nhân, được chạm đến Chúa dù chỉ là qua tua áo của Ngài thôi, thì họ cũng toại nguyện. Chạm đến tua áo cũng chính là chạm đến con người Đức Giê-su. Cũng có nghĩa là chạm đến cánh cửa thần linh, để Ngài mở ra cho họ nguồn mạch ân sủng quyền năng và tình yêu vô biên của Ngài, để phá vỡ sự bế tắc bất lực họ đang đối mặt; và như thế nhờ họ được Chúa chữa lành.
Mời Bạn: Bạn có nhận ra mình đang mắc căn bệnh thiêng liêng nào khiến mình trở nên yếu nhược và cần được chữa lành không? Mời bạn tìm cách chạm đến Chúa và để Ngài chữa lành. Thật ra Ngài đã tìm cách để bạn chạm đến Ngài hay đúng hơn Ngài đã thân hành đến để đón chờ bạn khi Ngài mở sẵn những cánh cửa thần linh đó là Tin Mừng và các bí tích, để mỗi khi bạn chạm đến, Ngài liền tuôn đổ muôn ơn phúc thiêng liêng cho bạn.
Sống Lời Chúa: Đến với Chúa Giê-su trong Bí tích Hoà giải để Người chạm đến tâm hồn bạn, để bạn cảm nếm lòng nhân hậu của Ngài, và chữa lành bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết và dám để Chúa đụng chạm đến tâm hồn con. Nhờ đó, không những con được chữa lành thương tích tâm hồn, mà còn được múc lấy nguồn sinh lực thiêng liêng là ân sủng Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy Niệm:
Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tiếp nối bài tuần trước,
cho ta thấy Đức Giêsu đã sống một ngày sabát như thế nào.
Ngài đã đến hội đường Caphácnaum, đọc Sách Thánh.
Bỗng nhiên có chuyện xảy ra (Mc 1,23-27).
Một người bị thần ô uế nhập, la to trong hội đường.
Đức Giêsu quát mắng nó và bắt nó phải xuất ra.
Nó vâng lời nhưng đã thét lên một tiếng lớn trước khi xuất.
Chuyện ồn ào náo động xảy ra ở đây là chuyện bất ngờ,
bất ngờ với mọi người, và cả với Đức Giêsu.
Khi việc phục vụ ở hội đường đã hoàn tất,
Đức Giêsu và bốn anh môn đệ ngư phủ về lại nhà của Simôn.
Có lẽ mọi người chờ một bữa cơm trưa.
Tiếc thay bà mẹ vợ của Simôn lại đang sốt, nằm trên giường.
Sau khi nghe về tình trạng sức khỏe của bà,
Đức Giêsu quyết định làm phép lạ chữa bệnh đầu tiên.
Ngài lại gần, chẳng nói gì, chỉ cầm lấy tay bà và nâng dậy.
Lạ thay, cơn sốt lui đi, bà khỏe lại và lo dọn bữa cho cả nhóm.
Chữa bệnh cho bà mẹ vợ ông Simôn cũng là chuyện bất ngờ,
nằm ngoài dự kiến của Thầy Giêsu.
Thầy có biết rằng khi ngày sabát đã kết thúc
thì có cả một đoàn người chờ đợi Thầy ngoài cửa không?
Họ đau đủ thứ bệnh tật, họ bị hành hạ bởi quỷ ô uế.
Họ cần một người chữa lành, cần một người trừ quỷ.
Họ từ nhiều nơi kéo đến vì đã nghe danh Thầy.
Thầy Giêsu hẳn đã phục vụ họ từ khi mặt trời lặn đến khuya.
Nhưng số người chờ đợi vẫn còn nhiều, mà sức thì có hạn.
Trước mắt Thầy là cả một thế giới khổ đau mênh mông
đến độ Thầy cảm thấy bất ngờ và quá tải.
Có ai nâng đỡ Thầy trong sứ vụ này không?
Đức Giêsu không chỉ bị bất ngờ bởi những chuyện xảy ra,
Ngài còn có thể vô tình hay cố ý tạo ra những bất ngờ.
Sau một giấc ngủ tương đối ngắn,
Ngài đã thức dậy sớm, ra khỏi nhà khi trời còn tối mịt.
Ở nơi vắng vẻ, Ngài gặp Đấng đã sai mình, để được nâng đỡ.
Các môn đệ thức dậy, không thấy Thầy, hốt hoảng đi kiếm.
Phải một thời gian sau họ mới tìm được nơi Thầy cầu nguyện.
Họ chỉ mong ép Thầy về nhà, để tiếp tục công việc tối qua.
Thầy Giêsu đã làm môn đệ bất ngờ khi từ chối trở về.
Lần đầu tiên, Thầy không chiều theo ý họ.
“Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc xung quanh,
để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (Mc 1,38).
Thầy Giêsu kéo họ ra khỏi ngôi nhà ở Caphácnaum.
Có thể đây là ngôi nhà của Simôn và gia đình ông đang ở.
Thầy đòi họ ra đi, dù đám đông bệnh nhân vẫn đang chờ.
Sứ mạng Cha giao không cho phép Thầy dừng lại,
nên các môn đệ cũng phải đi theo Thầy.
Một ngày sa bát của Đức Giêsu ở Caphácnaum đã trôi qua.
Một ngày với những bất ngờ không tính trước được.
Nói cho cùng, ngày nào của Ngài cũng đầy bất ngờ.
Mỗi bất ngờ là một cuộc hẹn của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã bình an đón lấy những bất ngờ mỗi ngày.
Ngài không cứng nhắc trong chương trình do mình ấn định,
nhưng để Cha từ từ dẫn đi từng bước.
Chúng ta có chấp nhận những bất ngờ khó chịu,
những điều làm vỡ kế hoạch mỗi ngày của ta không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Mỗi ngày con gặp bao chuyện bực mình.
Có những chuyện xảy ra làm con không vừa ý,
khiến ngày sống của con vắng bóng niềm vui.
Làm sao con có thể đón nhận mọi sự
với nụ cười bao dung,
và coi những trắc trở
như chuyện bình thường của cuộc sống?
Làm sao con dám tin rằng
Chúa vẫn giúp con tìm thấy ý Chúa
qua những chuyện không vui,
đòi con từ bỏ cái tôi,
qua những chuyện không may,
làm con giật mình tỉnh ngộ?
Xin cho con bình an trước vấp váp của con,
và nhẹ nhàng trước vấp váp của người khác.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
8 THÁNG HAI
Nghệ Thuật Giúp Di Dưỡng Tâm Linh
Các nghệ sĩ là những người đóng góp rất lớn cho nhân loại. Lao động của họ hậu thuẫn một cách đầy hiệu năng cho sự cứu độ của con người – bởi vì họ giúp bồi bổ cảm thức tâm linh của người ta. Khi người ta chiêm ngắm nghệ thuật và vẻ đẹp của nghệ thuật, người ta đắm mình trong nguồn cảm hứng. Cảm thức tâm linh của người ta được thăng hoa. Người ta như chạm được sức hút của cõi tinh thần thuần túy. Người ta như thoáng bắt gặp Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc và cứu cánh của mọi sắc dạng tinh thần.
Ýù thức sâu sắc về điều này, Giáo Hội “luôn luôn đề cao nghệ thuật và luôn luôn tìm tòi sự phục vụ cao quí của nghệ thuật… Giáo Hội vẫn thu dụng các loại hình nghệ thuật qua mọi thời. Thật vậy, dọc theo bao thế kỷ, Giáo Hội đã vun đắp nên một kho tàng nghệ thuật rất đáng trân trọng bảo tồn” (PV 43).
Cũng vậy, nghệ thuật thời đại chúng ta hôm nay – của mọi dân tộc – vẫn tìm thấy khung trời mênh mông để thể hiện chính mình giữa lòng Giáo Hội, miễn là qui hướng phục vụ Thiên Chúa với niềm tôn kính xứng hợp.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 08/2
Thánh Giêrônimô Êmilianô
Thánh Jôsêphina Bakhita, trinh nữ
St 1, 1-19; Mc 6, 53-56.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu.”
Tại vùng đất Ghen-nê-xa-rét, dân chúng nghe tin Người ở đâu, thì cáng bệnh nhân đến đó, và họ chỉ xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người, để được chữa lành. Bởi vì họ nhận ra Người là Đấng có quyền năng và đầy lòng yêu thương nên họ đã đặt hết niềm tin vào Người. Trong hiện tại, Chúa Giêsu cũng đang hiện diện ở giữa chúng ta qua mọi Thánh Lễ hằng ngày, Chúa còn ngự trong Nhà Tạm. Và Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa đang chờ đợi từng người trong chúng ta đến với Người, để Người ban ơn. Ơn tối cần thiết cho mỗi người; đó là ơn tha tội cho chúng ta. Nhưng rồi chúng ta lại thờ ơ, không muốn đến, để nhận lãnh; để được chữa lành. Chúng ta đã không có được đức tin giống như dân miền Ghen-nê-xa-rét. Họ đã đến, đã tin và đã được chữa lành.
Lạy Chúa Giêsu. Tất cả chúng con đều là tội nhân. Xin Chúa ban thêm đức tin cho mỗi người trong chúng con, cho chúng con luôn đến với Chúa trong mọi Thánh lễ; siêng năng viếng Thánh Thể và lãnh nhận các phép Bí Tích nhờ đó chúng con được chữa lành.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 08-02
Thánh HIÊRÔNIMÔ EMILIANÔ
Linh Mục, (1481-1537)
Cộng hoà Venitia lâm chiến với các vương quốc. Xuất thân từ một gia đình quí tộc. Hêronimô Emilianô nhập ngũ từ hồi niên thiếu. Phục vụ cho quê hương từ hồi 15 tuổi, Ngài sống cuộc đời phóng túng trong quân ngũ, cũng như tỏ ra rất can trường.
Vì vậy mà Ngài được nắm quyền chỉ huy cứ điểm Castelneve trên núi Trêvis. Pháo đài bị chiếm và Hêronimô bị bắt tù. Bị xiềng cổ, tay, chân vào một quả cầu bằng thạch cao để hết trốn thoát nổi. Ngài phải nằm bẹp trong nhà giam. Trong cơn thất vọng tột cùng, đức tin thời còn trẻ trung chỗi dậy như một ánh sáng và như lời quở trách… Cuộc đời Kitô hữu tồi tệ vẽ ra trước mắt. Hêronimô nhận biết mình đã phản nghịch Chúa cách nặng nề.
Ngài tự nghĩ lại mình không đáng chịu nỗi bất hạnh này sao ? Khi ấy với trọn tâm hồn, Ngài nguyện cầu Đức Trinh Nữ Maria và khấn hứa nếu được giải thoát Ngài sẽ đi chân không tới viếng đền Đức Bà Trêvisa và lôi kéo khách hành hương tới đó. Và Ngài đã được giải thoát cách lạ lùng. Đức Trinh nữ Trêvisa trở thành Bà Chúa của Ngài. Trên bàn thờ Đức Mẹ Ngài đặt xiềng xích và treo quả thạch cao để phổ biến lòng nhân hậu của mẹ đối với mình.
Trở lại Venitia, Hêronimô là một anh hùng và được lãnh nhận những vinh dự của quê hương. Nhưng Ngài không quên rằng: chính vì một sứ mệnh đối với Tin Mừng mà Ngài được gỡ khỏi cảnh tù đày. Hết rồi cuộc sống sáng tươi và phân tán, từ nay Ngài sẽ sống đời bác ái cao độ và thành quả của Ngài sẽ dẫn về cho Chúa những người nghèo, các em bị bỏ rơi, lang thang, nhơ bẩn, những kẻ không biết rằng mình có linh hồn.
Hêronimô trở thành cha của chúng. Ngài đi học để chịu chức linh mục. Năm (1518) 37 tuổi Ngài thụ phong linh mục, hiến mình làm việc bác ái, chia sẻ mọi lợi quyền cho người nghèo khó. Khi nạn đói, Ngài bán hết đồ đạc trong gia đình để phân phát cho họ. Ngài thuê nhà để qui tụ các trẻ em không nơi cư ngụ, nuôi dưỡng giáo dục và chuẩn bị cho chúng thành những công nhân Kitô hữu biết hòa trọn niềm vui tôn giáo. Chẳng hạn vào những ngày lễ, người ta thấy chúng mặc đồ trắng, từng đoàn đắt nhau đi viếng các nhà thờ ở Venitia, và ca hát trên các nhà thờ ở Venitia, và ca hát trên các công trường. Dân chúng mừng rỡ góp phần trợ giúp công cuộc cảm kích này.
Chân phước Gaelan và Phêrê Caraffa, người sẽ trở thành Đức Thánh Cha Phaolô IV đã đến Venitia. Lòng bác ái của Hêronimô làm cho các Ngài thán phục, vị tông đồ khi đã thiết lập xong công việc bác ái của mình sẽ đi lập nhiều nhà thương và các cô nhi vịên mồ côi ở những thành phố khác. Nơi nào Ngài nghĩ rằng không ai biết mình thì Ngài hoà mình hoàn toàn vào các đám dân nghèo, sống của bố thí và như họ dịu dàng truyền bá Phúc âm cho họ, Ngài cũng tìm chỗ nương thân cho các thiếu nữ không nơi nương tựa bị đe dọa thất thân.
Trẻ em cũng trở thành những trợ giúp đáng giá cho Ngài. Ngài dạy dỗ chúng và khiến chúng thành giảng viên giáo lý cho các trẻ em khác. Ngài còn săn sóc cho thân thể chúng nữa, lau gội những mái đầu bị trứng tóc như một người mẹ. Người ta cũng thấy Ngài gặt lúa với các nông dân, vừa làm vừa nói với họ những truyện trên trời. Rồi thánh nhân lui về một cái hang trong núi nhiều ngày đêm, để thờ lạy Chúa trong việc cầu nguyện, chay tịnh và sám hối.
Một nạn dịch xảy ra tàn phá xứ sở. Hêronimô Emilianô chạy ngược xuôi săn sóc bệnh nhân, vác người chết đi chôn. Nhiều khía cạnh anh hùng trong đời sống bác ái của thánh nhân đã ảnh hưởng tới hàng giáo sĩ và các giáo dân. Ngài lập một hội dòng để dạy dỗ trẻ em và các linh mục tương lai. Cộng đoàn đầu tiên được Ngài thành lập tại Somasca. Ngài sẽ thiết lập cả trăm học viện, đại học và chủng viện.
Đức Piô XI đã đặt thánh Hêronimô Emilianô làm thánh bảo trợ các trẻ em bị bỏ rơi.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
08 Tháng Hai
Sống Lạc Quan
Năm 1989,một cuộc thi toán quốc tế đã được tổ chức cho các thiếu nhi 13 tuổi thuộc sáu quốc gia trên thế giới. Kết quả cuộc thi đó cho thấy giỏi toán nhất là các em Ðại Hàn, kế đó là các em Tây Ban Nha, Anh Quốc, Ailen, Canada và đội sổ là các thiếu nhi Hoa Kỳ.
Song song với cuộc thi toán ấy, người ta cũng làm một cuộc thăm dò với chính các thiếu nhi cũng thuộc lứa tuổi ấy. Người ta đặt một câu khẳng định như sau: “Tôi là người giỏi toán”. Kết quả cuộc thăm dò cho thấy lạc quan nhất là các trẻ em Hoa Kỳ và bi quan nhất lại chính là các em Ðại Hàn. Gần 70% các em Hoa Kỳ tự nhận mình là giỏi toán trong khi đó chỉ có khoảng 20% các em Ðại Hàn tự nhận mình có thực tài.
Qua cuộc thi toán và thăm dò trên đây, người ta thấy rằng có thể các thiếu nhi Hoa Kỳ không phải là những trẻ em giỏi toán, nhưng chúng đã tiếp thu rất kỹ bài học về tính lạc quan do các thầy cô không ngừng giảng dạy tại trường. Nhiều nhà giáo dục người Mỹ muốn chứng minh rằng nghiện ngập, chửa hoang, bỏ học và hầu hết các tệ đoan xã hội khác đều có thể được giảm bớt nếu con người biết sống lạc quan, nghĩa là biết tự nhận và cảm thấy mình là những con người tốt.
Lạc quan là đức tính cơ bản nhất để thành công trong cuộc sống. Có tin tưởng nơi chính mình, có tin đời, có tín nhiệm nơi người khác, người ta mới dám bắt tay vào việc. Ngay cả khi gặp thất bại, thử thách, người lạc quan cũng không lùi bước, bỏ cuộc.
Trong cuộc sống đức tin, lạc quan là một trong những nhân đức quan trọng nhất. Người tín hữu lạc quan là người luôn đặt tất cả tin tưởng nơi Thiên Chúa. Người tín hữu lạc quan là người không bao giờ thất vọng về chính mình. Người tín hữu lạc quan cũng là người không bao giờ thất vọng về người khác.
Ðá tảng để người tín hữu xây dựng sự lạc quan của chính mình là Tình Yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vượt lên trên mọi tính toán, đo lường và sự tưởng tượng của con người, một tình yêu thủy chung.
Tình yêu ấy nói với con người rằng, không có một con người nào đốn mạt, yếu hèn, xấu xa đến nỗi Thiên Chúa đành phải bó tay.
Tình yêu ấy nói với con người rằng, nơi nào có tội lỗi và phản bội càng nhiều, thì nơi đó ân phúc được thi ân dồi dào hơn.
Tình yêu ấy nói với con người rằng, đau khổ, cái chết chưa là tận cùng mà là khởi đầu của vinh quang, của sự sống. Tình yêu ấy mạnh hơn sự chết, tình yêu ấy không bao giờ bỏ cuộc, đầu hàng.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 5 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Gen 1:1-19; Mk 6:53-56.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải biết ơn tác giả của sự sống.
Trong thế giới con người, chúng ta thường thấy có 2 hạng người tiêu biểu: một hạng người chịu để tâm nghiên cứu để tìm ra sự thật, nguồn gốc, và căn nguyên mọi lòai như: “Tôi đã tìm thấy Thiên Chúa trong vũ trụ.” Hay “Tôi đã tìm thấy Thiên Chúa nơi phòng thí nghiệm.” Ngược lại, có những người lười biếng, không chịu học hỏi lịch sử, và truy tầm nguồn gốc và căn nguyên của mọi lòai; lại còn có thái độ tự tôn, kiêu ngạo, và nghĩ mình có thể làm mọi sự; chẳng hạn lời tuyên bố của triết gia hiện sinh F. Nietzsche “Tôi đã giết chết Thiên Chúa!” hay lời phê phán của K. Marx, ông tổ cộng sản, về niềm tin vào Thiên Chúa: “Tôn giáo là thuốc phiện mê ngủ con người.”
Nếu con người chịu khó học hỏi lịch sử và tìm về nguồn cội, con người sẽ khám phá ra trái đất con người đang sống chỉ là một hành tinh nhỏ và mỏng giòn của vũ trụ, chứ không phải là trung tâm điểm hay cái rốn của vũ trụ như nhiều người lầm tưởng. Trái đất tự nó không thể sống một mình, nhưng tùy thuộc vào các hành tinh chung quanh; nhất là 2 hành tinh lớn mặt trời và mặt trăng. Nhận ra thân phận yếu đuối của mình sẽ giúp con người khiêm nhường hơn, biết ơn, và trông cậy vào sự khôn ngoan, uy quyền, và sức mạnh của Đấng Sáng Tạo.
Hai Bài Đọc hôm nay nói lên sự tương phản giữa Đấng Sáng Tạo uy quyền và con người yếu đuối bệnh tật. Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Sáng Thế Ký, dù không có một dụng cụ nghiên cứu thiên văn nào, cả hàng mấy ngàn năm trước đây, đã biết dùng trí óc lý luận của mình, nhận ra uy quyền sáng tạo của Thiên Chúa trong vũ trụ. Trong Phúc Âm, Thiên Chúa, tác giả của sự sống, cũng là người chữa lành mọi tật bệnh cho con người. Điều kiện để được chữa bệnh: con người phải nhận ra tình trạng bệnh tật của mình và đến với Thiên Chúa để được chữa lành.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa tạo dựng trời đất.
Điều đầu tiên chúng ta cần chú ý khi đọc trình thuật tạo dựng: Đây không phải là thứ tự những gì Thiên Chúa làm; nhưng là một tường thuật về công cuộc tạo dựng theo con mắt đức tin, dưới sự linh hứng của Thánh Thần. Tác-giả quan tâm tới ai là người sáng tạo, chứ không quan tâm đến cách thức chi tiết phải làm sao. Tác giả quan tâm đến sự thật đặt căn bản trên những sự kiện lịch sử, chứ không tới thứ tự lịch sử của những biến cố. Tác giả quan tâm đến sự cứu độ hơn là thần học về việc tạo dựng. Tác giả tường thuật công trình sáng tạo theo sự hiểu biết và suy tư của con người thời đó, khi chưa có những kiến thức khoa học về sự vận chuyển trong trời đất.
1.1/ Ngày thứ nhất, Thiên Chúa tạo dựng ánh sáng và phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối:
Ngay từ khởi thủy, chỉ có một Thiên Chúa; khác hẳn với những tôn giáo đa thần. Ánh sáng và bóng tối là do Thiên Chúa tạo dựng, cả hai đều ở dưới uy quyền của Thiên Chúa, chứ không là 2 thần khác nhau. Uy quyền của Thiên Chúa trên ánh sáng và bóng tối được diễn tả bằng việc Chúa muốn và phán và sự vật liền có, và Chúa gọi là sự vật liền được gọi. Theo tâm thức của người Do-Thái xưa, người được đặt tên là người có tòan quyền trên sự việc. Theo sự suy luận của tác giả, ánh sáng phải có trước khi làm các việc khác, nên Thiên Chúa tạo dựng ánh sáng trước khi tạo dựng các sự vật khác.
1.2/ Ngày thứ hai, Thiên Chúa tạo dựng bầu trời: Theo sự mô tả của tác-giả ở trên, tòan thể địa cầu bao bọc bởi nước; do đó, địa cầu cần được phân chia ranh giới hẳn hoi. Để làm điều này, Thiên Chúa chế tạo một cái vòm, và bầu trời giống như hình một cái phễu lớn giổng ngược để phân rẽ nước phía trên và nước phía dưới. Chỗ nước chảy xuống được khóa lại và mở ra khi muốn làm mưa.
1.3/ Ngày thứ ba, Thiên Chúa phân tách đất liền ra khỏi biển và tạo dựng cây cỏ: Sau khi đã phân cách nước phía trên, Thiên Chúa phân cách nước phía dưới khi Thiên Chúa phán: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra.” Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là “đất,” khối nước tụ lại là “biển.” Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
Chỗ nào có đất là có cây cỏ mọc. Theo sự suy nghĩ của tác gỉa, đến lúc Thiên Chúa tạo dựng chúng nên Ngài phán: “Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tuỳ theo loại, trong có hạt giống.” Liền có như vậy. Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tuỳ theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tuỳ theo loại. Điều cần chú ý là tiềm năng sự sống và sự tái tạo đã có trong các hạt giống khi Thiên Chúa tạo dựng; và không bao giờ cạn. Bao lâu còn đất, các hạt giống sẽ sinh hoa trái cho con người hưởng dùng.
1.4/ Ngày thứ tư, Thiên Chúa tạo dựng các hành tinh: mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao.
Có lẽ tác giả phân biệt 2 thứ ánh sáng: ánh sáng của ngày thứ nhất là để nhìn, và ánh sáng đến từ mặt trời. Có lẽ tác giả chưa đủ kiến thức để biết ánh sáng ban ngày đến từ mặt trời. Thiên Chúa nghĩ: Để phân biệt ngày với đêm, cần có 2 nguồn sáng khác nhau, nên Thiên Chúa phán: “Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất.” Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chữa lành con người.
2.1/ Bệnh tật đe dọa sự sống con người: Tuy Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành; nhưng những điều dữ luôn đe dọa con người, một trong những điều dữ này là các bệnh tật. Bệnh tật có nhiều nguyên do, một trong những nguyên do chính là sự ô nhiễm môi trường và tính vô trách nhiệm của con người.
2.2/ Con người nhận ra tác giả của sự sống: Trình thuật kể: “Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu. Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.” Hai điều kiện để được chữa lành bệnh: (1) Nhận ra mình mắc bệnh, và (2) Chạy đến với Chúa Giêsu, tác giả của sự sống, để được chữa lành.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Mọi vật có là do Thiên Chúa tạo dựng. Tuy trình thuật của Sách Sáng Thế Ký không mô tả chi tiết và lý do, nhưng đó là sự thật về nguồn gốc và căn nguyên của sự vật.
– Thiên Chúa là tác giả của sự sống. Ngài tạo dựng mọi sự: nước, đất, ánh sáng, hạt giống … để bảo vệ sự sống của muôn lòai. Không phải ngẫu nhiên có sự sống như nhiều người lầm tưởng.
– Quan sát thiên nhiên và đọc trình thuật tạo dựng giúp con người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo muôn lòai muôn vật.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************